„cái sai của tôi cũng có thể đã là cái sai của rất nhiều người Việt mắc phải, là thường có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự xuất hiện của một nhân vật kiệt xuất, lỗi lạc, có khả năng đội đá vá trời để cứu rỗi những nan đề của đất nước chúng ta.“

 

Đặng Đình Mạnh

Du khách bước đi giữa những đụn cát nổi tiếng ở Mũi Né, Phan Thiết trong ánh nắng chiều. (Hình minh họa. Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

 

Đôi khi, tôi nhận tin nhắn của một vài bạn bày tỏ sự bối rối về chuyện thời cuộc ở Việt Nam và thế giới. Tựa như, có nên kỳ vọng vào ông Tô Lâm một vai trò cải cách cho đất nước, đến mức có thể thay đổi cả một chế độ như ông Gorbachyov của Liên Xô cũ đã làm sụp đổ cả một đế chế Cộng Sản khổng lồ như trước đây không? Hoặc nên hiểu như thế nào về người đứng đầu quyền hành pháp Hoa Kỳ, qua những chính sách gây xáo trộn đến tận gốc rễ nền chính trị Hoa Kỳ và thế giới?

 

Tôi đã không trả lời rằng nên tin cậy vào nhân vật này hoặc nhân vật khác, tôi chỉ khuyên các bạn rằng nên tin vào trực giác của chính mình.

 

Vì lẽ, chính tôi cũng đã từng có lúc đặt lòng tin rất lớn vào một nhân vật, kéo dài đến hơn cả thập niên để rồi thấy mình thật vô lý. Dĩ nhiên, không phải nhân vật ấy sai mà là chính tôi đã sai, khi đã tự khoác lên vai nhân vật ấy gánh nặng kỳ vọng của chính tôi, trong khi họ không có trách nhiệm phải gánh vác kỳ vọng của bất kỳ ai cả, đương nhiên, ngoài chính họ mà thôi.

 

Thật ra, cái sai của tôi cũng có thể đã là cái sai của rất nhiều người Việt mắc phải, là thường có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự xuất hiện của một nhân vật kiệt xuất, lỗi lạc, có khả năng đội đá vá trời để cứu rỗi những nan đề của đất nước chúng ta.

 

Không chắc lắm, nhưng nếu đúng, thì điều này có lẽ do gien di truyền của cha ông từ hàng trăm thế hệ trước để lại cho chúng ta đến ngày hôm nay.

 

Theo đó, như dân tộc này cả hàng nghìn năm qua, chúng ta sẽ trông chờ những ai đó như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… tái sinh để giải cho chúng ta bài toán của ngày hôm nay, như họ đã từng sinh ra để giải bài toán vào thời đại của họ. Trong đó, bài toán hôm nay là những giá trị tự nhiên của dân tộc như tự do, dân chủ và nhân quyền đang bị chế độ độc tài cướp đoạt.

 

Vậy thì lúc này, sau 50 năm hiện diện chế độ độc tài trên toàn lãnh thổ, đã có những cá nhân nào kiệt xuất như trong lịch sử đã từng có như vậy?

 

Điểm qua các cá nhân, tổ chức từ trong và ngoài nước vốn vẫn tự gánh cho mình trách nhiệm đội đá vá trời, lo toan cho đất nước… tôi có thể ngậm ngùi để nói với các bạn rằng, tuy người có tâm, có tầm không hề ít, nhưng mỗi người trong số họ đều là những ông vua con. Chưa ai trong số họ có thể vượt lên, trở thành một nhân vật tầm cỡ như lịch sử đã từng có!

 

Vì vậy, sự óng ánh của nhân vật mà tôi đã từng ảo tưởng hy vọng và chờ đợi cả hơn một thập niên hóa ra chỉ là bọt bong bóng xà phòng mà thôi. Nhìn rộng ra cũng vẫn chỉ là những điều tương tự như thế.

 

Từ trải nghiệm đó, cho nên, tôi nghĩ rằng sự trông chờ, tin cậy, lý tưởng hóa, hoặc thậm chí thần tượng vào nhân vật, cho dù chói sáng đến thế nào đi nữa cũng là điều không bao giờ nên làm. Ngoại trừ những nhân vật tâm linh, hoặc những nhân vật mà cuộc đời của họ đã dừng lại và đã hóa thần trong mắt công chúng.

 

Còn lại, những nhân vật người trần, mắt thịt thì không. Cuộc sống của họ vẫn đang tiếp diễn. Họ không phải là thánh nhân mà là con người. Hôm nay họ có thể làm nhiều điều đúng đắn, nhưng ngày mai, họ có thể sẽ làm nhiều điều sai trái.

 

Nếu thần tượng một người, nó sẽ khiến cho chúng ta đánh mất sự đánh giá khách quan cần thiết, kể cả sa vào tình trạng “thần tượng hóa” cả những điều sai trái của nhân vật thay vì phải phê phán điều sai trái đó.

 

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy điều đó đang dần trở nên phổ biến một cách đáng sợ.

 

Nếu không đặt niềm tin vào nhân vật, thì chúng ta có mất điểm tựa

không? Thưa không? Chúng ta vẫn cứ đặt niềm tin, nhưng thay vì đặt niềm tin vào một nhân vật, chúng ta hãy đặt niềm tin vào các giá trị mà chúng ta tin rằng chúng chính đáng.

 

Với hoàn cảnh đất nước chúng ta hiện nay, thì tự do, dân chủ và nhân quyền là các giá trị chính đáng. Chúng cần được hoàn trả lại cho nhân dân. Chúng là những giá trị nền tảng để đất nước có thể vượt qua số phận nhược tiểu, trở nên hùng cường.

 

Theo đó, nếu hoạt động của cá nhân, tổ chức nào đang hướng về các giá trị chính đáng ấy thì chúng ta cần phải nhiệt thành ủng hộ. Nhưng khi những cá nhân, tổ chức ấy thay đổi mục tiêu, chệch hướng, hoặc theo đuổi các giá trị khác thì chúng ta sẽ ngừng lại sự ủng hộ họ.

 

Điều này cũng chính là cách hành xử “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, một mặt giúp chúng ta giữ được mục tiêu tranh đấu, theo đuổi theo các giá trị chính đáng và xứng đáng. Mặt khác, giúp chúng ta không đánh mất đi sự đánh giá khách quan cần thiết mà những người thường “thần tượng” nhân vật mắc phải.

 

Không chỉ vậy, sự không thần tượng bất kỳ nhân vật nào, còn giúp ta giữ được tinh thần hòa nhã với những người cùng chung lý tưởng, cho dù có bất đồng quan điểm. Chứ không phải xem nhau như kẻ thù, cho dù cùng lý tưởng như tình hình hiện nay.

 

Không thần tượng ai cả và giữ cách hành xử “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là điều mà chúng ta đang cần thiết lúc này trước mọi biến động đến chóng mặt của thế giới xung quanh.

 

Hoa Thịnh Đốn, ngày 23 Tháng Ba 2025

 

Đặng Đình Mạnh

 

Nguồn: FB Đặng Đình Mạnh