Nhà báo Hoài Nam bị bắt theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngày 3/4, Công an TP HCM đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Hoài Nam (48 tuổi, cựu phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) theo Điều 331 BLHS.
Tuy nhiên Công an TP HCM đã bắt tạm giam Nhà báo Hoài Nam thời hạn 3 tháng từ lúc 22h ngày 2.4.2021.
Theo thông tin từ gia đình Nhà báo Hoài Nam, cơ quan điều tra đã giải thích ông Nam bị một cán bộ công an tố cáo về hành vi vu khống.
Cho tới nay hầu như các báo chỉ đăng thông tin rất ít về vụ bắt một đồng nghiệp tiếp theo trong vòng 4 tháng đầu năm 2021 ngoài những dòng tin chung chung về một tôi danh mơ hồ nhưng rất đỗi quen thuộc, phổ biến trong thời gian gần đây là ” Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Báo vnepressss: “Trước khi bị bắt, Facebook của ông Nam đăng nhiều bài viết có nội dung phản đối quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) trong vụ án xảy ra tại Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam.
Ông Nam cho biết, để phát hiện các sai phạm tại cơ quan này bản thân đã mất nhiều tháng điều tra và có căn cứ cho thấy 15 người phạm tội chứ không phải 3 người như C01 xác định (đến giờ). Từ đó, ông Nam cho rằng C01 “bỏ lọt tội phạm”.
Ông Nam từng công tác ở báo Thanh Niên, Pháp Luật TP HCM, VTV… và vừa nghỉ việc tại báo Pháp luật Việt Nam hồi tháng 12/2020. Ông được biết đến là phóng viên điều tra sai phạm tại một số cơ quan nhà nước, băng nhóm tội phạm. Năm 2015, ông phối hợp, tham gia chuyên án cùng Cục cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) bắt đường dây trộm cắp xăng máy bay.“
Báo Dân Việt: “ông Nam là cây bút từng thực hiện các tuyến bài điều tra đình đám như: Nạo vét bùn ở sông Thị Vải, đường dây rút ruột xăng E5 quy mô lớn, ngân quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa…”
Báo VTC đưa tin” việc điều tra hình sự này xuất phát từ nhiều bài viết trên trang cá nhân của ông Nam liên quan đến một số người.”
Trong tháng Hai năm 2021, nhà báo Hoài Nam đã gửi một lá thư gửi đến Ban Bí thư và cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng để tố cáo những cá nhân bỏ lọt 15 tôi phạm ở một vụ án tham nhũng. Nhà báo Hoài Nam cho rằng “Cơ quan CSĐT BCA và Viện KSNDTC bắt tay nhau ngồi xổm trên luật pháp để bỏ lọt hàng trăm tội phạm.”
Những cá nhân được nhắc đến trong thư là thượng tướng Lê Qúy Vương, trung tướng Trần Văn Vệ, thượng tá Trần Việt Dũng, trung tá Trần Văn Quân. Phó viện trưởng Nguyễn Hải Trâm, phó vụ trưởng Nguyễn Hoài Nam, KSV Nguyễn Thị Thanh Tú; và thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, vụ trưởng Lê Thị Tuyết Hoa trong vụ bỏ lọt 4/5 đơn vị trộm cắp dầu máy bay.
Trong vụ trộm cắp 10.000 lít dầu máy bay mỗi ngày, nhà báo Hoài Nam cho rằng Cục CSHS BCA lại tranh công bằng kết luận điều tra “qua công tác nắm tình hình cơ quan CSĐT BCA phát hiện…”
Trong vụ án dầu máy bay, nhà báo Hoài Nam cho biết đã “bàn giao đủ 05 Công ty có cùng thủ đoạn trộm cắp như nhau, nhưng cục CSHS loại bỏ 4 ra khỏi hồ sơ vụ án, tập trung lực lượng gồm CSHS CSCĐ 160 chiến sĩ vây bắt 1 DN tư nhân, khởi tố 28 bị can bỏ lọt 50 tội phạm.”
Nhà báo chống tham nhũng Hoài Nam đã chạm vào vùng cấm rất, rất lớn – thanh bảo kiếm của đảng.
VNTB (04.04.2021)
Ân Xá Quốc Tế: Việt Nam mở đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc Hội
Ảnh minh họa : Logo Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International © Reuters)
Trong một thông cáo đề ngày 01/04/2021, tổ chức Ân Xá Quốc Tế tố cáo chính quyền Việt Nam tiến hành đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc Hội 23/05 tới, với việc bắt giữ và truy tố các ứng cử viên độc lập.
Thông cáo của Ân Xá Quốc Tế cho biết trong những tuần qua, chính quyền Hà Nội đã bắt giữ và truy tố 2 ứng cử viên độc lập cùng với một bác sĩ với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, chiếu theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Với tội danh đó, họ có thể lãnh án tù từ 5 đến 20 năm.
Cụ thể, hôm 27/03, chính quyền ở Hà Nội đã bắt giữ nhà báo công dân Lê Trọng Hùng, vì ông đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc Hội ở thành phố Hà Nội. Trước đó, ngày 10/03, chính quyền ở tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ và truy tố ông Trần Quốc Khanh, người cũng đã có ý định ra ứng cử Quốc Hội với tư cách ứng cử viên độc lập.
Trong khi đó, vào ngày 22/03, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, vì vị bác sĩ này đã đăng tải trên Facebook nhiều nội dung bị xem là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; đăng các bài viết và hình ảnh “có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ”.
Ân Xá Quốc Tế cũng đã nhận được nhiều thông tin đáng tin cậy về trường hợp những người bị công an sách nhiễu và hăm dọa do họ tham gia bầu cử và phê phán các chính sách của chính phủ. Theo Ân Xá Quốc Tế, xu hướng “đáng lo ngại” này sẽ càng xấu đi thêm càng gần đến ngày bầu cử Quốc Hội.
Trong bản thông cáo, bà Emerlynne Gil, phó giám đốc khu vực về nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp này và để cho mọi người dân ở Việt Nam “được tự do hành xử các quyền con người mà không sợ bị trừng phạt”. Bà Emerlynne Gil nhấn mạnh: “Trong lúc Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền lại có những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn và phổ biến trong nước”.
RFI (03.04.2021)
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị khởi tố, bắt tạm giam
Nhà báo điều tra Nguyễn Hoài Nam vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Sài Gòn khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam Facebook Nguyễn Hoài Nam
Trưa 3/4, các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động dẫn nguồn tin riêng xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Sài Gòn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Nam (ngụ tại Sài Gòn) để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Các bản tin không đề cập thời gian và địa điểm ông Nam bị bắt. Trước đó 17 giờ, các tài khoản Facebook cá nhân của ông Nam (“Nhà báo Hoài Nam”, “Nguyễn Hoài Nam”, “Hoài Nam”) vẫn đăng dòng trạng thái về vụ việc hai thiếu niên bị bảo vệ dân phố hành hung tại trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10).
Ông Nguyễn Hoài Nam, bút danh “Hoài Nam”, là nhà báo điều tra, tác giả của nhiều tuyến bài điều tra quan trọng, gây sức ảnh hưởng lớn như: Người ghi hình lâm tặc phá rừng (2008), Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái (2009), Nạo vét sông Thị Vải – Sự mờ ám kinh tởm (2013), Đường dây rút ruột xăng E5 quy mô lớn (2018), Nghi vấn quỹ đen ở cục Đường thủy nội địa (2018)…
Ông Nam từng công tác hoặc làm cộng tác viên tại nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau. Ngày 31/12/2020, ông Nam viết trên trang cá nhân, rằng “Năm 2020 một năm “bão lửa”, chia sẻ về những xung đột gặp phải khi bảo vệ thành quả điều tra thực hiện gần 2 năm (từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2018), khi ông cho rằng các cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bỏ lọt 15 tội phạm trong một vụ án tham nhũng ngân sách của nhà nước xảy ra tại Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam.
Trithucvn (03.04.2021)
Một người dân Hà Nội bị phạt 7.5 triệu đồng vì bình luận rằng bầu cử của Cộng sản đã được sắp xếp
Tin Vietnam.- Sở Thông tin và truyền thông Cộng sản thành phố Hà Nội loan tin, vào ngày 29 tháng 3 năm 2021, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Huy Hùng số tiền 7.5 triệu đồng vì dám nói lên sự thật về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Cộng sản.
Trước đó, vào ngày 17 tháng 3 năm 2021, ông Nguyễn Huy Hùng, sống ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã bình luận trong nhóm cư dân đô thị trên ứng dụng Zalo về việc bầu cử đại biểu Quốc hội Cộng sản và Hội đồng nhân dân Cộng sản với nội dung như sau: “Bầu hay không bầu thì có khác gì nhau đâu bác? Người ta sắp xếp hết rồi, mình đi bầu cho phí thời gian. Có phải như bầu Biden với Trump đâu! Mà thôi không nói chuyện cải này nữa anh. Chỉ tóm lại một điều, bầu cử ở Việt Nam là vớ vẩn và láo toét. Thế thôi. Chưa bầu đã biết từ năm ngoái rồi!”. Mặc dù tất cả những lời bình luận của ông Hùng là chính xác, và đúng với tất cả những gì đã và đang diễn ra trong các vở kịch bầu cử của nhà cầm quyền Cộng sản.
Quyết định xử phạt- Nguồn hình M.H, Thanh niên
Nhưng sở Thông tin và truyền thông Cộng sản vẫn cáo buộc ông Hùng bình luận sai sự thật, vi phạm việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng theo Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của nhà cầm quyền.
VietBF (03.04.2021)
Ân xá Quốc tế lên tiếng tố cáo Hà Nội bắt giam hai ứng cử viên độc lập
Chính quyền ở Hà Nội đã bắt giam ông Lê Trọng Hùng theo Điều 117, người đã nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập (hay “tự ứng cử”) cho kỳ bầu cử Quốc hội, còn chính quyền tỉnh Ninh Bình đã bắt giam và buộc tội ông Trần Quốc Khánh theo Điều 117, khiến tổ chức Ân xá Quốc tế lên án việc Việt Nam đàn áp các ứng cử độc lập Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh hôm 1/4, và đồng thời kêu gọi Hà Nội cho phép tiếng nói phản biện trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào ngày 23/5.
Ông Lê Trọng Hùng và ông Trần Quốc Khánh. Photo YouTube CHTV Vietnam
“Nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt cuộc đàn áp này và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do thực hiện các quyền con người của mình mà không sợ bị trả thù. Cuộc bầu cử ban lãnh đạo mới gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ ra phải báo trước sự cải thiện về tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng những dấu hiệu cho thấy cho đến nay vẫn còn nhiều vi phạm và lạm dụng cũ tương tự,” bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói trong thông cáo.
“Trong khi Việt Nam tìm cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì tại quốc nội nhà chức trách lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và rộng khắp,” bà Gil cho biết thêm.
Vào ngày 27/3, chính quyền ở Hà Nội đã bắt giam ông Lê Trọng Hùng theo Điều 117, người đã nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập (hay “tự ứng cử”) cho kỳ bầu cử Quốc hội. Ông Lê Trọng Hùng là một nhà báo công dân và là thành viên của Chấn Hùng TV, một nhóm truyền thông phát trực tiếp trên Facebook về các vấn đề xã hội và chính trị.
Vào ngày 10/3, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã bắt giam và buộc tội ông Trần Quốc Khánh theo Điều 117. Ông Khánh là người cũng đã bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước khi bị bắt, ông Lê Trọng Hùng nói rằng nếu được đắc cử, ông sẽ đưa Hiến pháp vào giảng dạy trong các trường học. Ngoài ra, ông còn có dự định xây dự án công dân hóa xã hội, phổ biến quyền của công dân như Hiến pháp quy định.
Về việc bầu cử tự do, ông Hùng nói: “Chúng ta giống như một cái nền kinh tế thị trường thì chính trị tự do hoạt động giống như một cái nền kinh tế thị trường tự do, có nghĩa là chúng ta sẽ có quyền cạnh tranh nhau. Chúng ta có quyền cạnh tranh giống như các công ty sản xuất hàng hóa có quyền cạnh tranh nhau trong khuôn khổ pháp luật để giành được sự lựa chọn của khách hàng.”
“Chính quyền phải đảm bảo rằng các ứng cử viên tranh cử – cùng với tất cả những người khác ở Việt Nam – phải được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử. Đây là những nguyên tắc cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tự nguyện phê chuẩn”, bà Gil nhấn mạnh.
Vào tháng 2/2021, Việt Nam loan báo sẽ ra ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Theo văn kiện thành lập của Hội đồng Nhân quyền, Nghị quyết 60/251, các thành viên được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bầu tại Đại hội đồng và “khi bầu các thành viên của Hội đồng, các Quốc gia Thành viên phải tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.”
Từ Đức, ông Bùi Thanh Hiếu, nhận định trên Facebook hôm 27/3 về việc ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị chính quyền Việt Nam bắt giam: “Bắt những người tham gia ứng cử đại diện cho nhân dân, với lý do họ đưa ra những quan điểm, đường hướng phát triển đất nước không giống những người lãnh đạo, vu cáo họ chống phá nhà nước, đấy là người ta gọi là đàn áp trắng trợn những người khác biệt về quan điểm.”
“Lý do đảng Cộng sản Việt Nam bắt người tự ứng cử trắng trợn bất chấp điều tiếng như vậy, do tình hình chính trị thế giới biến động, phương Tây phải lo đối phó với dịch bệnh và sự phân hoá nội tại, sức mạnh và ảnh hưởng của nước độc tài Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh quốc tế như vậy, cơ hội quan tâm đến dân chủ Việt Nam khó mà được nhiều,” ông Bùi Thanh Hiếu viết.
Ông Hiếu nêu nhận định: “Ngoài ra việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử tổng bí thư lần ba, những cái gọi là trường hợp đặc biệt của Đảng đã phá vỡ mọi quy tắc luật lệ tiêu chuẩn bầu cử, ứng cử. Một khi đã trắng trợn vi pham quy chế ứng cử, bầu cử để được lợi cho mình, thì việc trắng trợn hại người khác được áp dụng là điều không có gì lạ.”
VietBF(03.04.2021)
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức lại bắt đầu đợt tuyệt thực mới đã 42 ngày
Hình minh hoạ. Ông Trần Huỳnh Duy Thức trước toà ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2010 AFP
Sau đợt tuyệt thực kéo dài khoảng 70 ngày kết thúc hôm 3-2-2021, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức lại bắt đầu đợt tuyệt thực mới với yêu cầu: “các cơ quan chức năng tuân thủ đúng các quy định pháp luật đã ban hành” bằng cách trả tự do cho ông theo Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức thuật lại lời người tù này hôm 2-4 kể với gia đình trong cuộc thăm gặp một tuần lễ trước đó như sau:
“Tới ngày mùng 9 Tết (20-2-2021) vừa rồi thì anh nói rằng ảnh tiếp tục tuyệt thực lại, cho tới ngày hôm nay với yêu cầu là Tòa án Tối cao phải trả lời đơn của anh về vấn đề miễn hình phạt còn lại.
Trong cái lần tuyệt thực này anh Thức nói là là anh ấy kiểm soát được được tình hình tốt hơn.
Do vấn đề là trong những ngày cuối của lần tuyệt thực trước, ảnh có dùng một ít sữa để duy trì sự sống.
Còn trong lần tuyệt thực này cho đến ngày chị Năm đi thăm thì anh nói rằng anh đã hoàn toàn không dùng sữa luôn, thì anh có thể duy trì được sức khỏe bằng cách duy trì sự thiền định và thiền quán trong thời gian đó.”
Cũng theo ông Tân, anh trai của ông trong khoảng 5 ngày đầu có dùng nước tương pha với nước chanh, cùng với uống kháng sinh để trị bệnh sau đó thì chỉ uống nước cầm hơi.
Trong 16 ngày ăn lại trước khi bắt đầu cuộc tuyệt thực mới ông Thức lên 12 kg, đến nay sau 43 ngày ngừng ăn, ông sụt 10 kg và giữ cân nặng này không xuống nữa.
Trong thời gian qua, một số tờ báo của Đảng như Quân đội Nhân dân, Nhân dân đồng loạt đăng tải các bài viết khẳng định, việc tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong trại giam không có thật và chỉ là “chiêu trò”, ngược lại là ông tăng đến 4,5 kg.
Tờ Quân đội Nhân dân cũng dẫn một đoạn video cho biết là do cơ quan công an cung cấp bằng hình thức đặt camera quay lén, trong đoạn clip có logo của An ninh TV (không rõ ngày tháng quay clip), trong đó có đoạn cuối nhà đài này để lời ông nói trên màn hình là “Lên bốn ký rưỡi” nhằm khẳng định ông không tuyệt thực.
Tuy nhiên nguyên văn lời ông Thức nói trong đoạn clip lại là: “Hôm bữa ngưng ăn, giờ ăn lại thì lên bốn ký rưỡi”.
Trả lời về nội dung các bài báo này, ông Tân cho biết, anh trai của ông có đọc được bài báo của tờ báo Nhân Dân ở trong tù và đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu chứng minh luận điệu của họ, nếu không chứng minh được phải xin lỗi ông Trần Huỳnh Duy Thức.
“Ở đây có hai báo như anh biết thì một cái là báo Nhân Dân, còn một cái là báo Quân đội Nhân dân nó đăng.
Hai cái bài này thật sự tôi cũng nói thẳng thắn là hai cái này cũng là do một người viết, cũng từ một nguồn thông tin ra thôi khi họ nặn lại thông tin y chang nhau hết, không khác gì và cũng là những luận điệu mà họ bôi xấu, họ xuyên tạc anh Thức.
Trong ngày 17 tháng 2 vừa rồi anh thức đã có một đơn gửi cho Tổng biên tập báo Nhân Dân để khiếu nại về vấn đề này.
Nói tóm lại trong thư này anh Thức yêu cầu cung cấp cho ảnh những bằng chứng như là: những việc kêu là ảnh nhận sữa, rồi những việc mà tuyệt thực năm 2018 được công bố trên đài truyền hình này kia….
Thì những chuyện đó anh ấy kêu là phải cung cấp cho anh ấy bằng chứng, trả lời cho ảnh và nếu mà không trả lời, nếu không có bằng chứng thì phải công khai xin lỗi anh về vấn đề đó. Những cái chuyện này hoàn toàn là xuyên tạc!”
Hôm 3-2 vừa qua, người tù chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức dừng cuộc tuyệt thực hơn 70 ngày của ông, trong đó có một vài lần ông dùng sữa và cà phê để duy trì sự sống, sau khi gia đình báo là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An trả lời là “đang xem xét về vụ việc”.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của ông Thức là Tòa án nhân dân Tối cao phải trả lời đơn và trả tự do cho ông theo Bộ Luật hình sự mới.
Ông Thức đến nay đã thụ án được 11 năm trong bản án tổng cộng 16 năm tù với cáo buộc tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
RFA (02.04.2021)
BPSOS – Cách nào để tranh đấu hiệu quả cho tù nhân lương tâm?
Thân nhân của các Tù Nhân Lương Tâm là yếu tố chủ động
Trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam bỏ tù ngày càng nhiều những người bảo vệ nhân quyền và kết án họ ngày càng nặng. Mục đích của chế độ là “răn đe” người dân nói chung. Để đạt mục đích, họ chọn những trường hợp lợi nhiều mà hại ít: những người hoạt động rời rẽ hoặc trong những nhóm người rời rạc; khi bị bắt thì hoạt động bị tắt ngấm và không được ai vận động sự can thiệp bền bỉ của quốc tế. Khi chọn những trường hợp này, chế độ nhắm tác động tâm lý rộng lên xã hội nhưng gây ít phiền toái cho họ trên trường quốc tế.
Cách đối phó hiệu quả là đẩy chế độ vào tình huống lợi bất cập hại.
Lợi bất cập hại
Lợi sẽ giảm khi bắt một người mà công việc của người ấy hoặc của nhóm người ấy không hề gián đoạn. Muốn thế, phải có một nhóm người hợp tác cùng nhau và mọi hoạt động được định chế hoá để không tuỳ thuộc vào một người nào duy nhất. Hễ một người bị nhỡ ngại thì lập tức có người khác điền thế. Với công nghệ tin học hiện đại, người điền thế không nhất thiết là người ở trong nước. Duy trì tính liên tục trong hoạt động là cách vô hiệu hoá tác dụng “răn đe” của chính sách bỏ tù người bảo vệ nhân quyền.
Hại sẽ tăng khi hành động bắt người lại động viên thêm nhiều người dấn thân thay vì giảm đi. Điều này sẽ xảy ra khi thân nhân và thân hữu của người bị bắt quyết tâm lên tiếng cho người ở trong tù. Nếu bắt một người làm cho 5, 7 người có động lực và lý do để dấn thân thì rõ ràng là phản tác dụng.
Hại cũng sẽ tăng khi quốc tế lên tiếng liên tục và mạnh mẽ. Hiện nay chế độ chưa xem trọng người dân nhưng ngại quốc tế vì đang cầu cạnh các lợi ích từ thế giới tự do về viện trợ, mậu dịch, đầu tư, quốc phòng… Để gặt hái các lợi ích này, chế độ tìm mọi cách để hội nhập thế giới, bao gồm ký kết các hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương, ứng cử vào Hội Đồng Bảo An và Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế. Càng hội nhập thì càng phải chịu ảnh hưởng của quốc tế.
Khi chính sách bỏ tù trở nên “lợi bất cập hại” thì chế độ sẽ phải xét lại chính sách ấy.
Một số điều hiểu lầm
Phần lớn người ở trong nước e ngại “hoạt động có tổ chức” và “yếu tố nước ngoài” vì cho rằng đó chúng tăng rủi ro.
Tôi không đang nói về thành lập tổ chức đối lập. Tôi đang nói về hoạt động mang tính định chế hoá, nghĩa là nhiều người phối hợp với nhau và mỗi người chuyên về một lĩnh vực hoạt động (truyền thông, báo cáo vi phạm, pháp lý, tiếp xúc quốc tế, đối phó tình huống, tương thân tương trợ, tư vấn tâm lý…) và sẵn sàng bổ trợ hoặc điền thế cho nhau. Thiếu định chế hoá thì không thể có tính liên tục. Và chỉ khi đạt được tính liên tục thì mới vô hiệu hoá công dụng “răn đe” của chính sách bắt và bỏ tù người bảo vệ nhân quyền.
Tôi cũng không đang nói về “yếu tố nước ngoài”, hiểu là các tổ chức hoăc đảng phái chính trị của người Việt ở nước ngoài. Tôi đang nói đến các thực thể quốc tế, bao hàm các cơ quan LHQ; các chính quyền dân chủ như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Úc, Pháp, Canada…; các toà đại sứ Phương Tây ở Hà Nội; các định chế nhân quyền khu vực hoặc liên quốc gia; và các tổ chức nhân quyền quốc tế có bề thế và uy tín. Chính các thực thể quốc tế này mới tạo được sức ép lên chế độ ở Việt Nam.
Những cơ hội vận động quốc tế
Cơ hội để vận động quốc tế cho các tù nhân lương tâm là rất nhiều, nhiều hơn khả năng khai thác của chúng tôi. Dưới đây là một số cơ hội điển hình:
(1) Bản lên tiếng của Tổ Công Tác của LHQ về Giam Giữ Tuỳ Tiện
(2) Công văn của các Báo Cáo Viên Đặc Biệt
(3) Báo cáo về đe doạ và trả thù của Tổng Thư Ký LHQ
(4) Danh sách TNLT liên quan đến tôn giáo của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF)
(5) Các chương trình bảo trợ TNLT ở Quốc Hội Hoa Kỳ, Quốc Hội Đức, và USCIRF
(6) Các báo cáo nhân quyền và các buổi đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Liên Âu…
Đó là chưa kể cơ hội tiếp xúc với các Toà Đại Sứ Phương Tây hoặc các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam.
Như một ví dụ, tháng 3 vừa qua 5 tổ chức đã phối hợp với nhau để cung cấp 4 bản báo cáo kèm với danh sách TNLT với án tù từ 10 năm trở lên theo yêu cầu của Báo Cáo Viên Đặc Biệt về tình trạng của các người bảo vệ nhân quyền:
- Báo cáo của BPSOS và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/03/BPSOS-questionnaire-int-organizations-civilsociety.pdf
- Báo cáo của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/03/Vietnam-Montagnards-questionnaire-civilsociety-2.pdf
- Báo cáo của Chiến Dịch Xoá Bỏ Tra Tấn ở Việt Nam: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/03/CAT-VN-questionnaire-int-organizations-civilsociety-1.pdf
- Báo cáo của Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/03/questionnaire-states-nhri-VN-CAT.pdf
Chắt lọc từ các báo cáo này, một danh sách TNLT sẽ được trình bày trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào tháng 9 tới đây.
Đây chỉ là một ví dụ về một cơ hội. Phải có thêm nhiều tổ chức ở trong và ngoài nước cùng nhau khai thác mọi cơ hội quốc tế vận cho các TNLT thì mới duy trì được áp lực liên tục và tăng dần lên chế độ ở Việt Nam cho đến khi họ bị đặt vào tình huống lợi bất cập hại.
Kết luận
Đối với những người cổ suý nhân quyền và dân chủ, cách giảm rủi ro bị tù đày là tăng tính định chế hoá trong hoạt động, liên kết chặt chẽ với quốc tế, và động viên thân nhân và thân hữu sẵn sàng nhập cuộc khi mình bị lâm nguy.
Đối với những người đã vào tù, thân nhân và thân hữu của họ ở bên ngoài cần đến với nhau để tương thân tương trợ trong đối phó tình huống và quốc tế vận dài lâu. Thân nhân của các TNLT có thể yếu năng lực, thiếu kinh nghiệm vận động, nhưng lại có tư thế hơn hết để lên tiếng với quốc tế và có động lực hơn hết để dấn thân trường kỳ cho người thân ở trong tù. BPSOS sẵn sàng hỗ trợ về kỹ năng định chế hoá, huấn luyện về đối phó tình huống, vá hướng dẫn về vận động quốc tế. Nhưng chính những người thân của các TNLT phải chủ động. Không thể khác hơn.
Nguyễn Đình Thắng, (02.04.2021) http://machsongmedia.org
Thêm một Facebooker bị kết án vì chỉ trích nhà cầm quyền
Tin từ Bình Định: Ngày 31/3, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Bình Định kết án 4 năm tù giam ông Lê Văn Hải, 54 tuổi về tội danh “Lợi dụng các quyền dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự vì chỉ trích viên chức địa phương trong việc bồi thường đất đai không thoả đáng.
Dẫn cáo trạng của viện kiểm sát cộng sản tỉnh, truyền thông nhà nước đưa tin từ năm 2016 đến khi bị bắt giam vào giữa tháng 9 năm 2020, ông Hải đăng lên tài khoản Facebook cá nhân và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của lãnh đạo chế độ và chủ tịch tỉnh Bình Định.
Cáo trạng cũng nói từ năm 2014, ông Hải gửi đơn đến các cơ quan tỉnh Bình Định với nội dung khiếu nại và yêu cầu bồi thường về đất theo hiện trạng sử dụng và hỗ trợ mất thu nhập cho gia đình ông. Nguyên do vì nhà và đất của gia đình ông bị thu hồi để xây dựng nhà máy giải quyết nước thải tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông được trả lời rằng việc bồi thường đã đúng qui định. Ông tiếp tục khiếu nại lên bộ tài nguyên-môi trường và thanh tra nhà nước nhưng những yêu cầu của ông đều bị bác.
Ông Lê Văn Hải trong phiên toà ngày 31_3_2021 (Người Lao Động)
Tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu nhà nước nên nhà cầm quyền địa phương và trung ương có quyền cướp đất của dân với giá bồi thường rẻ mạt để bán lại cho các công ty phát triển bất động sản hay dự án xã hội. Điều này tạo ra tầng lớp dân oan hàng chục nghìn người khiếu kiện nhiều năm, cá biệt có nhiều trường hợp hàng thập kỷ.
Ông Hải là 1 trong 10 nhà hoạt động và Facebooker bị kết án tổng cộng 80 năm tù và 15 năm quản chế vì chỉ trích chế độ từ đầu năm đến nay, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.
VietBF (02.04.2021)