Theo tờ Washington Examiner đưa tin, các nhà lập pháp của Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc pháp lý vào ngày 8/7, yêu cầu các quan chức Châu Âu tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang lợi dụng sức ảnh hưởng kinh tế của mình ở Châu Âu để tránh bị toàn bộ châu lục này tẩy chay.
Ông Reinhard Butikofer, Nghị sĩ quốc tịch Đức của Nghị viện Châu Âu, người dẫn đầu nghị quyết tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022. (Ảnh SAUL LOEB / AFP qua Getty Images)
Ông Reinhard Butikofer, Nghị sĩ quốc tịch Đức của Nghị viện Châu Âu, người dẫn đầu nghị quyết cho biết, “Rõ ràng là một số nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) và Ủy ban Châu Âu không sẵn sàng nói về việc Trung cộng thực thi đàn áp ở Hong Kong… Nhưng Nghị viện Châu Âu có sự đồng thuận rất cao về những vấn đề này. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo chính phủ các nước thành viên của Châu Âu có lập trường cứng rắn (đối với các vấn đề về Trung cộng)”.
Trung cộng đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ EU, mặc dù một số chính phủ quốc gia của EU vẫn còn do dự. Việc Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đàn áp Hong Kong đã khiến phương Tây phẫn nộ.
Để phản bác nghị quyết của Nghị viện Châu Âu, Trung cộng đã chuyển hướng sang Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Tháng trước, chính phủ Hy Lạp đã xác nhận tham gia vào dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung cộng. Ông Mitsotakis còn nhận lời mời của ông Tập Cận Bình, tham gia Thế vận hội mùa đông năm 2022 tại Bắc Kinh.
Trung cộng cũng sử dụng chiến lược tương tự đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Châu Âu, nhưng không hiệu quả. Ví dụ, Litva đã rút khỏi Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “17 + 1” do Trung cộng khởi xướng vào tháng 5 năm nay.
Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho biết vào tuần trước rằng, “Chúng tôi muốn thấy có nhiều quốc gia hơn nữa giống như chúng tôi, bởi vì chúng tôi thực sự cảm thấy cách làm này (của Trung cộng) gây chia rẽ và không lành mạnh đối với Châu Âu”.
Giới chức Litva đang thúc đẩy thay thế Hội nghị thượng đỉnh “17 + 1” bằng “27 + 1”. Hội nghị “27+1” sẽ cho phép các nước thành viên của EU tham gia vào một cuộc đối thoại đơn nhất với Trung cộng.
Trước đó, Pháp và Đức vốn muốn thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư với Trung cộng, nhưng sau khi ĐCSTH trừng phạt các quan chức Châu Âu vì lên án vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh, Nghị viện Châu Âu đã gác lại thỏa thuận này.
Theo Vision Times
NTDVN (09.07.2021)