Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức một Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hôm 1/12 và nhất trí nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành quan hệ ‘Đối tác chiến lược’ (Strategic partner). Dư luận nước ngoài cho rằng, đây là một đòn nặng giáng vào nỗ lực bành trướng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) trên trường quốc tế.
Hôm 1/12/2020, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có bài phát biểu tại Văn phòng Ngoại giao Liên bang ở Berlin. (CLEMENS BILAN / POOL/AFP qua Getty)
Ngày 1/12 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng của 37 nước thuộc EU và ASEAN đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị từ xa này chủ yếu thảo luận về các vấn đề như cách kiểm soát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tăng cường thương mại tự do và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, v.v.
Sau cuộc họp, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Đức đã phát đi thông cáo báo chí, tuyên bố EU và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ giữa hai tổ chức khu vực và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Châu Âu, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã công khai tuyên bố rằng, EU sẽ bảo vệ an ninh, các tuyến đường thương mại và thương mại tự do, công bằng của các đối tác chiến lược. Ông Maas nói rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược có nghĩa là hai bên sẽ “cùng nhau bảo vệ lợi ích của EU và ASEAN”.
Đài Á Châu Tự do (RFA) dẫn lời phân tích của ông Shi Ming (phiên âm), một học giả người Đức nghiên cứu mối quan hệ giữa EU và Trung cộng chỉ ra rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN chắc chắn sẽ sớm phá vỡ trật tự lấy Trung cộng làm trung tâm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tăng cường chiến lược kinh tế lấy Ấn Độ làm trung tâm. Còn đối với chính phủ Đức, họ lại lấy việc thừa nhận quan hệ đối tác chiến lược của các nước để xác định lập trường của mình trong khi muốn giảm phụ thuộc vào Trung cộng.
Ông Shi Ming cho biết, đã là quan hệ đối tác chiến lược thì không chỉ là việc trao đổi lợi ích, mà còn bao gồm việc EU phải bảo vệ các nước ASEAN bị ĐCSTH ức hiếp. Đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, các nước lớn trong EU nhất định sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Ông Shi Ming cũng chỉ ra rằng, nửa tháng trước, 10 nước ASEAN vừa ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung cộng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại được hình thành từ quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN rõ ràng là có lợi thế hơn so với RCEP – nơi mà chính quyền ĐCSTH đang cố gắng làm chủ đạo, bởi vì cho dù là về mặt như hiệp định thuế quan hay yêu cầu tiêu chuẩn cao trong công nghiệp, thì châu Âu đều vượt trội hơn.
Học giả pháp lý người Đức Qian Yuejun (phiên âm) cũng nói với RFA rằng, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU đã bắt đầu bước vào giai đoạn thực thi, đây là một sự kiện lớn trong chiến lược ngoại giao của EU. “Việc Trung cộng (ĐCSTH) làm xáo trộn và bành trướng trên đài chính trị quốc tế đã nhắc nhở các nước châu Âu rằng: Phải chú ý tới các nước Đông Nam Á này”.
Ông Qian Yuejun chỉ ra rằng, về mối quan hệ giữa EU và ASEAN, ngoài việc phải từng bước thiết lập một khu vực thương mại tự do trên cơ sở thuế quan bằng ‘0’ giữa EU và 10 nước ASEAN, còn phải đảm bảo tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương. EU muốn liên kết với các nước Đông Nam Á để chống lại sự bành trướng về kinh tế và quân sự của chính quyền ĐCSTH.
Theo NTDTV tiếng Trung (04.12.2020)