Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28 tháng 7, 1990 trên bước đường hoạt động tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ tự do thực sự. Từ đó đến nay đã trải qua 29 năm, cứ đến độ hè về vào cuối tháng bảy hàng năm đều có lễ giỗ tưởng niệm đến Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Chính sự kiện khác thường này cho thấy hậu thế không muốn quên một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Thực vậy, sự ra đi vĩnh viễn của Gs Huy để lại biết bao nhiêu thương tiếc cho những người còn lại.

I/ Bất ngờ

Mới đây, vào ngày 14 tháng 7, phía anh em chúng tôi bất ngờ nhận được từ trưởng nữ của Giáo sư Huy – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thúy Tần – một phóng ảnh chụp lá thư chia buồn và vinh danh của Tổng Thống Mỹ George Bush (còn được gọi là “Bush cha”) 

Trong lá thư “chính gốc” này, TT George Bush lên tiếng ca ngợi Giáo sư Huy là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt và dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau.

“Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ? Đây có thể là một bí ẩn, mà chúng tôi sẽ phân tích và giải thích phía dưới trong phần V.

 

II/ Khả năng đa tài xuất chúng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

 

Điểm nổi bật nhứt của Giáo sư Huy là có khả năng đa tài xuất chúng:

 

1) Nổi tiếng về các bài thơ ái quốc. 

Chỉ mới 19 tuổi, Giáo sư Huy đã sáng tác ra được những bài thơ ái quốc đi vào văn học sử VN. Tập Thơ Hồn Việt thể hiện rỏ lý tưởng của Giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu cho đến khi lìa đời. Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, “Ngày tang Yên Bái” …. đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử nổi tiếng của Dân Tộc Việt. Nhìn lại văn học sử VN có lẽ Giáo sư Huy là người duy nhứt có được một tập thơ nổi tiếng ái quốc ngay từ tuổi 19.

 

2) Xuất sắc trên bước đường học vấn

Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương. Một chuyện thật lạ là Giáo sư Huy đã tự học để lấy bằng Tú Tài Việt Nam. Cũng như trên bước đường lưu vong chính trị tại Pháp (1955 – 1963) Giáo sư Huy đã ghi tên học trường Khoa Học Chính trị Paris và trường Ðại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Giáo sư Huy đỗ bằng tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958, Cử Nhân Luật Khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960, và Tiến Sĩ Chính Trị Học năm 1963. 

Lúc còn thời sinh viên chúng tôi có “duyên” gặp được Giáo Sư Huy “ngắn ngủi” trên bước đường đi thuyết trình tại  u Châu vào dịp Mùa Hè Lửa Đỏ 1972. Có lẽ “hạp tuổi” nhau nên sau đó chúng tôi được Giáo Sư Huy gửi tặng một số tác phẩm do nhà xuất bản Cấp Tiến in. 

Trong đó đặc biệt có quyển Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời. Quyển này chính là Luận Án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris. Có lẽ đây là bản in duy nhứt còn tồn tại được sau bao nhiêu biến chuyển.

 

3) Thành công trong sự nghiệp giáo dục 

Khi trở về VN, Giáo sư Huy vào làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh dạy về chính trị và luật hiến pháp, đồng thời làm giảng viên ở nhiều trường đại học khác: Viện Ðại Học Ðà Lạt, Viện Ðại Học Huế, Viện Ðại Học Cần Thơ, Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Viện Ðại Học Minh Ðức, trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn.  Giáo sư Huy cũng được mời làm giảng viên ở các trường quân sự như trường Cao Ðẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, Giáo sư Huy được mời làm khoa trưởng trường Ðại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ.

 

4) Trở thành một học giả uyên bác 

Với trí óc cực kỳ thông minh như vậy, Giáo sư Huy nhanh chóng trở thành một học giả với tầm kiến thức rất uyên bác trên nhiều lãnh vực. Điều này thấy thực rõ ràng phía dưới trong phần IV về sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

 

Đặc biệt trong tác phẩm “Quốc Triều Hình Luật” với nội dung bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Trong đó qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy đã khám phá ra quân sư Nguyễn Trãi là tác giả thực sự của Bộ Luật Hồng Đức và từ triều đại Hậu Lê phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói. Trong di bút cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, Giáo sư Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới.

 

5) Một chiến sĩ tranh đấu cho VN đến hơi thở cuối cùng 

Đối với Giáo sư Huy: Tổ quốc VN là trên hết. Thực vậy, lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước. Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam. Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gấm vào tâm tình nồng nàn ấy. Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lỗi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách. Ông đã đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa VN.

 

III/ Cuộc đời “hiếm có” của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

 

Sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

 

Văn bằng:

– 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

– 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.

– 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

– Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị  Đại Học Paris.

– Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.

– Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

 

Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn: 

– Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).

– 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

– 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

 

Trong Chánh Quyền:

– 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.

– 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

– 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

 

Hoạt Động Chánh Trị:

– Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ

– Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

– 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).

– 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

– 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.

– 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành năm 1948.

 

Tưởng Lục:

– WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.

– Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

 

Chuyên Môn:

– Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.

– Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

 

IV/ Sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

 

Tiếng Việt:

  1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.
  2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.
  3. D N TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.
  4. D N TỘC HAY GIAI CẤP ?
  5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).
  6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.
  7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.
  8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.
  9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.
  10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA

– Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

  1. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.
  2. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

 

Tiếng Pháp:

  1. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

 

Tiếng Anh:

  1. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –
  2. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.
  3. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.

Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 17 và 18 trong danh sách này)

  1. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.
  2. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

 

Bài Đăng Báo:

Tiếng Việt: 

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như: TỰ DO D N BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, D N QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

 

Tiếng Pháp:

– LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.

– LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

 

Tiếng Anh:

– Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.

– LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.

– THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.

– ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.

– THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.

 

Thuyết Trình:

  • VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.
  • CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.
  • KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.
  • CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CH U tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.
  • LIÊN MINH LIÊN XÔ – CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CH U, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.
  • TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.
  • VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.
  • THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY G Y RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.
  • NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.

 

 

V/ Tại sao TT Mỹ lại chia buồn và vinh danh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy? 

1) Có lẽ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời, được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt & dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau. 

Như phía trên đã nhận xét: “Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ? 

Khách quan mà nói: Giáo sư Huy không phải là một nguyên thủ quốc gia, lại không phải công dân Mỹ (Giáo sư Huy giử quốc tịch VN đến lúc qua đời!) và thực sự chỉ là làm việc phụ khảo cho trường Ðại Học Luật Khoa Harvard. Như thế Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đâu cần phải viết thư chia buồn với lời lẽ ca ngợi lớn lao như thế. Vậy đây có thể là một bí ẩn lớn!

 

2) Thực vậy nhìn kỹ lại trong 12 năm chánh phủ Reagan & Bush đã xảy ra biến cố quan trọng nhứt trong thế kỷ 20 là Bức Tuờng Berlin sụp đỗ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 và sau đó toàn thể vùng Đông  u & Liên Xô được tự do. 

Để tìm ra ai là người có công lao tạo ra biến cố quan trọng này thì mỗi quốc gia đều hãnh diện cho rằng chính là người của mình đã có công lao lớn nhứt. 

Chẳng hạn: Ba Lan với lãnh tụ tranh đấu Walesa & Đức Giáo Hoàng John Paul II, Hung Gia Lợi với Thủ Tướng Nemeth, Đông Đức với lực lượng cải cách, Tây Đức với Thủ Tướng Brandt, Áo với Hoàng Thân Otto von Habsburg, Liên Xô với Tổng Bí Thư Gorbachev, Anh với Nữ Thủ Tướng Thatcher.

 

3) Riêng theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích cho rằng ông Gorbachev phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiển SDI (Strategic Defense Initiative). Chỉ trong lúc tâm sự, Giáo sư Huy mới “tiết lộ & giải thích” đưa một cái nhìn độc đáo cho rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua (Chess) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé (Poker) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy. 

Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đã “tố” dùng kế hoạch SDI “tháu cáy” để “hù” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev vốn có thói quen đa nghi ắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế (Perestroika), sau đó về chính trị (Glasnost). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đỗ, Đông  u thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21 tháng 12 năm 1991 là hậu quả tất nhiên đó. Quả thực sau khi Liên Xô sụp đổ, chương trình SDI cũng được dẹp bỏ vì đã đạt được mục tiêu là xí gạt “tố” “tháu cáy” cấp lãnh đạo Liên Xô. 

Vì vậy, ông Gorbachev ở hải ngoại được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông  u, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì, vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới.

 

4) Nếu xem lại tất cả tài liệu về sự sụp đổ của Liên Xô thì không hề thấy dòng chữ nào về “mưu thần chước quỷ” tố tháu cáy này. Chỉ có duy nhứt Giáo sư Huy nhìn thấy thấu rõ đường đi nước bước này của chánh phủ TT Reagan & Bush. 

Nên nhớ thông thường chỉ người “bày mưu chuốc kế” mới thấy rõ trước được những biến chuyển sẽ xảy ra.

Vì vậy đọc qua nội dung lá thư của TT Bush chia buồn & vinh danh Giáo sư Huy “đã phụng sự dân tộc Mỹ” thì rất có thể nói phần lớn e rằng chính Giáo sư Huy đưa ra mưu lược “tố tháu cáy” cho chánh phủ Mỹ đối phó với Liên Xô. 

Ngoài ra lá thư của TT Bush còn dùng luôn tiện để cám ơn Giáo sư Huy về những đóng góp cùng chánh phủ Mỹ – nhứt là những hội thảo và thuyết trình trong các hội nghị quốc tế (xem trong phần IV phía trên). 

Vả lại một người Mỹ rất ngưỡng mộ và thường kính phục coi Giáo sư Huy như bậc thày của mình. Đó là Giáo sư Stephen B. Young (Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Minnesota). 

(xem: https://www.law.umn.edu/sites/law.umn.edu/files/profile/youn0754/Stephen_Young_Resume.pdf )

 

Ông này là một nhân vật nổi tiếng quen biết rất nhiều cấp lãnh đạo trong đảng Cộng Hòa của chánh phủ TT Reagan & Bush. Nên rất có thể qua đường dây đó, Giáo sư Huy đã chuyển đạt được mưu chước này.

 

VI/ Kết luận

1) Như mọi người đều biết trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp đưa ra mưu kế rất ngắn gọn. Chẳng hạn nhân vật Nguyễn Trãi khi đầu quân với vua Lê Lợi đã đưa ra mưu lược “Đánh vào lòng người (tâm công kế)” để thắng quân Minh. Cũng như trong Tam Quốc Chí, nhân vật Mã Thốc dâng kế “Chinh phục lòng người” cho Khổng Minh đối phó với Mạnh Hoạch. Vậy với trí óc cực kỳ thông minh & uyên bác và luôn phân tích thời cuộc, thì ắt Giáo sư Huy có thể nghĩ ra mưu chước “tố tháu cáy”.

 

2) Cuộc đời của Giáo sư Huy quả thực “hiếm có” và đúng là tấm gương sáng cho hậu thế – như TT Bush đã ca ngợi. 

Giáo sư Huy âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẽ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc…) làm đất nước càng ngày càng suy vong. 

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Ông đã từng tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ tài giỏi hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

 

3) Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một nhân tài VN đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cõi đời đầy nhiểu nhương này.

 

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi, Tháng 07, 2019

 

Đặc San Lâm Viên

***

Quốc Kỳ Việt Nam

Gs. Nguyễn Ngọc Huy

“Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…

Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống!”

Viết cho những ai xem nhẹ lá Cờ Vàng, hãy đọc và suy ngẫm…

Sau năm 1975, đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã nhiều lần nghe những ý kiến phát biểu bằng lời nói hay bằng những bài báo về quốc kỳ và quốc ca Việt Nam. Trong những dữ kiện và ý kiến được trình bày, có cái không đúng sự thật, có cái đúng sự thật nhưng gây ra một số thắc mắc và hoang mang. Viết bài này, tác giả chỉ có mục đích trình bày một số dữ kiện lịch sử xác thật về quốc kỳ và quốc ca Việt Nam và đánh tan những luận điệu có thể làm cho người quốc gia Việt Nam thắc mắc và hoang mang về lá quốc kỳ và bài quốc ca của chúng ta.

 

A/ SỰ XUẤT HIỆN CỦA Ý NIỆM QUỐC KỲ TRONG LỊCH SỬ NHƠN LOẠI

Việc dùng một mảnh hàng hay vải có màu sắc và hình thức nhứt định để biểu tượng cho một nhơn vật, một gia tộc lãnh đạo hay một cộng đồng chánh trị đã có từ ngàn xưa. Trong các cuộc giao tranh dữ dội trên các bãi chiến trường cổ kim, binh sĩ hai bên đối đầu nhau đều lấy cờ của bên mình làm điểm hội tập và đều tận lực tranh đấu, thường khi phải hy sinh cả tánh mạng để bảo vệ nó. Trong lịch sử quân sự của mọi cộng đồng chánh trị, việc cắm được cờ của mình trên đất địch hay cướp đoạt được cờ của quân lực địch đều được xem là một chiến công rạng rỡ.

Tuy nhiên, trước cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, phần lớn các nước trên thế giới đều theo chế độ quân chủ, hoặc là quân chủ chuyên chế trong đó chỉ có một nhà vua nắm trọn quyền lãnh đạo và được xem là sở hữu chủ duy nhứt của quốc gia, hoặc là quân chủ phong kiến trong đó bên dưới nhà vua còn có những nhà quí tộc làm chủ các lãnh địa, và có khi có những thị xã tự trị trong đó quyền điều khiển thuộc một nhóm người hào phú địa phương. Một số cộng đồng chánh trị nhỏ thời đó đã theo chế độ cộng hòa hay dân quốc. Với chế độ này, quyền lãnh đạo cộng đồng thuộc về một vài thế gia cự tộc. Các cộng đồng chánh trị kể trên đây đều độc lập hoàn toàn hay phải tùy thuộc một cộng đồng chánh trị lớn hơn đều có lá cờ làm biểu hiệu cho mình. Nhưng vì cộng đồng được xem là vật sở hữu của một gia tộc hay một thiểu số gia tộc lãnh đạo nên lá cờ của cộng đồng cũng được xem như là lá cờ của gia tộc hay các gia tộc đó.

Ý niệm quốc kỳ biểu tượng cho toàn thể quốc dân chỉ mới xuất hiện với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Với cuộc cách mạng này, quốc gia không còn được xem là vật sở hữu của một gia tộc, mà là vật sở hữu chung của toàn thể mọi ngưoi sống trong cộng đồng. Hệ luận của quan niệm mới này là lá cờ một nước không còn là biểu tượng của gia tộc lãnh đạo, mà là biểu tượng của toàn thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ “drapeau national” để chỉ loại cờ này. Quan niệm của người Pháp lần lần được người các nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã dùng từ ngữ national flag khi nói đến lá cờ của mình. Drapeau national của Pháp và national flag theo tiếng Anh đã được người Việt Nam chúng ta dịch là quốc kỳ.

Về mặt thực hiện cụ thể thì lá quốc kỳ đầu tiên trên thế giới là cờ tam sắc của Pháp gồm ba màu xanh, trắng, đỏ, xếp ngang nhau theo thứ tự kể trên đây. Sự hình thành của lá cờ này là kết quả của một sự thương lượng giữa hoàng gia Pháp và nhơn dân thị xã Paris. Lá cờ tiêu biểu cho hoàng gia Pháp từ nhiều đời vốn nền trắng trên có thêu một hoa huệ màu vàng. Thời quân chủ Pháp, Paris là một thị xã được hưởng quyền tự trị và có lá cờ riêng gồm hai màu xanh và đỏ xếp ngang nhau. Khi người dân Paris nổi lên làm cách mạng đòi hỏi chánh quyền cải tổ chế độ, họ vẫn còn chấp nhận nền quân chủ. Nhà vua Pháp lúc đó là Louis XVI một mặt vì nhu nhược, một mặt vì thiếu phương tiện nên không dùng võ lực đối phó một cách quyết liệt với phong trào cách mạng và chịu chấp nhận các yêu sách của nhơn dân Paris. Do đó, hai bên đã đồng ý nhau lấy cờ của hoàng gia và cờ của thị xã Paris trộn lại làm huy hiệu cho nước Pháp. Nhà vua là quốc trưởng nắm quyền Hành Pháp nên màu trắng của cờ hoàng gia được đặt ở giữa, hai màu xanh đỏ của cờ thị xã Paris được ghép hai bên thành một huy hiệu tam sắc. Huy hiệu này lần lần được phổ biến khắp nơi trong nước, và đến năm 1793, Quốc Ước Hội Nghị đã chánh thức biểu quyết lấy cờ tam sắc làm quốc kỳ cho nước Pháp.

Phải nói rằng về mặt thẩm mỹ, cờ tam sắc này rất đẹp. Mặt khác, Cách Mạng Pháp thời đó lấy làm tiêu ngữ ba khẩu hiệu Liberté – Égalité – Fraternité là Tự Do – Bình Ðẳng – Bác Ái. Ba màu của quốc kỳ Pháp được xem là tiêu biểu cho ba tiêu ngữ trên đây: màu xanh tiêu biểu cho Tự Do, màu trắng tiêu biểu cho Bình Ðẳng và màu đỏ tiêu biểu cho Bác Ái. Cờ tam sắc của Pháp đã đẹp mà còn được giải thích một cách đầy đủ ý nghĩa tượng trưng rất phù hợp với lý tưởng chung của nhơn loại nên quốc dân Pháp đã nhiệt liệt hoan nghinh nó và chấp nhận nó làm biểu tượng cho mình. Về sau, nhiều nước Tây Phương khác chịu ảnh hưởng của Cách Mạng Pháp đã chọn ba màu xanh, trắng, đỏ, làm quốc kỳ với những giải thích hơi khác nhau, nhưng vẫn dùng ba màu này làm tiêu biểu cho các lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái là nền tảng chung của các xã hội dân chủ tự do.

 

B/ CÁC LÁ CỜ ÐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM VỚI TƯ CÁCH LÀ QUỐC KỲ

 

1/ Quốc kỳ xuất hiện đầu tiên: Cờ Long Tỉnh của Hoàng Ðế Bảo Ðại

Ở Việt Nam trước đây cũng như ở các nước quân chủ cổ thời khác, các lá cờ được dùng để biểu tượng cho một nhà lãnh đạo. Hiệu kỳ của một vị tướng cầm đầu một đạo quân thường có màu phù hợp với mạng của vị tướng đó: người mạng kim thì cờ màu trắng, người mạng mộc thì cở màu xanh, người mạng thủy thì cờ màu đen, người mạng hỏa thì cờ màu đỏ, người mạng thổ thì cờ màu vàng. Màu cờ của các triều đại thì được các nhà sáng lập chọn lựa theo sự tính toán dựa vào thuyết của học phái  m Dương Gia nghiên cứu về sự thạnh suy của ngũ hành lưu chuyển trong vũ trụ sao cho triều đại mình hợp với một hành đang hưng vượng. Ngoài cờ chung của triều đại, mỗi nhà vua đều có thể có lá cờ riêng của mình. Nhưng các lá cờ này chỉ để biểu tượng cho hoàng gia. Về ý niệm quốc kỳ biểu tượng cho cả dân tộc Việt Nam, nó chỉ xuất hiện ở nước ta khi dân tộc ta bị lọt vào ách thực dân Pháp.

Tuy nhiên, trong gần suốt thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam vẫn chưa có quốc kỳ. Lúc ấy, Nam Việt (được gọi là Nam Kỳ) là thuộc địa Pháp và phải dùng cờ tam sắc của Pháp, Bắc Việt và Trung Việt (được gọi là Bắc Kỳ và Trung Kỳ) trên lý thuyết là lãnh thổ của nhà Nguyễn. Các nhà vua Việt Nam thời đó đều có lá cờ biểu tượng cho mình như thời còn độc lập, nhưng cờ này chỉ được treo nơi nào có nhà vua ngự đến chớ không phải ở mọi nơi trong nước và dĩ nhiên không có tánh cách một quốc kỳ. Mãi đến thời Thế Chiến II, Hoàng Ðế Bảo Ðại mới ấn định quốc kỳ đầu tiên.

Nguyên lúc đó, người Pháp đã thua Ðức và rất suy kém. Họ không còn đủ quân lực để bảo vệ các thuộc địa xa xôi. Riêng ở Ðông Dương thì người Nhựt lợi dụng sự suy kém của Pháp đòi quyền đem binh vào chiếm đóng đất này để lấy nó làm bàn đạp phong tỏa phía nam Trung Quốc và tiến đánh Ðông Nam Á Châu với dụng ý chinh phục cả Á Châu. Chánh phủ Pháp không thể từ chối lời đòi hỏi của Nhựt và viên Toàn Quyền thời đó là Ðề Ðốc Decoux có nhiệm vụ phải chịu hợp tác với quân chiếm đóng Nhựt, đồng thời cố gắng đến tối đa để bảo vệ quyền lợi Pháp ở Ðông Dương. Ý thức rằng chánh sách thực dân Pháp trước Thế Chiến II làm bất mãn người Việt Nam mọi giới, Toàn Quyền Decoux đã áp dụng một chánh sách hai mặt: một mặt triệt để đàn áp các phần tử cách mạng chống Pháp, một mặt xoa dịu người Việt Nam nói chung. Trong khuôn khổ của mặt thứ nhì trong chánh sách này, ông đã có những biện pháp nâng cao uy tín của các nhà vua Ðông Dương.

Hoàng Ðế Bảo Ðại nhơn cơ hội này đã đưa ra một vài cải cách và ban chiếu ấn định quốc kỳ của nước Ðại Nam. Quốc kỳ này tên là cờ long tinh, nền vàng với một sọc đỏ nằm vắt ngang ở giữa, bề ngang của sọc đỏ này bằng 1/3 bề ngang của cả lá cờ. Cờ long tinh được dùng trên lãnh thổ Ðại Nam, nghĩa là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vì Nam Kỳ lúc đó vẫn là thuộc địa Pháp và vẫn phải dùng lá cờ tam sắc của Pháp.

 

2/ Quốc kỳ thứ nhì: Cờ Quẻ Ly của chánh phủ Trần Trọng Kim

Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Ðông Dương đã bị quân đội Nhựt lật đổ ngày 9 tháng 3 năm 1945. Hai ngày sau, Hoàng Ðế Bảo Ðại tuyên bố độc lập. Chánh phủ độc lập đầu tiên được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 do nhà học giả Trần Trọng Kim cầm đầu. Quốc hiệu được đổi là Ðế Quốc Việt Nam và theo chương trình hưng quốc được chánh phủ Trần Trọng Kim ban bố ngày 8 tháng 5 năm 1945 thì quốc kỳ được chọn gọi là Cờ Quẻ Ly. Cờ này cũng nền vàng, ở chính giữa có một quẻ Ly màu đỏ. Ly là một trong 8 quẻ của bát quái và gồm một vạch liền, một vạch đứt và một vạch liền, bề rộng của các vạch này chỉ bằng một phần bề rộng chung của lá cờ.

Cờ quẻ Ly trên nguyên tắc là cờ của cả nước Việt Nam gồm có ba kỳ. Nhưng trong thực tế, nhà cầm quyền quân sự Nhựt đã không trao trả Nam Kỳ ngay cho triều đình Huế. Việc trao trả này chỉ thực hiện ngày 14 tháng 8 năm 1945, nghĩa là 4 ngày sau khi chánh phủ Nhựt quyết định đầu hàng Ðồng Minh và 10 ngày trước khi Hoàng Ðế Bảo Ðại thoái vị. Do đó, đại diện của triều đình Huế chưa bao giờ được thật sự cầm quyền ở Nam Việt và Cờ Quẻ Ly đã không được dùng ở đó.

Trong thời gian từ ngày Nhựt đảo chánh Pháp cho đến khi Việt Minh củng cố được chánh quyền cộng sản ở Nam Việt thì cả lãnh thổ này không có quốc kỳ. Lá cờ là điểm hội tập các phần tử quốc gia Nam Việt quyết tâm tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam thời đó là cờ của Thanh Niên Tiền Phong, một tổ chức được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, để giúp vào việc cứu trợ những nạn nhơn của các cuộc oanh tạc của Ðồng Minh và sau đó, tiếp tay vào việc giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị nạn đói. Cờ của Thanh Niên Tiền Phong nền vàng, chính giữa có ngôi sao đỏ. Nó không hề được xem là quốc kỳ, nhưng vì nó là cờ huy động các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm tầm vông vạt nhọn đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp đến xâm chiếm Nam Việt trở lại nên tôi thấy có nhiệm vụ phải nhắc đến nó trong bài khảo cứu này về các lá cờ đã được dùng ở Việt Nam.

 

3/ Cờ đỏ sao vàng của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam

Khi cướp chánh quyền ở Bắc Việt hồi tháng 8 năm 1945, tập đoàn CSVN dưới tên Việt Minh đã dùng cờ đỏ sao vàng. Cờ này sau đó được họ dùng ở những nơi họ chiếm đoạt được và cho đến nay, vẫn được họ tiếp tục xem là quốc kỳ.

 

4/ Cờ của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc

Khi chiếm lại được các thành phố lớn ở Nam Việt, chánh quyền Pháp đã khuyến khích phong trào Nam Kỳ tự trị. Ngày 26 tháng 3 năm 1946, họ đã cho thành lập Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, tên Pháp là République de Cochinchine và Cộng Hòa Quốc này đã có một quốc kỳ nền vàng, với 5 sọc vắt ngang ở giữa gần như quốc kỳ của ta hiện tại; nhưng thay vì ba sọc đỏ và hai hai sọc vàng như quốc kỳ của ta, nó gồm ba sọc xanh và hai sọc trắng chen nhau. Xét về mặt thẩm mỹ, cờ này rất khó coi. Bởi đó, trong những bài trào phúng trong báo Ðuốc Việt là cơ quan ngôn luận bán chánh thức của Xứ Bộ Nam Việt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng lúc ấy, tôi đã đặt cho nó cái biệt danh là lá cờ sốt rét.

 

5/ Quốc kỳ của chúng ta hiện nay

Quốc kỳ của chúng ta hiện nay do một họa sĩ nổi tiếng thời Thế Chiến II là Lê Văn Ðệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Ðại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948, gồm có ông và đại diện các đoàn thể chánh trị và tôn giáo cùng một số thân hào nhơn sĩ về phía người quốc gia Việt Nam. Như mọi người đều biết, nó có nền vàng với ba sọc đỏ và hai sọc vàng chen nhau nằm vắt ngang ở giữa, bề ngang của mỗi sọc đỏ và vàng này bằng nhau và bề ngang chung của năm sọc bằng 1/3 bề ngang chung của lá cờ. Cờ vàng ba sọc đỏ đã được dùng làm quốc kỳ cho quốc gia Việt Nam khi chánh phủ lâm thời Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 6 năm 1948 dưới sự chủ tọa của Tướng Nguyễn Văn Xuân. Nó đã tiếp tục được dùng suốt thời Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, cho đến ngày nay.

 

C/ Ý NGHĨA CỦA LÁ CỜ ÐÃ ÐƯỢC DÙNG LÀM QUỐC KỲ

Trong các lá cờ mô tả trên đây, cờ vàng sao đỏ không hề được xem là quốc kỳ, cờ sốt rét của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc chỉ là cờ của một chánh phủ bù nhìn dùng trên bộ phận của nước Việt Nam. Vậy, đúng danh nghĩa quốc kỳ chỉ có bốn lá cờ: cờ long tinh, Cờ Quẻ Ly, cờ đỏ sao vàng của tập đoàn CSVN và Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của người quốc gia Việt Nam. Lúc Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ra đời, một số người đã gọi chung bốn lá cờ trên đây là cờ tứ linh: cờ long tinh dĩ nhiên là cờ long, chữ ly trong Cờ Quẻ Ly đồng âm với ly là con lân, cờ của tập đoàn CSVN được xem là qui vì nó có ngôi sao 5 nhánh y như con rùa ló đầu và bốn chơn ra và quốc kỳ của chúng ta là phụng vì nó có ba sọc đỏ nằm song song nhau như đuôi chim phụng.

 

1/ Ý nghĩa và màu sắc của bốn lá cờ được dùng làm quốc kỳ

Ðiều đáng để ý là cả bốn lá cờ được dùng làm quốc kỳ Việt Nam đều gồm hai màu vàng và đỏ. Tuy nhiên, màu sắc của lá cờ CS nền đỏ sao vàng có ý nghĩa hoàn toàn khác ba lá cờ về phía người quốc gia Việt Nam.

  1. a) Ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng của tập đoàn CSVN

Ðảng kỳ của Cộng Sản Ðệ Tam Quốc nền đỏ trên có búa và liềm màu vàng. Quân Ðội Cộng Sản Nga lúc nổi lên cướp chánh quyền thì lấy ngôi sao đỏ làm biểu hiệu. Quốc kỳ của Liên Sô gồm huy hiệu của Ðảng và Quân Ðội nên cũng nền đỏ trên có búa liềm vàng và ngôi sao đỏ. Nhưng muốn cho ngôi sao đỏ hiện được trên nền đỏ của lá cờ, Cộng Sản Liên Sô đã phải dùng một viền màu vàng bao quanh nó. CSVN đã phỏng theo cờ Liên Sô để làm quốc kỳ. Nhưng năm 1945, họ còn phải giấu tánh chất cộng sản của họ nên không dám để búa liềm trên quốc kỳ này và chỉ dùng ngôi sao tượng trưng cho quân lực cộng sản. Ðiểm khác với Liên Sô là ngôi sao tượng trưng cho quân lực CSVN màu vàng chớ không phải màu đỏ viền vàng.

Chúng ta không nên quên rằng hai điều căn bản trong điều lệ của Ðảng Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế do Lenin thành lập là người tuyên thệ vào đảng này phải xem Liên Sô là tổ quốc số một của mình và phải triệt để tuân lịnh cơ quan lãnh đạo của Ðảng đặt tại Liên Sô. Lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ, Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN đã biểu lộ ý muốn xem lực lượng quân sự Việt Nam là một lực lượng phụ dịch cho Quân Ðội Liên Sô, và như vậy thì dĩ nhiên nước Việt Nam Cộng Sản phải là một nước chư hầu của Liên Sô.

Ý muốn này đã được thực hiện hoàn toàn sau năm 1975. Lúc CSVN chiếm được Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã rút lực lượng quân sự khỏi Ðông Nam Á Châu và sẵn sàng bắt tay với họ. Trung Cộng tuy không còn là thân hữu và có những hành động chống đối họ, nhưng không có sự uy hiếp quân sự đáng kể. Nếu CSVN giữ thái độ trung lập giữa Trung Cộng và Liên Sô, đồng thời tỏ ra hòa hoãn với Hoa Kỳ, họ đã có thể nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế và dựa vào cả Hoa Kỳ lẫn Liên Sô để hóa giải áp lực Trung Cộng. Nhưng tập đoàn CSVN đã công khai đứng về phía Liên Sô để gây hấn với Trung Cộng và cho Liên Sô dùng Việt Nam làm một căn cứ quân sự chống lại Trung Cộng, đồng thời uy hiếp lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Hiện nay, mọi người đều thấy rõ nước Việt Nam Cộng Sản là một chư hầu của Liên Sô và lực lượng quân sự của CSVN chỉ là lực lượng phụ dịch của Hồng Quân Liên Sô.

Tuy những điều kể trên đây chỉ mới thể hiện sau này, nhưng ý đồ của tập đoàn CSVN đã biểu lộ ngay từ lúc họ lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ. Vậy, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần vọng ngoại chấp nhận làm thuộc hạ của Liên Sô. Nó hàm ý để cho Liên Sô có quyền can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ðối với những ai cho rằng Ðảng Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế đã bị giải tán năm 1943 nên Liên Sô không có quyền can thiệp vào việc nội bộ các nước cộng sản chư hầu, chúng tôi xin nhắc lại rằng Ông Brezhnev, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Liên Sô khi biện minh cho việc Liên Sô can thiệp vào việc nội bộ của các nước cộng sản Ðông  u trong thập niên 1960 đã công khai nêu trước cộng đồng thế giới thuyết chủ quyền hạn chế theo đó một nước xã hội chủ nghĩa đàn anh (tức là Liên Sô) có quyền can thiệp vào việc nội bộ của các nước xã hội chủ nghĩa đàn em (trong đó dĩ nhiên là có Việt Nam) để bảo vệ các nguyên lý của xã hội chủ nghĩa.

  1. b) Ý nghĩa của màu vàng và màu đỏ của những quốc kỳ về phía người quốc gia

Màu vàng và đỏ của các quốc kỳ về phía người quốc gia thì có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo một số người Việt Nam, hai màu của các quốc kỳ về phía người quốc gia biểu tượng cho dân Việt Nam da vàng máu đỏ. Tư tưởng này có lẽ đã bị ảnh hưởng ít nhiều lối giải thích về ý nghĩa lá cờ nửa vàng nửa đỏ mà Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã dùng trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy năm 1930. Nhưng lối giải thích trên đây không đúng đối với các quốc kỳ Việt Nam về phía người quốc gia. Các quốc kỳ này thật sự có một ý nghĩa sâu sắc hơn, liên hệ đến cả vũ trụ quan của dân tộc Việt Nam.

Trong vũ trụ quan này, có sự liên hệ mật thiết giữa các màu sắc, phương hướng và ngũ hành. Màu vàng thuộc hành thổ và ở vị trí trung ương. Vì thế, nó vừa tượng trưng lãnh thổ, vừa tượng trưng cho uy quyền của nhà lãnh đạo tối cao được xem là sở hữu chủ của lãnh thổ này. Các nhà vua Trung Hoa xưa kia cho mình là kẻ làm chủ cả thiên hạ. Bởi đó, họ tự xưng là hoàng đế đứng trên các vị quốc vương làm vua một nuớc, và nắm giữ độc quyền dùng màu vàng làm y phục. Các nhà vua Việt Nam xưa kia vì thế yếu hơn các nhà vua Trung Hoa và không muốn có những cuộc chiến tranh liên miên với họ chỉ vì vấn đề danh phận nên đã phải chấp nhận làm chư hầu của hoàng đế Trung Hoa với tước hiệu quốc vương. Nhưng trái với các nhà vua Triều Tiên dùng tước hiệu quốc vương trong mọi trường hợp và không bao giờ dám mặc y phục màu vàng, các nhà vua Việt Nam chỉ dùng tước hiệu quốc vương trong sự giao thiệp với Trung Quốc, còn đối với thần dân trong nước và đối với các nước láng giềng khác, họ đã tự xưng là hoàng đế. Mặt khác, họ đã mặc y phục màu vàng y như nhà vua Trung Hoa. Như thế, trong tâm thức tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, việc dùng màu vàng là biểu tượng cho một chủ quyền nguyên vẹn của quốc gia, một nền độc lập hoàn toàn đối với Trung Quốc.

Cũng trong vũ trụ quan Việt Nam và Trung Hoa thời trước, màu đỏ thuộc hành hỏa và chỉ phương nam. Do đó, dùng màu đỏ làm biểu tượng là nhấn mạnh trên chỗ dân tộc ta là một dân tộc ở phương nam, đối chiếu với dân tộc Trung Hoa ở phương bắc. Cùng với việc dùng màu vàng, nó nói lên quan điểm của người Việt Nam tự xem mình là một dân tộc nắm trọn chủ quyền của nước mình và ngang hàng với dân tộc Trung Hoa.

Quan điểm trên đây đã được Nguyễn Trãi nêu ra rất rõ trong đoạn đầu của bài Bình Ngô Ðại Cáo:

Như ngã Ðại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang. Sơn xuyên chi cương vực ký thù, Nam Bắc chi phong tục diệc dị. Tự Triệu Ðinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc, dữ Hán Ðường Tống Nguyên nhi các đế nhứt phương.

Ý nghĩa chánh xác của đoạn văn trên này là:

Như nước Ðại Việt ta quả là một nước văn hiến. Bờ cõi núi sông (của nước ta và Trung Quốc) đã phân biệt nhau mà phong tục (của chúng ta là) dân phương nam cũng khác với phong tục (của người Trung Hoa là) dân phương bắc. Từ nhà Triệu, nhà Ðinh, nhà Lý, nhà Trần xây dựng nước ta, (các vua ta đã cùng các vua Trung Quốc của) nhà Hán, nhà Ðường, nhà Tống, nhà Nguyên mỗi bên đều làm hoàng đế một phương.

Trong bài này, chúng ta có thể nhận thấy rằng Nguyễn Trãi đã xem nhà Triệu là một triều đại Việt Nam, mặc dầu theo phần lớn các sử gia hiện tại, đó là một triều đại do người Trung Hoa thành lập. Như thế là vì Triệu Ðà là người đầu tiên áp dụng nguyên tắc nhận làm chư hầu của Trung Hoa để tránh việc tranh chiến, nhưng bên trong nước, vẫn tự xưng là hoàng đế, nghĩa là tự xem mình ngang hàng với nhà vua Trung Hoa.

Dầu quan điểm của chúng ta đối với nhà Triệu như thế nào thì lập trường chung của dân tộc Việt Nam về sự độc lập hoàn toàn và chủ quyền nguyên vẹn của quốc gia cũng đã được nêu rõ trong bài Bình Ngô Ðại Cáo và được thể hiện rõ rệt với hai màu vàng và đỏ dùng trong các quốc kỳ được phía người quốc gia chọn lựa. Vậy, hai màu vàng và đỏ của các quốc kỳ này khác hẳn ý nghĩa của cờ đỏ sao vàng được tập đoàn CSVN dùng làm quốc kỳ. Hai màu vàng và đỏ của các quốc kỳ về phía người quốc gia đặt nền tảng trên bài Bình Ngô Ðại Cáo, một bản văn được một nhà ái quốc Việt Nam viết lên sau khi nước ta được giải phóng khỏi ách đô hộ của người Trung Hoa và biểu lộ tinh thần độc lập của dân tộc. Trong khi đó, cờ đỏ sao vàng của tập đoàn CSVN biểu lộ tinh thần nô lệ, thần thuộc nước ngoài vì đặt nền tảng trên nguyên tắc tổ chức của Cộng Sản quốc tế ngày nay được nêu rõ trong thuyết chủ quyền hạn chế của nhà lãnh tụ Liên Sô Brezhnev, theo đó, Liên Sô có quyền can thiệp vào việc nội bộ của các nước theo xã hội chủ nghĩa để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

2/ Ý nghĩa đặc biệt của Cờ Quẻ Ly và Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

Ngoài ý nghĩa chung về màu sắc nói trên đây, Cờ Quẻ Ly và Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ còn có những ý nghĩa riêng cũng rất sâu sắc.

  1. a) Ý nghĩa Cờ Quẻ Ly

Như chúng tôi đã nói trên đây, Ly là một quẻ của bát quái. Cũng như màu đỏ, nó tượng trưng cho phương nam. Trong vũ trụ quan của Việt Nam và Trung Hoa thời trước, màu đỏ thuộc hành hỏa, tượng trưng cho mặt trời hay lửa; quẻ Ly cũng tượng trưng cho mặt trời, cho lửa, cho ánh sáng, cho nhiệt lực và về mặt xã hội thì tượng trưng cho sự văn minh.

Về hình dạng thì quẻ Ly trên cờ của chánh phủ Trần Trọng Kim gồm một vạch đỏ liền, một vạch đỏ đứt và một vạch đỏ liền. Do đó, bên trong quẻ Ly, hiện lên một nền vàng gồm hai vạch liền và một vạch đứng nối liền hai vạch ấy. Trong Hán văn, đó là chữ Công. Chữ công này được dùng trong các từ ngữ công nhơn, công nghệ để chỉ người thợ và nghề biến chế các tài nguyên để phục vụ đời sống con người. Vậy, ngoài ý nghĩa văn minh rạng rỡ, quẻ Ly còn hàm ý ca ngợi sự siêng năng cần mẫn và sự khéo léo của dân tộc Việt Nam trong các ngành hoạt động sản xuất kỹ nghệ.

  1. b) Ý nghĩa Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

★ Ý nghĩa chánh trị:

Trong lá quốc kỳ, nền vàng tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam nói chung và ba sọc đỏ tượng trưng cho ba kỳ. Vậy, ba sọc đỏ nằm trên nền vàng hàm ý là nước Việt Nam gồm cả ba kỳ và dân tộc Việt Nam gồm người của cả ba kỳ.

Ngày nay, sự thống nhứt của quốc gia và dân tộc Việt Nam là một điều không ai phủ nhận được nên người Việt Nam hiện tại không ý thức được sự gay go của cuộc tranh đấu đòi thống nhứt trong thập niên 1940, nhứt là ở Nam Việt. Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ kỳ có nghĩa là một phần đất của một quốc gia chớ không hàm ý một lãnh thổ biệt lập. Các từ ngữ Bắc Kỳ, Nam Kỳ thật sự đã được triều đình Huế dùng lúc nước Việt Nam chưa bị người Pháp xâm lăng để chỉ hai địa phương của một quốc gia thống nhứt. Sau khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp mới tách Nam Kỳ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, rồi dùng từ ngữ Trung Kỳ để chỉ phần đất ở hai phía bắc và nam của kinh đô Huế. Nam Kỳ được Pháp trực tiếp cai trị như một phần đất của Pháp. Bắc Kỳ và Trung Kỳ được xem là lãnh thổ của nhà Nguyễn chịu sự bảo hộ của Pháp, nhưng từ năm 1897, Pháp lại ép nhà vua Việt Nam phải giao quyền đại diện mình cho một Thống Sứ Pháp thành ra Pháp đã can thiệp vào sự cai trị đất này một cách trực tiếp hơn ở Trung Kỳ.

Trong hệ thống tổ chức của Pháp trước Thế Chiến II, ba kỳ của Việt Nam đã được xem như là ba lãnh thổ biệt lập. Sau Thế Chiến II, kế hoạch của Pháp là thành lập một Liên Bang Ðông Dương gồm 5 nước là ba kỳ của Việt Nam, Cam Bu Chia và Lào. Trong 5 nước này, Nam Kỳ là đất mà Pháp tha thiết muốn nắm giữ dưới quyền thống trị của mình hơn hết vì nó đã được họ trực tiếp cai trị từ năm 1867, lại là phần đat thạnh vượng trù phú nhứt. Bởi đó, họ đã nhứt định không chấp nhận một nước Việt Nam thống nhứt gồm cả ba kỳ. Tháng 3 năm 1946, họ đã cho thành lập Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc. Thiểu số người Việt Nam theo họ lúc đó đã chống lại quan niệm Việt Nam thống nhứt một cách mạnh mẽ. Các phần tử quá khích trong nhóm này đã xem đồng bào gốc Bắc Việt cư trú ở Nam Việt trong thời kỳ đó là người của một nước địch và thường hành hung đối với các đồng bào ấy. Trong các cuộc bố ráp hay chận đường xét giấy căn cước, họ thường bắt người dân nói ba tiếng “Tân Sơn Nhứt”, người nào không nói đúng giọng Miền Nam thì bị họ đánh đập một cách tàn nhẫn.

Sau mấy năm tác chiến ở Ðông Dương, người Pháp ý thức rằng họ không thể áp đặt ở Việt Nam một chế độ thống trị theo khuôn khổ họ đặt ra. Vì cần dùng sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để có phương tiện tài chánh đối phó với CSVN, họ phải chấp nhận điều kiện của Hoa Kỳ là nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. Bởi đó, họ đã tiếp xúc và thương thuyết với Cựu Hoàng Bảo Ðại. Tuy nhiên, họ chỉ muốn cho Việt Nam hưởng một nền độc lập hình thức, và thực quyền vẫn còn nằm trong tay họ. Mặt khác họ không chấp nhận sự thống nhứt của Việt Nam và tìm mọi cách giữ riêng Nam Kỳ dưới quyền cai trị trực tiếp của họ.

Nhờ được Anh Nguyễn Tôn Hoàn từ Trung Hoa về cho biết về tình thế và nhận chân rằng chỉ có Cựu Hoàng Bảo Ðại mới có thể đại diện cho người quốc gia Việt Nam trong cuộc thương thuyết với Pháp nên Xứ Bộ Nam Việt của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng đã phát động phong trào đòi thi hành giải pháp Bảo Ðại với một nước Việt Nam độc lập và thống nhứt. Lúc ấy, người Pháp đã đàn áp phong trào này ở Nam Việt một cách mạnh mẽ. Một số đồng chí của tôi trong đó có Anh Dương Quang Tiếp (sau này phục vụ trong Quân Ðội và trong ngành cảnh sát với cấp bực đại tá và đã từ trần trong trại tù cộng sản) đã bị Pháp bắt và đánh đập tàn nhẫn khi rải truyền đơn đòi thi hành giải pháp Bảo Ðại.

Tuy được sự yểm trợ của Hoa Kỳ trong cuộc thương thuyết, Cựu Hoàng Bảo Ðại không nắm được ưu thế hoàn toàn đối với Pháp vì lúc đó, Trung Cộng đã thắng thế hơn Trung Hoa Dân Quốc và CSVN có triển vọng được Trung Cộng giúp đỡ trong tương lai. Người Pháp đã cho Cựu Hoàng Bảo Ðại biết rằng nếu không thỏa thuận được với ông, họ sẽ thươn g thuyết với Hồ Chí Minh. Nhận thấy thời gian không thuận lợi cho mình, Cựu Hoàng Bảo Ðại đã phải nhượng bộ cho Pháp về mặt độc lập, nghĩa là chấp nhận để cho Việt Nam ở trong Liên Hiệp Pháp với những mối liên hệ chặt chẻ với Pháp, nhưng cương quyết đòi Pháp phải nhận cho Việt Nam thống nhứt. Người Pháp đã phải nhượng bộ ông về vấn đề này.

Nhưng ngay đến lúc chánh phủ Pháp chấp nhận cho Nam Kỳ được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, đám thực dân ở Nam Việt vẫn chưa chịu thua và nhiệt liệt chống lại việc ay. Vì Nam Kỳ được xem là một lãnh thổ của Pháp mà theo nền pháp lý của Pháp thì mọi quyết định liên hệ đến qui chế của đất này phải có sự chấp thuận của một hội nghị địa phương tên là Hội Ðồng Lãnh Thổ Nam Kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine), thực dân Pháp đã dự liệu bỏ ra một số tiền lớn để mua chuộc những người Pháp và người Nam Kỳ có quốc tịch Pháp được bầu vào Hội Ðồng đó biểu quyết chống lại việc sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi đã biết được kế hoạch này và đã nhiệt liệt chỉ trích nó trên hai tờ báo Ðuốc Việt (cơ quan ngôn luận bán chánh thức của Xứ Bộ Nam Việt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng) và Thanh Niên (cơ quan ngôn luận chánh thức của một tổ chức do Xứ Bộ này thành lập là Thanh Niên Bảo Quốc Ðoàn).

Sự tố cáo của chúng tôi làm cho người Pháp rất căm tức. Tướng Boyer de la Tour du Moulin, Ủy Viên Cộng Hòa Pháp ở Nam Kỳ lúc đó đã mời một đồng chí của tôi là Anh Ðỗ Văn Năng, Thủ Lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Ðoàn, đến gặp ông và bảo rằng: “Xin ông nhớ cho rằng tôi là người Pháp có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nước Pháp. Các hoạt động của đoàn thể ông có hại cho quyền lợi này. Các ông phải chấm dứt nó hay ít nhứt cũng giảm thiểu nó, nếu không, tôi buộc lòng phải đối phó một cách quyết liệt. Tôi sẽ rất tiếc nếu phải làm như vậy, vì tôi lúc nào cũng tôn trọng ông là người mà tôi nhìn nhận là rất đứng đắn. ”

Anh Ðỗ Văn Năng đã điềm tĩnh trả lời: “Tôi rất cám ơn ông đã tỏ ra thành thật với tôi, và tôi thấy có nhiệm vụ cũng phải thành thật đối với ông. Xin ông hiểu giùm cho rằng ông yêu nước Pháp như thế nào thì tôi yêu nước Việt Nam như thế ấy và ông có quyết tâm bảo vệ quyền lợi Pháp như thế nào thì tôi cũng có quyết tâm bảo vệ quyền lợi nước Việt Nam như thế ấy. ”

Sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến dịch tố cáo các âm mưu của thực dân Pháp ở Nam Việt tìm cách phá hoại các giao ước giữa chánh phủ Pháp với Cựu Hoàng Bảo Ðại về vấn đề thống nhứt Việt Nam. Mặt khác, Cựu Hoàng Bảo Ðại lúc ấy còn ở  u Châu đã cho biết rằng ông chỉ chịu về nước lãnh đạo chánh phủ nếu việc tái nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam được xác định một cách rõ rệt. Cuối cùng, các hội viên của Hội Ðồng Lãnh Thổ Nam Kỳ đã không dám chống hẳn lại việc thống nhứt Việt Nam. Họ chỉ ghi thêm trong quyết nghị biểu quyết ngày 23 tháng 4 năm 1949 chấp nhận để Nam Kỳ được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam một điều kiện là nếu có sự thay đổi trong mối liên hệ giữa Việt Nam với Liên Hiệp Pháp thì Nam Kỳ sẽ lại được quyền tự quyết định về số phận mình.

Ðám thực dân Pháp ở Nam Kỳ rất thù hận chúng tôi về việc đã chống lại họ một cách mãnh liệt về vấn đề thống nhứt Việt Nam. Do đó, họ ngầm thông đồng với bọn công tác thành của CSVN và để cho một cán bộ trong bọn công tác này là La Văn Liếm hạ sát Anh Ðỗ Văn Năng ở Sài Gòn vào những tháng đầu năm 1950. Ngoài anh ra, chắc hẳn còn có nhiều người Việt Nam khác thuộc các tổ chức ái quốc đã bị Pháp sát hại vì cuộc tranh đấu cho Việt Nam thống nhứt.

Vậy, đồng bào gốc Bắc Việt vào cư trú Nam Việt trước 1945 và người Nam Việt chủ trương thống nhứt đã phải tranh đấu rất gay go, có người phải thiệt mạng vì chủ trương này. Bởi đó, sọc đỏ thứ ba trên quốc kỳ tượng trưng cho Nam Việt thật sự đã được tô bằng máu của nhiều nhà ái quốc và điều này làm cho Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ có một ý nghĩa chánh trị sâu xa mà nhiều người Việt Nam hiện nay không thấy được.

Một quyết định khác của Quốc Trưởng Bảo Ðại khi ông mới về nước năm 1949 cũng có một ý nghĩa chánh trị ít ai được biết là việc chọn Sài Gòn làm thủ đô. Vì là người kế thừa nhà Nguyễn nên Quốc Trưởng Bảo Ðại rất muốn đặt chánh phủ thống nhứt của Việt Nam ở Huế là kinh đô cổ truyền của triều đại mình. Nhưng lúc ấy, nhà cách mạng lão thành Trần Văn  n đã bàn với ông là nếu ông lấy Huế làm thủ đô, việc sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam không được thể hiện rõ rệt đối với người Việt Nam và người ngoại quốc và nền thống nhứt thâu hoạch được một cách gay go sẽ không vững chắc. Ðặt thủ đô ở Sài Gòn để cho mọi chánh lịnh ban hành trong toàn quốc Việt Nam phát xuất từ Nam Việt thì tánh cách thống nhứt của nước Việt Nam từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan hiển hiện trước mắt và trong tâm thức mọi người thành ra không ai còn hoài nghi hay phủ nhận sự thống nhứt đó được nữa. Quốc Trưởng Bảo Ðại tán thành ý kiến trên đây của Ông Trần Văn  n và quyết định lập chánh phủ thống nhứt ở Sài Gòn, mặc dầu ông không thích ở Sài Gòn vì chánh quyền Pháp lúc đó chịu giao Phủ Cao Ủy ở Hà Nội cho ông mà lại giữ Phủ Cao Ủy ở Sài Gòn là Dinh Norodom (sau này gọi lại là Dinh Ðộc Lập) thành ra tại Sài Gòn, Phủ Thủ Tướng của Việt Nam kém bề thế hơn Phủ Cao Ủy của Pháp.

★ Ý nghĩa triết lý:

Về mặt triết lý, trong bát quái, ba vạch liền là quẻ Càn, tượng trưng cho trời, cho vua, cho cha và cho quyền lực. Ngày nay, chúng ta sống trong chế độ dân chủ và quẻ Càn trên quốc kỳ có thể dùng để tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam và sức mạnh của toàn dân ta.

3/ Cờ vàng ba sọc đỏ và cờ đỏ sao vàng

★ So sánh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và cờ đỏ sao vàng về mặt thẩm mỹ:

Nói chung thì trên một lá cờ gồm hai màu, một đậm, một lợt thì nếu màu đậm quá nhiều và làm nền còn màu lợt quá ít và làm dấu hiệu phụ thuộc thì màu lợt bị màu đậm tràn ngập và lá cờ trở thành tối. Trái lại, nếu màu lợt nhiều hơn và làm nền còn màu đậm ít hơn và làm dấu hiệu phụ thuộc thì màu đậm in rõ lên nền màu lợt và cả hai màu đều sáng chói.

Quốc kỳ của tập đoàn CSVN gồm một ngôi sao vàng nhỏ trên nền đỏ, màu vàng của ngôi sao bị nền đỏ sậm hơn tràn ngập nên chỉ hiện lên như một tia sáng yếu ớt và cả lá cờ xem rất tối.

Quốc kỳ của người quốc gia chúng ta trái lại, dùng màu vàng làm nền và ba sọc đỏ sậm hơn đã hiện rõ lên nền vàng này thành ra cả hai màu đều tươi sáng. Vậy, chỉ xét riêng về mặt thẩm mỹ, quốc kỳ của chúng ta tươi đẹp hơn quốc kỳ của tập đoàn CSVN rất nhiều.

Ðiều đó cũng không có chi lạ. Quốc kỳ của chúng ta do một họa sĩ nổi tiếng vẽ ra, còn cờ của tập đoàn CSVN chỉ là sự mô phỏng nô lệ cờ một đế quốc có chủ trương sắt máu và không có ý thức gì về cái đẹp.

★ So sánh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với cờ đỏ sao vàng về mặt triết lý:

Nếu lấy nền triết lý cổ truyền của dân tộc Việt Nam làm căn bản để phán đoán thì Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của chúng ta cũng có một ý nghĩa tốt đẹp hơn cờ đỏ sao vàng nhiều. Theo quan niệm cổ của dân tộc Việt Nam, màu vàng thuộc hành thổ và màu đỏ thuộc hành hỏa và vì hỏa sanh thổ nên hai màu này rất hợp với nhau. Nhưng trên cờ đỏ sao vàng, màu đỏ quá nhiều, màu vàng quá ít, cũng như khối lửa lớn hay một ánh nắng gay gắt nung đốt một hòn đất nhỏ thành ra hòn đất bị khô cằn đi. Trong khi đó, trên Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, ba sọc đỏ nhỏ như những tia nắng rọi xuống một mặt đất rộng rãi làm cho mặt đất này ấm áp và có điều kiện thuận lợi cho cây cỏ mọc lên được.

Ý nghĩa về triết lý trên đây thật ra cũng phù hợp với bản chất của chế độ chánh trị hai bên. Chế độ cộng sản là một chế độ độc tài toàn diện đè ép nhơn dân, phủ nhận các quyền lợi căn bản của con người, làm thui chột các sáng kiến nên không thể phát triển được. Dưới quyền của tập đoàn CSVN, nước Việt Nam đã trở thành một mảnh đất cằn cỗi không sinh khí và xã hội Việt Nam lọt vào sự đói khổ cùng cực. Chế độ quốc gia dung nạp sự tự do, tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người và khuyến khích sáng kiến nên mặc dầu các nhà lãnh đạo về phía quốc gia đã phạm nhiều lỗi lầm trầm trọng, mặc dầu CSVN đã gây nhiều tàn sát và phá hoại, phần lãnh thổ Việt Nam do người quốc gia điều khiển đã là một mảnh đất đầy sinh khí và nhơn dân Việt Nam trên lãnh thổ này đã hưởng một nếp sống tương đối tự do và trù phú hơn.

 

D/ VẤN ÐỀ THAY ÐỔI QUỐC KỲ

1/ Các lập luận đưa ra để phủ nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

Sau năm 1975, trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại có một số người chủ trương phủ nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Trong số những người này, có kẻ bảo rằng đó là cờ thua trận, có kẻ bảo rằng đó là một lá cờ của một chế độ tham nhũng thúi nát, có kẻ cho rằng đó là cờ của Bảo Ðại, cờ của Ông Ngô Ðình Diệm hay cờ của Ông Nguyễn Văn Thiệu là những người lãnh đạo mà họ cho là không xứng đáng.

 

2/ Quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc kỳ

Thật sự thì quốc kỳ một nước thường có ý nghĩa sâu xa liên hệ đến văn hóa và lịch sử dân tộc. Dầu cho nó do ai chọn lựa và chọn lựa như thế nào thì một khi đã được dùng làm quốc kỳ, nó cũng không còn có thể được xem là của cá nhơn nào mà phải được xem là của toàn thể nhơn dân trong nước. Bởi đó, số phận quốc kỳ không thể cột buộc vào số phận một nhà lãnh đạo, vào những ưu khuyết điểm của một chế độ hay vào sự thắng bại trong một cuộc tranh đấu. Trong lịch sử thế giới, không ai chủ trương phủ nhận quốc kỳ của mình hay thay đổi nó vì các lý do trên. Việc thay đổi quốc kỳ chỉ được đặt ra khi trong nước có những quan niệm chánh trị mới hoàn toàn khác quan niệm làm căn bản cho chế độ quốc gia.

Như chúng tôi đã nói trên đây, lá quốc kỳ đầu tiên được dùng trên thế giới là cờ tam sắc của Pháp. Nó là kết quả một sự tương nhượng giữa hoàng gia Pháp và nhơn dân thị xã Paris. Sau đó, nhà vua Louis thứ XVI của Pháp đã chống lại Cách Mạng và bị xử tử, nhưng chánh phủ cách mạng Pháp vẫn chánh thức lấy lá cờ tam sắc làm quốc kỳ.

Lúc dòng vua chánh thống của Pháp được đưa lên ngôi báu trở lại, họ đã dùng lá cờ trắng có hoa huệ vàng của hoàng gia làm quốc kỳ, nhưng cờ này chỉ được dùng từ năm 1816 đến năm 1830. Với cuộc Cách Mạng 1830, dòng Orléans được đưa lên thay dòng vua chánh thống và cờ tam sắc đã được dùng làm quốc kỳ trở lại.

Năm 1848, dòng Orléans lại bị lật đổ. Một số nhà cách mạng tả khuynh thời đó đã chủ trương dùng cờ đỏ thay cờ tam sắc làm quốc kỳ, nhưng sau một bài diễn văn cảm động của thi hào Lamartine, người Pháp đã quyết định giữ cờ tam sắc. Lúc ấy, người Pháp lập Ðệ Nhị Cộng Hòa. Nhưng người đầu tiên được bầu làm Tổng Thống của nền cộng hòa này lại là cháu của Hoàng Ðế Napoléon thứ I. Năm 1850, ông đảo chánh để lên ngôi hoàng đế với danh hiệu Napoléon thứ III. Ðến năm 1870, vì gây chiến với Ðức và bị thảm bại nên ông phải thoái vị.

Quốc Hội Pháp được bầu vào lúc đó gồm nhiều người bảo hoàng muốn tái lập chế độ quân chủ và tôn làm quốc vương Bá Tước Chambord, người lãnh đạo dòng vua chánh thống từ năm 1836. Nhưng Bá Tước Chambord đòi hỏi phải bỏ cờ tam sắc để lấy cờ trắng thêu hoa huệ vàng làm quốc kỳ. Những người bảo hoàng nhiệt tâm nhứt đều biết rằng quốc dân Pháp lúc đó không chấp nhận cờ trắng thêu hoa huệ vàng thay cờ tam sắc nên cố thuyết phục Bá Tước Chambord bỏ ý định của ông. Thống Chế Mac Mahon là một lãnh tụ bảo hoàng đã bảo rằng, “Nếu dùng lá cờ trắng thay lá cờ tam sắc thì không cần ai bấm cò, súng cũng tự nổ.” Vì Bá Tước Chambord vẫn khăng khăng phủ nhận lá cờ tam sắc nên cuối cùng phe bảo hoàng phải từ bỏ chủ trương tái lập chế độ quân chủ.

Thời Thế Chiến II, Thống Chế Pétain đã chịu đầu hàng người Ðức trong khi Tướng De Gaulle chạy sang Anh kêu gọi người Pháp kháng chiến. Lúc ấy, có hai lực lượng Pháp đối đầu nhau và cả hai đều dùng lá cờ tam sắc. Ðể phân biệt hai bên, Tướng De Gaulle chỉ dùng một cây thánh giá Lorraine gồm hai nhánh ngang và một nhánh dọc đặt trên cờ để làm hiệu kỳ cho Lực Lượng Pháp Quốc Tự Do (LLPQTD) của ông. Ðến khi giải phóng được nước Pháp, ông đã không vì cớ cờ tam sắc đã bị Thống Chế Pétain dùng trong khi đầu hàng Ðức để xin thay đổi nó. Do đó, cờ tam sắc vẫn là quốc kỳ của Pháp và lá cờ có dấu thập tự Lorraine chỉ được xem là hiệu kỳ của LLPQTD.

Nói chung lại thì từ năm 1789, ở Pháp có ba quan niệm chánh trị căn bản thể hiện bằng ba lá cờ: quan niệm quân chủ chánh thống với cờ trắng thêu hoa huệ vàng, quan niệm cách mạng tả phái với cờ đỏ và quan niệm dân chủ tự do với cờ tam sắc. Cờ tam sắc biểu tượng được lý tưởng chung của đa số dân Pháp nên đã được chọn làm quốc kỳ và các mưu toan thay đổi nó đều không thành tựu được.

 

3/ Nhiệm vụ người quốc gia Việt Nam đối với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ

Người quốc gia Việt Nam ta may mắn có một lá quốc kỳ rất đẹp và oai hùng. Phải thấy cờ này bay phấp phới trên một nền trời trong xanh mới thấy hết cái đẹp oai hùng đó. Mặt khác, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mang nhiều ý nghĩa triết lý và chánh trị tuyệt hảo, hơn hẳn lá cờ đỏ sao vàng chống đối lại nó. Từ khi Quốc Gia Việt Nam được công nhận là một nước độc lập, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết. Tại Việt Nam, nó đã là biểu tượng hội tập nhiều triệu chiến sĩ quân nhơn cũng như dân sự tranh đấu cho sự tự do của dân tộc Việt Nam. Nó đã được dùng để phủ lên áo quan của nhiều trăm ngàn người đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam. Như vậy, nó là một bảo vật thiêng liêng đối với mọi người chúng ta.

Hiện nay, quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ không còn được chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng mọi người Việt Nam ở quốc nội đều biết rằng nó là lá cờ tượng trưng cho nền độc lập và tự do của Tổ Quốc, chống lại chế độ cộng sản tàn ác, phi nhơn và nô lệ ngoại bang. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại quốc xem là biểu tượng của phía người Việt Nam chống lại Cộng Sản. Không biểu tượng nào khác có thể thay thế Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ về các mặt này. Vậy, việc tỏ lòng tôn trọng quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và dùng nó một cách rộng rãi ở nơi nào có người quốc gia Việt Nam là một công cuộc đóng góp lớn vào việc giải phóng đất nước khỏi ách Cộng Sản.

Việc một hội đoàn Việt Nam dùng làm hiệu kỳ một lá cờ nền vàng ba sọc đỏ trên có biểu tượng riêng cho mình là một điều hữu ích cho công cuộc tranh đấu chống lại Cộng Sản. Khi Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (LMDCVN) áp dụng nguyên tắc trên đây và thêm 5 ngôi sao 5 nhánh màu xanh trên Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ để làm đoàn kỳ của mình, một số người đã chỉ trích vì cho rằng như vậy là bất kính đối với quốc kỳ. Nhưng sự thật không phải như vậy. Việc dùng một biểu hiệu thêm vào quốc kỳ để làm hiệu kỳ cho một tổ chức tranh đấu cho Tổ Quốc là một điều mà người các nước đã từng làm. Như trên đây đã nói, khi thành lập LLPQTD để chống lại chánh phủ Pétain, Tướng De Gaulle đã dùng một cây thập tự Lorraine thêm vào quốc kỳ Pháp. Vậy, việc đoàn kỳ của LMDCVN là một quốc kỳ trên có 5 ngôi sao 5 nhánh màu xanh chỉ hàm ý rằng LMDCVN là một tổ chức của VNCH tranh đấu dưới lá quốc kỳ Việt Nam, và 5 ngôi sao 5 nhánh màu xanh chỉ để phân biệt nó với những tổ chức tranh đấu khác nhưng cùng một mục tiêu chung.

Trong khi chưa giải phóng được Việt Nam và chưa làm cho nó được chánh thức dùng trở lại trên toàn cõi Việt Nam, nhiệm vụ người Việt Nam ở hải ngoại là làm cho cờ này vẫn được sử dụng ở mọi nơi có người quốc gia Việt Nam, đặc biệt là trong những hoạt động có liên hệ đến người ngoại quốc. Về mặt này, chúng ta phải ghi công cố Ðại Tá Ðỗ Ðăng Công, nguyên Tổng Thư Ký của Phân Bộ Việt Nam trong Liên Minh Thế Giới Chống Cộng (LMTGCC). Sau năm 1975, lúc CSVN vừa chiếm được Miền Nam Việt Nam, ban tổ chức của liên minh này đã không còn dùng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong các phiên họp của họ. Nhưng bằng những lời lẽ hợp lý, cương quyết và cảm động, cố Ðại Tá Ðỗ Ðăng Công đã làm cho họ thay đổi ý kiến và từ đó, quốc kỳ của chúng ta đã được long trọng dùng chung với cờ của các nước hội viên khác của LMTGCC ở mọi nơi.

Ngoài ra, còn có những người khác cũng có những công tác tương tự. Khi đến thuyết trình về vấn đề Việt Nam ở Viện Ðại Học OSU (Oregon State University) tại Cornvallis ngày 30 tháng 11 năm 1987, tôi được biết rằng các anh chị em sinh viên Việt Nam ở Viện Ðại Học này đã hai lần tranh đấu với ban giám đốc để cho Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn được treo với tư cách là quốc kỳ Việt Nam ở một hội trường trưng bày cờ các nước. Phía Canada thì Cộng Ðồng Việt Nam đã tranh đấu để cho thị xã Toronto chấp nhận để cho quốc kỳ Việt Nam được treo lên một tuần lễ mỗi năm tại kỳ đài của thị xã vào dịp 30 tháng 4. Tại Los Angelès (California) thì Cộng Ðồng Việt Nam đã được chấp nhận cho xây dựng một kỳ đài để quốc kỳ Việt Nam sẽ được treo liên tục suốt năm. Tại San Jose (California), Cộng Ðồng Việt Nam cũng sẽ xây dựng một kỳ đài tương tự. Ngoài ra, trong dịp Tết Mậu Thìn, quốc kỳ Việt Nam đã được treo trong suốt một tuần lễ ở trụ sở các tỉnh Santa Clara, thị xã San José và thị xã Milpitas.

Có lẽ trên thế giới còn có những nơi mà đồng bào Việt Nam đã tranh đấu và thành công trong việc làm cho quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ được cộng đồng quốc tế chấp nhận treo lên mà chúng tôi không được biết nên không nêu ra đây được. Riêng Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do (UBQTYTVNTD) thì dĩ nhiên là chánh thức công nhận quốc kỳ này. Ngày 4 tháng 12 năm 1986, khi tổ chức buổi hội thảo công khai đầu tiên của Ủy Ban, Ông Chủ Tịch Paul Vankerkhoven đã đích thân kiểm soát việc trang trí phòng hội thảo. Tại phòng này, quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ đã được treo chung với cờ các quốc gia trong Cộng Ðồng  u Châu và đặc biệt là được treo ở chỗ danh dự là ngay bên hữu cờ Bỉ là cờ của nước chủ nhà. Chắc chắn là trong mọi cuộc hội họp công cộng của UBQTYTVNTD mà có treo cờ thì quốc kỳ của chúng ta sẽ được treo chung với cờ các nước khác.

Việc quốc kỳ của chúng ta lần lần tái hiện bên cạnh cờ các quốc gia khác trên thế giới là một dấu hiệu cho thấy rằng công cuộc tranh đấu để giải phóng Việt Nam khỏi ách Cộng Sản có những tiến triển khả quan. Hiện nay, quốc kỳ này là biểu hiệu hội tập mọi người quốc gia Việt Nam: dầu có bất đồng ý kiến, dầu có những hiềm khích đối với nhau, mọi người quốc gia đều nên tôn trọng quốc kỳ và nếu mọi người đều quyết tâm tranh đấu chung nhau hay ít nhứt cũng song song nhau thì một ngày không xa lắm, quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ sẽ phấp phới bay trên mọi nóc nhà Việt Nam từ mũi Cà Mau cho đến ải Nam Quan.

 

Nguyễn Ngọc Huy