Việt Nam đã đồng ý trả khoảng một tỷ đô-la cho hai công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy các hoạt động ở Biển Đông sau áp lực từ Trung cộng. (Ảnh: Getty Images)
Ngành dầu khí Việt Nam vừa phát hiện Mỏ Kèn Bầu – một mỏ dầu khí được cho là lớn nhất trong lịch sử của ngành trên Biển Đông. Nhưng đây sẽ là tin vui hay… tin buồn, khi mối quan ngại được đặt ra rằng: liệu Việt Nam có được “yên thân” với Trung cộng?
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm đánh giá rằng mỏ khí Kèn Bầu vừa phát hiện ngoài khơi Việt Nam có thể làm thay đổi cơ bản cán cân năng lượng Việt Nam trong tương lai, khi mỏ này được đánh giá có trữ lượng khí lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo dự báo của lãnh đạo ngành dầu khí, trữ lượng của mỏ này có khả năng đáp ứng tới 40% nhu cầu sản xuất của ngành điện lực, tiềm năng quá lớn, quá thuận lợi.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào ngày 5/8/2020, ông Nguyễn Lê Minh, chuyên gia tư vấn chiến lược và thị trường, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho biết mỏ Kèn Bầu với trữ lượng dầu khí rất lớn này nằm trong Lô Dầu khí 114, hiện do công ty điều hành dầu khí ENI Vietnam BV làm nhà điều hành, thông qua Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC).
Trong PSC tại liên doanh ENI Viet Nam BV thì ENI (Ý) nắm 50% cổ phần và ESSAR E&P Limited (Ấn Độ) nắm giữ 50% cổ phần trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.
Ước tính mỏ có từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate. Dự kiến, Mỏ Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028.
Mất trắng 1 tỷ USD ở Biển Đông, bài học nào cho Việt Nam?
Việt Nam được xem là “một quốc gia rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột lãnh thổ trên Biển Đông,” theo bình luận trên trang Archyde.
Năm 2018, Repsol (Tập đoàn dầu khí của Tây Ban Nha) từng nhận được yêu cầu của PetrolVietnam về việc dừng dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 07/03, nơi Repsol có 52% cổ phần, do sức ép từ Trung cộng.
Việt Nam đã có “kinh nghiệm đau thương” khi phải bồi thường 1 tỷ USD cho các công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy bỏ hợp đồng trong khu vực tranh chấp do áp lực từ Trung cộng.
Ngoài ra, theo báo cáo từ RFA, công ty năng lượng Rosneft của Nga đã buộc phải tạm dừng kế hoạch khoan ngoài khơi, cũng vì áp lực của Trung cộng.
Trung cộng đã tập hợp hẳn một đội tàu gồm 40 tàu hải quân ngoài khơi đảo Hải Nam gần địa điểm khoan trong khoảng hai ngày, và dường như đã sẵn sàng để đối đầu, theo Reuters.
Một giám đốc điều hành dầu mỏ phương Tây có kinh nghiệm lâu năm trong khu vực nói với BBC rằng ông “chưa bao giờ thấy sự can thiệp chính trị nhiều như vậy đến ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi Biển Đông”.
Động thái này cho thấy Trung cộng đã thành công trong việc dọa nạt Việt Nam và các đối tác, buộc Việt Nam và các đối tác kinh doanh đã phải từ bỏ các quyền lợi trên Biển Đông vốn được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, lo ngại về Mỏ Kèn Bầu không phải là không có căn cứ.
Chính phủ Việt Nam đã tính đến yếu tố Trung cộng khi công bố mỏ này?
Mỏ Kèn Bầu nằm ở ngoài khơi trên thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền điểm gần nhất thuộc Tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.
Vị trí mỏ này gần bờ nhất so với các mỏ dầu khí khác của Việt Nam. “Về mặt chủ quyền, vị trí địa lý của mỏ nằm gần bờ, sâu trong thềm lục địa Việt Nam nên không ngại yếu tố Trung cộng và cũng không có yếu tố Trung cộng nào ở đây cả”, theo ông Nguyên Lê Minh cho biết.
Vị trí Mỏ Kèn Bầu trong lô dầu khí 114 trên Bản đồ Dầu khí Việt Nam
Từ các vụ việc Việt Nam phải hủy hợp đồng với Rosneft và Repsol vừa qua do sức ép từ Trung cộng, một câu hỏi đặt ra là tại sao Trung cộng luôn biết trước chương trình khoan ở ngoài khơi của Việt Nam? Có hay chăng việc lọt thông tin từ đội ngũ tìm kiếm thăm dò dầu khí của Việt Nam hay còn khâu nào cần phải xem xét?
PetroVietnam cho biết đã phối hợp với Cục An ninh mạng Bộ công an để rà soát và đã phát hiện ra rất nhiều lỗ hổng, hệ thống mạng bị tấn công, nhiều mã độc tấn công nhằm mục đích lấy cắp thông tin quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt là các hoạt động ngoài khơi.
Ông Nguyễn Lê Minh cho rằng PetroVietnam, các đối tác và nhà thầu khoan cần phải rút kinh nghiệm về nguyên tắc bảo mật thông tin. Tuy nhiên sau khi đã thẩm lượng thì lại cần minh bạch các thông tin về trữ lượng mỏ khí để thu hút các đối tác đầu tư quốc tế.
Theo NTDVN.net (17.08.2020)