Vụ Đồng Tâm: Tuyên bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền
Thông Cáo Báo Chí
Vào ngày 25/6/2020, nhà cầm quyền thủ đô Hà Nội đã công khai cáo trạng chống lại 29 người khiếu kiện đất đai ở xã Đông Tâm, huyện Mỹ Đức. Một ngày trước đó, lực lượng an ninh của Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ bốn người bảo vệ nhân quyền là bà Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Thị Tâm, và hai ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì các hoạt động ôn hòa của họ.
Trở lại vào ngày 9/1/2020, vào khoảng 3 giờ sáng, Bộ Công an và Sở Công an Hà Nội đã triển khai hàng ngàn cảnh sát chống bạo động đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và tấn công tư gia của ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người đã lãnh đạo dân trong xã bảo vệ cánh đồng Sênh chống lại ý chí của nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức nhằm chiếm đất để giao cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel. Trong cuộc tấn công này, công an đã bắn chết ông Lê Đình Kình. Sau đó công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi mà không hỏi ý kiến gia đình ông.
Ngoài ra, công an còn bắt giữ vợ ông Lê Đình Kình, bà Dư Thị Thành, đánh đập bà trong một nỗ lực để buộc bà phải đưa ra lời khai không đúng về cái chết của chồng mình. Cảnh sát cũng bắt giữ hàng chục dân làng Hoành, cáo buộc họ đã gài bẫy và thiêu chết ba 3 sỹ quan công an trong vụ tấn công, mặc dù phía công an không đưa ra các nhân chứng và bằng chứng vật chất, bao gồm cả xác chết của 3 người này để chứng minh vụ giết người này.
Trước và sau vụ tấn công đẫm máu vào Đồng Tâm, nhiều nhà hoạt động ở Dương Nội, đặc biệt là cựu tù nhân lương tâm Cấn Thi Thêu và hai con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, cùng với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tâm (Facebooker Tâm Dương Nội), lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ dân oan ở Đồng Tâm. Các thông tin nhân quyền của họ đã dược truyền tải cho người dân địa phương và cộng đồng quốc tế, đồng thời tố cáo các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam trong trường hợp này. Đáp lại, xã hội dân sự và các bên liên quan quốc tế kêu gọi một cuộc điều tra độc lập nhưng đến nay Việt Nam từ chối tất cả các lời kêu gọi về tính minh bạch và trách nhiệm.
Thay vì điều tra vụ tấn công xã Đông Tâm để xác định trách nhiệm, trong đó có vụ giết ông Lê Đình Kình, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã trả thù những người bảo vệ nhân quyền.
Vào ngày 24 tháng 6, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ bà Cấn Thị Thêu và hai con trai của bà Trịnh Bá Phương và Trịnh Bà Tư, cùng bà Nguyễn Thị Tâm, cáo buộc họ “tuyên truyền chống nhà nước” nhằm làm câm lặng và ngăn cản hỗ trợ đối với người dân Đồng Tâm. Việc buộc tội và giam giữ rõ ràng là một sự trả thù có động cơ chính trị đối với hoạt động bảo vệ nhân quyền của họ.
Đồng thời, nhà chức trách tuyên bố truy tố 25 dân oan Đồng Tâm bị bắt trước đó để chịu trách nhiệm về cái chết của ba sĩ quan công an trong cuộc đột kích. Bốn người khác bị truy tố về cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Quy trình xét xử quốc tế và các tiêu chuẩn xét xử công bằng đã không được đáp dụng cho những người bị giam giữ.
Trước các hành động trên của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền tuyên bố:
1 / Người dân xã Đông Tâm đã thực hiện một cuộc đấu tranh chính đáng để bảo vệ quyền của họ chống lại sự chiếm đoạt đất tùy tiện cùa nhà cầm quyền Hà Nội để chuyển giao cho với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel.
2 / Việc huy động hàng ngàn cảnh sát chống bạo động tấn công xã Đồng Tâm vào giữa đêm làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng, và cái chết của ông Lê Đình Kình nên được coi là một vụ giết người phi pháp theo luật pháp quốc tế. Những người chỉ đạo và thực hiện cuộc tấn công này phải chịu trách nhiệm, phải bị điều tra và chịu sự trừng phạt theo pháp luật.
3 / Việc bắt giữ và truy tố 29 người Đồng Tâm là không có cơ sở và có động cơ chính trị khi sử dụng hình phạt tập thể nhằm đe dọa những người dân khác trong việc chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền ở Đông Tâm. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng huỷ bỏ các cáo buộc này và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện, điều tra các báo cáo đáng tin cậy về tra tấn và cưỡng chế, cũng như việc phát sóng những lời thú tội cưỡng bức của bốn người bị bắt trên kênh truyền hình quốc gia vào ngày 13/1/2020.
4/ Việc bắt giữ và khởi tố bốn người bảo vệ nhân quyền tại Dương Nội vào ngày 24/6 là độc đoán nhằm trả thù việc họ thực thi ôn hoà quyền tự do ngôn luận của mình. Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội xóa bỏ mọi cáo buộc đối với hai cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và Nguyễn Thị Tâm và hai người bảo vệ nhân quyền Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện. Theo luật pháp quốc tế, họ có quyền hưởng bồi thường về việc bị bắt giữ và giam giữ độc đoán này.
Chúng tôi tin rằng việc không điều tra những người chịu trách nhiệm về sự việc Đồng Tâm và truy tố 29 người khiếu kiện đất đai địa phương với những cáo buộc sai trái “giết người” và “chống lại người thi hành công vụ” cũng như việc bắt giữ 4 người hoạt động nhân quyền ở Dương Nội với cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống lại nhà nước” là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, vi phạm cả luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Việt Nam có nghĩa vụ nghiêm túc điều tra những hành vi vi phạm này và chịu trách nhiệm đưa những kẻ vi phạm ra trước pháp luật. Việc bỏ qua cho các hành vi vi phạm nghiêm trong này sẽ làm xói mòn lòng tin vào pháp quyền trong việc trừng phạt tội ác của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân yêu thích tự do và sự thật cùng lên tiếng để đòi hỏi công lý cho các nạn nhân được đề cập ở trên.
Ngày 7 tháng 7 năm 2020
Thay mặt Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam: Trưởng ban Điều hành,
TS Nguyễn Bá Tùng
Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền: Chủ tịch, Vũ Quốc Ngữ
Theo Báo Tiếng Dân (08.07.2020)
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ra đời, khuyến khích ‘cạnh tranh’ giữa các tổ chức
Trang web của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam.
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam vừa được thành lập với hy vọng đại diện cho quyền lợi chính đáng của người lao động, sẵn sàng “cạnh tranh” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Dù vướng những khó khăn trước mắt về thủ tục pháp lý và tính chính danh của một hội đoàn chưa được nhà nước công nhận, sự ra đời của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt cho hàng triệu người lao động Việt trước cánh cửa hội nhập quốc tế.
Benn Đặng, Tổng thư bý của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), cho biết ý nghĩa và mục đích của việc ra đời tổ chức này.
“Chúng tôi là một tổ chức phi chính trị, bất vụ lợi. Chúng tôi được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, muốn theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam vừa tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).”
“Sự kiện này đánh dấu một bước mở, tức là xã hội Việt Nam đang ngày càng mở hơn, dần theo kịp các giá trị phổ quát của các nước phương Tây,” ông Benn Đặng nhận định.
Thông báo thành lập của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam hôm 21/06/2020. Photo VietnamIndependentUnion.org
Trong thông cáo thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đăng hôm 21/6, tổ chức này viết: “Thực tế cho thấy, chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
“Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng,” thông cáo của VIU viết.
Thông cáo cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.”
Trước đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi Luật Lao động. Cụ thể, ngày 20/11/2019, Quốc Hội Việt Nam thông Luật Lao động sửa đổi, trong đó cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), công đoàn chính thức duy nhất hiện nay. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng “Quốc hội Việt Nam đã ban hành một đạo luật lịch sử, cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở.” Chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng việc cho phép thành lập công đoàn độc lập là “một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn lao động quốc tế.”
Tuy Luật Lao động đã cho phép nhưng Luật Công đoàn chưa được chỉnh sửa, và vì vậy cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản dưới luật nào đưa ra hướng dẫn việc thành lập một công đoàn độc lập cơ sở. VIU kỳ vọng sẽ được sớm đăng ký thành lập và được công nhận tại Việt Nam.
Ông Benn Đặng nói:
“Tôi kỳ vọng VIU sẽ được đăng ký và hoạt động chính thức tại Việt Nam. Nhưng có lẽ câu chuyện này không xảy ra trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian và sự cho phép của chính quyền Việt Nam.”
Việc lo ngại của VIU là hoàn toàn có căn cứ vì các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch gần đây lên án rằng chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều khoản của Bộ Luật hình sự để bắt giam và trấn áp các hội đoàn độc lập chỉ vì các nhóm này lên tiếng chỉ trích chính quyền. Trường hợp các thành viên của Phong trào Lao động Việt bị bắt trước đây và Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập bị bắt cuối năm ngoái và những tháng gần đây có thể lý giải cho việc lo ngại của VIU.
Ông Claudio Francavilla, một chuyên gia có trụ sở tại Brussels thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng Bộ luật hình sự của Việt Nam “sẽ tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội ngay cả khi các tổ chức công nhân độc lập được phép thành lập.”
Trong thông cáo thành lập hôm 21/6, VIU cho biết cố vấn của tổ chức này là bà Nguyễn Nguyên Bình, trung tá quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt nam trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược. Bà Nguyễn Nguyên Bình là con của cố lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Ngoài ra, thông cáo còn cho biết ông Bùi Thiện Tri hiện là Chủ tịch của VIU.
Với khẩu hiệu Đoàn kết – Tương trợ – Phát triển, trang thông tin của VIU – tuy mới được hình thành, nhưng đăng tải hàng loạt các tin tức cập nhật về các vấn đề lao động trong nước, tư vấn luật lao động, quan điểm – bình luận. Trang Facebook của VIU cũng được nhiều người theo dõi và bình luận.
Theo VOA (07.07.2020)
Toà án Việt Nam kết án Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng 8 năm tù
Facebooker Nguyễn Đức Quốc Vượng tại Toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hôm 7/7/2020 nhandan.com.vn
Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng tuyên án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với nhà hoạt động Nguyễn Đức Quốc Vượng trong phiên tòa diễn ra chỉ khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ vào sáng ngày 7 tháng 7 năm 2020.
Ông Vượng bị truy tố tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Vượng cho rằng bản án này là quá nặng và ông cho biết những điểm bất thường trong phiên tòa như sau:
“Họ dựa vào cái bản kết luận giám định vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Thật ra cái bản kết luận giám định này chỉ có giám định 14 cái video clip thôi, còn trong đó thì có tất cả 98 cái.
Họ chỉ có giám định 14 cái nhưng mà họ lại kết luận là 98 cái vi phạm.
Trong cái bản kết luận giám định đó cái thứ nhất, tôi nói với họ rằng là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Bên Văn hóa thông tin huyện Đơn Dương tố cáo và Sở Thông Tin Truyền Thông giám định, tức là cùng hệ thống đó một đằng thì tố cáo một người đi giám định“.
Theo luật sư Miếng, bản Kết luận giám định của Sở Thông Tin Truyền Thông tỉnh Lâm Đồng cho rằng là họ không có có căn cứ để xác định 366 bài viết và 98 video clip live stream của Nguyễn Quốc Đức Vượng làm ra có gây cho người dân sự lo lắng hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thông qua những clip này hay không.
Mặc dù vậy bản kết luận này vẫn được dùng để làm căn cứ buộc tội đối với ông Vượng.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có tuyên bố về phiên tòa sơ thẩm đối với ông Vượng như sau:
“Ông Nguyễn Quốc Đức Vương đang có nguy cơ bị ngồi tù vì dám bày tỏ ý kiến của mình trên Facebook. Điều này là tàn nhẫn và không thể chấp nhận.
Việt Nam phải công nhận rằng việc thể hiện quan điểm chính trị trái với đường lối của đảng cộng sản không phải là tội phạm.
Ông ấy đã hành động phù hợp với quyền tự do ngôn luận mà Việt Nam hứa hẹn, nhưng đã không được duy trì trong nhiều thập kỷ.
Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng nên bỏ mọi cáo buộc chống lại Nguyễn Quốc Đức Vương và trả tự do cho ông ta ngay lập tức.
Chính phủ Việt Nam nên chấm dứt đàn áp đối với các blogger và các nhà hoạt động, và trả tự do cho tất cả những người mà họ đã giam giữ chỉ vì họ dám nói những gì họ nghĩ.“
Theo RFA (07.07.2020)
Nguyễn Quốc Đức Vượng bị tám năm tù vì ‘chống phá nhà nước’
Bản quyền hình ảnhVNA/AFP/GETTYImage captionÔng Nguyễn Đức Quốc Vượng tại phiên tòa 7/7/2020
Tòa án tỉnh Lâm Đồng hôm thứ Ba ra án tù tám năm đối với một người bị kết tội đăng các tin chống phá nhà nước trên tài khoản Facebook cá nhân. Nguyễn Quốc Đức Vượng, 29 tuổi, bị truy tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Đăng tải trên Facebook cá nhân
Bị bắt hôm 23/9/2019, ông Vượng bị cáo buộc đã phát video trực tiếp (livestream) nhiều lần với tổng cộng 110 giờ đồng hồ, và đăng 336 bài viết (post) trên trang Facebook cá nhân của mình trong thời gian từ 28/6/2018 đến 3/9/2029 “có nội dung vi phạm pháp luật”.
Bản cáo trạng cũng nêu việc ông Vượng “từng đi thành phố Hồ Chí Minh để tham gia biểu tình phản đối ‘Luật đặc khu’, ‘Luật An ninh mạng’ vào thời gian 6/2018”, và “đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính 750.000 đồng về hành vi ‘Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng'”.
Bên cạnh tám năm tù, bản án tuyên hôm 7/7 có thêm hình phạt ba năm quản chế sau khi ông Vượng mãn hạn tù.
‘Bày tỏ quan điểm khác với ĐCS không phải là tội hình sự’
Bản quyền hình ảnhHRWImage captionHRW hôm 7/10/2019 kêu gọi giới chức trả tự do cho ông Nguyễn Quốc Đức Vượng
Bản tin đăng trên trang của HRW hôm 7/10/2019, chỉ ít hôm sau khi ông Vượng bị bắt, viết rằng:
“Dù không rõ chính xác những bài nào trên Facebook của anh Vượng làm chính quyền bất bình nhất, nhưng tài khoản của anh thể hiện nhiều góc nhìn độc lập có thể khiến Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam phật ý.
“Tuy nhiên, không thấy tin bài nào liên quan tới kích động phạm tội, bạo lực, thù hằn hay các nội dung khác vi phạm luật hình sự, phù hợp với quyền tự do ngôn luận mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng khi tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.”
Chỉ một ngày trước đó, tòa Lâm Đồng đã xét xử ba người khác và ra án tù nặng nhất là bảy năm với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Các ông Đặng Toàn Trung (68 tuổi), Đặng Quang Khánh (56 tuổi) và bà Trần Thị Ánh Hoa (57 tuổi), hôm 6/7/2020 bị cáo buộc tuyên truyền nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản, nói xấu lãnh tụ, và có những hành động khác “chống phá nhà nước”, báo Thanh Niên nói.
Việc bắt giữ các nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam đã diễn ra đều đặn, liên tục kể từ cuối năm ngoái tới nay, trong lúc Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng, Đại hội Đảng, vào 1/2021 tới đây.
Theo BBC (07.07.2020)
Thêm một Facebooker bị án tù giữa lúc VN tăng cường trấn áp trước Đại hội Đảng
Nguyễn Quốc Đức Vượng vừa bị kết án 8 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. (Twitter Phil Robertson)
Việt Nam hôm 7/7 tuyên phạt một Facebooker 8 năm tù giam vì tội “chống phá nhà nước” giữa lúc chính phủ tăng cường trấn áp các nhà hoạt động chính trị và những người bất đồng chính kiến khi đại hội Đảng 13 đang đến gần.
Nguyễn Quốc Đức Vượng, 29 tuổi, bị kết tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước XHCN Việt Nam” tại một phiên toà xét xử mà Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho VOA biết là “mau lẹ” ở Lâm Đồng.
Vị luật sư từng bào chữa cho công dân Mỹ gốc Việt Michael Nguyễn, người bị tuyên án 12 năm tù hồi năm ngoái về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, cho biết “phiên toà ngày hôm nay chỉ có một mình bị cáo với luật sư” với hơn 10 công an và một số nhà báo.
Đây được coi là một án an ninh quốc gia nên theo LS Miếng, cơ quan an ninh thường đưa ra lý do về mặt an ninh để không cho phép người thân trong gia đình bị cáo cũng như công chúng tới dự phiên toà xét xử mặc dù được coi là công khai.
Toà án tỉnh Lâm Đồng đã không triệu tập hai người giám định viên của sở thông tin và truyền thông – người đưa ra bản kết luận giám định mà toà dựa trên đó để kết luận ông Vượng có hành vi “truyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam và nói xấu ông Hồ Chí Minh” và đưa ra mức án 8 năm tù cùng 3 năm quản chế – mà LS Miếng yêu cầu đưa tới để đối chất.
Bản cáo trạng dài 4 trang cho biết rằng ông Vượng, người bị bắt giam từ ngày 23/9/2019, đã đăng tải 98 video phát trực tiếp với thời lượng tương đương 110 giờ và 366 bài viết “có nội dung xuyên tạc sai sự thật, phỉ báng chế độ và lãnh tụ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kích động chống Nhà nước, mong muốn thay đổi chế độ chính trị.”
Trong số những đăng tải gần đây nhất trên trang Facebook “Vượng Nguyễn” có bài viết của Dân trí về “gần 200 hội dân mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ sau 30 năm mua đất của nhà nước” ở Đắc Lắk hay “Dân kiện chủ tịch thành phố Hải Phòng” từ một đăng tải trực tuyến của Minh Khang, và trước đó là một bài viết trên Tuổi Trẻ với tiêu đề “Ông Trump: Trung Quốc đang có một năm tệ nhất trong 57 năm qua.”
Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) cho rằng bản án giành cho ông Vượng được tuyên hôm 7/7 là “vô nhân đạo và không thể chấp nhận được.”
Trong một đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 7/7, ông Robertson trích dẫn lời ông Vượng nói tại phiên toà ở Lâm Đồng: “Đứng trước luật pháp nước CHXHCN VN tôi đã vi phạm pháp luật, nhưng đối với lương tâm, tôi không thấy tôi có tội gì hết.”
Ông Robertson, người thường xuyên lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, kêu gọi chính phủ Hà Nội thả tự do cho ông Vượng.
Vụ xét xử ông Vượng được tiến hành chưa đầy hai tuần sau khi 4 người dân thường lên tiếng qua mạng xã hội về quyền đất đai của làng Dương Nội bị công an Hà Nội và Hoà Bình khởi tố cũng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021, theo nhận định của HRW vào tháng trước.
Hai thành viên của Hội Nhà báo Độc lập, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, đã bị bắt lần lượt vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua cũng với cáo buộc theo điều 117 của BLHS.
Cũng trong năm nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ 3 người sử dụng mạng xã hội, trong đó có nhà văn Phạm Chí Thành được biết tiếng qua blog “Bà Đầm Xoè” đều với cáo buộc ‘đăng tải thông tin lên Facebook và các trang mạng internet do có các quan điểm “chống phá” đảng và nhà nước.
Ba nhà bất đồng chính kiến khác, gồm Mã Phùng Ngọc Thu, Phan Công Hải và Chung Hoàng Chương, đã bị xét xử tại các phiên toà khác nhau trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, và nhận các mức án từ 9 tháng tới 5 năm tù vì những đăng tải trên Facebook được cho là vi phạm theo các điều 331 và 117 của BLHS.
Theo VOA (07.07.2020)
Bản tuyên bố phản đối tư pháp Việt Nam trong xét xử vụ Đồng Tâm
Cổng làng Hoành, xã Đồng Tâm AFP
Một bản tuyên bố được các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân lập ra hôm 5 tháng 7 năm 2020 với nội dung phản đối Tư pháp Việt Nam có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử vụ án Đồng Tâm.
Sau khi Bản tuyên bố được công khai trên mạng vào ngày 5 tháng 7 có bốn tổ chức và gần 20 cá nhân ký tên.
Bản Tuyên bố nhắc lại Cáo trạng mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội công khai ngày 25 tháng 6 năm 2020 nêu ra 29 bị can bị truy tố trong vụ án ‘giết người, chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm’. Trong đó, 25 người bị truy tố về tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm đến tử hình, và 4 người về tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt theo luật Việt Nam từ 2 đến 7 năm tù.
Theo Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội thì các ông Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy trực tiếp thực hiện hành vi giết người. 22 người còn lại bị cho tham gia với vai trò đồng phạm.
Bản tuyên bố chỉ ra rằng, có đến 25 bị can đối diện với án tử hình, nhưng đến nay các luật sư bào chữa vẫn chưa được tiếp cận được hồ sơ, chưa được tiếp xúc với các bị can, là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng luật tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp.
Những tổ chức xã hội dân sự và cá nhân lập bản tuyên bố, yêu cầu các cấp có thẩm quyền phải chuyển giao hồ sơ vụ án cho các luật sư tham gia bào chữa và cho các luật sư tiếp xúc các bị can. Đồng thời yêu cầu phiên tòa xét xử diễn ra trong sự tranh tụng công khai dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, để việc xét xử đúng theo qui định của pháp luật.
Xin nhắc lại, rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền cho một lực lượng đông đảo quân được trang bị vũ khí tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm giết ông Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, và bắt đi 29 người dân Đồng Tâm.
Theo RFA (06.07.2020)
Giới tranh đấu nên ưu tiên ‘minh bạch, sự thật’ hơn là ‘lật đổ cộng sản’?
Một cuộc biểu tình đòi minh bạch thông tin gần tòa nhà Quốc hội ở Hà Nội, tháng 10/2019. Photo EVA TV Vietnam.
Trong bối cảnh đến nay có gần 280 nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam giam giữ, hàng chục người khác phải sống lưu vong ở nước ngoài, một luật sư cho rằng giới hoạt động nên “xếp lại” mục tiêu đa nguyên, đa đảng, và hãy nhắm đến “minh bạch, sự thật” để tránh bị đàn áp.
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho biết trong thông cáo hôm 3/7 rằng tính đến ngày 30/6/2020, nhà nước cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc bằng các hình thức giam giữ khác.
“Họ là những blogger, luật sư, người hoạt động công đoàn, nhà hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký đã bị bắt giữ và kết án chỉ vì thực hiện một cách ôn hoà các quyền được bảo vệ bởi các công ước nhân quyền quốc tế và hiến pháp Việt Nam như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do của tôn giáo hoặc niềm tin”, theo thông cáo.
Vẫn tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nhấn mạnh trong thông cáo của mình rằng “Bộ Công an Việt Nam tiếp tục chính sách giữ tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm, trong điều kiện sống khó khăn để trừng phạt họ vì những hoạt động phi bạo lực nhưng có hại cho chế độ cộng sản nhằm phá vỡ sức mạnh tinh thần của họ”.
Ngoài những tù nhân lương tâm nêu trên, theo quan sát của VOA, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam trực tiếp ép buộc hoặc gián tiếp làm cho hàng chục nhà hoạt động, nhà đấu tranh phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Trong số họ là những tên tuổi quen thuộc như các ông bà Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Việt Khang, Trần Thị Nga, Lê Văn Sơn, Hoàng Dũng ở Mỹ; Bạch Hồng Quyền ở Canada, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Lê Nguyễn Hương Trà ở Đức; Trịnh Hữu Long ở Đài Loan, Nguyễn Trường Sơn ở Thái Lan, v.v…
Trước tình trạng nhiều người trong giới tranh đấu bị bỏ tù hoặc phải rời bỏ tổ quốc, ông Hà Huy Sơn, luật sư đã bào chữa cho nhiều nhà hoạt động, mới đây đưa ra quan điểm “hãy xếp lại mục tiêu đòi lật đổ chính quyền cộng sản”.
Luật sư Sơn viết trên Facebook cá nhân hôm 29/6: “Ở trong nước, Hiến pháp không cấm đa nguyên, đa đảng nhưng về thực chất là cấm. Tôi cho rằng người Việt trong và ngoài nước không nên từ bỏ mục tiêu này mà hãy xếp lại, và ưu tiên mục tiêu khác trước. Chẳng hạn hãy lựa chọn mục tiêu ‘Minh bạch, sự thật’ mọi vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước”.
Ông Sơn tiếp đến viết thêm rằng việc chọn mục tiêu mà ông gọi là “chính danh”, với hàm ý không trái với luật pháp hiện nay của Việt Nam, có tác dụng thu hút thêm người ủng hộ, tham gia, và có thể được chính quyền Việt Nam “thừa nhận”.
Giải thích vì sao ông nêu ra những suy nghĩ như vậy, luật sư Sơn nói với VOA:
“Quan điểm của tôi đưa ra xuất phát từ thực tế, từ tương quan lực lượng giữa những người đấu tranh với phía chính quyền. Nên đặt ra mục tiêu là những gì thực tế hơn thì sẽ hạn chế sự đàn áp của phía chính quyền”.
Cuối tháng 6/2020, chính quyền Việt Nam bắt giam 6 người vì “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng một ngày
Luật sư từng bào chữa các nhà hoạt động Việt Khang, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng và nhiều người khác nói thêm với VOA rằng cuộc đấu tranh vì công bằng, nhân quyền phải do các nhà hoạt động thực hiện “ở trong nước”.
Nếu vì đấu tranh mà những nhà hoạt động bị trục xuất, những nỗ lực của họ xem như “không đạt được mục đích”, chưa kể có thể có một số ít “khoác vỏ bọc” đấu tranh chỉ để đi định cư ở nước ngoài, thì việc làm của họ gây “phản tác dụng” cho phong trào chung, luật sư Hà Huy Sơn nói.
Từ Quận Cam, tiểu bang California, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải, người thường biết đến với cái tên blogger Điếu Cày, nói với VOA rằng ông phần nào có chung suy nghĩ với luật sư Sơn.
Ông Hải, từng bị chính quyền Việt Nam kết án tù 12 năm vì lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do và “tuyên truyền chống nhà nước”, bị buộc phải đi lưu vong khi án tù còn chưa kết thúc, bày tỏ:
“Ở Việt Nam, có những thời điểm, những lĩnh vực mà đưa ra tuyên bố có thể đem lại tác hại, đem lại sự đàn áp nguy hiểm cho anh em đấu tranh dân chủ. Ở trong nước, nhiều anh em không tuyên bố chống nhà nước, chỉ đòi dân chủ, nhân quyền, các quyền ghi trong hiến pháp, pháp luật. Nếu biết bắt đầu ở những điểm quan trọng thì nó cũng dẫn đến kết quả lật đổ cộng sản. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, lan truyền sự thật là những việc bao giờ cộng sản cũng sợ”.
Cựu tù nhân lương này khẳng định rằng trong 10 năm trở lại đây, nỗ lực của các nhà hoạt động vì tự do ngôn luận và sự thật đã làm xã hội Việt Nam minh bạch và cởi mở hơn rất nhiều, đồng thời cũng làm cho người dân “rút lại” sự tin tưởng vào đảng cộng sản, khiến cho đảng cầm quyền này “rất sợ”.
Từ kinh nghiệm của cá nhân và những người trong cùng hội Nhà báo Tự do, ông Hải nói khi ông và bạn bè bị bỏ tù vì đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều có thể dễ dàng lên tiếng phản đối việc nhà nước bỏ tù những người nói lên sự thật.
Nhưng đối với những người tuyên bố “chống” hoặc đòi “lật đổ chính quyền”, khi họ bị bỏ tù, các tổ chức khó bênh vực họ hơn, blogger Điếu Cày nói.
Vẫn theo ông, thay vì đưa ra tuyên bố quá mạnh mẽ, việc đặt ra mục tiêu gần gũi với người dân giúp thu hút thêm sự chung tay.
Nhiều cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi của Việt Nam năm 2010 chống 2 dự luật không được lòng dân
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hải đưa ra so sánh ẩn dụ rằng đứng trước nhà tù do chế độ cộng sản xây lên, nếu đòi hỏi ai cũng phải “vác búa tạ” để phá nó, nhiều người sẽ “không có sức” tham gia được.
Nhưng nếu mỗi người đều có thể dùng phương cách của mình, có những người “chỉ có thể cầm muỗng, cậy một hai viên gạch ra”, dần dần đến một ngày nhà tù sẽ “sụp đổ hoàn toàn”, blogger Điếu Cày nói.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Ngữ, một nhà hoạt động đang sống ở Việt Nam và là giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, có quan điểm khác. Ông Ngữ nói với VOA:
“Còn chủ nghĩa cộng sản thì không bao giờ có minh bạch, sự thật ở đây cả. Minh bạch, sự thật chỉ gắn với các chế độ đa nguyên, đa đảng, có tam quyền phân lập, có tự do báo chí. Ý kiến của anh Hà Huy Sơn là nửa vời, không triệt để”.
Trong quan điểm của mình, ông Ngữ cho rằng không thể tránh được những mất mát trong đấu tranh, bao gồm bị tù đày, bị trục xuất, thậm chí bị giết hại. Nhưng ông có niềm tin rằng cuộc đấu tranh dù “cam go” và có thể sẽ kéo dài nhiều năm, sẽ được nhiều người ủng hộ.
“Chính quyền có thể bắt giữ 100 người, 1.000 người, thậm chí vài nghìn người, nhưng khi những người đấu tranh lên đến hành chục nghìn người, thì chính quyền cộng sản sẽ phải từ bỏ sự cai trị”, ông Ngữ nói.
Tuy có thể khác nhau về phương cách, song “niềm tin” cũng là điều mà ông Nguyễn Văn Hải nhắc đến như một yếu tố hết sức quan trọng để bất kỳ cuộc đấu tranh nào đi đến thắng lợi. Ông nói: “Khi thấy những khó khăn trong cuộc chiến, có những người nản. Thử hỏi nếu trong nhà tù, chúng tôi cũng nản như thế thì làm sao chúng tôi sống được. Chúng tôi phải có niềm tin. Nếu không có niềm tin vào ngày mai, không có niềm tin việc mình làm là đúng, và nó đi đến kết quả, thì mình khó mà sống được với án tù dài như thế và trong nhà tù mình bị cô lập như thế. Cho nên giữ được niềm tin, lan tỏa niềm tin của mình đến những người khác là cả vấn đề, để phong trào phát triển, đi lên”.
Từ góc độ của mình, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải nhận xét rằng sự lên tiếng vì tự do ngôn luận trên mạng xã hội và các cuộc biểu tình đòi quyền lợi ở Việt Nam đã tiến những bước dài trong 10 năm qua, “sóng sau lớn hơn sóng trước”.
Ông khẳng định “cộng sản đã vỡ trận trên mặt trận truyền thông, không còn bưng bít thông tin được nữa”, song ông vẫn kêu gọi giới hoạt động tiếp tục phải “kiên trì” vì cuộc đấu tranh là “trường kỳ”, không tính bằng 10 năm hay 20 năm.
VOA (06.07.2020)