Việt Nam gần đây không nằm trong số 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút toàn bộ lực lượng quân sự của họ ngay lập tức.

Trong cả khối ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar “hòa nhịp” với các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.

Hôm 8/3, một bài báo chung của 22 đại sứ các nước thuộc liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh tại Hà Nội kêu gọi Việt Nam có lập trường ủng hộ Ukraine.

Nói về kết quả cuộc bỏ phiếu với 141 phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng, các đại sứ đánh giá:

“Đây là một thời khắc lịch sử, cho thấy mức độ đồng thuận toàn cầu về vấn đề này” khi mà “chiến tranh đã trở lại Châu Âu”.

Bài báo của các đại sứ từ châu Âu cũng cho rằng ASEAN đã “ủng hộ nghị quyết của LHQ với số phiếu áp đảo”, khi mà chỉ có hai phiếu trắng, và một trong số đó là Việt Nam.

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA  Chụp lại hình ảnh, Kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ

Đại sứ các nước châu Âu cũng bày tỏ sự chia sẻ về mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong lịch sử, nhưng cho rằng thế giới đang trong kỷ nguyên mới và cần được cai trị bằng luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi hiểu mối quan hệ lịch sử quan trọng mà Việt Nam đã có với Liên Xô. Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam vào những thời điểm cần thiết trong khi các nước khác thì không. Nhưng Liên Xô đã tan rã từ ​​lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới.

“Xét về mặt khoảng cách địa lý, Việt Nam đương nhiên có những lợi ích riêng và một số quan điểm khác với chúng tôi ở châu Âu. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng này, tất cả chúng ta phải tập trung vào câu hỏi căn bản là liệu có biện minh được cho việc Nga, một nước lớn, bắt nạt và xâm lược nước láng giềng Ukraine để cố gắng vẽ lại các ranh giới trên bản đồ, đi ngược lại các quy tắc quốc tế hay không? Việt Nam liệu có được lợi ích khi thế giới được cai trị bằng logic đó hơn là bằng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình?” bài báo có đoạn.

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP VIA GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp tại Moscow, ngày 30 tháng 11 năm 2021

Đặc biệt, các đại sứ cho rằng người dân Việt Nam hiểu rõ hoàn cảnh và khó khăn hiện tại của người dân Ukraine, khi mà Việt Nam cũng đã trải qua nỗi đau chiến tranh trong quá khứ.

“Cũng giống như người dân châu Âu, người dân Việt Nam không may mắn khi biết quá rõ chiến tranh là như thế nào. Việt Nam, cũng như châu Âu, đã nếm trải nỗi đau khổ của những thường dân vô tội và biết rằng tại sao việc đấu tranh cho quyền tự do và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình là vô cùng quan trọng. Việt Nam, cũng như châu Âu, hiểu rất rõ những gì mà người dân Ukraine đang phải trải qua.

“Và chính vì những ký ức cay đắng của chiến tranh và bởi vì tất cả chúng ta đều coi trọng hòa bình thực sự, mà tất cả chúng ta nên sát cánh cùng người dân Ukraine và tuyệt đại đa số cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột phi nghĩa này.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP VIA GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Cờ của Liên minh châu Âu và Ukraine bên ngoài Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp cho thấy sự ủng hộ của EU với Ukraine

Do đó, trước những khó khăn gây ra cho kinh tế thế giới và cả Việt Nam từ cuộc chiến của Nga, các đại sứ châu Âu kêu gọi VN nên chia sẻ quan điểm với cộng đồng quốc tế nhằm làm giảm xung đột ở Ukraine.

“Sự xâm lược của Nga cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với sự phục hồi sau đại dịch, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Giá năng lượng, vận tải, hàng hóa và thực phẩm đều tăng vọt. Tất cả những điều này đều không có lợi cho Việt Nam.

“Chúng tôi biết rằng Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ với Nga. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp mà du khách Nga rất thích đến, đồng thời Việt Nam cũng có mối quan hệ sâu rộng với Liên bang Nga. Chúng tôi tin rằng các bạn, những người Việt Nam, cũng như chúng tôi, đều mong muốn một kết quả tích cực cho cả Nga và Ukraine. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn chia sẻ quan điểm với chúng tôi rằng việc giảm leo thang và rút lui quân sự không chỉ là điều đúng đắn cần làm vì những lý do về mặt pháp lý và nhân đạo, mà đó còn là lựa chọn chính trị đúng đắn của Nga vì toàn thể cộng đồng quốc tế và vì hòa bình và sự ổn định mà các dân tộc của chúng ta cần có để phát triển,” bài báo kết luận.

 

BBC (10.03.2021)