Phúc trình USCIRF 2021: Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống
Trang bìa phúc trình 2021 của USCIRF. Photo USCIRF
Hôm 21/4, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) ra phúc trình năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, cho biết chính quyền vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước. USCIRF cũng tái đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Mở đầu báo cáo, USCIRF viết: “Trong năm 2020, các điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng giống như năm 2019.” USCIRF nhận định rằng chính phủ Việt Nam vừa thực thi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nhưng cũng vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, đặc biệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập và kể cả đối với các nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận.
Phúc trình của USCIRF 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, ngày 21/4/2021.
Liên quan đến nhóm tín hữu Tin lành ở Tây Nguyên, USCIRF cho biết uớc tính có khoảng 10.000 người Hmong và người Montagnard vẫn không có quốc tịch vì chính quyền địa phương đã từ chối cấp sổ hộ khẩu và chứng minh thư cho họ – mà nguyên chính là để trả đũa việc họ không đồng ý từ bỏ đức tin của mình.
Vào tháng 2/2020 chính quyền đã can thiệp việc thu xếp tang lễ của cố Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ; vào tháng 8/2020 các tay côn đồ được nhà nước chỉ đạo đã tấn công các tu sĩ ở Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế, đòi cơ sở tôn giáo này trả đất cho xã, theo phúc trình của USCIRF.
Báo cáo cũng nêu trường hợp tù nhân tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực yêu cầu được chăm sóc y tế và tù nhân tôn giáo Lê Đình Lượng liên tục bị khước từ việc đọc sách kinh thánh trong trại giam.
EMBED SHARE
Liên quan đến Hội Cờ Đỏ, USCIRF nhận định: “Năm 2020, Hội Cờ đỏ được nhà nước hậu thuẫn cùng với các tổ chức nhà nước làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tuyến trên mạng, đã gia tăng việc phân biệt đối xử và không khoan dung chống lại các nhóm tôn giáo độc lập, các linh mục Công giáo, các nhóm Tin lành người Thượng, và các tín đồ Cao Đài độc lập.”
Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn.
Báo cáo 2021 của USCIRF
“Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn,” USCIRF cho biết thêm.
USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), cùng với các quốc gia khác là Nga, Ấn Độ, Syria. Hiện tại đã có 10 nước nằm trong danh sách CPC, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Triều Tiên.
Từ Kon Tum, mục sư Tin lành Đấng Christ A Đảo, nói với VOA rằng ông đồng tình với phúc trình của USCIRF. Ông cho biết thêm rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ do ông làm quản nhiệm liên tục bị chính quyền sách nhiễu:
“Họ vẫn gây khó khăn do Hội thánh Tin lành Đấng Christ, họ chưa công nhận, chưa cho phép chúng tôi thờ phượng Chúa một cách yên ổn.”
“Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên bị họ ngăn trở, không cho nhóm thờ phượng, họ ngăn trở niềm tin tôn giáo của người dân.”
EMBED SHARE
USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam chỉnh sửa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và tạo điều kiện tốt hơn cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận; đề nghị ngưng sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhóm tôn giáo người Hmong theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, USCIRF còn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cử các đoàn phụ trách nhân quyền và tự do tôn giáo đến Việt Nam, thăm gặp các tù nhân lương tâm và tôn giáo, điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển, và kêu gọi Việt Nam phóng thích họ.
VOA (23.04.2021)
Nhà báo độc lập Trần Thị Tuyết Diệu bị kết án 8 năm tù vì chỉ trích chế độ
Tin từ Phú Yên: Ngày 23/4, toà án cộng sản tỉnh Phú Yên đã kết án 8 năm tù giam đối với nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu về tội danh “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự trong bối cảnh đàn áp giới bất đồng chính kiến và tự do báo chí gia tăng ở Việt Nam.
Cáo trạng nói rằng cô Diệu, 33 tuổi, đã sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook như “Tuyết Diệu Babel” và “Trần Thị Tuyết Diệu Journalist” hoặc YouTube Tuyết Diệu Trần…để đăng tải bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung đòi đa nguyên đa đảng, truyền tải nhiều thông tin về hoạt động sai trái của cơ quan thực thi pháp luật, và tỏ thái độ không hợp tác với công an cộng sản khi bị triệu tập…
Cô Diệu từng làm phóng viên báo Phú Yên từ năm 2011 đến 2017 sau khi tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông của Đại học Khoa học xã hội nhân văn Sài Gòn. Bất mãn với việc đưa tin không trung thực cũng như kiểm duyệt báo chí nhà nước, cô bỏ việc và trở thành phóng viên tự do, đưa tin về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và quan hệ Trung-Việt. Đến tháng 8 năm 2020, cô bị bắt và bị biệt giam nhiều tháng trước khi được gặp luật sư.
Nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu trong phiên toà ngày 23_4 (Báo Pháp Luật)
Cộng sản Việt Nam thường sử dụng cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 để bịt miệng người bất đồng chính kiến. Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Hà Nội xoá bỏ cáo buộc này và tuân thủ cam kết quốc tế về nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.
Từ đầu năm đến nay, cộng sản Việt Nam bắt giữ 4 Facebooker với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” và kết án 9 người khác về tội danh này với mức án từ 5 đến 15 năm tù giam. Mới đây, Ký giả Không Biên giới (RSF) công bố xếp hạng báo chí tự do toàn cầu 2021 và Việt Nam ở nhóm quốc gia không có tự do báo chí, xếp hạng 175 trong tổng số 180 quốc gia khảo sát.
RFA (23.04.2021)
Việt Nam: Bao nhiêu người bị xử tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’ từ đầu năm 2021?
NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP/GETTY IMAGES
Hôm 22/4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Lê Thị Bình (sinh năm 1976, trú phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đây là trường hợp mới nhất bị đưa ra xử, theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam.
Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:
“1-Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2-Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Lên Facebook ‘nói xấu’
Theo cáo trạng, bà Lê Thị Bình tham gia mạng xã hội Facebook với các tài khoản sử dụng là “Binh Lê”, sau đó đổi tên thành “Lê Ngoclan Ct”, “Ngoc Lan CT Ngoc CT Le”, “Anna Nguyen”.
Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, bà Bình bị nói là thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook này bằng điện thoại di động có kết nối Internet để phát trực tiếp (livestream), đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung “nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.
Mới ngày 20/4, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gồm: Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980; cư trú tại căn hộ 3.01 chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh); Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985; cư trú tại căn hộ 5.04 tầng 6, chung cư 241/1/25C, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982; cư trú tại 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).
Họ bị bắt để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Công an thành phố Cần Thơ nói ba người này liên quan vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, xảy ra tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành do bị can Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn thực hiện.
Trước đó, ngày 17/12/2020, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với ông Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982; tại ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An) cũng theo điều 331.
NGUỒN HÌNH ẢNH,FB TRUONG CHAU HUU DANH Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Trương Châu Hữu Danh
Vụ Quách Duy
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/4, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TPHCM) xử bị cáo Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND TPHCM) và tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù theo điều 331.
Theo nội dung vụ án, bị cáo Quách Duy đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh trên Facebook, trong đó 3 bài viết “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm lãnh đạo của thành phố”.
Ngày 13/4, tại Thanh Hóa, xảy ra vụ khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Thị xã Nghi Sơn về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Vào ngày 3/4, công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1973, ngụ TP Hồ Chí Minh, để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước khi bị khởi tố, tạm giam, ông Nguyễn Hoài Nam đã đăng nhiều bài viết trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; một số bài viết liên quan một số cá nhân đang công tác tại một số cơ quan tố tụng trên Facebook.
Ngày 30/3, tòa án tỉnh Bình Định phạt 4 năm tù với ông Lê Văn Hải, 54 tuổi.
Cáo trạng nói, bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường theo ý của mình, ông Lê Văn Hải lên mạng xã hội nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Ngày 10/2, công an Quảng Trị bắt tạm giam ông Phan Bùi Bảo Thy, sinh năm 1971, Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung – Tây Nguyên của báo Giáo dục & Thời đại tại Đà Nẵng.
Ông Thy bị bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, theo thông báo.
BBC (23.04.2021)
Tổ chức Ký giả Không biên giới nói CSVN tiếp tục đàn áp tự do báo chí
Tin từ Paris: Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 6 quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới trong năm 2021 với việc nhà chức trách tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt giam nhiều nhà báo độc lập trong năm qua.
Theo Bản đồ Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF, Việt Nam trong nhóm các nước màu đen vì có môi trường “rất tồi tệ” trong lĩnh vực tự do báo chí. Việt Nam bị xếp hạng 175 trong tổng số 180 quốc gia được khảo sát, cùng nhóm với Trung Cộng và Bắc Hàn. Tuy nhiên, so với năm 2020, thứ hạng của Việt Nam tăng một bậc.
RSF nêu trường hợp ba thành viên cao cấp của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị kết án nặng nề năm 2021 (Reuters)
Trong thông cáo báo chí ngày 20/4, RSF nói rằng cộng sản Việt Nam “cũng tăng cường sự kiểm soát của mình đối với nội dung mạng xã hội, trong khi tiến hành một làn sóng bắt giữ nhiều nhà báo độc lập hàng đầu trong thời gian chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản cầm quyền vào cuối tháng 1 vừa qua.
Trong số những người bị bắt giữ năm 2020 có nhà báo Phạm Đoan Trang, người được giải Tự do Báo chí ở hạng mục Tầm ảnh hưởng của RSF năm 2019. Hà Nội thường sử dụng các cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước,” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội, nhà báo, và người bảo vệ nhân quyền.
Trong ngày RSF công bố báo cáo về tự do báo chí toàn cầu năm 2021 thì tại Cần Thơ, công an cộng sản đã bắt giữ 3 thành viên của Báo Sạch, một nhóm nhà báo tự do chuyên đưa tin về tham nhũng, bất công và bảo vệ người yếu thế.
VietBF (23.04.2021)
Một blogger ở Cần Thơ bị phạt 2 năm tù vì ‘chống phá Đảng, Nhà nước’
Blogger Lê Thị Bình tại phiên tòa ngày 22/4/2021 ở Cần Thơ. Photo NLD
Hôm 22/4, một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt Facebooker Lê Thị Bình 2 năm tù giam vì “chống phá Đảng, Nhà nước” với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”
Trang Pháp luật Online dẫn bản cáo trạng cho biết bà Lê Thị Bình, 45 tuổi, từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để phát trực tiếp, đăng bài và chia sẻ 24 bài có nội dung “tuyên truyền tư tưởng, quan điểm xấu, phản động nhằm chống đối, chống phá, nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước.”
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc bà Bình “xúc phạm nghiêm trọng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, thực hiện kêu gọi đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ chế độ chính trị…” theo trang VietnamNet.
Phiên tòa xét xử bà Lê Thị Bình ngày 22/4/2021 với ghế trống ở bàn dành cho luật sư bào chữa. Photo Lao Dong.
Luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 22/4 cho VOA biết ông không tham gia bào chữa cho bà Lê Thị Bình trong phiên tòa này, tuy rằng khi bà Bình bị khởi tố ông đã đăng ký bào chữa và được cấp thông cáo người bào chữa.
Luật sư Mạnh cho biết ông không rõ lý do, nhưng nói rằng: “Cơ quan Cảnh sát Điều tra thông báo cho biết là bà ấy “từ chối luật sư để nhờ một luật sư khác!””
Qua những hình ảnh phiên tòa do truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy không có mặt luật sư nào ngồi ở vị người bào chữa cho bị cáo Bình.
Trước đó, vào tháng 3/2019, ông Lê Minh Thể, anh của bà Bình, cũng bị phạt 2 năm tù giam với cùng tội danh.
Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, bà Bình từng tham gia tích cực trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng. “Bà tham gia viết và chia sẻ nhiều bài viết về các vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam trên Facebook. Do vậy, bà luôn bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hạch sách trong nhiều năm gần đây,” tổ chức này cho biết thêm.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà hoạt động và Facebooker, kết án 10 người khác với mức án từ 4 đến 15 năm tù giam.
VOA (23.04.2021)
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lên tiếng về vụ bắt ba phóng viên Báo Sạch
Ba nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch bị bắt hôm 20/4/2021: (từ trái qua) Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang RFA edit
Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) vào ngày 22 tháng tư lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba nhà báo bị bắt hôm 20 tháng tư vừa qua. Ba nhà báo bị bắt từng có những bài viết tố cáo đối với hai quan chức cao cấp trong đảng cộng sản và Chính phủ Hà Nội
Thông cáo báo chí của RSF cho biết, cả ba phóng viên Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo bị Công an Cần Thơ bắt là những cộng tác viên thường xuyên của Báo Sạch trên mạng xã hội Facebook.
Ba phóng viên Báo Sạch vừa nêu có thể phải đối diện với mức án bảy năm tù nếu bị buộc tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ ‘ theo điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Theo RSF, ba phóng viên Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo gần đây có những bài viết tố cáo ông Bùi Văn Công, một quan chức cấp cao trong đảng cộng sản, đạo văn làm luận án tiến sĩ. Họ cũng nêu ra những bất minh của ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án Tối Cao, trong vụ tử tù Hồ Duy Hải. Ông Bình nay lại lọt vào Bộ Chính trị.
Trưởng Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard, cho rằng chế độ tại Việt Nam hiện nay thay vì dẹp trừ tham nhũng trong đảng thì lại sử dụng bộ máy đàn áp để thường xuyên bách hại những phóng viên điều tra về tham nhũng. Việc bắt giam ba phóng viên Báo Sạch là điều gây sốc vì họ là biểu tượng của việc xuất hiện một nền báo chí không chấp nhập bao che cho những hành vi tệ hại của một bộ phận giai cấp cai trị.
Ngoài ba phóng viên Báo Sạch bị bắt vào ngày 20 tháng tư với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ như vừa nêu, từ đầu năm 2021 đến nay Công an Việt Nam còn bắt các nhà báo khác với cùng cáo buộc. Đơn cử như nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị bắt ngày 2 tháng tư sau khi ông này có những bài viết trên Facebook nêu ra những hành xử đáng ngờ trong bộ máy chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 9 tháng tư, ông Nguyễn Văn Trung Sơn, một thành viên Hội Nhà báo Độc lập bị bắt làm việc năm ngày.
Hồi tháng hai, phóng viên Phan Bùi Bảo Thy – Trưởng đại diện Báo Giáo dục & Thời Đại bị bắt ở Quảng Trị cũng bị bắt giam.
Theo bảng xếp hạng Tự Do Báo chí Thế giới năm 2021 mà RSF công bố hôm 20 tháng tư, Việt Nam tiếp tục ở hạng 175 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
RFA (23.04.2021)
CSVN sẽ xét xử nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vào ngày 05/5
Tin từ Hà Nội: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ đưa nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu và con trai thứ Trịnh Bá Tư ra xét xử về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vào ngày 05/5, sau nhiều tháng biệt giam họ kể từ khi bị bắt vào ngày 24/6/2020.
Toà án cộng sản tỉnh Hoà Bình sẽ thực hiện việc xét xử và phiên toà dường như sẽ là một phiên xử công khai nhưng chỉ một vài người trong gia đình được tham dự phiên toà, như nhiều vụ án xử giới bất đồng chính kiến và người hoạt động trước đây.
Theo xu hướng đàn áp trong nhiều năm gần đây, đặc biệt khi nhiều nhân vật bảo thủ của đảng cộng sản cầm quyền được tái cử vào ban lãnh đạo mới trong đại hội đảng vừa qua, dường như bà Thêu và con trai sẽ phải nhận mức án nặng nề dù nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho họ.
Bà Thêu, người từng hai lần bị giam cầm tổng cộng 35 tháng tù giam vì phản đối việc cướp đất của dân Dương Nội, bị bắt cùng hai con trai Tư và Trịnh Bá Phương với cùng cáo buộc. Trong khi anh Phương còn đang bị biệt giam bởi công an cộng sản Hà Nội, bà và anh Tư mới chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị bào chữa.
Việc bắt giữ họ liên quan đến việc đàn áp người hoạt động nhân quyền cất tiếng nói trong vụ Đồng Tâm, và phong trào dân oan đòi công lý vì cả ba là những lãnh đạo tinh thần của nông dân bị cướp đất. Theo luật sư, bà Thêu kiên quyết phản đối cáo buộc và tuyên bố sẽ tranh đấu đến cùng.
VietBF (23.04.2021)
Bắt nhóm Báo Sạch: mọi tiếng nói đối lập đang bị bóp nghẹt
Hình minh hoạ. Một sạp báo trên đường phố Hà Nội và trang Facebook của Báo Sạch bị gạch chéo trên một trang blog thân Chính phủ Reuters/ RFA edit
Vụ bắt giữ và khởi tố đối với ba nhà báo độc lập thuộc nhóm Báo Sạch vào ngày 20 tháng tư tiếp tục chuỗi bắt bớ, đàn áp những người lên tiếng chỉ trích chính sách của Nhà nước Việt Nam, tình trạng tham nhũng, bất công và tự nguyện tiến hành công tác xã hội tại Việt Nam.
Một số người hoạt động hiện đang ở Việt Nam bình luận với RFA rằng vụ bắt giữ này càng làm cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay “căng thẳng đến nghẹt thở”.
Ngày 20/4, ba nhà báo độc lập là Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo bị Công an Cần Thơ khởi tố và bắt tạm giam với lý do để mở rộng điều tra vì có liên can trong vụ án của nhà báo Trương Châu Hữu Danh.
Những người này đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331 BLHS năm 2015 của Việt Nam.
Cả ba nhà báo vừa bị bắt cùng với ông Trương Châu Hữu Danh đều là thành viên Báo Sạch, một mạng báo độc lập không chịu sự kiểm duyệt của Nhà nước. Tuy nhiên, trang báo này đã biến mất khỏi Facebook trong khoảng thời gian nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị khởi tố và bắt giam vào tháng 12 năm ngoái. Trước khi trang báo biến mất, Báo Sạch có khoảng 100.000 lượt thích trên Facebook.
Tình hình nhân quyền căng thẳng
Nhà hoạt động Nhân quyền Vy Yên chia sẻ quan điểm về vụ bắt bớ này trên trang Facebook cá nhân như sau:
“Lên tiếng trước các sai phạm của cơ quan công quyền, gây quỹ ủng hộ bác sĩ đợt dịch bệnh vừa lan tới Việt Nam, hỗ trợ nước ngọt cho bà con miền Tây những ngày hạn mặn, giúp đỡ một bà mẹ đi tìm công lý cho con – lẽ nào những việc làm như thế này, ở Việt Nam, được gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ?”
Ông Minh (đã đổi tên vì lý do an toàn), một người hoạt động ở Hà Nội nói rằng Điều 331 là một điều luật rất mơ hồ. Chính quyền dùng điều luật này để bắt các nhà báo cho thấy Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng về quyền con người:
“Ở thời điểm hiện tại thì tình hình đàn áp tự do ngôn luận trong nước rất căng thẳng. Căng gấp nhiều lần so với những năm trước. Bằng chứng là hàng loạt anh em đấu tranh trong nước bị bắt, đặc biệt là những nhà báo tự do có tư duy độc lập.
Hiện tại hầu hết anh em trong nước không có hoạt động gì cụ thể vì chỉ cần lên tiếng hoặc có một hành động nhạy cảm nào đó là lập tức bị bắt luôn.
Bản thân tôi và bạn bè thời gian vừa rồi cũng liên tục bị an ninh theo dõi. Mỗi khi có sự kiện gì nhạy cảm như xét xử vụ án Đồng Tâm đều bị canh.”
Ông Quang (đã đổi tên vì lý do an toàn), một nhà báo độc lập đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết Chính quyền đang siết chặt các hoạt động nhân quyền trong nước, bóp nghẹt mọi tiếng nói đối lập. Theo ông, đây là thời điểm căng thẳng nhất trong gần 10 năm trở lại đây:
“Dường như là mọi không gian đều bị bóp nghẹt. Tôi tham gia (hoạt động nhân quyền – PV) chắc cũng 7-8 năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy có một thời điểm nào nó nghẹt thở đến như vậy. Tôi cảm thấy là dường như mình không thể lên tiếng được điều gì.
Sau khi họ bắt Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh và nhóm Báo Sạch này. Cho nên cảm giác dường như không gian của tiếng nói độc lập dường như cô lập 100%.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang là một người có nhiều bài viết và sách về các vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam không được Chính phủ hoan nghênh. Cô bị bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái. Bà Nguyễn Thuý Hạnh là một người hoạt động nhân quyền, sáng lập Quỹ 50k chuyên quyên góp tiền giúp đỡ các tù nhân lương tâm và gia đình họ. Bà Hạnh bị bắt giữ hôm 7/4 vừa qua.
Trước nhóm Báo Sạch, vào năm ngoái, chính quyền Việt Nam cũng bắt hàng loạt các nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức không thuộc sự kiểm soát của chính quyền. Hồi đầu năm nay, 3 nhà báo thuộc hội này bao gồm Phạm Chí Dũng – Chủ tịch hội, Nguyễn Tường Thuỵ – Phó chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên đã bị tuyên án tù tổng cộng 37 năm với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.
Quan điểm của các tổ chức Quốc tế
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng với RFA chiều ngày 21/4 rằng Những cuộc bắt bớ này là sự sỉ nhục trắng trợn vào các nghĩa vụ nhân quyền của Việt Nam.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại trước các báo cáo cho biết đã có thêm ba nhà báo độc lập bị bắt chỉ vì thực hiện công việc của họ. Trong năm qua, Việt Nam nổi lên bởi các cuộc tấn công liên tục của chính quyền nhắm vào các nhà báo và các hiệp hội nhà báo độc lập.
Trong thời gian gần đây, các nhà báo và tác giả độc lập chính là mục tiêu của sự đàn áp, với hàng loạt vụ bắt giữ và truy tố, bao gồm Nhà xuất bản Tự do và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Bây giờ, các nhà báo của nhóm Báo Sạch là những nạn nhân mới nhất trong chuỗi bắt bớ này của chính phủ.
Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, và Đoàn Kiên Giang, cùng với tất cả các nhà báo, người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích chính quyền khác, hiện đang bị giam giữ một cách bất công. Việt Nam phải chấm dứt chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng sâu rộng trước cuộc ngay bầu cử Quốc hội.”
Trang Facebook của Báo Sạch bị gạch chéo được đăng trên một blog. Blog Người Đưa Tin
Ngày 10/4, Đại diện cấp cao của Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin trả lời RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng CPJ quan ngại về các vụ bắt giữ nhà báo gần đây tại cơ quan truyền thông nhà nước và kêu gọi trả tự do cho họ:
“Trong quá khứ, hành vi sách nhiễu như vậy đối với các phóng viên nhà nước là phản ánh sự đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản, với việc một phe phái tiết lộ cho các phương tiện truyền thông cùng phe với mình về chuyện tham nhũng hoặc tội ác của phe khác, nhằm đạt được lợi thế chính trị. Đặc biệt là trong cuộc chạy đua trước Đại hội Đảng.
Quan điểm của chúng tôi là không nên sử dụng và lạm dụng các nhà báo trong trò chơi chính trị tồi tệ này. Họ nên được phép đưa tin mà không phải lo sợ bị trả thù.
Các nhà báo ở Việt Nam nên được phép thực hiện vai trò kiểm tra và cân bằng của mình mà không bị buộc tội chống nhà nước hay bị đe dọa bỏ tù.
Tình trạng tham nhũng tràn lan trong Đảng Cộng sản Việt Nam, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận. Các phóng viên nên được phép điều tra và đưa tin về những hành vi sai trái và tham nhũng trong Đảng, bất kể nguồn của thông tin hay nó có dính dáng đến quyền lực của các chính trị gia.”
Trong cùng ngày Chính quyền tiến hành bắt giam ba nhà báo độc lập, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cũng công bố bảng xếp hạng Tự do báo chí năm 2021. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xếp ở vị trí này, đứng trên Trung Quốc nhưng ở dưới Lào.
Theo RSF, Chính phủ Việt Nam củng cố kiểm soát nội dung mạng xã hội trong khi tiến hành một làn sóng bắt bớ những nhà báo độc lập hàng đầu trước khi tiến tới Đại hội Đảng vào tháng giêng năm 2021. Trong số này có cô Phạm Đoan Trang, người được RSF trao giải Tác Động hồi năm 2019.
Các hoạt động của Báo Sạch
Cả bốn thành viên nhóm Báo Sạch đã lên tiếng, đấu tranh trong nhiều sự kiện xã hội khác nhau. Điển hình là ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng trên mạng xã hội từ sau vụ chống BOT bẩn ở Cai Lậy, Tiền Giang hồi năm 2017.
Sau đó, ông Danh cùng những người bạn sáng lập Báo Sạch, cùng nhau lên tiếng cho nhiều sự kiện xã hội khác nhau như vụ án tranh chấp đất giữa chính quyền và người dân ở Thủ Thiêm (TPHCM), Đồng Tâm (Hà Nội)… Đây là các vụ án tranh chấp đất đai dẫn đến cưỡng chế, thậm chí đổ máu như ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm 2020 và khiến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phải lên tiếng quan ngại, đặt câu hỏi về tính minh bạch.
Đặc biệt, Báo Sạch cập nhật thông tin liên tục, tìm và phân tích lại các bằng chứng để đấu tranh cho sự sống của tử tù Hồ Duy Hải. Ông Hồ Duy Hải và gia đình đã kêu oan suốt 12 năm qua trong một vụ án giết người và cướp của mà từ khâu điều tra đã có nhiều sai sót.
Mạng báo VnExpress dẫn nguồn tin riêng từ Bộ Công an cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Cần Thơ giám định 31 bài viết trên trang cá nhân của Facebooker Trương Châu Hữu Danh, kết quả xác định nội dung, hình ảnh lồng ghép trong các bài viết kèm nhiều bình luận tiêu cực, một chiều “thể hiện rõ mục đích chống phá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo địa phương”.
Theo báo Nông Nghiệp, việc khởi tố và tạm giam thêm ba thành viên của nhóm Báo Sạch thực sự gây rúng động giới truyền thông. Bởi lẽ, trong ba đối tượng vừa bị bắt thì Nguyễn Phước Trung Bảo là con trai của một nhân vật khá nổi tiếng trong làng cầm bút và từng giữ chức vụ lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản. Ông Trung Bảo cũng là một doanh nhân có nhiều cơ sở kinh doanh tại Đà Nẵng và Hội An.
RFA (22.01.2021)
Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do, cần gì phải lợi dụng để rồi đi tù
Tự do dân chủ đã là quyền hiến định, vậy lợi dụng để làm gì kia chứ…
Công an thành phố Cần Thơ hôm 20/4 khởi tố và bắt tạm giam 3 thành viên của nhóm Báo sạch để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, hơn 4 tháng sau khi nhà báo Hữu Danh và là thành viên đầu tiên của nhóm bị bắt giữ.
Nhóm Báo sạch được thành lập năm 2019 sau vụ việc của doanh nghiệp Asanzo – tập đoàn điện tử được cho là bóc gỡ tem nhãn Trung Quốc và dán mác ghi xuất xứ Việt Nam. Vụ việc này được báo Tuổi Trẻ thực hiện bằng loạt phóng sự nhiều kỳ.
Trang Facebook của Báo sạch đã đóng ngay sau khi thành viên đầu tiên của nhóm, nhà báo Hữu Danh, bị bắt hôm 17/12/2020.
Trở lại với thắc mắc: đã có tự do dân chủ rồi, thì sao lại phải ‘lợi dụng’?
Theo lý giải của một thầy giáo đã nghỉ hưu hiện sống ở Cần Thơ, nhóm Báo sạch bị bắt theo cáo buộc của điều luật 331, vì ở Việt Nam, quyền dân chủ, tự do của mỗi người đều buộc phải gắn liền nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong bảo vệ thể chế chính trị.
Nhà báo Hữu Danh được nhiều người biết đến với loạt bài viết trên Facebook về khối tài sản của Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, Trần Văn Nam, và hàng loạt video cùng các đăng tải trên mạng xã hội về nội dung phản ánh tiêu cựu, phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở các tỉnh thành và Sài Gòn
Những bài viết của nhà báo Hữu Danh cùng nhóm bạn từng là nhà báo ‘có thẻ’ đã khiến người dân mất lòng tin vào sự liêm chính của nhiều quan chức cầm quyền. Điều này gián tiếp đả kích thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm toàn quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” được ghi tại Điều 4.1, Hiến pháp 2013.
“Đả kích Đảng bằng kiểu viết – lách báo chí mà không phải đi tù, đó mới là chuyện lạ, còn phải đi tù bằng điều luật 331 hay 117 của Bộ luật Hình sự, thì chuyện ấy quá đỗi bình thường” – một đồng nghiệp của nhà báo Hữu Danh, nhận xét.
Luật sư T.T., nói rằng để bào chữa ở tội danh của cáo buộc ở điều luật 331, hay 117 là không khó, nhưng chưa có luật sư nào thành công.
Thử đi tìm lý do
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015, có nội dung như sau:
“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Cơ quan tố tụng nói rằng, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, được hiểu là hành vi lợi dụng các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm đến các lợi ích (về kinh tế, chính trị…) của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, trước hết về mặt khách quan, thì đây là hành v,i lợi dụng các quyền tự do dân chủ được thể hiện qua việc sử dụng các quyền đó để thực hiện hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Về đối tượng bị xâm phạm gồm có các lợi ích của Nhà nước gồm lợi ích về chính trị, về kinh tế và lợi ích trên các lĩnh vực khác.
Còn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân bao gồm các quyền, lợi ích hợp pháp về chính trị, về kinh tế, về dân sự… được pháp luật thừa nhận và bảo hộ như quyền tự do kinh doanh, quyển thừa kế…
Các quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, gồm các quyền: Quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu bày tỏ ý kiến của cá nhân; Quyền tự do báo chí, tự do viết bài và in báo, đưa tin cho báo chí; Quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào nhất định; Quyền tự do hội họp – được hiểu là quyền tự do nhóm họp để trao đổi ý kiến về những lĩnh vực và những vấn đề nhất định; Quyền tự do lập hội – được hiểu là quyền tự do tổ chức ra các hội nhất định nhằm phục vụ tiến bộ xã hội;
Các quyển tự do dân chủ khác như quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyển khiếu nại, tố cáo…
Về khách thể, hành vi này xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Mặt chủ quan thì người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Lợi ích nào của Nhà nước bị xâm phạm?
Như phân tích ở trên, thì những bài báo vạch trần các sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam được nhóm Báo sạch phanh phui, là nhằm hướng đến xây dựng một Nhà nước liêm chính.
Lợi ích xâm phạm ở đây nếu có, là đối với những quan chức tham nhũng đang nhân danh Nhà nước. Tuy nhiên các phiên tòa xét xử theo điều luật 331 hay 117, ghi nhận cho đến nay chưa thấy có sự hiện diện của phía bị hại là Nhà nước.
Một điều luật hình sự mà phiên tòa luôn không có ai cụ thể là bị hại hiện diện chốn công đường, thì xem ra biết thế nào là thực – hư của những cáo buộc?
Hàng loạt cán bộ tham ô, tham nhũng kéo theo đó là hàng loạt đại án làm thất thoát của nhà nước hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ. Trong lúc đời sống của nhân dân đang khó khăn thì ở nhiều tỉnh thành, biệt thự, biệt phủ của quan chức thi nhau khoa trương. Những hình ảnh đó chẳng khác gì trêu ngươi nhân dân.
Đối tượng này vừa làm tổn thất một khối lượng tài sản rất lớn của quốc gia, vừa bào mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Thế nhưng để có thể ‘rút ngắn’ thời gian trong việc phát hiện các vụ đại án, rõ ràng là cần thiết đến sự tham gia phát hiện của báo chí tự do. Nếu tiếp tục bỏ tù các nhà báo theo điều luật 331, 117 sẽ tạo thêm cơ hội để ‘củi’ lại tiếp tục thành ‘rừng’, và không ‘chủ lò’ nào có thể ‘đốt’ cho sạch bóng tham nhũng vật chất và tham nhũng quyền lực.
Hoài Nguyễn
VNTB (24.04.2021)