Các nền dân chủ đang thất bại trong việc đối phó với kế hoạch chưa từng có của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do internet toàn cầu, theo Thời báo Epoch Times.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Đây là nhận định của Tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về khoa học chính trị và quản lý công, chủ Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), một người đã có thâm niên nghiên cứu bối cảnh chính trị tại các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Trong bài bình luận được đăng trên Thời báo Epoch Times hôm 6/10, ông phân tích: Hãng tin BBC từng nhận định rằng, trao đổi với các nhà lập pháp tại Anh, Bắc Kinh đã đề nghị tái thiết lập các quy tắc internet trên toàn cầu, với mục đích bề mặt là để đạt được mức độ an ninh ở tốc độ mạng 6G, nhưng việc này lại có thể dẫn đến việc kiểm duyệt mang tính độc tài chặt chẽ hơn.
BBC nhận định: “Trung cộng hiện đang thúc đẩy một phương pháp mới để quản lý lưu lượng truy cập internet, và nếu thành công, điều này sẽ cung cấp một phương tiện dễ dàng để ức chế luồng lưu chuyển truyền thông quốc tế”.
Theo kế hoạch này, người dùng trên khắp thế giới sẽ phải đăng ký sử dụng internet theo một cơ chế trung ương tập quyền. Và chính vì vậy, người dùng cũng sẽ dễ dàng bị hủy đăng ký tùy thích theo ý nguyện của các chính phủ.
Cảnh báo của BBC dựa trên bằng chứng được đệ trình lên Ủy ban Đặc biệt về các Vấn đề Đối ngoại của Quốc hội Anh. Đề xuất của Trung cộng sẽ thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn internet và nhiều khả năng sẽ được thông qua Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), một cơ quan của Liên hợp quốc phụ trách quản lý và điều tiết các công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu.
Truyền thông nhà nước của Trung cộng và Nga hiện có thể tiếp cận dễ dàng thị trường người dùng ở phương Tây để phát sóng tuyên truyền, ví như Tân Hoa Xã khu vực Bắc Mỹ chẳng hạn. Nhưng các quy tắc internet được đề xuất của Liên hợp quốc có thể hạn chế quyền truy cập của người dùng thế giới vào truyền thông phương Tây, đặc biệt khi truyền thông phương Tây là một đối trọng quan trọng đối với các loại tin tức giả tạo (fake news) được tuyên truyền cho người dân ở các quốc gia như Trung cộng.
Các nhóm đề xuất hạn chế internet toàn cầu bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung cộng, tập đoàn công nghệ Huawei và các tập đoàn nhà nước khác của Trung cộng. Trong các tài liệu quảng bá được cung cấp cho Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, họ tô vẽ cho các hạn chế mạng Internet hà khắc bằng những cái tên nghe có vẻ vô hại như “giao thức IP mới” và “mạng truyền thông dọc trong tương lai”.
Những người ủng hộ đề xuất này của Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc lập luận rằng việc cho phép các chính phủ kiểm soát nhiều hơn lưu lượng truy cập internet sẽ giúp tăng cường bảo mật, tối ưu hóa tốc độ và hiệu quả mạng cho các công nghệ như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Họ cho rằng các giao thức internet hiện tại, được thiết kế để sử dụng trong học tập và quân sự, đã lỗi thời.
Theo Tiến sĩ Anders, Đại diện của Huawei tại cuộc họp đã đề xuất rằng chính phủ các quốc gia giành lấy quyền kiểm soát internet từ các nhà mạng hiện tại, hay bất kỳ ai sở hữu máy chủ (server). Họ đã cố gắng khiến các đại diện của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU phải thán phục bằng những hình ảnh hologram (hay còn gọi là ảnh toàn ký) và các ô tô tự lái có kích thước mô phỏng đời thật khi trình bày ý tưởng lần đầu tiên vào năm 2019, nhưng không đi kèm các chi tiết kỹ thuật.
Tất nhiên, Trung cộng cũng đã chủ động và mạnh dạn ứng cử bản thân cho vai trò xây dựng mạng lưới IP Mới này, vốn là trọng tâm trong “chính sách đối ngoại kỹ thuật số” của chính quyền này. Tờ Financial Times vào năm 2020 cho biết một đại diện của Huawei đã tuyên bố rằng họ đang “lãnh đạo một nhóm Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU tập trung vào công nghệ mạng tương lai cần thiết vào năm 2030 và hệ thống IP mới đang được điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu đó”.
Theo Tiến sĩ Anders, một số người cho rằng hệ thống Internet không được kiểm soát hiện nay trên thực tế đang nằm trong tầm kiểm soát của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ, bao gồm Apple, Google, Facebook và Amazon. Vì vậy, sự chuyển đổi từ một hệ thống không được kiểm soát này mà người Mỹ đang thống trị này sang một hệ thống có chịu kiểm soát do Trung cộng thống trị sẽ là một tổn thất lớn đối với nền dân chủ và phân quyền trên quy mô toàn cầu. Ngay cả khi Trung cộng không thống trị Internet, các quy định mới mà nước này đề xuất triển khai tại Liên Hợp Quốc có thể trao quyền cho các chính phủ trước sự tổn thất của người dân.
“Lấy ví dụ như Mỹ, Anh và châu Âu, chính phủ những nước này đang rất hứng thú với việc điều chỉnh hệ thống internet hiện tại nhằm tăng cường quyền lực điều tiết và cung cấp cho các cơ quan tình báo các nước quyền truy cập nhiều hơn vào dữ liệu cá nhân người dùng”, theo tờ Financial Times.
Đây có thể là nguyên nhân tại sao các nền dân chủ hàng đầu đã thất bại trong việc phản đối những ý tưởng điều tiết Internet phi tự do của Bắc Kinh cho một mạng lưới Internet toàn cầu. Bản thân những nước dân chủ này trên thực tế cũng đang tìm cách thu hẹp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư người dùng ở chính nước họ để thuận tiện hơn trong việc thực thi luật, lấy ví dụ như để chống các tổ chức cực đoan (khủng bố).
Một lời giải thích khác cho sự thất bại của phương Tây trong việc chống lại kế hoạch của Bắc Kinh trong việc chia cắt và cai trị mạng internet toàn cầu là các chính phủ này có thể đang bất lực trước đề xuất của Bắc Kinh, không thể làm gì hơn ngoài việc trừng phạt kinh tế những đối thủ của họ. Dù sao đi nữa, bản chất phi kiểm soát của internet toàn cầu hiện nay đã tạo ra các khoảng trống quyền lực chờ các chính phủ độc tài lấp đầy.
Theo Financial Times, các nguồn tin tại các cuộc họp của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU năm 2019 và 2020 khẳng định rằng “Ả Rập Xê-út, Iran và Nga trước đây đã thể hiện sự ủng hộ đối với các đề xuất của Trung cộng về các giải pháp công nghệ mạng thay thế”. Không chỉ vậy, “Các đề xuất này tiết lộ rằng khuôn khổ cho hệ thống Internet mới này đã được vạch ra và việc xây dựng đang được tiến hành. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tùy ý áp dụng”, báo cáo cho biết.
Về cơ bản, chính phủ các quốc gia đang kiểm soát các đường ống dữ liệu mà Internet lưu chuyển bên trong. Trong khi giới Phương Tây cho phép luồng dữ liệu được tự do lưu chuyển, thì theo đề xuất mới của Trung cộng họ sẽ sáng chế thêm các biện pháp kiểm soát đối với dữ liệu, và đề xuất các nước khác học theo.
Theo các chuyên gia từ tổ chức Bảo vệ Các Nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies), “Cái gọi là bảo mật nội tại có nghĩa là các cá nhân phải đăng ký sử dụng internet và chính quyền có thể tắt truy cập internet của người dùng bất cứ lúc nào. Nói một cách dễ hiểu, Huawei đang tìm cách tích hợp các cơ chế ‘tín dụng xã hội,’ giám sát và kiểm duyệt đang được áp dụng ở Trung cộng vào kiến trúc internet toàn cầu”.
Hãng tin BBC đưa ra quan điểm cho rằng, nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh, chưa công khai phản đối các đề xuất nguy hiểm như vậy của Trung cộng với lực độ đủ mạnh mẽ, và Trung cộng có thể dễ dàng thông qua những đề xuất bằng các chiêu trò Ngoại giao ngân phiếu đối với hầu hết các quốc gia tại Liên hợp quốc. Ngoại giao ngân phiếu ở đây là chính sách đối ngoại sử dụng những hỗ trợ kinh tế và đầu tư giữa các quốc gia nhằm mang đến sự ủng hộ về mặt ngoại giao. Không chỉ vậy, các phương tiện truyền thông phương Tây đôi khi còn lặp lại các ngôn luận của ĐCSTH về vấn đề này, và đây là một quan ngại lớn.
Lấy ví dụ, vào năm 2020, các phóng viên của tờ Financial Times của Anh đã tuyên bố rằng, “Các chính phủ ở khắp mọi nơi dường như đều đồng tình rằng mô hình quản trị internet ngày nay – về cơ bản, sự tự điều chỉnh vô luật lệ của giới tư nhân, vốn chủ yếu là các công ty Mỹ – đã bị phá vỡ”.
Thật vậy ư? Nếu điều đó là thật, thì theo Tiến sĩ Anders các chính phủ ở khắp mọi nơi cần được dạy lại về tầm quan trọng của tự do ngôn luận và dân chủ. Mỹ hiện đang dẫn đầu trong việc bảo vệ các nguyên tắc này, dù với lực độ khá yếu ớt, nhưng vẫn triệt để hơn hầu hết các nền dân chủ ở châu Âu và châu Á.
Tóm lại, ĐCSTH tìm cách xuất khẩu quyền kiểm duyệt internet của mình ra toàn cầu và trục lợi trong quá trình này. Các nền dân chủ đã không làm trọn trách nhiệm của họ, đó là bảo vệ các quyền tự do mà những người sáng lập của họ đã chiến đấu và hy sinh để giành được.
Theo Tiến sĩ Anders, các công dân bình thường phải thúc đẩy và gây áp lực cho chính phủ của họ để bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền tự do internet của công dân. Công dân ở các nền dân chủ cần phải tận dụng quyền tự do ngôn luận để làm điều này, điều mà họ có thể sắp bị tước đoạt vào ngày mai nếu các nền dân chủ thuận theo Bắc Kinh.
ĐKN (07.10.2021)