Innova

17.12.2012

Lúc cuối tuần này, tôi có đọc hai bài báo trên báo Pháp luật TPHCM và báo Tiền Phong về trường hợp một trường tiểu học bán trú ở Huế (dạy các em học sinh từ 6 tới 12 tuổi) phục vụ món chay hai lần một tháng (vào rằm và mùng một) cho các em, xong bị phụ huynh phản ứng. Trong thâm tâm tôi có cảm tình với cách làm của trường tiểu học đó, nên lạm bàn một chút để lên tiếng bảo vệ.

Việc ăn chay đã tồn tại từ hàng trăm năm nay trên thế giới và ở Việt Nam và ngày càng được ủng hộ vì nhiều lý do khác nhau: về sức khỏe, về môi trường và cả về tính nhân bản. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã và đang tuyên truyền tích cực cho việc ăn chay, ví dụ như ở Pháp cách đây không lâu, có một trường tiểu học ở quận 2, Paris áp dụng ăn chay mỗi tuần một lần bằng cách thay các món thịt nướng bằng các món nguồn gốc thực vật.

Về mặt sức khỏe, như theo thói quen của người Việt Nam, ăn chay là một bữa ăn nhẹ, giúp tiêu hóa dễ dàng, thanh lọc cơ thể và bổ sung các chất vitamin. Nó như một hình thức giảm tải cho các cơ quan cơ thể như dạ dày, gan, mật, thận bằng một hôm làm việc nhẹ nhàng. Hơn nữa, trong tình trạng hiện nay khi số lượng trẻ em béo phì ngày một tăng cao thì việc ăn bớt thịt, giảm chất béo, sẽ giúp cải thiện tình hình cũng như một thông điệp khiến các em ghi nhớ trong vấn đề ăn uống sau này.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn chay đúng cách không dẫn đến suy dinh dưỡng. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này, tôi không khuyên các bậc người lớn cho trẻ con ăn chay trường, ăn chay toàn bộ mà chỉ 1, 2 lần trong tháng đã là rất tốt rồi.

Về mặt môi trường, ăn chay là một hình thức bảo vệ môi trường rất tốt do những nguyên nhân sau:

Trong chuỗi thức ăn sinh học thì thực vật hấp thụ năng lượng mặt trời và chuyển hoá trực tiếp các chất thành dinh dưỡng. Hiệu suất chuyển hóa của thực vật là cao nhất. Khi các loài động vật ăn thực vật, thì hiệu suất chuyển hóa năng lượng của nó sẽ thấp hơn rất nhiều vì ngoài năng lượng hấp thụ, động vật đó còn phải tiêu thụ năng lượng cho cuộc sống của nó, và phần bài tiết. Sau cùng, khi động vật ăn động vật, thì hiệu suất chuyển hóa của nó là thấp nhất, cũng bởi vì các lý do trên.

Ví dụ, theo tính toán, để sản xuất 1kg thịt bò cần 16000 lít nước, trong khi đó, để được 1kg bắp, chỉ cần 900 lít nước. Bên cạnh đó, cần chừng 5kg ngũ cốc để sản xuất 1 kg thịt bò, chính lượng ngũ cốc cần cho chăn nuôi này khiến cung cấp ngũ cốc thiếu hụt và góp phần làm tăng giá ngũ cốc trong thời gian qua.

Các con số đều mang tính tương đối, nhưng bằng trực giác, có thể nhận thấy rằng thực phẩm thực vật tiêu tốn ít năng lượng, tài nguyên hơn. Loài người là một trong số các loài may mắn bởi có khả năng vừa ăn được thực vật, lẫn động vật. Lịch sử cho thấy trong những lúc khó khăn nhất, nhờ khả năng đó mà loài người tồn tại được qua các nạn đói.

Hiện nay, khi tài nguyên trái đất đang càng ngày càng eo hẹp, thì việc phổ biến ăn chay lại trở nên có ý nghĩa hơn. Chỉ cần mỗi tháng 1, 2 lần đã góp phần giảm mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng giúp trái đất được 3-6% rồi.

Sau cùng, ăn chay còn là một hình thức sống hòa hợp với môi trường. Về điểm này, không hẹn mà gặp, nhiều tôn giáo cùng cổ súy cho việc ăn chay. Nếu như đạo Phật tiên phong trong việc ăn chay để giảm sát sinh thì đối với nhiều tín đồ Thiên Chúa, chỉ cần bánh mì, không khí và nước thì con người cũng đã đủ để tồn tại.

Khi mỗi người đứng trước kệ bán thịt trong siêu thị, họ không nhìn thấy toàn cảnh nuôi dưỡng gò bó các loài động vật ở phía sau, cảnh máu me trong lúc giết mổ và một chuỗi các hành vi tàn bạo khác. Một số người sẽ cho rằng đó là đấu tranh sinh tồn và tôi không tranh cãi với họ về điều đó. Tôi chỉ nhắc rằng xã hội văn minh đã bớt đi nhiều tính ác cũng nhờ phần lớn loài người không tiếp xúc trực tiếp với cảnh giết mỗ. Hãy tưởng tượng thời nay mà trong làng trong phố mỗi nhà đều vang lên tiếng động vật bị chọc tiết vào buổi trưa thì thâm tâm con người có thanh thản được không.

Nói tóm lại, ăn chay là một hình thức ăn uống có nhiều mục đích tốt trong đó, vừa tốt cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường và vừa mang tính nhân bản. Trong hoàn cảnh Việt Nam, một nước có truyền thống ăn chay qua đạo Phật, một nước có nền chăn nuôi chưa phát triển, việc ăn chay có chừng mực chừng 1, 2 lần mỗi tháng thì rất đáng khuyến khích. Trong việc này, lẽ ra Bộ Giáo Dục nên có những nghiên cứu chính thức và đưa ra các khuyến cáo cho hợp với thời đại. Bên cạnh các phong trào “cơm có thịt” cho người dân quê, vùng sâu vùng xa, cũng phải giải thích, đưa phong trào “cơm có rau” đến với người dân thành phố. Đừng để họ lập lại những bước phát triển sai lầm của các nước phát triển.

Nguồn: Dân Luận