Nam Dương bắt giữ ba tàu cá Khánh Hoà trong vùng biển của Việt Nam

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/7/2020: tuần duyên Nam Dương bắt giữ một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Natuna của Nam Dương.  AFP

Cơ quan chức năng nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết có ba tàu của ngư dân tỉnh này vừa bị phía Nam Dương bắt giữ mặc dù những tàu này hoạt động đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam.

Mạng báo Khánh Hòa loan tin vừa nêu vào ngày 11 tháng 8 dẫn lời của ông Phạm Giùm, ngụ tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chủ chiếc tàu cá số hiệu KH-95758 rằng đây là tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Vào ngày 7 tháng 7, tàu xuất bến từ cảng Hòn Rớ. Đến gần 9 giờ sáng ngày 10 tháng 8 thì bị lực lượng chức năng Nam Dương bắt giữ. Qua theo dõi hệ thống định vị thì tàu này đang bị kéo vào vùng biển Nam Dương.

Công ty Trách niệm Hữu Hạn Lê Trứ, trụ sở cũng tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, cho hay có 2 tàu của công ty đang bị phía Nam Dương bắt giữ cũng vào sáng ngày 10 tháng 8. Tuy nhiên công ty không nói rõ số hiệu của hai chiếc tàu bị bắt.

Có 26 ngư dân Việt Nam trên ba chiếc tàu bị phía Nam Dương bắt và kéo về vùng biển của nước này.

Mạng báo Khánh Hòa dẫn lời ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, rằng theo dõi dữ liệu trên Hệ thống giám sát của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam thì từ ngày xuất bến đến thời điểm bị bắt cả ba chiếc tàu vừa nêu đều hoạt động hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, việc lực lượng chức năng Nam Dương bắt 3 tàu cá Khánh Hòa đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phi lý và cộng đồng ngư dân tỉnh Khánh Hòa phản đối mạnh mẽ biện pháp bắt giữ đó.

Nam Dương ngày càng có biện pháp mạnh đối với tàu cá nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt trong vùng biển của Nam Dương.

Vào tháng 6 năm ngoái, Việt Nam và Nam Dương đạt được thỏa thuận cùng phối hợp các lực lượng trên biển đối xử nhân đạo và tránh sử dụng vũ lực đối với ngư dân khi bị phát hiện đánh bắt trên vùng biển của hai phía.

RFA (12.08.2020)

Trung cộng gia tăng tập trận trên biển, đe dọa cả đảo Guam của Mỹ

Ảnh minh họa : Một cuộc tập trận của quân đội Trung cộng ở Biển Đông, với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, tháng 12/2016. REUTERS/Stringer

Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại các vùng biển bao quanh Trung cộng, từ vùng eo biển Đài Loan xuống đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Phi Luật Tân, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

Cuộc diễn tập gần đây nhất của Trung cộng diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.

Đây là một động thái hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến đấu cơ Trung cộng cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan từ Chủ Nhật 09/08.

Trang web bằng Anh Ngữ của Quân Đội Trung cộng đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung cộng là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ Azar.

Bài viết còn đe dọa rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung cộng “sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông Đài Loan hay gần đảo Guam”.

Theo giới phân tích, việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Phi Luật Tân này là nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu: Căn cứ Không Quân Andersen và Căn cứ Hải Quân Guam.

Lời đe dọa tập trận gần Guam được đưa ra trong bối cảnh rộ lên những thông tin về một loạt những cuộc tập trận khác mà Quân Đội Trung cộng đã và sắp tiến hành.

CNN cũng trích Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là các lực lượng trên bộ và trên biển của Trung cộng đã có nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ tấn công trong các tuần qua và sẽ tiếp tục những hoạt động này trong những tuần lễ sắp tới.

Trong số những cuộc tập trận gần đây, theo tờ báo, có cuộc tấn công giả định lên bãi biển trên đảo Hải Nam, bài tập đổ bộ ở tỉnh Quảng Châu, đợt diễn tập tấn công vượt biển ở tỉnh Phúc Kiến, và cuộc tập trận Không Quân phối hợp oanh tạc cơ, trang bị tên lửa, với các loại máy bay tiêm kích trên Biển Đông. Quân đội Trung cộng cũng đã lên kế hoạch cho một số cuộc tập trận bắn đạn thật trong tuần này và tuần sau.

RFI (12.08.2020)

Biển Đông: Trung cộng gặp gió ngược nhưng Việt Nam vẫn dè dặt

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên Biển Phi Luật Tân ngày 21/07/2020. Commander, Task Force 70 / Carri – Petty Officer 2nd Class Codie So

Tháng 7/2020 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong tình hình Biển Đông. Ngay sau khi chính quyền Donald Trump khẳng định trở lại, nhưng một cách mạnh mẽ hơn, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài vùng, bằng cách này hay cách khác đều có tuyên bố phản đối chính sách bành trướng của Trung cộng trong vùng biển Đông Nam Á. Dứt khoát khác thường là công hàm của Úc gởi lên Liên Hiệp Quốc.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là Việt Nam, nước hiện đang ở tuyến đầu trong mặt trận chống những hành vi áp đặt yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung cộng trên Biển Đông, sẽ phản ứng thế nào trước những chuyển biến trên đây, được cho là rất có lợi cho Hà Nội.

Trong bài phân tích “Phản ứng của Việt Nam trước những thay đổi trong cách Mỹ tiếp cận Biển Đông”, đăng ngày 03/08/2020 trên trang mạng của trung tâm tham vấn Mỹ Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại CFR (Council on Foreign Relations), chuyên gia Lê Thu Hường, thuộc viện nghiên cứu Úc ASPI, đã ghi nhận thái độ khá thận trọng của Việt Nam trước các chuyển biến mới đây trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ: Từ trung lập sang cáo buộc các hành vi “phi pháp” của Trung cộng

Đối với tác giả bài phân tích, yếu tố quan trọng nhất cần phải chú ý trong tình hình Biển Đông hiện nay là sự kiện Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ, chuyển từ một quan điểm trung lập cứng ngắt, không đứng về bên tranh chấp nào, sang một lập trường cứng rắn đối với Trung cộng, bác bỏ các yêu sách biển của Bắc Kinh bị xem là quá đáng và bất hợp pháp.

Theo chuyên gia Lê Thu Hường, chính quyền Donald Trump đã phản bác các yêu sách của Trung cộng, căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982, cũng như phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 phủ nhận tính hợp pháp của các yêu sách trong “đường lưỡi bò” Trung cộng.

Tác giả đặc biệt ghi nhận lời lẽ cứng rắn ngày 13/07 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong bản tuyên bố “Quan điểm của Mỹ về tranh chấp ở Biển Đông – U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea.” ghi nhận rằng Trung cộng “không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý muốn lên vùng” và các đòi hỏi của Trung cộng “không có bất kỳ cơ sở nào trong luật quốc tế”.

Thông cáo của ngoại trưởng Mỹ đã được trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, David Stillwell, cụ thể hóa thêm sau đó nhân hội nghị lần thứ 10 về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đả kích các hành vi của Trung cộng phớt lờ quyền của các láng giềng Đông Nam được tiếp cận với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Úc: Lâp trường ủng hộ Mỹ một cách rõ rệt

Quan điểm mạnh bạo của Úc cũng được chuyên gia Lê Thu Hường nhấn manh, nhắc lại nội dung công hàm mà Canberra gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 23/07.

Ngoài các từ ngữ rất giống với thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ. thời điểm Úc gởi công hàm rất đáng chú ý vì diễn ra trước cuộc họp bộ trưởng Mỹ-Úc2+2 tại Washington, gồm ngoại trưởng  Mỹ Mike Pompeo, Úc Marise Payne, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Úc Linda Reynolds.

Văn kiện Úc cũng được công bố ngay sau khi Canberra đưa ra một bản cập nhật chiến lược mới (Strategic Update 2020 and Force Structure Plan), nhắm điều chỉnh hướng đi cho tương ứng với mối đe dọa ngày càng cao đến từ Trung cộng.

Theo chuyên gia Lê Thu Hường chuyển biến lập trường gần đây tại Washington và Canberra không mới lạ mà cũng không đáng ngạc nhiên. Mỹ và Úc chỉ khẳng định lại quan điểm với ngôn từ dứt khoát hơn mà hai nước từng có liên quan đến phán quyết 2016.

Tuyên bố của Mỹ và Úc: Một cái mốc quan trọng trong vấn đề Biển Đông

Trong chiều hướng quan hệ đang xấu đi của hai nước này với Trung cộng, những tuyên bố mới của Mỹ và Úc dù không có gì là đột ngột, nhưng đã đánh dấu một cái mốc quan trọng liên quan đến Biển Đông, bác bỏ một cách rõ ràng hơn yêu sách của Trung cộng và hậu thuẫn công khai cho vai trò của luật quốc tế.

Tuy nhiên, chuyên gia Úc đã thấy rằng các nước Đông Nam Á đã có phản ứng khác nhau trước các thông báo của Mỹ và Úc, có một số ít công khai và trực tiếp nêu lên những thông cáo, và một vài nước khác thì lại cho rằng quan điểm có vẻ mới của Mỹ thật ra không phải là để đề cao luật quốc tế, mà là để leo thang căng thẳng với Trung cộng.

Việt Nam: Hoan nghênh Mỹ-Úc, nhưng thận trọng trước Trung cộng

Về phản ứng của Việt Nam, tiến sĩ Lê Thu Hường ghi nhận rằng những diễn biến kể trên đã được chính phủ Việt Nam hoan nghênh, mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn giữ thái độ thận trọng khi phản ứng trước các động thái của Hoa Kỳ và Úc.

Có nhiều lý do để Việt Nam phấn khởi trước việc Mỹ và Úc thay đổi giọng điệu về Biển Đông. Với việc các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Phi Luật Tân và Malaysia thường tránh chỉ trích công khai các hành động của Trung cộng, Việt Nam ngày càng cảm thấy bị cô lập trong khu vực.

Ngoài ra, vào lúc toàn thế giới bị dịch Covid-19 chi phối, và các quốc gia Đông Nam Á bị Trung cộng ảnh hưởng nặng nề, những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm đánh động quốc tế về những điều mà Việt Nam xem là hành vi sách nhiễu và bắt nạt của Trung cộng ở Biển Đông có vẻ như vô hiệu, ít ra là cho đến gần đây.

Trong bối cảnh không có gì có thể kềm hãm các hành vi của Bắc Kinh, Việt Nam đã bị thiệt hại cả về chiến lược và kinh tế. Một ví dụ cụ thể: Áp lực liên tục của Bắc Kinh và những hành vi của Trung cộng nhằm giới hạn các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo một ước tính, đã khiến cho Việt Nam bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đô la.

Tuy nhiên, việc Hà Nội hoan nghênh các cách tiếp cận cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và Úc đối với Biển Đông không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội này để khởi động các vụ kiện đã được xem xét từ lâu nhằm chống lại Trung cộng, hoặc thậm chí đẩy nhanh tiến độ hình thành một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện hiện có.

Hà Nội sẽ tránh đưa ra những quyết định lớn cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngã ngũ, thế nhưng, theo tác giả bài phân tích, Việt Nam vẫn hy vọng rằng các tuyên bố mới của Hoa Kỳ và Úc là dấu hiệu phản ánh một cam kết rõ ràng của hai cường quốc này sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông.

RFI (11.08,2020)

Trung cộng đe Mỹ đừng ‘mơ tưởng’ chiếm đảo ở Biển Đông

Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tập trận chiếm đảo trên bãi biển Phi Luật Tân. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Trung cộng cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo đe Mỹ đừng “mơ tưởng” cho lính nhảy dù hay Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đánh chiếm các đảo trên Biển Đông vì quân đội Trung cộng không yếu.

Hôm Thứ Ba, 11 Tháng Tám, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (cái loa tuyên truyền bán chính thức của Bắc Kinh) viết bài phản ứng lại một bài viết trên tạp chí Forbes hôm Chủ Nhật của tác giả David Axe dự phóng cuộc chiến trên Biển Đông.

Ông Axe cho rằng Mỹ có đủ chiến đấu cơ để chiến thắng Trung cộng ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhưng lại thiếu các căn cứ cho Không Quân sử dụng. Ông viết: “Có thể quân đội Mỹ mượn những căn cứ đó của chính Trung cộng bằng cách thả lính nhảy dù hay đưa lính TQLC tới chiếm một số đảo và bãi đá ngầm mà Trung cộng đang chiếm đóng.”

Theo ông Axe, không phải là Ngũ Giác Đài không từng nghĩ đến điều đó. Hồi Tháng Bảy vừa qua, 350 lính nhảy dù thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã được vận tải cơ khổng lồ C-17 chở từ Alaska tới đảo Guam thực tập nhảy chiếm phi trường địch. Mấy năm trước, người ta đã thấy TQLC Mỹ nhiều lần thực tập tấn công chiếm đảo ở Phi Luật Tân.

Nhưng bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo tức giận: “Quân đội Mỹ muốn đạt được mục đích chiến đấu (chiếm đảo) chỉ với TQLC thì cũng ngang như ngủ mê giữa ban ngày.” Bởi vì “TQLC Mỹ chỉ có thể thành công với một nước nhỏ và yếu quân sự” chứ không phải Trung cộng.

Bắc Kinh biết Washington đang tìm nhiều cách kềm chế tham vọng bá quyền bành trướng của họ ở khu vực. Khác với những chính phủ tiền nhiệm, chính phủ Trump đã đối phó quyết liệt với Trung cộng về mọi mặt. Những tuần lễ gần đây, người ta thấy các nhóm tàu mẫu hạm nguyên tử, các pháo đài bay, oanh tạc cơ tàng hình chiến lược dồn dập tập trận trên Biển Đông.

Đảo nhân tạo Subi Trung cộng cướp bãi đá của Việt Nam rồi bồi đắp và xây dựng thành một căn cứ quân sự khổng lồ có cả phi đạo, cảng biển. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo: “Nếu Mỹ muốn chiếm các đảo và bãi đá ngầm (nay đã là các đảo nhân tạo với cảng biển và phi đạo) là tuyên chiến toàn diện với Trung cộng. Khi đó, quân đội Mỹ sẽ phải trả giá đắt trước sự phản công của quân đội Trung cộng cho các quyết định vô trách nhiệm.”

Báo này tin rằng những thứ như bài viết trên tạp chí Forbes chỉ là những cái đòn gió để hâm nóng vấn đề. Còn một vài ngành của quân đội Mỹ như TQLC hay Bộ Binh thì muốn chứng tỏ họ quan trọng đối với cuộc chiến nếu xảy ra trên Biển Đông, đồng thời cũng là để kiếm thêm ngân sách cho quân đội.

Bắc Kinh rất nhạy cảm khi bất cứ ai đụng chạm xa gần đến cái tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông của họ. Sau bài viết hôm Chủ Nhật, vào ngày Thứ Hai, 10 Tháng Tám, tác giả David Axe còn có một bài viết khác viết về khả năng để TQLC Mỹ có thể chiến thắng được ở Biển Đông. 

Người Việt (11.08.2020)

Biển Đông: Hải Quân Phi Luật Tân tố cáo Trung cộng cố tình khiêu khích

Bão Cỏ Rong (Reed Bank) trên bản đồ Biển Đông. Phi Luật Tân tố cáo tàu Trung cộng hiện diện gần Bãi Cỏ Rong thuộc vùng đặc quyền kinh tế Phi Luật Tân. © (wikipedia)

Tư lệnh lực lượng Hải Quân Phi Luật Tân ngày 10/08/2020, đã kêu gọi chính quyền Manila gởi công hàm phản đối sự hiện diện của hai chiếc tàu khảo sát Trung cộng gần khu vực Bãi Cỏ Rong hiện do Manila kiểm soát, đồng thời tố cáo Hải Quân Trung cộng cố tình khiêu khích lực lượng Phi Luật Tân.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, phó đô đốc Hải Quân Phi Luật Tân Giovanni Bacordo xác nhận rằng hai chiếc tàu Trung cộng đã hoạt động ở vùng biển gần bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ cách nay một tuần. Căn cứ vào tốc độ di chuyển chậm của các chiếc tàu này – khoảng 3 hải lý/giờ – Hải Quân Phi Luật Tân cho rằng phía Trung cộng đang tiến hành khảo sát.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, tư lệnh Hải Quân Phi Luật Tân khẳng định đã báo cáo vụ việc lên cấp trên và đã yêu cầu chính quyền phản đối chính thức qua đường ngoại giao. Phía Hải Quân đã xác minh được là các chiếc tàu Trung cộng không hề được phép hoạt động trong khu vực đó.

Bãi Cỏ Rong, nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, hiện do Phi Luật Tân kiểm soát nhưng bị Trung cộng gộp vào bên trong đường lưỡi bò của họ nhằm thâu tóm Biển Đông. Đây là khu vực được cho là  có trữ lượng dầu khí khá dồi dào.

Trong cuộc họp báo, phó đô đốc Bacordo còn tố cáo Trung cộng tiếp tục cho tàu hải quân cũng như hải cảnh và tàu cá “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân”, thậm chí còn có hành vi “khiêu khích” để phía Phi Luật Tân nổ súng trước, điều mà lực lượng Hải Quân Phi Luật Tân luôn cố tránh để khỏi bị cáo buộc là gây sự trước.

Vị tư lệnh Hải Quân vừa nhậm chức không lâu này đã bác bỏ lập luận theo đó việc phản đối Trung cộng về mặt ngoại giao là một động thái vô ích.

Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Hải Quân Phi Luật Tân còn cho biết là phía Manila cũng nêu vấn đề những “vi phạm” của Trung cộng ở Biển Đông với tư lệnh Hải Quân các nước ASEAN khác, cũng như tại Diễn Đàn Hải Quân khu vực Tây Thái Bình Dương Western Pacific Naval Symposium.

RFI (11.08.2020)

11 ngư dân Việt Nam bị Hải cảnh Trung cộng bắt giữ

© Ảnh : Hồ Cầu-TTXVN

11 ngư dân Ninh Thuận bị Hải cảnh Trung cộng bắt giữ khi đang hành nghề, đánh bắt hải sản ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.

Tàu cá và 11 ngư dân Ninh Thuận bị tàu Hải cảnh Trung cộng bắt giữ

Theo tin từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo xác minh thông tin thân nhân 11 ngư dân tỉnh Ninh Thuận bị lực lượng Hải Cảnh Trung cộng bắt giữ vừa qua.

Tàu cá Ninh Thuận bị phía Cảnh sát Biển Trung cộng bắt giữ mang số hiệu NT-91567.

Ngày 27/7, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận Công điện đề ngày 23/7 của tòa Đại sứ Việt Nam tại Trung cộng thông báo về sự việc một số ngư dân bị phía nước bạn bắt giữ liên quan đến hành vi “đánh bắt cá trái phép”.

Cụ thể, theo thông báo ngày 21/7, Hải Cảnh Trung cộng đã bắt giữ tàu cá Việt Nam mang số hiệu NT-91567 và 11 ngư dân Ninh Thuận vì có hành vi “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung cộng” ranh giới trên biển Việt Nam – Trung cộng tại Vịnh Bắc Bộ.

Hiện nay, tàu cá này và toàn bộ 11 ngư dân đã phía phía Hải cảnh Trung cộng bắt giữ và đưa về thành phố Phong Thành, tỉnh Quảng Tây.

Theo thông tin nhận được, tàu cá NT-91567 nằm dưới sự chỉ huy của ngư dân Nguyễn Hữu Mỹ (27 tuổi, ở P.Mỹ Đông, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận).

Ngoài anh Mỹ làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 10 ngư dân khác tham gia hành nghề cá, đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển thuộc ngư trường vịnh Bắc bộ của Việt Nam.

Vụ bắt ngư dân Việt Nam có liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng?

Vụ việc 11 ngư dân Ninh Thuận bị tàu Hải cảnh Trung cộng bắt vì hành vi “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung cộng” ranh giới trên biển Việt Nam – Trung cộng tại Vịnh Bắc Bộ rất có thể liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung cộng áp đặt từ tháng 5/2020 vừa qua.

Trên thực tế, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông được Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt đơn phương năm 1999. Ngày 3 tháng 5 vừa qua, Cục Hải cảnh Trung cộng ra thông báo cho biết khu vực cấm đánh bắt cá mà họ áp đặt ở Biển Đông trải rộng từ vĩ tuyến 12 độ bắc trở lên.

Cụ thể, khu vực này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và các bãi cạn, bãi ngầm mà Trung cộng tự gọi là “quần đảo Trung Sa”. Thời gian áp dụng lệnh cấm là từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.

Ngay sau khi Cục Hải cảnh Trung cộng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, ngày 4 tháng 5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối Trung cộng đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Theo đó, Hội nghề cá Việt Nam và ngư dân kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý và không có giá trị pháp lý của phía Trung cộng khi ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kể từ ngày 1/5/2020.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung cộng đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

“Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan”,Hội nghề cá Việt Nam cho biết.

Công văn cũng lên án việc gần đây, Trung cộng còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Khẳng định việc Trung cộng ban hành lệnh tạm ngừng đánh bắt cá ở Biển Đông là “không có giá trị”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.

Việt Nam đề nghị Trung cộng không làm phức tạp tình hình Biển Đông

Liên quan đến vấn đề này, hôm 8/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có bình luận nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Trung cộng đơn phương ban hành thông báo cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.

“Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung cộng. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung cộng không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

“Cuộc chiến ngôn từ” liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Ngày 11/5, đáp lại phản ứng của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố, Hà Nội không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Bắc Kinh.

“Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh ở Biển Đông vì biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung cộng”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên lớn tiếng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng còn nhấn mạnh, Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung cộng ở Biển Đông cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở ngư trường rộng lớn này.

Sputnik (11.08.2020)