Việt Nam hùng cường cùng đảng quang vinh: cái bánh vẽ

Mong muốn một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, và văn minh; nhưng mong muốn tột bậc là Đảng luôn nắm quyền thống trị 

Ngày 6 tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt với đại diện của các doanh nghiệp và trí thức Việt Nam. Trong buổi họp này, Thủ tướng có phát biểu là mong muốn một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, và văn minh.” (1) Đây là một tầm nhìn đáng mơ ước. Tôi cũng tin rằng Thủ tướng, Đảng mong muốn xây dựng một Việt Nam giàu mạnh. Tuy vậy, nhiều biểu hiện trên thực tế cho thấy mong ước tột bậc của Đảng là quyền lực độc tôn cho chính họ.

Trước hết, nếu Đảng không cho quyền lực độc tôn là điều quan trọng nhất, chắc Điều 4 của Hiến Pháp Việt Nam đã không khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Trên thực tế, các vụ đàn áp Khối 8406, Hội Anh Em Dân Chủ, Nhóm Hiến Pháp, v.v. cũng chứng tỏ Đảng muốn độc quyền thống trị xã hội. Trên bảng xếp hạng về dân chủ của tổ chức Freedom House, Việt Nam được xếp vào nhóm cuối bảng, nhóm các quốc gia độc tài.(2)

Không chỉ cấm các tổ chức chính trị độc lập, Đảng còn “cấm” những công dân độc lập tham gia ứng cử. Những vụ việc xảy ra với ca sĩ Mai Khôi, cô Trang Nhung là minh chứng cho định hướng của họ. (3) Các ứng cử viên độc lập bị loại từ những vòng đầu, được gọi là hiệp thương.

Không chỉ cấm các tổ chức dân sự độc lập hoạt động, cản trở các cá nhân độc lập tham gia ứng cử, họ còn cấm người dân thể hiện ý kiến. Hiện có hơn 200 người bị giam giữ vì thể hiện quyền tự do ngôn luận.(4) Gần đây, ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, và Lê Hữu Minh Tuấn, đã bị kết án tổng cộng 37 năm tù. Riêng anh Thụy, sau khi mãn hạn tù, anh đã ngoài 80 tuổi.

Các lập luận trên cho thấy Đảng đặt dân chủ, công bằng dưới ham muốn quyền lực độc tôn.

Còn mong ước một đất nước dân giàu nước mạnh thì sao? Tôi nghi rằng Đảng muốn dân giàu nước mạnh cũng là để phục vụ cho Đảng, cho mục tiêu độc quyền thống trị của Đảng. Dân giàu thì sẽ thu được nhiều thuế, có thêm tiền để lãnh đạo chia cho tay chân, đặc biệt là các lực lượng phục vụ cho việc duy trì, củng cố sự thống trị của Đảng như công an, quân đội, tuyên truyền. Nước mạnh thì có thể phòng bị chống lại ngoại bang.

Nếu họ thực sự vì người dân khi muốn dân giàu thì tại sao không bảo đảm quyền sở hữu tài sản cho người dân, đặc biệt là những người nghèo nhất trong xã hội – những người nông dân, những người sống ở những khu vực chưa được quy hoạch? Có phải Đảng muốn coi đất là một nguồn thu khi cần. Ít nhất là coi nguồn thu từ đất cao hơn quyền sở hữu tài sản của người dân?

Nói một cách ngắn gọn, tuy Đảng nói mong có một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mong ước tột bậc của Đảng có lẽ là độc quyền thống trị. Tệ hơn nữa, dân chủ và công bằng, nhiều khả năng, là bánh vẽ.

Anh Tú

______________

Ghi chú:

1 Khát vọng Việt Nam hùng cường | Thời sự | Thanh Niên (thanhnien.vn)

2 Vietnam: Freedom in the World 2020 Country Report | Freedom House

3 Những ứng cử viên độc lập đầu tiên bị loại — Tiếng Việt (rfa.org)

4 The 88 Project

VNTB (09.03.2021)

 

 

Đảng CS họp Hội nghị TW để dàn xếp các chức và chỉ đạo bầu QH

Hội nghị Trung ương 2 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 vừa khai mạc tại Hà Nội hôm 08/3/2021 với dự kiến diễn ra trong vòng hai ngày.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Người dân Việt Nam đã quen với các sự kiện chính trị được tuyên truyền quanh năm của đảng Cộng sản và chính quyền ở nhiều nơi

Báo Nhân Dân cho hay:

“Bộ Chính trị tiến hành phân công một bước các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; bàn việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ.”

Bài ‘Trình Trung ương quyết định những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước’ trên báo Đảng Cộng sản dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

“Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.”

TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh “nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị”.

Tái khẳng định vai trò lãnh đạo với nhà nước?

Hôm thứ Hai, hai nhà quan sát thời sự Việt Nam đã đưa ra bình luận rằng Đảng cầm quyền ở Việt Nam đang tăng quyền kiểm soát, điều hành với nhà nước.

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói với BBC:

“Tôi thấy rằng trước đây, khi mà Đại hội đảng và bầu cử Quốc hội còn khác năm với nhau, thì người ta vẫn giữ các chức vụ nhà nước đối với những người không tái cử đại hội đảng cho đến khi có bầu cử Quốc hội, hoặc chỉ thay thế một phần (gọi là kiện toàn một phần).

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ tiến hành bầu cử lại trong vài tháng tới, trong năm 2021

“Từ khi đại hội đảng cùng năm với bầu cử Quốc hội, thì có kiện toàn như bây giờ – từ các chức vụ cao nhất của nhà nước, đến các thành viên chính phủ, tư pháp, hệ thống chính trị.

“Làm như thế, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước.”

Từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói với BBC:

“Bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay nói thật là rất mờ mịt theo những gì tôi thấy, nó sẽ không có bất kỳ sự đổi mới nào trong tư duy, trong chiến lược phát triển, trong đường lối, trong lý luận cả.

“Do đó, công luận và người dân có thể sẽ không chú ý, quan tâm đến những sự kiện gần đây và hiện nay như sự kiện này, ngoài nội dung nhân sự hậu Đại hội 13 mà sự thực là quanh đi, quẩn lại vẫn chỉ thể hiện sự dàn xếp chỗ ngồi, các ghế quyền lực thôi.

“Chứ công chúng không thấy có một đầu mối hay chưa thấy có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy đổi mới đường lối, lý luận, đường hướng kinh tế hay mô hình phát triển nào cả.

“Quốc hội khóa mới chưa bầu cử mà đã đề cập ngay đến các vị trí như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ, thì tôi e rằng người ta đang làm thay nhiệm vụ của Quốc hội, kể cả từ bàn kín hay là giải thích rằng giới thiệu nhân sự.

“Bởi vì theo tôi, đó là công việc của Quốc hội, còn thật ra mà nói với một chế độ như đảng lãnh đạo toàn trị như ở Việt Nam, thì đây là một cung cách làm, một chuyện khá phổ biến từ trước đến nay.

“Một trong những thách thức lớn nhất là ở đây đáng ra không phải là đảng Cộng sản mà phải là nhân dân mới có quyền quyết định những vị trí đó.”

Xét xử các vụ án lớn cùng lúc là ngẫu nhiên?

Còn về chuyện Hội nghị Trung ương 2 khai mạc cùng ngày với hai hai vụ án: vụ xử phúc thẩm các bị cáo vụ Đồng Tâm, và vụ Ethanol Phú Thọ, các ý kiến cho biết như sau.

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh,Sáu bị cáo trong nhóm bị án nặng, gồm hai ông Lê Đình Công (phải) và Lê Đình Chức (trái), là con trai ông Lê Đình Kình trong vụ án ở Đồng Tâm, được đưa ra xét xử phúc thẩm hôm 08/3/2021

TS Mai Thanh Sơn cho BBC biết:

“Trước khi nói đến chuyện bối cảnh, có tình cờ hay không diễn ra Hội nghị cùng lúc với đưa ra các vụ xử án, thì tôi thấy rằng trong vụ Đồng Tâm, câu chuyện lớn nhất đặt ra là phải xem lại tính hợp pháp, hợp hiến của toàn bộ diễn tiến sự việc.”

“Vụ Đồng Tâm là vụ việc thuộc dạng đau đầu nhất đối với đảng và chính quyền, bên cạnh ngành pháp luật, chấp pháp, nó liên quan tới uy tín lãnh đạo của đảng.

“Nó không chỉ vi phạm Hiến pháp mà còn vi phạm cả luật Tố tụng hình sự và có bên rất quan trọng là Quân đội, mà vừa qua có tỷ lệ đại diện khá cao trong Ban chấp hành Trung ương khóa mới.

“Ở đây có một đơn vị của Quân đội được cho là bên pháp nhân gọi là sở hữu miếng đất tranh chấp ấy, nhưng từ đầu đến cuối, quân đội hầu như im lặng, đứng ngoài…

“Lẽ ra tới thời điểm này, tuy đã không thể sớm hơn, câu hỏi với đảng và ban lãnh đạo đảng là việc xét xử, tái thẩm vụ Đồng Tâm như thế có khách quan hay không?

“Còn với ông Đinh La Thăng, thực ra các cáo buộc về tội lỗi của ông Đinh La Thăng đã được công bố công khai và rõ, thế nhưng câu hỏi đặt ra là có riêng gì một Bộ Giao thông, Vận tải, hay riêng gì Tổng Công ty Dầu khí có sai phạm và bị xử lý hay không, hay là còn bao nhiêu bộ, ngành, quan chức khác và câu chuyện liên quan đến từng cá nhân lãnh đạo, từng người một cũng nên đồng thời phải được đưa ra xử lý với mật độ, tốc độ điều tra, xét xử tương tự.

“Còn bây giờ trả lời câu hỏi các vụ xử có ngẫu nhiên hay không với thời điểm diễn ra các Hội nghị Trung ương của đảng Cộng sản, mà hiện tại là Hội nghị TƯ2, thì tôi cho rằng là không đúng.

“Bởi vì từ trước đến nay, các động thái có liên quan xét xử các vụ án có dính dáng, hay có bóng dáng của các quan chức cao cấp, thì bao giờ thường cũng gắn với những động thái, kế hoạch nào đó, nhưng đây chỉ là phán đoán cá nhân của tôi, còn về hình thức, người ta có thể dựa vào trình tự các vụ án, để mở rộng thêm các vụ án ra.”

Còn TS Hà Hoàng Hợp thì nói:

“Việc xử án là do Tòa án ra quyết định, chắc có tham khảo ý kiến Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo.

“Tôi chưa nghe thấy nói rằng họ có chủ định để các hoạt động của đảng trùng với các ngày xử án. “

BBC (08.03.2021)

 

 

 

Phúc thẩm Đồng Tâm: Luật sư tự đánh máy biên bản phiên tòa nhưng “bị tịch thu”

Hình minh hoạ. Phiên toà sơ thẩm vụ Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 14/9/2020  AFP

Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2021, Tòa án cấp cao tại Hà Nội mang 6 người có kháng cáo trong vụ Đồng Tâm ra xét xử phúc thẩm ngày thứ nhất, tuy nhiên có nhiều điểm bất thường được bộc lộ.

Đây là vụ án liên quan đến vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1/2021 khiến 1 dân thường và 3 công an thiệt mạng. 29 người dân Đồng Tâm tại phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2020 đã bị kết tội giết người và chống người thi hành công vụ.

Luật sư Ngô Anh Tuấn là người thường tự đánh máy biên bản phiên tòa và sau đó đăng tải lên Facebook cá nhân – điều mà ông đã làm trong phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, vào trưa nay khi ông lấy ổ cứng di động USB có chứa tệp biên bản phiên tòa mà ông dùng máy tính của tòa phát đánh máy, nhằm sao lưu ra máy tính cá nhân để đăng tải thì bị công an ngăn cản.

Ông Tuấn vào tối cùng ngày nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

Thế thì tôi vào tôi đánh máy làm việc đàng hoàng hết, khi mà buổi trưa tôi ra tôi lấy USB để post (đăng tải lên Facebook-PV) thì họ không cho đăng tải tài liệu.

Tôi phản ứng: “Sao không cho đăng tài liệu thì phát USB để làm gì?”

Thì họ nói: phát để cho các luật sư làm việc ở trong nội bộ trong tòa đó!

Nếu mà chỉ làm nội bộ trong tòa đó thì tôi lấy gì để sao chép khi mà máy tính và điện thoại của tôi bị tịch thu?

Họ phát cho chúng tôi xong rồi cuối buổi họ lấy tư liệu của chúng tôi thì thế như vậy là không được, điều này tôi đưa ra trước tòa thì họ chối họ không nói gì cả.

Cuối cùng chiều nay chúng tôi thay đổi phương hướng, chúng tôi tự ghi biên bản phiên tòa vào giấy, chúng tôi ghi mấy chục trang giấy.

Theo tường thuật của báo chí nhà nước, tại phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho các bị cáo có kiến nghị về quyền tiếp xúc với thân chủ của mình theo điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự tuy nhiên không được chấp thuận.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng chỉ ra những điểm bất thường khác trong ngày đầu xét xử:

Hội đồng xét xử tuyên bố rõ là các luật sư đã có nhiều thời gian để tiếp xúc với bị cáo trước khi phiên tòa diễn ra rồi, thế nên là khi mà luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị là được tiếp xúc với thân chủ trong quá trình xét xử thì hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa từ chối thẳng thừng luôn.

Ông Ngô Tự Học từ chối thằng thừng không cho xem xét nội dung đấy. Nhiều nội dung khác nữa, nói chung là liên quan đến tố tụng như chúng tôi yêu cầu triệu tập một số người liên quan đến sự kiện ngày hôm đó, đặc biệt là những những người trong tổ công tác của Công an thành phố Hà Nội nhưng họ không chấp nhận.

Trong quá trình các luật sư hỏi những vấn đề nhạy cảm trong vụ án thì hội đồng xét xử chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt các nội dung đó và không cho đi sâu vào nội dung.

Ông Lê Đình Công – người bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc là chủ mưu, trong phiên tòa sáng nay đã thay đổi nội dung kháng cáo, thay vì “xin giảm nhẹ hình phạt”, ông Công đã kêu oan.

Theo ông Công, kết luận điều tra và luận tội của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là chưa đúng, bị cáo không phân công, bàn bạc để chống đối cảnh sát và không có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an” diễn ra.

Tuy nhiên sau đó, con trai của cụ Lê Đình Kình cũng thay đổi trở về nội dung kháng cáo ban đầu là xin giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư Lê Văn Hòa, người bào chữa cho ông Lê Đình Công và một số bị cáo khác xác nhận thông tin này, ông cho biết thêm trong 6 người chỉ có bà Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Kình thì “không đồng tình với bản án sơ thẩm”.

Ngày 9 tháng 3 phiên tòa sẽ tiếp tục tới phần tranh luận, đối đáp của các luật sư với đại diện Viện Kiểm sát. Phiên tòa dự tính diễn ra trong vòng 3 ngày.

RFA (08.03.2021)

 

 

Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Gia đình các bị cáo hy vọng ‘bản án sẽ thay đổi’

Cảnh sát áp giải một bị cáo trong vụ Đồng Tâm ra tòa; ảnh trên Facebook của chị Nguyễn Thị Duyên, 8/3/2021.

Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội hôm 8/3 bắt đầu xét xử phúc thẩm 6 người có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm về vụ xung đột chết người ở xã Đồng Tâm. Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 10/3. Một người thân của các bị cáo nói với VOA rằng các gia đình hy vọng bản án sẽ thay đổi.

Hồi tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 29 người dân Đồng Tâm các mức án từ tù treo cho đến tử hình về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.

Vụ án xảy ra rạng sáng hôm 9/1/2020, khi lực lượng công an gồm hàng nghìn người đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân.

Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng, với nghi vấn là họ bị người dân đâm bằng giáo tự chế rồi đốt bằng xăng.

Nhà chức trách cáo buộc người dân thôn Hoành có chủ tâm “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”.

Ngược lại, những người dân bị đưa ra xét xử nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.

Phần lớn trong số 29 người Đồng Tâm bị xét xử sơ thẩm hồi mùa thu năm ngoái là con, cháu của ông Lê Đình Kình, thường được gọi là cụ Kình.

Năm người bị tuyên án cao nhất, bao gồm ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, Lê Đình Doanh chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù, đã nộp đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt với lý do án sơ thẩm quá nặng.

Riêng bà Bùi Thị Nối, 63 tuổi, nộp đơn kháng cáo vì không đồng tình với bản án sơ thẩm, trong đó bà bị tuyên 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, là mức án cao nhất trong số 23 người bị kết án về tội danh này.

Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị cáo Lê Đình Uy, con dâu bị cáo Lê Đình Công, nói với VOA hôm 8/3 về sự trông đợi của gia đình đối với phiên tòa phúc thẩm:

“Gia đình tôi vẫn đang hy vọng bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người thân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng”.

 

Chị Duyên chia sẻ thêm với VOA về quan điểm của gia đình trong trường hợp tòa giảm án:

“Nếu như ngày hôm nay hay là hai ngày tới, kết thúc phiên xử mà người thân chúng tôi được giảm án, không đồng nghĩa là chúng tôi chấp nhận bản án, bởi vì các bản án dù nặng hay nhẹ áp đặt lên người thân chúng tôi đều có uẩn khúc và không bao giờ là đúng đắn cả. Khi họ thay đổi bản án, cũng đồng nghĩa là họ nhận ra lỗi lầm của mình khi đàn áp người dân Đồng Tâm”.

Các luật sư bào chữa của 6 bị cáo rất quyết tâm bảo vệ cho các thân chủ, chị Duyên cho VOA biết. Trong quá trình chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm, các luật sư gặp phải những khó khăn, chậm trễ do phía nhà chức trách gây ra, nhưng các luật sư bày tỏ rằng họ không chùn bước, chị Duyên nói thêm.

Để đi tới nơi diễn ra phiên tòa, người thân của các bị cáo đã phải rời khỏi nhà trước khi lực lượng an ninh nhà nước đến canh giữ từ đêm 7/3, chị Duyên cho biết. Mặc dù vậy, họ cũng không thể tiếp cận cổng của tòa án.

Ở thời điểm cuối buổi chiều 8/3, chị Duyên nói với VOA rằng chị và những người thân khác không thể nhìn thấy hay tiếp xúc với các bị cáo, chỉ nhận được một số thông tin tóm tắt do các luật sư bào chữa gửi ra:

“Luật sư Lê Văn Hòa thông báo cho gia đình tôi biết là bố tôi, Lê Đình Công, sức khỏe bình thường. Nhưng mà bệnh ngoài da vẫn biểu hiện rõ. Còn chú Lê Đình Chức sức khỏe rất yếu, yếu hơn cả sơ thẩm, nên gia đình rất lo cho sức khỏe của chú Chức”.

Trong trường hợp tòa phúc thẩm giữ nguyên các bản án, chị Duyên bày tỏ quan điểm rằng gia đình và các bị cáo “sẽ chiến đấu đến cùng để kêu oan”.

Dẫn lại lời tường thuật của các luật sư sau các cuộc gặp với các bị cáo, chị Duyên nói rằng bố chồng chị, ông Lê Đình Công, cùng với các bị cáo còn lại đều có tinh thần vững vàng và có quan điểm nhất quán, xuyên suốt là họ kêu oan vì họ không giết người, không họp hành, tổ chức để gây ra vụ án Đồng Tâm.

VOA (08.03.2021)

 

 

Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án

Cao Nguyên

Một tuần lễ trước phiên Toà Phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Theo nhận định của các luật sư, vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020 là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ thể hiện ở số lượng người chết trong vụ án này, mà sức ảnh hưởng ghê gớm của nó tác động lên đại bộ phận dân chúng Việt Nam.

Vụ án này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước, thể chế chính trị Việt Nam đối với bạn bè Quốc tế và sự bang giao với các nước lớn trên thế giới.

Do đó, các luật sư đã nêu ra, phân tích 8 nội dung chính và yêu cầu, kiến nghị HĐXX phúc thẩm đặc biệt lưu tâm làm rõ ở phiên phúc thẩm.

Vụ Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khi chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn công an tấn công vào Đồng Tâm, giết chết một người dân là cụ Lê Đình Kình. 3 công an tham gia vụ tấn công cũng thiệt mạng.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án cho biết cần thiết nhất là phải cho tổ chức thực nghiệm lại hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ba cán bộ công an. Từ đó mới biết các bị cáo có phạm tội giết người hay không:

Tôi quan tâm nhất việc trả lại hồ sơ để tổ chức thực nghiệm việc ba công an bị chết như thế nào.

Theo như hồ sơ và kết luận điều tra thì vô lý là ba người công an rơi xuống hố mà lại chết cháy hoá than với lượng xăng và mô tả như vậy là bất hợp lý. Tôi cho rằng mấu chốt là ở chỗ này và cần phải được làm rõ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết tất cả các điểm được liệt kê trong đơn đều cần được làm sáng tỏ để đảm bảo có được bản án công bằng:

Chúng tôi đưa những điều đó đều rất cần thiết. Chúng tôi mong muốn được giải quyết hết cả 8 điểm, không loại trừ một điểm nào cả.”

Nhận định của luật sư về kết quả phiên phúc thẩm

Theo thông báo, phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 8/3/2021. Do còn quá nhiều tình tiết của vụ án còn mơ hồ, mâu thuẫn nên luật sư Mạnh cho rằng kết quả tốt nhất là Toà phúc thẩm huỷ kết quả bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu:

Điều lý tưởng nhất mà chúng tôi mong muốn là toà phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung các nội dung mà các luật sư nêu ra.

Tôi cũng không quá hy vọng vào điều đó, nhưng trong phạm vi chúng tôi có thể yêu cầu và tin rằng nó đúng và có cơ sở pháp luật thì chúng tôi phải đẩy sự việc cho đến cùng.”

Ông Hà Huy Sơn nói hai bị cáo do mình bào chữa nên được giảm án. Đặc biệt là ông Bùi Viết Hiểu không phạm tội giết người vì ông này không có mặt tại nơi ba công an tử vong:

Tôi bảo vệ cho ông Bùi Viết Hiểu và Bùi Thị Nối. Tôi hy vọng bị cáo Nối sẽ được trả tự do, hưởng án treo.

Còn đối với bị cáo Hiểu sẽ không bị kết tội giết người. Vì bị cáo không biết sự việc ba công an chết như thế nào. Lúc đấy bị cáo đang ở cùng nhà ông Kình nên không biết diễn biến ở nhà bên cạnh, nơi ba công an bị chết. Nên tôi cho rằng bị cáo Hiểu không liên quan đến tội giết người.”

Tám nội dung chính được yêu cầu điều tra làm rõ

  1. Về diện tích đất quốc phòng: Các luật sư nhận định “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, rất hiếm khi các bị cáo có cơ hội được trình bày những nội dung liên quan tới nguồn gốc đất Đồng Sênh, nơi xảy ra tranh chấp đất đai, có phải là nguồn gốc đất Quốc phòng hay không.

Do đó cần thiết phải triệu tập một số người có liên quan tới các Kết quả thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng và những người làm chứng khác nguyên là cựu lãnh đạo Đồng Tâm qua các thời kỳ, để làm rõ nội dung liên quan đến nguồn gốc đất đai.”

  1. Về việc chính quyền có tổ chức đối thoại với người dân Đồng Tâm hay không:

Chưa hề có bất kỳ một cuộc đối thoại nào đúng nghĩa đã được tổ chức để người dân bức xúc được dịp bày tỏ thái độ quan điểm và chứng minh những luận điểm được đưa ra của mình là đúng, khiến cho những mâu thuẫn dồn nén kéo dài.

Các luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm triệu tập những người có liên quan bao gồm ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), là người có mặt ở hầu hết ở các sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm từ tháng 4/2017 cho đến nay, ông Nguyễn Văn Thanh (Tổng Thanh tra Chính phủ), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Đỗ Văn Đương…

  1. Về kế hoạch huy động lực lượng công an để bảo vệ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường trạng Miếu Môn

Các luật sư yêu cầu phải công khai bản “Kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự ở thôn Hoành” số 419A ngày 2/1/2020 để làm sáng tỏ rằng việc huy động lực lượng Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn có phải là “bình phong” cho một kế hoạch tấn công, vây bắt người dân trong “Tổ đồng thuận” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay không.

Kế hoạch 419A có từ khi nào? Được cấp nào phê duyệt? Mục đích chỉ là để bảo vệ trật tự đơn thuần hay là bố ráp bắt giữ ông Kình và những người chống đối? Tại sao lại phải bảo vệ thôn Hoành? Tường rào sân bay Miếu Môn ở một nơi xa tại sao không tập trung ở đó? Hơn nữa để tiến vào khu vực cần xây dựng của sân bay Miếu Môn thì có rất nhiều cung đường khác nhau, không nhất thiết phải đi qua thôn Hoành. Lực lượng công an đã đột nhập và tấn công vào nhà ông Kình vào lúc nửa đêm mà không được sự cho phép và đồng ý là xâm phạm các quy định đã được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Việc làm rõ kế hoạch này cũng đồng thời chứng minh được vai trò của công an thành phố Hà Nội trong vụ án này, để xác minh rõ rằng cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội có thể là “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi vừa thực hiện trực tiếp tham gia vào vụ án với vai trò là người có liên quan lại vừa là người đi điều tra xử lý tội phạm trong vụ án này.

  1. Về hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 chiến sĩ công an

Với tình huống này, các luật sư kiến nghị cần phải thực nghiệm lại hiện trường tổng thể, đặc biệt lưu tâm đến nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sĩ rơi xuống hố.

Lời khai của các bị cáo và những người khác cùng tham gia tổ công tác này có mâu thuẫn với nhau. Có một số lời khai có lợi cho các bị cáo nhưng không được đối chứng, khiến cho sự thật về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sỹ công an vẫn còn là một ẩn số.

Do đó, cần phải triệu tập các chiến sỹ chứng kiến sự việc các đồng đội bị rơi xuống hố để đối chất với các bị cáo tại tòa.

  1. Về vết thương trên người ông Bùi Viết hiểu, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Bùi Thị Nối

Các bị cáo trên đều mang trong mình những vết thương rất nặng do đạn bắn hoặc bị đánh đập. Thậm chí, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu thì ông bị bắn hai phát vào ngực và vào chân. Việc ông Hiểu thoát chết là ngoài dự tính. Bà Bùi Thị Nối khai tại phiên toà sơ thẩm rằng bà bị bắn chảy nhiều máu và bị lôi ra ngoài đánh đập tàn nhẫn.

Tuy nhiên, trong cáo trạng cũng như hồ sơ vụ án đã loại bỏ nội dung liên quan đến thương tích của các bị cáo này.

Do vậy, các luật sư kiến nghị “Cần điều tra độc lập, khách quan để làm rõ việc có hay không hành vi dùng vũ khí bắn một cách bừa bãi vào người dân, dù những người này không có vũ khí chống trả, không có khả năng gây nguy hiểm tới lực lượng thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử xử cấp phúc thẩm cần triệu tập những người trực tiếp tham gia vào cuộc truy quét sáng ngày 9/1/2020 để làm rõ cá nhân nào đã gây ra các vết thương cho các bị cáo. Đồng thời tạo điều kiện cho các bị cáo bị cáo chứng minh lời khai của mình để làm rõ sự thật. 

  1. Về hành vi và cái chết của ông Kình

Trong phần này, các luật sư chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong Kết luận điều tra và Cáo trạng về cái chết của cụ Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 9/1 so với thực tế. 

Theo Cáo trạng, ông Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng các chừng 2 đến 2,5m. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vỏ đạn được bắn từ phía trực diện, từ trước ra sau. Điều này cũng trùng hợp với lời khai của ông Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa rằng “ông Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước mặt ông Kình khoảng một mét, nòng súng to như cổ tay nhắm thẳng vào ngực ông Kình, bắn trực diện chứ không phải bắn từ phía sau. Ông Kình ngã xuống chết trước mặt tôi. Sau đó đó là chó nghiệp vụ vào kéo xác  ông Kình lôi đi.”

Hình trái: lưng cụ Kình với nhiều vết bầm tím sau khi bị bắn chết. Hình phải: cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm hôm 9/1/2020. AFP

Như vậy cần xác định rõ việc ông Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết ông Kình đã đúng quy định của pháp luật hay chưa.

Bản Kiến nghị yêu cầu HĐXX cho triệu tập những người có liên quan đến cái chết của ông Lê Đình Kình tới phiên tòa để làm rõ việc liệu quyết định bắn chết ông là có đúng hay không, có được chỉ đạo trong kế hoạch 419A hay chỉ là phát sinh tại thời điểm đó.

Bên cạnh đó, đề nghị tòa xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án giết người theo đơn tố cáo và đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành là vợ của ông Lê Đình Kình. 

  1. Về nguồn gốc về các clip phóng sự ghi lại lời nhận tội của bị cáo

Theo ý kiến các luật sư, trong phần tranh tụng, toà cho trình chiếu những phóng sự do phóng viên làm theo hướng cáo buộc, kết tội cụ Kình mà không cần thông qua xét xử, được dùng làm chứng cứ cáo buộc các bị cáo tại tòa là không không đầy đủ điều kiện cơ bản của chứng cứ.

Việc trình chiếu những clip, hình ảnh, âm thanh được dàn dựng có liên quan tới lời khai của các bị cáo ngay trước khi bắt đầu phiên xét hỏi là một cách để phủ đầu các bị cáo, nhằm làm tê liệt sự phản kháng của họ.

Nếu vẫn giữ những tài liệu này, HĐXX cần triệu tập những người đã thực hiện việc quay, dàn dựng nội dung clip ra để các bị cáo và luật sư của họ hỏi, phân tích, đối chất, làm rõ những nội dung liên quan.

  1. Về một số vi phạm liên quan đến thủ tục tố tụng/xâm phạm hoạt động tư pháp. 

Các luật sư chỉ ra rằng trong suốt quá trình điều tra, khởi tố và xét xử vụ án Đồng Tâm, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bị cáo bị đánh đập, ép cung, mớm cung…

Bà Bùi Thị Nối và ông Lê Đình Công đều nói trước toà rằng trong quá trình bị tạm giam, họ bị đánh “10 ngày như một” để ép cung.

Tại phần lời nói cuối cùng trước khi kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án, rất nhiều bị cáo có phần nói cuối cùng giống y đúc như nhau. Thậm chí giống nhau đến từng câu chữ, theo một mô típ chung: “nhận ra lỗi lầm…, ăn năn hối cải…, cảm ơn các thầy trong trại giam số 2 đã giáo dục để nhận ra sai lầm…, xin lỗi gia đình bị hại, xin giảm nhẹ án…”

Do vậy, cần thiết phải triệu tập các điều tra viên tham gia điều tra vụ án để làm rõ các vấn đề được nêu trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vì nó có dấu hiệu rõ ràng là không phản ánh khách quan trung thực so với thực tế đã diễn ra.

Các luật sư cũng bị hạn chế quyền hành nghề vì tới tận ngày có lịch xét xử vụ án thì luật sư mới được sao chụp hồ sơ vụ án; Luật sư khi gặp thân chủ tại trại tạm giam thì luôn có mặt giám sát viên, cán bộ trại giam kèm cặp. Việc thăm hỏi, trao đổi luôn bị theo dõi nhắc nhở; Có dấu hiệu bị cáo bị ép từ chối luật sư do gia đình nhờ để nhờ luật sư chỉ định; Trong phiên tòa, HĐXX hạn chế quyền được tiếp cận thân chủ của luật sư vì cho rằng điều đó là không cần thiết.

Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị các cơ quan xem xét, tạo điều kiện cho những người thân của các bị cáo được vào phòng xét xử để dự khán. Đề nghị cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước được vào phòng xử án tác nghiệp, đưa tin công khai về vụ án để mở rộng đường dư luận, tránh sự đồn đoán về một bản án “bỏ túi” như một số trang thông tin không chính thống đã lan truyền.

Các luật sư bào chữa xác nhận rằng cho đến ngày 7/3, chưa có một cơ quan nào phản hồi về Đơn kiến nghị này.

RFA (07.03.2021)