Trận đại dịch làm lộ ra rất rõ nỗi sợ chết của con người. Nỗi sợ này đẩy con người từ cảnh “sống” “hưởng thụ cuộc sống” và “phát triển” vào tình cảnh “tiềm sinh”, “tồn tại”, và “chỉ mong tồn tại”. Tôi thấy mình quả là như thế khi phải bó chân trong nhà, thất nghiệp, tiêu hết tiền dành dụm cho thức ăn, chỉ mong có cái gì để ăn, giữ cho đừng nhiễm bệnh, và tối hậu nhất, đừng chết.
Tôi nhìn thấy, ở quanh tôi thôi, mọi hoạt động tinh thần, những thứ từng giúp con người vươn lên cao hơn kiếp sống động và thực vật, như giáo dục, văn học, nghệ thuật, nghiên cứu, tư tưởng, cho tới giải trí, vui chơi… đang tàn lụi dần. Tôi xem đó như dấu hiệu cho giai đoạn cáo chung của nền văn minh. Khi đói, còn ai cần những sản phẩm đó nữa?
Nhìn ra nước ngoài, tôi thấy hình như họ cảm thấy nhục nhã khi bị nỗi sợ hãi như thế đè sát đất. Họ phản đối vaccine, phản đối phong tỏa, phản đối phân biệt đối xử giữa người chích và không chích vaccine… nghĩa là phản đối mọi chính sách gây sợ hãi.
Tôi cũng thấy nhiều nước chấp nhận sống chung với Covid, như con người từng sống chung với bao vi trùng vi khuẩn và bệnh nan y trên đời từ xưa tới nay. Họ vượt qua sợ hãi để được sống, hưởng thụ cuộc sống, và phát triển. Nếu họ nhiễm bệnh dịch thì lo chữa chạy. Nếu không chữa được thì chấp nhận cái chết, như con người từng đối diện với dịch tả dịch hạch thời trung cổ. Lòng dũng cảm này giúp họ đứng thẳng, thoát kiếp động thực vật, và thực sự làm người.
Trong cơn đại dịch, ngoài những cảnh mưu lợi, bắt chẹt người khác khi khốn khó để thu vén cho mình, tôi cũng nhìn thấy sự dũng cảm của những con người đứng trong hàng ngũ chống dịch, cứu người, và làm những việc thiện nguyện, giúp đồng loại qua cơn hoạn nạn. Chính họ là lực lượng giữ gìn giá trị và nhân phẩm con người.
Tôi cũng nhiễm thuyết âm mưu khi đặt câu hỏi: Sự suy kiệt của một khu vực kinh tế phồn thịnh, suy kiệt của đời sống tinh thần, và suy kiệt sức người và phẩm giá con người… như đang xảy ra quanh tôi thì, về lâu dài, sẽ có lợi cho thế lực nào? Nếu đại dịch có qua đi, chúng ta sẽ dựa vào tiềm lực nào để phục hồi và phát triển, hay sẽ mau chóng rơi vào lệ thuộc ngoại bang?
Dĩ nhiên, có rất nhiều cái để sợ trên đời này. Vấn đề, theo tôi, là đối phó với chúng ra sao để thoát được sợ hãi và giữ vẹn giá trị con người.
PHAM VIEM PHUONG