Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
Ngày 12/10, BBC News Tiếng Việt đã có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn tại Bangkok trước chương trình Paris By Night 134 – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời Cảm Ơn

BBC News Tiếng Việt đã có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn tại Bangkok trước chương trình Paris By Night 134 – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời Cảm Ơn, show diễn giã từ sân khấu của ông vào cuối tuần này.

Trả lời hai nhà báo Nguyễn Giang (qua điện thoại từ London) và Thương Lê (tại Bangkok), MC nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn cho hay sau nhiều trì hoãn, show diễn dự kiến vào 2020 ở Bangkok nay sắp thành hiện thực.

Trước câu hỏi “Ông có nhắn nhủ gì tới khán giả trong nước trước show diễn này?” nhà văn, người dẫn chương trình 30 năm qua của Paris Thuý Nga nói ông xúc động trước tin người xem từ Việt Nam đổ sang Thái Lan để xem show.

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là rất xúc động khi nhìn thấy lượng người mua vé rất nhanh. Thật sự thì tôi cũng không biết nhắn nhủ gì, có điều trong lòng tôi rất xúc động khi thấy lượng người ùa sang bên này để gặp gỡ mình.

Dĩ nhiên điều kiện sang Thái Lan tương đối dễ so với những quốc gia khác. Thúy Nga rất mong gặp gỡ khán giả ở Việt Nam, nhưng bao nhiêu năm nay thu hình tại Mỹ thì điều kiện hơi khó khăn. Chẳng những vì vấn đề xa xôi, vấn đề tài chính, xin visa vào Mỹ đôi khi khó khăn lắm…

Chính vì vậy mà Thúy Nga muốn tổ chức một show tại Bangkok, tương đối gần gũi, vật giá cũng tương đối rẻ và tạo được điều kiện để đồng bào từ Việt Nam sang đây tham dự.

BBC: Show diễn này có gì đặc biệt so với các show diễn tại Mỹ, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Show này ở Bangkok thì thực sự không khác với những show ở Mỹ. Cái khác là cảm xúc thôi, và cái khác nữa quan trọng hơn là lượng nghệ sĩ tham gia chương trình đông, gần như gấp đôi.

Có nghĩa là tất cả anh chị em nghệ sĩ đã làm việc với tôi 30 năm hoặc ít hơn, nhưng tình cảm giữa Nguyễn Ngọc Ngạn và những nghệ sĩ đó thì như là chú cháu, hoặc các nghệ sĩ trẻ thì thường gọi tôi là cha già dấu yêu.

Mối quan hệ đó giống tình thân hơn là công việc, có tính đại gia đình nhiều hơn. Vì vậy khi nghe tôi giã từ sân khấu thì không có nghệ sĩ nào không muốn tham gia. Hoặc là họ nói với trung tâm Thúy Nga, hoặc là nói trực tiếp với tôi: “chú Ngạn, chú cho cháu tham gia để gửi lời từ biệt chú”.

Vì vậy, lượng nghệ sĩ có thể nói là đông nhất từ xưa tới nay.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

NGUYỄN NGỌC NGẠN Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn gắn bó với Thuý Nga Paris từ 30 năm qua

BBC: Sự ra đi của ông Tô Văn Lai và việc ông nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trung tâm Thúy Nga trong tương lai? Trung tâm Paris By Night theo ông biết sẽ có kế hoạch ra sao, nhất là trong việc tìm người thay thế ông làm MC cho các chương trình?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Việc ông Tô Văn Lai ra đi thì phải nói là show diễn tại Bangkok trong vài ngày nữa là một nỗi ngậm ngùi. Tại vì từ mười mấy năm trước, ông Tô Văn Lai là người rất tha thiết, hối thúc cô Tô Ngọc Thủy và cá nhân tôi thực hiện một show Paris By Night tại Bangkok.

Vì ông Tô Văn Lai hay về Việt Nam, gặp gỡ khán giả Việt Nam rất nhiều, và tất cả khán giả Việt Nam, những người yêu mến Paris By Night đều mong Thúy Nga thực hiện một show thu hình tại Bangkok, là một nước láng giềng mà dễ qua du lịch nhất.

Cho nên ngay từ năm 2004, ông Tô Văn Lai thúc giục và nói với tôi rằng: “Ngạn ơi, em phải về Việt Nam làm một cuốn tại Bangkok”. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay, Thúy Nga tổ chức ở đâu thì tôi cũng đi. Nhưng lúc đó Thái Lan có nhiều biến động chính trị, thay đổi thủ tướng… khiến cho việc tổ chức Paris By Night rất bấp bênh, do đó tạm thời phải hoãn lại.

Cho đến năm 2019 thì Thúy Nga làm thử một cuốn tại Singapore. Dĩ nhiên, đó là chương trình đầu tiên tại các nước Á Đông và rất thành công, nhưng Singapore khó khăn, đắt đỏ hơn Bangkok.

Sau cuốn Paris By Night 130 tại Singapore thì cô Thủy có ý định năm 2020 sẽ làm một show tại Bangkok. Lúc đó là cách đây hai năm, đã đặt rạp rồi liên lạc tất cả mọi thứ, báo cho tôi biết ngày nào chú chuẩn bị sang Bangkok, thì gặp phải đại dịch. Từ đó cứ chần chờ mãi cho đến nay mới đặt được rạp ở Bangkok, cũng phải co giãn tới lui mới quyết định ngày giờ.

Thành thử ra hôm nay khi ngồi chuẩn bị làm chương trình Paris By Night 134, nhất là show từ giã của Nguyễn Ngọc Ngạn thì tôi không thể không bùi ngùi mà nhớ đến ông Tô Văn Lai là người đầu tiên đã hối thúc, tha thiết thúc đẩy tôi về Bangkok để làm một cuốn, gặp gỡ khán giả từ Việt Nam qua. Đó cũng là ý tưởng của ông Tô Văn Lai.

Còn về hướng đi của Thúy Nga như thế nào sau khi ông Tô Văn Lai mất và Nguyễn Ngọc Ngạn nghỉ hưu, thì giống như cô Thủy đã từng trả lời, có thể phải tạm nghỉ một thời gian để tìm một hướng đi khác, tìm một số nhân sự mới.

Poster chương trình Paris By Night 134 - Nguyễn Ngọc Ngạn - Lời Cảm Ơn

THÚY NGA PARIS Poster chương trình Paris By Night 134 tại Bangkok

BBC: Xin ông kể lại một số câu chuyện đáng nhớ trong sự nghiệp dẫn chương trình cho Paris By Night?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lần thu hình nào cũng là kỷ niệm. Đối với Paris By Night thì thật sự có những show diễn rất vất vả. Dĩ nhiên ở một mức độ nào đó chương trình cũng đã thành công, có những thời kỳ gọi là cực thịnh của Paris By Night.

Ban đầu thì yếu tố tài chính rất vất vả, khi tôi vào Paris By Night thì ông Tô Văn Lai chỉ còn giữ vai trò cố vấn thôi. Người trực tiếp điều hành là cô Tô Ngọc Thủy và chồng là Huỳnh Thi. Hai người đó trực tiếp sản xuất chương trình Paris By Night cả về nội dung lẫn kỹ thuật.

Điều mà tôi hài lòng và cũng phải nói là cảm phục cô Tô Ngọc Thủy là đam mê nghệ thuật của cô ấy lớn lắm, trong những điều kiện tài chính rất khó khăn. Cô ấy vay mượn và dám đi tiên phong những chương trình rất lớn.

Trong 10 năm đầu thì thu hình tại Paris, trong một studio tương đối nhỏ, hoặc tại đài truyền hình của Pháp thì đơn giản lắm bởi vì sân khấu đã được setup sẵn, đèn đuốc cái gì cũng có rồi.

Khi sang Mỹ thu hình thì cũng tương đối dễ bởi vì rạp đã có sẵn. Nhất là sau này thường quay ở casino, thường có lợi thế là rạp sẵn, âm thanh ánh sáng mình chỉ thêm vào thôi chứ cái gì cũng đã có rồi, và lại được một số tài trợ từ casino.

Những chương trình khó khăn nhất là tại Singapore năm 2019 và chương trình tại Bangkok vào tuần này. Đối với tôi thì trong 30 năm, số ở Bangkok này là show kết thúc của tôi, lại là số vất vả nhất của Thúy Nga.

Bởi vì ở Bangkok không di chuyển ban ngày được vì kẹt xe, tất cả phải di chuyển vào ban đêm. Xe tải chở đồ đạc đến đều phải làm ban đêm không được làm ban ngày. Thứ hai, đó không phải là một rạp đã có sẵn sân khấu hay ghế ngồi, mà là một phòng trống như một sân vận động. Mình phải khiêng từng cái ghế, mỗi suất là 4,500 chỗ ngồi.

Một sân khấu mang bao nhiêu đèn trang bị, một số dụng cụ mang từ Việt Nam sang, kỹ thuật thì mang từ Úc sang, đạo diễn chương trình thì từ Pháp qua… Ông đạo diễn này đã làm cho Paris By Night từ thuở mới thành hình, và cũng đã làm việc với tôi bao nhiêu năm. Bây giờ ông ấy làm rất lớn ở bên Pháp nhưng vì tình thân đối với Paris By Night nên mới làm cuốn này. Ông đạo diễn này cũng mang một số chuyên viên từ Paris sang.

Lúc nãy tôi vào rạp coi thì thấy một nhóm khoảng 50 thanh niên người Thái thông qua một công ty địa phương làm hết mọi việc. Về sân khấu thì mang chừng mấy chục thanh niên từ Việt Nam qua, đạo diễn về âm thanh ánh sáng thì mang từ Mỹ qua, chưa kể nghệ sĩ rồi vũ công, chuyên viên làm tóc tổng cộng trên 100 người, thêm cả từ Việt Nam sang.

Vũ công thì của vũ đoàn Paris By Night đã có sẵn, nhưng vì muốn có thêm màu sắc địa phương nên đã mời thêm 10 vũ công người Thái để kết hợp.

Chỉ tiếc rằng khi tôi đề nghị lấy một bản nhạc Thái nổi tiếng ở Việt Nam để trình diễn trong show này thì cô Thủy nói cũng muốn lắm, nhưng gặp khó khăn về vấn đề bản quyền. Càng ngày vấn đề về tác quyền càng khó khăn, nhất là khi phát trên YouTube. Thay vào đó, cô Thủy mời một số vũ công của Thái, đó cũng là một số nét đặc biệt.

Đó là cả một công trình, phải làm thâu đêm kể kịp trình diễn vào cuối tuần này. Đây là một kỷ niệm mà trước khi chia tay khán giả tôi sẽ nhớ mãi, vì nó quá vất vả đối với trung tâm Thúy Nga.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

NGUYỄN NGỌC NGẠN Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nói sau show diễn này ở Bangkok ông sẽ nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình

BBC: Nay nhìn lại, ông thấy đóng góp của Paris By Night, của các nghệ sĩ trong đó có ông đối với nền văn hóa Việt Nam là như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lúc đầu khi tôi mới tham gia thì tôi cũng không để ý lắm. Mình nghĩ mình làm một công việc như góp một phần trong một chương trình tổng quát của Thúy Nga thôi. Nhưng đến khi nhận thư của khán thính giả từ khắp nơi và nhất là đọc bài báo của tờ báo Mỹ Los Angeles Times, họ viết một câu rằng: Ba đặc trưng của một gia đình Việt Nam là tô phở, chai nước mắm và cuốn băng Paris By Night. Khi tôi đọc được bài đó, tự nhiên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm, vì cuốn Paris By Night là đặc trưng mà mỗi gia đình Việt Nam đều có. Bây giờ thì có thể không còn nhu cầu lớn như thế, nhưng những năm đầu tiên khi người Việt mới ra hải ngoại, cuộc sống rất vất vả, hoang mang, một phần nhớ nhà, một phần lo hội nhập vào đời sống mới, cũng chưa có điều kiện đi du lịch hay ăn chơi nhiều. Cho nên là buổi tối quây quần để coi một cuốn Paris By Night, để tìm một cái nét thân thương đối với quê nhà, đối với đặc trưng của Việt Nam.

Thành thử ra khi tôi đọc được bài báo đó, tôi thấy ồ, hóa ra mình có một chút trách nhiệm gì đó. Bởi vì tờ báo Mỹ mà họ nói rằng cuốn Paris By Night là một trong ba đặc trưng của gia đình Việt Nam. Từ đó, tôi càng quan quan tâm tới vấn đề phổ biến văn hóa hơn bởi vì khi làm Paris By Night thì mục tiêu nhắm tới không phải là khán giả lớn tuổi về văn hóa. Khán giả lớn tuổi thì thưởng thức ca nhạc, nhưng cái tôi nhắm tới là thế hệ trẻ, thế hệ mà sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, văn hóa Việt sẽ bắt đầu phôi pha vì họ đi học hàng ngày ở nước sở tại. Không có điều kiện và thì giờ để nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam. Tự nhiên lúc đó tôi cảm thấy mình có một chút trách nhiệm giúp cho các em các cháu hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.

BBC: Lịch sử hình thành của Paris By Night và cuộc đời của ông gắn liền với giai đoạn làn sóng thuyền nhân, phải bỏ nước ra đi sau cuộc chiến Việt Nam, và những nỗ lực gìn giữ văn hóa Việt Nam đã được ghi nhận ở hải ngoại. Bây giờ thì thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh hoặc từ Việt Nam sang rất nhiều. Vậy ông định nghĩa những hoạt động của mình mang tính chất đem thế giới đến Việt Nam, đem tiếng nói từ hải ngoại về Việt Nam, hay là đem Việt Nam ra thế giới?

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Nó có hai ba giai đoạn. Giai đoạn đầu khi Paris By Night mới thành hình thì nhắm tới khán giả duy nhất là ở hải ngoại. Bởi vì vấn đề phát hành trong nước hoàn toàn bị cấm, khi tôi bắt đầu làm là năm 1992, Paris by Night cuốn đầu là năm 1983. Nhân tiện anh hỏi thì tôi cũng xin thưa lại một chút như thế này.

Năm 1983, lúc đó cộng đồng người Việt tại hải ngoại mới chỉ thành hình được mấy năm, nên đang vật lộn với cuộc sống, nhất là tại bên Pháp. Khi đó đời sống khó khăn và cộng đồng không lớn như bên Mỹ và những điều kiện, hoàn cảnh ở Mỹ người ta dễ dàng hơn. Ở bên Pháp đời sống khi đó rất khó khăn, ban ngày đi làm, buổi tối lớp thanh niên trẻ chưa có điều kiện đi bar uống rượu, đi nhảy đầm để hòa nhập. Thành thử ra họ muốn tìm một cái gì đó quây quần bên nhau. Và ông Tô Văn Lai khi làm ra sản phẩm này đặt tên là Paris By Night, có nghĩa là Paris về đêm, hay đêm Paris. Ông ấy định nghĩa rằng ban ngày đi làm, buổi tối gặp nhau, do đó ông ấy dùng chữ Paris By Night có nghĩa là cuộc vui buổi tối.

Lúc đầu thì người sản xuất Paris By Night cho đến chín năm sau tôi hợp tác cũng chưa ai nghĩ rằng băng Paris By Night được về tới Việt Nam. Bằng chứng là mãi những năm sau này khi ông Lai về nước vẫn bực bội là Paris By Night không được chính thức chấp nhận ở trong nước. Ông Lai bực ở chỗ nếu không được Bộ Văn hóa Thông tin chính thức chấp nhận thì có nghĩa là bắt băng lậu. Tại sao lại không được phát hành băng gốc mà băng lậu, băng sang lại tràn ngập tất cả các chợ trời. Nhưng lúc đó thì ông Lai cũng không ngờ là sự lan truyền của Paris By Night trong nước lớn như vậy.

Cho nên câu hỏi anh Nguyễn Giang đặt ra cho tôi thì lúc đầu tôi không chủ trương mang Việt Nam ra thế giới hay mang thế giới về Việt Nam, bởi lúc đầu mình có nhắm tới Việt Nam đâu, mình chỉ nhắm tới khán giả tại hải ngoại mà thôi.

Tình cờ nó phổ biến ở Việt Nam, với lượng khán giả tới chín mươi mấy triệu, hải ngoại thì giỏi lắm là hai ba triệu thôi. Mà hai ba triệu đó thì càng ngày càng nhỏ dần vì người già thì mất đi, các cháu bé thì không hiểu tiếng Việt nhiều, nên lượng khán giả càng ngày càng nhỏ, trong khi lượng khán giả càng ngày càng lớn. Lúc đó thì mới đặt thành vấn đề mình nhắm tới cái gì, chứ lúc đầu thì chỉ thuần túy là phục vụ khán giả tại hải ngoại mà thôi.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã sống trong tim khán giả yêu mến Paris By Night

 

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt từ Bangkok 

Show diễn Lời cảm ơn

THUY NGA PARIS  Gần 10.000 khán giả đã có mặt tại Bangkok trong hai đêm diễn, có những người thậm chí bay từ Úc, Mỹ… sang Thái Lan, đa số là từ Việt Nam.

Trên sân khấu tại Bangkok, khán giả và ‘đại gia đình’ Thúy Nga Paris đã nói lời giã từ MC, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sau ba thập niên đồng hành.

Choáng ngợp là ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai khi bước lên tầng 5 của tòa nhà Siam Paragon, nơi diễn ra show diễn và tôi cũng không là ngoại lệ.

Hàng dài người xếp hàng, cùng không khí rộn ràng của các hướng dẫn viên du lịch mua bán vé giờ chót.

Tôi không nghĩ đang ở Bangkok nữa, mà chỉ nghĩ đang ở tại một trung tâm ca nhạc nào đó tại Việt Nam, vì xung quanh chỉ toàn là khán giả người Việt, trong đó có nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu có tiếng.

Một không khí ‘rất Việt Nam’

Khán giả xem show

Hàng ngàn khán giả Việt Nam đã mua vé xem show ca nhạc chia tay nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Thúy Nga Paris cho biết, gần 10.000 khán giả đã có mặt tại Bangkok trong hai đêm diễn ngày 15 và 16/10, có những người thậm chí bay từ Úc, Mỹ… sang Thái Lan nhưng đa số là từ Việt Nam sang.

Nhiều khán giả Việt Nam chia sẻ với BBC, họ đã đến Bangkok vì tình cảm quý mến nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và cũng lần đầu muốn được xem trực tiếp chương trình Thúy Nga Paris, vốn chỉ qua màn ảnh như bấy lâu nay

Giá vé thấp nhất là 270 USD cho đến hàng ngàn USD, một tour du lịch ba ngày hai đêm đến Thái Lan xem show cũng lên đến gần 20 triệu đồng, tuy nhiên đối với các khán giả yêu Thúy Nga Paris, điều này không là vấn đề.

Địa điểm gần Việt Nam nhất mà Thúy Nga Paris tổ chức show Paris By Night lần trước là tại Singapore vào năm 2019. 

Nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho BBC News Tiếng Việt biết trong cuộc trả lời phỏng vấn vài ngày trước hai đêm công diễn ở Thái Lan, ông chưa có ý định về Việt Nam, và việc trình diễn âm nhạc của các nghệ sĩ hải ngoại lâu nay vẫn vấp phải sự bất nhất trong chính sách kiểm duyệt của Nhà nước VN.

Vì thế, từ 2020, Thúy Nga Paris đã chuẩn bị cho show diễn này tại Bangkok mà nay mới thành hiện thực vì hai năm dịch Covid.

Show diễn gồm các ca khúc và cặp song ca đã từ lâu để lại dấu ấn trong lòng khán giả như Hương Lan và Thái Châu với ‘Cách xa’, Như Quỳnh và Trường Vũ với ‘Duyên có, Nợ không’ của cố nghệ sĩ Chí Tài, Tuấn Ngọc và Thanh Hà với ‘Buồn ơi Chào mi’, hay ‘Chiều hạ vàng’ qua phần tranh diễn của danh ca Thanh Tuyền…

Cách Thúy Nga Paris lồng ghép văn hoá Thái Lan vào show diễn 134 lần này cũng thật khéo léo và thú vị, khi MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên đưa khán giả dạo chợ nổi, chợ đường tàu Maeklong, đọc tên thủ đô mới của Thái Lan…

Ca sĩ Hà Thanh
Ca sĩ Hà Thanh Xuân và chồng sau show diễn Paris By Night 134, cô đã trình diễn ca khúc ‘Tình khúc muộn màng’, song ca cùng Lương Tùng Quang

Đã có 500 người làm việc suốt ngày đêm để tổ chức show diễn Paris By Night 134 tại Bangkok. Ban tổ chức cho biết khi đến thì địa điểm chỉ là một nơi trống trải, không có bàn ghế, tất cả phải bắt đầu tạo dựng gần như từ con số không.

“Đạo diễn thì nói tiếng Pháp, sân khấu thì nói tiếng Anh, ở dưới nói tiếng Việt, vũ công thì nói tiếng Thái. Cứ lung tung phèo cả lên”, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn ví von quá trình chuẩn bị khiến cả khán phòng cười ồ.

Ông cũng chia sẻ đến khán giả ý tưởng gốc tổ chức chương trình tại Bangkok là của người sáng lập Thúy Nga, ông Tô Văn Lai.

“Lúc sinh thời ông Tô Văn Lai là người hối thúc nhiều nhất việc thu hình việc thu hình Paris By Night tại Bangkok. Bởi vì ông về Việt Nam nên ông biết tâm tình khán giả và ông cứ nhắc cách đây mười mấy năm về việc thu hình tại Bangkok để đón khán giả từ Việt Nam sang.”

“Bởi vì khán giả từ Việt Nam bởi vì nhiều người muốn xem Paris By Night chẳng hạn như ở Las Vegas thì thứ nhất điều kiện xa xôi, khó khăn, thứ ba vấn đề visa, nhiều người khó xin quá. Cho nên tổ chức ở Bangkok là gặp gỡ được khán giả quê nhà.”

Khán giả xếp hàng vào xem show diễn
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Lúc sinh thời ông Tô Văn Lai là người hối thúc nhiều nhất việc thu hình việc thu hình Paris By Night tại Bangkok”

‘Chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn’

Khán giả xếp hàng vào xem show diễn
Hàng dài người xếp hàng trước show diễn

Trên sân khấu, nói với hàng nghìn khán giả, nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đùa, “Quý vị cho tôi hỏi câu này. Tôi nghe nói tất cả quý vị hiện diện nơi đây đều là dân nhà giàu và đại gia ở Việt Nam phải không?”

“Sở dĩ tôi hỏi câu này là khi tôi rời Việt Nam vào năm 1978 đến nay đã quá lâu. Khi tôi ra đi thì Việt Nam còn ngụp lặn trong chế độ người ta gọi là bao cấp. Các bạn trẻ thì không biết bao cấp là cái gì. Thế nhưng thế hệ của tôi, những ai sống từ 75 đến 90 đều biết bao cấp là gì, rất là khó khăn, giống như Bắc Hàn bây giờ.”

“Rất may là Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường. Theo tôi thì chỉ có trong cơ chế thị trường thì mỗi cá nhân mới phát huy được sáng kiến, tài năng để cống hiến cho xã hội. Chỉ trong cơ chế thị trường thì Việt Nam mới trở thành đối tác kinh tế. Và chỉ có trong cơ chế thị trường thì toàn cầu hóa mới đón nhận Việt Nam như một quốc gia phát triển.”

“Đây là show cuối tôi làm thành thử không có dịp thưa lại với quý vị nữa, là những người hải ngoại như chúng tôi có những cách biệt về suy nghĩ, nhưng dù là cách biệt đến thế nào đi nữa, dù là người Việt Nam sống bất cứ nơi nào trên thế giới thì đều mong Việt Nam tiến lên ngang tầm với các nước văn minh và thịnh vượng nhất trên thế giới.”

“Tất cả mọi thời đại sẽ qua đi hết chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn mà thôi”, MC nổi tiếng nói với khán giả.

Danh ca Hoàng Oanh

THUY NGA PARIS Danh ca Hoàng Oanh nói đến tâm trạng của một người ca sĩ “bị lưu đày”

Danh ca Hoàng Oanh phát biểu đầy cảm xúc sau phần trình diễn ca khúc ‘Trả tôi về’.

Giọng ca nổi tiếng nhạc vàng nói đến tâm trạng của một người ca sĩ “bị lưu đày”. Cho đến nay Hoàng Oanh là ca sĩ chưa từng về Việt Nam biểu diễn.

“Hôm nay chúng ta ngồi đây không mấy cách xa đất nước mình, Hoàng Oanh nhìn thấy quý vị như thấy quê hương yêu dấu của mình. Hoàng Oanh cảm thấy không khí Việt Nam bao trùm xung quanh đây, khắp khán đài này, Hoàng Oanh cảm nhận được sự ấm áp của tình người, của tình người Việt Nam thân mến.

Hôm nay chúng ta gặp gỡ nơi đây, Hoàng Oanh được chia sẻ, được tâm tình qua lời ca, tiếng nhạc, lời thơ trong suốt 70 năm của cuộc đời ca hát, 70 năm sống trong tình yêu âm nhạc, 70 năm sống trong tình thương của quý vị khán giả.”

“Và kỷ niệm sẽ nhớ mãi trong suốt cuộc đời […] Hôm nay, thú thật Hoàng Oanh sống trong một tâm trạng của một người bị lưu đày, bị đày đi biệt xứ, không biết gặp quý vị nơi đây hôm nay nơi đây mà không biết còn có ngày gặp lại quý vị nữa hay không…”

‘Không ai thay thế ai’

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: ‘Show chia tay xúc động và vất vả nhất của Thúy Nga’

Vẫn là sự sâu sắc, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nói Thúy Nga Paris cần tìm một MC mới, không phải là một MC thay thế ông.

“Thúy Nga cần tìm một MC mới, chấm hết, đừng thêm câu là Thúy Nga cần MC thay thế Nguyễn Ngọc Ngạn […] không ai thay thế ai được, tôi không thay thế người khác, người khác không thay thế tôi, mà nếu mình làm giống người khác thì mình không thành công[…]

“Người ta bảo tôi kiến thức nhiều là không phải, có nhiều người kiến thức nhiều hơn tôi nhiều lắm, vấn đề là sự truyền đạt, cách nói, không phải là kiến thức nhiều. Thành thử đừng nói bất cứ tiêu chuẩn nào của người đi trước, chúng ta cứ việc tiến theo con đường mình.”

Và với sự dí dỏm rất có duyên của ông khiến cả sân khấu bật cười khi nói về tiêu chuẩn để đứng được bên người bạn dẫn Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

“Thay tôi để đứng cạnh cô Kỳ Duyên thì rất khó, hai điều kiện đầu tiên là phải lùn hơn và già hơn. Hai điều kiện đó rất khó.”

‘Thanh xuân tôi ở đó’

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

NGUYEN NGOC NGAN

“Nhìn lại hôm qua, nhìn thấy bức tranh đời ta…

Người nghệ sĩ chúng ta, hạnh phúc là sống trong tim khác giả

Nhìn lại sân khấu, thanh xuân tôi ở đó…

Quãng đường đi qua, chỉ biết nói lời cảm ơn.”

Những giai điệu bài hát ‘Hơn một lời cảm ơn’ của Nhạc sĩ Ngô Minh Tài với phần trình diễn của toàn bộ nghệ sĩ của Thúy Nga Paris là món quà tri ân đầy ý nghĩa dành cho nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Với sự uyên bác, khiêm nhường, dí dỏm, và giọng nói trầm ấm, MC, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã thật sự sống trong tim khán giả yêu mến Paris By Night không chỉ trong 30 năm qua mà còn về sau.

Chia sẻ ngay trên sân khấu, nghệ sĩ Hồng Đào cho rằng nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã để lại một di sản cho nền âm nhạc hải ngoại, giúp cho thế hệ trẻ sau này hiểu thêm qua hơn 100 cuốn băng Paris By Night.

Riêng Nguyễn Cao Kỳ Duyên, người bạn dẫn duyên dáng trong 30 năm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết người cô muốn đứng chung nhất chỉ là Nguyễn Ngọc Ngạn mà thôi. Kỳ Duyên nói cô sẽ ở trên sân khấu ít nhất là trong một năm nữa, cho đến khi Thúy Nga Paris tìm được cặp MC mới.

“Anh nhảy, em cũng nhảy”, Kỳ Duyên dùng một lời thoại của Jack và Rose trong chuyện tình Titanic để thông báo ý định của cô.

MC Paris By Night

THUY NGA PARIS Kỳ Duyên nói cô sẽ ở trên sân khấu ít nhất là trong một năm nữa, cho đến khi Thúy Nga Paris tìm được cặp MC mới.

Một show diễn kéo dài 5 giờ, tới gần 2 giờ sáng là một điều không dễ dàng đối với khán giả trẻ và lớn tuổi. Một số người lớn tuổi đã phải ra ngoài tranh thủ tiếp thêm nước và thức ăn trước khi xem tiếp.

Thế nhưng ai cũng ở đến cuối giờ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết mình chỉ đang che giấu nỗi buồn trên sâu khấu.

“Đứng trước quý vị bây giờ, tôi luôn nở nụ cười nhưng che giấu nỗi buồn trong lòng vì đây là show cuối cùng tôi gặp gỡ quý vị. Như cô Kỳ Duyên hỏi, thì cũng chút ngậm ngùi. Làm một công việc quen 30 năm mà giã từ thì đơn nhiên ai cũng có sự hối tiếc ở đó. Nhưng mà thôi đã đến lúc phải ra đi.”

“Tôi có được thành công được phần nào, đó là do trung tâm và sáng tạo nghệ thuật, và từ nghệ sĩ đã đóng góp thành công chung của Paris By Night.”

“Có thằng con duy nhất, nó giống tôi mà nó cao hơn tôi” là lời cuối cùng trên sân khấu của người MC kỳ cựu khi nhận hoa từ người con trai tặng riêng cho mình.

Logo Thúy Nga

Paris By Night là chương trình âm nhạc hải ngoại rất quen thuộc với khán giả Việt Nam. Một trong những lý do nhiều người yêu quý Paris By Night là vì dòng “nhạc vàng”, vốn bao gồm nhiều ca khúc đã bị chính quyền Việt Nam cấm vĩnh viễn lưu hành sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác với Trung tâm Thúy Nga Paris từ năm 1992 và có gần ba thập niên làm MC cho các chương trình văn nghệ.

Ông nói với nhà báo Quốc Phương, BBC News Tiếng Việt hồi năm 2021 rằng, ông đã sử dụng những yếu tố trời cho như một giọng nói dễ nghe, có một trí nhớ tốt, một óc khôi hài bén nhạy để làm MC trên sân khấu.

Trở lại với cuộc phỏng vấn với BBC vào ngày 12/10, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn khi đó nói với chúng tôi, kế hoạch sắp tới của ông sẽ là dành thời gian cho gia đình.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhìn lại 30 năm với Thuý Nga Paris