Một danh xưng đặc biệt, được một bài viết chơn chất khắc sâu hơn giá trị đặc biệt này. Khi một sĩ quan được binh sĩ dưới quyền gọi là “Ông Thầy”, có lẽ sự vinh dự ấy không hề thua kém khi được quân đội trao tặng huân chương.
(Bài viết chép lại từ trang F của một ông anh.)
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy. “Quân sư phụ” địa vị của ông thầy chỉ dưới vua, mà trên cả cha mẹ. Ðịa vị của thầy cao quý ở thời thịnh nho. Bởi vì thầy thương học trò như con, tận tâm dạy dỗ mà chẳng đòi hỏi phải trả công. Học trò đối với thầy khi sống phụng dưỡng bằng quà lễ tùy theo sức của mình, khi thầy mất đi để tang như cha mẹ.Nho giáo tàn lụi theo thời gian, địa vị “ông thầy” xuống cấp một bậc. Người ta dùng chữ “thầy” để gọi thầy thông ngôn, thầy ký, thầy cảnh sát, thầy đề, thầy hương giáo, v.v….
Chữ thầy mất đi hết ý nghĩa dạy dỗ. Ðến thời chiến tranh, các binh sĩ gọi vị chỉ huy trực tiếp của mình là “ông thầy”. Hai tiếng ông thầy đượm tình chiến hữu, nó được phát sinh ra ở giữa sự sống, và cái chết như đường tơ kẽ tóc, ông thầy của huynh đệ chi binh càng thắm thiết hơn cả anh em ruột thịt. Chỉ có những người cầm súng ở chiến trường mới cảm nhận được điều này. Các vị chỉ huy thích binh sĩ dưới quyền gọi mình là “ông thầy” hơn là chức vị Thiếu úy, Trung úy, Ðại úy hay Thiếu tá, v.v…. Các binh sĩ gọi vị chỉ huy của mình là “ông thầy” với lòng yêu thương và kính mến, sẵn sàng hy sinh và bảo vệ “ông thầy“.
Muốn được binh sĩ gọi mình là “ông thầy” với trọn vẹn ý nghĩa của hai tiếng đó, người chỉ huy phải nêu cao đức tính hy sinh, thương yêu thuộc cấp, đâu phải dễ làm được. Chỉ những quốc gia có chiến tranh như Việt Nam mới phát sinh ra hai chữ “ông thầy” không có nghĩa là sư phụ mà còn cao đẹp và thắm thiết hơn.
Hai tiếng “ông thầy” phổ biến dần vào quần chúng, kẻ dưới muốn lấy lòng người trên, tâng bốc bằng hai chữ “ông thầy“. Trong văn chương cũng có văn sĩ đàn em gọi văn sĩ đàn anh là ông thầy. Nhưng người mở miệng kẻ đón nghe không thể nào cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa. Hai chữ “ông thầy” phải trả nó về vị trí đích thực của nó ở trong tình huynh đệ chi binh. Phải có chút hơi hám lính, hai tiếng “ông thầy” mới thắm thiết nghĩa tình.
Cựu quân nhân lưu vong hải ngoại, mang theo và dấu kín tận đáy lòng hai tiếng “ông thầy“. Còn cảnh nào đẹp và cảm động hơn, một vị chỉ huy tình cờ gặp lại một binh sĩ dưới quyền nơi xứ lạ quê người. Kẻ dưới thốt ra hai tiếng “ông thầy“, vị sĩ quan chỉ huy ứa nước mắt cho hoàn cảnh hiện tại. Chỉ có những người từng cầm súng chiến đấu bên nhau mới cảm nhận. Ngoài ra hai tiếng “ông thầy” còn âm hưởng của ngàn lời thân thiết.
Ngày 30-4-75, một Ðịa phương quân Bà Rịa, vác khẩu trung liên xuống tàu Trường Xuân ở kho năm Thương Cảng Sài Gòn, khi tàu ra khơi lênh đênh trên biển cả, hỏi thăm bạn đồng hành mới biết tàu đi ngoại quốc. Anh ta khóc rấm rứt, than thở không biết ngày nào gặp lại vợ con, cha mẹ. Có người hỏi anh, anh là lính trơn tại sao chạy làm chi mà bỏ vợ, bỏ con. Anh ta trả lời: ông thầy bảo, “Dương Văn Minh đầu hàng rồi, anh muốn đi đâu thì đi.” Cái đầu óc đơn sơ của anh chỉ hiểu “ông thầy” đã không bảo bỏ súng về với vợ con, nên anh vác súng chạy bạt mạng và số may đã đổi đời anh ta.
Câu chuyện có vẻ khôi hài, mà có thật. Anh ta đang sống ở thành phố Philadelphia. Có vợ Mỹ, nên tiếng Anh khá lưu loát, vào quốc tịch Hoa Kỳ, đi làm tại một hãng sản xuất tủ lạnh, lần hồi lên chức cai. Nhà cửa, xe cộ đầy đủ. Cuộc sống mà xưa kia ở Bà Rịa không bao giờ anh nghĩ là mình sẽ có.
Năm 1991, một vị sĩ quan H.O. đến Philadelphia một thân, không vợ không con. Tình cờ quen nhau, ông ta cho tôi biết trước kia ông ở Bà Rịa, và có ý muốn tìm việc làm. Tôi trực nhớ ra anh Ðịa phương quân Bà Rịa nên nhận lời sẽ giúp ông ta tìm việc làm. Trong điện thoại, anh ta vui vẻ nhận lời và nói có thể là “ông thầy” của em, hẹn ngày mai gặp tại hãng tủ lạnh.
Ngày hôm sau, tôi lái xe đưa vị cựu sĩ quan đến hãng tủ lạnh. Phút gặp gỡ hai người nhìn nhau, thoáng một chút ngỡ ngàng. Bỗng nhiên anh ta đứng bật dậy, hai gót chân đập vào nhau, tay đưa ngang mày chào vị H.O., đúng theo lễ nghi quân cách, miệng nói như thét: “ông thầy“, em là xạ thủ trung liên… đây. Anh ta sốt sắng dẫn vị sĩ quan đi gặp chủ hãng giới thiệu “my former boss“, ông thầy lại có thêm cái nghĩa ông chủ cũ. Và dĩ nhiên ông chủ cũ có việc làm ngay.Cuối tuần, một bữa tiệc đoàn viên thầy trò tại nhà anh Ðịa Phương Quân Bà Rịa.
Trong cơn say, anh ta vừa cười vừa nói, “Cám ơn ông thầy, năm bẩy lăm ông thầy ra lệnh bảo đi đâu thì đi, không bảo em bỏ súng về nhà nên em mới có ngày nay, dzô ông thầy một trăm phần trăm dzô.”
Vị cựu sĩ quan H.O. cảm động nói trong nước mắt, “Tôi mất tất cả, nhà cửa thì bị nhà nước cộng sản tịch thu, còn vợ con tôi thì bỏ đi theo người khác, tuổi xuân thì chôn vùi mười năm trong cải tạo. Bây giờ chỉ có thằng em đây cho tôi hai tiếng ‘ông thầy’, nhưng hiện tại nó là xếp của tôi.”
Anh Ðịa phương quân Bà Rịa cười ha hả, “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó ông thầy, dô đi ông thầy một trăm phần trăm…. dzô.”
Mười một năm xa xứ, đây là lần đầu tiên tôi dự một bữa tiệc sảng khoái. Ðọc quyển Trại Tập Trung của nhà văn Duyên Anh, tôi thấy có rải rác chữ “thầy”, rồi “ông thầy” dùng để gọi Quản giáo, ban giám thị trại. Ban đầu tôi tưởng tác giả dùng chữ đễ mỉa mai bọn Quản giáo, và Giám thị trại, nhưng đọc đi đọc lại hai ba lần, tôi tìm không ra cái ý đó. Văn hồi ký rất là hay, tác giả đề cập nhiều câu chuyện cay như ớt hiểm. Nhiều bài thơ cảm động lòng người. Giá đừng có mấy chữ “ông thầy” để gọi bọn Quản giáo, Giám thị trại, thì quyển hồi ký với tôi rất là hay.
Có người bảo tôi rằng: tự nhiên vô công, rỗi việc anh chọc ổ kiến lửa làm chi. Tác giả “Trại Tập Trung” là nhà văn lớn, đã viết cả hàng trăm tác phẩm, anh chữ đực, chữ cái không thông, thì chọc ông ta làm chi, hãy nể nang ông ta một chút.
Tôi, cá nhân tôi chẳng chỉ trích ai cả, tôi chỉ đòi, và muốn đòi lại cho được hai tiếng “ông thầy” để trả lại cho những người có quyền được nhận, thế thôi.
Theo nổi trôi của vận nước, các sĩ quan, binh sĩ quân lực VNCH đã mất tất cả. Họ chỉ còn sót lại có hai tiếng “ông thầy” do tình huynh đệ chi binh mà trong dĩ vãng họ đã chiến đấu bên nhau.
Sao nỡ đành đoạn lấy đi để tặng không cho kẻ thù.