Trung cộng công bố hình ảnh tập trận chiếm đảo với mục tiêu là “Đài Loan”

Ảnh tư liệu ngày 10/02/2020 do bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố: Một chiếc F-16 của Không Quân Đài Loan (phía dưới) áp sát một oanh tạc cơ H-6 của Không Quân Trung cộng khi chiếc máy bay này đến gần Đài Loan. AP

Căng thẳng tại Biển Đông là một chủ đề chính trong cuộc điện đàm giữa thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch nước Việt Nam hôm qua, 11/05/2021. Chính quyền Trung cộng tiếp tục đưa thêm thông điệp, đe dọa dùng vũ lực tấn công Đài Loan. Một đoạn video được Hải Quân Trung cộng công bố hôm thứ Hai, 10/05/2021, cho thấy các hình ảnh một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, trong đoạn video nói trên, một số đơn vị lính thủy đánh bộ thuộc Bộ Tư Lệnh Chiến khu Đông Bộ đã tham gia vào cuộc tấn công chiếm đảo, với một tàu đổ bộ chở quân Type 071, và xe bọc thép. Không rõ cuộc diễn tập được tiến hành ở đâu và khi nào. Hồi tuần trước, Hải Quân Trung cộng cũng công bố hình ảnh video tập trận chiếm đảo của một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ Trung cộng, với cùng loại tàu chở quân Type 071, có sự tham gia của trực thăng.

Nhà bình luận quân sự Trung cộng Song Zhongping cho báo South China Morning Post biết Quân Đội Trung cộng thực hiện các huấn luyện để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan, và các cuộc tập trận đổ bộ là một phần trong kế hoạch này. Về phía Đài Loan, Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, thông báo, trong tháng này, sẽ có nhiều cuộc tập trận đổ bộ và các hoạt động tập trận phòng thủ đảo hơn, « hải quân ở hai bên bờ eo biển Đài Loan sẽ lập kế hoạch tập trận – đổ bộ đảo hay các hoạt động phòng thủ đảo – trước khi mùa bão bắt đầu (vào tháng 6) ».

Cũng về tình hình Biển Đông, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có cuộc điện đàm với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong cuộc điện đàm 20 phút nói trên, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đã « phản đối mạnh mẽ » thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung cộng, « những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông », trong đó có việc Bắc Kinh quân sự hóa một số thực thể địa lý ở Biển Đông, mà Việt Nam và một số quốc gia láng giềng khác đòi hỏi chủ quyền, cũng như ra luật cho phép lực lượng tuần duyên nổ súng vào các tàu mà Trung cộng cho là xâm phạm lãnh thổ.

Thủ tướng Nhật Bản khẳng định với chủ tịch Việt Nam là Hà Nội và Tokyo là các đối tác quan trọng trong việc thực thi chủ trương « Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở ». Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia đầu tiên thủ tướng Nhật Suga công du, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái.

Về nội dung Biển Đông trong cuộc trao đổi nói trên, báo chí chính thức Việt Nam chỉ nhắc đến thoáng qua. Báo Nhân Dân ghi nhận lãnh đạo hai nước « cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông ».

RFI (13.05.2021)

 

 

Việt Nam phản ứng trước tin gần 300 tàu “dân quân biển” của Trung cộng trở lại Biển Đông

Cảnh sát biển Phi Luật Tân trên tàu của họ theo dõi các tàu Trung cộng neo đậu tại Bãi cạn Sabina, trên Biển Đông, ngày 5/5/2021. AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của VN luôn theo dõi sát diễn biến trên biển Đông để bảo vệ chủ quyền của VN ngay cả vào khi có thông tin Trung cộng đưa thêm gần 300 tàu cá đến đá Ba Đầu.

Bà Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 13/5, khi được hỏi về quan điểm của VN về việc TC đưa thêm gần 300 tàu đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 12/5.

Bà Hằng khẳng định VN có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, và là thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Theo nguồn tin BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự Do, nhóm đặc trách của chính phủ Phi Luật Tân về Biển Đông đã phát hiện gần 300 tàu dân quân biển TC đã trở lại vùng biển Manila vào hôm thứ Tư (12/5) trong bối cảnh căng thẳng song phương về sự hiện diện kéo dài của các tàu này trong vùng biển mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Manila đã phản đối Bắc Kinh kể từ tháng trước sau khi Trung cộng từ chối di chuyển hơn 200 tàu mà Phi Luật Tân cho biết, đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này vào tháng 3. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Phi Luật Tân Hermogenes Esperon Jr. cho biết trong cuộc tuần tra hàng hải mới nhất vào ngày 9/5/2021, Lực lượng Đặc nhiệm Khu vực Tây đã báo cáo sự hiện diện của tổng cộng 287 tàu của Dân quân Hàng hải Trung cộng (CMM). Số này bố trí rải rác trên nhiều địa điểm khác nhau thuộc đơn vị hành chánh Kalayaan, cả trong và ngoài vùng EEZ của Phi Luật Tân.

Trong ngày 13/5, tờ Philippine Daily Inquirer cũng đã thông tin về tàu dân quân biển TC đã trở lại Biển Đông.

Mặc dù vậy, TC chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của đội tàu này khi bị chất vấn và chỉ gọi đó là “dân quân biển”. Tuy nhiên, các chuyên gia Biển Đông cho rằng cái gọi là dân quân biển này thực chất là một phần không thể tách rời trong nỗ lực thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore cho hay, họ chưa từng thấy một chiến dịch nào của Trung cộng ở quy mô như vậy trước đây.

RFA (13.05.2021)

 

 

Việt Nam bình luận việc Trung cộng đưa thêm tàu đến đá Ba Đầu

© AFP 2021 / Ted Aljibe

Tại buổi họp báo chiều 13/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về việc Trung cộng đưa thêm tàu đến đá Ba Đầu, nâng tổng số tàu ở khu vực này lên gần 300 chiếc; cũng như khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ qua thăm Việt Nam bên lề Shangri-la.

Việt Nam theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông

Trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về việc Trung cộng đưa thêm tàu đến đá Ba Đầu (một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa), nâng tổng số tàu ở khu vực này lên gần 300 chiếc, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói:

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982”.

Mỹ – Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam bên lề Shangri-la sau cuộc trao đổi hôm trước với Đại sứ Hà Kim Ngọc, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ trong thời gian qua đang duy trì đà “tiến triển trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng. Dựa trên các thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng 2015, Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018 – 2020, hai bên Việt Nam – Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên trường quốc tế”.

Sputnik (13.05.2021)

 

 

Manila lại tố cáo gần 300 tàu Trung cộng hiện diện trong vùng đặc quyền Phi Luật Tân

Tuần duyên Phi Luật Tân trên tàu BRP Cabra theo dõi các tàu Trung cộng thả neo tại Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AFP – HANDOUT

Chính quyền Phi Luật Tân vào hôm qua, 12/05/2021 một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi “xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này” của 287 tàu dân quân biển Trung cộng. Đây là một con số cao hơn nhiều so với số lượng gần 200 chiếc ghi nhận hồi tháng Ba ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiêm Biển Đông của Phi Luật Tân cho biết: “Vụ việc này cùng với các hành vi tiếp tục xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài gần các đảo do Phi Luật Tân quản lý đã được trình lên các cơ quan có liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao cần thiết”.

Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin xác nhận khả năng gởi một công hàm phản đối khác đến Bắc Kinh.

Trong những tuần lễ gần dây, bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân đã liên tục phản đối Trung cộng về sự “hiện diện ồ ạt và mang tính chất đe dọa” của các tàu Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân và yêu cầu Bắc Kinh cho triệt thoái các tàu đó.

Trên hiện trường, Phi Luật Tân đã tăng cường “các cuộc tuần tra bảo vệ chủ quyền” tại Biển Đông, trong một động thái thách thức Trung cộng mà các nhà phân tích cho rằng đã thiếu vắng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte bị một phần dư luận trong nước chỉ trích vì từ chối đối đầu với Bắc Kinh.

Vào tuần trước, ông Duterte lại khuấy động dư luận Phi Luật Tân khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Phi Luật Tân trong tranh chấp với Trung cộng trên Biển Đông, chỉ là một “mảnh giấy lộn” mà ông có thể ném vào sọt rác. Theo phán quyết này, các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên gần như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Đối với nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio, bình luận của ông Duterte đã “xóa nhòa” giá trị giọng điệu cứng rắn hơn đang được giới lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Phi Luật Tân thể hiện với Trung cộng. Theo chuyên gia này, hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chỉ có tác dụng “khuyến khích các hành động của Trung cộng”.

Theo các chuyên gia, đội tàu đánh cá và tuần duyên là thành tố trọng tâm trong việc thực hiện tham vọng chiến lược của Trung cộng tại Biển Đông. Sự hiện diện thường xuyên của các đội tàu này cho pháp Bắc Kinh quấy nhiễu và cản trở các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi xa của các quốc gia ven biển khác.

Cho đến nay, các quan chức Trung cộng luôn phủ nhận là đội tàu cá của họ là tàu dân quân biển.

RFI (13.05.2021)

 

 

 

Phi Luật Tân: TC điều thêm tàu đến Trường Sa, tàu VN có mặt ở Sinh Tồn Đông

Hải cảnh Phi Luật Tân thực hiện tuần tra gần các tàu Trung cộng ở khu vực Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, vào ngày 14/4/2021.

Lực lượng đặc nhiệm Phi Luật Tân hôm 12/5 cho biết Trung cộng đã tăng thêm số lượng tàu hiện diện trong khu vực quần đảo Trường Sa, nơi cả Phi Luật Tân và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền, lên đến gần 300 chiếc, bất chấp những phản đối từ Manila và Hà Nội sau khi Bắc Kinh đưa hơn 200 tàu đến khu vực này kể từ tháng 3.

Thực hiện tuần tra vào ngày 9/5, lực lượng hàng hải của Phi Luật Tân phát hiện tổng cộng 287 tàu Trung cộng vẫn có mặt rải rác trong các khu vực khác nhau của Trường Sa, trong đó, những nhóm nhiều tàu thuyền tập trung gần các đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng, trong khi một số tàu khác có mặt gần các đảo do Manila chiếm đóng.

Ngoài các tàu dân quân, lực lượng đặc nhiệm Phi Luật Tân nói họ còn phát hiện hai tàu chiến mang tên lửa lớp Houbei của Trung cộng bên trong Đá Vành Khăn, hai tàu hậu cần/tiếp liệu của Việt Nam và một tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở Đá Sinh Tồn Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tại khu vực Đá Ba Đầu, nơi hơn 200 tàu Trung cộng đã tràn vào kể từ tháng 3, lực lượng hữu trách của Phi Luật Tân cho biết có 34 tàu Trung cộng có mặt tại đây.

“Chúng tôi nhắc lại rằng Phi Luật Tân sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông), và sẽ không nhượng bộ một tấc lãnh thổ nào của chúng tôi”, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Phi Luật Tân nói trong một tuyên bố.

Lực lượng này nói thêm rằng Đá Ba Đầu “nằm trong 200 hải lý (Vùng đặc quyền kinh tế – EEZ) của chúng tôi” và “là một phần của lãnh thổ Phi Luật Tân”.

Trước đó, hôm 11/5, phát ngôn viên của Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, nói bãi Đá Ba Đầu này nằm rất xa, ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, và “chưa bao giờ” thuộc sở hữu của Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, một chuyên gia luật hàng hải của nước này đã phản bác tuyên bố của ông Roque và cảnh báo rằng nó có thể bị lợi dụng để gây bất lợi cho Phi Luật Tân. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nhắc lại lập trường trước đó rằng Đá Ba Đầu nằm trong EEZ của Phi Luật Tân.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin hôm 12/5 nói rằng quốc gia Đông Nam Á này đang xem xét thực hiện một cuộc phản đối khác sau về động thái mới của Trung cộng. “Đây là điều cần thiết bởi vì không nên để bất kỳ sự cố nào trôi qua”, ông Locsin nói với Bloomberg.

Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang kể từ khi Trung cộng đưa hơn 200 tàu cá, mà Phi Luật Tân nói là tàu dân quân, đến khu vực gần Đá Ba Đầu, thuộc Trường Sa.

Phi Luật Tân đã nhiều lần lên tiếng, triệu tập đại sứ và tăng cường các phản ứng ngoại giao để phản đối hành vi đe dọa của các tàu Trung cộng trong khu vực mà nước này cho là thuộc Vùng EEZ của mình.

So với Phi Luật Tân, quốc gia đồng minh của Mỹ, Việt Nam cho đến nay ngoài phát biểu phản đối động thái của Trung cộng, vẫn chưa có những hành động mạnh tay nào.

Riêng về thông tin Hà Nội đưa tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung lớp Gepard ra diễn tập ở Trường Sa sau khi Trung cộng đưa hàng trăm tàu cá đến Đá Ba Đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 8/4 không xác nhận mà chỉ nói rằng “Chúng tôi chưa có thông tin về hoạt động như phóng viên hỏi” và “Quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

VOA (12.05.2021)

 

 

Biển Đông: Quân đội Phi Luật Tân muốn lập trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ

Cầu cảng trên đảo Thị Tứ (Thitu / Pag-asa) hiện do Phi Luật Tân kiểm soát ở Biển Đông. Ảnh do bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân chụp ngày 09/06/2020. AP

Theo hãng tin Bloomberg ngày 10/05/2021, quân đội Phi Luật Tân sẽ đề nghị tổng thống Rodrigo Duterte chi ngân sách để lập một trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ, nhằm duy trì việc tuần tra trên Biển Đông.

Ngoài đề nghị lập trung tâm hậu cần, tướng Cirilito Sobejana, tổng tư lệnh quân đội, còn dự định cho bố trí một hệ thống camera có độ phân giải cao có thể giám sát cả ban đêm, để theo dõi các hoạt động xung quanh các đảo do Phi Luật Tân đòi hỏi chủ quyền. Trả lời CNN ngày 10/05, ông Sobejana cho biết mục tiêu là đuổi lực lượng dân quân biển và các tàu khác của Trung cộng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. 

Được hỏi về kế hoạch của quân đội Phi Luật Tân trong cuộc họp báo thường xuyên hôm 10/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh có thể giải quyết bất đồng với Manila thông qua « sự đồng thuận chung để đối thoại và tham vấn ». Bà cho là « một số người đang khuấy động vấn đề ».

Căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng tăng cao trong những tuần qua, với việc Manila đòi các tàu Trung cộng phải rời khỏi khu vực. Tuy ngoại trưởng Phi Luật Tân rắn giọng, nhưng tổng thống Duterte vẫn nói rằng Trung cộng là « ân nhân » đã giúp Manila vac-xin chống Covid. 

Trong khi đó, tờ Manila Bulletin dẫn lời thượng nghị sĩ Panfilo M. Lacson nhận định bây giờ là lúc siết chặt quan hệ với các đồng minh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia châu Âu để đối phó với Trung cộng, trong lúc các nước này đang tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực tại Biển Đông. 

Ông Lacson chỉ trích, trong lúc tổng thống Duterte có những tuyên bố nhập nhằng, thì tàu Trung cộng tiếp tục xâm nhập và sách nhiễu ngư dân Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trung cộng ngày càng hung hăng khiến ngư dân không thể đánh cá, gây thiệt hại hàng tỉ đô la.

Bình luận về việc ông Duterte hôm qua nói rằng việc ông tuyên bố sẽ đi xe trượt nước đến Trường Sa khi tranh cử năm 2016 chỉ là « nói đùa », thượng nghị sĩ Lacson cho rằng đã đến lúc cử tri cần phải tỏ ra sáng suốt hơn với lá phiếu. 

Đảo Thị Tứ (Thitu Island) là đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam trong thời Pháp thuộc. Đầu thập niên 1960, các tàu Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thường xuyên ghé đảo này và đã dựng bia chủ quyền, nhưng đầu thập niên 1970 Phi Luật Tân đã đưa quân bí mật chiếm đóng.

RFI (11.05.2021)

 

 

Làn sóng chống Trung cộng bao trùm Ấn Độ Dương

© REUTERS / CHINA DAILY

Trong tuần qua, cư dân các nước nằm bên bờ Ấn Độ Dương luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Nhà phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik viết trong bài báo của mình.

Cần phải học cách điều khiển phương tiện không gian

Sự hoảng loạn xảy ra do thông tin cho hay tên lửa đẩy “Trường Chinh -5” của Trung cộng, phóng lên vào ngày 29 tháng 4, rơi xuống trái đất cùng với một cấu kiện, lẽ ra phải là thành phần của trạm vũ trụ mới. Chính quyền CHND Trung Hoa đã không xác nhận hoặc phủ nhận bất cứ điều gì cho đến thời điểm xảy ra vụ rơi mảnh vỡ tên lửa xuống Ấn Độ Dương gần Maldives. Sự việc xảy ra vào Chủ nhật 9 tháng Năm và trong nhiều ngày trước đó, người dân các nước Nam Á lo lắng nhìn lên bầu trời, lo sợ một mảnh tên lửa có kích thước như một tòa nhà 10 tầng sẽ rơi trúng đầu hoặc làm hỏng nhà cửa của mình.

Những mảnh vỡ như vậy thực sự nguy hiểm đến đâu? Thông thường, các quốc gia thực hiện các chuyến bay vũ trụ giải quyết vấn đề phá hủy các vật thể không gian hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng, bằng cách đưa chúng rơi xuống các vùng không người trên các đại dương thế giới. Nhưng cộng đồng thế giới không có thông tin nào về việc các chuyên gia Trung cộng theo dõi quá trình tên lửa “Trường Chinh -5” đi vào các lớp dày đặc khí quyển, nơi hầu hết các vật thể vũ trụ bốc cháy, và liệu họ có tính toán chính xác được vị trí rơi. Năm ngoái, mảnh vỡ một tên lửa “Trường Chinh -5” khác của Trung cộng đã rơi xuống Côte d’Ivoire (Bờ biển Ngà) ở châu Phi. Một số ngôi nhà bị hư hại, nhưng không ghi nhận thương vong về người.

Vấn đề như vậy được cho sẽ gây ra những lời chỉ trích của người Mỹ đối với Trung cộng. Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết vào Chủ nhật tuần trước: “Các quốc gia chinh phục không gian phải giảm thiểu rủi ro cho con người và tài sản trên Trái đất do các vật thể không gian rơi xuống gây ra, và cần minh bạch tối đa về các hoạt động này”.

Và ông đã thêm một chút thuốc độc cho Trung cộng: “Rõ ràng là Trung cộng không đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm đối với các mảnh vỡ không gian của chính mình”.

Tuy nhiên, xét một cách công bằng, cần lưu ý không chỉ Trung cộng xả rác ngoài không gian. Hoa Kỳ cũng đã có tiền lệ trong việc này. Theo NASA, Mỹ có 546 thiết bị vũ trụ không điều khiển “đã chết” hiện vẫn bay trong không gian, trong khi Trung cộng chỉ có 170 chiếc.

Quần đảo chống Trung cộng

Người dân Ấn Độ sợ hãi Trung cộng không chỉ bằng cách nhìn lên bầu trời, mà còn cả ở dưới nước. New Delhi lo ngại việc tàu ngầm Hải quân Trung cộng thường xuyên xuất hiện ở Ấn Độ Dương. Theo người Mỹ, Ấn Độ cũng nghi ngờ  Bắc Kinh có ý định thiết lập các căn cứ hải quân ở Sri Lanka và Pakistan. Mặc dù điều này chưa được chứng minh, nhưng Ấn Độ đã bắt đầu phát triển lực lượng quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar. Những hòn đảo này, như cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho biết, tương tự như một tàu sân bay thường trực, “cho phép Ấn Độ kiểm soát rất rộng không gian biển và đường hàng hải để giám sát tàu thuyền”.

© AP PHOTO / BINODJOSHI Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal

Quân đội Ấn Độ đang lên kế hoạch thiết lập một hệ thống giám sát dưới nước có hiệu quả trên quần đảo. Nhật Bản, Úc giúp đỡ họ trong việc này. Và gần đây hơn, những hòn đảo này đã bị đóng cửa đối với hải quân nước ngoài.

Nhưng giới lãnh đạo Ấn Độ có cái nhìn mới về các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo đúng tinh thần của quan hệ đối tác đối thoại bốn bên QUAD (Bộ Tứ). Ông Kanwal Sibal cũng tin rằng “việc giám sát các mục tiêu hải quân Trung cộng, đặc biệt là tàu ngầm, ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Tứ”. Theo ý kiến ông, việc “chia sẻ trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nên là mục tiêu của Bộ Tứ”. Đồng thời, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, mỗi quốc gia trong số này cần đảm nhận khu vực chịu trách nhiệm, trong khi “Hoa Kỳ lấp đầy những khoảng trống bằng khả năng hải quân  to lớn của mình”.

Tôi muốn nhắc lại Ấn Độ Dương không thuộc về Ấn Độ, mặc dù mang tên gọi “Ấn Độ”. Và việc tàu thuyền Trung cộng sử dụng các tuyến đường biển trên đại dương này hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn hàng hải quốc tế. Chính quyền Ấn Độ sẵn sàng cho phép sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Ấn Độ Dương, nhưng phản đối sự xuất hiện của các tàu Trung cộng. Sự sợ hãi của người Ấn Độ đối với Hải quân Trung cộng, dù tự nhiên hay được nhìn nhận như vậy, phản ánh những tiêu chuẩn kép phổ biến trong thái độ của nhiều chính trị gia ngày nay.

Tương tự đối với các mảnh vỡ không gian. Mỹ có nhiều rác vũ trụ hơn Trung cộng, nhưng chương trình không gian của CHND Trung Hoa đã bị chỉ trích. Những điều gì mà Washington thì được phép, còn Bắc Kinh không được?

Piotr Tsvetov

Sputnik (13.05.2021)