„…cử tri Mỹ cũng nhận ra Phong trào Cấp Tiến trong đảng Dân Chủ đã đi quá đà và nếu không ngăn chặn có thể sẽ dẫn đến cực tả.“
Chính Luận Trần Trung Đạo
(Bài viết thuộc phạm vi kiến thức này để trả lời câu hỏi của một bạn trên Facebook Page Chính Luận: Tại sao CNXH lại bắt đầu nhen nhúm trở lại ở Mỹ, nhất là trong thế hệ trẻ và Progressive là gì?)
Theo tự điển Oxford, Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) gồm những người ủng hộ hay biện hộ cho các chính sách cải cách xã hội. Theo tự điển Cambridge, Phong trào Cấp Tiến là một phong trào xã hội hoặc chính trị nhằm đại diện cho lợi ích của người dân bình thường thông qua thay đổi chính trị và hỗ trợ các hoạt động của chính phủ.
Theo Kevin Hillstrom trong tác phẩm The Progressive Era, Phong trào Cấp Tiến từng có một thời rất thịnh tại Mỹ. Kỷ nguyên đó kéo dài từ 1896 đến gần Thế Chiến Thứ Nhất.
Trong vài năm trở lại đây, Phong trào Cấp Tiến Mỹ một lần nữa có tiếng nói rất ảnh hưởng trong sinh hoạt chính trị Mỹ.
Dân Biểu Cấp Tiến trong Hạ Viện Mỹ hiện nay gồm những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội tả phái. Tại Thượng Viện, duy nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, đảng Dân Chủ, tiểu bang Vermont đại diện cho Phong trào Cấp Tiến.
Phong trào Cấp Tiến được khá đông giới trẻ ủng hộ. Tuổi trẻ thường sống lý tưởng. Họ nhìn đời một màu xanh. Họ hăng say và nhiệt tình cống hiến công sức cho những mục đích mà họ cho là cao thượng giúp đời. Nếu Karl Marx gọi giai cấp công nhân là những người “không có gì để mất” thì tuổi trẻ trong Phong Trào Cấp Tiến là thành phần “chưa có gì để mất.”
Trong lần ứng cử tổng thống năm 2016, Bernie Sanders tập hợp chung quanh ông ta được một khối người trẻ đông đảo, tự nguyện, có tính tổ chức cao và nhất là được trang bị phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng. Khi Bernie Sanders rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, khối trẻ đông đảo này chuyển sang ủng hộ các cuộc chạy đua vào quốc hội.
Nhờ đó, trong quốc hội khóa thứ 117, cánh cấp tiến có tới 94 dân biểu và tập trung vào Khối Cấp Tiến (Progressive Caucus). Chủ tịch Khối Cấp Tiến là Dân biểu Pramila Jayapal, đảng Dân Chủ tiểu bang Washington.
Mặc dù hiện nay Phong Trào Cấp Tiến là một cánh của đảng Dân Chủ, lịch sử cho thấy phong trào không nhất thiết thuộc hẳn một đảng nào.
Tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt thuộc đảng Cộng Hòa là lãnh đạo của Phong Trào Cấp Tiến thời đó. Ông là tác giả của ba chính sách mang nội dung cấp tiến gồm kiểm soát chặt chẻ các công ty, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giới tiêu thụ. Tổng thống Woodrow Wilson, thuộc đảng Dân Chủ sau đó cũng là thành viên của Phong Trào Cấp Tiến.
Phong Trào Cấp Tiến là phản ứng xã hội tự nhiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ. Sự phân cực ngày càng xa giữa hai tầng lớp người giàu và người nghèo, bất công xã hội, tham nhũng là những hiệu quả tiêu cực của kỹ nghệ hóa và điều này đã thúc đẩy một số người tham gia vào Phong Trào Cấp Tiến.
Cuộc cách mạng kỹ nghệ cuối thế kỷ 19 mang giàu có đến cho một số ít người nhưng được trả một giá rất đắt bằng sự hy sinh của nhiều tầng lớp dân chúng khác. Giới lao động làm việc trong ngành làm đường rầy xe lửa, chế biến, sản xuất phải chịu đựng nhiều thiệt thòi, làm việc trong môi trường khắc nghiệt để làm giàu cho một số nhỏ những chủ công ty, chủ ngân hàng, chủ hầm mỏ.
Nền kinh tế được xã hội hóa càng cao thì mức độ ngăn cách giàu nghèo càng thêm sâu sắc. Của cải xã hội tập trung trong tay một số nhỏ người giàu. Đại đa số dân chúng nếu được hưởng cũng chỉ là hưởng nhờ, hưởng lây vào sự giàu có của thiểu số người.
Các nhà phân tích hay dùng các chỉ số của thị trường chứng khoáng để nhận định sức khỏe của nền kinh tế. Nhưng số cổ phần đó thuộc vào ai thường không được bàn sâu. Chẳng hạn ngày cuối năm 2020 vừa qua NASDAQ đạt tới số điểm cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoáng. Tuy nhiên, theo Gallup chỉ 55% người Mỹ sở hữu cổ phần và trong số 55% đó 10% sở hữu 84% tổng số cổ phần.
Do đó, Phong Trào Cấp Tiến có lý do khách quan để ra đời và tồn tại trong lòng xã hội tư bản. Vì là một phong trào xã hội, nên khi lên mạnh, chính phủ buộc phải “thỏa hiệp” để lấy lòng thành phần này nhất là trong mùa bầu cử, khi yếu họ bị quên lãng đi.
“CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” TẠI MỸ
Chủ nghĩa xã hội có một lịch sử khá dài. Ngay trước khi xuất hiện của Marx, Engels với Tuyên Ngôn CS và Tư Bản Luận, các quan điểm về chủ nghĩa xã hội đã có rồi. Khi Marx xuất hiện chủ nghĩa xã hội được phân cực thành nhiều trường phái bắt đầu với Quốc Tế Thứ Nhất tại Geneva 1864.
Tại Mỹ, chủ nghĩa xã hội cũng đã từng gây ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt chính trị. Là nước của những di dân, Mỹ có hầu hết các trường phái tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới trong đó có chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Labor Party of America) ra đời năm 1877 và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Party of America) được thành lập từ năm 1901. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ đã từng có một đảng viên là Victor Berger được bầu vào Quốc Hội Liên Bang.
Dù chung một dòng lịch sử trải dài hai thế kỷ, loại “chủ nghĩa xã hội” đang được một số chính trị gia và hệ thống truyền thông Mỹ nhắc không liên quan gì đến “chủ nghĩa xã hội” thời kỳ đầu thế kỷ 20 hay đã tồn tại tại Liên Xô và Đông Âu từ 1917 đến 1991 cũng như đang tồn tại tại Trung Cộng và Việt Nam.
Hình thái “dân chủ xã hội” đang được nói đến là “dân chủ xã hội Nordic” đang tồn tại tại các quốc gia vùng Nordic gồm Thụy Điển, Denmark, Norway, Phần Lan, Iceland. Những quốc gia Nordic này vì đặc tính văn hóa đã thích hợp và áp dụng tương đối thành công một nền kinh tế với hệ thống an sinh xã hội cao, nền giáo dục công lập, hệ thống y tế công cộng, khoảng cách giàu nghèo không quá cách biệt.
Thụy Điển, quốc gia thường được dùng để đại diện cho “dân chủ xã hội Nordic” hay “dân chủ xã hội Thụy Điển” không có những trại tập trung như ở Siberia, không có những nhà tù do CSVN dựng lên như Phan Đăng Lưu, Hàm Tân.
Nền giáo dục tại các quốc gia Nordic không giống như hệ thống tuyên truyền tẩy não của Trung Cộng hay CSVN.
Về luật pháp, các quốc gia Nordic không có những bộ luật quái gở như “luật hình sự”. Hiến pháp của họ không có điều 4 mà băng đảng Mafia Đỏ đang dùng tại Việt Nam trong đó khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam …là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Lý do “chủ nghĩa xã hội” được nhắc nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua chẳng qua vì một ứng cử viên tổng thống vận động trên nền tảng “dân chủ xã hội” và cổ vũ cho hình thái kinh tế Nordic. Người đó là Bernie Sanders.
Về đối nội Thượng Nghị Sĩ Sanders ủng hộ quyền của giới lao động, y tế miễn phí, học phí miễn phí. Về đối ngoại, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo đuổi đường lối ngoại giao hợp tác quốc tế. Trong lần bầu cử tổng thống năm 2020, Bernie Sanders là ứng cử viên đảng Dân Chủ và trong giai đoạn đầu cũng là người dẫn đầu trước khi nhường bước trước Joe Biden.
Quan điểm đối ngoại chủ hòa của Bernie Sanders là một nguy cơ cho nền an ninh và vị trí của Mỹ trên thế giới. Không chỉ đảng Cộng Hòa lo mà cả các thành phần thuộc cánh trung tâm (Democrat Centrist) và ôn hòa (Democrat Moderates) của đảng Dân Chủ cũng lo.
Nếu ai theo dõi chiến lược và chiến thuật tranh cử năm 2020 sẽ thấy vào giai đoạn cuối những khẩu hiệu có tính xách động và quá khích như “Defund the police” (tái phân phối ngân sách cảnh sát) hay những câu “xã hội chủ nghĩa”, “phong trào cấp tiến” làm cử tri lo lắng đều không còn được ứng cử viên đảng Dân Chủ dùng. Nhắc lại, lần bầu cử vừa rồi không chỉ bầu tổng thống mà còn bầu 35 thượng nghị sĩ và 435 dân biểu.
Tuy thay đổi chiến thuật và tránh xa Bernie Sanders nhưng đảng Dân Chủ cũng mất đi chín ghế dân biểu trong khi đảng Cộng Hòa không mất ghế nào. Điều đó cho thấy, cử tri Mỹ cũng nhận ra Phong trào Cấp Tiến trong đảng Dân Chủ đã đi quá đà và nếu không ngăn chặn có thể sẽ dẫn đến cực tả.
Năm 2022, tất cả 435 ghế trong Hạ Viện và 34 ghế trong tổng số 100 ghế Thượng Viện sẽ được bầu lại. Với xu thế đang lên, hai năm nữa có thể đảng Cộng Hòa sẽ nắm đa số tại Hạ Viện.
Cơ chế dân chủ Mỹ ngoài hành pháp và lập pháp mà chúng ta nghe hằng ngày còn được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp tiểu bang và liên bang được dựng thành nhiều tầng kiên cố.
Riêng cấp liên bang, Mỹ có 94 tòa án liên bang đặt tại địa phương (District Court) với tổng cộng 670 thẩm phán. Ngoài ra Mỹ còn có 13 tòa phúc thẩm (U.S. Courts of Appeals), mỗi tòa có ba thẩm phán nhưng không có bồi thẩm đoàn.
Các thẩm phán liên bang Mỹ tại chức suốt đời và chỉ có quốc hội mới có quyền bãi nhiệm nếu thẩm phán nào có hành vi xấu. Tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện với chín thẩm phán. Theo phúc trình của James C. Duff, Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành Tòa Án Mỹ, hiện có 30 ngàn nhân viên chuyên môn phụ giúp cho các thẩm phán tại các tòa.
Một trong những lý do các thẩm phán được tại chức suốt đời là để bảo đảm tính vô tư, không bị chi phối bởi áp lực chính trị hay thiên vị đảng phái. Trước mặt một thẩm phán Mỹ, không có gì khác hơn là hiến pháp, 27 tu chính án và các đạo luật đã được ban hành.
Không ít người đánh giá cơ chế dân chủ Mỹ quá sức đơn giản. Thật ra không phải vậy. Nếu tính từ năm 1776, nước Mỹ chỉ mới 245 tuổi. Nhưng nền văn hóa Mỹ không chỉ bắt đầu từ năm 1776. Nước Mỹ là vùng đất của những di dân. Con người là kết tinh của cả dòng văn hóa và kế thừa của cả dòng lịch sử nên mỗi người mang đến đây không chỉ giấc mơ mà còn trí tuệ trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống con người. Albert Einstein sinh ra ở Đức, Alex Trebek sinh ra ở Canada, Andrew Carnegie sinh ra ở Scotland, Joseph Pulitzer gốc Hungary, Madeleine Albright sinh ra ở Tiệp Khắc, Elon Musk sinh ra ở South Africa và rất nhiều người khác. Họ gặp nhau trên vùng đất trù phú giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để từ đó bồi đắp cường quốc Hoa Kỳ ngày thêm cường thịnh.
Sức mạnh của Mỹ không chỉ nằm trong số lượng bom nguyên tử, hàng không mẫu hạm mà là cơ chế dân chủ. Căn nhà dân chủ Mỹ trải qua nhiều thử thách nhưng giống như Đài Tưởng Niệm Tổng thống Washington (Washington Monument), nước Mỹ vẫn vươn cao trên vòm trời nhân loại.
Trần Trung Đạo (01.12.2021)