Người xếp hàng vào Trung Tâm Huấn Nghệ tại Khu Công nghệ Côn Sơn ( Kunshan), tại thành phố A Đồ Thập, phía tây vùng Tân Cương, Trung cộng. Ảnh chụp ngày 03/12/2018. AP – Ng Han Guan

Bất bình vì chính sách chà đạp nhân quyền có hệ thống tại Trung cộng và gây hấn tại Biển Đông, hàng trăm tổ chức phi chính phủ đánh động Liên Hiệp Quốc.

Trong một bức thư ngỏ gửi tổng thư ký Antonio Guterres công bố hôm 09/09/2020 tại New York, 300 hiệp hội phi chính phủ của 60 quốc gia trên thế giới kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Trung cộng phải trả lời trước một cơ chế quốc tế đặc trách điều tra về các vụ xâm phạm quyền con người.

Trong bức thư thứ nhất, một liên minh gồm 165 đoàn thể bảo vệ nhân quyền yêu cầu Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế – CIO, trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ, không cho Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Mùa Đông 2022. Bức thư thứ hai gửi tổng thư ký Antonio Guterres, 300 hiệp hội phi chính phủ thúc giục Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về tình trạng chà đạp nhân quyền tại Trung cộng .

Những lời kêu gọi này được phổ biến trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói đả kích chế độ Tập Cận Bình về tình hình tại Hồng Kông, về tình trạng cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Không phải chỉ có thế, các tổ chức phi chính phủ cũng muốn đánh động công luận quốc tế về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, tù nhân chính trị tại Hoa lục và những vụ bắt bớ tùy tiện.

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà hoạt động Antoine Madelin, điều phối viên của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền – FIDH giải thích :

« Chính quyền Trung cộng đã có được sự im lặng của toàn thể cộng đồng quốc tế trước các hành vi áp bức trong nước. Áp bức tại Tân Cương, tiếp theo trấn áp ở Tây Tạng, rồi chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng ở Hồng Kông, bóp nghẹt không gian dân chủ tại Hồng Kông… tất cả chỉ gây phản ứng rất hạn chế. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế, dưới ánh sáng của các bản báo cáo về nhân quyền, quyết định lập ra một ủy ban lớn để điều tra về ác tội ác này.

Chúng tôi yêu cầu các chính phủ đồng thuận với nhau để lập cơ chế tương tự như các ủy ban điều tra tội ác tại Syria hay trong trường hợp chiến tranh ở Yemen ».

RFI (10.09.2020)