Nghiên cứu Quốc tế

Phan Nguyên, biên dịch từ Nikkei Asia

27-9-2021

Phản bội. Gian dối. Một cú đâm sau lưng. Một sự bội tín.

Đây chỉ là một vài trong những cách đầy màu sắc mà các quan chức Pháp đã dùng để mô tả quyết định của Australia trong việc hủy bỏ thỏa thuận để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường hồi năm 2016, thay vào đó bằng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh cung cấp.

Bề ngoài, sự phẫn nộ của Pháp – thể hiện qua việc Tổng thống Emmanuel Macron triệu hồi các đại sứ của mình ở Úc và Mỹ – dường như là chính đáng. Rốt cuộc, đã thỏa thuận là thỏa thuận.

Nhưng khi xem xét các vấn đề đã khiến dự án tàu ngầm này thất bại ngay từ đầu – chi phí bị đội giá 30 tỷ đô la, các lần trễ hẹn vô tận, và các cam kết không rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa – bạn có thể thấy sự đồng cảm của mình đối với người Pháp bắt đầu tan biến.

Và khi tôi nghĩ về tất cả những người Úc đã hy sinh để bảo vệ nước Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới vào thế kỷ trước, tôi bắt đầu cảm thấy hơi bực mình trước thái độ ngạo mạn của một quốc gia chưa bao giờ nhấc ngón tay lên để giúp đỡ Australia trong chiến trận. Đó là chưa kể hàng tỷ đô la bị tước đoạt khỏi tay nông dân Úc thông qua các khoản trợ cấp nông nghiệp của châu Âu phần lớn do Pháp thúc đẩy.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, một cuộc xung đột không đe dọa đến Australia, 295.000 người Úc đã tình nguyện lên đường và chiến đấu ở Mặt trận phía Tây. Một phần năm trong số đó đã không bao giờ trở về nhà, trong đó có 53.000 người đã bỏ mạng trên đất Pháp và Bỉ. Thêm 152.171 người Úc khác bị thương, nhiều người còn bị thương nhiều lần.

Người Pháp đã cảm ơn những góa phụ Úc trong chiến tranh và các em bé Úc, những người lớn lên không có cha sau chiến tranh, như thế nào? Bằng cách thu tiền của họ để xây tượng đài cho những người đã hi sinh vì họ. Một số thậm chí còn vớ bẫm thông qua các khoản tiền lại quả.

“Để đáp lại sự hỗ trợ tài chính của Australia, chúng tôi xin đưa ra lời đề nghị này”, thị trưởng thị trấn Steenwer của Pháp viết cho Toàn quyền Australia hồi năm 1920. “Chúng tôi sẽ chăm sóc hài cốt của những người lính dũng cảm của các bạn, và sẽ coi việc chăm sóc những ngôi mộ và trang trí chúng bằng hoa là một vinh dự đối với chúng tôi.”

Hai năm sau, khi một quỹ cựu chiến binh Australia hỏi thị trưởng của thành phố Villers-Bretonneux, Tiến sĩ Jules Vendeville, tiền tiết kiệm của họ nên được sử dụng thế nào để tưởng niệm 2.473 binh sĩ Úc đã hy sinh khi bảo vệ xã này của Pháp, Vendeville đã đề xuất xây dựng một lò mổ.

Cho đến ngày nay, chương trình sách giáo khoa lịch sử quốc gia của Pháp không hề đề cập đến sự tham chiến của Úc trên đất Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, theo Đại học Flinders tại Adelaide.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, 40.500 người Úc khác đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Pháp và các đồng minh châu Âu chống lại cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc xã cũng như những kẻ phản bội người Pháp đã thành lập chính phủ bù nhìn Vichy. Nhưng có bao nhiêu binh lính Pháp đã hy sinh để bảo vệ Australia? Không một ai cả.

Đến năm 1973, Australia và New Zealand, nước cũng đã mất 16.000 binh sĩ tại Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đã buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng tốn kém tại Tòa án Công lý Quốc tế nhằm ngăn Pháp tiến hành các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.

Điều đó đã không ngăn được Pháp tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân ở Thái Bình Dương thêm 22 năm nữa, và sự kiện cuối cùng khiến Pháp phải dừng tay chính là Chiến dịch Satanique, trong đó các đặc vụ Pháp đánh chìm con tàu chủ chốt của Tổ chức Hòa bình Xanh mang tên Chiến binh Cầu vồng ở New Zealand, dẫn đến cái chết của một nhiếp ảnh gia đang ngủ trên tàu.

Cũng trong năm 1973, Vương quốc Anh gia nhập Thị trường chung Châu Âu, cướp đi thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nông dân Úc vì thuế quan và hạn ngạch chống lại các nước không phải thành viên EU. Bơ, pho mát và thịt bò Úc đã biến mất khỏi các kệ hàng siêu thị của Vương quốc Anh, và được thay thế chủ yếu bằng các sản phẩm của Pháp.

“Tôi phải nói với bạn rằng điều đó quá tàn khốc đối với rất nhiều nông dân Australia”, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói như vậy hồi tháng 6 sau khi Australia và Anh ký một hiệp định thương mại tự do để sửa chữa sai lầm lịch sử đó. “Một số người đã phải tự sát, khi đối mặt với những gì đã xảy ra đối với nền nông nghiệp Australia hồi những năm 1970”.

Vậy tại sao Australia lại hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp? Sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc đối với quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường mang tên AUKUS đã nói lên tất cả.

Sự thật là Bắc Kinh không muốn Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân, vốn có thể ẩn mình dưới nước gần như vô hạn. Nói một cách đơn giản, các tàu ngầm của Pháp không còn phù hợp với mục đích bảo vệ Australia trước sự bành trướng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Cũng có những vấn đề khác. Các nhân viên Pháp và Australia làm việc tại Adelaide, nơi các tàu ngầm sẽ được thiết kế và chế tạo, đã không hòa thuận với nhau, khi người Úc kinh ngạc trước việc người Pháp xin nghỉ phép hưởng nguyên lương cả tháng 8, thời gian nghỉ hè truyền thống của người Pháp, trong khi người Pháp cũng ngạc nhiên không kém trước việc người Úc khăng khăng yêu cầu họ phải đi họp đúng giờ.

Tất cả những điều này đã khiến việc triển khai hợp đồng bị chậm trễ liên tục. Năm ngoái, Pháp yêu cầu gia hạn thêm 15 tháng trước khi bàn giao thiết kế, khiến Australia không có gì để báo cáo công chúng sau khi đã thổi bay 400 triệu đô la tiền thuế của dân. Tỷ lệ thiết bị do Úc sản xuất trên tàu ngầm cũng phải bị giảm xuống để tránh tình trạng chậm trễ kéo dài hơn nữa.

Trích dẫn những thực tế này, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác bỏ các tuyên bố rằng người Pháp đã bị sốc với việc Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận năm 2016. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Pháp biết rõ chúng tôi có những quan ngại sâu sắc và nghiêm trọng, rằng các năng lực mà tàu ngầm Pháp cung cấp sẽ không đáp ứng được các lợi ích chiến lược của chúng tôi”.

Những tuyên bố giả vờ ngạc nhiên của người Pháp là phi lý đến mức chúng khiến tôi liên tưởng đến câu thoại nổi tiếng của Đại úy Louis Renault trong bộ phim Casablanca năm 1942, rằng “tôi sốc, sốc quá khi biết rằng” có chuyện đánh bạc diễn ra tại quán Rick’s Cafe.

Giống như một đứa trẻ ăn vạ, Pháp hiện đang tiến hành trả thù, tranh thủ sự ủng hộ của các nước láng giềng để bỏ bom một thỏa thuận thương mại tự do được lên kế hoạch từ trước giữa EU và Australia, tuyên bố rằng Canberra không đáng tin cậy. Và người Pháp có thể sẽ đạt được ý muốn của mình. Ý tôi là, với những người bạn như thế này, ai cần kẻ thù nữa?