Tròn một năm kể từ khi bị bắt, nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh vẫn chưa được xét xử

Bà Nguyễn Thuý Hạnh cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm ở Hà Nội năm 2016 Facebook Nguyễn Thuý Hạnh

Nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội vẫn chưa được xét xử dù đã bị bắt tròn một năm.

Ngày mùng 7 tháng 4 đánh dấu một năm kể từ khi nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người sáng lập Quỹ 50k, bị bắt.

Bà bị cáo buộc dưới tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Đã 12 tháng kể từ khi bị bắt giam nhưng nhà hoạt động này vẫn đang trong giai đoạn tạm giam để phục vụ điều tra, giai đoạn được cho là khó khăn nhất đối với tù nhân chính trị.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Nguyễn Văn Đài, người đã từng bị bắt giam hai lần vì các tội danh chính trị, cho biết những thách thức mà tù chính trị gặp phải trong giai đoạn tạm giam:

Đối với những người bất đồng chính kiến hay là hoạt động đối lập ở Việt Nam thì thường bị bắt dưới các tội danh chính trị ví dụ như điều 88 trước đây nay là 107, 79 trước đây nay là 109.

Thì theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự thì họ cho phép việc không cho luật sư tiếp cận thân chủ của mình, thứ hai là không được gặp gia đình trong quá trình điều tra.

Thế nên đây là khoảng thời gian mà họ gây áp lực rất lớn đối với những người bị tạm giam. Nếu như người quản giáo đối xử với mình đúng theo quy định của pháp luật thì không thành vấn đề, nhưng mà họ làm mọi cách để khiến mình tức giận, về bất kể điều gì. Từ việc ăn cơm sống, ăn cơm thiu, canh thiu, cho xà phòng vào canh hay là họ dùng mọi biện pháp để áp chế tinh thần của mình.

Mình không có người nhà để bày tỏ điều đó, hay là nói với người nhà để người nhà truyền tải thông tin đó với bạn bè, hay đưa lên mạng xã hội rồi gửi đến cộng đồng quốc tế. Cho nên người bị tạm giam trong cả giai đoạn đó là vô cùng bức xúc, rất là khó chịu, nhiều người không chịu được thì có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.”

Theo thông tin từ gia đình thì bản thân nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh đã mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng từ trước khi bị bắt. Do đó họ lo ngại rằng bệnh tình của bà sẽ trở nên trầm trọng hơn dưới điều kiện giam giữ trong trại tạm giam.

Trao đổi với đài RFA, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động này cho biết:

“Khi mà bị bắt thì cô Hạnh đang bị trầm cảm nặng và đang chữa trị với một bác sĩ ở Sài Gòn, một thời gian sau thì trại tạm giam có cho gửi thuốc cho cô Hạnh. Vừa rồi thì có nghe tin hồi tháng một người ta đưa cô Hạnh vào bệnh viện tâm thần để giám định y khoa trong một tháng, rồi lại đưa trở về trại. Nhưng bên cơ quan điều tra không thông báo cho gia đình biết, chỉ có bệnh nhân ở trong bệnh viện đó biết cô Hạnh nên gọi điện báo tin là cô Hạnh có mặt ở đó. Thì gia đình hoàn toàn không biết gì về sức khoẻ của cô Hạnh hiện như thế nào.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, việc cơ quan điều tra không cho tù chính trị gặp mặt luật sư và thân nhân trong quá trình điều tra, không nhằm mục đích nào khác ngoài để trừng phạt những người này, ông cho biết thêm:

“Mình phải hiểu cái bản chất của chế độ độc tài Cộng sản ở Việt Nam, khi họ bắt giữ những người đối lập hoặc bất đồng chính kiến thì cái mục đích tước đoạt tự do chỉ là một phần, nhưng mà mục đích trừng phạt về thể chất cũng như về tinh thần mới là mục đích chính.

Bởi vì như tôi đã nói, nếu họ đối xử với mình ở trong tù đúng với tinh thuần pháp luật của họ, chứ chưa nói tốt hơn, thì mình không sợ ngồi tù.

Thế nhưng mà họ muốn không cho mình gặp gia đình, không cho mình gặp luật sư để đè nén, áp bức, tra tấn mình về mặt tinh thần, để làm cho mình sau này có hết án tù thì mình không còn đủ nghị lực, lý trí để nuôi dưỡng lý tưởng và đấu tranh cho lý tưởng của mình nữa.”

Trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh không phải là cá biệt trong việc tạm giam dài hạn, cơ quan an ninh điều tra ở Việt Nam vẫn thường kéo dài thời hạn tạm giam đối với các vụ án có yếu tố chính trị. 

Luật pháp Việt Nam cho phép kéo dài thời hạn tạm giam đến khi kết thúc quá trình điều tra đối với các vụ án có yếu tố “an ninh quốc gia” đặc biệt nghiêm trọng, tức không có mốc thời gian cụ thể.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế như tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhiều lên án lối thực hành này và gọi đó là hành vi tra tấn.

Ngoài việc lập quỹ 50K, bà Nguyễn Thúy Hạnh là người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội hồi năm 2016.

RFA (07.04.2022)

 

Cáo giác ép cung, nhục hình thậm chí gây chết người không được xem xét vì “không có bằng chứng”

Tù nhân tại một trại giam tỉnh Hải Dương  Reuters

Tố cáo của bị can trước toà rằng họ bị ép cung, tra tấn nhận tội nhưng không hề được điều tra, làm rõ vì cơ quan tố tụng cho không có đủ căn cứ. Tình trạng này vẫn còn xảy ra trong thời gian qua, mặc dù các tổ chức Quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Một luật sư cho rằng nếu không thay đổi cơ chế làm việc thì thực trạng ‘vô pháp’ đó sẽ còn tiếp diễn.

Nhiều vụ án bị tố dùng nhục hình

Người dân bị đánh, thậm chí đến chết ở trụ sở công an, hoặc nghi can, nghi phạm bị tra tấn, nhục hình trong trại tạm giam chờ xét xử, là điều xảy ra không ít ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương, một nông dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội cho biết, trong phiên toà sở thẩm xét xử chồng mình diễn ra vào hôm 15/12/2021, ông Phương đã tố cáo bị công an, cán bộ điều tra nhiều lần đe doạ, đánh đập, tra tấn, ép cung… nhưng toà không giải quyết vì lời tố cáo “không có căn cứ”:

“Chồng tôi có tố cáo ngay tại tòa rằng trong quá trình điều tra, họ (điều tra viên – PV) đã đánh đập chồng của tôi. Bốn tên công an thay phiên nhau đánh liên tục vào bộ phận sinh dục của chồng tôi.

Họ liên tục đe dọa chồng tôi là sẽ đưa chồng tôi vào trại bệnh viện tâm thần. Vào ngày 1/3/2021 thì họ cũng đã đưa chồng tôi vào bệnh viện tâm thần. Họ nhốt trong một cái buồng rất là nhỏ, chồng tôi bảo là uống nước thôi cũng đã rất khó khăn rồi.

Theo tôi được biết thì tòa lấy lý do là không có nhân chứng, không có bằng chứng để xác thực rằng chồng tôi bị đánh.”

Cựu đại uý công an Lê Chí Thành hôm 14/1 bị toà án thành phố Thủ Đức kết án hai năm tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ”. Qua hình ảnh của các tờ báo trong nước đưa tin về phiên toà này cho thấy ông Thành đi không nổi, không thể đứng thẳng lưng, các đầu ngón tay đều bị thâm đen.

Bà Phú, mẹ của ông Lê Chí Thành cho RFA biết, trong phiên toà, ông Thành cũng thẳng thắn tố cáo rằng mình đã bị dùng nhục hình như thể nào trong quá trình tạm giam, điều tra án:

“Con tôi không sai. Chẳng qua đây là quy chụp để bắt con tôi thôi. Nó (điều tra viên – PV) tra tấn bắt thằng Thành nhà tôi nhận tội theo ý của chúng nó, thì thằng Thành nhà tôi nó không nhận.

Cái hôm phiên tòa lần trước thì thằng Thành có nói là trong thời gian tôi giam giữ, điều tra viên Nguyễn Đức Nghĩa đã dùng nhục hình để bắt ép tôi nhận tội, nhưng tôi không có tội thì tôi không nhận. Sau đó bắt đầu đưa tôi vào hầm tối.

Chúng nó (điều tra viên – PV) cùm chân cùm tay nó (ông Thành – PV) dẫn vào hầm phân. Cho nên hôm phiên tòa đấy nó yếu đâu có đứng được đâu, nên mới cho ngồi đó.”

Trả lời RFA ngay sau phiên toà hôm đó, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, sau lời tố cáo của bị tra tấn của ông Thành, Hội đồng Xét xử cùng Viện Kiểm sát cho rằng do ông Thành xưng hô không đúng chuẩn mực với cán bộ quản giáo nên bị kỷ luật. Lý do thứ hai là anh ta tự làm mình bị thương nên phải cách ly.

Một vụ việc tương tự được báo chí nhà nước đưa tin về phiên toà xét xử vụ án “Cướp tài sản” diễn ra vào ngày 26/11/2021 tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Các bị cáo bao gồm H . (19 tuổi), D. (15 tuổi) và N. (17 tuổi).

Trong phiên toà này, có H. và N. không thể tự đi đứng được bình thường, phải nhờ công an dìu đỡ. Trong khi đó, bị cáo N. được cho biết là dưới tuổi thành niên, nhưng trong suốt quá trình điều tra, không có sự chứng kiến của người giám hộ hoặc luật sư.

Theo kết luận điều tra, N. có viết tường trình nhận tội trong khi lấy lời khai, nhưng người này liên tục kêu oan trước toà.

Phải thay đổi cơ chế

Một luật sư yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an toàn cho RFA biết khi bị can, bị cáo tố cáo ngay trước toà rằng mình bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra thì toà phải xác minh, hoặc có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm về lời khai này:

“Nhưng mà thường theo tôi thấy là chủ toạ sẽ nói rằng không có căn cứ. Những lời tố cáo của bị cáo, bị can là không có căn cứ. 

Nhưng mà làm sao bị cáo có căn cứ được, khi mà họ trong bốn bức tường. Họ đâu có thể sử dụng camera hình ảnh được, và họ cũng đâu thể nhờ những người khác khai làm nhân chứng giúp cho họ được.

Những người bạn cũng buồng giam cũng bị quản lý bởi cơ quan công an, thì liệu rằng họ có dám đứng lên để đấu tranh không. Rất khó để chứng minh khi một mình mình phải ở trong bốn bức tường

Theo kinh nghiệm của tôi thì phải đến 90% các nghi can, nghi phạm ở bất cứ tội nào, bằng cách này hay cách khác bị ép cung và khi họ phản ứng thì liền lập tức bị đe dọa về thân thể và tinh thần.”

Đối với các trường hợp nghi can chết trong trại tạm giam, luật sư này cho biết theo quy định tại điều 26, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, về “Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết”, nói rằng:

“Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết… Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.”

Trước nay, rất nhiều trường hợp người chết trong các trại tạm giam được xác định là do bị can tự tử. Luật sư giấu tên nói với trực giác và kinh nghiệm tham gia vào nhiều vụ án hình sự thì ông không thể tin nổi rằng các vụ bị can chết trong quá trình điều tra là do tự tử. Và nếu Việt Nam không thay đổi cơ chế thì thực trạng đáng buồn này vẫn còn tiếp diễn trong tương lai: 

“Với trực giác và kinh nghiệm nghề nghiệp thì tôi không hề tin những câu chuyện đó. Nếu mà họ muốn tự tử thì họ đã tự tử ở bên ngoài rồi, tại sao họ lại vào đồn công an hoặc nơi tạm giam tạm giữ để tự tử. Chỉ có một trường hợp duy nhất là họ bị khủng bố, dùng nhục hình thôi.

Tôi biết được rằng là có rất nhiều vụ cơ quan điều tra họ sẽ tìm cách ém nhẹm đi hoặc làm đủ mọi áp lực để người nhà phải chôn cất mà không tiến hành khám nghiệm để xem xét nguyên nhân cái chết là gì.

Nếu cứ giữ cái cơ chế này làm việc như vậy thì rất khó để cho nghi can, nghi phạm có thể tự bảo vệ mình, và tình trạng này sẽ còn xảy ra.”

“Tra tấn bởi các cơ quan nhà nước” là một trong trong những vấn đề nổi bậc được nêu ra trong bản báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2020.

Báo cáo có đoạn: “Các nghi phạm thường bị cảnh sát, an ninh thường phục và cán bộ trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc ngược đãi, tra tấn trong khi bị giam giữ, thẩm vấn. Cảnh sát, công tố viên và các cơ quan giám sát của Chính phủ hiếm khi điều tra các báo cáo cụ thể về việc ngược đãi.”

RFA (07.04.2022)

 

‘Quan chức CSVN có phần hùn trong Formosa’

Công luận không rõ số tiền 500 triệu đô la bồi thường mà Chính phủ CSVN nhận từ Formosa cuối cùng đã đi về đâu

Cáo buộc này được Linh mục Nguyễn Văn Hùng – người đang ở Đài Bắc, Đài Loan  trợ giúp cho các nạn nhân của Formosa, nêu ra trong cuộc phỏng vấn của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho hay:

“Công việc kiện công ty mẹ của Formosa tại Đài Loan đến giai đoạn quan trọng, đó là tòa án ở Đài Loan đòi hỏi là phải có nhân chứng đứng đối chất ở tòa trực tiếp, hoặc là phải công chứng đơn ủy quyền từ Việt Nam, cho luật sư ở Đài Loan.

Điều này có nghĩa những người đang đứng đơn kiện phải ra mặt ngay tại địa phương họ cư ngụ, công chứng ủy quyền cho luật sư và có đóng dấu của cơ quan hành chính địa phương và nhiều cơ quan khác nữa – nhưng rõ ràng đây là điều khó khăn, vì chuyện kiện thẳng công ty mẹ ở Formosa là điều mà chính quyền không thích. Thậm chí những người đi kiện ra mặt cũng bị nguy hiểm.

Hơn nữa, những việc kỳ lạ khác cũng xảy ra trùng hợp, là những người có thể trợ giúp cho các nạn nhân hay người lên tiếng cho Formosa như cô Phạm Đoan Trang (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Tĩnh)… đều bị bắt.

Điều đáng nói là tòa án ở Đài Loan hình như có sự tác động nào đó, nên họ vẫn kéo dài thời gian về chuyện cần nhân chứng và công chứng, chứ không tuyên bố hết hạn, nên vẫn có hy vọng trong chuyện kiện này. Hiện phía chúng tôi đang có thêm một cách làm khác. Nhưng chúng tôi xin lỗi là lúc này chưa thể tiết lộ vì muốn tránh các bất trắc không cần thiết.

Hồi năm 2017, người Việt tại Đài Loan cầm biểu ngữ đòi CSVN điều tra công ty Formosa

Một cuộc đấu tranh dài lâu

Đã hơn ba năm theo đuổi vụ kiện này, thưa, linh mục có nhận xét ra sao về thái độ của chính quyền Việt Nam. Cụ thể như Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc chẳng hạn. Đã có đề nghị nào về việc ngừng vụ kiện hay cao hơn, là đe dọa chẳng hạn?

Lm Nguyễn Văn Hùng: “Phải nói rằng họ rất kín đáo trong các biểu hiện. Bởi họ biết rằng bất kỳ hành động lộ liễu nào cũng sẽ phát động các sự phản đối của các tổ chức nhân quyền hay môi trường ở Đài Loan. Nhưng tôi tin rằng họ theo dõi, luôn theo dõi rất kỹ.

Sở dĩ có nhiều khó khăn trong việc người Việt phản ứng hay đi kiện Formosa, tôi nghĩ đó là chuyện ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp, do tôi tin rằng có các quan chức CSVN đầu tư hay có phần hùn trong hoạt động của Formosa ở Việt Nam. Do đó họ luôn để ý đến các tiến triển của vụ kiện này.

Chúng tôi gần đây cũng liên hệ với các tổ chức như Green Peace, Amnesty… và gần đây thì có thêm vài tổ chức để nhờ cậy họ đưa thông tin về vụ kiện này lên các diễn đàn quốc tế. Chúng tôi biết rõ mọi việc không thể nhanh chóng được, mà đó là một cuộc đấu tranh rất dài lâu.

Chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục không ngừng để cố gắng đạt đến một phần nào công lý cho các nạn nhân ở Việt Nam. Khó khăn thì còn nhiều, nhưng nhìn vào những mất mát của người dân trước thảm họa này, chúng tôi biết là mình phải tiếp tục, bất luận như thế nào.”

Đất Việt (07.04.2022)

 

 

Người bảo vệ nhân quyền: Việt Nam hiện đang giam giữ 253 tù nhân lương tâm

 

Hình minh hoạ: Ông Trịnh Bá Phương, một người đấu trang về quyền đất đai, tại phiên toà ở Hà Nội hôm 15/12/2021  AFP

Con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo công bố mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức thống kê cũng cho rằng còn số thực có thể còn cao hơn.

Hôm 6 tháng 4, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền ra thông cáo báo chí trong đó công bố con số tù nhân lương tâm cập nhật ở Việt Nam.

Cũng theo thông cáo trên thì thuật ngữ tù nhân lương tâm được dùng để chỉ những cá nhân bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc vì lương tâm; hay do sắc tộc, giới tính, màu da, và ngôn ngữ của mình.

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho biết thêm thông tin về vấn đề này:

“Tổng số tù nhân lương tâm hiện giờ là 253 trong đó có 24 người là phụ nữ và có 36 người đang trong thời gian giam giữ chưa xét xử, còn lại là đã bị kết án tù.

Trong đây nhiều nhất có lẽ là tội danh phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tức là các tù nhân lương tâm thuộc về vấn đề tôn giáo. Có khoảng gần 100 người là thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và vùng phía Bắc Việt Nam.

Còn lại là các tội danh như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, hay là lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”

Ông Ngữ cũng cho biết con số tù nhân lương tâm thực có thể cao hơn rất nhiều tuy nhiên do nhiều hạn chế như khó khăn trong việc liên lạc với người thân, hoặc các vụ xét xử diễn ra một cách bí mật, hoặc không xuất hiện trên mặt báo, nên nhiều trường hợp tù nhân lương tâm không được biết đến.

Theo báo cáo này, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, tòa án các tỉnh thành kết tội sáu nhà hoạt động và kết án họ tổng cộng hơn 20 năm tù và năm năm quản chế, trong đó có vụ xử nhà báo độc lập Lê Dũng Vova vào hôm 23/3 với bản án năm năm tù giam.

Trả lời câu hỏi về việc con số hàng trăm tù nhân lương tâm này phản ánh điều gì, ông Vũ Quốc Ngữ nói:

“Nó phản ánh rằng là chế độ độc tài ở Việt Nam không tôn trọng các quyền tự do cơ bản, gồm quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do báo chí. Con số này phản ánh một cái tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Cộng Sản.” 

Trong thông cáo của mình tổ chức này còn cáo buộc chính quyền mở rộng chiến dịch đàn áp và nhắm tới các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với nhà nước, thông qua việc bắt giữ một loạt người đứng đầu của các tổ chức này, với nhằm duy trì sự “độc quyền chính trị”.

Ví dụ điển hình là hai phiên tòa riêng biệt của Tòa án Hà Nội xét xử hai nhà hoạt động dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách với cáo buộc “trốn thuế” nhằm ngăn chặn các hoạt động của họ trong việc thúc đẩy giáo dục dân quyền.

Thông tin về số lượng tù nhân lương tâm ở Việt Nam được công bố trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang vận động để được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu – Việt Nam sẽ diễn ra trong ngày 6/4/2022.

RFA (06.04.2022)

 

 

Dân chấn thương sọ não khi mời về trụ sở, công an nói tự lăn dẫn tới bị thương

Anh Đại (trái) phải nhập viện cấp cứu sau khi được công an đến mời về trụ sở làm việc (ảnh : Tuổi Trẻ).

Phản ánh đến báo Tuổi Trẻ ngày 6/4, chị Lê Thị Thanh Hương (29 tuổi, trú tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng) cho biết, đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra việc chồng là Vũ Khắc Đại (31 tuổi) bị nhóm cán bộ công an hành hung dẫn tới nhập viện cấp cứu.

Theo chị Hương, sự việc xảy ra ngày 5/4, khi gia đình đến mở cửa để vào căn nhà tại tổ dân phố Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng vốn được mua lại từ bà Phạm Thị Ánh Tuyết theo hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được văn phòng công chứng xác nhận.

Sau khi nhận chuyển nhượng, vợ chồng chị Hương xuống mở cửa nhà, tháo dỡ phần lều bạt được bố mẹ của ông Nguyễn Duy Hùng (chủ đất cũ) dựng lên trước nhà.

“Khi chúng tôi đến mở cửa và tháo dỡ lều bạt thì Công an phường Tân Thành xuống yêu cầu không được làm, đồng thời mời tất cả về trụ sở để làm việc. Chồng tôi hỏi lý do thì họ không trả lời nhưng đến trưa cùng ngày, khoảng 20 cán bộ công an bất ngờ ập vào nhà bắt giữ vợ chồng tôi, áp giải về phường” – chị Hương phản ánh.

Theo chị Hương, thấy bị bắt giữ vô lý nên anh Đại có kháng cự, hỏi lý do thì bị một số cán bộ công an dùng dùi cui, tay chân đánh liên tiếp vào người.

Do bị đánh vào các vùng nguy hiểm nên khi về trụ sở Công an phường Tân Thành, anh Đại bị ngất xỉu và được đưa đến Trung tâm Y tế quận Dương Kinh cấp cứu, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp Hải Phòng.

“Tại bệnh viện, các bác sĩ khám chẩn đoán chồng tôi bị đa chấn thương và cả chấn thương sọ não. Bản thân chồng tôi mới phải phẫu thuật, sức khỏe chưa hồi phục nên việc bị hành hung khiến sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều” – chị Hương cho hay.

Liên quan nội dung người dân tố cáo cán bộ công an hành hung dân phải nhập viện cấp cứu, vị lãnh đạo Công an phường Tân Thành cho rằng không có ai hành hung, mà do anh Đại tự lăn dẫn tới bị thương vùng mí mắt.

Hiện sự việc đang được cơ quan chức năng Hải Phòng tiếp tục xác minh.

Theo báo PLO đưa tin, những vụ việc người dân, nghi can… sau khi được triệu tập lên trụ sở công an (xã, phường, quận, huyện…) khi ra về phải bầm mình bầm mẩy thậm chí là nặng hơn. Điều đó không còn là lạ nữa.

Ai cũng biết những thương tích đó từ đâu mà đến nhưng chẳng một ai có thể chứng minh được.

Nguồn tin trên dẫn chứng, theo đó chiều 25/12/2013, nghi can Đỗ Duy Việt (47 tuổi, ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) bị mời lên trụ sở công an huyện Thường Xuân để điều tra về vụ việc xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, trong quá trình tạm giữ để xét hỏi, người đàn ông này đã chết. Ông Nguyễn Văn Giáp, Trưởng Công an huyện cho biết ông Việt chết do… đột tử. Người nhà nạn nhân thì nói ông Việt sức khỏe rất tốt và đặt nghi vấn về cái chết bất thường của ông. Dù đã cố gắng khiếu kiện và tìm hiểu, cuối cùng gia đình ông cũng đành để sự việc chìm xuồng vì không có cách gì biết được sau khi ông bị bắt giữ đã xảy ra chuyện gì.

ĐKN (05.04.2022)

 

 

Luật Đất đai hiện tại đã tạo kẻ hở cho tham nhũng

 

Lạm quyền là tên gọi khác cho hành vi tham nhũng quyền lực đất đai từ kẻ hở của Luật Đất đai hiện hành.

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là nhà nước.

Nhiều cựu quan chức của tỉnh Khánh Hòa hiện đang hầu tòa trong phiên xét xử hình sự về tội “vi phạm trong quản lý đất đai” trong quá trình cho thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai 2 dự án trên núi Chín Khúc. Ngoài ra một số quan chức đó cùng một số bị can còn bị khởi tố trong các vụ án liên quan đến quản lý đất đai, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong các dự án tại số 01 Trần Hưng Đạo (Nha Trang Gold Coast, đây vốn là nơi đặt trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa), 28E Trần Phú (Nha Trang Golden Gate).

Lạm quyền là tên gọi khác cho hành vi tham nhũng quyền lực đất đai từ kẻ hở của Luật Đất đai hiện hành.

Theo hồ sơ, năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký văn bản cho Công ty cổ phần Thanh Yến (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao) Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở xã Phước Đồng, ngoại ô thành phố Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng. Đổi lại, Công ty Thanh Yến được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, tại số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang rộng gần 7.400 m2. Khu đất này được ví như đất “vàng” bởi nằm 2 mặt tiền Trần Hưng Đạo – Lý Tự Trọng, song song đường Trần Phú – đường có giá đất đắt đỏ nhất thành phố Nha Trang.

Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo khi đó có hiện trạng là đất cơ sở giáo dục, được quy hoạch là đất dịch vụ thương mại, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng kết luận chỉ đạo các sở, ngành tham mưu để tỉnh quyết định trong diện tích này chiếm phần lớn là đất ở, và sau đó giao cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại – dịch vụ – y tế – văn phòng – khách sạn – nhà ở chung cư (để bán) Nha Trang Center 2, sau đó đổi tên là Nha Trang Gold Coast.

Đây là chỉ đạo có dấu hiệu trái pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cùng liên quan đến dự án Nha Trang Gold Coast, tháng 2-2016, ông Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi toàn bộ khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Thanh Yến mà không qua đấu giá đất (thời hạn giao và cho thuê đất đến ngày 30-6-2065), hoàn vốn cho dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, với tổng số tiền thu được chỉ 114,8 tỉ đồng.

Cụ thể, đất ở lâu dài tại đây tỉnh phê duyệt giá chưa đến 22,5 triệu đồng/m2; diện tích đất thương mại, dịch vụ có giá 7,8 triệu đồng/ m2. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2016, giá đất ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo được rao trên các sàn giao dịch bất động sản khoảng 200 triệu đồng/ m2.

Hàng loạt văn bản qua lại cho dự án nói trên cho thấy điểm trống của Luật Đất đai hiện tại là chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Luật cũng chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất tức địa tô chênh lệch, chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên.

Trước mắt nếu chưa sửa Luật Đất đai thì để tránh lạm quyền, cần tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền định giá đất cho hai cơ quan độc lập với nhau. Điều này nhằm kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền lực nhằm mục đích tư lợi để rồi về sau Đảng lại phải đau xót chứng kiến những cán bộ trung kiên một thời của Đảng phải hầu tòa vì tham nhũng đất đai.

Hà Nguyên 

VNTB (05.04.2022)