Úc tiếp tục kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù chính trị Châu Văn Khảm
Ông Châu Văn Khảm tại phiên tòa hôm 11/11/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 30/8 đã có thư gửi Dân biểu Úc Chris Hayes về trường hợp của tù chính trị người Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, cam kết tiếp tục kêu gọi Việt Nam giảm án tù cho ông này.
Ông Châu Văn Khảm, 71 tuổi, Việt kiều ÚC, bị Việt Nam bắt giữ vào tháng 1 năm 2019 và tuyên án tù 12 năm với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ Luật Hình sự.
Ông Khảm bị xác định là thành viên của đảng Việt Tân, một đảng đối lập của người Việt ở nước ngoài bị phía Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.
Dân biểu Chris Hayes và gia đình ông Khảm đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính phủ Úc gây sức ép lên Việt Nam, đòi trả tự do cho ông Khảm, và bày tỏ lo ngại về tình hình sức khoẻ do tuổi cao của ông Khảm.
Trong thư gửi Dân biểu Chris Hayes, Ngoại trưởng Úc cho biết phía đại diện Lãnh sự quán Úc tại TPHCM hôm 21/4 vừa qua đã đến thăm ông Khảm trong trại giam và đưa ra các yêu cầu đối với lãnh đạo trại giam về việc đối xử với ông Khảm ở trong tù.
Ngoại trưởng Úc cam kết sẽ tiếp tục yêu cầu phía Việt Nam xem xét để giảm án cho ông Khảm khi xem xét đến tuổi tác đã cao của ông.
RFA (02.09.2021)
Tôi tin chồng mình luôn là một người chính trực, không bao giờ nhượng bộ trước bất công!
Bùi Văn Thuận lúc bị công an dẫn giải. Ảnh: TTXVN
Xin kính chào các cô chú, chị em thân hữu gần xa. Cháu/em là Nhung, vợ của anh Bùi Văn Thuận. Người đã bị nhà cầm quyền bắt giữ vào ngày 30 tháng 8 năm 2021.
Những ngày qua là những ngày dài đau thương đối với gia đình. Bởi vì anh Thuận luôn là một người chồng, người cha mẫu mực, yêu thương, bảo vệ vợ con. Anh Thuận ít khi trao đổi về chuyện anh ấy đã làm gì, suy nghĩ gì nhưng với những gì đã biết, cháu/em tin chồng mình luôn là một người chính trực, không bao giờ nhượng bộ trước bất công, dẫu biết rằng anh có thể gặp khó khăn bất cứ lúc nào.
Cháu/em xin gởi lời cảm ơn đến những cô chú, anh chị đã luôn gửi lời hỏi thăm, động viên tinh thần đến gia đình trong những ngày qua. Hiện gia đình còn chưa hết bối rối nên đôi lúc không trả lời được hết các tin nhắn của mọi người. Mong các cô chú, anh chị thứ lỗi.
Bé Khỉ Con rất nhớ ba, hỏi về ba rất nhiều vì không thấy ba đâu. Bé con hằng ngày rất là bám ba, quấn quýt ba không rời. Chắc lúc này ba Thuận cũng vậy.
Cháu/em là vợ của anh Thuận, luôn tự hào về anh, ủng hộ và tin tưởng rằng anh không làm gì sai cả, nên sẽ luôn đồng hành cùng anh trên con đường khó khăn phía trước. Hiện gia đình liên lạc với luật sư để gửi đồ thăm nuôi cho anh Thuận, theo luật của nhà nước ban hành. Có thêm tin tức gì mới, cháu/em sẽ gửi tin đến mọi người để biết. Xin cám ơn tình cảm của tất cả mọi người.
TB: Sau khi anh Thuận bị bắt, có một vài dư luận bất ngờ nổi lên, nói không hay về anh Thuận. Vẫn không biết là vì sao, nhưng cháu/em tiếc là khi anh Thuận còn bên ngoài thì lại không nhận được những lời đó công khai để anh trả lời. Lúc này thì cháu/em không thể trả lời thay được. Mong là khi anh Thuận có thể quay trở ra, vẫn còn kịp để đối thoại.
***
Công an có tịch thu một hũ chanh đào mật ong và một thẻ ATM
Kính gửi các cô chú, anh chị.
Vào sáng nay (2/9/2021), cháu/em đã liên lạc với điều tra viên vụ án của anh Thuận để xin được gửi tiền lưu ký và một ít vật dụng, nhưng đươc cho biết rằng sau giãn cách có thể đến thẳng trại tạm giam để gửi, lúc này nơi đó không nhận tiền chuyển khoản.
Theo lời của điều tra viên, thì anh Thuận nhà em đang bị giam ở trại giam Cầu Cao, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Lúc này có đến đấy thì cũng đang trong đợt nghỉ lễ 4 ngày, họ không tiếp ai.
Vào ngày anh Thuận bi bắt (30/8/2021), thì công an có tịch thu nhiều đồ đạc bị coi là chứng cứ, trong đó có một hũ chanh đào mật ong của gia đình cất dùng, và một thẻ ATM trong đó có ít tiền dành dụm từ việc mua bán mật ong mà em và anh Thuận cùng nhau làm, nhưng anh Thuận đứng tên tài khoản vì lo phần thu tiền của khách.
Cháu/em có hỏi điều tra viên về việc muốn lấy lại mấy thứ đó, nhất là vào lúc phải tự xoay sở với bé Khỉ Con mà không còn ba, nhưng điều tra viên tất cả đều là chứng cứ nên khi nào điều tra xong mới có thể lấy lại. Cháu/em cũng xin sao lại một biên bản tịch thu những đồ đạc trong nhà vào lúc sự việc xảy ra, nhưng không được trả lời rõ, điều tra viên chỉ nói là mọi thứ làm theo quy định nhà nước. Có lẽ việc này khi bàn bạc với luật sư, cháu/em cũng sẽ nhờ giúp thêm.
Gia đình em ở Thanh Hóa nhưng Khỉ Con vẫn gọi anh Thuận là “ba”, vì anh Thuận rất thích con gái của mình nói tiếng giống như miền Nam vậy.
Cháu/em xin gửi thêm tin tức đến cô chú, anh chị. Có tin gì mới cháu/em sẽ lại gửi. Xin cám ơn tất cả mọi người đã tiếp tục gửi những lời yêu thương và động viên tinh thần cho gia đình.
Trịnh Nhung (02.09.2021)
Vụ bắt giữ đầu tiên sau chuyến thăm ‘đề cập đến nhân quyền’ của phó tổng thống Mỹ
Facebooker Bùi Văn Thuận bị bắt hôm 30/8 vì cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” Việt Nam với những đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng.
Chính quyền Việt Nam hôm 30/8 bắt giữ Facebooker Bùi Văn Thuận, người có nhiều các đăng tải chỉ trích lãnh đạo Đảng trên mạng xã hội, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm và đề cập đến vấn đề nhân quyền với những người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội.
Ông Thuận, người có trang Facebook “Cha dà Dân tộc” với đăng tải mới nhất nêu ra sự đối chọi trong các phát ngôn của các lãnh đạo Việt Nam – trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – về cách chống dịch COVID-19, bị công an bắt tại nhà riêng ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, sáng ngày 30/8.
Bà Trịnh Nhung, vợ ông Thuận, xác nhận với VOA trong khi truyền thông nhà nước Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ bắt giữ này.
Theo bà Nhung cho biết, gia đình bà bị bất ngờ khi các công an “giả dạng là nhân viên y tế đến để yêu cầu khai báo y tế” vào lúc 8:30 sáng sau đó khám xét nhà và đọc lệnh bắt giữ ông Thuận.
Quyết định của Công an Tỉnh Thanh Hoá mà VOA được xem nói rằng ông Thuận bị khởi tố vì tội “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự, một điều luật thường được dùng để bắt giữ các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Ông Thuận, một giáo viên dạy hoá trước khi trở thành một blogger có tiếng ở Việt Nam, từng được báo Los Angeles Time phỏng vấn vì bị Facebook chặn tài khoản cũng như xoá các bài viết chỉ trích chính quyền, gồm loạt đăng tải về vụ tranh chấp đất đai ở làng Đồng Tâm. Trong một đăng tải về vụ việc gây nhiều tranh cãi này hồi tháng 1 năm ngoái, ông Thuận gọi các lãnh đạo nhà nước là “những kẻ cướp đất” và viết rằng “Những tội ác của các ông sẽ hằn sâu trong tâm trí tôi,” theo LA Times.
Một trong những đăng tải gần đây nhất của ông Thuận đưa ra những phản ánh của người dân về việc “thiếu ăn, thiếu đói” trong lúc TPHCM phong toả vì đại dịch và cho rằng “99% người dân Sài Gòn đang dài cổ chờ bộ đội, cán bộ đi chợ hộ.”
Bà Nhung cho biết chồng bà biết rằng sẽ có ngày bị bắt và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho việc này.
“Anh ấy biết rõ là sẽ gặp nguy hiểm vì đã lên tiếng đấu tranh thì không thể nào yên ổn được,” bà Nhung nói và cho biết tôn trọng những việc làm của chồng mình. “Nhưng (vì) lương tâm không cho phép mình im lặng, sợ hãi hay mình bỏ cuộc nên anh ấy mới làm công việc đó.”
Đây là vụ bắt giữ đầu tiên được biết tới ở Việt Nam sau khi Phó Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Hà Nội hôm 26/8. Trong buổi họp báo cuối cùng, bà Harris cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị của chính phủ Việt Nam khi gặp các lãnh đạo ở Hà Nội. Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền thúc giục bà Harris kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi thăm Hà Nội. Cùng thời gian chuyến thăm này, hai công dân Mỹ gốc Việt được Việt Nam trả tự do, được cho là do sức ép ngoại giao từ Washington.
Các cuộc trao đổi như thả tù nhân chính trị hoặc lương tâm thường được Việt Nam thực hiện trước hoặc trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Hà Nội. Các nhà hoạt động được thả thường được đưa sang Mỹ hoặc các nước châu Âu để tị nạn, bao gồm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang tị nạn tại Texas.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn nói rằng không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở đây và nhà cầm quyền chỉ bắt giữ những ai vi phạm luật pháp.
Theo nhà hoạt động Phạm Minh Vũ, một người bạn của ông Thuận, Facebooker này trước khi bị bắt nói rằng ông sẽ “không nhận tội, không xin ân xá để hưởng khoan hồng hay trao đổi với nhà cầm quyền.” Ông cũng cho biết rằng ông “không thuộc bất kỳ hội nhóm, phe phái hay tổ chức nào” và “không có nhu cầu đi tị nạn chính trị hay ra nước ngoài bằng việc trao đổi tù nhân lương tâm.”
Theo ông Vũ, “việc bắt giữ nhà giáo Bùi Văn Thuận là một hành động đàn áp những tiếng nói tri thức.”
Bà Nhung nói công an không cho biết chồng bà sẽ được đưa đi đâu và sẽ bị giam giữ trong bao lâu.
Điều 117 BLHS Việt Nam quy định mức án tù lên đến 20 năm cho những người bị kết án tội “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
VOA (30.08.2021)
Tiếng nói chỉ trích Nhà nước, ông Bùi Văn Thuận bị bắt
Facebooker Bùi Văn Thuận Facebook
Ông Bùi Văn Thuận, người thường có những bài viết chỉ trích mạnh đối với chế độ tại Việt Nam hiện này, vừa bị bắt trong ngày 30/8.
Quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Tỉnh Thanh Hóa ký ngày 29/8 được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh này phê chuẩn trong ngày 30/8.
Cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên vào tối ngày 30/8 cho RFA biết về thông tin ông Bùi Văn Thuận bị bắt như sau:
“Ông Thuận theo tôi biết là một người có những bình luận về chính trị, thời sự hội VN khá sắc bén được nhiều người ưa thích trên mạng xã hội. Trên bản tin ngắn tôi đưa, tôi có nhắc chỉ sau bốn ngày bà (Phó Tổng thống Hoa Kỳ) Harris rời VN đã diễn ra vụ bắt bớ. Tôi nhận định sau vụ bắt này sẽ còn có những vụ bắt bớ những tiếng nói chỉ trích khác.
Ngoài ông Bùi Văn Thuận bị bắt, tại Vũng Tàu, có Thầy Thích Vĩnh Phước (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận) bị mời đi làm việc sáng nay vì bị nói có những bài viết liên quan dịch COVID-19”
Ông Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, bị cáo buộc vi phạm Điều 117-Bộ Luật Hình sự năm 2015: “Tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Điều luật này đã bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là mơ hồ, tùy tiện mà Nhà nước Việt Nam sử dụng nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đàn áp quyền tự do biểu đạt.
Người bị kết án vi phạm Điều 117 có thể phải đối diện mức án từ một năm đến 20 năm tù giam.
Thống kê cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất chín người theo cáo buộc vi phạm Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
RFA (30.08.2021)
Cách ly xã hội về bản chất không phải là hạn chế quyền tự do đi lại
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, không phải là hạn chế quyền tự do đi lại.
Hiểu cách ly xã hội hạn chế quyền tự do đi lại là đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Ảnh đường phố Hà Nội/Văn Ngân.
Những ngày qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh ỏ khu vực phía Nam …đã tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đại bộ phận người dân tuyệt đối chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng nhằm chung tay đẩy lui dịch bệnh thì vẫn có những ý kiến đi ngược lại số đông, cho rằng cách ly xã hội là hạn chế quyền tự do đi lại của người dân. Quan điểm đó có đúng không, hay chỉ là luận điệu “nói lấy được”, đi ngược lại lợi ích của số đông?
Nhấn mạnh, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý được quy định trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007, PGS TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng nếu được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, hoàn toàn không phải là ngăn cấm giao thông, càng không phải “ngăn sông cấm chợ” hay phong toả xã hội. Do vậy, hiểu cách ly xã hội hạn chế quyền tự do đi lại của người dân là cách hiểu sai về bản chất.
TS Trần Đắc Phu bày tỏ: “Năm 2007, Quốc hội đã có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó quy định rất rõ trong trường hợp bùng phát dịch bệnh phải thực hiện một cách nghiêm ngặt việc cách ly y tế, tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Trong phòng chống dịch, yêu cầu các cấp các ngành phải thực hiện nghiêm để đẩy lui dịch bệnh. Mà các nước cũng đều làm thế cả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chứ không phải mỗi chúng ta”.
Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, ngay điều 1, về các giải pháp cấp bách đã chỉ rõ: căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS, rõ ràng cách ly xã hội để phòng chống dịch là hoạt động đúng luật, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nghị quyết 30 và gần đây nhất là Nghị quyết 86 của Chính phủ và Luật truyền nhiễm 2007 đều quy định rất rõ về cách ly xã hội. Do vậy, cách hiểu đó là hoàn toàn sai và đi ngược lại lợi ích của số đông.
Khẳng định giãn cách xã hội là giải pháp cần thiết và hoàn toàn đúng luật, TS Lê Thanh Vân, đại biểu QH khóa XV cho rằng: hiểu cách ly xã hội hạn chế tự do đi lại của người dân là cách hiểu sai cơ bản về chức năng của Nhà nước trong những tình huống cần thiết như dịch bệnh lây lan. Trong những tình huống đó, việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết:
Lối hiểu cách ly xã hội ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người dân là hiểu sai chức năng của Nhà nước. Trong điều kiện dịch bệnh, không thể để tự do của người này ảnh hưởng đến tự do, sức khỏe và tính mạng của người khác. Hiểu thế là trái với quyền tự do cá nhân, quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Như vậy, giải pháp giãn cách là hoàn toàn đúng luật và là giải pháp cần thiết được Nhà nước đưa ra trong điều kiện dịch bệnh lây lan để bảo vệ cộng đồng.
Nhưng, quan điểm cho rằng cách ly xã hội là hạn chế tự do đi lại của công dân là cách hiểu hẹp hòi, ích kỷ và đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng.
VOV (29.08.2021)
Thêm một người bị Việt Nam phạt tù vì ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’
Ông Ngô Công Trứ tại tòa ngày 25/8/2021. Photo Zingnews.vn
Ngày 25/8, một tòa án ở Phú Yên đã tuyên phạt ông Ngô Công Trứ 10 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” cáo buộc ông tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, theo truyền thông nhà nước Việt Nam. Đây là vụ xử thứ hai ở Việt Nam trong hơn một tuần qua có liên quan đến tổ chức mà chính quyền Việt Nam cho là “khủng bố.”
Trang Công an Nhân dân dẫn cáo trạng cho biết ông Ngô Công Trứ, 33 tuổi, dùng mạng xã hội Facebook và kênh YouTube “Phố Bosa TV”, từ tháng 2/2020, tham gia “Trưng cầu dân ý” (TCDY) theo lời “rêu rao” kêu gọi của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời do ông Đào Minh Quân lưu vong ở Hoa Kỳ lãnh đạo.
Ông Trứ bị cáo buộc “lập hồ sơ, gửi sơ yếu lý lịch, giấy tờ cá nhân, đơn tình nguyện, hình ảnh, video… qua Facebook, email để được cấp bí số, kết nạp thành viên” vào tổ chức này.
Ngoài ra, truyền thông nhà nước cho biết ông Trứ còn “kích động, nói xấu lãnh tụ qua 2 tài khoản khác nhau.” Ông bị bắt hôm 4/2/2021 sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên thu thập các chứng cứ và quyết định khởi tố vụ án.
Trước đó, hôm 16/8, một tòa án ở Nghệ An đã tuyên phạt ông Trần Hữu Đức 3 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” cáo buộc ông tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phạt án tù cao đối với các thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời có trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ.
Vào năm 2018, Bộ Công an Việt Nam liệt nhóm này là tổ chức khủng bố vì cho rằng họ “có hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta hoạt động với phương châm 3 sạch (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), mục đích là thay đổi chể chế chính trị, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.”
VOA (28.08.2021)
Phó Tổng Thống Harris: đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người bất đồng chính kiến
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cho biết hôm thứ Năm đã nêu các vấn đề vi phạm nhân quyền và các hạn chế đối với hoạt động chính trị trong các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tuần này, nhưng không đưa ra chỉ dấu nào cho thấy các cuộc hội đàm đó đạt được kết quả gì.
“Chúng tôi sẽ không né tránh những vấn đề khó nói. Những cuộc đối thoại khó khăn thường phải thực hiện với những người có thể có quan hệ đối tác, ” bà Harris nói trong một cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Năm.
Bà Harris cho biết đã nói chuyện đặc biệt với các lãnh đạo Việt Nam về việc trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, nhưng không đề cập đến kết quả của các cuộc gặp gỡ đó. Việt Nam đã gặp phải những chỉ trích trong việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và báo chí cũng như đàn áp những người mà họ cho là bất đồng chính kiến. Nhưng bà Harris không trả lời khi được hỏi tại sao Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc tương tự như vậy nhưng lại mong muốn có được một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Việt Nam.
Nhận xét của bà tóm tắt về chuyến công du một tuần tới Đông Nam Á, trong đó bà gặp gỡ các quan chức hàng đầu ở Singapore và Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở đó. Bà Harris đã công bố một số thỏa thuận và viện trợ mới của Hoa Kỳ dành cho cả hai nước trong các lĩnh vực như hợp tác bảo vệ mạng với Sài Gòn và viện trợ vắc xin cho Việt Nam hiện đang phải đối đầu với đợt lây nhiễm mới và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Nhưng hôm thứ Năm, bà lưu tâm sang các vấn đề xung quanh quyền tự do dân sự và nhân quyền ở Việt Nam. Bà Harris tham gia vào sự kiện được coi là sự kiện “thay đổi” với các nhà hoạt động về quyền dành cho người đồng tính và chuyến giới – LGBTQ, và biến đổi khí hậu.
“Điều quan trọng là nếu chúng ta phải đối mặt với những thách thức bằng cách cách hợp tác, chúng ta phải trao quyền cho các lãnh đạo trong mọi lĩnh vực, tất nhiên là chính phủ và cả các lãnh đạo cộng đồng, lãnh đạo doanh nghiệp, xã hội dân sự, nếu chúng ta muốn tối đa hóa các nguồn lực mà chúng ta cùng có, ” bà nói.
Trong cuộc họp báo, bà Harris cũng được hỏi về cuộc rút lui hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, nhưng không trả lời trực tiếp khi được hỏi Hoa Kỳ sẽ đánh giá như thế nào về sự thành công của hoạt động sơ tán. Vào thời điểm quan chức Hoa Kỳ cảnh báo về các mối đe dọa khủng bố có thể xảy ra đối với những người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan ở sân bay Kabul, bà Harris cũng bỏ qua một câu hỏi về việc liệu người Mỹ có an toàn hơn bây giờ khi Hoa Kỳ đã rút khỏi đó hay không.
Trong khi bà Harris nhấn mạnh rằng chuyến công du Đông Nam Á nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ tích cực với các nước trong khu vực và mở rộng sự hợp tác và can dự của Hoa Kỳ, bà cũng chú trọng đến thái độ của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, đưa ra nhiều cảnh báo yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động xâm lược Biển Đông.
“Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng sức ép, nói thẳng ra là Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời chúng ta cũng cần thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ,” bà Harris tuyên bố hôm thứ Tư.
Bà Harris né tránh câu hỏi không được chuẩn bị sẵn vốn làm lu mờ chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Guatemala và Mexico vào mùa xuân khi bà nói với những người di cư – “đừng đến” – và việc bà từ chối đến thăm vùng biên giới đã bị cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ trích. Bà Harris đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên ở nhiều thời điểm trong chuyến đi đó, và tham gia một cuộc phỏng vấn truyền hình cáp.
Ở châu Á, bà Harris tập trung vào các cuộc hội họp với quan chức và các điểm thảo luận của chính quyền Biden về Trung Quốc. Trong khi các câu hỏi xung quanh việc Mỹ rút khỏi Afghanistan được đề cập đến nhiều hơn trong ngày đầu tiên ở Singapore, bà Harris nhấn mạnh cùng một thông điệp mà Tổng thống Joe Biden và các phụ tá của ông đưa ra – rằng Mỹ phải tiếp tục tập trung vào các cuộc sơ tán và không xem xét lại những gì đã xảy ra.
Trên đường về nước, bà Harris sẽ dừng chân tại Căn cứ Trân Châu Cảng-Hickam ở Hawaii để gặp gỡ quân nhân. Sau đó, bà sẽ tập trung vào một sự kiện chính trị Hoa Kỳ ở khu vực San Francisco với việc Thống đốc đảng Dân chủ California. Gavin Newsom hiện đối mặt với kỳ bỏ phiếu bãi nhiệm.
Nguồn: AP
Theo VNTB (28.08.2021)