Đến lúc Biển Đông phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình

© Ảnh : TTXVN – Bùi Anh Tuấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN – Trung cộng về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) diễn ra tại Trùng Khánh vào ngày thứ Hai 7/6.

Vấn đề gai góc nhất của Hội nghị SOM ASEAN-Trung cộng lần thứ 19

SOM ASEAN-Trung cộng lần thứ 18 họp tại Đà Lạt, Việt Nam hồi tháng 10-2019. Sau 12 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19 và một số lý do khác, ngày 7/9/2020, cuộc họp nhóm chuyên viên về Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (SOM COC) mới được nối lại bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cuộc họp đó vẫn bế tắc do phía Trung cộng vẫn tiếp tục theo đuổi các điều khoản gây tranh cãi như bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA, hay “chống lại sự can thiệp từ bên ngoài” (ám chỉ Mỹ gây rối nhằm chia rẽ các quốc gia ASEAN và Trung cộng),.v.v…

“Qua đó, có thể thấy thâm ý của Trung cộng vẫn là phi quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, vừa chia rẽ các nước ASEAN, vừa ngăn cản các quan hệ của các nước ASEAN với các nước khác để Trung cộng “một mình bá chủ Biển Đông”. Cho dù phía Trung cộng có hứa “đặt mục tiêu sẽ hoàn tất COC trong vòng 3 năm” và Trung cộng “đang cố gắng bù đắp thời gian đã mất vì đại dịch COVID-19”, – Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận.

Cho dù Trung cộng có phát biểu như vậy, nhưng khi nhìn lại những hành động vừa qua của Trung cộng ở Biển Đông như tập trận bắn đạn thật, triển khai hàng trăm tàu cá không nhằm mục đích đánh cá, dùng máy bay quân sự áp sát lãnh hải Mã Lai, tiếp tục bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo đá thuộc chủ quyền của nước khác, .v.v…, chúng ta có thể thấy rằng, các nước ASEAN có cơ sở để lo ngại sẽ không thể có được một COC thực chất, công bằng, bình đẳng, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên.

“Nếu không có sự tham gia của các nước có lợi ích khác ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế, COC sẽ không có bất cứ một ràng buộc pháp lý quốc tế nào. Nói cách khác, nó chỉ là một bản sao chi tiết của DOC, luôn bị vi phạm mà không có một chế tài nào để xử lý”, – Chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

Đó chính là vấn đề gai góc nhất của Hội nghị SOM ASEAN-Trung cộng lần thứ 19 diễn ra tại Trùng Khánh từ ngày 7 đến 8/6/2021.

“Cái cớ để Trung cộng tiếp tục giữ lập trường vô lý của họ về đường lưỡi bò chính là việc Mỹ không chịu ký kết UNCLOS-1982. Với điều kiện như vậy, Trung cộng lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng vũ lực ở Biển Đông bất cứ lúc nào. Đó chính là nút thắt của vấn đề”, – Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói tiếp với Sputnik.

Việt Nam không còn ở vị thế như năm 1989

Phát biểu tại Hội nghị SOM ASEAN-Trung cộng lần thứ 19, Thứ trưởng BNG Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nhận định: Dù duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung cộng, các hành động đơn phương vẫn xảy ra, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN – Trung cộng.

Với phát biểu như trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sau ngày đầu tiên của Hội nghị Trùng Khánh, Việt Nam không còn ở vị thế như năm 1989 khi đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung cộng cũng tại Trùng Khánh.

“Việt Nam tuy không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào nhưng sau lưng Việt Nam là ASEAN mà trực tiếp là các nước có chung quyền lợi tiếp giáp với Biển Đông. Và hơn thế nữa là cả cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam”, – Chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng.

“Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng của Việt Nam đã hoàn toàn có cơ sở khi nêu rõ rằng: “Các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Phía Trung cộng thừa hiểu rằng Việt Nam đang nói đến những “hành động đơn phương” của phía Trung cộng bởi ngoài Trung cộng ra, không một quốc gia ASEAN nào có hành động đơn phương như vậy ở Biển Đông mà không tham khảo, trao đổi với các nước ASEAN khác”, – Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.

Đáng lưu ý là mặc dù đưa ra nhận định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung cộng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc và thiện chí DOC cũng như các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được ủng hộ rộng rãi.

“Điều này cho thấy việc bắt buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà trực tiếp là UNCLOS-1982 không chỉ là lập trường của Việt Nam mà còn là lập trường của cả khối ASEAN, và rộng hơn nữa là lập trường của các nước ngoài khu vực có chung lợi ích ở Biển Đông”, theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm.

Tương lai của COC

Theo các chuyên gia, kiên trì là điều quyết định cho mọi thành công trong đàm phán ngoại giao, bất kể đối thủ là ai, mạnh mẽ đến mức nào, lắm mưu nhiều kế đến đâu.

Người Việt Nam biết rằng, Trung cộng muốn giành lợi thế ở Biển Đông không chỉ phục vụ cho việc khai thác tài nguyên dưới lòng biển, khai thác hải sản, khống chế tuyến giao thông huyết mạch hàng hải lớn thứ hai thế giới mà còn muốn vươn xa hơn với chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” nhằm nối Trung cộng với Tây Nam Á, với Châu Âu, với Châu Phi,v.v…

“Nhưng chiến lược đó sẽ không bao giờ thực hiện được bằng con đường dùng sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế để ép, ràng buộc các nước khác. Vì vậy, “quả bóng ở bên sân Trung cộng”. Nhánh trên biển của ‘Sáng kiến vành đai con đường” do Trung cộng chủ xướng chỉ có thể trở thành hiện thực một khi Trung cộng từ bỏ lập trường vô lý về “đường lưỡi bò”, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước có chung quyền lợi ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế mà trực tiếp là UNCLOS-1982, phi quân sự hóa Biển Đông, biết chia sẻ lợi ích với các quốc gia láng giềng để có một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, công bằng và bình đẳng”, – Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng.

Và đó chính là một COC đúng nghĩa với các tiêu chí tối thiểu nhất kể trên. Và COC đó phải được một định ước quốc tế ghi nhận để có sự ràng buộc về pháp lý.

“Các nước lớn ủng hộ quan điểm của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực. Điều này là một lợi thế cho đàm phán COC”, – PGS-TS Hoàng Giang.

“Đã đến lúc Biển Đông không là của riêng của Trung cộng, không chỉ của các nước ASEAN và Trung cộng mà phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình như Địa Trung Hải”, – Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm.

Sputnik (08.06.2021)

 

 

Mã Lai tố cáo tàu hải cảnh Trung cộng xâm phạm

Cảnh sát biển Mã Lai cho biết một tàu hải cảnh Trung cộng đi vào vùng biển gần bãi cạn Luconia mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

“Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc tàu hải cảnh Trung cộng xâm phạm vùng biển Mã Lai hôm 4/6. Các tàu của chúng tôi, bao gồm tàu chiến của hải quân Mã Lai, đang giám sát chặt chẽ tình hình”, đại tá Fauzi Othman, người đứng đầu Cơ quan Thực thi pháp luật Hàng hải Mã Lai (MMEA) tại thành phố Miri, cho biết ngày 7/6.

Tuyên bố được Fauzi đưa ra sau khi có thông tin tàu hải cảnh Trung cộng đi vào vùng biển gần bãi cạn Luconia, hay Beting Patinggi Ali, cách bờ biển thành phố Miri 84 hải lý (khoảng 156 km). Mã Lai tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này, cho rằng nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Lãnh đạo MMEA cho hay các lực lượng hành pháp Mã Lai thường xuyên triển khai các tàu tuần tra hoạt động quanh bãi cạn Luconia để “đảm bảo chủ quyền đất nước”. Ông này không nói rõ tàu hải cảnh Trung cộng “xâm phạm” vùng biển của Mã Lai như thế nào và trong thời gian bao lâu.

Trung cộng hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Sự việc xảy ra 3 ngày sau khi 16 máy bay quân sự Trung cộng gồm vận tải cơ Il-76 và Y-20 áp sát không phận Mã Lai, khiến không quân nước này điều tiêm kích ứng phó. Không quân Mã Lai cho biết máy bay Trung cộng bay theo đội hình chiến thuật ở khu vực cách bờ biển nước này 60 hải lý (khoảng 111 km).

Ngư dân Mã Lai trong nhiều năm thông báo phát hiện tàu hải cảnh Trung cộng hoạt động gần Luconia, một trong những bãi cạn lớn nhất ở phía nam Biển Đông. Giới chức Mã Lai cho biết hải cảnh Trung cộng điều tàu ra neo đậu tại khu vực này từ năm 2013.

Vị trí bãi cạn Luconia. Đồ họa: CSIS.

Đợt áp sát không phận Mã Lai của vận tải cơ Trung cộng diễn ra hơn một năm sau khi tàu công vụ của hai nước đối đầu trên Biển Đông. Tàu hải cảnh Trung cộng khi đó bám đuôi và quấy rối tàu thăm dò dầu khí West Capella của tập đoàn Petronas Mã Lai ngoài khơi đảo Borneo.

Trung cộng đơn phương vẽ ra cái gọi là “đường 9 đoạn” và nêu yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp trái phép nhiều đảo nhân tạo cùng các đường băng cỡ lớn, đủ cho vận tải cơ cất hạ cánh tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nguyễn Tiến (Theo Malaymail)

Đất Việt (08.06.2021)

 

 

Các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về Biển Đông trong hội nghị với Trung cộng

Tại cuộc họp với Trung cộng, các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 7.6, tại Trùng Khánh (Trung cộng) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN – Trung cộng về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC).

Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung cộng.

Đây là cuộc họp đầu tiên của các quan chức cao cấp về nội dung này, kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10.2019. Người dẫn đầu đoàn Việt Nam lần này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Tại hội nghị, các nước ghi nhận mặc dù chịu tác động của tình hình dịch bệnh phức tạp, ASEAN và Trung cộng vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân…

Các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán COC.

Đồng thời, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS.

ASEAN và Trung cộng khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiện chí, đầy đủ, hiệu quả DOC.

Các quan chức cao cấp ASEAN và Trung cộng nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán COC dưới hình thức phù hợp. Các nước khẳng định lại mong muốn đạt được một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhận định, cho dù duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung cộng, song vẫn còn có các hành động đơn phương vi phạm các quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN – Trung cộng.

Ông Dũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí DOC và các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được ủng hộ rộng rãi.

Thanhnien (07.06.2021)

 

 

Trung cộng mở hội nghị đặc biệt tại Trùng Khánh với các ngoại trưởng ASEAN

Ảnh tư liệu: Thượng đỉnh ASEAN – Trung cộng, qua vidéo hội nghị, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020. AP

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung cộng (1991-2021), trong một động thái được cho là nhằm ve vãn các nước Đông Nam Á và phải cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Bắc Kinh đã mời các ngoại trưởng thuộc khối ASEAN đến thành phố Trùng Khánh tham dự một Hội Nghị Đặc Biệt của các Ngoại Trưởng ASEAN-Trung cộng trong hai ngày 07-08/06/2021.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Uông Văn Bân hôm 06/06/2021, đã nhiệt liệt ca ngợi tiến trình 30 năm hợp tác Trung cộng – ASEAN, xem đấy là một ví dụ điển hình về công cuộc hợp tác thành công trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo hãng tin Mỹ AP, truyền thông Nhà nước Trung cộng đã tiết lộ một loạt nội dung bắc Kinh muốn thảo luận với các nước Đông Nam Á, từ việc khôi phục du lịch và các trao đổi kinh tế vốn đã phải chịu tác hại từ dịch Covid-19, cho đến các nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chống lại đại dịch, cũng như khả năng thiết lập một hộ chiếu vác-xin để cho phép du lịch tự do hơn.

Ngoài các cuộc họp chung, ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị còn dự kiến gặp riêng từng đồng nhiệm bên lề hội nghị.

Theo ghi nhận của AP, Trung cộng có mâu thuẫn với nhiều láng giềng như Việt Nam, Phi Luật Tân hay Mã Lai trên vấn đề yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Việt Nam, trong lúc Phi Luật Tân cũng nhiều lần phản đối sự hiện diện của cả trăm tàu Trung cộng gần các thực thể ở Trường Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mới đây, vào tuần trước, Mã Lai đã phản đối việc 16 máy bay quân sự Trung cộng xâm nhập không phận của nước này.

Tuy nhiên, Trung cộng vẫn cố tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với 10 thành viên ASEAN, dùng đến sức mạnh kinh tế và ngoại giao, làm cho khối Đông Nam Á không thể có được một lập trường thống nhất để đối phó do sự phản đối của các đồng minh Trung cộng trong ASEAN, nhất là Cam Bốt.

Nỗ lực chiêu dụ các nước Đông Nam Á càng gia tăng trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng năng nổ hơn tại Đông Nam Á, tích cực duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông, và không ngần ngại bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung cộng.

Còn Bắc Kinh thì luôn luôn cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh trong khu vực, đồng thời đả kích các chiến dịch tuần tra của Mỹ tại Biển Đông được mệnh danh là chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.

RFA (07.06.2021)

 

 

Căn cứ hải quân REAM của Campuchia trở thành thách thức an ninh thường trực đối với Việt Nam

Ngày 2/6/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh thú nhận Trung cộng đang hỗ trợ Campuchia xây dựng căn cứ hải quân Ream tại tỉnh Sihanoukville phía tây nam Campuchia nằm trên bờ biển ở vịnh Thái Lan. Ông Tea Banh viện dẫn lý do rằng Campuchia không đủ khả năng chi trả việc nâng cấp Ream nên nhờ Trung cộng hỗ trợ và Trung cộng giúp đỡ vô điều kiện.

  1. Tuyên bố của ông Tea Banh chứng tỏ Campuchia đã dối trá và tìm cách che đậy trong suốt 2 năm qua. Tháng 7/2019 báo Wallstreet Journal của Mỹ đăng tin Campuchia và Trung cộng đầu năm 2019 đã ký thoả thuận bí mật cho Trung cộng sử dụng căn cứ hải quân Ream trong 30 năm và tự động gia hạn trong 10 năm. Từ đó Hun Sen và các quan chức Campuchia nhiều lần bác bỏ, cho rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép nước ngoài đóng căn cứ quân sự tại Campuchia. Thậm chí, Campuchia tổ chức chuyến thăm cho các nhà ngoại giao nước ngoài tại Campuchia đến thăm Ream để chứng tỏ không có việc đó.
  2. Như vậy, việc Trung cộng phát triển căn cứ hải quân Ream ở Campuchia là có thật. Từ giờ Trung cộng có thể ngang nhiên điều động quân đội và thiết bị khí tài đến đóng tại Ream, dù công khay hay đội lốt giúp đỡ Campuchia nâng cấp Ream, dần dần tạo thành một tiền đồn quân sự của Trung cộng ngay sát sườn phía tây nam của Việt Nam. Căn cứ hải quân Ream kết hợp với các tiền đồn quân sự Trung cộng cải tạo, xây dựng và củng cố trái phép ở Trường Sa tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt phía nam Việt Nam và là một thách thức an ninh thường trực đối với Việt Nam.

***

Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có chuyến thăm ba nước Đông Nam Á gồm Nam Dương, Campuchia và Thái Lan. Chuyến công du có những điểm đáng chú ý sau:

  1. Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của quan chức ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Biden;
  2. Tại Nam Dương, Thứ trưởng Shermanđã có cuộc họp với Ban Thư ký ASEAN và đại diện các nước thành viên, tái khẳng định cam kết của Mỹ với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ;
  3. Thứ trưởng Sherman bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự và việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Căn cứ Quân sự Hải quân Ream của Trung cộng;
  4. Mỹ khẳng định Thái Lan là đồng minh và đối tác lâu năm, sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy quan điểm chung về an ninh, thịnh vượng và giá trị ở khu vực.
  5. Tại tất cả các điểm đến, Bà Sherman đều nhấn mạnh đến quan tâm và nỗ lực của Mỹ cho các vấn đề toàn cầu hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống Covid.
  6. Ngoài ra, có 2 điểm đáng lưu ý trong họp báo của Thứ trưởng Sherman sau khi kết thúc chuyến công du: (i) Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung cộng trong thế kỷ 21 và sẽ thách thức Trung cộng trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền và Biển Đông; (ii) Mỹ xem Quad là tổ chức khu vực quan trọng nhưng không phải để thay thế ASEAN.

Bình luận trước chuyến thăm ((25/5-The Diplomat), Malcom Cook (ISEAS, Singapore) cho rằng “Mặc dù cũng thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, song Mỹ chưa đặt Đông Nam Á là ưu tiên, cả Trump và Biden đều không điện đàm hay hội đàm trực tiếp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong 100 ngày đầu cầm quyền”.

Ngày 31/5, The Strait Times cũng có bài bình luận cho rằng Đông Nam Á vẫn chỉ là một mắt xích yếu trong chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương đang hình thành của Chính quyền Biden.

Ở một góc độ khác, hiện chính quyền Biden vẫn trong giai đoạn định hình chính sách; Mỹ còn nhiều khu vực, vấn đề cần sắp xếp và ưu tiên giải quyết, Đông Nam Á chưa phải là địa bàn ưu tiên số 1. Chuyến thăm lần này có thể sẽ là mở đầu tích cực, thuận lợi cho các hợp tác Mỹ – Đông Nam Á dưới thời chính quyền Biden trong thời gian tới?

Nghiên cứu Biển Đông (07.06.2021)

 

 

TướngKhông Quân Hoa Kỳ giải thích nguyên nhân Washington “bay do thám kỷ lục” quanh Trung cộng và Biển Đông

Tướng Ken Wilsbach – Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương

Tướng Ken Wilsbach đưa ra bình luận khi được hỏi về việc Mỹ triển khai hơn 70 chuyến bay do thám quanh Trung cộng và Biển Đông trong tháng trước.

Trong khuôn khổ cuộc họp báo qua điện thoại do trung tâm truyền thông Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, Tướng Ken Wilsbach – Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương chia sẻ với báo giới về nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động của Mỹ ở khu vực, trong đó có các chuyến bay do thám với tần suất cao trong tháng vừa qua.

Trước câu hỏi về tần suất bay do thám mà phóng viên Brad Lendon của CNN gọi là “ở mức kỷ lục”, Tướng Wilsback nói: “Tôi sẽ không gọi đó là kỷ lục. Nhưng tôi không phải người theo dõi dữ liệu, và bạn luôn có thể – bạn biết số liệu thống kê hoạt động như thế nào rồi đó”.

Dù vậy, ông Wilsbach thừa nhận Mỹ đang thực hiện số lượng tương đối nhiều chuyến bay khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để thu thập tin tình báo. Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đề cập sâu tới nguyên do đằng sau hoạt động này.

“Lý do chúng tôi làm như vậy là do tất cả những hoạt động mà đối thủ của chúng tôi đang thực thi và chúng tôi muốn theo dõi chặt chẽ chuyện đó.”

“Khi tôi nhìn khắp Thái Bình Dương và thấy quân đội Trung cộng tiến hành nhiều nhiệm vụ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, tiến gần tới các đảo mà những nước khác tuyên bố chủ quyền, khi tôi thấy họ thực thi cái mà có vẻ là các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào đối tác của chúng tôi, cũng như căn cứ của chính chúng tôi, thì chúng tôi muốn có sự hiểu biết toàn diện về vấn đề ấy”.

Tướng Wilsbach cho biết, Mỹ muốn có được khả năng theo dõi hoạt động quân sự của Trung cộng, cũng như hoạt động thử nghiệm và những gì Trung cộng thu được với các thiết bị mà họ chế tạo.

Tướng Wilsbach cũng đề cập tới các hoạt động của Trung cộng mà ông cho là “bất chính” như “chiếm các đảo vốn không thuộc về họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bồi đắp đảo ở những vùng biển quốc tế vốn chưa bao giờ là của họ”, “ép buộc kinh tế khắp thế giới”… .

Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương khẳng định: “Không chỉ Mỹ mà nhiều, nhiều nước khác mất lòng tin ở Trung cộng. Ý tôi là, bạn cứ nhìn xem điều gì đang diễn ra trong năm nay, khi mà Anh xuất hiện trong khu vực với tàu Queen Elizabeth, người Pháp xuất hiện, và cả người Đức cũng quan tâm”.

“Lý do là bởi tất cả họ đều nhận thức được những hoạt động của Trung cộng và lòng tin dành cho Trung cộng cực kỳ thấp. Vì vậy, tất cả những chuyện này cùng với sự thiếu tin tưởng từ phía chúng tôi và đối tác, đồng minh khiến chúng tôi muốn tìm hiểu ý đồ của Trung cộng về mặt quân sự, bởi chúng tôi không muốn bị bất ngờ”.

Theo nhận định của Tướng Wilsbach, “rõ ràng Bắc Kinh nhắm tới vị trí siêu cường duy nhất và kỳ vọng các nước khác phải hạ mình”. “Họ không tin rằng có thể có nhiều cường quốc, họ cho là chỉ có thể có duy nhất một, và họ muốn quay trở về thời kỳ huy hoàng khi trước”, ông Wilsbach nói trong cuộc họp báo.

Theo Soha (06.06.2021)

 

 

Carl Thayer: Việt Nam nên “tự giúp mình” để đối phó với Trung cộng

Ảnh minh họa: Một hoạt động diễn tập chung của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Nhật bản ngày 16/6/2017 Ảnh: AFP

Bốn nước ASEAN ven biển Đông là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Nam Dương cần phải hợp tác để chống lại chiến thuật “Vùng xám” của Trung cộng– Giáo sư (GS) Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra đã nhận định như vậy trong một trao đổi gần đây với RFA. Mời quý vị cùng theo dõi:

 

RFA: Được biết ông vừa có một bài thuyết trình về việc các nước ASEAN nên làm gì để đáp trả chiến thuật ‘Vùng xám’ của Trung cộng (TQ) tại một hội nghị quốc tế về Biển Đông vào cuối tháng 5 vừa qua. Vậy theo ông, vì sao các quốc gia thành viên ASEAN nên hợp tác để đối phó với chiến thuật này của Trung cộng? Lời khuyên của ông là gì, đặc biệt với quốc gia tuyên bố chủ quyền như Việt Nam?

GS Carl Thayer: Vì Myanmar đang là vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của khối ASEAN và khối này đã có những bất đồng nhất định trong vấn đề Biển Đông nên tôi cho rằng sự hợp tác này nên được thúc đẩy giữa bốn quốc gia ven biển Đông là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Nam Dương.

Vì sao họ nên ngồi lại với nhau?  Một là từ cuối năm 2019 và trong năm 2020, tất cả bốn nước này đều đệ trình công hàm tới Ủy ban Ranh giới về Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, chia sẻ cùng một quan điểm pháp lý và bác bỏ cơ sở yêu sách chủ quyền của Trung cộng và khẳng định rằng phán quyết trọng tài năm 2016 nên được xem là là chỉ dẫn cho những gì đang diễn ra.

Hai là, cả bốn quốc gia này trong 18 tháng qua đều đã gặp phải một số hình thức đe dọa và gây áp lực của Trung cộng. Và đặc biệt, trong năm nay hơn hai trăm tàu cá và dân quân biển của Trung cộng đã xuất hiện ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, gây áp lực lên chính phủ nước này.

Khối ASEAN cần có vai trò trong việc chống lại chiến thuật vùng xám mà Trung cộng đang sử dụng trên Biển Đông đối Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và Nam Dương. Ảnh minh họa – hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tháng 2/2020 tại Hà Nội. Ảnh AFP

Vì vậy, các quốc gia này nên hợp tác với nhau và nên thành lập một nhóm họp không chính thức trong chính khối ASEAN để tư vấn chính sách. Và bởi vì họ đang phải đối mặt với sự đe dọa từ phía Trung cộng, ASEAN lại không muốn phải chọn giữa Mỹ và Trung cộng nên bằng cách đến với nhau và để ASEAN hành động với tư cách một tổ chức, các quốc gia này sẽ có cơ hội tốt hơn để duy trì tính trung lập của họ.

Nhìn vào phản ứng của ASEAN đối với vấn đề Myamar, tôi cho rằng  hòa bình và an ninh khu vực cũng bị đe dọa tương tự bởi các chiến thuật vùng xám của Trung cộng đối với các quốc gia ASEAN và vì vậy ASEAN cần có vai trò ở đây.

Nhìn vào phản ứng của ASEAN đối với vấn đề Myamar, tôi cho rằng  hòa bình và an ninh khu vực cũng bị đe dọa tương tự bởi các chiến thuật vùng xám của Trung cộng đối với các quốc gia ASEAN và vì vậy ASEAN cần có vai trò ở đây. Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận vai trò của ASEAN. ASEAN có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác mà Trung cộng ký kết tham gia vào năm 2003, vì thế các nước thành viên ASEAN nên vận động mạnh mẽ cho vấn đề này.

RFA: Từ sự kiện diễn ra tại Đá Ba Đầu gần đây, một số nhà quan sát gợi ý rằng Việt Nam và Phi Luật Tân nên ngồi lại với nhau trước để có thể thống nhất phương án chống lại sự lấn lướt của Trung cộng một cách hiệu quả hơn. Ông có đồng tình?

GS Carl Thayer: Tôi đồng ý với ý kiến này. Việt Nam và Phi Luật Tân là đối tác chiến lược và mức độ hợp tác hiện tại chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của hai nước. Việt Nam và Phi Luật Tân và một số nước ASEAN khác có những tranh chấp với nhau về phân định ranh giới hàng hải và vì thế, tôi cũng cho rằng các quốc gia ASEAN nên hợp tác để giải quyết các vấn đề nội bộ của họ cùng lúc với việc đương đầu với TQ.

Cho đến nay, tuy có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền nhưng tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Phi Luật Tân không phải là vấn đề lớn. Thực tế là chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chiếm đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) – một thực thể mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền – nhưng đó không phải là điều mà Chính phủ Việt Nam hiện tại làm. Ngoài ra, những tài liệu nội bộ của khối ASEAN trong những năm gần đây cho thấy trong một số vấn đề, Phi Luật Tân và Việt Nam có quan điểm khá tương đồng, hai nước thể hiện quan điểm khá mạnh mẽ nhưng rất tiếc là chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều nước ASEAN khác.

Người dân Việt Nam và Phi Luật Tân cùng biểu tình trước tòa Tổng lãnh sự Trung cộng tại Manila, yêu cầu Trung cộng tôn trọng của Việt Nam và Phi Luật Tân tại Biển Đông. Ảnh của AFP, chụp ngày 6/8/2016.

Theo tôi, Phi Luật Tân và Việt Nam có thể cùng khiếu nại lên Hội đồng Cấp cao ASEAN (ASEAN High Council) – một hội đồng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp được quy định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (ACT) trong khu vực Đông Nam Á mà Trung cộng cũng là một bên ký kết và phê chuẩn. Thành viên của Hội đồng này bao gồm cả các nước ASEAN không có tranh chấp cũng như các bên ký kết khác ngoài ASEAN. TQ có thể từ chối tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp này và việc giải quyết tranh chấp của hội đồng này có thể bị bế tắc nhưng Hiệp ước này cho phép các bên trong ASEAN đưa ra khuyến nghị và lời khuyên. Và như vậy, đây là một cách nữa để Việt Nam và các quốc gia có liên quan thường xuyên đáp trả sự hung hăng của Trung cộng bằng con đường ngoại giao hơn là trên biển nơi Trung cộng có nhiều lợi thế.

RFA: Các hoạt động gần đây của lực lượng dân quân và cảnh sát biển TQ tại khu vực cụm đảo Sinh Tồn đang gây áp lực cho Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của mình ở đây. Ông có nghĩ rằng lực lượng hải quân, dân quân và cảnh sát biển của Việt Nam đủ mạnh để bảo vệ các tiền đồn của mình và đối phó với chiến thuật Vùng xám của Trung cộng?

GS Carl Thayer: Câu trả lời của tôi là không. Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam cho thấy Việt Nam muốn tránh bằng mọi giá bất kỳ hành động nào được xem là leo thang hoặc đối đầu với Trung cộng cũng như liên quan đến cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực. Và chúng ta đã thấy, trong vụ việc Bãi Tư Chính cách đây vài năm, Việt Nam đã không chủ trương làm mạnh. Vì vậy, Việt Nam phải liên tục sử dụng công cụ đấu tranh ngoại giao song phương với Trung cộng và trên các diễn đàn ASEAN, và quốc tế.

Tất nhiên, Việt Nam nên tiếp tục xây dựng năng lực để đối phó với Trung cộng – điều mà trong quan hệ quốc tế gọi là “tự giúp mình”.

Việt Nam đã khá mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực hải quân và không quân, đặc biệt là cho các hoạt động trên Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác, nguồn lực của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé so với Trung cộng. Có thể nói, lực lượng cảnh sát biển của Trung cộng lớn hơn lực lượng của Nhật và của tất cả các nước ASEAN cộng lại và tàu của Cảnh sát biển Trung cộng có trọng tải lớn hơn bất kỳ tàu nào của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vừa nhận bàn giao chiếc tàu cảnh sát biển lớp Hamilton thứ hai từ Hoa Kỳ – một chiếc tàu có trọng tải hơn 3.000 tấn nhưng cũng chỉ thuộc tầm trung, chưa phải cỡ lớn.

Tàu USCGC John Midgett – tàu tuần duyên Hamilton thứ 2 của Mỹ đã được sơn lại, đổi tên thành tàu Cảnh sát biển 8021 và đang trên đường về Việt nam. Nguồn ảnh: Twitter Phạm Quang Vinh

Việt Nam cần phải hiện đại hóa hải quân, đặc biệt đối với tàu ngầm đồng thời cần có một lực lượng cảnh sát biển mạnh mẽ. Tất nhiên trên thực tế, không một quốc gia nào kể có thể có nguồn lực ngang hàng với Trung cộng nhưng những lực lượng này sẽ là một sự răn đe để Trung cộng biết rằng nếu họ hành vi xâm lược và sử dụng vũ trang, họ có thể sẽ phải trả giá.

Việt Nam cần phải hiện đại hóa hải quân, đặc biệt đối với tàu ngầm đồng thời cần có một lực lượng cảnh sát biển mạnh mẽ. Tất nhiên trên thực tế, không một quốc gia nào kể có thể có nguồn lực ngang hàng với Trung cộng nhưng những lực lượng này sẽ là một sự răn đe để Trung cộng biết rằng nếu họ hành vi xâm lược và sử dụng vũ trang, họ có thể sẽ phải trả giá.

ASEAN cũng đã từng thảo luận về diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN từ năm 2015 – một cơ chế đối thoại và hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật hàng hải các nước ASEAN nhằm đảm bảo một môi trường biển an toàn an ninh và hòa bình cho cộng đồng ASEAN. Trong khuôn khổ diễn đàn này cảnh sát biển các nước ASEAN cũng có thể tăng cường trao đổi và hợp tác với các đối thoại, trong đó có cả Trung cộng. Tôi cho bây giờ chính là lúc thúc đẩy việc tổ chức diễn đàn này. Cảnh sát biển không phải là quân đội nên có thể giảm căng thẳng. Trong quan hệ ASEAN và Trung cộng, diễn đàn này sẽ là nơi mà việc duy trì một trật tự tốt ở trên biển sẽ là vấn đề chung của cả hai bên. Trung cộng cần được liên tục nhận được sức ép để phải hạn chế số lượng tàu cá, số lượng dân quân biển và cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

RFA: Với nguồn lực hạn chế, theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc những bước đi quan trọng nào để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình trên Biển Đông?

Tôi cho rằng Việt Nam phải luôn để ngỏ cánh cửa với Trung cộng để tiếp tục phản đối, tiếp tục đưa ra quan điểm về chủ quyền, và cố gắng đạt được các thỏa thuận để giữ cho căng thẳng không gia tăng.

Nếu có thể gặp gỡ không chính thức với Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Việt Nam và các quốc gia này nên bắt đầu xem xét có thể sử dụng trọng tài quốc tế thêm như thế nào để chống lại Trung cộng nếu nước này tiếp tục đưa một số lượng lớn tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Họ có thể không thành công trong cuộc chiến pháp lý nhưng sẽ dành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn dắt, trong đó có nhóm QUAD, một số nước châu Âu và một số khác, từ đó gây áp lực đối với Trung cộng.

Tóm lại, Việt Nam phải sử dụng ngoại giao quốc tế, trực tiếp với Trung cộng, trong chính ASEAN và với các đối tác đối thoại. Quan hệ với các cường quốc là rất quan trọng đối với Việt Nam.

RFA: Liên quan tới quan hệ quốc phòng Mỹ và Việt Nam, theo ông Việt Nam và Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác như thế nào trong vấn đề Biển Đông?

GS Carl Thayer: Đối thoại Shangri-La vừa qua đã bị hủy vì tình hình bệnh dịch COVID. Trước đó, đã có khá nhiều tin đồn rằng nếu đối thoại này được tổ chức vào tháng 6 thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ đến thăm Việt Nam trong hai hoặc ba ngày đầu tháng 6 trước sự kiện này bắt đầu.

Và cũng có tin đồn rằng người đứng đầu CIA sẽ đến thăm Việt Nam ngay sau chuyến thăm của ông Austin. Đây đều là những điều đồn đoán và chúng cần phải được xác nhận, nhưng rõ ràng từ quan điểm của chính quyền Biden rằng Mỹ muốn hợp tác với một mạng lưới các đồng minh và đối tác và Việt Nam đứng đầu danh sách đối tác tiềm năng. Hai nước chưa chính thức là đối tác chiến lược. Vì vậy, điều này có thể xảy ra.

Gần đây, tôi có tham dự một hội thảo trực tuyến kéo dài ba ngày về các vấn đề an ninh giữa Việt Nam và Mỹ do Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Diễn đàn Thái Bình Dương tổ chức. Tôi không thể cung cấp các thông tin chi tiết về những thảo luận này nhưng có thể nói là cả hai bên đang xem xét các cơ hội hợp tác trong vấn đề nâng cao năng lực, cả đào tạo và giáo dục quân sự chuyên nghiệp cũng như vấn đề trang thiết bị, tuy không nhất thiết phải các hệ thống vũ khí tiên tiến, nhưng cũng giúp cải thiện nhận thức về lĩnh vực hàng hải.

Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác và cả hai bên đều có thiện chí. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ hợp tác như thế nào để Việt Nam duy trì được độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh mà vẫn giữ được lập trường “không đứng về phía nào chống lại Trung cộng”.

Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác và cả hai bên đều có thiện chí. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ hợp tác như thế nào để Việt Nam duy trì được độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh mà vẫn giữ được lập trường “không đứng về phía nào chống lại Trung cộng”.

RFA: Xin cảm ơn ông!

RFA (07.06.2021)