Công ty Quản lý và Đầu tư Bất động sản, VMI, mới ra đời cách đây 1 tháng và có 90% vốn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hiện mời chào đầu tư vào bất động sản với mỗi suất đầu tư chỉ có mức tối thiểu là 38 triệu đồng, kèm theo cam kết lợi nhuận lên đến 8,5-9,5% cho những ai đầu tư trong 3 hoặc 5 năm.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, những người am hiểu về kinh doanh lên tiếng cảnh báo về tính pháp lý và mức độ an toàn của loại hình đầu tư kiểu này.
VMI bắt đầu đi vào hoạt động hôm 6/10, với vốn điều lệ 18 nghìn tỷ đồng, hầu hết là tiền của ông Vượng. Có 5% vốn đầu tư vào VMI là tiền của Vinhomes, tức công ty phát triển bất động sản trong tập đoàn Vingroup thuộc sự sở hữu, điều hành của ông Vượng
Ban đầu, VMI giới thiệu mô hình kinh doanh là họ đầu tư vào các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó chia giá trị bất động sản thành 50 phần và khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các nhà đầu tư sẽ được VMI chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư, hãng cho hay, được báo chí Việt Nam dẫn lại.
Từ ngày 2 đến 9/11, thông qua báo chí, VMI quảng bá việc chia nhỏ sản phẩm bất động sản bao gồm nhà thấp tầng Vinhomes có giá 7 tỷ đồng/căn thành 200 phần, khoảng 38 triệu đồng/phần, để thu hút các nhà đầu tư.
Sau 5 năm, theo thỏa thuận đầu tư, khách hàng sẽ được hưởng mức lợi nhuận tối thiểu 8,5%/năm, hoặc 9,5%/năm với nhà đầu tư tiên phong, và tối đa là mức tăng giá của căn nhà trên thị trường, các bài báo về mô hình đầu tư của VMI cho hay.
Theo quan sát của VOA, một số diễn đàn trên mạng và những người am hiểu về kinh doanh lên tiếng cảnh báo cần thận trọng với việc góp vốn, đầu tư còn mới mẻ kể trên.
Nhiều người cho rằng đó là một hình thức “ảo hóa” tài sản thật bằng cách chia nhỏ một sản phẩm bất động sản thành hàng chục hay hàng trăm phần để thu hút vốn, thay vì dùng kênh chứng khoán, ngân hàng.
Trong số những người bình luận về vấn đề này, nhà quan sát Dương Quốc Chính, Facebooker có 65 nghìn người theo dõi, đưa ra nhận định với VOA rằng động thái mới nhất của tỷ phú Vượng nằm trong bối cảnh chung là thị trường chứng khoán đi xuống, cộng với việc khó huy động vốn từ ngân hàng và cả trái phiếu doanh nghiệp.
Đó là những yếu tố làm cho Vinhomes rơi vào tình trạng “khát vốn nặng”. Bên cạnh đó, tham vọng sản xuất ô tô VinFast cũng là “cỗ máy hút tiền” của Vingroup. “Vì thế, ông Vượng mới nghĩ ra VMI để làm kênh hút tiền của nhà đầu tư nhỏ”, ông Chính nói.
Nhận định về sự vận hành của VMI và Vinhome, ông Chính đưa ra hình ảnh “ông Vượng rất khôn, chơi chiêu lấy từ túi nọ bỏ vào túi kia” vì cả Vinhomes lẫn VMI đều là của ông Vượng mà thôi, ông Chính lý giải.
“Ông ấy lập ra VMI rồi dùng nó mua bất động sản, đã và đang hình thành, của Vinhomes, rồi bán lẻ lại cho nhà đầu tư nhỏ dưới hình thức hợp tác kinh doanh. Nhà đầu tư kiếm lời từ lợi nhuận gia tăng giá trị bất động sản trong thời gian đầu tư. Vấn đề là chắc gì nó đã gia tăng?!”, ông Chính nói với VOA.
Facebooker thường bình luận, phản biện về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội ở Việt Nam dự đoán rằng vì cả hai công ty đều của tỷ phú Vượng, nên ông ấy có thể dễ dàng chuyển giá qua lại giữa Vinhomes và VMI.
“Lợi nhuận cuả VMI sẽ được tráo qua lại với Vinhomes. Nếu muốn VMI giảm lãi, ông Vượng thổi giá bất động sản Vinhomes lên, khi đó lợi nhuận được đẩy từ VMI sang Vinhomes, và ngược lại. VMI và Vinhomes là bình thông nhau. Nếu thị trường chứng khoán lên, tiền từ chứng khoán bơm qua Vinhomes rồi lấy về qua VMI. Nếu thị trường chứng khoán đi xuống, tiền từ nhà đầu tư bơm qua VMI sẽ chảy sang lợi nhuận của Vinhomes. Ông Vượng ăn được cả 2 đầu!”, ông Chính phân tích với VOA.
Nhìn nhận rằng lâu nay, nhiều người đánh giá cao và tin tưởng tỷ phú Vượng và Vingroup vì bất động sản của họ thường tăng giá cao, nên có thể các nhà đầu tư sẽ “đóng tiền ào ào” vào VMI, ông Chính tiên liệu.
“Thời gian đầu, ông Vương sẽ để cho VMI có lợi nhuận cao, để cho nhà đầu tư đổ tiền vào nhiều. Khi gom đủ tiền, ông ấy chuyển giá sang Vinhomes, VMI báo lỗ. Lúc này, nhà đầu tư sập bẫy, có lẽ chỉ hưởng được lợi nhuận tối thiểu, mà hiện chưa rõ là bao nhiêu, còn tiền đầu tư thì chuyển qua Vinhomes, ông Vượng không mất đồng nào, chỉ nhà đầu tư mất!”, vẫn ông Chính lưu ý.
“Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, ông Vượng cho phá sản luôn VMI, thì cái gọi là lợi nhuận tối thiểu kia có khi còn không có luôn!”, ông Chính cảnh báo. Theo ông, không loại trừ tình huống là cả VMI lẫn Vinhomes cùng lỗ do không bán được bất động sản.
Như VOA đã đưa tin, các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, kể cả Vingroup, hiện đang gặp khó khăn về vốn, về doanh số, cổ phiếu giảm hàng chục phần trăm, phải sa thải nhân viên và giảm giá đáng kể các sản phẩm bất động sản. Mới đây, họ đã tổ chức cuộc họp với một phó thủ tướng để đề nghị chính phủ “hỗ trợ”, “giải cứu”.
Nhà quan sát Dương Quốc Chính chỉ ra sự bất tương xứng trong hình thức đầu tư của VMI là ở chỗ “lời lãi của VMI lại do ông Vượng quyết định phần lớn”. Dưới góc nhìn của ông Chính, nhìn chung, các nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn vì họ “sẽ bị móc túi trước khi ông Vượng có vấn đề vì VMI sẽ lỗ trước Vinhomes”.
Ông Chính cũng đề cập đến sự rắc rối lớn khi đầu tư vào suất chia nhỏ của bất động sản, cho rằng một ngôi nhà được chia ra cho hàng chục, hàng trăm người mua mà nếu nó chưa bán được cho một người dùng cuối cùng, hàng chục hoặc hàng trăm nhà đầu tư kia “không ai được sử dụng nó, cứ để đó mà ngắm thôi”.
“Điều này nguy hiểm hơn việc đi đầu tư bất động sản kiểu truyền thống. Đó là bạn mua nhà, nếu ế quá, không bán lại được, mà nhà xây xong rồi, thì bạn có thể cho thuê hay ở tạm. Thậm chí nhà giao thô cũng vẫn còn cho thuê được. Ở đây là không có. Nhà mua chung muốn cho thuê cũng cần sự đồng thuận của 50 chủ. Rất phức tạp”, ông nói.
Những phân tích, nhận định của ông Dương Quốc Chính cũng là những điều được thảo luận, mổ xẻ trong nhiều diễn đàn trên mạng, theo quan sát của VOA.
VOA cố gắng liên lạc với VMI để tìm hiểu phản ứng của họ nhưng không có hồi đáp.
Trước khi bài viết này được đăng, ông Phan Thành Long, Tổng Giám đốc VMI, nói trong các cuộc phỏng vấn, được báo chí trong nước và trang reb.vn dẫn lại, rằng: “Chúng tôi tin rằng với việc ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính của VMI, người có bề dày kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh bất động sản và việc hợp tác chiến lược với Vinhomes, các tài sản đầu tư mà VMI tham gia với khách hàng sẽ không ngừng gia tăng giá trị, mang lại thu nhập bền vững cho nhà đầu tư”.
Cũng vẫn ông Long trấn an rằng: “Về vấn đề rủi ro, VMI có tiềm lực tài chính mạnh và cam kết chia sẻ lợi nhuận 7,5%/năm, cho nên sẽ không có vấn đề rủi ro nào xảy ra. Chưa kể, khi thị trường khả quan, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thu lợi nhuận từ 15-20%/năm, thậm chí cao hơn, phần thắng luôn nghiêng về phía nhà đầu tư”.
VOA Tiếng Việt (10.11.2022)
***
Vét tiền để đốt
„Tiền trong túi anh công nhân, chị bán rau, anh xe ôm mà đem ra đốt để đấu với Toyota, Honda, Hyundai, Nissan, Volkswagen thì chẳng khác nào trứng chọi đá. Nhà đầu tư nên thận trọng.“
Đỗ Ngà
Mượn nợ ngân hàng thì gọi là vay tín dụng, mượn nợ người dân thì gọi là phát hành trái phiếu. Trái phiếu thực chất là giấy ghi nợ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp thôi. Doanh nghiệp cam kết trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng thì mới hút được nhà đầu tư chọn lựa. Trong trò chơi này, nhà đầu tư nhận giấy, doanh nghiệp nhận tiền.
Ông Phạm Nhật Vượng lập ra công ty VMI JCS, mua lại bánh tồn kho (tức bất động sản tồn kho) và bánh vẽ (tức là những bất động sản vẫn còn trên giấy) của Vinhomes rồi sau đó xẻ (tưởng tượng) những những cái bánh đó ra thành từng phần nhỏ mỗi phần trị giá 120 triệu đồng để bán cho nhà đầu tư với lãi suất cam kết lớn hơn lãi suất ngân hàng. Cuối cùng thì nhà đầu tư nhận tờ giấy, VMI SJC nhận tiền.
Vậy thì về bản chất, cách ông Phạm Nhật Vượng huy động vốn thông qua chiêu bán giấy lấy tiền, như thế khác nào cách mà ông Đỗ Anh Dũng và Trương Mỹ Lan bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán? Câu hỏi đặt ra là, tại sao ông Phạm Nhật Vượng không mượn tiền bá tánh trên thị trường trái phiếu như hai người kia mà ông ta lại mượn trực tiếp?
Xét về mức độ an toàn thì mua trái phiếu Tân Hoàng Minh và trái phiếu An Đông sẽ an toàn hơn mua tờ giấy chứng nhận của VMI JCS, vì sao? Vì trái phiếu được kiểm soát bởi luật chứng khoán nhà nước, còn giấy ghi nợ VMI của ông Phạm Nhật Vượng có gì kiểm soát? Cực kỳ rủi ro. Đó là cảnh báo cho những nhà đầu tư.
Hiện nay VinGroup đang có Vinhomes và Vinfast là hai nhánh đầu tư chính. Lâu nay Vinhomes là mỏ vàng kiếm lợi nhuận cho tập đoàn, còn Vinfast thì vẫn đang trong giai đoạn đốt tiền. Nói đơn giản là Vinhomes in tiền cho Vinfast đốt. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu rằng Vinhomes có moi ra đủ tiền cho Vinfast đốt hay không?
Ban đầu, dự định của ông Phạm Nhật Vượng là cho Vinfast IPO gọi vốn từ thị trường nước ngoài trong năm 2022 để đốt tiền kiếm tăng trưởng, nhưng kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện được, và e là không thể làm được. Gọi vốn đến 5 tỷ đô la không phải là dễ với một doanh nghiệp không mấy tên tuổi trên thị trường thế giới như Vinfast.
Việc ông Phạm Nhật Vượng né thị trường trái phiếu và vẽ ra cách tương tự để mượn tiền trực tiếp từ bá tánh, điều đó cho thấy Vin Group đang gặp 2 vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là Vin Group đang thiếu tiền cho Vinfast đốt và vấn đề thứ hai là cơ thể Vin Group đang mang mầm bệnh như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Vì sao vậy? Vì có bệnh Vin mới né thị trường trái phiếu chứ khỏe mạnh thì việc gì? Cứ danh chính ngôn thuận mà phát hành trái phiếu chứ?
Sau khi ông Vượng vẽ ra cách huy động vốn ngoài thị trường trái phiếu, mạng xã hội đã vạch ra âm mưu của ông Vượng thì ngay sau đó là hàng loạt bài báo cho biết Vinhomes lãi ròng 14,5 ngàn tỷ. Theo tôi, đây là hình thức lùa gà chứ thực chất Vin Group vã lắm rồi.
Ban đầu ông Phạm Nhật Vượng tính xẻ bánh vẽ (bất động sản tồn kho hay bất động sản trên giấy đều là bánh vẽ tất, vì không nhà đầu tư nào sở hữu được bánh mà chỉ sở hữu tờ giấy) ra trị giá 120 triệu. Tuy nhiên với miếng bánh vẽ lớn thế thì những người ít tiền như chị bán rau, chị bán hủ tiếu gõ, anh xe ôm, anh công nhân v.v… không đủ tiền để mua một miếng. Vậy nên ông Vượng đã cho xẻ miếng bánh vẽ 120 triệu thành 3 miếng, mỗi miếng trị giá cỡ 40 triệu để dụ những người ít tiền tham gia vào việc góp vốn cho ông.
Việc xẻ nhỏ miếng bánh vẽ ấy cho thấy, ông Phạm Nhật Vượng đang rất khát vốn và vì quá khát nên ông vét từng giọt tiền nhỏ để góp lại cho Vinfast tiếp tục đốt để duy trì ngọn lửa. Hiện nay các ông lớn như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Nissan, Volkswagen v.v… đang chuẩn bị hàng chục tỷ đô nhảy vào thị trường xe điện. Những ông lớn này đang có hạ tầng phân phối rất lớn, chỉ cần đưa xe điện thay xe xăng là xong. Như vậy không biết Vinfast đốt bao nhiêu tiền mới tồn tại được giữa rừng những ông lớn này? Chắc đốt không xuể.
Tiền trong túi anh công nhân, chị bán rau, anh xe ôm mà đem ra đốt để đấu với Toyota, Honda, Hyundai, Nissan, Volkswagen thì chẳng khác nào trứng chọi đá. Nhà đầu tư nên thận trọng. Trước khi bị dính đến pháp luật, Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát đều rất uy tín. Đó là bài học, học lại cũng chưa muộn.
Đỗ Ngà (09.11.2022)