Putin và nước Nga như tôi biết
1-3-2022
Mấy ngày nay, khi Putin xua quân xâm lược Ucraina, nhiều bạn đọc gọi điện hỏi tôi, thậm chí có người lâu nay không đến, nay đến chơi, và lo lắng hỏi: Vì sao Putin cả gan xâm lược một nước có chủ quyền? Liệu Ucraina có trụ vững được không, khi quân Nga mạnh vượt trội? Thôi thì hiểu đến đâu, biết đến đâu, tôi xin “hầu chuyện” bạn đọc đến đó.
Điều đầu tiên phải nói ngay là, Putin không hề sợ tên lửa của NATO kéo đến biên giới sát nách nước Nga một khi Ucraina vào được NATO. Lý do được đưa ra đó chỉ là trò lừa bịp của anh chàng KGB này. Putin doạ dân Nga rằng, nếu không lật đổ được tổng thống Zelensky thì nước Nga sẽ bị đe doạ. Những người Nga sáng suốt đã nhận ra trò lừa bịp này, và đã xuống đường phản đối cuộc xâm lược Ucraina. Và đã bị Putin bắt!
Thực chất, tên độc tài Putin sợ tự do, dân chủ và văn minh. Putin sợ một khi Ucraina vào được Liên minh Châu Âu như Ba Lan, Cộng hoà Sec, Rumani… thì ánh sáng tự do, dân chủ, văn minh và cả phồn vinh sẽ toả sáng từ quốc gia rộng lớn có hơn 40 triệu dân này, làm thức tỉnh dân Nga đang bị chính quyền độc tài Putin đàn áp, ru ngủ bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan “Đại Nga”.
Thực chất thì nước Nga đang ngày một bệ rạc. Khi anh chàng nghiện rượu Boris Yeltsin trao quyền cho Putin thì anh chàng KGB này đã múa võ Judo quảng cáo trên truyền thông đại chúng để khoe sức mạnh cơ bắp của mình, y còn nhảy lên lái máy bay để khoe cái lý lịch lính tráng của mình. Các nhà báo phương Tây lúc đó đã gọi Putin là anh hề chính trị (polichinelle de la politique)!
Lập tức sau đó y liên kết với bọn tài phiệt mới phất lên do vơ vét được khi Liên Xô sụp đổ chính quyền bán tháo các cơ sở quốc doanh. Putin trở nên giàu có nhờ câu kết với bọn mafia mới đó. Putin lại được báo chí phương Tây gọi là tên con buôn chính trị (politicaillerie).
Anh hề chính trị và con buôn chính trị Putin không hề có tài kinh bang tế thế gì, nhưng vô cùng láu tôm láu cá, đã khai thác triệt để kho vũ khí và công nghệ vũ khí từ thời Liên Xô để lại, để xuất khẩu. Đồng thời với xuất khẩu vũ khí, Putin đã khai thác triệt để nguồn tài nguyên giàu có của đất nước mênh mông này để xuất khẩu. Nhân dân Nga sau bao năm đói khổ dưới thời Liên Xô, nay bằng lòng với sự cai trị độc đoán, đàn áp đối lập, đàn áp báo chí, thay đổi cả Hiến pháp để tiếp tục cầm quyền của Putin để đổi lấy chút cơm áo và bình yên.
Dưới sự cai trị của Putin, nước Nga ngày một bệ rạc. Tôi xin lấy hai ví dụ cụ thể. Đầu năm 1991, tôi đến Matxcơva. Vào căng-tin ăn sáng, đưa một đồng rúp được một quả trứng vịt luộc, hai cái xúc xích, một khúc bánh mì và một ly cà phê nóng to có đường. Người nhân viên của căng-tin Đài Phát thanh Liên Xô còn thối lại cho tôi mấy đồng cô-pếch nhỏ xíu. Lúc đó, 1 rúp trị giá hơn 1 USD. Đến nay, năm 2022, 1 USD đổi được 76 rúp (thời giá trước khi Putin khởi động cuộc xâm lược Ucraina, nay hẳn còn mất giá hơn nữa)!
Tôi có đứa cháu gái gọi vợ tôi là cô ruột, nó làm ăn ở Nga đã hơn 30 năm nay, từ lúc Liên Xô tan rã. Hiện nó có một công ty may mặc gần trăm công nhân, thuê cả người Nga làm giám đốc điều hành, làm bảo vệ. Năm nào nó cũng về nước và đến thăm gia đình tôi. Nó cho biết tường tận về xã hội Nga và đời sống của dân Nga hiện nay.
Nó cho biết, xã hội Nga hiện nay rất thối nát. Nạn tham nhũng, ăn hối lộ có ở mọi nơi mọi chỗ. Chính quyền mị dân, ra luật chỉ các công dân Nga mới được quyền ký các hợp đồng làm ăn. Đến công việc lái xe buýt cũng chỉ người Nga mới được làm. Một anh chàng Nga ký được hợp đồng lái xe buýt với một xí nghiệp rồi, anh ta cho người không có quốc tịch Nga thuê lại và ngồi nhà uống rượu vodka!
Cái xe Volga từ thời Liên Xô đến giờ vẫn thế, chẳng cải tiến gì cả! Ai có tiền thì mua xe Nhật, xe Hàn Quốc. Nước Nga bây giờ chẳng sản xuất ra cái gì có giá trị cả, trừ rượu vodka có thương hiệu từ thời Liên Xô cũ! Kể hết chuyện này đến chuyện khác rồi nó kết luận: Người Nga bây giờ lười lắm!
Putin đã tha hoá nước Nga như thế!
Một người lính trẻ Nga đi xâm lược, bắn giết những người vô tội ở Ucraina bây giờ, anh ta nhận lệnh từ một tên độc tài.
Người lính Ucraina tự nguyện cầm súng chống lại quân Nga xâm lược, anh ta nhận lệnh từ tổ quốc và nhân dân mình.
Viết đến đây tôi nhớ đến Tướng de Castries bại trận ở Điện Biên Phủ năm xưa. Khi về nước, de Castries phải điều trần trước Quốc hội Pháp về lý do bại trận ở Điện Biên Phủ. De Castries chỉ nói một câu rồi đi xuống (cả Quốc hội Pháp chết lặng): Người ta có thể đánh thắng một đạo quân, nhưng không ai có thể đánh thắng một dân tộc!
Tôi hy vọng lịch sử sẽ được lặp lại một khi dân tộc Ucraina quyết hy sinh xương máu cho nền độc lập của mình.
Cảm nhận về đất nước và con người Nga ngày nay
Trịnh Hải
2/3/2022
Trải nghiệm của tôi về nước Nga có nhiều khác biệt so với những gì tác giả Nguyễn Đình Đăng viết trong bài “Đừng lẫn lộn người dân Nga, đất nước Nga với chế độ của những người cai trị họ”, ngày 1/3/22.
Những năm gần đây, tôi phải qua Nga làm việc nhiều lần nhưng đều ngắn hạn. Tôi có nhiều bạn Nga và họ có rất nhiều cảm tình với tôi. Những lần gặp nhau nói chuyện, họ thường tâm sự với tôi như những người bạn thân thiết lâu ngày không gặp… Bài viết sau đây là tóm tắt những gì tôi biết được về nước Nga qua tâm sự của những người bạn Nga của tôi.
Sự thật thì đại đa số dân Nga chán ghét nền kinh tế thị trường tự do hiện nay. Chưa bao giờ trong cuộc đời, họ lại thấy tương lai mù mịt đến thế. Nền kinh tế thị trường giúp một số ít người có năng khiếu tìm được việc làm thích hợp với mức lương khá và có đời sống ổn định nhưng hầu hết những người dân còn lại đều sống lây lất qua ngày, với khoảng 2000 rubles (20 USD) một tháng.
Ngay cả những người có năng khiếu và đang có việc làm vững chắc cũng lo âu vì hầu hết các công ty (ngọai quốc) đều không có tiêu chuẩn hưu trí. Nước Nga thời xưa chỉ làm được nồi áp suất hay “bàn là Liên Xô”, thì ngày nay họ cũng vẫn chỉ có thế.
Một lần đi siêu thị, tôi mua một đôi dép nylon sản xuất ở Nga, định là để xài bên đó rồi sẽ đem về Mỹ làm kỷ niệm. Thế nhưng, dù chỉ đi rất nhẹ nhàng trong khách sạn, chỉ sau hai tuần là rách đến mức không thể dùng được nữa.
Một kỹ sư người Nga than phiền với tôi rằng, ngày xưa dưới thời Soviet, người dân sống trong an tâm. Những người dù không có năng khiếu nhưng cũng có việc làm và nhận mức lương ngang ngửa với người có tay nghề giỏi. Khi về hưu họ biết chắc sẽ được hưởng những trợ cấp gì, và có thể nói, mọi thứ trong tương lai của họ đều nằm trong dự tính. Thế nhưng, tất cả những thứ đó nay đều tan biến sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Với số tài nguyên thiên nhiên trời cho, mức sống dân Nga đã được nâng cao rất nhiều so với thời Soviet. Đường phố bên Moscow đặc nghẹt xe cộ, nhưng tìm đỏ mắt người ta mới thấy được một chiếc xe Lada chạy trên đường.
Hỏi ra mới biết, loại xe đó rất tệ nên rất ít người xài. Kiểu xe Lada ngày xưa vuông vức từng được bao nhiêu người dân Soviet (và đám du sinh Việt Nam) ấp ủ sao có được một chiếc, thật ra là được sản xuất theo bản quyền của xe Fiat 124, một loại xe dở chưa từng thấy trên thế giới.
Hầu hết các loại xe chạy trên đường phố Nga ngày nay đều nhập từ châu Âu và Nhật, trong đó không ít xe ăn cắp, được tuồn qua Nga. Nếu thế giới cấm vận Nga lâu dài, thì chỉ một thời gian nữa, đường phố bên Nga chắc chỉ còn lại toàn xe Lada.
Cũng giống như Bắc Hàn ngày nay, dưới thời Soviet họ tập trung tất cả tiền bạc và nhân lực vào việc chế tạo vũ khí trong khi đời sống vật chất của người dân vô cùng thiếu thốn. Tiêu chuẩn nhà ở của người dân là những căn hộ ở chung cư cao tầng, thường chỉ khoảng 45 mét vuông (484 square feet) với một phòng ngủ. Những người có chức tước thì được ở những căn khá hơn, với hai phòng ngủ, độ chừng 65 mét vuông (700 square feet).
Những người có một ít của cải, ngày nay họ đều ra ngoại ô mua những căn nhà riêng biệt, rộng rãi hơn, với mảnh vườn nhỏ. Cuối tuần, họ rồng rắn ra khỏi thành phố để về căn nhà ước mơ của họ. Nếu so sánh với tiêu chuẩn sống hiện tại của người Nga so với Việt Nam, thì họ vẫn còn thua rất xa.
Các thành phố ở Nga ngày này được cai quản bởi một hệ thống mafia dầy đặc và chúng chia vùng ra để trị. Các cơ sở thương mại đều phải chung chi để được yên thân buôn bán. Cảnh sát bên Nga thì cũng tệ hại không khác đám mafia bên đó.
Một đồng nghiệp của tôi vừa rời khách sạn, đang đi bộ đến sở làm thì bị ba tên cảnh sát mặc đồng phục, trên một chiếc xe có huy hiệu cảnh sát tắp đến, chặn anh ta lại hỏi giấy tờ. Khi người này rút ví ra, chúng đòi lấy ví để xem trong đó có những gì. Sau đó chúng trả lại ví cho anh ta, tuy rất đàng hoàng nhưng khi đến sở làm thì anh ta phát hiện tất cả số tiền trong ví đã không cánh mà bay. Chuyện xảy ra thật khó tin cho người ngoại quốc, nhưng với dân Nga thì chỉ nghe thoáng qua là họ biết kết cuộc như thế nào.
Điều đáng nói nhất là đại đa số dân Nga ngày nay còn nhiều luyến tiếc về một Liên bang Soviet hùng tráng thuở nào. Họ oán trách Gorbachev đã đẩy nước Nga xuống vực thẳm. Đời sống người dân Nga ngày nay bị đảo lộn và xã hội trở nên loạn lạc chưa từng thấy. Khi Putin lên làm tổng thống, đa số dân Nga đều tin rằng, Putin sẽ đưa nước Nga lại vị thế của một Liên bang Soviet ngày nào.
Để hiểu được tâm tư đó, chúng ta hãy tưởng tượng Trump đắc cử tổng thống thêm bốn năm nữa và với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Trump cắt mọi viện trợ cho các nước trên thế giới và rút hết quân đội ở Đức, Afghanistan, Nhật, Nam Hàn… về, để lại sân chơi cho Nga và Tàu muốn thao túng thế giới ra sao thì ra. Hậu quả là, sau một thời gian, có thể nước Mỹ sẽ bị đặt dưới sự sai khiến của Nga – Tàu. Nếu như sau đó có một vị tổng thống Mỹ nào đó có khả năng đưa nước Mỹ trở lại một cường quốc như trước, thì toàn dân Mỹ ắt sẽ hết mình ủng hộ. Đó là cảm giác của người Nga đối với Putin ngày nay.
Đừng bảo rằng việc nước Nga đưa quân sang chiếm Ukraine là tham vọng của riêng Putin. Đa số dân Nga chính là động lực để Putin làm những gì ông ta đang làm. Bài học cấm vận kinh tế của thế giới áp đặt lên Nga, tuy gây nhiều bất ổn cho các nước, nhưng nó vô cùng cần thiết để người dân Nga hiểu được nước Nga sau 70 năm cộng sản, họ cũng chỉ ngang hàng với các nước thuộc “thế giới thứ ba”.
Nếu họ ngoan ngoãn và bớt đi ngông cuồng, thế giới sẽ giúp và nâng cao đời sống họ cho bằng được các nước châu Âu khác. Đơn giản chỉ có thế thôi!