Ủy ban CRPD có quan sát kết luận gì về quyền người khuyết tật ở Việt Nam?

Tại phiên rà soát, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung của Bộ Công an nói hiến pháp Việt Nam đã nghiêm cấm tra tấn, truy bức, nhục hình. 

 

Ngày 25/3/2025 vừa qua, Ủy ban LHQ về quyền người khuyết tật (Committee on the Rights of Persons with Disabilities, viết tắt CRPD) đã công bố các quan sát kết luận sau phiên rà soát nhà nước Việt Nam.

Ngày 6/3, trước phiên rà soát, phái đoàn của BPSOS đã họp với Ủy ban CRPD để nói về hai nhóm chính bị từ chối sự trợ giúp và dịch vụ cho người khuyết tật: thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, và nạn nhân tra tấn bị sang chấn tâm lý và vấn đề tâm thần.

Ngoài ra, BPSOS cũng nói về người Thượng và người H’mông bị khuyết tật, và về nạn nhân buôn người bị đánh đập thành tàn phế. Nhiều người trong các nhóm này cũng không được nhận các dịch vụ và hỗ trợ cho người khuyết tật.

Vậy Ủy ban CRPD nói gì trong quan sát kết luận? Họ có nhắc tới những vấn đề BPSOS đã nêu ra không?

 

Vấn đề thương phế binh VNCH

Có mặt tại Geneva, Thụy Sỹ để phát biểu ở góc độ nhân chứng là cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, khi bị bắt năm 2017 đang là tình nguyện viên của Văn phòng Công lý – Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Ông nói về cách nhà nước Việt Nam phân biệt, kỳ thị thương phế binh VNCH—không những không giúp đỡ họ mà còn cấm cản các chương trình hỗ trợ của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, và tống đi những người đang được che chở tại Vườn rau Lộc Hưng.

Quan sát kết luận của Ủy ban CRPD về Việt Nam nói “Vẫn còn phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số như người bản địa khuyết tật, người khuyết tật sau chiến tranh, người khuyết tật về trí tuệ và/hoặc tâm lý xã hội, cũng như người tự kỷ.”

Họ không nhắc cụm từ VNCH, nhưng có nói “Trong 50 năm qua, hàng chục ngàn thương phế binh chỉ nhận được hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện của người Việt ở nước ngoài, không phải từ chính phủ.” 

Họ không nêu đích danh Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng có nói về việc Việt Nam đàn áp “các tổ chức Thiên Chúa giáo hỗ trợ người khuyết tật.”

 

Vấn đề nạn nhân bị tra tấn

Tại Geneva, ông Nguyễn Bắc Truyển cũng tố cáo việc nhà nước Việt Nam tra tấn trong “tù cải tạo” trước đây, và tra tấn tù nhân lương tâm hiện nay.

Tại phiên rà soát cũng như trong phần bổ sung thông tin ngay sau đó, chính quyền Việt Nam cương quyết khẳng định Việt Nam hoàn toàn không có nhục hình hay tra tấn, đã có điều luật nghiêm cấm, đã có quy định trừng phạt.

Ngay lập tức BPSOS đã chuyển cho Ủy Ban CRPD các thông tin xác thực về nạn tra tấn vẫn hoành hành ở Việt Nam.

Trong quan sát kết luận, Ủy ban CRPD nói Việt Nam vẫn còn nạn tra tấn và ngược đãi trong trại giam, thiếu cơ chế cho người dân khiếu nại, thiếu dữ liệu về vấn đề tra tấn và ngược đãi.

 

Vấn đề người Thượng và người H’mông khuyết tật

Ủy ban CRPD nhắc nhiều lần tới người bản địa dù nhà nước không công nhận khái niệm này – ở Việt Nam người bản địa là người Thượng, người Chăm, người Khmer Krom, v.v.

Ủy ban CRPD  nói tới người bản địa và vấn đề tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ y tế; khả năng người khuyết tật, bao gồm người bản địa khuyết tật, được tham vấn và có thể tham gia vào quá trình “phát triển, thực hiện, và giám sát tất cả các luật và chính sách liên quan đến người khuyết tật”; việc cung cấp “ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi, định dạng dễ đọc” bằng ngôn ngữ bản địa; quy trình tố tụng hợp pháp (due process) và biện pháp bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt phụ nữ và người bản địa, trong trại giam hay nhà tù; cơ chế khiếu nại khi bị tra tấn hoặc ngược đãi; điều kiện sống và khả năng tiếp cận mọi thứ ở vùng sâu vùng xa; vấn đề đào tạo nhân viên y tế biết cách tương tác với người khuyết tật, bao gồm người bản địa; v.v.

Họ cũng nói tới việc nhiều người “gặp khó khăn khi muốn có giấy khai sinh hoặc căn cước công dân”. Đó là vấn đề BPSOS đã nêu ra về cộng đồng người H’mông: bị ép bỏ đạo và đuổi khỏi làng, hàng chục ngàn người di cư vào Nam, hộ khẩu không có, từ đó không có căn cước công dân, vợ chồng cưới nhau không được giấy kết hôn, con cái sinh ra không có giấy khai sinh, muốn đi bệnh viện thì không có bảo hiểm y tế—người thường đã vậy, thế còn người khuyết tật?

Tại buổi rà soát, phái đoàn đại diện nhà nước khẳng định không có việc người dân không có căn cước công dân, và cũng không có kỳ thị người H’mông bị khuyết tật. BPSOS đã gửi ngay 4 hồ sơ điển hình cho Ủy ban CRPD tham khảo.

 

Các vấn đề khác về người khuyết tật

Ủy ban CRPD nói chính quyền Việt Nam, thay vì nhìn ở góc độ nhân quyền, tiếp cận vấn đề người khuyết tật “dựa trên y khoa và từ thiện”, từ đó “duy trì sự phân biệt một cách hệ thống với người khuyết tật.”

Ngoài những điều đã kể trên, họ nói Việt Nam thiếu minh bạch; cho trẻ em khuyết tật học riêng, hoặc vào các cơ sở chăm sóc, cản trở khả năng hội nhập; thiếu lối đi riêng và khả năng tiếp cận ở các tòa nhà công cộng và phương tiện giao thông công cộng; thiếu phụ đề và ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình, ở thư viện; thiếu biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người khuyết tật; không có hoặc có ít người khuyết tật trong ngành giáo dục và pháp lý; thiếu luật lệ và cơ chế để bảo vệ phụ nữ và trẻ em khuyết tật khỏi bị bạo hành; thiếu cơ chế bảo vệ người khuyết tật khỏi bị lạm dụng hoặc bỏ rơi; thiếu biện pháp bảo vệ họ khỏi bị ép dùng thuốc; có hỗ trợ tài chính quá ít cho người khuyết tật; vẫn còn rào cản cho người khuyết tật có bằng lái xe, và kiếm việc làm; không thừa nhận tự kỷ là khuyết tật; không có cơ quan độc lập để đánh giá việc bảo vệ quyền người khuyết tật; không tôn trọng tự do ngôn luận, v.v.

 

BPSOS đồng thời cũng đang vận động chính phủ Hoa Kỳ điều tra số tiền 155 triệu USD USAID đã viện trợ cho người khuyết tật ở Việt

Nam.

 

Đọc toàn bộ quan sát kết luận của Ủy ban CRPD tại đây

 

 

Hải Di Nguyễn 

Machsongmedia.org  (03.04.2025)

 

 

 

 

 

Dân biểu Derek Trần kêu gọi ngoại trưởng Mỹ vận động trả tự do cho Lê Hữu Minh Tuấn

 

Dân Biểu Derek Trần (Dân Chủ-California) vừa gửi một lá thư cho Ngoại Trưởng Marco Rubio của Mỹ yêu cầu ông vận động trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, người đang bị giam cầm trong nhà tù CSVN, hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba.

Ủy ban Vận động Tự do (Freedom Advocacy Committee) và cộng đồng người Việt tại đơn vị liên bang 45, quận Cam (Orange), Hoa Kỳ. Ủy Ban sẽ tiếp tục vận động cho ông Phạm Chí Dũng, hội trưởng và Nguyễn Tường Thụy, hội phó Hội Nhà Báo Độc Lập VN và toàn thể tù nhân chính trị, lương tâm tại VN phải được trả tự do. Ngoài ra, Ủy ban cũng vận động để CSVN không được sách nhiễu thân nhân người tù và đối xử đúng luật với tù nhân (ăn uống đầy đủ, điều kiện vệ sinh sạch sẽ, không cưỡng bức lao động, được đi khám bệnh khi cần thiết… UB cũng tha thiết xin bà con trong nước để ý dùm khi có ai mới bị bắt hoặc mới được thả ra vì lý do tranh đấu cho dân chủ và VN được tự do, xin liên lạc với Ủy Ban để tìm cách giúp đỡ họ và thân nhân của họ.

Trên đường dài, Ủy ban Vận động Tự do sẽ vận động để toàn dân VN phải được hưởng những quyền tự do căn bản như người dân ở các quốc gia tự do. 

Bản tin của báo Người Việt ngày 27 tháng 3, cho hay DB Derek Trần kêu gọi ngoại trưởng Mỹ vận động trả tự do cho Lê Hữu Minh Tuấn.

Dân Biểu Derek Trần (Dân Chủ-California) vừa gửi một lá thư cho Ngoại Trưởng Marco Rubio của Mỹ yêu cầu ông vận động trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, người đang bị giam cầm trong nhà tù CSVN, hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 36 tuổi, là một trong ba thành viên trụ cột Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt giữ và áp đặt các bản án nặng nề vào ngày 5 Tháng Giêng, 2021, vì bị vu cho tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống nhà nước (CSVN).”

Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn. (Hình: RSF)

 

Ông Tuấn bị bắt ngày 5 Tháng Sáu, 2020, bị tòa án ở Sài Gòn tuyên án 11 năm tù trong phiên sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng, 2021, và bị tòa y án trong phiên phúc thẩm ngày 28 Tháng Hai, 2022.

“Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn xứng đáng được tự do,” Dân Biểu Derek Trần được trích lời phát biểu qua một thông cáo báo chí. “Việt Nam lâu nay vẫn trừng phạt những người dám phát biểu chỉ trích chính quyền và ủng hộ nhân quyền. Đã đến lúc phải chấm dứt chính sách ghê tởm này (của CSVN). Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo đảm ông Tuấn và tất cả tù nhân lương tâm khác được tự do.”

Trong thư gởi Ngoại Trưởng Rubio, vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất Hoa Kỳ hiện nay viết: “Tôi viết cho ông lá thư này hôm nay trong vai trò là một người bảo trợ cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, người đang bị giam cầm tại Việt Nam, qua Dự Án Bảo Vệ Tự Do của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos. Chị của ông Tuấn là một trong những cử tri của tôi, và tôi quyết tâm tìm cách cho ông được tự do và ủng hộ tự do phát biểu tại Việt Nam.”

Cô Tâm Lê (thứ hai từ phải) (chị nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn), gặp Dân Biểu Hakeem Jeffries (giữa) (trưởng khối thiểu số Hạ Viện Mỹ), Luật Sư Derek Trần (thứ hai từ trái) và một số đồng hương hôm 12 Tháng Mười, 2024, khi ông Derek Trần ứng cử chức dân biểu liên bang. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

 

“Hiện nay, sức khỏe ông Tuấn ngày càng tồi tệ và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, và tôi thật sự lo ngại cho tình trạng của ông,” Dân Biểu Derek Trần viết tiếp. “Tôi yêu cầu sự giúp đỡ của ông để ông Tuấn được thả tự do và bảo đảm là ông được chăm sóc y tế đúng mức.”

Vị dân biểu gốc Việt đại diện vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, viết tiếp: “Là một người mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do phát biểu, tôi hy vọng ông và các phụ tá tại Bộ Ngoại Giao Mỹ nêu vấn đề này với các đồng nhiệm phía Việt Nam.”

Địa Hạt 45 của California do Dân Biểu Derek Trần đại diện bao gồm một phần hoặc toàn bộ các thành phố thuộc Orange County và Los Angeles County như Artesia, Brea, Buena Park, Cerritos, Cypress, Fountain Valley, Fullerton, Garden Grove, Hawaiian Gardens, La Palma, Lakewood, Los Alamitos, Placentia, Rossmoor, Westminster, và Yorba Linda. 

 

Tạ Dzu

VNTB (30.03.2025)

 

 

  

 

Bốn người ở Trà Vinh bị bắt vì tố chính quyền địa phương vi phạm nhân quyền

Hình ảnh vụ bắt giữ ông Thạch Nga do báo Nhân Dân đăng tải. (Báo Nhân Dân điện tử)

 

Công an tỉnh Trà Vinh hôm 27 tháng 3 thông báo đã bắt giam bốn người địa phương, với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”.

Những cá nhân bị bắt gồm các ông Đặng Ngọc Thanh, Thạch Nga, Kim Som Rinh, và Thạch Xuân Đồng.

Chính quyền cho rằng những người này phạm tội vì đã “thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều clip, hình ảnh, bài viết có nội dung vi phạm pháp luật” lên mạng xã hội Facebook.

Một trong những nội dung bị cho là vi phạm pháp luật mà bốn người này đăng tải, theo phía công an, là những cáo buộc chính quyền địa phương “vi phạm dân chủ, nhân quyền”.

Ba trong số bốn người bị bắt là người Khmer Nam Bộ, trong đó ông Kim Som Rinh là một vị sư, hai ông Thạch Nga và Thạch Xuân Đồng là những người thường xuyên lên tiếng về các vấn đề tự do tôn giáo đối với người Khmer địa phương.

Trên trang Facebook cá nhân của ông Kim Som Rinh, bài đăng mới nhất được thực hiện vào sáng sớm ngày 26 tháng 3, trước đó mấy phút, ông cũng chia sẻ lại một bài đăng của trang Voice of Kampuchea Krom, nói về vấn đề nhân quyền của người Khmer tại Việt Nam.

Trang Facebook có 50 ngàn người theo dõi của sư Kim Som Rinh, một trong 4 người bị bắt. (RFA)

 

Tỉnh Trà Vinh là nơi có cộng đồng người Khmer sinh sống lớn thứ hai cả nước chỉ sau tỉnh Sóc Trăng.

Trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh, một người Khmer địa phương cho biết những người bắt trước đó đã chia sẻ “sách về nhân quyền, sách về quyền của người bản địa, và sách về quyền tự quyết của các dân tộc”.

Chính quyền Việt Nam vốn vẫn từ chối công nhận sự tồn tại của “người bản địa”, chính sách này được ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tuyên bố tại phiên báo cáo về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11 năm 2023 tại Geneva (Thụy Sỹ).

Nhiều tổ chức đại diện cho người Khmer Nam Bộ cho rằng được công nhận là “người bản địa” là điều mà họ hướng tới, bởi điều đó sẽ trao cho họ quyền tự quyết.

Chia sẻ với RFA, bà Lâm Thị Pung , vợ của ông Thạch Nga, cho biết “chồng tôi mua chai lọ cũ/rác và các vật liệu tái chế khác rồi bán lấy tiền trả nợ. Dân làng cho anh ấy gạo, rau, quả. Còn tôi thì nuôi con. Bây giờ họ bắt chồng tôi rồi. Giờ tôi chỉ còn con, tôi phải làm sao đây?”

Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người Khmer ở Việt Nam, đã ra tuyên bố lến án vụ bắt giữ này của công an Trà Vinh.

 

RFA (27.03.2025)

 

 

 

 

Trong phúc trình năm 2025, USCIRF chỉ định Việt Nam là quốc gia phải quan tâm đặc biệt

Việt Nam bị nêu lên nổi bật tại buổi công bố bản phúc trình.

Ngày 25 tháng 3, 2025, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) công bố bản phúc trình hàng năm, chỉ định 16 quốc gia phải quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern, CPC) vì đàn áp tôn giáo cách nghiêm trọng, có hệ thống và dài lâu, trong đó có Việt Nam. Uỷ Hội USCIRF là cơ quan tư vấn cho Quốc Hội, Ngoại Trưởng và Tổng Thống Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại nhằm phát huy quyền tự do tôn giáo toàn cầu.

Trong phần báo cáo về Việt Nam, bản phúc trình chỉ ra là trong năm 2024 đảng Cộng Sản và nhà nước là gia tăng kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển. Song song, chính quyền bắt bớ, giam giữ, bỏ tù và tra tấn những tín hữu quyết tâm hoạt động độc lập và những người lên tiếng cho họ.

Ts. Stephen Schneck, Chủ Tịch Uỷ Hội USCIRF, nêu tên các quốc gia xứng đáng bị chỉ định CPC

 

“Mặc dù trong 2 năm liền, 2022 và 2023, Việt Nam bị Hoa Kỳ đặt vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt, gồm các quốc gia mấp mé CPC, nhà nước Việt Nam thay vì cải thiện lại gia tăng đàn áp tôn giáo trong năm 2024,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS nói. “Khó cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải thích tại sao năm 2025 không chỉ định Việt Nam là quốc gia phải quan tâm đặc biệt, CPC.”

Bản phúc trình nêu lên hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng năm 2024, đặc biệt nhắm vào các người Thượng bản địa theo đạo Tin Lành: xử 10 năm tù nhà truyền đạo Y Krec Bya và 4 năm tù nhà truyền đạo Nay Y Blang; đánh chết nhà truyền đạo Y Bum Bya; bắt cóc nhà truyền đạo Y Thinh Nie. Cả 4 thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Bản phúc trình nói đến các động thái đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam như vu khống Ông Y Quynh Bdap, đã được Cao Ủy Tị Nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn ở Thái Lan, tội khủng bố và xử 10 năm tù; Ông hiện đang bị chính phủ Thái Lan bỏ tù theo yêu cầu dẫn độ của nhà nước Việt Nam.

Bản phúc trình cũng nói đến việc công an buộc thêm tội cho cụ Lê Tùng Vân, 92 tuổi, người sáng lập nhóm Phật giáo Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụbỏ tù nhiều nhà sư và Phật tử Khmer Krom vì không tuân phục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước dàn dựng lên năm 1981; sách nhiễu Sư Thích Minh Tuệ và những người đồng hành theo hạnh đầu đà.

Sự kiện Chi Phái Cao Đài do nhà nước dàn dựng lên năm 1997 đã tấn công các tín đồ Cao Đài tại một lễ tang vào cuối năm 2024 được bản phúc trình nêu ra như ví dụ điển hình. Điểm đáng chú ý là bản phúc trình gọi tổ chức ngụy tôn giáo này là “Chi Phái Cao Đài 1997” mặc dù nhà nước Việt Nam đã cố gắng tạo ngộ nhận với quốc tế rằng đó là Hội Thánh Cao Đài chơn truyền mà họ đã xoá sổ năm 1983. Một trường hợp điển hình khác là tín đồ Cao Đài Trần Văn Đực bị công an khảo tra, sách nhiễu sau một buổi họp với viên chức nhân quyền tại Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên bản phúc trình của Uỷ Hội USCIRF nhấn mạnh, ngay trong phần mở đầu, chủ trương của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam dùng một số tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo làm trợ cụ để khống chế và kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo của người dân. Tháng 9 năm ngoái, Uỷ Hội USCIRF phát hành tài liệu nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo điển hình: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chi Phái Cao Đài 1997, Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc, và Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo.

Trong phần khuyến nghị cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Uỷ Hội USCIRF kêu gọi Bộ Ngoại Giao cũng chỉ định Việt Nam là CPC, rà soát lại việc nhà nước tuân thủ đến đâu các cam kết với Hoa Kỳ năm 2005 để được rút tên khỏi danh sách CPC năm 2006, đôn đốc chính quyền Việt Nam sửa đổi Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ hội cho các định chế nhân quyền của LHQ thị sát vùng Tây Nguyên nơi người Thượng bản địa bị đàn áp nặng nề.

Uỷ Hội USCIRF cũng kêu gọi các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ cho các tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam và thông qua luật về nhân quyền nhắm riêng đến Việt Nam tương tự như Luật Nhân Quyền Việt Nam do Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) từng đưa vào Quốc Hội. Theo thống kê trong bản phúc trình, Việt Nam đứng thứ 3 trong tất cả các quốc gia về số tù nhân lương tâm tôn giáo, chỉ sau China và Nga.

Ngoài 7 uỷ viên của Uỷ Hội USCIRF, khoảng một chục vị dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã phát biểu, bày tỏ sự ủng hộ cho các khuyến nghị trong bản phúc trình.

 

DB Smith, khi phát biểu, nêu bật trường hợp Việt Nam là một trong số quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Ông ghi nhận các nỗ lực bảo vệ nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng của BPSOS và Ts. Thắng trong nhiều thập niên qua.

Bên lề sự kiện, DB Smith cho biết sẽ lại đưa vào Quốc Hội dự luật Nhân Quyền Việt Nam và sẽ lên tiếng về việc nhà nước Việt Nam vừa mới đây cáo buộc BPSOS là tổ chức liên quan khủng bố.

TNS Chris Van Hollen (Dân Chủ, Maryland), người mà trước đây hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS và bảo trợ cho 3 thành viên của tổ chức Lao Động Việt bị tù, cho biết cũng sẽ có hành động thích đáng về lời cáo buộc phi lý này.

 

BPSOS

 

Tài liệu liên quan:

Bản phúc trình năm 2025 của Uỷ Hội USCIRF: https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2025-03/2025%20USCIRF%20Annual%20Report.pdf

 

Nguồn: machsongmedia.org (27.03.2025)