Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN kêu gọi tiến tới một COC thực chất tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Thượng tướng Phan Văn Giang tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Trung cộng hôm 15/6/2021.  Báo Quốc Tế

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và người đồng nhiệm Nam Dương hôm 15/6 đã lên tiếng kêu gọi ASEAN và Trung cộng cần tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có hiệu quả và thực chất.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Trung cộng diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 15/6 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của Brunei và Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Nguỵ Phượng Hoà.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng ủng hộ việc thiết lập đường dây nóng giữa ASEAN và Trung cộng để giải quyết kịp thời những vấn đề mà cấp dưới không thể giải quyết trực tiếp, tránh biến chuyện nhỏ mang tính cục bộ thành chuyện lớn mang tính đại cục.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Dương Prabowo Subianto cho rằng, ASEAN và Trung cộng cần lập tức tiếp tục thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) một cách hiệu quả và thực chất, đồng thời tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Quản lý tốt vấn đề Biển Đông sẽ củng cố quan hệ đối tác chung, cùng có lợi, vì hòa bình và ổn định toàn cầu.

COC được một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Phi Luật Tân hy vọng sẽ có tính ràng buộc về pháp lý hơn nhằm hạn chế những xung đột có thể xảy ra giữa các nước đang tranh chấp ở Biển Đông. Những thảo luận về COC đã được bắt đầu từ sau khi ASEAN và Trung cộng đạt được Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002 nhưng cho đến giờ vẫn chưa thể kết thúc.

Đại dịch COVID-19 vào năm 2020 cũng khiến các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung cộng về COC bị gián đoạn. Cả năm 2020, nhóm công tác chung về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC) phụ trách soạn thảo COC của hai bên chỉ có thể thực hiện được một cuộc gặp trực tuyến vào tháng chín.

Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Brunei tổ chức vào ngày 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng đề cập đến tình hình Biển Đông. Ông kêu gọi các bên giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời chỉ trích Luật Hải cảnh của Trung cộng vừa được thông qua vào tháng hai vừa qua, cho phép lực lượng hải cảnh của Trung cộng được dùng vũ lực đối với tàu nước ngoài ở vùng nước mà Trung cộng đòi chủ quyền.

RFA (16.06.2021)

 

 

Việt Nam lập hải đội dân quân ở phía nam để ‘bảo vệ chủ quyền biển đảo’

Việt Nam thành lập hải đội dân quân ở Kiên Giang, ngày 9/6/2021. Photo SGGP

Quân đội Việt Nam vừa thành lập hải đội dân quân ở Kiên Giang có trang bị tàu thuyền và vũ khí chuyên dụng giữa lúc tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Truyền thông Việt Nam trong tuần qua cho biết Hải đội dân quân thường trực ở Kiên Giang là hải đội dân quân được thành lập đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiệm vụ “vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa tham gia khai thác hải sản”.

Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Hải đội dân quân ở Kiên Giang có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Công an tỉnh Kiên Giang… trong việc “đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, phòng, chống tội phạm, bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.” Ngoài ra, Hải đội dân quân cũng sẽ khai thác hải sản phát triển kinh tế, tham gia cứu hộ cứu nạn, vẫn theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

Trang VNExpress cho biết: “Hải đội dân quân ở Kiên Giang được tổ chức biên chế 9 tàu, 3 trung đội và 9 tiểu đội; được trang bị vũ khí, thiết bị chuyên dụng, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ đồng bộ”.

Hải đội dân quân ở Kiên Giang. Photo QDND

Vẫn theo trang VNExpress, nhiều người của hải đội dân quân được đào tạo về chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật tại Học viện Hải quân, trường quân sự.

Trước đó, vào tháng 4, một hải đội dân quân thường trực ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được thành lập.

Theo Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐND), việc thành lập hải đội dân quân thường trực nằm trong đề án có từ năm 2018 do Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng. Theo đó, Hải đội dân quân thường trực là bộ phận của lực lượng Dân quân tự vệ biển Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ chung, Hải đội dân quân thường trực còn có nhiệm vụ tuần tra, quan sát, trinh sát, thu thập, xử lý thông tin trên không, trên biển; khẳng định chủ quyền biển, đảo…

Trang Dân quân Tự vệ Online dẫn lời Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, cho biết trong giai đoạn đầu, các hải đội dân quân sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh, trong bối cảnh tình hình khu vực và biển Đông “có những thời điểm diễn biến phức tạp”.

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA về ý nghĩa của việc thành lập hải đội dân quân ở Việt Nam:

“Đây là một sáng kiến hay vì Hải quân sẽ được hải đội dân quân tiếp sức. Kinh phí cho hải đội dân quân cũng nhẹ hơn so với hải quân chính quy. Từng địa phương phụ trách thì sự am tường địa phương cũng rất tốt. Đây là sáng kiến rất tốt để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình ở từng địa phương”.

“Hiện nay tại Biển Đông, Việt Nam đang phải đối phó với sự vi phạm chủ quyền. Việc khai thác dầu cũng ngay trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và nếu chúng ta sử dụng hải đội dân quân thì việc bảo vệ chủ quyền của chúng ta sẽ tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhận định.

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sĩ Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế, nêu nhận định với VOA rằng việc thành lập các hải đội dân quân này phù hợp với chiến lược của Việt Nam về học thuyết Chiến tranh dân nhân trên biển:

“Điều này cho thấy Việt Nam từng bước sử dụng dân quân biển góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam”.

Khi so sánh dân quân biển của Việt Nam và Trung cộng, Tiến sĩ Hoàng Việt nói rằng về tên gọi có thể giống nhau, nhưng về bản chất và quy mô, và mức độ trang bị thì rất khác nhau – “do dân quân Trung cộng được trang bị bài bản từ lâu” và “đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng hải giám Trung cộng”.

Hôm 12/6, trang Nikkei Asia viết: “Trong nhiều năm, các chuyên gia Việt Nam cho biết Trung cộng đã phát triển một ‘lực lượng dân quân biển’ hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam và Phi Luật Tân, và đụng độ với tàu đánh cá – những sự cố khiến nhiều người thiệt mạng”.

VOA (16.06.2021)

 

 

Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á chỉ trích Luật Hải Cảnh Trung cộng

Ảnh tư liệu: Tàu tuần duyên và tàu cá Trung cộng xâm nhập vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016. AP

Tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, gọi tắt là ADMM+, mở ra trực tuyến vào hôm nay, 16/06/2021, lãnh đạo Quốc Phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác của ASEAN, Nhật Bản lại công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước bộ Luật Hải Cảnh mới vừa được Bắc Kinh ban hành, cho phép tàu cảnh sát biển Trung cộng nổ súng vào tàu nước ngoài. Ngoài Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á cũng có những phê phán tương tự.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong phát biểu của mình tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng dưới quyền chủ trì của Brunei, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nêu bật vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định rằng Tokyo mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Trong phát biểu mình, bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích một luật của Trung cộng được áp dụng kể từ tháng 2 vừa qua, cho phép lực lượng tuần duyên Trung cộng sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vùng biển Trung cộng.

Ông Kishi tố cáo: “Luật này có những điều khoản có vấn đề nếu xét trên bình diện nhất quán với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như những điểm mập mờ về vùng biển nơi có thể áp dụng luật, cũng như về cấp có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí.”

Theo báo mạng Phi Luật Tân Rappler, Luật Hải Cảnh mới của Trung cộng cũng bị một số nước ASEAN chỉ trích nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN ADMM mở ra hôm qua.

Trích dẫn thông tin từ bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân, Rappler cho biết là nhân cuộc họp, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều quan ngại trước các hành động liên tục của Trung cộng tại Biển Đông, trong lúc một số bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về Luật Hải Cảnh Trung cộng.

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng có liên quan đã nêu bật tính chất mơ hồ trong việc áp dụng luật này tại Biển Đông, nơi các quốc gia thành viên ASEAN khác như Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Từ khi được ban hành, luật Hải Cảnh mới của Trung cộng đã làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng như tại nhiều khu vực trên biển Hoa Đông, trong đó có vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý.

Hồ sơ Biển Đông nhìn chung đã chiếm một phần quan trọng trong hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng lần này với việc các nước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, quyền hoạt động thương mại không bị cản trở và việc sớm thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông COC, đang đàm phán giữa ASEAN và Trung cộng.

Đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc Phòng 18 nước

Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, các đối tác của ASEAN trong hội nghị ADMM+ – từ Mỹ, Trung cộng, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand, vào hôm nay cũng hoan nghênh lời mời của ASEAN tham gia vào chương trình thành lập đường dây nóng cấp bộ trưởng của toàn khối nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Đường dây nóng, mang tên Cơ Sở Hạ Tầng Truyền Thông Trực Tiếp ASEAN, hay ADI, nhằm mục đích cho phép đối thoại để thúc đẩy giảm thiểu nguy cơ xung đột, giải tỏa những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong các tình huống khủng hoảng hoặc khẩn cấp.

Đây là phương án nhằm mục đích cung cấp thông tin liên lạc an toàn bằng giọng nói, fax hoặc email, theo một tài liệu định nghĩa khái niệm đã được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua vào năm 2019 để mở rộng ADI cho tám quốc gia đối tác bên ngoài nhóm.

RFI (16.06.2021)

 

 

Căng thẳng Trung cộng gia tăng, Nam Dương mua 8 khinh hạm của Ý và tăng chi tiêu quốc phòng

Ảnh: Youtube/Defence 360.

Theo tờ SCMP, gần 2 tháng sau khi một trong những tàu ngầm của Nam Dương bị chìm ngoài khơi bờ biển Bali trong một cuộc tập trận, Nam Dương đã bắt đầu hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của mình bằng cách đặt mua 8 tàu khu trục nhỏ từ Ý.

Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này làm nổi bật những lo ngại của quốc gia Đông Nam Á về việc các tàu Trung cộng vi phạm lãnh thổ và khả năng bảo vệ lợi ích của mình với đội tàu mà họ có hiện tại.

Theo một tài liệu bị rò rỉ, Bộ Quốc phòng Nam Dương sẽ đề xuất một khoản ngân sách trị giá 124 tỷ USD, sẽ được chia trong 5 năm, thể hiện sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng của Nam Dương. Trong 5 năm trước, họ đã chi khoảng 38,8 tỷ USD.

Theo trang web của hãng đóng tàu Ý Fincantieri, Nam Dương đã ký hợp đồng mua 6 khinh hạm đa năng FREMM mới và 2 khinh hạm dòng Maestrale đã qua sử dụng. 2 khinh hạm dòng Maestrale sẽ được đưa vào biên chế sau khi Hải quân Ý cho nghỉ hưu.

Công ty cho biết thỏa thuận này là “quan trọng hàng đầu” để tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong “khu vực chiến lược của Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, công ty  không tiết lộ giá trị của hợp đồng.

Muhamad Haripin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Viện Khoa học Nam Dương, cho biết thỏa thuận tàu khu trục nhỏ phản ánh sự gia tăng sự tham gia của Châu Âu các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Muhamad nói: “Các nước châu Âu đang trở nên phù hợp hơn với các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mục đích là để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự bành trướng của Trung cộng ở khu vực. 

Ông nói: “Nam Dương cũng “khẩn cấp” cần thêm tàu ​​tuần tra để giám sát 54.000 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn của mình”.

”Muhamad nói thêm: “Nam Dương lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung cộng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương khi nước này tiếp tục theo dõi đuổi các chính sách phi pháp vùng biển Đông và khu vực Châu Á Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Nam Dương nhận ra rằng có sự cạnh tranh [giữa Trung cộng và Mỹ] điều đó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Trong khi Nam Dương coi mình là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, các lực lượng hàng hải của họ thường xuyên đụng độ với các đối tác Trung cộng gần quần đảo Natuna, nơi giáp biển. Một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương, kéo dài ra ngoài quần đảo, nằm trong đường chín đoạn mà Trung cộng sử dụng để đánh dấu các yêu sách lãnh thổ của họ đối với hơn 90% Biển Đông. Trung cộng cũng tuyên bố có quyền đánh cá lịch sử ở vùng biển Bắc Natuna, dẫn đến việc các tàu đánh cá và tuần duyên Trung cộng thường xuyên đến khu vực này. 

Ngân sách quốc phòng khổng lồ

Thỏa thuận Fincantieri được công bố sau khi một tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy Bộ Quốc phòng Nam Dương có kế hoạch chi 1.700 nghìn tỷ rupiah (tương đương 124,9 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2024 để hiện đại hóa quân đội. Tài liệu cho biết nỗ lực này sẽ được tài trợ hoàn toàn bằng nợ nước ngoài, khoản nợ này không cần phải trả cho đến năm 2044 và sẽ chỉ phải chịu một mức lãi suất nhỏ. 

Áp lực đối với Nam Dương trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân già cỗi của họ đã tăng lên khi một trong năm tàu ​​ngầm của họ, KRI Nanggala, bị chìm vào tháng 4 trong một cuộc tập trận phóng ngư lôi, giết chết tất cả 53 thủy thủ đoàn trong thảm họa được coi là một trong những thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử. 

Mặc dù vậy, ngân sách đề xuất đã gây ra tranh cãi vì nền kinh tế Nam Dương vẫn đang quay cuồng với đại dịch do vi-rút corona gây ra. Vào tháng 11, nước này đã chính thức ghi nhận lần suy thoái đầu tiên trong hơn 20 năm. Nền kinh tế giảm 2,07% vào năm 2020, so với năm 2019. Trong quý đầu tiên của năm nay, mặc dù tăng 0,96% so với quý 4 năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,74% so với quý đầu tiên của năm 2020.

Việc tăng ngân sách lên 1.700 nghìn tỷ rupiah, trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng kinh tế, chắc chắn sẽ tạo gánh nặng cho công chúng. 

Al Araf, giám đốc và nhà nghiên cứu quân sự tại cơ quan giám sát nhân quyền Imparsial có trụ sở tại Jakarta, cho biết chính phủ tốt hơn nên phân bổ tiền, ngay cả khi nó đến từ nợ nước ngoài, cho sức khỏe cộng đồng và phục hồi kinh tế. 

Al Araf nói: “Số lượng quá nhiều. Nam Dương đã có gánh nặng nợ nước ngoài rất lớn, nếu tiếp tục gánh thêm thì gánh nặng sẽ ngày càng nặng và ảnh hưởng đến nền kinh tế ”. 

Năm 2008, Nam Dương thiết lập khái niệm Lực lượng thiết yếu tối thiểu [MEF], trong đó nêu ra mức lực lượng tối thiểu cần thiết để đạt được các lợi ích quốc phòng chiến lược trước mắt. Khi nó được phác thảo lần đầu tiên, MEF đã kêu gọi khoảng 300 tàu, thuộc nhiều lớp khác nhau và 12 tàu ngầm.

Theo MEF, chính phủ phải phân bổ 150 nghìn tỷ rupiah để hiện đại hóa thiết bị trong thời gian 5 năm.

Tuy nhiên, Haripin từ Viện Khoa học Nam Dương, cho biết trên thực tế, chỉ có một tỷ lệ nhỏ ngân sách của Bộ dành cho việc hiện đại hóa thiết bị. “Phần lớn ngân sách dành cho các nhu cầu sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như thuê nhân viên mới. Trong khi đó, chỉ có khoảng 16 đến 17% tổng ngân sách được chi cho mua sắm, đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Mục tiêu hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng của chúng tôi sẽ không được đáp ứng nếu cứ tiếp tục như thế này”.

ĐKN (16.06.2021)

 

 

CSVN lại kêu gọi ‘tránh làm phức tạp tình hình’ Biển Đông

Chiến hạm Trung cộng bắn đại bác trong cuộc tập trận trên Biển Đông từ ngày 4 đến 8 Tháng Sáu, 2021. (Hình: ChinaMil)

Hôm Thứ Ba, 15 Tháng Sáu, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thuật lời Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phan Văn Giang kêu gọi các người đồng cấp ASEAN và Trung cộng “tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).”

Để được như vậy, ông Giang hô hò các bên tranh chấp chủ quyền biển đảo “thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982),” theo TTXVN kể lại cuộc họp trực tuyến bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN-Trung cộng “không chính thức” diễn ra cùng ngày.

Nếu như những gì TTXVN tường thuật thì vẫn chỉ là điều mà các lãnh đạo cấp cao CSVN lặp đi lặp lại mỗi khi gặp mặt các lãnh đạo Trung cộng. Trong cuộc họp nói trên, theo TTXVN, ông Phan Văn Giang “đánh giá cao vai trò của Trung cộng và sự hợp tác quốc phòng-an ninh giữa ASEAN-Trung cộng thời gian qua.”

Ông Giang còn “bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề nghị của Trung cộng nhằm hướng tới tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, cụ thể là giao lưu sĩ quan trẻ, sĩ quan trung cấp và giao lưu giữa các Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng ASEAN-Trung cộng; hưởng ứng việc thiết lập đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN và Trung cộng trên nền tảng Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN.”

Khác với những gì được TTXVN viết khi thuật lại lời ông Phan Văn Giang, Tân Hoa Xã không đả động gì tới chuyện “kiềm chế các hành động” hay “tránh làm phức tạp tình hình” tại Biển Đông. Chỉ thấy Tân Hoa Xã đưa tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa kêu gọi: “Các bên liên quan xây dựng sự đồng thuận, quản lý các sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác để cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.”

Tân Hoa Xã tuyên truyền rằng: “Các lãnh đạo Quốc Phòng ASEAN ca ngợi sự phát triển trong mối quan hệ ASEAN-Trung cộng cũng như cảm ơn sự giúp đỡ chống dịch COVID-19 của Trung cộng.” Đồng thời “Họ bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Trung cộng để bảo vệ tốt hơn cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực.”

Cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN-Trung cộng diễn ra gần một tuần lễ sau cuộc họp cấp ngoại trưởng hai bên ở thành phố Trùng Khánh, Trung cộng. Qua đó thấy đưa ra bản thông cáo chung kêu gọi “Phấn đấu đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến với hiểu biết rằng các hội nghị trực tiếp vẫn là hình thức chủ đạo, hướng tới sớm hoàn tất một Bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982,” theo bản tiếng Việt viết trên TTXVN.

Ba tháng trước, khi Trung cộng đưa hơn 200 chiếc tàu dân quân biển đến đậu lỳ tại đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền, Tướng Phan Văn Giang thấy kêu ca tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội XIII của đảng chiều 28 Tháng Ba” là “Tình hình Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi cần phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài với chiến lược, sách lược mềm dẻo, đúng đắn.”

Nay vẫn chỉ thấy ông Giang hô hò “kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình” trong khi Bắc Kinh giả điếc, vẫn tập trận bắn đạn thật liền liền trên Biển Đông trong lúc đó họ vẫn lớn tiếng kêu gọi các nước nhỏ phía nam cùng “phối hợp nỗ lực để bảo vệ hòa bình khu vực.” 

Đất Việt (16.06.2021)

 

Chuyên gia đánh giá kế hoạch của Mỹ kiềm chế Trung cộng ở Thái Bình Dương

© Ảnh : Official U.S. Navy Page

Ngũ Giác Đài đang cân nhắc thành lập lực lượng tác chiến hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung cộng. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự thuộc Đại học MGIMO bình luận về kế hoạch này.

Đối trọng với Trung cộng

Hoa Kỳ có kế hoạch thành lập lực lượng tác chiến hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung cộng, Politico trích dẫn các nguồn tin thân cận.

“Chúng tôi đang xem xét một số đề xuất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đồng bộ và phối hợp hành động hiệu quả hơn… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, vì có nhiều chi tiết cần được cải thiện”, nguồn này cho hay.

Lực lượng đặc nhiệm hải quân mới sẽ được phát triển theo mô hình của Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương (STANAVFORLANT) mà NATO đã thành lập vào năm 1968. Hiện vẫn chưa rõ liệu lực lượng tác chiến trên chỉ bao gồm các tàu chiến Mỹ hay còn có thêm lực lượng của các quốc gia khác.

Nguồn tin cho biết thêm, Ngũ Giác Đài cũng đang xem xét lập một chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương, qua đó cho phép bộ trưởng quốc phòng Mỹ phân bổ thêm tiền và nguồn lực để đối phó Trung cộng.

Thay đổi trọng tâm

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị-quân sự thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Matxcơva ( MGIMO), Tiến sĩ khoa học lịch sử Alexey Podberezkin bình luận về kế hoạch này của Washington.

“Đối với Hoa Kỳ, Thái Bình Dương – một khu vực chiến lược trong bàn cờ địa chính trị thế giới – có tầm quan trọng lớn nhất, do đó, vài năm trước, họ đã thay đổi trọng tâm trong chính sách quân sự, chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là các vùng biển Đông Nam Á gần biên giới với CHND Trung Hoa. Ở vùng ven biển có các khu vực quan trọng nhất phát triển tiềm năng kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc. Ngoài ra còn có một số vấn đề nan giải khác, từ Đài Loan đến các vùng lãnh thổ tranh chấp và quan hệ của Trung cộng với các đối tác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Nhật Bản và Việt Nam. Do đó, Hoa Kỳ đang chuyển hướng sang các hoạt động ở khu vực này và bây giờ họ đang tăng cường các hoạt động trong khu vực”, – Alexey Podberezkin nói.

Theo ông, Hoa Kỳ hiểu rõ rằng, họ sẽ phải đối mặt với một đối thủ nghiêm trọng.

“Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Họ đã vượt Mỹ và trở thành lực lượng hải quân nhiều tàu chiến nhất thế giới​. Nếu nói về chất lượng, Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng bắt kịp Hoa Kỳ – họ có các chương trình đóng tàu cỡ lớn, tàu ngầm, tàu khu trục. Bắc Kinh đang phát triển không quân hải quân. Người Mỹ nhận thức rõ rằng, trong khu vực này họ sẽ đối đầu với một đối thủ mạnh”, – chuyên gia lưu ý.

Sputnik (16.06.2021)

 

 

Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc việc thành lập lực lượng đặc biệt để đối phó với Trung cộng ở Thái Bình Dương

Hình minh hoạ. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 30/9/2017 Reuters

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc việc thành lập một lực lượng hải quân đặc biệt để đối phó với Trung cộng ở Thái Bình Dương. Báo Politico của Mỹ ngày 15/6 trích hai nguồn tin giấu tên về những thảo luận nội bộ đang diễn ra ở Bộ Quốc phòng Mỹ về kế hoạch này cho biết như vừa nêu.

Theo hai nguồn tin này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đồng thời cân nhắc kế hoạch cho một hoạt động ở Thái Bình Dương cho phép Bộ trưởng Quốc phòng có thể phân bổ ngân sách và nguồn lực bổ sung để đối phó với các vấn đề Trung cộng.

Theo Politico, hai sáng kiến này sẽ giúp tăng thêm sức nặng cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung cộng và gửi đi một tín hiệu rằng chính phủ Mỹ rất nghiêm túc trong việc đối phó với hành động gia tăng quân sự và hiếu chiến của Trung cộng ở khu vực Thái Bình Dương.

Những sáng kiến này được đưa ra vào khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh thời gian gần đây đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông nhằm thách thức những đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung cộng cũng như những hành động quân sự liên tục của nước này ở vùng nước tranh chấp.

Hôm 15/6, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đã vào khu vực Biển Đông để tiến hành các hoạt động tập trận thường kỳ ở vùng nước tranh chấp.

Trước đó, vào đầu tháng 6, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur của Mỹ và tàu khu trục lớp Anzac HMAS Ballarat của Australia đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài một tuần trên Biển Đông.

RFA (16.06.2021)

 

 

Cập nhật tình hình biển Đông ngày 16 tháng 6 năm 2021

USS Ronald Reagan đã vào Biển Đông.

16.6: Chuyển động quân sự Biển Đông, lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Bình Dương

Trong một bài viết độc quyền, tờ Politico ngày 15.6 tiết lộ Ngũ Giác Đài đang cân nhắc thành lập một lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung cộng.

  1. Chuyển động quân sự

Tàu USS Ronald Reagan

Ngày 15.6, Hải quân Mỹ chính thức thông báo nhóm tác chiến hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan đã vào Biển Đông.

Trong khi ở Biển Đông, nhóm tấn công sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay cánh cố định và cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị trên biển và trên không. Hoạt động của hàng không mẫu hạm ở Biển Đông là một phần trong sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài tàu USS Ronald Reagan (CVN 76), nhóm tác chiến còn bao gồm tàu khu trục USS Halsey (DDG 97) và tàu tuần dương USS Shiloh (CG 67).

Trong hôm qua, ảnh vệ tinh phát hiện tàu Ronald Reagan ở phía bắc quần đảo Trường Sa, di chuyển lên hướng bắc. Vị trí tàu này cách Đá Xu Bi khoảng 100 hải lý về phía bắc và cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 75 hải lý. Bám theo HKMH/ Mỹ ở khoảng cách 22,5 hải lý về phía nam là một tàu hộ vệ Type 054A của Trung cộng.

Trong khi đó, Hàng Không Mẫu Hạm Sơn Đông của Trung cộng đã quay trở lại căn cứ ở Tam Á, theo ghi nhận của ảnh vệ tinh ngày 15.6. Như vậy tàu này chỉ ra biển khoảng 4 ngày, phù hợp với nhận định trước đó rằng nó ra khơi chỉ để tránh cơn áp thấp nhiệt đới ập vào Tam Á.

  1. Số lượng kỷ lục máy bay quân sự Trung cộng vào ADIZ Đài Loan

Ngay sau khi nhóm tàu HKMH USS Ronald Reagan vào Biển Đông, Trung cộng đã khai triển số lượng máy bay quân sự lớn nhất từ trước đến nay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong ngày 15.6.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, tổng cộng 28 máy bay quân sự Trung cộng đã bay xuống khu vực tây nam và đông nam của hòn đảo này.

Số máy bay này bao gồm:

1 máy bay săn ngầm Y-8

4 oanh tạc cơ H-6

1 máy bay cảnh báo sớm Y-8

2 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500

14 máy bay tiêm kích đa năng J-16

6 máy bay tiêm kích J-11

Quan sát trên bản đồ do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp có thể thấy các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ được chia thành 3 nhóm.

Một nhóm gồm 10 chiếc J-16 và 6 chiếc J-11 hoạt động ở tây nam Đài Loan, một nhóm 2 chiếc H-6 bay đến phía nam và nhóm thứ 3 gồm 2 chiếc H-6 và 4 chiếc J-16 bay vòng qua phía đông nam hòn đảo này. Động thái điều động ồ ạt máy bay quân sự của Trung cộng có thể là phản ứng trước một trong hoặc cả ba sự kiện: hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào Biển Đông, hội nghị G7 và hội nghị NATO, Trung cộng liên tiếp là mục tiêu chỉ trích và bị xem là thách thức.

  1. Lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương

Trong một bài viết độc quyền, tờ Politico ngày 15.6 tiết lộ Ngũ Giác Đài đang cân nhắc thành lập một lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung cộng. Kế hoạch này nằm trong số những kiến nghị của nhóm công tác về Trung cộng của Bộ Quốc phòng Mỹ được thành lập vào tháng 3 năm nay.

Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói với Politico rằng lực lượng đặc nhiệm hải quân sẽ được xây dựng theo mô hình một đơn vị của NATO được thành lập ở châu Âu từ trước và trong Chiến tranh Lạnh là Lực lượng Hải quân thường trực ở Đại Tây Dương.

Hải đội này là lực lượng phản ứng tức thì có thể nhanh chóng ứng phó với một cuộc khủng hoảng nhưng dành hầu hết thời gian di chuyển quanh khu vực, tham gia các cuộc tập trận theo lịch trình và thực hiện các chuyến thăm cảng thiện chí. Sáu đến 10 tàu từ nhiều quốc gia NATO – gồm khu trục hạm, khinh hạm và tàu bổ trợ – thường được biệt phái vào lực lượng này trong tối đa sáu tháng.

Theo nguồn tin của Politico, hiện vẫn chưa rõ lực lượng đặc nhiệm chỉ bao gồm tàu Mỹ hay có cả sự tham gia của quân đội các nước khác. Chuyên gia phân tích Jerry Hendrix của công ty tư vấn Telemus Group nhận định một lực lượng đặc nhiệm Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp cũng như Nhật Bản và Úc.

Đây là một kế hoạch hứa hẹn và đáng chú ý. Tuy nhiên, nếu được góp ý tôi nghĩ họ cũng nên cân nhắc thêm việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm của tuần duyên đa quốc gia ở khu vực, có thể bao gồm cả các nước ASEAN.

Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn

stopexpansionism.org (16.06.2021)

 

 

Nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ tiến vào Biển Đông

Nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan vừa tiến vào Biển Đông để khai triển hoạt động thường kỳ, Hải quân Mỹ hôm nay thông báo. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng.

Trung cộng phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông vì cho rằng các hoạt động đó ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực. Chuyến đi của nhóm tàu diễn ra sau khi Trung cộng đáp trả việc các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề, trong đó có những hành vi gây bất ổn và thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

“Khi ở trên Biển Đông, nhóm tàu tác chiến thực hiện nhiều hoạt động an ninh biển, bao gồm các chuyến bay của máy bay cánh cố định và cánh xoay, các bài tập tấn công trên biển, bài tập huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa đơn vị trên không và trên biển”, Hải quân Mỹ cho biết.

“Các hoạt động của hàng không mẫu hạm trên Biển Đông là một phần hiện diện của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, thông báo cho biết.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan lần này được hai tàu khu trục tên lửa USS Shiloh và USS Halsey hộ tống.

Trung cộng liên tục gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông trong những năm gần đây. Vùng biển này đã trở thành một trong nhiều điểm nóng trong quan hệ Trung – Mỹ, khi Washington bác bỏ những yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược này.

Các tàu chiến Mỹ cũng tăng cường tần suất đi qua Biển Đông trong những năm gần đây để phô diễn sức mạnh thách thức các yêu sách của Trung cộng.

Theo Reuters (15.06.2021)

 

 

Biển Đông vẫn là “cục xương khó nuốt” trong quan hệ ASEAN – Trung cộng

Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung cộng ở Trùng Khánh hôm 7/6/2021

Tuyên bố chung của ASEAN và Trung cộng

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung cộng đã kết thúc cuộc gặp vào ngày 7/8. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong vòng hơn một năm qua giữa các đại diện ASEAN với Trung cộng, và được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung cộng.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung cộng ngày 8/6 đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tự kiềm chế nhằm tránh các hành động có thể làm “phức tạp hoặc leo thang” tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cam kết nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), song lảng tránh cuộc khủng hoảng Miến Điện. Tuyên bố sau cuộc họp ngoại trưởng ASEAN-Trung cộng có nhắc: “Cải thiện và thúc đẩy an ninh hàng hải, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thể hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động vốn sẽ gây phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Các nhà quan sát ghi nhận là ngôn từ được dùng trong văn bản này cũng giống với các tuyên bố trước đây giữa ASEAN và Trung cộng.

Sự bất đồng vẫn rất lớn

Phải sau khi kết thúc cuộc gặp mặt trực tiếp một ngày thì ASEAN và Trung cộng mới có thể ra tuyên bố chung được. Nguồn tin từ Singapore cho biết sự chậm trễ trong việc ra tuyên bố trên bắt nguồn từ những bất đồng về ngôn từ liên quan vấn đề Biển Đông (1). Vấn đề Biển Đông và cuộc khủng hoảng Miến Điện chiếm phần lớn thời lượng thảo luận trong khuôn khổ cuộc họp diễn ra chiều 7/6 tại thành phố Trùng Khánh, Trung cộng. Trong cuộc họp này, phía Phi Luật Tân đã yêu cầu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn về Biển Đông trong tuyên bố, song yêu cầu này không được đáp ứng. Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của ASEAN tiết lộ điều này chủ yếu là do “Trung cộng và một số… nước ASEAN nhỏ”, ám chỉ Campuchia và Lào. Các nhà ngoại giao Phi Luật Tân cho biết rằng đã có những thảo luận “căng thẳng” giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung cộng và ASEAN tại Trùng Khánh hôm 7/6, trước khi hai bên ra thông cáo chung. Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam đứng về một phía chống lại Trung cộng, trong khi các quốc gia thành viên khác giữ im lặng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là thông báo nói trên không đề cập đến cuộc khủng hoảng Miến Điện, mà chỉ đề cập chung đến việc “duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.

Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Miến Điện U Wunna Maung Lwin ở Trùng Khánh hôm 8/6/2021. AP

Ngoài ra, bản tuyên bố chung này nói rằng bất cứ tranh chấp nào với Trung cộng sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có UNCLOS. Nếu theo UNCLOS, thì các bên có thể mang tranh chấp ra giải quyết tại một Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS như Phi Luật Tân đã làm với Trung cộng năm 2013. Tuy nhiên, một tuyên bố riêng của Trung cộng về kết quả của cuộc gặp cho biết hai bên đã đồng ý “giải quyết và quản lý những sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn,” (2) tức là không đề cập tới việc đưa ra toà án hay trọng tài trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên.

ASEAN và Trung cộng cũng có kế hoạch thúc đẩy việc nối lại các vòng đàm phán về COC và các cuộc đàm phán này sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Trước đó, các nhà đàm phán từng cho rằng vấn đề COC quan trọng đến mức không thể tiến hành đàm phán trực tuyến và tiến trình đàm phán bị đình trệ sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động đi lại hàng không.

Trong một tuyên bố khác của Bộ Ngoại giao Trung cộng, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng “việc láng giềng có vấn đề với nhau là rất tự nhiên” (3).

Tuy nhiên, “những vấn đề” giữa Trung cộng và các nước láng giềng ASEAN mà Vương Nghị nhắc tới trên thực tế đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây. Tuần trước, Mã Lai cho biết 16 máy bay quân sự của Trung cộng đã xâm phạm không phận của nước này trên vùng biển gần đảo Borneo. Ngày 7/6, tại Trùng Khánh, Mã Lai nói với Trung cộng rằng nước này “phản đối sự hiện diện của các khí tài quân sự nước ngoài trái với quyền tự do hàng hải và hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế cũng như không có sự chấp thuận trước của Chính phủ Mã Lai”.

Tháng 4/2021, Việt Nam đã tố cáo Trung cộng đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên tại Biển Đông, đồng thời cho rằng lệnh cấm này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa,  Trường Sa, UNCLOS và DOC. Trong khi đó, Bắc Kinh và Manila đã có những bất đồng kể từ tháng 3/2021 khi Phi Luật Tân phát hiện hơn 200 tàu do lực lượng dân quân biển Trung cộng điều khiển tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu.

Gặp gỡ song phương Việt – Trung

Tân Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc gặp song phương với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị vào ngày 8/6 tại Trùng Khánh.

Bộ trưởng Ngoại giao VN Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao TC Vương Nghị ở Trung Khánh, Trung cộng hôm 8/6/2021. Hình: VNA

Báo chí Việt Nam cho biết, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Trung cộng “tìm giải pháp cơ bản, lâu dài” cho vấn đề Biển Đông (4). Tuy nhiên, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung cộng khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung – Việt: “Trung cộng sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau, hợp tác thực chất sâu rộng theo phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định. Đó là thuộc tính cơ bản và mục tiêu cốt lõi của quan hệ hai Đảng, hai nước nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đẩy mạnh sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội” (5).

Kết luận

Tất cả những điều này cho thấy, các thông tin về kết quả của cuộc gặp mà Trung cộng và ASEAN đưa ra có nhiều điểm khác biệt. Ngay đối với thông tin về cuộc gặp song phương giữa Ngoại trưởng Việt Nam và Trung cộng cũng tương tự. Điều này cho thấy những khả năng như sau: Thứ nhất, cả ASEAN và Trung cộng vẫn chưa xoá bỏ được những bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề; Thứ hai, Trung cộng đang cố gắng tìm cách “tuyên truyền” với thế giới cũng như người dân Trung cộng về “thành công” của hội nghị Trùng Khánh mà Trung cộng là người chủ trì; Thứ ba, vấn đề biển Đông vẫn là “khúc xương khó nuốt” trong quan hệ ASEAN – Trung cộng.

Chỉ khi Trung cộng thực tâm tôn trọng UNCLOS và luật pháp quốc tế, giải quyết vấn đề tranh chấp dựa trên sự bình đẳng về lợi ích, thì các cuộc đàm phán về vấn đề biển Đông mới có tiến triển. Nếu các nước ASEAN không tỉnh táo, để Trung cộng tìm cách dẫn dụ, thì đến khi Trung cộng nắm toàn bộ ưu thế trên biển Đông, thì lúc ấy cơ hội để giữ biển đảo của mỗi quốc gia ASEAN sẽ không còn.

RFA (15.06.2021)