„chừng nào lịch sử vẫn còn tiếp tục được viết, được kiểm soát, kiểm duyệt bởi đảng cộng sản, hay nói cách khác, chưa được công khai, minh bạch, công bằng thì vẫn sẽ còn những cuộc tranh cãi bất tận, người Việt vẫn sẽ tiếp tục chia rẽ, bất đồng.“
Song Chi
Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, nhưng cứ mỗi lần xảy ra một chuyện gì có liên quan đến một sự kiện hay một nhân vật «thuộc về» cuộc chiến ấy là người Việt trong và ngoài nước, người miền Nam miền Bắc, người sinh ra trong hay sau cuộc chiến…lại nổ ra những cuộc tranh cãi kịch liệt. Và cuối cùng thì cũng chẳng ai thuyết phục được ai. Có người bảo đó là do cái tính xấu của người Việt như hay chấp nhất, thù dai, đầy định kiến, không có văn hóa tranh luận v.v và v.v…thậm chí còn nâng lên thành “căn tính” của dân tộc. Nhận định như thế thực ra cũng là…định kiến. Không có một dân tộc nào có nhiều tính xấu hơn dân tộc nào.
*
Nhưng tại sao người Việt thường chia rẽ, bất hòa về chính trị nói chung và đặc biệt, về cuộc chiến tranh VN và tất cả những sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc chiến ấy?
Định mệnh của dân tộc VN vốn đã nhiều trớ trêu, nghiệt ngã, nhưng có hai điều bất hạnh lớn nhất của dân tộc VN trong thế kỷ XX: Một, phe chiến thắng trong cuộc chiến tranh VN lại là đảng cộng sản. Hai, trong suốt cả chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, 20 năm dưới chế độ VNCH là giai đoạn ngắn ngủi mà người Việt ở miền Nam được tự do nhất và có cơ hội để thực tập dân chủ, nhưng đã không giữ được nền dân chủ non trẻ, mong manh ấy.
Sau khi chiến thắng và nắm độc quyền lãnh đạo trên toàn cõi VN, đảng và nhà nước cộng sản đã có vô số chủ trương, chính sách sai lầm, độc đoán, tàn bạo đối với “bên thua cuộc” khiến hận thù thêm nặng nề, lòng người thêm chia rẽ. Và rồi họ lại tiếp tục điều hành, cai trị đất nước với một mô hình thể chế độc tài toàn trị, là nguyên nhân gây ra mọi sự tụt hậu, thua kém của VN về mọi mặt so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người dân hoàn toàn không có tự do dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, đạo đức xã hội suy đồi, và còn bị mất thêm biển đảo, lãnh thổ lãnh hải và bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng… Tội ác đối với đất nước, dân tộc chồng chất như vậy nhưng trong suốt bao nhiêu năm qua, đảng và nhà nước cộng sản không bao giờ thừa nhận sai lầm, thực tâm sám hối và có những chính sách sửa sai. Thay vào đó, họ vẫn tiếp tục bóp méo lịch sử, tiếp tục tẩy não hoặc tìm cách xóa trắng ký ức người VN.
Và chừng nào lịch sử vẫn còn tiếp tục được viết, được kiểm soát, kiểm duyệt bởi đảng cộng sản, hay nói cách khác, chưa được công khai, minh bạch, công bằng thì vẫn sẽ còn những cuộc tranh cãi bất tận, người Việt vẫn sẽ tiếp tục chia rẽ, bất đồng.
Song, một khi nhà cầm quyền chối từ minh bạch lịch sử, thì đó là điều mà tất cả những ai quan tâm đến sự thật phải làm, trong khi chờ đợi đến một ngày lịch sử sang trang. Tranh luận, khen chê về một sự kiện, một nhân vật, do vậy cũng là điều cần thiết, qua đó những người sinh sau đẻ muộn, hoặc chưa có dịp tìm hiểu, sẽ có thêm thông tin, kiến thức về cuộc chiến tranh VN, về những sự kiện, con người với đủ các khía cạnh, các mặt sáng tối khác nhau, nhất là khi đó lại là một người nổi tiếng (Còn những ai không có văn hóa tranh luận thì cũng tự bộc lộ mình thôi).
Điều đáng buồn là cuộc chiến tranh kết thúc chưa đầy nửa thế kỷ, nhiều con người từng sống trong chiến tranh vẫn còn đó, tư liệu sách vở nếu thực tâm muốn tìm cũng có thể tìm ra, nhưng nhiều thông tin đã không chính xác, nhiều người đã chỉ thấy một mặt sáng mà không thấy mặt tối và ngược lại. Không biết chừng hai, ba mươi năm nữa thôi thì sự thật sẽ còn sai lệch đến đâu.
Trí nhớ con người thường ngắn, và ngay cả khi đã từng sống trong giai đoạn đó, không phải ai trong chúng ta cũng chịu khó bỏ thời giờ để tìm hiểu thêm cho thấu đáo. Đó là mới nói đến khía cạnh chính trị-lịch sử, còn khi nhận định về một nhân vật văn hóa, một nhà tư tưởng thì ít nhất cũng phải đọc toàn bộ tác phẩm của nhân vật ấy, so sánh đối chiếu với những nhà văn hóa, nhà tư tưởng khác xem có thật có cái gì mới, tiên phong, sáng tạo hay chỉ sao chép, xào nấu, trí trá. Với một «lãnh tụ tinh thần» hay tôn giáo thì không chỉ so sánh về phần tư tưởng mà còn phải so sánh những gì nhân vật ấy viết, nói với cuộc đời mà họ đã sống, những gì họ đã và đang làm có trung thực không, có mâu thuẫn không, có vượt qua được những danh lợi sân si thường tình, có thật vì dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung…
Thêm nữa, đâu chỉ riêng đảng và nhà nước cộng sản VN không chịu thừa nhận sai lầm, không chịu mở mồm xin lỗi nhân dân hay có những hành động hối cải, sửa sai?
Chẳng hạn, ở miền Nam thời đó có biết bao nhiêu người từng say mê lý tưởng cộng sản nên có cảm tình với Việt Cộng, vô tình hay cố ý hiểu sai cuộc chiến, chỉ trích lên án một chiều chế độ VNCH trong khi bỏ qua tội ác của Việt Cộng; hoặc không phải vì say mê lý tưởng cộng sản nhưng vì ghét Mỹ, không hài lòng với những cái sai của chính quyền Sài Gòn nên nhiệt tình chống Mỹ, chống chính quyền Sài Gòn, phản đối chiến tranh, góp phần làm lợi cho phía bên kia…Nhưng sau này có mấy ai dám trung thực thừa nhận sự lầm lạc của mình, hoặc dũng cảm hơn, tiếp tục đứng về phía người dân VN, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chế độ độc tài toàn trị hiện tại do đảng cộng sản lãnh đạo?
Vượt qua chính mình, trung thực với chính mình vẫn là điều khó nhất, và cũng là điều đáng nể đáng trọng nhất đối với bất cứ ai.
Và đối với một con người lịch sử, việc họ chưa trung thực với chính mình, chưa sòng phẳng công bằng với quá khứ, là thêm một lý do để những người Việt sống cùng thời, hay sinh sau đẻ muộn, tiếp tục những cuộc tranh cãi bất tận.
Song Chi
Nguồn: rfavietnam