Tiếng Việt qua Ba Miền

Đỗ Văn Phúc

 9.8.2022

Hồn Việt

Nước Việt Nam nhỏ bé, chỉ rộng 311 ngàn cây số vuông (chưa bằng một nửa Tiểu Bang Texas) mà 90 triệu người Việt có hàng trăm giọng nói khác nhau. Đi theo chiều dài từ Bắc và Nam khoảng hơn 3500 cây số; bắt đầu là miền biên giới xuống đồng bằng sông Hồng có nhiều giọng khác nhau của các sắc tộc thiểu số; nhưng giọng Hà nội là tiêu chuẩn. Qua tỉnh Thanh Hóa, giọng nói đã thành trọ trẹ – từ cách phát âm rất nặng miền Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; nhẹ dần khi qua Quảng Trị và Huế (Thừa Thiên). Vượt qua đèo Hải Vân, giọng nói đã biến đổi hẳn khi đi vào địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi; Bình Định rồi nhẹ dần khi qua Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bắt đầu vào Long Khánh thì đúng là giọng miền Nam hồn hậu, dù có khác nhau đôi chút khi vào Sài Gòn rồi xuống vùng đồng bằng Cửu Long.

 

Từ khi vua Lý Thái Tổ dựng cơ nghiệp vào đầu thế kỷ thứ 11, đất Thăng Long trở thành cái nôi văn hoá Việt Nam từ đó cho đến khi Hà Nội lọt vào tay bè đảng Hồ Chí Minh và trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Giọng Hà Nội được coi là tiêu chuẩn cho cả nước trước 1954 vì Hà Nội là trung tâm văn học Việt Nam qua một lịch sử ngàn năm. Ngay cả sau khi nhà Nguyễn dựng kinh đô ở Huế vào đầu thế kỷ thứ 19, Hà Nội vẫn giữ ngôi chủ tể của đất thần kinh văn vật.

 

Hiệp Định Geneve chia cắt đất nước năm 1954. Theo đoàn người khổng lồ chạy nạn Cộng Sản, di cư vào Nam mà đa số là dân quê các vùng quanh Hà Nội – gần như tất cả những trí thức văn nhân thuộc tầng lớp thượng lưu của Hà Thành đã tập trung về thủ đô Sài Gòn của miền Nam tự do. Họ chính là hạt giống tốt cho sự phát triển văn học nghệ thuật miền Nam.

 

Đa số các nhà giáo, các văn nhân, thi sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ thời Việt Nam Cộng Hoà là người miền Bắc. Khi dân miền Nam còn trong tình trạng chưa phát triển mấy về văn học, thì chữ viết, lời nói, giọng nói của những người từ miền Bắc trở thành chuẩn mực cho miền Nam. Các trường cấp Tiểu Học lên tới Đại Học khi giảng dạy về Quốc Văn, cũng dùng các sách vở, truyện thơ của những nhà văn miền Bắc như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận. Giới học sinh và thành phần trung lưu thì ưa chuộng các bản nhạc tiền chiến miền Bắc với các giọng ca của Thái Thanh, Châu Hà, Kim Tước, Sĩ Phú, Hợp ca Thăng Long… Điều đáng nhớ là phần lớn  các ca sĩ miền Nam khi hát tân nhạc, vẫn gắng uốn giọng cho giống người Bắc.

 

Nhưng một sự thật không thể chối cãi là hình như có đến hầu hết người Việt phát âm không theo đúng tiêu chuẩn phiên âm của vài mẫu tự Latin mà Giáo Sĩ Francisco de Pina đã dùng để đặt cho các chữ cái Việt Nam, đặc biệt là các phụ âm.

 

1. Phụ âm “r, R” đúng ra phải như đọc chữ “r” trong Roma, Russia, Romeo, Radio…

 

Chỉ có người miền Trung và nhiều tỉnh miền Nam là đọc đúng phụ âm này.

Lấy vài chữ làm thí dụ: rộn ràng, rã rời, xong rồi…

 

Người miền Bắc thì đọc na ná như phụ âm “z”, hay ký âm /ʁ/ trong IPA.

Ví dụ:  “ zộn zàng, zã zời, xong zồi.”

 

Trong khi đó, dân quê miền cực Nam như Rạch Giá, thì lại đọc như phụ âm “g.” Ví dụ: con cá gô trong gổ, gộn gàng, gã gời, xong gồi. Một số bình dân Sài Gòn thì lại đọc thành: giộn giàng, giã giời, xong giồi.

 

2. Phụ âm “TR” cũng chỉ có dân miền Trung và nhiều tỉnh miền Nam đọc đúng. 

Còn dân Bắc đọc nhẹ âm “TR” và có vẻ hơi nà ná như phiên âm /tʃ/ trong Tchaikovsky.

Ví dụ: trong sáng, trọng trách, trớ trêu, trời ơi thành “tʃong sáng, tʃọng tʃách, tʃớ tʃêu, tʃời ơi.” Bình dân Sài Gòn thì đọc rõ như “chong, chêu, chời…”

Người gốc Bùi Chu thì phát âm “TR” thành “T”

Ví dụ: “Con trâu trắng buộc bụi tre xanh” thành “con tâu tắng buộc bụi te thanh.”

Dân Hà Nội tuy phát âm không đúng tiêu chuẩn nhưng khi viết, họ lại viết rất đúng các chữ đó.

 

3. Phụ âm “D” phát âm thành “R” của dân vùng Phát Diệm.

Ví dụ: “Con dao, cái giường, dụng cụ, lịch duyệt” thành “con rao, cái rường, rụng cụ, lịch ruyệt.”

 

4.  Phụ âm “N” thành “L” và ngược lại “L” đọc thành “N” mà đa số dân đồng bằng các tỉnh miền Bắc phát âm sai:

Ví dụ: “Non nước, nở nang, Hà Nội” thành “lon lước, lở lang, Hà lội.”

Và ngược lại “con lợn, tấc lòng, lưu luyến” thì lại đọc “con nợn, tấc nòng, nưu nuyến.”

 

Trước năm 1954, dân Hà Nội thanh lịch không nói ngọng giữa hai phụ âm “N” và “L.” Nhưng khi đoàn quân vô sản của Hồ Chí Minh kéo vào Hà Hội, đa số dân cư Hà Nội chạy vào Nam, số còn lại – nhất là những trí thức còn sót lại – bị chính quyền mới đuổi ra khỏi thành phố, đày lên mạn ngược lao động trong các nông trường. Cộng Sản đưa đám dân quê là gia đình của cán bộ, bộ đội vào lấp đầy dân số. Học sinh Hà Thành được dạy bởi các giáo viên từ rừng rú mới ra. Đúng như thành ngữ “Mán về thành” hay “đàn bò vào thành phố.”

 

Theo Trần Hồng Vân (bí danh Việt Thường, Nam Nhân), một cựu ký giả Việt Cộng bị tù ở trại Z-30D, thì các cán bộ công nhân viên ngoài Bắc học theo cách nói ngọng hai phụ âm “N’ và “L” như để tự chứng minh họ nằm trong giài cấp bần nông!

 

5. Phụ âm “NH” cuối chữ bị đọc thiếu. Trường hợp này phải tinh tế lắm mới nhận ra.

Ví dụ: “Thánh thần, ánh sáng” thì đọc là “thắn thần, ắn sáng.”

 

6. Phụ âm “NG” ở cuối chữ bị đọc thiếu. Đây là trường hợp đa số người Nam khi hát các bài ca, lại muốn bắt chước giọng Bắc.

Ví dụ: “trên đường, phương hướng” đọc thành” trên đườn, phươn hướn.”

Việc bắt chước này cũng đưa đến trường hợp vài ca sĩ hát “buồn vui, bùi ngùi” thành “buồn vuôi, buồi nguồi.”

 

7. Phụ âm “N’ đứng cuối chữ thì dân Huế lại phát âm như “NG” như ký âmm /ŋ/ trong IPA.

Ví dụ: “Tui nói với hắn mềm nắn, rắn buông” thành “tui nói với hắng mềm nắng, rắng buông.”

 

8. Phụ âm “T” cuối chữ cũng được dân Huế nói thành “C.”

Ví dụ: “Hắn biết điều đó là thiệt” thành “hắng biếc điều đó là thiệc.”

 

9.  Người Huế cũng phát âm “oi” thành “o(a)i.

“Anh có hỏi thì tui mới nói” thành “Anh có  ho(ả)i thì tui mới no(á)i.”

Hai trường hợp 6, 7 và 8 ở trên, chỉ thấy ở người Huế dù là dân thành phố. Dân Quảng Trị tuy chỉ cách Huế 60 cây số nhưng phát âm  rõ ràng các trường hợp này.

 

10. Dấu hỏi dấu ngã đọc thành dấu nặng hay đọc chéo nhau

Dân các tỉnh miền Bắc Trung Phần (các tỉnh từ Thừa Thiên ra tới Nghệ An) phát âm các dấu hỏi nghe như dấu nặng.

Ví dụ: “Phải chi anh hỏi tui trước” thì nói là “phại chi anh họi tui trước.”

Lối phát âm này đã gây ra nhiều ngộ nhận ngỡ ngàng khi những người miền khác tiếp xúc với dân miền Trung. Thử tưởng tượng bạn ra Huế lần đầu đi thăm viếng ông bà nào đó và được hỏi “Cha mẹ anh còn đủ không?”

 

Ngoài ra, chúng tôi từng đọc các bản văn và nghe nhiều vị người Huế viết và phát âm chữ có dấu hỏi thành dấu ngã và ngược lại. Ngay cả trên văn bản, báo chí và vài vị xướng ngôn viên, MC nổi tiếng.

 

Ví dụ: “Xin kể vài kỷ niệm mà mỗi chúng ta từng trải” thành “Xin kễ vài kỹ niệm mà mổi chúng ta từng trãi.”

 

“Con cái anh chị tuổi trẻ tài cao. Cháu trai ra kỹ sư, cháu gái học bác sĩ” thành “Con cháu anh chị tuỗi trẽ tài cao! Cháu trai ra kỷ sư, cháu gái học bác sỉ.”

 

11. Có một số chữ từ Bắc vào Nam bị đọc trại thành chữ mới (một phần do húy kỵ,  tránh dùng tên các vua chúa nhà Nguyễn hay tên những vị nồi tiếng được kính trọng)

Ví dụ; Hoãn thành hưỡn, hoa thành huê, nguyên thành ngưôn, đường thành đàng, Phúc thành Phước, Cảnh thành Kiển, Hoàng thành Huỳnh, Chu thành Châu (Tên các chúa Nguyễn Hoàng, Hoàng tử Cảnh, Chúa Nguyễn Phúc Chu).

 

Một lý do mà người từ miền Trung trở vào có giọng khác với người Bắc là do sự tiếp xúc với những dân tộc Chiêm, Khmer ở những vùng đất mà cha ông chúng ta xâm chiếm. Họ phát âm chữ “S” rất rõ như /ʃ/ của phiên âm quốc tế (IPA); trong khi người Bắc nói nhẹ hơn. Phụ âm “V”, người Nam đọc thành “GI” (đi giô, bởi giậy).

 

Ngoài ra, đa số sự khác biệt là ở các nguyên âm hay các hợp âm bắt đầu bằng nguyên âm.

Ví dụ: chữ “Quảng Nam” dân Quảng Nam đọc là “Quảng Nôm” càng đi vào Nam, càng đọc trại ra là “nem.” Dân Quảng Ngãi thì đọc hai chữ Quảng Ngãi là “Quảng Ngỡi.” Khi ở trại tù Xuân Phước, tôi từng nghe một bà người Tuy Hoà (Phú Yên) chạy vào báo với tên cán bộ “hai thaèng phaẹạm bẻ bép” (hai thằng phạm (nhân) bẻ bắp). Dân Phan Rang và Nha Trang nói hai chữ này là “Phean Reang, Nhea Treang.” nhẹ hơn dân Tuy Hòa. Vùng Bình Định thì phát âm các chữ có hợp âm kép “ôi” thành “âu.”

 

Ví dụ thường nghe trong các chuyên đùa: “Trời tối, đi đụng cái đầu gối. Đau thấy mụ nội” thành “Trời tấu đi đụng cái đầu gấu. Đau thấy mụ nậu.”

 

Mỗi tỉnh lại có những đặc ngữ riêng mà phải bỏ hàng năm trời mới có thể sưu tầm được. Hai chục năm trước đây, chúng tôi đã ghi nhận khoảng mười lăm trang đặc ngữ Quảng Trị nhưng nay đã thất lạc.

 

Đến đây, chúng tôi xin phép tạm dừng, không dám bàn sâu vào các phát âm của miền Nam. Xin để dành cho các thức giả khác rành hơn góp ý vào.

 

Sự khác biệt các âm sắc của giọng nói là điều không thể tránh khỏi và cũng không thể bàn cãi. Người miền Nam hay Trung cũng xuất phát từ miền Bắc di dân theo thăng trầm lịch sử. Họ thay đổi giọng nói qua hàng trăm năm do kết quả một quá trình sinh sống trên một miền đất nước mới, ảnh hưởng bởi khí hậu, phong thổ, nguồn nước, và cũng ảnh hưởng bởi dân bản địa như Chàm, Miên… Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt này mà không thể tìm cách đặt ra một tiêu chuẩn chung cho cả nước.

 

Vấn đề ở đây là cố gắng để khi viết ra chữ, thì không vì các phát âm lệch đi mà viết theo cách lệnh đó. Phải viết thật đúng như những chữ đã có trong ngôn ngữ Việt Nam mà các nhà làm tự điển đã dày công góp nhặt và biên soạn.

 

Một điều cuối cùng mà chắc quý vị cũng cảm nhận ra. Đó là sự biến mất dần giọng nói thanh lịch mượt mà, ngọt ngào mà ngày xưa chúng ta thường lắng nghe một cách say mê của người Hà Nội – nhất là quý phụ nữ – từ trên các chương trình phát thanh, trên sân khấu kịch, trên bục giảng học đường. Từ sau 1975, chỉ còn giọng đanh đá, the thé, chua chát, nói rất nhanh của các cô gái miền Bắc cứ như sợ bị ai giành lời. Sự mất mát này xem ra cũng lớn lắm, không khác gì sự đánh mất tự do của người dân nước Việt Nam Cộng Hòa.

Đỗ Văn Phúc

Tiếng Việt ba miền: Tiếng nào là ‘chuẩn’?

 

Trong tiến trình nghiên cứu ngôn ngữ học về sự thay đổi của tiếng Việt (bằng tiếng Anh) tôi thấy có đôi điều khá lý thú về ngôn ngữ của chúng ta, nên viết ra đây để chia xẻ cùng quý độc giả. Bài nầy mang tinh thần của một nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ chớ không phải thuộc loại xã luận nên hoàn toàn không có ý định phê bình. Tuy nhiên khi phân tích thì không thể tránh khỏi sự đề cập tới những nét đặc thù của tiếng Việt liên quan tới thổ ngữ của ba miền Nam, Trung, Bắc. Các từ ngữ mà tôi dùng ở đây xuất phát từ sự tương phản của Anh Ngữ, chớ không phải là Hán ngữ, nên có thể tạo ra cái cảm giác hơi xa lạ một chút, kính mong quí độc giả thông cảm cho.

Điều trước tiên tôi muốn nêu ra đây để nhấn mạnh rằng trong ngôn ngữ, không nhất thiết là ngôn ngữ nào, người ta không nên đặt vấn đề “đúng” hay “sai”; mà thật ra hai từ ngữ “đúng” và “sai”, tự nó đã không thể đứng vững rồi, bởi vì nó còn cần phải nương nhờ vào các từ ngữ khác để bổ túc, giới hạn, hay để xác định tình huống, thì mới được coi là hợp lý. Thí dụ chúng ta nói “cái nầy sai” thì chưa ổn, mà phải nói “cái nầy “sai nguyên tắc” hay “sai đối với tôi” thì nó hợp lý hơn và nhờ vậy mà có thể hy vọng không bị bắt bẻ. Một khi chúng ta đề cập tới vấn đề “đúng” và “sai” thì có nghĩa là chúng ta phải so sánh – “đúng” là đúng theo cái gì, còn “sai” là sai theo cái gì – thì mới công bằng và hợp lý!

Đó là một lý luận hơi lòng vòng về cái ý niệm không hoàn hảo về cái “đúng” và cái “sai”, để từ đó chúng ta xét tới các vấn đề trong ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của người Việt chúng ta. Giờ đây tôi xin mời quí độc giả làm một chuyến “thăm dân cho biết sự tình” qua khắp ba miền Nam, Trung, Bắc của nước Việt Nam mình.

Với miền Nam “ruộng đồng cò bay thẳng cánh”, tôm cá đầy sông”, một vùng đất phì nhiêu, cây trái sum sê bốn mùa, đời sống của người dân rất sung túc, thoải mái. Họ có làm lụng vất vả công việc đồng áng, ruộng vườn đi nữa, nhưng tâm hồn lúc nào cũng thảnh thơi, không băn khoăn lo lắng nợ nần. Lúc nào làm thì làm còn lúc nào chơi thì chơi:

“Tháng giêng là tháng ăn chơi,

Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè …”

Cờ bạc và rượu chè ở đây không phải là loại say sưa, quậy phá, hay đam mê ngồi sòng Casino để phải ‘bán hết cửa nhà, gia đình ly tán’, mà cờ bạc, rượu chè của người dân miền Nam là hình thức giải trí lành mạnh trong thời gian nhàn rỗi mà thôi. Sự gắn bó với thiên nhiên, với ruộng đồng đã làm cho người dân miền Nam “ăn ngay, nói thẳng” trong mọi cuộc giao tiếp hàng ngày; và từ đó nảy sinh ra những ngôn từ, hay lối nói tương ứng – bộc trực.

Với miền Trung “khô cằn sỏi đá” và “lũ lụt mỗi năm”, cuộc sống của người dân ở đây khắc khổ hơn, khiến cho tâm hồn họ luôn luôn căng thẳng, âu lo cho cái sống ngày mai. Nếu có ai từng đi qua các vùng Bình lãnh, Bình trị, Quế sơn, Tuyên phước của tỉnh Quảng ngải, Quảng tín, thì chắc có lẽ đã chứng kiến cảnh sống vô cùng khắc khổ của đồng bào ta ở đó. Có gia đình không có một con dao để làm cá mà phải dùng một cành cây nhọn để thay dao. Không có muối để dùng nên phải đốt rể cỏ tranh, lấy tro ngâm nước để làm nước muối mà dùng. Xuất phát từ cái tâm tư khắc khổ đó, ngôn ngữ của người dân miền Trung cũng thể hiện một cách tương ứng.

Với thời tiết giá buốt và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của miền Bắc, người dân ở đây nhất định không thể sung túc, thoải mái bằng người dân ở miền Nam. Tuy nhiên về phương diện lịch sử thì miền Bắc là nơi khởi nguồn thành hình đất nước Việt Nam. Miền Bắc cũng là nơi tiếp cận với người Tàu nên ảnh hưởng nhiều với văn hoá và ngôn ngữ Tàu, tức là chữ Hán. Miền Bắc chính là nơi khai sinh ra ngôn ngữ Việt, để từ đó lan tràn theo tiến trình khai mở bờ cõi xuống tới phía Nam.

Thực ra, tiếng Việt là một ngôn ngữ có một lịch sử rất dài và nó vô cùng phong phú, đã có từ thế kỷ thứ Tư trước Tây lịch. Nguồn gốc thành hình của tiếng Việt đã được tranh cãi nhiều bởi các nhà ngôn ngữ học loanh quanh vấn đề được nhiều người đặt ra là nó có phải thuộc nhóm ngôn ngữ north-south Austronesian, tức thuộc nguồn gốc Mã Lai và các thổ ngữ phía Nam Trung quốc, như Cam Bốt, Tây Tạng và Thái Lan, hay không?1 Một nhà nghiên cứu khác về ngôn ngữ, Marybeth Clark2, thì cho rằng tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Úc-Á, có quan hệ mật thiết với tiếng Mường ở miền Bắc Việt Nam. Còn các nhà ngôn ngữ học khác thì lại cho rằng tiếng Việt của chúng ta thuộc nguồn gốc Tây Tạng, Khờ Me, hay Thái3. Tuy nhiên, theo quan điểm của người Việt thì ông Đỗ Quang Vinh4 đã đưa ra các bằng chứng lịch sử cho thấy tiếng Việt của chúng ta được phát triển từ tiếng Mường và tiếng nguyên thuỷ nầy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Xin mời quí vị đọc trích đoạn sau đây:

“Khây klước pâu PÔ rằng cỏ môch ông, thên hốp là ông Tùng, mà cỏ hai bơ chồng: nã rú ra tế nĩ lấp cải Ksông Pờ. Nã tan lê Ksông Pờ pao tất Thach Pi. Bơ nã mê ti lê ksú tế nã lấp ksông. Lòng klời ksinh tha môch ông hốp là ông Sách; mê thuỗng mê thếch pất bởi ông Tùng. Nã mê pao lò; nã tỏ mìng nó tha, nã mê pât ông Tùng. Ông Tùng mê chải hết mìng, mê chết. Cho đênh cải ksông dỉ chăng lấp ẩn, mê đênh cải Thác pờ dỉ”

“Ngày xưa người ta nghe rằng có một người đàn ông, tên là ông Đông. Hai vợ chồng ông ấy định lấp con sông Bờ. Họ muốn ghép đất của sông Bờ vào vùng Thạch Bi. Vợ ông ấy đi mang đá về để lấp sông. Việc nầy làm động lòng Trời, nên Trời sai xuống một sứ thần tên là ông Sắt. Ông Sắt đi vào lửa để làm nóng lên cả toàn thân trước khi đánh với ông Đông. Ông Đông bị nóng cháy rồi chết. Vì vậy mà con sông kia đã không lấp được, nên trở thành một cái thác”

Theo sử liệu nầy thì người Việt Nam mình đã có ngôn ngữ riêng mà nguồn gốc của nó bắt nguồn từ miền Bắc và vẫn còn tồn tại với người Mường cho đến ngày nay. Dưới đây là một bằng chứng văn bản chữ Việt nguyên thuỷ của người Mường.

Source: Do (1994:210)5

Như vậy, theo sử liệu nầy thì chữ Việt của chúng ta đã có từ lâu chớ không phải bắt nguồn từ chữ Hán của người Tàu sau khi họ đô hộ nước ta hơn cả ngàn năm, và cũng không phải là do kết quả sự đô hộ của người Pháp6.

Do ngôn ngữ xuất phát từ miền Bắc, nên sau nầy có người lấy ngôn ngữ miền nầy làm chuẩn cho tiếng Việt, nghĩa là nói theo khuôn mẫu giọng Bắc mới là cách nói đúng theo tiêu chuẩn tiếng Việt, còn giọng nói của các miền khác đều không đúng cả!

Vấn đề đặt ra ở đây là ‘cái chuẩn’ của tiếng Việt là gì và ai có thẩm quyền đặt ra ‘cái chuẩn nầy? Nếu cho rằng giọng miền Bắc là ‘chuẩn’ là ‘đúng’, vì sự phân biệt rõ ràng trong cách phát âm các dấu hỏi, dấu ngã, chữ cuối có ‘G’ và không có ‘G’, hay chữ cuối là vần ‘T’ hay ‘C’, thì thật ra vẫn chưa ổn lắm, bởi vì cách phát âm miền Bắc còn nhiều rắc rối với các chữ bắt đầu bằng ‘L’, ‘D’ hay ‘TR’. Cách phát âm của giọng miền Nam và miền Trung thì chắc chắn không thể nào cho là ‘chuẩn’ được rồi, bởi vì miền Nam phát âm ‘V’ giống như ‘D’, không phân biệt ấm cuối ‘C’ và ‘T’, không phân biệt chữ có ‘G’ và không có ‘G’ v.v. Còn giọng miền Trung thì lại càng ‘đa dạng’ nữa, nhưng thiết không cần phải kể ra đây.

Như vậy, tiếng Việt của ta nên được căn cứ vào giọng nói của miền nào để được gọi là ‘chuẩn’, là ’đúng’? Như trên tôi đã thưa, theo quan niệm của ngôn ngữ học thì không có chuyện ‘đúng’ và ‘sai’, bởi vì ngôn ngữ không phải là ‘tài sản’ của riêng ai hay của riêng miền nào. Nó là ‘sản phẩm’ của tư tưởng trong mỗi cá nhân tùy theo mỗi tình huống. Chức năng của ngôn ngữ là để làm phương tiện cho việc chuyên chở ý tưởng của con người. Tuy nhiên không phải lúc nào ngôn ngữ cũng làm tròn cái chức năng của nó. Sự giới hạn của ngôn ngữ phát xuất từ một nguyên do căn bản nhất là người nghe không hiểu đúng ý tưởng người nói; và cũng chính vì vậy mà trên đời nầy có biết bao chuyện hiểu lầm đáng tiếc và đáng thương trong tương quan, giao tiếp giữa người nầy và người khác, ngay cả giữa vợ chồng, anh em, cha con hay mẹ con với nhau! Điều nầy chắc không cần phải có dẫn chứng vì chắc ai cũng đã từng có những kinh nghiệm về sự hiểu lầm và hậu quả ‘bất hoà’ của nó!

Khi chúng ta đã nhận ra tính chất giới hạn trong chức năng của ngôn ngữ, và khi chúng ta nhìn nhận là chuyện hiểu lầm với nhau là điều quả quyết không thể tránh khỏi được, thì chúng ta cần nên cẩn thận trong ngôn từ khi dùng nó để làm phương tiện diễn đạt ý tưởng của mình, và khi tiếp nhận đối thoại từ người khác. Chúng ta phải luôn luôn nghi ngờ về tính chất giới hạn của ngôn ngữ để làm sao càng tránh được nhiều sự hiểu lầm thì càng tốt.

Trên thực tế, ngôn ngữ không phải là của riêng ai. Bất cứ một lời nói nào ta dùng hôm nay đều được vay mượn của người khác, hoặc trực qua đối thoại, hoặc gián tiếp qua sách vở, báo chí. Nên nhớ rằng khi ta nói chuyện với ai, không phải chỉ có một mình ta đang nói, mà có nhiều người đang nói, bởi những lời nói ta dùng chỉ là sự lập lại lời nói của người khác mà thôi! Nếu bạn không tin hay không đồng ý như vậy thì xin hãy hỏi mẹ mình hay anh chị mình coi lúc mình mới chào đời thì đã có chút vốn liếng ngôn ngữ nào hay chưa? Có biết dùng từ ngữ nào của mình hay chưa?

Chuyện ngôn ngữ còn dài, không thể mô tả hết được; nhưng tôi đành phải kết thúc bài nầy ở đây với một kết luận rằng lối phát âm theo ba miền Nam, Trung, Bắc đều là phản ảnh thổ ngữ, hay tiếng địa phương. Không có lối phát âm nào là ‘chuẩn’, là “đúng” hay là ‘chánh cống’ tiếng Việt cả! Chúng ta tôn trọng ý tưởng của mỗi người khi dùng ngôn ngữ và cố gắng hiểu theo ý họ chớ không nên chủ quan hiểu theo ý mình thì mới tránh được những sự hiểu lầm thật đáng tiếc. Trên căn bản nầy, chúng ta phải tôn trọng lối phát âm của mỗi miền đất nước thân yêu, bởi vì  tiếng Việt vẫn là tiếng Việt mến yêu ngàn đời của mọi người Việt Nam chúng ta.

Lê Thiện Phúc

(CHS PTG 58-64)

Melbourne ngày 19/10/2003

 

GHI CHÚ

(1)   Xin đọc trang 139, Marr, D., (1981). Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. University of California Press. Berkeley. Los Angeless. London.

(2)    Xin đọc trang 3, Clark, Marybeth, (1978).  Coverbs and Case in Vietnamese. Series B. No. 48. Pacific Linguistics. Department of Linguistics. Research School of Pacific Studies. The Australian  National University.

(3)   Xin đọc trang 1 và 2, Shum, Shu-Ying (1965) A Transformational Study of Vietnamese Syntax. (PhD thesis) Indiana University.

(4)   Xin  độc trang 171, Do, Quang Vinh (1994) Tiếng Việt Tuyệt Vời. Làng Văn. Toronto. Canada.

(5)    Trang 210, Do, Quang Vinh (1994) Tiếng Việt Tuyệt Vời. Làng Văn. Toronto. Canada.

(6)   Xin  độc trang 174, Do, Quang Vinh (1994) Tiếng Việt           Tuyệt Vời.    Làng Văn. Toronto. Canada.