Diễn Đàn Việt Nam 21: Chúng ta thường biết, thường nghe đến các Goethe Institut, Institut francais, British Council, Amerikahaus là các viện phổ biến văn hoá của Đức, Pháp, Anh, Hoa Kỳ.
Các viện này có mặt ở nhiều nước trên toàn thế giới. Có nhiều người trong chúng ta đã từng học tiếng Đức tại viện Goethe Institut.
Từ nhiểu năm nay Trung cộng cũng thành lập một viện có tên là Viện Khổng Tử ngoài mặt mục đích phổ biến văn hoá Trung quốc, nhưng bện trong là tuyên truyền hoạt động chính trị.
Trong khi Goethe Institut chẳng hạn hoạt động độc lâp với chính phủ Đức, đặt trọng tâm vảo việc quảng bá văn hoá Đức, các viện Khổng Tử ngược lại là một bộ phận của đảng Cộng sản Trung quốc, nhận chỉ thị của đảng và dĩ nhiên do nhà nước CS tài trợ. Viện Khổng tử còn can thiệp vào nội bộ các nước Âu châu và theo dõi hành vi chính trị của sinh viên Trung quốc theo học tại các nước này.
Duong Hong-An
(Diễn đàn Vietnam 21)
www.vietnam21.info
***
Tuyên truyền văn hóa Trung cộng ở Ðức
Nam Phong
Bán sách ở Bá Linh
Cuối tháng 9. 2020, tuần báo Die Zeit ở Ðức có 1 bài tường thuật về việc phổ biến các ấn phẩm của TC ở Bá Linh.
Sự kiện là nhà sách Thalia đã bày bán trên một kệ sách gồm sách nhi đồng, sách hướng dẫn du lịch, các tác phẩm văn chương đương đại và sách tuyên truyền „China regieren“ (Cai trị Trung cộng) của Tập Cận Bình, bằng tiếng Ðức và Anh ngữ. Bà Monika Li, một chuyên gia về văn hóa TC lấy làm lạ về việc này. Ở đây bà không thấy bán sách phê bình nhà nước TC. Ai muốn tìm sách loại này, khách hàng phải xuống tầng dưới.
Theo sự tìm hiểu của bà Li, Thalia có một hợp đồng cộng tác với China Book Trading, một doanh nghiệp TC muốn thăm dò sở thích của giới đọc giả Ðức muốn tìm hiểu về Trung cộng hiện đại. Nếu thấy có nhu cầu cần đáp ứng, chương trình sẽ được khai triển. Tin này lan truyền trên Facebook, Twitter. Sau đó được bàn thảo tiếp theo trên báo chí và truyền hình. Lúc đầu Thalia cảm thấy như bị thương tổn vì có người soi mói cách làm ăn của họ. Nhà sách có vẽ bối rối và phản ứng với thái độ dè dặt. Tham gia hợp đồng này cón có Thalia Hamburg và Wien. Ðằng sau China Book Trading là doanh nghiệp China National Publications Import & Export Corporation, một bộ phận trực thuộc Ðảng CS Trung Hoa. Chi tiết hợp đồng cũng như các điều kiện ràng buộc không được cho biết.
Thalia nhìn nhận, rất có thể các ấn phẩm nói trên mang nội dung tuyên truyền. Nhưng theo họ, ở Ðức người đọc sách có nhu cầu muốn tìm hiểu về TC, một cường quốc thế giới đang lên, một quốc gia rộng lớn có 1,4 tỉ dân, có nền văn minh lâu đời như Trung Hoa. Lo sợ, tìm cách ngăn chận hoặc cấm đoán không phải là cách tiếp cận khôn ngoan của một quốc gia mở, có đời sống văn hóa dân chủ tự do. Tạo điều kiện cho các quốc gia trao đổi văn hóa và giao lưu thân hữu giữa các dân tộc chính là sức mạnh mềm của nền dân chủ Tây phương. Nhà nước Ðức cũng đủ tự tin để cho dân chúng của họ tự do tìm đọc hầu như tất cả mọi ấn phẩm từ các nước trên thế giới mà Trung cộng là một.
Theo cách nhìn này thì các nhà sách có thể bán sách nói về Trump, sách nói về Putin. Hoặc ở Ðức có con số đông người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Erdogan, họ cũng sẽ tìm đọc sách nói về Erdogan.
Nhà sách KulturKaufhaus Dussmann cho biết họ không có hợp đồng tương tự với doanh nghiệp TC. Nhà sách Hugeldubel cũng không hợp tác với các tổ chức liên quan đến chính trị.
Sau khi bị phê bình, Thalia Berlin đã cho trưng bày lại bàn bán sách về TC, có làm bản hiệu chỉ rõ “Ðiểm nóng Trung cộng: Hai mặt của một siêu cường”. Người ta thấy có bày sách “Die lautlose Eroberung” (Cuộc chinh phục thầm lặng), một quyển sách của Mareike Ohlberg và Oliver Hamilton viết về hoạt động tuyên truyền của TC ở Tây Phương.
Ở một nước dân chủ như Ðức, việc tuyên truyền văn hóa có chủ đích như của TC thật ra không khó. Trong sự giao thương kinh tế, ngoại giao và văn hóa, ngày nay cả an ninh toàn cầu giữa Ðức và Liên Âu một bên với Trung cộng bên kia, cho phép chính quyền Bắc Kinh có nhiều phương tiện trong tay để quảng bá văn hóa và ý thức hệ của họ tại các nước Âu châu. Sức mạnh mềm của TC là tiền: mua hải cảng, mua hảng xưởng, mua know-how, mua lòng người. Thực hiện chính sách bành trướng trên thế giới TC không bỏ một ngõ ngách nào để chen chân vào Âu châu như việc bán sách ở Bá Linh. Sớm hay muộn, giới doanh nghiệp thuộc ngành xuất bản, phát hành của Ðức cũng sẽ nhảy vào hợp tác như Thalia. Ðối với TC, “không đạt được mục đích bằng tiền thì sẽ đạt được bằng thật nhiều tiền”. Và còn nhiều phương cách khác nữa.
Thành lập Viện Khổng Tử
Từ 2004, TC đã thiết lập nhiều Viện Khổng Tử để phổ biến văn hóa và tiếng Hoa trên thế giới. Các Viện Khổng Tử nằm dưới sự điều khiển của Văn phòng Hanban (Tổ chức truyền bá văn hóa Trung Hoa ở nước ngoài), trực thuộc Bộ Giáo dục và là một cơ quan tuyên truyền trung ương của Ðảng Cộng sản TC. Theo tên gọi, các Viện Khổng Tử không khác và có vai trò như Goethe-Institut của Ðức, British Council của Anh, Alliance française của Pháp. Nhưng các Viện Khổng Tử cộng tác với các viện đại học. Ðại học cho xử dụng cơ sở, phòng ốc của đại học. TC tài trợ phân nửa ngân sách và cung cấp giáo viên giảng huấn và học liệu. Tại các nước đang phát triển, Bắc Kinh đài thọ toàn chi phí họat động. Với điều kiện: các Viện Khổng Tử không được phê bình nền chính trị TC cũng như không được thảo luận các đề tài liên quan đến sự dộc lập của Ðài Loan, thảm sát Thiên An Môn, đô hộ Tây Tạng, Tân Cương, hoặc phong trào Falun Công. Các Viện Khổng Tử là dấu hiệu rõ rệt nhất của Bắc Kinh, nhằm xây dựng sức mạnh mềm của TC.bên cạnh sự vươn lên kinh tế, bành trướng thương mại, tăng cường lực lượng quân sự vào đầu thế kỷ thứ 21. Bắc Kinh muốn tạo hình ảnh đẹp cho nhà nước độc đảng TC. Ðồng thời lèo lái dư luận thế giới thuận lợi cho chiến lược “Vành đai và con đường” của họ.
Trong khi TC rất thành công ở Á châu và Phi châu, TC lại gặp trở ngại để bành trướng các Viện Khổng Tử ở Âu và Mỹ châu. Ðến năm 2020 họ dự trù có 1000 Viện Khổng Tử trên thế giới. Nhưng hiện có khoảng 500 Viện Khổng Tử hoạt động.
Phản ứng tại các nước dân chủ
Nhiều Viện Khổng Tử bị tố cáo có hoạt động tuyên truyền, gián điệp kinh tế, làm gián điệp cho nhà nước TC. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ rệt. Nhưng nhiều đại học nhận thấy, cộng tác với với Viện Khổng Tử sự độc lập và tự do hàn lâm của họ bị hạn chế. Họ lo ngại nếu làm việc chung với các Viện Khổng Tử danh giá đại học có thể bị tổn thương. Nhiều đại học đã rút lui. Năm 2018, ¼ các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ đã ngưng hoạt động. Các đại học ở Canada, Pháp, Thụy Ðiển cũng chấm dứt hợp tác. Năm 2020, Mỹ xếp Viện Khổng Tử vào hạng như các cơ sở ngoại giao. Tại Ðức, có khoảng 19 Viện Khổng Tử hoạt động tại các đại học. Hamburg và Düsseldorf đã rút lui. Gần đây nhất, đại học ở Basel, Thụy Sĩ và 1 đại học ở Brüssel cũng chấm dứt hợp tác.
Mới dây, Verein “Menschenrechte für China” (Hội “Nhân quyền cho Trung Hoa”) đã viết thư gửi đến 17 đại học Ðức, tố cáo việc hợp tác với các Viện Khổng Tử là “tiếp tay cho chế độ phi pháp của Ðảng Cộng sản Trung cộng”..
Trả lời câu hỏi của FDP (Ðảng Dân chủ Tự do Ðức), chính phủ liên bang Ðức hứa sẽ theo dõi hoạt động tại các VKT. Phát ngôn viên ngoại giao của FDP, Frank Müller-Rosentritt còn đòi thành lập nhiều Viện nghiên cứu Văn hòa Trung Hoa tại các đại học, tìm hiểu và theo dõi nhiều hơn các hoạt động của khoa học gia, của giới văn nghệ sĩ, về các hoạt động đòi nhân quyền ở TC.
Trả lời chất vấn của Quốc hội, hồi tháng 9.2019 chính phủ Ðức cho biết các Viện Khổng Tử có nhiệm vụ “xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa” và phục vụ cho “quyền lợi quốc gia của TC”.
Trong nạn dịch COVID, TC đã gửi những đoàn y tế sang giúp nước Ý. Bộ máy tuyên truyền quảng cáo việc gửt tặng khăn che mặt và vật dụng phòng dịch, nhằm phô trương hệ thống ưu việt của TC trong việc xử lý, chống dịch.
Các phản ứng ở trên chưa phải là cách trả lời cuối cùng của các xã hội dân chủ Tây phương. Ðể đối phó với một đối thủ có “hệ thống khác biệt như TC” đang hung hăng bành trướng ở Biển Ðông và đe dọa Ðài Loan lộ liễu, Liên Âu và Hoa Kỳ cần có một chiến lược chung phù hợp với tương quan quyền lực mới.Trong một bài phỏng vấn của Süddeutsche Zeitung (Nhật báo Miền Nam Ðức), Chủ tịch Quốc hội Ðức ông Wolfgang Schäuble trả lời: “Không phải vì TC đối phó dịch Corona tốt hơn mà tôi thích hệ thống cai trị ở TC”.
Nam Phong
(Diễn đàn Việt Nam 21)
25.01.21
Tài liệu tham khảo:
Die Zeit 25.09.20
Der Spiegel Nr.2/2021
Süddeutsche Zeitung
Frankfurter Allgemeine Zeitung
Neue Zürcher Zeitung
Wikipedia