Thông Cáo Báo Chí
Ngày 21 Tháng 11 Năm 2020
Little Saigon, CA. USA – Vì những hạn chế do tình hình dịch bệnh, năm nay Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam Năm 2020 qua Internet thay vì một cuộc họp báo như mọi năm. Buổi sinh hoạt trên GoToMeeting và trực tiếp phát đi qua Facebook và Youtube được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng (giờ California, tức 5 giờ chiều ở Tây Âu, và 11 giờ đêm ở Việt Nam) ngày Thứ Bảy 21 tháng 11 năm 2020.
[Xin xem phóng sự hình ảnh ở đây: PHẦN 1 – PHẦN 2]
Hiện diện trong buổi sinh hoạt có TS Nguyễn Bá Tùng, GS Nguyễn Chính Kết, LM Đặng Hữu Nam, và LS Nguyễn Văn Đài. Phía đại diện các người nhận giải có bà Nguyễn Thị Tình, phu nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh; bà Nguyễn Thị Thu Hồng, chị của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa; và nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, đại diện Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Có hai khách mời khác là GS Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội đồng Liên tôn VN tại Hoa Kỳ, và Kỹ sư Đỗ Như Điện, Giám đốc Đải Phát thanh Đáp lời Sông núi.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam được trao hàng năm cho cho các cá nhân và tổ chức trong nước đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam. GNQVN còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những kẻ dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam. Cho đến nay đã có 50 cá nhân và 4 tổ chức được tuyên dương và trao GNQVN.
Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay được trao cho: Tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Sau đây là đôi dòng tóm lược về những đơn vị nhận GNQVN năm 2020:
NGUYỄN NĂNG TĨNH
Ông Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976 tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc Huế, Ông Tĩnh làm giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An từ năm 2004.
Là một thầy giáo, Ông đã đem hết tâm huyết truyền đạt cho thế hệ trẻ không những kỹ năng âm nhạc mà còn lòng yêu quê hương, tinh thần hướng thượng, và sự tôn trọng phẩm giá của con người.
Dù bận rộn với công việc dạy học, Nguyễn Năng Tĩnh đã dấn thân hết mình trong các hoạt động xã hội, đấu tranh cho công lý và nhân quyền.
Ông là một trong những cột trụ chính cho việc thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình và cho tù nhân lương tâm tại Giáo phận Vinh. Ông là người đi đầu trong việc vận động bà con xuống đường phản đối thảm họa Formosa, Trung cộng xâm lược biển đảo, và Luật Đặc khu.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là người bạn đồng hành của gần 30 gia đình tù nhân lương tâm tại Giáo phận Vinh mà hầu hết là bạn thân và cùng chí hướng. Không gia đình tù nhân lương tâm nào trong khu vực mà không được thầy Tĩnh liên lạc hỗ trợ. Thầy luôn có mặt kịp thời để trấn an và giúp người nhà vượt qua hoàn cảnh rối bời, hoang mang, lo lắng đầy sợ hãi ngay khi người nhà mới bị bắt.
Thầy Tĩnh là người bạn của những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội. Ông tham gia nhóm Bảo vệ Sự sống, Quỹ Phát triển Con người, Truyền thông Công giáo Giáo phận Vinh.
Vì những hoạt động nỗi bật trên, an ninh cộng sản đã không dưới 100 lần sách nhiễu và chén ép bằng cách mời lên làm việc hoặc đến tận trường để điều tra, gây sức ép, canh nhà, cúp điện, cắt nước, câu lưu, đánh đập…
Cuối cùng, ngày 29/5/2019 thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị công an CSVN bắt cóc khi khi đi cùng hai con nhỏ. Ngày 5/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế vì “xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp thông tin bịa đặt nhằm gây mâu thuẫn giữa người dân và các cơ quan công quyền…”
Dù bị hăm dọa và đối xử tàn tệ trong thời gian bị giam cầm, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã dõng dạc tuyên bố trước tòa án CSVN:
“Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc.
….
“Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến.”
Trường hợp của thấy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã được các chính phủ như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy, Czech… và các tổ chức bảo vệ nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân Xá Quốc Tế (AI), Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) quan tâm theo dõi. Hiện nay, nhóm luật sư Media Legal Defence Initiative (MLDI bảo vệ Pháp lý cho Truyền thông) đang đại diện gia đình thầy Tĩnh để nộp hồ sơ lên Ủy Ban LHQ Điều Tra Về Bắt Người Tùy Tiện (UNWGAD).
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là một tấm gương đấu tranh không mõi mệt một cách bất bạo động cho công lý, nhân quyền, và quyền dân tộc tự quyết, và xứng đáng nhận Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2020.
NGUYỄN VĂN HÓA
Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Là một thanh niên đầy nhiệt huyết, dấn thân vì cộng đồng, Nguyễn Văn Hóa đã tự mình học hỏi trong lãnh vực công nghệ thông tin với ước mong góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển và dân chủ. Trong thời gian thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra vào năm 2016 tại một số tỉnh Miền Trung, anh đã đến tận hiện trường thu hình tội ác môi trường của doanh nghiệp bất lương này cũng như thảm cảnh mà các nạn nhân trực tiếp phải gánh chịu. Anh cũng hỗ trợ các nạn nhân thu thập bằng chứng nhằm tố giác tội ác và khởi kiện công ty Formosa trước tòa án.
Không những thế, anh đã dùng những phương tiện thông tin hiện đại đưa các tin tức về thảm họa Formosa đến với truyền thông quốc tế và công chúng. Anh là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm 2016. Nguyễn Văn Hóa là cộng tác viên thường trực với đài RFA, và đã cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung phản đối công ty Formosa.
Nguyễn Văn Hóa bị công an CSVN bắt ngày 11/1/2017 trong khi đang ghi lại cuộc biểu tình của người dân trước tòa án huyện Kỳ Anh. Ngày 27/11/2017, sau một phiên tòa chớp nhoáng và lén lút không có sự tham gia bào chữa của luật sư cũng như sự có mặt của người thân, Tòa án Hà Tĩnh đã kết án Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Ở trại giam An Điềm thuộc tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Văn Hóa đã nhiều lần bị cai tù đánh đập và biệt giam, vì thế anh đã tuyệt thực để phản đối. CSVN còn dùng nhục hình để ép anh và một tù nhân lương tâm khác là Nguyễn Viết Dũng phải cáo gian nhà hoạt đông môi trường Lê Đình Lượng. Tuy nhiên tại phiên tòa xử anh Lượng, cả hai anh Hóa và Dũng anh đã rút lại lời khai trước đó và bị cai ngục hành hung trả thù.
Trước bản án bất công và việc đàn áp thô bạo đối với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, nhiều tổ chức Việt Nam và quốc tế đã lên tiếng; đặc biệt:
– Ngày 14/12/2017, Quốc Hội Âu Châu đã thông qua bản Nghị Quyết khẩn cấp yêu cầu CSVN phải trả tự do cho nhà hoạt động trẻ Nguyễn Văn Hóa và các công dân Việt Nam đang bị giam cầm vì đã trình bày những quan điểm của riêng họ.
– Ngày 20/8/2018, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ – Committee to Protect Journalist) lên án việc hành hạ đối với ký giả phim ảnh Nguyễn Văn Hóa, và kêu gọi giới chức trách Việt Nam ngưng ngay việc đánh đập và xách nhiễu các ký giả đang bị cầm tù.
– Ngày 18/1/2019, tổ chức Freedom Now loan báo đề cử nhà báo Nguyễn Văn Hóa cho Giải Tự Do Báo chí Thế giới Guillermo Cano của UNESCO.
– Ngày 24/5/2019, Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi vụ việc Nguyễn Văn Hóa bị công an quản giáo trại giam An Điềm đánh đập gây thương tích và sau đó bị biệt giam là “vô cùng nghiêm trọng.”
– Ngày 15/8/2019, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của LHQ (United Nations Working Group on Arbitrary Detention – UNWGAD) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho nhà báo Nguyễn Văn Hoá.
– Ngày 24/9/2019, Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã nhận bảo trợ tranh đấu cho nhà hoạt động trẻ tuổi và là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.
HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một tổ chức xã hội dân sự được thành lập ngày 4/7/2014 tại Sàigòn, đấu tranh cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Cơ quan ngôn luận chính thức của Hội là tờ báo điện tử Việt Nam Thời Báo, địa chỉ https://vietnamthoibao.org/. Tờ báo này là một phương tiện để các các hội viên thể hiện quan điểm, nói lên thực trạng bất công xã hội, tố cáo những sai trái, những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền, đồng thời chuyển tải những tin tức liên quan đến cuộc đấu tranh đòi nhân quyền của người dân bị nhà cầm quyền đàn áp.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã có một số hoạt động đáng kể sau:
– Tổ chức và tham dự những cuộc tọa đàm, hội thảo về những vấn đề quan trọng của xã hội và đất nước;
– Lên tiếng kịp thời về những trường hợp người dân và nhà báo bị xâm hại;
– Liên kết và hợp tác với những tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế về báo chí;
– Ra tuyên bố ủng hộ các phong trào đòi hỏi tự do ngôn luận, tự do chính trị, bảo vệ môi trường và di sản quốc gia;
– Ba thành viên của Hội đã tự ứng cử quốc hội năm 2016 là Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt, Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội và Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng;
– Tiếp tục duy trì hoạt động của tờ Việt Nam Thời Báo.
Vì những hoạt động mà nhà cầm quyền CSVN cho là nguy hại cho chế độ, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã phải đối diện với các hành vi đàn áp nặng nề. Đặc biệt họ đã bắt bỏ tù những thành viên tích cực như:
– Blogger Trương Duy Nhất, 10 năm tù giam với cáo buộc tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.*
– TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch sáng lập, bị bắt ngày 29/11/2019.
– Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, bị bắt ngày 24/5/2020.
– Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, bị bắt ngày 12/6/2020.
Hôm 10-11-2020, chính quyền CSVN đã khởi tố TS Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 2, Điều 117 Bộ Luật hình sự. Với cáo buộc nầy cả ba có thể phải đối diện với bản án từ 10 đến 20 năm tù giam.
Không chỉ có vậy, có ít nhất mười thành viên của Hội bị triệu tập và hỏi cung, trang mạng và trang Facebook của Hội bị khóa tại Việt Nam và thường xuyên bị hacker tấn công. Nhiều bài bị Facebook gỡ bỏ.
Tuy thời gian hoạt động chưa được lâu dài, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đã tạo được uy tín trong và ngoài nước qua những tiếng nói phản biện đứng đắn có tầm kích. Đặc biệt những người lãnh đạo Hội đã ứng xử rất anh dũng và đầy trí tuệ khi bị bắt bớ, khi phải đối diện với công an, nhà cầm quyền.
Có 3 người được tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh là “Anh hùng Thông tin” vào năm 2014, đó là Chủ tịch Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Thanh và blogger Trương Duy Nhất.
Vì những đóng góp giá trị vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, và những gian lao mà các hội viên đã trải qua, Hội Nhà Báo Độc Lập VN xứng đáng nhận Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2020.
____________________
Ghi chú:
*Nhà báo Trương Duy Nhất không phải là thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
Nguồn: http://vietnamhumanrights.net/website/201121_MLNQVN.htm
VNTB (23.11.2020)
***
Giải thưởng Nhân Quyền 2020 dành cho các nhà hoạt động đang bị cầm tù
Hình minh hoạ. Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá tại phiên toà ở Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 AFP
Lễ trao giải nhân quyền lần thứ 19 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, được phát trực tiếp từ California qua Facebook và YouTube sáng 21/11/2020 vừa qua.
Tham dự buổi công bố Giải Nhân Quyền có Tiến sị Nguyễn Bá Tùng, Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Linh mục Đặng Hữu Nam, Luật sư Nguyễn Văn Đài, và đại diện các đơn vị nhận giải.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Như Điện, giám đốc đài Đáp Lời Sông Núi phát về Việt Nam.
Năm nay, 3 đơn vị được trao giải là từ nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, Hội Nhà Báo Độc Lập với 3 thành viên đang bị cầm tù là các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019 Báo Nghệ An
Mở đầu buổi họp, trưởng ban điều hành Mạng Lưới Nhân Quyền, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, nhắc lại mục đích chính của Giải Nhân Quyền Việt Nam:
“Là để tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng Nhân Quyền Việt Nam, là cơ hội để người Việt khắp nơi bày tỏ tình liên đới với những cá nhân và đoàn thể đã và đang dấn thân bảo vệ quyền làm người cho người dân Việt Nam”.
Đầu tiên là thầy giáo, facebooker Nguyễn Năng Tĩnh, giảng viên âm nhạc, bị công an Nghệ An bắt giữ cuối tháng 5/2019 vì đã dạy cho học sinh bài hát của cựu tù chính trị Võ Minh Trí, tức nhạc sĩ Việt Khang, chưa kể đưa lên trang FB cá nhân tin tức và hình ảnh về khủng hoảng môi trường Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016.
Lên tiếng cho thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại lễ trao giải, Linh mục Đặng Hữu Nam phát biểu:
“Chỉ cần nghe lại những lời trước Tòa xử mình thì sẽ nhận diện được con người tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh. Ông nói “Tôi khát khao một đất nước tự do dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc, lo lắng cho mội trường sống bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và quan tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia”. Thầy còn nhắn nhủ rằng “Dù mức án cao đến đâu, 10 năm, 20 năm hoặc có thể tử hình thì tôi cũng không thay đổi chính kiến của mình”.
Ngày 15/11/2019. Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên 11 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh theo Điều 117, Điều 44, và Điều 112 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Đến ngày 4/10 năm nay, 20 nhà giáo và giáo viên âm nhạc của Israel gửi một kiến nghị thư lên Bộ trưởng Quốc phòng và Phó thủ tướng Bnei Gantz, yêu cầu Israel gây sức ép để Hà Nội trả tự do cho thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh.
Người thứ hai nhận giải Nhân Quyền Việt Nam 2020 là facebooker, phóng viên RFA Nguyễn Văn Hóa. Được mời góp tiếng từ Đức, cựu tù nhân quyền, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng thảm họa Formosa đã dẫn đến việc Nguyễn Văn Hóa bị bắt giữ và bị ngược đãi:
“Anh Nguyễn Văn Hóa đã ra tận hiện trường, hỗ trợ nạn nhân thu thập bằng chứng nhằm tố giác và khởi kiện công ty Formosa. Không những thế, anh đã dùng các phương tiện thông tin hiện đại để đưa tin tức về Formosa đến với công chúng”.
“Anh là người đầu tiên sử dụng Flycam để thu lại hình ảnh của hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa. Anh Nguyễn Văn Hóa đã cộng tác thường trực với đài Á Châu Tự Do và đã cung cấp Video về các cuộc biểu tình của dân miền Trung phản đối công ty Formosa”.
Ngày 11/1/2017, anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt tại Kỳ Anh vào khi đang đưa tin vụ xét xử một số người tại Giáo xứ Đông Yên, bị giam giữ bí mật trong 9 ngày.
Đến ngày 27/11/2017, Tòa án Nhân dân kết án Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN, Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Anh bị giam tại nhà tù An Điềm, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
“Tại trại giam An Điềm, Nguyễn Văn Hóa nhiều lần bị cai tù đánh đập và biệt giam, vì thế anh đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối”.
Hôm 24/ 9/2020 vừa qua, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ, ông Alan Lowenthal, ra thông báo chính thức nhận bảo trợ cho nhà hoạt động trẻ tuổi, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.
Ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập (từ trái qua): Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Chí Dũng Photo: RFA
Được long trọng vinh danh tại buổi trao giải 2020 ngày 21/11 là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam mà Chủ tịch Phạm Chí Dũng đã bị bắt đi từ ngày 21/11/2019.
Kế tiếp, Phó chủ tịch Hội, ông Nguyễn Tường Thụy, bị bắt ngày 23/5/2020. Một tháng sau đó, đến lượt biên tập viên thứ ba của Thời Báo Việt Nam, tiếng nói của Hội Nhà Báo Độc Lập, cũng bị bắt và đang bị giam trong tù.
Hội Nhà Báo Độc Lập là tổ chức đấu tranh ôn hòa. Giáo Sư Nguyễn Chính Kết, từng được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải khi ông mới từ Việt Nam sang Mỹ, nhận định:
“Việt Nam Thời Báo là phương tiện để các hội viên thể hiện quan điểm và nói lên thực trạng xã hội với những mặt trái của nó. Hội đã đối diện với sự đàn áp nặng nề.
“Ngoài 3 ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thì đã có ít nhất 10 thành viên khác của Hội bị triệu tập và hỏi cung. Trang mạnh và trang Facebook của Hội bị khóa tại Việt Nam, và thường xuyên bị hackers tấn công, nhiều bài trên facebook bị gỡ bỏ”.
Hôm 10/11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt cáo trạng truy tố 3 cây viết của Thời Báo Việt Nam theo Khoản 2, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Tội danh mà họ bị cáo buộc là ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đáng chú y nhất là mới đây, ngày 16/11, Vương Quốc Anh và Canada lên tiếng với phía Việt Nam về việc bắt giữ các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập, chỉ trích Hà Nội ra sức hạn chế tự do ngôn luận bên trong Việt Nam.
Nói với Á Châu Tự Do về giải thưởng nhân quyền mà Hội Nhà Báo Độc Lập được trao năm nay, quyền Chủ tịch hiện tại là ông JB Nguyễn Hữu Vinh, đang ở bên ngoài Việt Nam, bày tỏ:
“Đây là một vinh dự không riêng cho Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam mà còn là vinh dự chung cho những tiếng nói ở trong nước đã bị bắt, bị khủng bố bằng nhiều cách khác nhau. Khi được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vinh danh thì với tôi là nguồn động viên rất lớn cho người cầm bút chỉ muốn nói lên sự thật của đất nước”.
Hai tiếng nói từ Việt Nam, một là chị Huệ, chị gái tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, hai là chị Tình – vợ nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh:
“Rất vui vì em Hóa được Mạng Lưới Nhân Quyền trao giải. Đây là động lực và vinh dự cho em Hóa, cũng là nguồn động viên lớn cho gia đình vì được quí vị quan tâm. Xin chân thành cảm ơn quí vị”.
“Xúc động và cảm thấy may mắn. Không biết nói thế nào để diễn tả hết niềm vui của em là vợ thầy Tĩnh, chỉ biết cảm ơn và cảm ơn”.
Được biết với đợt trao giải lần thứ 19 này, tính từ 2002 là khi Giải chính thức được thành lập, khoảng 50 nhà hoạt động, nhà tranh đấu, nhà báo, tù nhân lương tâm trong nước đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tuyên dương từ trước đến giờ.
RFA (22.11.2020)