Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là giáo sư Huân Công của đại học George Mason tiểu bang Virginia và là cựu thành viên cao cấp không thường trú của Viện nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế CSIS của Hoa Kỳ có trụ sở tại thủ đô Washington DC
Đinh Quang Anh Thái
***
VẤN ĐỀ NƯỚC MỸ:
ĐQAT: Nước Mỹ đã và đang tiếp tục bị chia rẽ về những vấn đề kinh tế, lạm phát, di dân, phá thai v.v. Cả hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa đều không đưa ra được một giải pháp nào có khả năng giải quyết các vấn đề này và đoàn kết quốc gia: Xin thỉnh ý giáo sư về từng vấn đề một: tình hình kinh tế, lạm phát, di dân, phá thai. Ông Trump năm 2016 đột ngột tham gia chính trường và trở thành một hiện tượng như một giáo chủ của một giáo phái. Có cách nào, qua hiện tượng Trump, để giải mã xã hội Mỹ?
NMH: Ông Trump nổi tiếng là tay nói dối không ngượng mồm (a serial liar). Người ta đếm được hơn 30,500 câu nói sai của Trump trong 4 năm ông làm Tổng Thống, nghĩa là nói sai 20 lần một ngày. Ông Trump còn dự mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020 và xúi giục đám đông bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Môt người bất xứng như thế mà được một nửa dân chúng Mỹ ủng hộ thì phải thấy hai điều: 1) sự bất mãn và chia rẽ trầm trọng trong xã hội Mỹ, và 2) sự tuột dốc đạo đức và tinh thần của người Mỹ.
ĐQAT: Bà Harris nổi bật lên sau khi Tổng thống Biden “trao lại bó đuốc” cho bà; theo quan sát của giáo sư, bà Harris đã đủ tầm vóc của người lãnh đạo quốc gia và tổng tư lệnh tối cao quân đội?
NMH: Một người nói dối như cuội, tính khí bốc đồng, thiếu hiểu biết và háo thắng như Trump mà còn từng làm được Tổng Thống thi khó bảo rằng Harris không có khả năng làm Tổng Thổng.
Mười tướng lãnh cao cấp của Mỹ trong một lá thư công bố ngày 9/9 cho rằng bà Harris là “ứng viên tổng thống duy nhất” có đủ khả năng làm Tổng Tư Lệnh quân đội và coi Trump là một “đe dọa cho nền an ninh và dân chủ của chúng ta.” Sau đó, ngày 18/8, hơn 100 trăm cựu viên chức Cộng Hòa, trong đó có nhiều người giữ trọng trách trong lãnh vực ngoại giao, quốc phòng, và an ninh của Mỹ, cũng ký chung lá thư ủng hộ bà Harris vì bà “hội đủ những khả năng cần thiết để làm Tổng Thống.” Gần đây, ngày 21/9, 741 cựu tướng lãnh và viên chức cao cấp trong lãnh vực an ninh quốc gia ký chung một lá thư ủng hộ bà Kanala Harris làm Tổng Thống và chê Trump “hành động bốc đồng và thiếu kiến thưc” (impusive and ill- informed.” Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, John Bolton cho rằng Trump “không đủ tư cách (unfit) làm Tổng Thống.”
ĐQAT: Trong cuốn sách tựa đề là Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment, tạm dịch là bản sắc: đòi hỏi phẩm giá và chính trị phẫn nộ, học giả Francis Fukuyama cho rằng, không riêng nước Mỹ, mà tại nhiều nước khác, người dân đang đòi hỏi phẩm giá (demand for dignity) và sinh hoạt chính trị hiện nay là chính trị của sự phẫn nộ (the politics of resentment); giáo sư nghĩ sao về nhận đình này ạ?
NMH: Tôi đồng ý với học giả Francis Fukuyama.
ĐQAT: Kết quả cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới có giúp “định hình lại” (re-shape) hình ảnh nước Mỹ đối với dân Mỹ và đối với thế giới không ạ?
NMH: Tình hình ra sao sẽ tùy thuộc kết quả bầu cử. Nếu Trump thắng thì tư thế quốc tế của Mỹ sẽ bi sa sút, các liên minh quân sự của Mỹ sẽ lủng củng vì người ta không tin vào cam kết và đương lối cũa Mỹ. Vị thế của Trung Quôc và Nga sẽ tương đối tăng cường. Ukraine sẽ thất thế. Nếu Harris thắng thì Mỹ có cơ hội tiêp tục củng cố các liên minh hiện hữu và giữ vai trò lãnh đạo Tây phương.
Dù ai thắng thì vị thế tương đối của Mỹ trên thế giới cũng sẽ xuống cấp, và cần nhiều cố gắng trong nhiều năm mới có hy vọng phục hồi. Thế cân bằng lực lượng trên thế giới đang thay đổi.
Hơn 30 năm trước, vơi sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản Đông Âu và Liên bang Sô Viết (1989-1991), Mỹ trở thành môt siêu cường độc tôn. Học giả Francis Fukuyama cho ra đời cuốn sách “The End of History,” (1992) tuyên bố Mỹ đã thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, lịch sử đã chấm dứt, từ nay thế giới chỉ còn con đường phát triển duy nhất theo mô hình Mỹ. Đó là chính trị dân chủ và kinh tế thị trường. Hoa Kỳ lúc ấy vượt trội hơn mọi nước trên thế giới về 3 phương diện:
1/ Về quân sự, Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng tham chiến bất cứ ở đâu, dưới bất cứ hình thức nào, nhở hệ thông liên minh và sư hiện diện quân sự của Mỹ trên khắp các châu lục.
2/ Về kinh tế, Hoa Kỳ là nước giàu có nhất, phát triển nhất, có kỹ thuật cao nhất, và đồng dollar trở thành một loại tiền tệ quốc tế trong trao đổi thương mại giữa các quốc gia, trong nền kinh tế toàn cầu hóa mà Hoa Kỳ lãnh đạo.
3/ Về chính trị, nền dân chủ của Hoa Kỳ được coi là khuôn mẫu của cách tổ chức chính trị của mọi nước.
Những điều đó ngày nay không đúng nữa. TẠI SAO?
Về quân sự, các liên minh của Mỹ bắt đầu có triệu chứng lủng củng. Thất bại của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, thách thức quân sự của Trung cộng và Nga cùng với các tổ chưc khủng bố, và sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ Mỹ khiến các đồng minh không còn tin tưởng vào khả năng và cam kết của Mỹ, và không còn gắn bó vững chắc với Mỹ như xưa. Thêm vào đó, khó khăn kinh tế và đấu tranh đảng phái trong nước cũng làm khả năng quân sự của Mỹ bi hạn chế.
Về phuơng diện kinh tế, tuy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn khá hơn các đồng minh Âu châu và Trung cộng nhưng vẫn còn khó khăn, như lạm phát, thất nghiệp.
Thay vì khuyến khích thương mại tư do, Hoa Kỳ đã phải áp dụng biện pháp bảo vệ thị trường và điều chế thương mại (managed trade). Vì nhu cầu tranh cử, cả hai ứng viên Tổng Thông đều đưa ra những hứa hẹn mà nếu áp dụng sẽ tăng thâm thủng ngân sách Mỹ lên từ 2 tỷ dollars (Harris) đến 4 tỷ dollars (Trump). Hiện nay, nợ công của Mỹ lên tới con số kỷ lục là 35 tỷ dollars.
Về phuơng diện chính trị, hiện tượng Trump và cuôc bạo loạn 6/1/2021 biến Mỹ thành một quốc gia thuộc thế giới đệ tam chậm tiến chính trị. Việc Trump thán phục các lãnh tụ độc tài như Kim Il Sung, Vladimir Putin, và Victor Orban khiến người ta nghi ngờ giá tri và sự rao giảng dân chủ của Mỹ.
Tệ nhất là hiện tượng xuống cấp đạo lý/tinh thần (moral decay) của dân chúng và các nhà lãnh đạo Mỹ, thể hiện qua việc xử dụng võ lực trong đời sống hàng ngày, ngôn ngữ quá khích, cuộc bạo loạn ngày 6/1/2020, và thái độ dung thứ cho những loại hành động ấy.
ĐQAT: Giáo sư đánh giá như thế nào về kinh tế Mỹ trong 4 năm của ông Trump? Thời ông Trump kinh tế như vậy là do tài ông Trump hay do chu kỳ lên xuống của kinh tế Mỹ? Ông Biden bị chỉ trích nặng nề vì kém tài kinh bang tế thế nên giá cả tăng, xăng dầu tăng, lạm phát cao, nhà cửa giá cao ngất ngưởng, giáo sư nghĩ sao? Về còn số và thống kê thì thực tế kinh tế dưới thời ông Biden có tệ như người ta chỉ trích không? Đại dịch Covid-19, Nga xâm lăng Ukraine, cuộc chiến Hamas-Israel tại Gaza, đã ảnh hưởng ra sao đối 3 năm rưỡi cầm quyền của ông Biden? Bất cứ Tổng thống nào khác rơi vào tình thế như thế có làm khá hơn được không ạ?
NMH: Phải phân biệt giữa nhận thức (perception) VỀ sự thật VỚI sư thật (truth). Ông Trump thường rêu rao kinh tế Mỹ dưới thời Trump ngon lành nhất trong lịch sử, và ông ta còn nói kinh tế duới Biden tệ hại nhất. Những người muốn tin ông Trump thì tin như thế. Nói mãi, người khác cũng có thể tin.
Sự thật là gì?
Nói một cách tổng quát, so với sự suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, kinh tế Mỹ vẫn vững chắc hơn kinh tế Âu Châu và Trung cộng. Hơn nữa, kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Quyết đinh giảm lãi xuất 0.5% của Quỹ Dự Trữ Liên Bang mấy tuần trước là một chỉ dấu tích cực cho thấy các lãnh đạo kinh tế-tài chánh của Mỹ tin rằng kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh an toàn” (soft landing)
Dưới thời Trump, Mỹ không có nền “kinh tế ngon lành nhất trong lịch sử” như Trump khoe khoang. Vì đại dịch Covid-19, chỉ trong hai tháng 3 và 4 năm 2020, nển kinh tế Mỹ đã mất đi gần 22 triệu việc làm. Giai đoạn 2017-2021, mức tăng trưởng trung bình của tổng sản lượng quốc gia là 2.3%. Dưới thời Biden, mức tăng trưởng trung bình của tổng sản lượng quốc gia là 2.2%, nghiã là không khác nhau bao xa.
Mức lạm phát dưới thời Trump là 1,23%. Thời Biden, lạm phát lên cao nhất là 9.1% năm 2022 nhưng xuống 3%, rồi 2.5%. Gói kích cầu của Biden cũng góp một phần nào vào mức lạm phát này. Trong lãnh vực này, Trump làm tốt hơn Biden.
Nhưng nói đến lạm phát thì phải so nó với luơng bổng. Trong quý đầu của năm 2024, luơng trung bình mỗi tuần của cá nhân lên tới $1,527, số tăng lớn nhất trong hai thập kỷ. Riêng tại những tiểu bang quan trong như Georgia, Michigan, Nevada, và North Carolina, luơng trung bình mỗi tuần gia tăng 3.5% so với năm ngoái 2023. Nghĩa là lương tăng nhanh hơn lạm phát.
Về công ăn việc làm, Covid 19 đã tạo ra nạn thất nghiêp cao nhất dưới thời Trump. Chỉ trong hai tháng 3 và 4 năm 2020, nền kinh tế Mỹ bị mất 21 triệu 900 ngàn công việc. Ba năm đầu trước Covid, Trump chỉ tạo thêm 7 triệu viêc làm, nhưng từ khi Biden chấp chính, số viêc làm tạo thêm là 16 triệu. Khi Trump hết nhiệm kỳ, mức độ thất nghiệp là 7%. Với Biden, tỷ lệ thất nghiệp 3.4% là tỷ số thấp nhất trong 80 năm qua. Trong lãnh vực này, Biden làm tốt hơn.
Điều cần lưu ý là Trump được thừa hưởng một nền kinh tế tốt đẹp do Obama để lại. Năm 2009, khi Obama nhậm chức, ông phải đối phó với cái mà Chủ Tich Quỹ Dự Trữ Liên Bang Ben Bernanke gọi là “cuộc khủng hoảng tài chánh tệ hại nhất trong lịch sử thế giới,” kể cả cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929. Chinh sách của Obama giúp nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng ấy và để lại cho Trump một nền kinh tế đang đi lên.
Thời Trump, việc giảm thuế năm 2017 đã tạo được một lực đẩy nhỏ nhưng ngắn hạn cho nền kinh tê Mỹ. Trong khi đó, chính sách ngoại thương của Trump gây tổn hại cho giới tiêu thụ và thương gia, và có thể làm cản trở mức tăng truởng kinh tế của nước Mỹ.
VẤN ĐỀ THẾ GIỚI:
ĐQAT: Đã hơn hai năm kể từ ngày Putin ra lệnh quân Nga xâm lặng Ukraine; cả hai bên đều tổn thất nặng; phương Tây và nhất là Mỹ đã trợ giúp tiền tài, võ khí cho Ukraine; giáo sư có thấy “chút ánh sách cuối đường hầm” nào cho cục diện Ukraine?
NMH: Cục diện Ukraine cũng như an ninh Âu Châu chịu ảnh hưởng của Mỹ. Do đó, kết quả của bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội Mỹ tháng 11 sắp tới có tính cách quyết định. Nếu Trump thắng, Ukraine sẽ bị ép buộc phải nhân nhượng các đòi hỏi của Nga về lãnh thổ cũng như chính sách ngoại giao. Nêu Harris thắng, Mỹ và theo đó Âu Châu, sẽ giúp Ukraine để tạo lợi thế chiến trường nhằm đạt được một giải pháp hòa bình thuận lợi để Ukraine có thể 1) kiểm soát lãnh thổ tối đa; và 2) duy trì triển vọng gia nhập NATO hay hội nhập với EU.
ĐQAT: Nước Mỹ có truyền thống không kiên nhẫn khi tham chiến ở hải ngoại hoặc trợ giúp một nước khác đối đầu với quân địch; Việt Nam, Afganistan, Iraq…là những thí dụ. Với Ukraine, liệu nước Mỹ có tránh khỏi “lòng thương mệt mỏi” và bỏ mặc Ukraine đối đầu với Putin?
NMH: Nguy cơ ấy có. Thiếu kiên nhẫn và khuynh hướng biệt lập (isolationism) là những lực lượng tiềm ẩn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tham vọng lãnh thổ và ước mơ của Putin muốn phục hồi vinh quang cũ của Nga đe dọa nhiều quốc gia Âu châu (Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Modovia, các nước vùng Baltic). Các nước này sẽ cưỡng lại Nga nếu có thể. Đó sẽ là sức đẩy cho sự can dự và cam kết của Mỹ.
ĐQAT: Trump thắng thì chính sách của Mỹ với Ukraine ra sao; Harris thắng thì có giữ nguyên lập trường của Biden là ủng hộ hết lòng Ukraine?
NMH: Trong cuộc tranh luận vừa qua giữa Trump và Harris, Trump tuyên bố nếu thăng cử ông ta sẽ nói chuyện với Putin, nói chuyện với Zelensky và hòa binh sẽ đến trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống. Nội dung chính sách ấy một phần nào được ứng viên Phó Tổng Thống là ông JD Vance tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ông Vance nói rằng, kế hoạch hòa bình là Nga được giữ các vùng họ đã chiếm của Ukraine; sẽ có một vùng phi quân sự, và Ukraine phải theo chính sách trung lập, đồng thời không được gia nhập NATO.
Nếu Harris thắng, bà đã từng hứa hết lòng ủng hộ Ukraine. Nhưng có làm được hay không cũng tùy Quốc Hội Mỹ.
ĐQAT: Tình hình tại Dải Gaza: hết lòng bênh Israel cũng kẹt, mà hết lòng bênh Palestine cũng không được. Liệu giải pháp hình thành quốc gia Palestine để cùng tồn tại chung biên giới với Israel có khả thi không?
NMH: Khó vô cùng. Vì một mặt Hamas không chấp nhận sự hiện diện của Do Thái trong khi chính quyền Abbas hòa hoãn lại suy yếu. Măt khác, vì Do Thái từ lâu có chính sách di dân giành đất nhằm chia cắt lãnh thổ có thể dùng làm một quốc gia Palestine độc lập. Chính sách di dân giành đất nhằm chia cắt lãnh thổ của Do Thái tiếp tục gia tăng sau cuộc bạo động khủng bố của Hamas ngày 07/10/2023.
ĐQAT: Xin giáo sư giúp giải thích giùm tại sao xưa nay không có chính quyền Mỹ nào dám công khai chống Israel. Quyền lực của người Do Thái đến từ đâu mà mạnh đến như thế?
NMH: Mấy lý do chính: 1) mặc cảm tội lỗi đã không ngăn chính sách diệt chủng của Hitler đối với người Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến; 2) Hệ thống tài chánh và truyền thông lớn ở Mỹ là do người Mỹ gốc Do Thái kiểm soát; và 3) các chính tri gia Mỹ vì nhu cầu tranh cử lệ thuộc vào sự ủng hô của thành phần thân Do Thái của ngươi Mỹ gốc Do Thái, đặc biệt là The American Israel Public Affairs Committee (Ủy Ban Vận động công chúng của người Mỹ gốc Do Thái) ; 4) Nhiều tổ chức tôn giáo của Mỹ theo đạo thiên chúa không có cảm tình với người Palestine theo Hồi giáo; và 5) chính sách và nhu cầu cá nhân của Thủ Tướng Do Thái Netanyahu, với sự trợ giúp của đảng Cộng Hòa.
ĐQAT: Giải pháp nào cho cuộc chiến Israel-Hamas?
NMH: Người ta nói nhiều đến giải pháp hai quốc gia độc lập sống hòa bình cạnh nhau. Với chính sách của chính quyền Do Thái hiện nay (là chia cắt và lấn chiếm đất Palestine) thì giải pháp này hai quốc gia sống cạnh nhau rất khó đươc thực hiện. Đó là chưa kể sự chia rẽ trong nội bộ Palestine.
VẤN ĐỀ VIỆT NAM:
ĐQAT: Trong vòng hơn năm qua, nội bộ đảng CSVN có nhiều thay đổi có thể nói là “long trời lở đất” vì một loạt lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ phải rời khỏi chức vụ “vì những sai phạm”, như chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, thường trực ban bí thư Trương Thị Mai, trưởng ban kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh… Theo giáo sư, nhân sự lên xuống như thế là do chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng hay là phe phái thanh toán nhau?
NMH: Chiến dịch đốt lò là chính. Thanh toán phe phái là phụ. Một đằng là mục tiêu, một đằng là cơ hội.
ĐQAT: Thưa giáo sư, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đảng CSVN và là Chủ tịch nước của Việt Nam, trong đi Mỹ kỳ hôm 21 tháng 9 vừa qua nhằm tham dự buổi họp của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã đến thăm và phát biểu tại Đại học Columbia ở New York. Trong phần nói về QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ, ông Tô Lâm nhắc lại rằng, gần 80 năm trước, trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã trích những lời bất hủ từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ về sự bình đẳng và các quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Và chỉ trong 2 năm từ 1945-1946, ông Hồ Chí Minh đã viết 8 bức thư và điện cho Tổng thống Harry Truman khẳng định Việt Nam mong muốn “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.
Ông Tô Lâm nói rằng, do những khúc quanh của lịch sử, phải mất 50 năm sau đó Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ và trong gần 30 năm qua, từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện.
Ngoài ra, trong bài phát biểu kỷ niệm 1 năm Việt Nam được Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ông Tô Lâm nói rằng, trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh ông Hồ Chí Minh. Và hôm 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.
Theo nhận định của giáo sư, tại sao ông Tô Lâm lại đưa ra những lời phát biểu như vậy vào thời điểm này?
NMH: Dưới thời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, bang giao Việt-Mỹ đã được nâng cấp hai bậc từ đối tác toàn diện vượt qua đối tác chiến lươc để lên tới đối tác chiến lược toàn diện. Điều này chứng tỏ bang giao Việt-Mỹ đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Từ lâu truyền thông Việt Nam khi nói đến quan hệ hai nước thường dẩn chứng lời nói của ông Hồ Chí Minh để chứng tỏ chính ông Hồ Chí Minh chứ không phải ai khác muốn “hợp tác đầy đủ” với Mỹ, và các hậu duệ của ông Hồ, trong đó có ông Tô Lâm, chỉ thực hiện chính sách có thể gọi là “thân Mỹ” của ông Hồ.
Tuyên bố của ông Tô Lâm, một mặt là câu nói để lấy lòng nước chủ nhà, mặt khác nó xác định mức độ quan hệ tăng cường giữa hai nước thể hiện qua viêc Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang và một phái đoàn cao cấp thăm viếng nước Mỹ cùng trong một tháng với chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Đối với ông Tô Lâm, chuyến đi Mỹ quan trọng trong thế “ngoại giao cây tre” của Việt Nam –uyển chuyển nhưng vững chắc– nhằm cân bằng quan hệ với hai đại cường cực kỳ quan trọng đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, nhất là sau khi ông ta đã chọn Trung cộng là quốc gia đầu tiên đến thăm chính thức với tư cách Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước.
ĐQAT: Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, lúc sinh thời, luôn tự hào là Việt Nam có đường lối ngoại giao cây tre, tức là không đứng về một phía nào, vậy lời ông Tô Lâm nói liệu có thể hiểu là Hà Nội đang có khuynh hướng nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ?
NMH: Chính ông Trọng trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 đã tuyên bố tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn rằng Hoa Kỳ là “địa bàn cực kỳ quan trọng của hoạt động ngoại giao Việt Nam.” Ngày nay, chính sách đối ngoại của Việt Nam nghiêng về Mỹ hơn truớc nhưng vẫn trong thế cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung cộng.
ĐQAT: Ông Nguyễn Phú Trọng lúc còn sống chủ trương đốt lò chống tham nhũng; nay ông Tô Lâm có tiếp tục chính sách đốt lò đó không?
NMH: Ông Tô Lâm đã nói rõ ông sẽ tiếp tục “đốt lò” nhưng “không làm tổn hại đến việc phát triển kinh tế của đất nước.” Câu nói này nhằm nhắc nhở các cán bô và nguời dân trong nước rằng viêc chống tham nhũng sẽ không ngừng, đồng thời cũng nhằm trấn an các nhà kinh doanh ngoại quốc muốn đầu tư vào Việt Nam rằng, những thay đổi trong giới lãnh đạo Việt Nam, nếu có, không làm thay đối chính sách khuyến khích đầu tư ngoại quốc.
ĐQAT: Giáo sư đánh giá như thế nào về công cuộc “đốt lò” của ông Trọng?
NMH: Có kết quả rõ rệt, bằng chứng là nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã bị bỏ vào lò và phải từ nhiệm. Nhưng tận diệt tham nhũng thì khó. Tập trung quyền lực quá đáng để đánh tham nhũng mà không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, thì cuối cùng lại dẫn đến tha hóa và tham nhũng. Cơ chế ấy là nhà nước pháp quyền, báo chí tự do, và tư pháp độc lập.
ĐQAT: THƯA GIÁO SƯ, CHO TỚI NGÀY NAY, Việt Nam VẪN KHÔNG CÓ cơ chế kiểm soát hữu hiệu là nhà nước pháp quyền, báo chí tự do, và tư pháp độc lập, CHO NÊN cuối cùng lại dẫn đến tha hóa và tham nhũng.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này.
Đinh Quang Anh Thái (thực hiện)
Phỏng vấn