Trung cộng ngang ngược, tiếp tục xây dựng ồ ạt ở Hoàng Sa

Ảnh tổng hợp. Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, nhiều công trình mới tại một số đảo, bao gồm nhà, trạm cấp điện, khu trồng trọt và công trình giống một bãi đáp trực thăng.

Thanh Niên dẫn nguồn tin từ BenarNews cho biết, Trung cộng ngang ngược, tiếp tục xây dựng nhiều công trình phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung cộng chiếm đóng.

Theo đó, phía Trung cộng có thể đang tìm cách củng cố khả năng tiếp cận và sự ổn định của các đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp.

Tại đảo Duy Mộng xuất hiện một công trình giống bãi đáp trực thăng, có thể nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận vì các tàu hiện đang phải đi qua một rãnh giống như kênh đào để đến đảo.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ ngày 20/5, một bãi đất được dọn trống ở phía tây của bến tàu và đang được xây dựng. Khu vực hình vuông dường như đang được lót nền với một số công trình được xây hoặc đã xây móng tại rìa phía tây bãi đất. Đến ngày 3/10, việc xây dựng vẫn tiếp tục.

Tại đảo Cây, hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều công trình được tôn tạo từ ngày 21/4 đến 7/10 nhằm hỗ trợ cư trú và trồng trọt. Một bãi đất được dọn sạch cạnh công trình ở phía đông bắc của bến tàu và một công trình giống như sắp được xây thêm thành dãy nhà ở và kho.

Nơi trồng trọt ở phía bắc bến tàu trong xanh hơn trước, cạnh một tua bin gió được tháo rời gần nhiều tấm pin năng lượng mặt trời trong hình ảnh ngày 21/4 đã được dựng lên trong hình ảnh ngày 7/10.

Công trình xây dựng phi pháp của Trung cộng trên đảo Duy Mộng – ảnh chụp màn hình tờ BenarNews.

Khu xây dựng lớn nhất nằm cạnh bến tàu, với bãi đất hình tam giác nơi các nhà tạm được dần thay thế bằng các công trình vững chắc hơn. Bãi đất xanh hóa trong 6 tháng qua cho thấy Trung cộng có thể đã đưa đất đến hoặc dùng hóa chất để dần dần biến cát thành đất.

Tại Cồn Cát Tây, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng đã trồng nhiều cây chứ không phải cây cối phát triển tự nhiên, khi so sánh hình ảnh ngày 14/5 và 6/10.

Trước những động thái của Trung cộng, Việt Nam luôn nêu rõ quan điểm của mình và khẳng định, “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

“Mọi hoạt động liên quan đến 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”

Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin Trung cộng cho cảnh sát biển dùng vũ khí chống tàu nước ngoài

Truyền thông trong nước đưa tin, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5/11, phóng viên nêu câu hỏi đề nghị cho biết về bình luận của Việt Nam việc Trung cộng vừa xem xét dự luật cho phép Cảnh sát biển Trung cộng sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải của nước này.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Dương Hoài Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Tra.

Về phía Việt Nam, hôm 4/11 vừa diễn ra Hội thảo ASEAN – Trung cộng về thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với các ngư dân.

“Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và nghĩa vụ chính đáng với các ngư dân Việt Nam cũng như các nước hoạt động đánh cá trong vùng chủ quyền và quyền tài phán về chủ quyền của quốc gia mình”, ông Dương Hoài Nam nói.

Dự thảo luật sửa đổi với lực lượng hải cảnh Trung cộng cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung cộng. Dự thảo này được Trung cộng lần đầu tiên tiết lộ vào ngày 4/11.

Đại Kỷ Nguyên (06.11.2020)

Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin TC cho cảnh sát biển dùng vũ khí

Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014.

Trước thông tin Trung cộng đang xem xét dự luật cho phép cảnh sát biển của họ sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải nước này kiểm soát, Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam nói tại cuộc họp báo ngày 5/11.

Một ngày trước đó, truyền thông Nhật Bản cho hay nếu một dự luật vừa được công bố của cơ quan Quốc hội Trung cộng được thông qua, Bắc Kinh sẽ cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài có các hoạt động bị cho là “bất hợp pháp” và “không tuân lệnh” trong vùng lãnh hải mà Trung cộng kiểm soát.

Do có tranh chấp chủ quyền với Trung cộng trên quần đảo Senkaku, mà Trung cộng gọi là Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan đến cảnh sát biển Trung cộng, và sẽ đáp trả các động thái của Trung cộng một cách bình tĩnh và kiên quyết.

Giữa bối cảnh đang diễn ra đại dịch trên toàn cầu, nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo về những động thái ngày càng lấn tới của Bắc Kinh trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của họ trong những khu vực tranh chấp, bao gồm cả Biển Đông.

Hồi tháng 4, một tàu cá với 8 ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm trong khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung cộng quản lý. Vụ việc khiến nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về hành động bắt nạt này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây ra những vụ “tai nạn” tương tự đối với ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp.

Hôm 4/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong tư cách quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, tổ chức một hội thảo trực tuyến giữa khối 10 quốc gia Đông Nam Á với Trung cộng về nội dung “đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

“Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam và các nước hoạt động đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình”, báo Người Lao Động dẫn lời Phó phát ngôn viên Dương Hoài Nam nói thêm trong cuộc họp báo.

VOA (05.11.2020)

Biển Đông: Manila cho phép tập đoàn Phi Luật Tân khoan thăm dò, không chờ Bắc Kinh

Bản đồ Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), phía đông bắc quần đảo Trường Sa, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. (@wikipedia.com)

Phi Luật Tân vào hôm qua, 04/11/2020, cho biết là một tập đoàn của nước này có thể thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, mà không có Trung cộng. Theo giới quan sát, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Manila đối với Bắc Kinh.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, bộ trưởng Năng Lượng Phi Luật Tân Alfonso Cusi cho biết là tập đoàn PXP Energy Corp có thể khảo sát khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở vùng biển tranh chấp, ngay cả khi không hợp tác với tập đoàn Trung cộng CNOOC (China National Offshore Oil Corp). Một đơn vị của PXP, đang đàm phán hợp tác với CNOOC, hiện giữ quyền thăm dò dầu khí trong khu vực này theo Hợp Đồng Dịch Vụ 72, một trong năm hợp đồng đã được phép tái lập việc thăm dò. 

Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi là liệu PXP có phải xin phép Trung cộng trước khi tiến hành công việc hay không, ông Cusi đã trả lời: “Nếu PXP có thể tự làm, thì cứ việc làm… Còn nếu không thể làm được và cần đối tác, thì họ phải hợp tác với Trung cộng”.

Vào tháng trước, tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã xóa bỏ lệnh cấm 6 năm đối với hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, một quyết định mà phát ngôn viên của ông mô tả như là sự khẳng định các quyền của Phi Luật Tân trong vùng biển tranh chấp.

Nhà lãnh đạo Phi Luật Tân gần đây đã có lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung cộng và ngả về phía Mỹ, quốc gia cũng đang đẩy mạnh chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp. 

Theo ông Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), tại Washington, Trung cộng có thể sẽ ngăn chặn hoạt động thăm dò mới ở các vùng biển tranh chấp, như trong các tranh chấp gần đây với Việt Nam và Malaysia.

Phi Luật Tân đình chỉ kế hoạch điều động dân quân giữ biển

Cũng liên quan đến Biển Đông, các quan chức quốc phòng Phi Luật Tân  hồi tháng trước cho biết họ đang xem xét việc tuyển dụng ngư dân vào các đơn vị dân quân trên Biển Đông tương tự như các đơn vị mà Bắc Kinh sử dụng. Tuy nhiên, vào hôm qua, ông Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân, cho biết kế hoạch vẫn chưa được “đúc kết“, vì Manila muốn tránh “các hành động có thể gây hiểu lầm” và Manila “không phải là đang có chiến tranh với Trung cộng”.

RFI (05.11.2020)

Việt Nam lên tiếng về việc hải cảnh Trung cộng có thể sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài

© AP Photo / Renato Etac

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều 5/11, Phó Phát ngôn Dương Hoài Nam đã thông tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan diễn ra trong thời gian tới.

Đồng thời, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị bình luận về việc Trung cộng xem xét một dự luật cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài.

Trung cộng xem xét dự luật cho cảnh sát biển dùng vũ lực, Việt Nam nói gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về việc Trung cộng xem xét một dự luật cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải của Trung cộng, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời thể hiện thông điệp về việc đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân.

“Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, ngày 4/11 vừa diễn ra Hội thảo ASEAN – Trung cộng về thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với các ngư dân.

“Đây cũng là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và nghĩa vụ chính đáng với các ngư dân của Việt Nam cũng như các nước hoạt động đánh cá trong vùng chủ quyền và quyền tài phán về chủ quyền của quốc gia mình”, ông Dương Hoài Nam nói.

Dự thảo luật sửa đổi với lực lượng hải cảnh Trung cộng cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung cộng. Dự thảo này được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung cộng lần đầu tiên tiết lộ vào ngày 4/11.

Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 5/11, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới công tác tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.

Cụ thể, ông Dương Hoài Nam cho biết: “Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 12 đến 15/11 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến”.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan và những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam bao gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung cộng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Liên hợp quốc; Hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN với New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23; Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15; hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP; Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản, Mekong – Hàn Quốc; Hội nghị Cấp cao hợp tác Lào – Campuchia – Việt Nam – Myanmar lần thứ 10; Hội nghị Cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ diễn ra một số hoạt động bên lề, gồm Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, và Hội nghị Kinh doanh Đông Á. Trước đó, từ ngày 9 đến 11/11, các bộ trưởng phụ trách các trụ cột của Cộng đồng ASEAN và các quan chức cấp cao sẽ họp trù bị.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác sẽ thảo luận về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến ASEAN năm 2020; thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN. Cùng với đó, theo thông lệ, các Nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm; định vị và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong thế giới hậu dịch Covid-19.

ASEAN đã cơ bản hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị thông tin về tiến trình và kết quả triển khai các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam trong năm 2020, Phó Phát ngôn viên Dương Hoài Nam cho biết: “Năm 2020, phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, ASEAN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa nỗ lực duy trì đà xây dựng cộng đồng vừa ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy hồi phục toàn diện.

Theo ông Dương Hoài Nam, đến nay, ASEAN đã cơ bản hoàn tất các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020 theo đúng lộ trình đề ra; trong đó có đánh giá giữa kỳ về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, ra Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm gắn kết và phát triển tiểu vùng với lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN về mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến về tăng cường hình ảnh của Cộng đồng ASEAN.

Về các sáng kiến chung ứng phó với dịch Covid-19, quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 đã nhận được mức đóng góp 10 triệu USD từ các nước ASEAN và đối tác, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và quy trình chuẩn ứng phó với các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp và trung tâm ASEAN ứng phó với dịch bệnh mới nổi cũng sẽ được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Trước đó, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 cuối tháng 6/2020 tại Hà Nội và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 giữa tháng 9 theo hình thức trực tuyến.

Sputnik (05.11.2020)

Đức sẽ triển khai chiến hạm đến tuần tra vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer (G), trong một cuộc họp với đại diện NATO, cùng bộ trưởng Quốc Phòng các nước Liên Âu, về chính sách an ninh toàn cầu, Berlin, ngày 26/08/2020. AFP – AXEL SCHMIDT

Trả lời nhật báo Úc Sydney Morning Herald ngày 02/11/2020, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã tiết lộ rằng chính quyền Berlin sẽ cho triển khai một hộ tống hạm đến tuần tra tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương vào năm tới. Cam kết của Đức được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước Châu Âu, trong đó có Đức, có thái độ cảnh giác đối với Trung cộng.

Bộ trưởng Đức còn xác định rằng Berlin có ý định tăng cường hợp tác, cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương, với các cường quốc trong khu vực, để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Lấy nước Úc làm ví dụ, bà Kramp-Karrenbauer nói đến một dự án đang được đàm phán giữa Berlin và Canberra về việc biệt phái các sĩ quan Đức lên hoạt động trên các tàu của Hải Quân Úc.

Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 03/11, tuyên bố của bà bộ trưởng Quốc Phòng Đức được đưa ra hai tháng sau khi Berlin là thành viên thứ hai của Liên Hiệp châu Âu công bố chính sách về Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trước nước Đức, vào năm 2018, bộ Ngoại Giao Pháp đã công bố một tài liệu về chiến lược cho vùng này, sau bài phát biểu về chính sách của tổng thống Emmanuel Macron tại Úc vào đầu năm đó. Qua năm 2019, đến lượt bộ Quốc Phòng Pháp đưa ra một chiến lược an ninh cho khu vực.

Đức hy vọng toàn EU sẽ có chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tài liệu của Đức phản ánh cách tiếp cận toàn chính phủ, nêu bật vai trò của Liên Hiệp Châu Âu. Chính phủ Đức hy vọng rằng “các đề cương về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể được sử dụng làm cơ sở cho một chiến lược của toàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong tương lai”.

Phát biểu với báo Sydney Morning Herald, bà Kramp-Karrenbauer nói : “Tôi tin rằng các tranh chấp lãnh thổ, việc vi phạm luật pháp quốc tế và tham vọng thống trị toàn cầu của Trung cộng chỉ có thể được tiếp cận một cách đa phương.”

Tờ báo cũng dẫn lời bà nói rằng Đức đang “làm việc trong nội bộ khối NATO” để xây dựng quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực.

Bình luận của Kramp-Karrenbauer được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang có dấu hiệu rất quan tâm đến vùng Ấn Độ  – Thái Bình Dương, không chỉ do lo ngại về an ninh mà còn về sức mạnh kinh tế – địa chính trị và công nghệ của Trung cộng.

Đúng theo hướng phát triển của cấu trúc an ninh đang hình thành trong khu vực, vượt ra ngoài mô hình “liên minh và đối thoại”  truyền thống của Mỹ, các cường quốc châu Âu đang tiếp cận khu vực theo cách hình thành các mạng lưới. Ví dụ, Pháp không chỉ tăng cường quan hệ song phương với các nước như Ấn Độ và Úc, mà còn tham gia vào một cơ chế đối thoại ba bên.

Về phần mình, đề cương về Ấn Độ – Thái Bình Dương của Đức xem khối Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia là trung tâm và vai trò của EU trong tư cách là một đối tác của ASEAN, mặc dù EU cũng tìm cách tham gia vào các thể chế khác như Diễn Đàn các đảo Thái Bình Dương, Sáng Kiến ​​Vịnh Bengal về Hợp Tác Kinh Tế và Kỹ Thuật Đa Ngành (BIMSTEC) và Hiệp Hội Vành Đai Ấn Độ Dương – Indian Ocean Rim Association.

Điều thú vị là, để duy trì trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực, chính phủ Đức cũng tìm cách cải tổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cùng với Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Phi, Đức đang tranh cử để trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Đề cương Ấn Độ – Thái Bình Dương hồi tháng 9 của Đức lưu ý rằng nước này sẽ làm việc với Ấn Độ và Nhật Bản để cải tổ Hội Đồng Bảo An.

Đức đang ngày càng cứng rắn hơn với Trung cộng

Mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của Trung cộng ở châu Âu, chính phủ liên minh do bà Angela Merkel đứng đầu ở Berlin gần đây đã áp dụng đường lối cứng rắn đối với Trung cộng. Tại một cuộc họp gần đây của Đại Hội Đồng Liên Hiêp Quốc, được sự ủng hộ của 38 quốc gia khác, Đức đã lên án mạnh mẽ cách đối xử của Trung cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở Hồng Kông vào mùa hè.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng ngoài những lo ngại xung quanh vấn đề an ninh khu vực, vấn đề thiết bị 5G của Trung cộng (và các tác động đến an ninh quốc gia) cũng như cách cho vay mang tính chất bẫy nợ mà Bắc Kinh dành cho nước khác để xây dựng cơ sở hạ tầng, đại dịch Covid-19 đang diễn ra cũng góp phần làm gia tăng thái độ hoài nghi Trung cộng trong Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng đồng thời, bằng cách thận trọng tránh cách đơn độc tiếp cận vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, các cường quốc tầm trung châu Âu đã chứng tỏ hạn chế về năng lực của họ, khi phải đối mặt với những thách thức an ninh khó khăn trong khu vực, và đã chọn cách lướt qua các khó khăn của nhiệm vụ kềm chế chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung cộng.

Bà Kramp-Karrenbauer, trong cuộc phỏng vấn với báo Úc, đã từ chối bình luận về việc liệu chiến hạm sắp được triển khai của Đức có tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay không.  Cho đến nay, chỉ có Hải Quân Mỹ làm việc này, mà cũng không thường xuyên lắm. Điều hiển nhiên là một hộ tống hạm đơn độc của Đức, nếu chỉ hoạt động trong khu vực, không thể bắn đi một tín hiệu quân sự mạnh mẽ.

Tuy nhiên theo The Diplomat, riêng việc các cường quốc châu Âu như Đức – vốn được nhiều người ở châu Á coi là mềm mỏng với Trung cộng – đang ngày càng quan ngại về Bắc Kinh, đồng thời cùng quan tâm về Ấn Độ – Thái Bình Dương, đã là một sự thay đổi lớn.

Theo ông Rory Medcalf thuộc Đại Học Quốc Gia Úc, bài phỏng vấn Kramp-Karrenbauer là một bằng chứng phản bác suy nghĩ của nhiều người vẫn lập luận rằng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương là “một trò điên rồ lấy Hoa Kỳ làm trung tâm.”

RFI (05.11.2020)

Các đảo nhân tạo Trung cộng ở Trường Sa có thể sụp xuống biển

Các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp ở Trường Sa có thể sụp xuống biển vì bồi đắp ẩu tả và tác động từ biến đổi khí hậu.

Một bài phân tích của tạp chí National Interest hôm Thứ Tư, 4 Tháng Mười Một, nêu ra các nhược điểm có thể dẫn tới hệ quả tai hại cho tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đảo nhân tạo Đá Chữ Thập Trung cộng xây dựng gồm cả phi trường, cảng biển, rồi trang bị các hệ thống võ khí tối tân. (Hình: CSIS/Digital Globe)

 Từ năm 2013, Bắc Kinh đã cho tàu nạo hút lòng biển, lấy cát bồi đắp bảy bãi đá ngầm cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trước sự bất lực của nhà cầm quyền CSVN. Sau mấy năm bồi đắp và xây dựng, nay bảy bãi đá ngầm đó đã trở thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Đông, với cả cảng biển và phi đạo, phục vụ tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung cộng.

Các căn cứ đó từng được mô tả như những mẫu hạm khổng lồ không thể đánh chìm, phục vụ đế quốc đỏ ở Bắc Kinh, cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước nhỏ phía Nam trên vùng biển đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế và chủ quyền biển đảo của họ.

Trong số bảy đảo nhân tạo đó, ba đảo nổi bật quan trọng nhất là đảo Đá Chữ Thập, đảo Vành Khăn và đảo Su-bi vì chúng không những có cảng biển mà còn có cả phi đạo dài đến 3,000 mét, thích hợp cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung cộng sử dụng.

Theo tờ South China Morning Post từng cho hay, giữa khoảng các năm 2013-2016, các tàu nạo vét của Trung cộng đã nghiền nhỏ san hô lòng biển thành vụn cát để làm vật liệu xây dựng các căn cứ tại các đảo nhân tạo. Cứ một giờ, tàu nạo vét của công ty Tianjing làm được 4,500 mét khối vật liệu “gần đủ để lấp đầy hai hồ tắm cỡ hồ tranh đua thể thao Olympic.”

Dù tàn phá môi trường thiên nhiên không cái gì còn, nhưng Bắc Kinh lại nói ngược là họ cố gắng tái tạo môi trường bị hủy hoại. Theo báo Economist, các căn cứ trên các đảo nhân tạo giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong bất cứ tình huống nào. Các cảng biển giúp họ chuyển vận đồ tiếp liệu đến cho quân lính đồn trú. Các tàu khảo sát được họ dùng để tìm kiếm dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp.

Dân Việt Nam biểu tình ở Hà Nội chống Trung cộng cướp bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Theo bài viết của tờ Economist, người ta được nghe thấy tin đồn về các đảo nhân tạo Trung cộng bồi đắp ở Trường Sa đang chìm dần xuống biển. Nền tảng của chúng đang biến dần thành những khối xốp (sponge) vì thời tiết khắc nghiệt ở khu vực. Đó là chưa kể sự tác hại nghiêm trọng mỗi khi có các cơn bão lớn thổi qua hằng năm.

Bắc Kinh từng áp lực với các nước tranh chấp cùng khai thác dầu khí ở các vùng biển hoàn toàn đặc quyền kinh tế của người ta, dựa trên cái chủ quyền chín vạch “lưỡi bò” tưởng tượng. Bắc Kinh còn gây áp lực với các nước khác, đặc biệt là Việt Nam, không để các công ty dầu khí quốc tế hợp tác với các nước. Rosneft, công ty dầu khí của Nga, tiếng là nước Nga với Trung cộng tình nghĩa anh em, nhưng cũng phải khựng lại, không dám tiến hành dự án dò tìm ở khu vực bãi Tư Chính.

Tuy các căn cứ của Trung cộng ở Trường Sa đối diện với tương lai bất định, nó cũng không cản trở được Bắc Kinh tiến hành các kế hoạch khống chế Biển Đông. Càng ngày, Bắc Kinh càng vận chuyển tới đó các trang bị tối tân hơn.

Người Việt (05.11.2020)

Việt Nam tổ chức hội thảo ASEAN – Trung cộng về ‘đối xử nhân đạo với ngư dân’

Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2018.

Trong tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/11 tổ chức một hội thảo giữa khối 10 quốc gia Đông Nam Á với Trung cộng về nội dung “đối xử nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

“Hội thảo ASEAN-Trung cộng về Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” diễn ra sau nhiều vụ tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm hoặc bắt ngư dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt ngay cả trong thời điểm thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, hội thảo được tổ chức nhằm triển khai quy định trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông Dũng nêu lên thực tế ngư dân phải hàng ngày đối diện với nguy hiểm như mưa bão, thiên tai hay tai nạn “đâm va”.

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đề nghị các bên “rà soát, trao đổi về tình hình và đời sống ngư dân, chia sẻ các quy định, thực tiễn tốt trong các khuôn khổ quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ, đối xử nhân đạo với ngư dân”.

Trên thực tế hiện nay, có khoảng gần 200 triệu người phụ thuộc vào nguồn lợi hải sản để kiếm sống trong khu vực Biển Đông đầy tranh chấp, bất chấp những nguy cơ tổn hại về tài sản lẫn tính mạng.

Hồi tháng 4, một tàu cá với 8 ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm trong khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung cộng quản lý. Vụ việc đã gây báo động trên thế giới về sự quyết đoán của Trung cộng trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền, bất chấp thời điểm đang diễn ra đại dịch toàn cầu.

Một tổ chức đại diện cho ngư dân, Hội nghề cá Việt Nam, nhiều lần chỉ trích và lên án Trung cộng về những hành động “ngang ngược và vô nhân đạo” nhắm vào ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ “tai nạn” tương tự không có dấu hiệu giảm đi trong thời gian qua.

Vào tháng 6, một tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi tiếp tục bị một tàu sắt và ca nô Trung cộng “áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm”, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể hơn trong việc bảo đảm an toàn, tính mạng và đối xử với ngư dân, trong đó bao gồm cả khả năng xây dựng công cụ điều chỉnh vấn đề này ở Biển Đông.

Tham dự buổi hội thảo trực tuyến có hơn 120 quan chức, đại diện Đại sứ quán các nước, các nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý.

VOA (04.11.2020)