Chuyên gia nhận định: Việt Nam cần gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung cộng bắt ngư dân ở Hoàng Sa

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công đã về cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi hôm 30/9/2024 Facebook: Citizen photographer

 

Việt Nam đã nghiêm chỉnh đề nghị Trung cộng bồi thường và thả ngư dân bị bắt giữ ở biển Đông nhưng đề nghị này đưa ra hơi chậm và Hà Nội cần phải có công hàm ngoại giao phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Bắc Kinh. Đó là nhận định của chuyên gia Biển Đông trước phản ứng mới đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Vào ngày 31/10, phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội:

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung cộng tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thông tin về việc các ngư dân Việt Nam bị Trung cộng bắt giữ khoảng một tháng sau khi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đi đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa bị tàu chấp pháp của Trung cộng tấn công.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời kể của các ngư dân cho biết, tàu cá Quảng Ngãi là QNg-95739-TS vào ngày 29/9 vừa qua, khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu chấp pháp Trung cộng rượt đuổi, tấn công, đánh đập ngư dân Việt Nam, lấy đi các máy móc và khoảng sáu tấn hải sản trên tàu. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 10 ngư dân bị thương.

Báo Nhà nước cũng cho biết một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi là QNg-90659-TS cũng bị tấn công vào ngày 29/9 tại ngư trường Hoàng Sa, bị hành hung và tịch thu các thiết bị và hải sản đánh bắt được. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 300 triệu đồng.

Ba ngày sau vụ tấn công, ngày 02/10, Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội “hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung cộng đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.”

Tuy nhiên, báo chí Nhà nước Việt Nam và Bộ Ngoại giao chưa bao giờ công bố thông tin ngư dân Việt Nam bị Trung cộng bắt giữ sau vụ việc ngày 29/9 cho đến thông báo ngày 31/10 vừa qua. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không thông báo cụ thể có bao nhiêu ngư dân bị bắt giữ.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn nhận định với RFA qua tin nhắn: 

“Yêu cầu Trung cộng thả ngư dân và bồi thường cho họ của Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao là khá nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, phía Việt Nam chỉ mới lên tiếng, như vậy là rất trễ.

Theo tôi sẽ hiệu quả hơn nếu Việt Nam gởi thông điệp này bằng một công hàm ngoại giao.”

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Úc – chuyên gia quốc tế về vấn đề Biển Đông – nhận định hành động của Trung cộng là trái luật pháp quốc tế. Ông nhận xét với RFA qua email:

“Theo luật quốc tế, một quốc gia ven biển không thể sử dụng luật nội địa để biện minh cho hành động sử dụng vũ lực quá mức đối với tàu cá nước ngoài tại vùng nước tranh chấp.”

Theo chuyên gia Carl Thayer: “hành động sử dụng vũ lực quá mức của Trung cộng là vi phạm luật quốc tế và việc Việt Nam yêu cầu bồi thường là hợp lý”.

Hồi đầu tháng 1/2021, Quốc hội Trung cộng đã thông qua luật Hải cảnh mới cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, làm dấy lên những lo ngại về việc Trung cộng sẽ sử dụng vũ lực với các ngư dân của những nước láng giềng ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa các nước. Giáo sư Carl Thayer nhận định:

“Trung cộng đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi. Đây là điều đáng báo động.

Các tàu hải cảnh của TQ được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến.

Trung cộng bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự.”

Trung cộng hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Hà Nội cũng đòi chủ quyền.

Liên quan đến vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu chấp pháp Trung cộng tấn công, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters về vụ gây thương tích đối với ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung cộng cho rằng tàu cá Việt Nam đã đánh bắt trái phép trong vùng biển Hoàng Sa.

Trong nửa năm gần đây, Việt Nam và Trung cộng trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, bao gồm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 8 và của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 6 cùng chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung cộng Lý Cường vào giữa tháng trước. Trong các cuộc gặp, hai bên cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương và xử lý ổn thỏa bất đồng ở Biển Đông, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, “Ngoại giao thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung cộng không chứng minh được sự thành công. Trung cộng hứa một điều nhưng vẫn tiếp tục hung hăng làm điều khác.”

RFA (01.11.2024)

 

 

Việt Nam yêu cầu Trung cộng trả tự do cho các ngư dân bị bắt tại quần đảo Hoàng Sa

Hôm qua, 31/10/2024, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên án Trung cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, và yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho tất cả các ngư dân cùng tàu cá bị « giam giữ bất hợp pháp ».

Ảnh minh họa chụp ngày 27/03/2016: Các ngư dân Việt Nam vá lưới trên chiếc tàu neo đậu tại cảng Thọ Quang sau chuyến đánh bắt cá ở Biển Đông. AP – Hau Dinh

Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin 10 ngư dân Việt Nam bị hải cảnh Trung cộng bắt giữ ở vùng biển đảo Hải Nam, phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: « Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước phụ cận, điều này đã được chúng tôi nhắc lại và khẳng định nhiều lần ».

Về các ngư dân bị bắt giữ, ông Đoàn Khắc Việt không nêu chi tiết, nhưng cho biết : «Quan điểm lập trường của Việt Nam rất rõ ràng nhất quán. Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, chúng tôi đều hết sức quan tâm, liên tục trao đổi và phản đối các cơ quan chức năng của Trung cộng. Thông tin các vụ việc liên quan đều được báo chí trong nước và quốc tế đăng tải đầy đủ ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng yêu cầu Trung cộng bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và “không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.”

Hôm 29/09, khoảng 40 nhân viên tàu công vụ Trung cộng đã tấn công một tàu cá Việt Nam hoạt động gần đảo Chim Én, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa. Mười thủy thủ đã bị đánh đập, trong đó có hai người bị thương nặng, 4 tấn cá đánh bắt được bị tịch thu, trang thiết bị trên tàu bị đập phá.

Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam hết sức quan ngại trước việc Trung cộng chuẩn bị triển khai hệ thống radar tại đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, và phản đối mọi hành động “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” đối với quần đảo này.

Đảo Tri Tôn cách đảo Hải Nam của Trung cộng khoảng 320 km về phía nam, và cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km. Theo chuyên gia Michael Dahm, Viện Mitchell chuyên về Hàng không vũ trụ, thuộc Đại học Victoria (Úc), hệ thống radar chống các mục tiêu tàng hình trên đảo Tri Tôn, kết hợp với hai cơ sở khác tại đảo Hải Nam và đá Subi, làm gia tăng đáng kể khả năng phát hiện phương tiện của đối phương và khả năng tác chiến điện tử của Trung cộng tại Biển Đông.

RFI (01.11.2024)

 

 

‘Việt Nam xây hai đường băng mới trên quần đảo Trường Sa’

Nguồn hình ảnh,CSIS/AMTI/MAXAR TECHNOLOGY,Phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef) đã được mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây, theo AMTI

Ngoài sân bay tại đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam có vẻ đang xây dựng thêm hai đường băng nữa trên các thực thể được bồi đắp mở rộng trong thời gian qua.

Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào ngày thứ Tư 30/10 cho biết phần phía tây của đảo Phan Vinh (Pearson Reef), vốn trước đây chỉ có một cấu trúc hình chữ Y nhỏ bằng bê tông, đã được mở rộng rất nhiều trong những tháng gần đây, đạt chiều dài gần 2.500 mét.

AMTI cho rằng sẽ “không ngạc nhiên” nếu sắp tới xuất hiện một đường băng trên đảo Phan Vinh. Nếu có, đây sẽ là đường băng thứ ba của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Trước đó, Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) được cho là nơi Việt Nam đang xây một đường băng mới. Đây cũng là thực thể mà Việt Nam đã bồi đắp ồ ạt trong thời gian qua.

Một báo cáo của AMTI vào ngày 17/10 cho biết chỉ trong năm 2024, Việt Nam đã bồi đắp Bãi Thuyền Chài từ 96,31 hécta lên 166,73 hécta, bằng 75% diện tích công quốc Monaco.

Thông tin về đường băng trên Bãi Thuyền Chài được trang Radio Free Asia đưa vào ngày 25/10. Theo đó, đường băng tại đây có chiều dài khoảng gần 2.500 mét, gấp đôi chiều dài đường băng đã có từ lâu trên đảo Trường Sa Lớn (Spratly Island). Với chiều dài này, đường băng trên Bãi Thuyền Chài có thể cho phép hầu hết các loại máy bay cất và hạ cánh ở độ cao ngang mực nước biển.

AMTI cũng lưu ý rằng chiều dài gần 2.500 mét này có thể còn được nâng lên nữa, vì phần diện tích nhân tạo trên bãi Thuyền Chài hiện đã hơn 4.300 mét.

AMTI nhận định rằng đường băng này có thể giúp Việt Nam có thêm lựa chọn trong việc triển khai máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy mỏm đá ngầm Đá Lát (Ladd Reef) đã được bồi đắp mở rộng trong những tháng gần đây, nâng chiều dài lên gần 2.500 mét.

Tuy nhiên, không giống đảo Phan Vinh, các cấu trúc hiện hữu ở phần trung tâm ở Đá Lát dường như không cho phép làm một đường băng liên tục chạy dọc theo chiều dài thực thể này. Nhưng xét quy mô và hình dạng của vùng đất đang được bồi đắp, AMTI cho rằng cần tiếp tục theo dõi.

Những ‘cấu trúc quân sự’ khác

Nguồn hình ảnh,PLANETLABS  ,Ảnh chụp đảo Nam Yết từ vệ tinh vào ngày 22/8/2024

Báo cáo của AMTI còn cho biết có dấu hiệu xuất hiện các cấu trúc quân sự trên một số thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Các cấu trúc vành đai đắp cao bao bọc sáu khu vực được bảo vệ có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh chụp Bãi Thuyền Chài, đảo Trường Sa Đông, đá Tiên Nữ, đảo Nam Yết, Đá Nam và Đá Lát.

Theo AMTI, các hệ thống tên lửa hoặc pháo chống hạm có thể được đặt tại những cấu trúc đó.

Việc bồi đắp mở rộng cũng được thực hiện tại đá Tiên Nữ, Đá Nam và đá Tốc Tan. Trong đó, đá Tiên Nữ có tiềm năng để mở một đường băng dài 3.000 mét.

“Ba năm kể từ khi bắt đầu, Việt Nam vẫn làm giới quan sát ngạc nhiên với quy mô bồi đắp chưa từng có tại quần đảo Trường Sa. Tốc độ trong vòng năm tháng qua đã cho thấy Hà Nội quyết tâm trong việc tối đa hóa tiềm năng chiến lược đối với các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát,” báo cáo của AMTI viết.

Tuy nhiên, cũng theo tổ chức này, do việc nạo vét, bồi đắp ở các rạn san hô mới vẫn tiếp tục được triển khai, cộng với hoạt động bồi đắp ở các điểm đảo hiện tại, vẫn khó để biết được khi nào việc mở rộng đảo sẽ kết thúc và Việt Nam sẽ trang bị thêm những năng lực nào nữa.

Hồi tháng 6, AMTI nhận định năm 2024 là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Khi đó, AMTI cho rằng Bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam:

“Thực thể hiện có chiều dài 4.318 mét và trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có một đường băng dài 3.000 mét giống như Trung cộng đã có tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.”

“Hiện đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa dài 1.300 mét, nằm trên đảo Trường Sa (thường gọi là Trường Sa Lớn). Dù kích thước đường băng này đủ cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng để phục vụ mục đích vận chuyển quân sự quy mô lớn, hoặc cho máy bay do thám, máy bay ném bom cất và hạ cánh thì phải có đường băng dài 3.000 mét.”

Bãi Thuyền Chài là thực thể lớn thứ tư tại quần đảo Trường Sa.

Âm ỉ mâu thuẫn

Nguồn hình ảnh,PLANETLABS,Ảnh chụp đảo đảo Phan Vinh từ vệ tinh vào ngày 8/9/2024

Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Nam Hải (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung cộng), nêu nhận định trên mạng xã hội X vào ngày 26/10:

“Việc thi công đường băng trên Bãi Thuyền Chài đang tiến triển cực kỳ nhanh, làm được 600m trong ba ngày từ 8 đến 11/10, so với các hình ảnh vệ tinh mà chúng tôi công bố vào ngày 8/10.”

Vào ngày 24/10, SCSPI nhận định Việt Nam đang tăng tốc bồi đắp các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

“Trong 5 tháng qua, gần 2,23 km2 đã được bồi đắp trên 7 thực thể. Cho đến nay, hơn 7,73 km2 đã được mở rộng trên 11 thực thể, tính từ tháng 10/2021.”

Báo South China Morning Post (SCMP) vào ngày 25/10 dẫn lời ông Hồ Ba, Giám đốc của SCSPI, nói:

“Hà Nội đã liên tục mở rộng các thực thể chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa kể từ những năm 1970… và đã tăng tốc đáng kể cả về tốc độ lẫn quy mô những điều chỉnh kể từ đợt bồi đắp gần nhất bắt đầu vào tháng 10/2021”.

Trong bài viết ngày 15/10 của viện nghiên cứu Chatham House (Anh), chuyên gia Bill Hayton lưu ý rằng Trung cộng đã không tìm cách can thiệp việc Việt Nam bồi đắp các rạn san hô này. Điều đó tương phản với cách mà Trung cộng ứng xử với Philippines: liên tục ngăn cản việc tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre.

Theo ông, dù phản đối yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Trung cộng ít bình luận về việc Việt Nam bồi đắp đảo. Điều này, cùng với những thay đổi trong ban lãnh đạo theo hướng thân Trung cộng tại Hà Nội, cho thấy phía Trung cộng cũng không muốn làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

“Ban lãnh đạo mới ở Hà Nội chia sẻ lập trường ý thức hệ với Trung cộng và Nga nhiều hơn so với phương Tây. Do đó, so với những người tiền nhiệm, họ sẽ không muốn gây xáo trộn mối quan hệ với Bắc Kinh và trước mắt không muốn tạo sóng trên Biển Đông.”

Bài viết trên Chatham House cho rằng mặc dù tham vọng bồi đắp đảo của Hà Nội tại quần đảo Trường Sa vẫn không rõ ràng, thì khu vực này vẫn là trung tâm trong cuộc chiến địa chính trị chiến lược “đang âm ỉ”.

BBC (01.11.2024)

 

 

Trung cộng lần đầu tiên diễn tập đội hình Hàng không mẫu hạm đôi ở Biển Đông

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung cộng cùng đội tàu hộ tống

Hai hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung cộng đã lần đầu tiên diễn tập đội hình Hàng không mẫu hạm đôi ở Biển Đông, hải quân của Giải phóng Quân nhân dân (PLA) cho biết, động thái chuẩn bị hải quân Trung cộng cho các nhiệm vụ đa dạng và phức tạp hơn.

Trung cộng đang tranh chấp với một vài nước láng giềng về đòi hỏi chủ quyền quá mức của họ ở Biển Đông.

Trong quá trình diễn tập, đội hình di chuyển đến Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông trước khi trở về căn cứ an toàn, tài khoản chính thức của Hải quân PLA cho biết trên Weibo.

“Ở Biển Đông, đội hình tàu Liêu Ninh và Sơn Đông lần đầu tiên tiến hành tập trận đội hình Hàng không mẫu hạm đôi để trau dồi và cải thiện khả năng chiến đấu của hệ thống đội hình Hàng không mẫu hạm,” Hải quân PLA cho biết.

Các cuộc tập trận với hai chiếc hàng không mẫu hạm và đội tàu hỗ trợ đi theo đòi hỏi mức độ linh hoạt hành quân cao và thể hiện khả năng triển khai và duy trì sức mạnh trên không và trên biển bao quát, đem đến khả năng răn đe mạnh mẽ trước các đối thủ khả dĩ.

Hải quân PLA có hai chiếc hai Hàng không mẫu hạm đang triển khai là Liêu Ninh và Sơn Đông. Chiếc Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung cộng, Phúc Kiến, đã được cho ra mắt vào tháng 6 năm 2022. Nó vẫn đang được thử nghiệm trên biển và chưa hoạt động.

VOA (01.11.2024)

 

 

Việt Nam yêu cầu Trung cộng thả ngay ngư dân, phản đối xây dựng radar ở đảo Tri Tôn

Các ngư dân Quảng Ngãi điều trị vết thương tại bệnh viện sau khi bị tàu Trung cộng tấn công vào ngày 29/9/2024. Photo YouTube Bao VietnamNet.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/10 lên tiếng yêu cầu Trung cộng thả ngay các ngư dân Việt Nam và toàn bộ tàu cá đã bị Trung cộng bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, trong vụ việc mà Hà Nội nói là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin Trung cộng xây dựng hệ thống radar ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung cộng tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, VnExpress dẫn lời phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt, nói trong cuộc họp báo ngày 31/10 nhưng không nói rõ hiện có bao nhiêu ngư dân đang bị Trung cộng giam giữ và họ bị bắt vào thời điểm nào.

“Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam chúng tôi đều hết sức quan tâm, liên tục trao đổi và phản đối các cơ quan chức năng của Trung cộng”, ông Việt được Dân Việt dẫn lời nói.

Phát biểu của ông Việt được đưa ra khi trả lời câu hỏi của báo chí về sự việc 10 ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng hải cảnh Trung cộng bắt ở khu vực đảo Hải Nam.

Ông Việt nói thêm rằng việc Trung cộng “bắt giữ trái phép” tàu cá và ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “vi phạm các quyền, cũng như lợi ích cơ bản, hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam”.

Trước đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin với báo chí rằng lực lượng thực thi pháp luật Trung cộng đã tấn công 10 ngư dân Việt Nam, làm hỏng ngư cụ của họ và tịch thu khoảng 4 tấn cá đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Theo truyền thông Việt Nam, vụ tấn công xảy ra vào ngày 29/9, khi tàu cá Quảng Ngãi với 10 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị nhóm người ở tàu Trung cộng tấn công, cướp phá tài sản. Sự việc khiến 4 ngư dân bị thương nặng, trong đó 3 ngư dân bị gãy chân tay, và những người còn lại bị thương.

Sau vụ tấn công, một số ngư dân đã trở về Việt Nam. Không rõ hiện còn bao nhiêu ngư dân đang bị phía Trung cộng giam giữ và họ bị bắt trong vụ tấn công trên hay trong hoàn cảnh nào khác.

Tờ New York Times hôm 28/10 phỏng vấn ngư dân Nguyễn Thanh Biên, một nạn nhân của vụ tấn công trên, và đưa tin rằng vào tháng 6, một tàu cá và các thuyền viên từ làng của ông Biên, thôn Châu Thuận Biên, xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, đã biến mất sau khi đưa tin qua radio về cuộc chạm trán với giới hữu quan Trung cộng. Tờ báo cho biết những người thân của các ngư dân hiện vẫn chưa được biết tin tức gì về họ kể từ khi có người gọi điện báo rằng họ đang bị giam giữ trên đảo Hải Nam của Trung cộng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 2/10 nói hành động của lực lượng thực thi pháp luật Trung cộng “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller trong một tuyên bố hôm 3/10 trên mạng xã hội X nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng quan ngại trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của tàu thực thi pháp luật (Trung cộng) đối với tàu cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29 tháng 9. Chúng tôi kêu gọi (Trung cộng) chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây mất ổn định ở Biển Đông”.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời bày tỏ quan ngại trước thông tin Trung cộng hoàn thiện hạ tầng cho hệ thống radar ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

“Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này và mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, VnExpress dẫn lời ông Đoàn Khắc Việt nói với báo chí.

Trước đó, tờ Guardian của Anh tuần trước đưa ra ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp hôm 16/9, cho thấy Trung cộng dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn và hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung cộng trong khu vực.

Tờ báo dẫn phân tích của Chatham House cho thấy Trung cộng đang nâng cấp tiền đồn của mình trên Đảo Tri Tôn, góc tây nam của quần đảo Hoàng Sa, và xây dựng công trình có thể là điểm phóng cho một khẩu đội tên lửa chống hạm cũng như hệ thống radar tinh vi.

Tại cuộc họp báo ngày 31/10, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

VOA (31.10.2024)

 

 

Việt Nam tăng cường khả năng chiến lược tại Biển Đông

Hà Nội đang xây đường băng và các cơ sở quân sự trên các đảo mà nước này đang xây lấp với tốc độ đáng kinh ngạc

Đá Tiên Nữ ở Trường Sa hôm 7/9/2024. Một phần lớn đất ở khu vực phía đông cảu đảo được nối với trạm nhỏ hơn ở bờ tây của đảo CSIS/AMTI/MAXAR Technologies

Việt Nam dường như “đã quyết tâm tối đa hoá tiềm năng chiến lược của mình trên các thực thể mà nước này kiểm soát” ở Biển Đông nơi Trung cộng cũng đòi chủ quyền, theo nhận định của một cơ quan nghiên cứu tại Mỹ.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở ở Washington mới đây công bố một báo cáo cho biết có những chỉ dấu cho thấy Hà Nội đang xây dựng nhiều đường băng trên nhiều đảo nhân tạo, “dấu hiệu của các cơ sở quân sự” đã được phát hiện trên một số các thực thể.

Đài Á Châu Tự Do hôm 25/10 đã đưa tin về việc Việt Nam xây dựng một đường băng trên Bãi Thuyền Chài, đảo nhân tạo lớn nhất đến lúc này do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.

Bãi Thuyền Chài đã được xây dựng nhanh chóng kể từ năm 2021 và hiện có tổng số diện tích đất được lấp là gần 2,5 km vuông.

Đường băng trên đó cũng đã được nối dài từ 1.050 mét lên khoảng 1.600 mét và có thể kéo dài đến 3.000 mét hoặc hơn, đủ dài cho máy bay chiến đấu cỡ lớn hơn.

Cho đến lúc này, Việt Nam mới chỉ có một đường băng dài 1.300 mét trên Đảo Trường Sa ở Biển Đông. Đường băng mới “mở rộng đáng kể các lựa chọn cho Việt Nam trong việc triển khai máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa”, theo AMTI. Cơ quan này cũng cho biết thêm rằng đây “có thể không chỉ là một đường băng duy nhất mà Hà Nội có kế hoạch xây dựng ở Trường Sa”.

AMTI cho biết có thể đã có kế hoạch xây dựng các đường băng trên ít nhất hai đảo nhân tạo khác là Đảo Phan Vinh và Đá Lát. Cả hai thực thể này đều đang được xây dựng với tốc độ nhanh chóng.

Các cơ sở quân sự                                                                   

Bên cạnh các đường băng, AMTI cho biết một số các cơ sở mới khác cũng đang hình thành gồm các bờ ngăn hoặc rào chắn để bao quanh sáu khu vực “được nhìn thấy trên các hình ảnh vệ tinh chụp Bãi Thuyền Chài, Đảo Nam Yết, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tiên Nữ, Đá Núi Le.”

“Dựa vào hướng bờ biển của phần lớn những cơ sở mới, có thể những khu vực này sẽ được dùng để chứa pháo chống tàu hoặc bệ tên lửa” – AMTI nhận định.

Cấu trúc quân sự (có thể) trên Bãi Thuyền Chài hôm 2/10/2024. CSIS/AMTI/MAXAR Technologies

Các nhà phân tích cho rằng các cơ sở quân sự và đường băng ở quần đảo Trường Sa sẽ giúp nâng cao khả năng chiến lược của Việt Nam đối trọng với việc triển khai sức mạnh của Trung cộng ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hoá toàn bộ ít nhất ba đảo nhân tạo thường được biết đến với tên gọi “Ba Đảo Lớn” bao gồm Đá Chữ Thập, Subi, và Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

“Ba năm kể từ khi bắt đầu, Việt Nam vẫn khiến những nhà quan sát ngạc nhiên với mức độ nạo vét và lấp đất ngày một gia tăng của mình ở quần đảo Trường Sa” – theo AMTI.

Mặc dù các công việc xây lấp đang tiếp tục nhanh chóng trên các thực thể mới và ở “hướng không ngờ”, AMTI cho rằng mức độ năng lực thực sự của việt Nam vẫn còn là điều còn cần phải chờ xem.

Bản tiếng Anh

RFA (31.10.2024)

 

 

Lần đầu tiên Trung cộng tổ chức tập trận với 2 Hàng không mẫu hạm ở Biển Đông

Hai Hàng không mẫu hạm Sơn Đông (Shandong) và Liêu Ninh (Liaoning) của Trung cộng lần đầu tiên cùng nhau tập trận chung ở Biển Đông trong những tuần qua. Theo đài truyền hình CCTV ngày 31/10/2024, mục đích của đợt tập trận là nhằm « nâng cao khả năng chiến đấu của các đội Hàng không mẫu hạm.»

Ảnh không đề ngày, được Tân Hoa Xã công bố hôm 31/12/2021: Một chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Hải quân Trung cộng trong cuộc thao dượt chiến đấu ngoài biển khơi, từ Hoàng Hải đến Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. AP – Hu Shanmin

Truyền thông Nhà nước Trung cộng không nêu rõ thời điểm diễn ra các cuộc tập trận nói trên mà chỉ nói chung chung là vào kỳ nghỉ lễ quốc khánh, cuối tháng 09 và đầu tháng 10. Còn theo trang web của CCTV, các cuộc tập trận của hai Hàng không mẫu hạm cũng đã được tiến hành ở Hoàng Hải và Biển Hoa Đông.

Trả lời AFP ngày 31/10, một chuyên gia về an ninh hàng hải nhận định cuộc diễn tập chung này « cho thấy tiến bộ vượt bậc trong chương trình phát triển tàu bay và năng lực tấn công (của Trung cộng) » và « chắc chắn sẽ còn có nhiều cuộc tập trận kiểu này trong tương lai ».

Vào tháng 10, Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng tham gia các cuộc tập trận có quy mô lớn, được cho là nhằm phong tỏa đảo Đài Loan. Tàu Liêu Ninh được đóng từ thời Liên Xô là Hàng không mẫu hạm lâu đời nhất của Trung cộng, được đưa vào hoạt động năm 2012. Tàu Sơn Đông thì được đưa vào hoạt động năm 2019.

Trung cộng đang thử nghiệm Hàng không mẫu hạm thứ ba mang tên Phúc Kiến. Một số chuyên gia của tổ chức CSIS tại Mỹ cho biết Hàng không mẫu hạm thứ ba này được trang bị hệ thống cất cánh tiên tiến, giúp không quân Trung cộng có thể triển khai chiến đấu cơ chở nhiều thiết bị và nhiên liệu hơn.

RFI (31.10.2024)