„Ukraine đang đứng đầu trên biên giới đấu tranh cho tự do và nhân quyền…

Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine có thể được coi là diễn biến cao của một thời kỳ của các cuộc tấn công chính trị vào các nền dân chủ trên khắp thế giới.“

 

Phạm Đình Bá

Demonstrators march toward the United Nations during a Stand With Ukraine rally on February 24 in New York City. Alexi Rosenfeld/Getty Images

 

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine là đỉnh điểm của các cuộc tấn công chính trị vào nền dân chủ trên khắp thế giới. Do đó, có hy vọng rằng cuộc xâm lược nầy sẽ khơi dậy một ý thức mới về mục đích chung của các xã hội tự do, [1] và mọi người ở khắp mọi nơi đang lên tiếng đòi tự do. [2]

Ngày nay, Ukraine đang đứng đầu trên biên giới đấu tranh cho tự do và nhân quyền. Nelson Mandela đã từng nói “Từ chối mọi người những quyền làm người căn bản của họ là thách thức chính sự hiện hữu của họ.” [3]

Hơn bao giờ hết, càng có nhiều người cùng nhau đứng lên vì quyền con người – đứng lên vì tự do, bình đẳng và công lý. [4] Trong một thế giới bị chia rẽ, nhân quyền đoàn kết mọi người. Bằng cách đứng lên bảo vệ quyền của bạn, quyền của tôi và cả quyền của họ, chúng ta có thể đối mặt với sự ích kỷ, hận thù và tuyệt vọng. Chúng ta có thể tìm thấy một tương lai tươi sáng hơn cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Đối mặt với chế độ cai trị độc tài của Nga ở phía bắc và phía đông của đất nước, người Ukraine đã chọn một con đường chính trị rất khác trong những thập kỷ gần đây. [1] Trải qua một số chu kỳ bầu cử và biểu tình phản đối sâu rộng, Ukraine đã hướng tới các lý tưởng dân chủ của nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận và lập hội, bầu cử tự do và công bằng, và giải quyết các xung đột nội bộ trong hòa bình.

Ngày nay, các tổ chức quốc tế xếp Ukraine vào một nền dân chủ chưa đầy đủ – nhưng đầy khát vọng. Con đường khác biệt của Nga và Ukraine là chế độ độc tài ngày càng thắt chặt của Putin so với xã hội cởi mở có đôi khi hỗn loạn của Ukraine. Sự khác biệt nầy là lý do cơ bản đằng sau cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa các chế độ độc tài toàn trị và dân chủ là các nền dân chủ bảo vệ các quyền tự do ngôn luận và hội họp, và do đó có sự phản biện trong đối thoại, biểu tình và xuống đường sâu rộng và phổ biến. Như công dân của các nền dân chủ đều biết, một số quy định về biểu tình là cần thiết để giữ trật tự xã hội, tuy đôi khi những quy định này đi quá xa, ngăn cản các quyền này được thực hiện theo dự kiến và cách tổ chức của xã hội dân chủ.

Nhưng các chế độ độc tài, như của Putin, đơn giản là không hề dung thứ cho phản biện xã hội – nhất là những tiếng nói chỉ trích chính phủ. Điện Kremlin hiện đang đe dọa những người Nga biểu tình phản đối cuộc chiến ở Ukraine bằng “hình phạt nghiêm khắc” vì đã tổ chức “bạo loạn hàng loạt”. Quốc hội Nga do Putin kiểm soát đang xem xét một đạo luật sẽ áp dụng bản án 15 năm tù cho những ai “làm sai lệch” thông tin về “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Những chế độ độc tài toàn trị có nhiều khả năng xâm hại những người phản biện và biểu tình. Trên thực tế, một cuộc đàn áp bạo lực trước đó ở Kyiv là mở đầu cho một cuộc cách mạng màu mà cuối cùng lật đổ tổng thống thân Nga của Ukraine, Viktor Yanukovych, vào năm 2014. 

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu các khu vực bầu cử thân phương Tây ở Ukraine, Yanukovych đã tán tỉnh những người đi bầu về việc chính phủ của y muốn xích lại gần Liên minh châu Âu. Thông báo vào năm 2013, chính phủ của y dự kiến sẽ ký Hiệp định Hiệp hội với Liên minh châu Âu. Nhưng vào cuối tháng 11 năm 2013, dưới áp lực của Putin, y đã đột ngột quay lưng lại với Liên minh châu Âu và thay vào đó ra dấu hiệu ưu tiên gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu.

Choáng váng trước động thái của Yanukovych, những người biểu tình đã tụ tập về Quảng trường Maidan của Kyiv. Vào buổi sáng ngày 30 tháng 11, một nhóm nhỏ người biểu tình đang nán lại bên cạnh các công nhân thành phố đang cắm cây thông Noel, thì một đội từ Berkut, lực lượng công an đặc nhiệm của Yanukovych, bất ngờ xuất hiện, tấn công những người biểu tình và công nhân bằng dùi cui và giày sô. Bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, theo lệnh của Yanukovych, là điều bất thường đối với Ukraine vào thời điểm đó.

Hình ảnh những người trẻ tuổi đẫm máu bị đẩy vào xe an ninh đã làm bùng lên một cơn giận dữ và hơn nửa triệu người biểu tình đã tập trung vào trung tâm Kyiv vào ngày 1 tháng 12. Đây là khởi đầu của cuộc cách mạng màu Euromaidan, lên đến đỉnh điểm vào tháng 2 năm 2014 và kết thúc với việc Yanukovych chạy trốn khỏi Ukraine sang sống lưu vong với Putin ở Nga. 

Putin gần đây đã ám chỉ đến những sự kiện này trong một bài phát biểu biện minh cho cuộc tấn công dữ dội hiện nay vào Ukraine. Hắn tuyên bố bằng ngôn ngữ độc tài toàn trị và trắng trợn rằng Yanukovych đã bị lật đổ bởi một “cuộc đảo chính”.

Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine có thể được coi là diễn biến cao của một thời kỳ của các cuộc tấn công chính trị vào các nền dân chủ trên khắp thế giới. Nhiều kẻ độc tài đã được bầu làm lãnh đạo, như Yanukovych, đã cố gắng bình thường hóa việc vi phạm hiến pháp của quốc gia họ và xâm phạm các quyền cơ bản của công dân. Những người chuyên quyền đầy tham vọng nầy đã thực hiện các vở kịch độc tài toàn trị ở các quốc gia đa dạng như Brazil, Venezuela, Nicaragua, Hungary, Ba Lan, Serbia,Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Hoa Kỳ.

Những nhà độc tài toàn trị nầy đã dựa vào nhau để hỗ trợ cho việc họ tấn công vào hiến pháp và quyền làm người, tạo thành một liên minh ngầm của các thế lực độc tài. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mấu chốt quan trọng của liên minh, và đã làm việc chăm chỉ để thúc đẩy các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng – bao gồm cả việc mời họ đến thăm tòa Bạch Ốc ở Hoa Kỳ. 

Trump đã thể hiện rõ ràng sở thích của mình vào năm 2019 bằng cách tiếp đón thủ tướng chuyên quyền của Hungary, Viktor Orbán, đồng thời yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải trả giá cho cuộc viếng thăm tòa Bạch Ốc ở Mỹ bằng cách bắt đầu các thủ tục pháp lý để điều tra đối thủ tiềm năng khi đó của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, ông Joe Biden.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã một phần làm tan vỡ liên minh với xu hướng độc tài toàn trị nầy. Thủ tướng chuyên quyền của Hungary Orbán đã tố cáo cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine. Chế độ với phần nào xu hướng độc tài ở Ba Lan hiện nay đang tiếp nhận một làn sóng người tị nạn Ukraine. Cả Hungary và Ba Lan đều có lý do mới để coi trọng tư cách thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ. 

Do đó, có hy vọng rằng sự hiếu chiến của Putin sẽ khôi phục ý thức về mục đích chung giữa các xã hội tự do và thuyết phục những kẻ chuyên quyền rằng hòa bình, an ninh và sự tồn vong của nền kinh tế quốc gia của họ là xứng đáng với cái giá để được gia nhập vào câu lạc bộ các nước dân chủ. Ở đó, các quyền và tự do của công dân phải được tôn trọng.

Ts Phạm Đình Bá, 10.03.2021

Nguồn:

  1. Susan Stokes. Project Syndicate – The Global Struggle for Democracy Is in Ukraine. Mar 4, 2022  March 9, 2014]; Available from: https://www.project-syndicate.org/commentary/ukraine-center-of-global-struggle-for-democracy-by-susan-stokes-2022-03.
  2. White House. Remarks by President Biden Announcing U.S. Ban on Imports of Russian Oil, Liquefied Natural Gas, and Coal March 7, 2022  March 8, 2022]; Available from: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/03/08/remarks-by-president-biden-announcing-u-s-ban-on-imports-of-russian-oil-liquefied-natural-gas-and-coal/.
  3. United Nations. Building on the Legacy of Nelson Mandela. 1990  [cited March 8. 2022; Available from: https://www.un.org/en/exhibits/page/building-legacy-nelson-mandela.
  4. United Nations. MAKE HUMAN RIGHTS A REALITY FOR ALL.  [cited March 8, 2022; Available from: https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwithKnUvLn2AhUUbs0KHbgdDcoQFnoECAMQAQ&url=https%3A%2F%2Fwww.ohchr.org%2FDocuments%2FPublications%2FUNHumanRights_CfS_cmyk_online.pdf&usg=AOvVaw23vcEDn669606BM1sxAYre.