Vụ xử Peter Bùi Tuấn Lâm – nhìn từ góc độ con người và cáo trạng

Peter Lâm Bùi

PETER LÂM BÙI

 

  • Luật sư Lê Quốc Quân
  • Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Hà Nội

Ngày 25/5 này anh Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi), hay còn được biết đến là Thánh rắc hành, sẽ bị đem ra xét xử sơ thẩm tại toà án thành phố Đà Nẵng.

Anh bị cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức án từ 05 năm đến 12 năm1:

Cáo trạng số 45/CT-VKS-P1 ngày 11/4/2023, Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cho rằng anh Bùi Tuấn Lâm đã có hành vi: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân”.

Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng ‘vang danh’ thế giới

Gây hoang mang cho ai?

Theo cáo trạng thì bị can Bùi Tuấn Lâm đã mở trang Facebook “Tôi tớ hèn mọn”, (hiện không còn nữa) đăng 19 bài có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Trên trang YouTube anh đăng tải 159 video trong đó có 25 video có nội dung mà Viện kiểm sát cho là vi phạm vào điều 117 BLHS.

Bùi Tuấn Lâm công nhận mình đăng những bài đó trên Facebook và có phát trực tiếp một số đoạn video trên YouTube, nhưng anh cho rằng tất cả đó là sự thật, là thực hành quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo vệ.

Quả thật, nếu ai đã từng xem các video và các bài anh đã đăng hoặc chia sẻ lại thì sẽ thấy rằng những điều anh đưa ra là sự thật, là sẻ chia nỗi đau của từng thân phận con người, là khắc khoải với tiền đồ đất nước.

Trong số 19 bài trên FB có những bài như về “Nhìn tấm hình này đau lòng quá…”, “Trong khi dân đói ăn, thiếu thốn trăm bề thì những kẻ cầm quyền lại tụ nhau nói dóc….”, “Thư của Phạm Đoan Trang” “Lời nói cuối cùng của Phạm Đoan Trang”.

Trên YouTube, anh hay quay clip hát. Những bài hát mà anh gọi là “nghêu ngao” đó, chứa đựng tình người, tình yêu quê hương tha thiết, sâu thẳm. Ví dụ: “Việt Nam tôi đâu?” của Việt Khang, “Trả lại cho dân phiên bản đường phố..” hay như bình luận về “Vụ án cháu bé 8 tuổi bị đánh chết và vấn đề nhân quyền”.

Những bài hát này không thuộc danh sách nào bị cấm hát trên mạng theo bất cứ một đạo luật nào của Việt Nam.

Một clip gây xôn xao nhất là việc anh bắt chước Thánh rắc muối “Salt Bae” – phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Tô Lâm trong một nhà hàng sang trọng tại Anh. Mạng xã hội và nhiều tờ báo quốc tế, gồm cả CNN đưa tin trong khi không một tờ báo nào trong nước đưa tin.

Tuy không được đề cập trong cáo trạng, nhưng nhiều người tin rằng clip giễu nhại nhân vật quyền lực nhất của Bộ Công an khiến Peter Bùi Tuấn Lâm bị đưa ra xử.

Peter Lâm Bùi

PETER LÂM BÙI Báo chí tiếng Anh quan tâm vụ ông Bùi Tuấn Lâm và video nhại Salt Bae của ông

Nhưng điều ta cần xem là Bùi Tuấn Lâm có vi phạm pháp luật Việt Nam hay là không?

Theo tôi, tất cả những điều anh làm là thực hành một quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 19, Công ước Quốc tế về quyền Chính trị và Dân sự của Liên Hiệp Quốc và phù hợp với Điều 25 Hiến pháp Việt Nam.

Khoản 2, Điều 19 Công ước kể trên khẳng định rằng: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.”

Việc Bùi Tuấn Lâm nói, hát, kể về những suy nghĩ, tâm tư của mình đối với con người, với đất nước là tốt đẹp, phù hợp với Công ước và không phương hại đến một cá nhân nào.

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Luật Hình sự Việt Nam không có chế định xúc phạm “ chế độ và lãnh tụ” trong khi Luật dân sự cho rằng ai bị xúc phạm về nhân phẩm, uy tín thì có thể tiến hành khởi kiện ra toà và đòi bồi thường.

Bộ luật hình sự của Việt Nam không có chế định “xúc phạm lãnh tụ” và không được đề cập trong bất cứ một điều luật nào. Tại Điểm C, Khoản 1, Điều 16 Luật An Ninh Mạng có đề cập đến việc hành vi xúc phạm “vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc..” nhưng chỉ là để có biện pháp phòng ngừa và xử lý ngăn chặn.

Vì vậy nếu như anh Bùi Tuấn Lâm đã xúc phạm ông Tô Lâm hoặc “lãnh tụ” thì chính các cá nhân đó phải đứng ra tố cáo hoặc khởi kiện trước toà. Nếu phạm tội anh Tuấn Lâm sẽ bị truy cứu theo Khoản 1, Điều 155 về tội “Làm nhục người khác” với mức án tối đa là 3 năm tù treo chứ không phải Điều 117 thuộc Chương “xâm phạm an ninh quốc gia”.

Ngược lại, nếu như toà án thấy rằng không có việc xúc phạm thì các cá nhân đứng đơn khởi kiện có thể vi phạm hình sự về hành vi “Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 156 Bộ Luật Hình sự.

Bùi Tuấn Lâm là ai?

Bùi Tuấn Lâm là một người Công giáo sinh ngày 6/5/1984 tại Đà Nẵng. Anh là một thanh niên luôn năng nổ với công việc chung và đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung quốc, các hoạt động bác ái từ thiện trong Giáo hội Công giáo cũng như ngoài xã hội.

Anh là người khởi xướng, tự thiết kế và in áo để cổ vũ cho các tù nhân lương tâm. Khi tham dự phiên toà của Nguyễn Phương Uyên, anh đã mặc một chiếc áo ngoài và đã cởi ra để lộ một chiếc áo phông với hình tự do cho Phương Uyên và Nguyên Kha ngay tại toà, gây một sự xúc động hiếm có cho tất cả những người dự khán.

Peter Lâm Bùi

PETER LÂM BÙI Vợ Bùi Tuấn Lâm (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè kêu gọi thả tự do cho anh

Anh tham gia phong trào Con đường Việt Nam và trực tiếp làm ra các sản phẩm như áo sơ mi, mũ, móc khoá, vòng đeo tay, đồng hồ có biểu tượng về quyền con người để ủng hộ và nâng cao nhận thức về quyền con người.

Lâm còn tham gia kêu gọi cầu nguyện và góp công góp sức giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm. Không chỉ hoạt động trong nước, Lâm đã từng sang tận Phillipines để tham gia làm từ thiện sau khi thành phố Tacloban bị cơn bão Haiyan tàn phá năm 2013.

Anh nói “Phillipines đã từng giúp đỡ rất nhiều thuyền nhân Việt Nam, lúc họ khó khăn thì cần được giúp đỡ thì mình cố gắng hết sức.”

Lâm có ba người con và một quán bún bò “Ba Cô Gái”, dù không dư dật nhưng anh sẵn sàng bán miễn phí cho nhiều người khó khăn, bao gồm cả các thương phế binh VNCH. Anh gặp vợ mình là chị Lê Thanh Lâm trong những lần tham gia hoạt động bác ái và từ thiện.

Vụ bị triệu tập sau video ‘rắc hành’: Chủ nhân khẳng định sẽ không gỡ video

Động cơ là gì?

Ở Việt Nam, suốt hơn 70 năm nay, các cơ quan thực thi pháp luật thường quan tâm rất lớn đến một vấn đề. Đó là “động cơ”. Họ cố gắng luồn sâu vào tâm tư, như nhà thơ Lê Đạt đã viết “Bục công an đặt giữa trái tim người” để dò xét về tư tưởng, xem thực sự người dân làm gì, nghĩ gì.

Chính khái niệm đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cơ quan công an và ngành tư pháp, cho nên họ thường “đối nhân” chứ không “đối sự”; không xem xét các biểu hiện khách quan của hành vi mà đi sâu vào tìm hiểu và áp đặt những động cơ chủ quan để cáo buộc và đưa ra các cấu thành tội phạm.

Ví dụ, cũng là hành vi đi làm từ thiện nhưng chính quyền sẽ không cho một số người làm; cũng một sự “góp ý” như nhau nhưng chính quyền sẽ luôn luôn dò xét “động cơ đằng sau” là gì của từng người.

Bởi vậy, tất cả các hành vi của Bùi Tuấn Lâm, cũng như của các nhà hoạt động dân chủ khác, đều áp đặt một giả định dứt khoát từ đầu là “Chống nhà nước” và dù có nói thật, có thiết tha với nhân dân đất nước đến đâu cũng đều bị coi là phản động, là tội phạm.

Điều này xuất phát từ một nguyên lý rất cơ bản của Pháp luật XHCH là ưu tiên bảo vệ chế độ và “nền chuyên chế” thay vì bảo vệ công lý và công dân.

Tôi không có tham vọng để thay đổi cả toàn bộ nhận thức của hệ thống pháp luật XHCN, nhưng tôi có thể đặt ra một câu hỏi hoàn toàn ngược lại cho các thẩm phán “Có bao giờ các ông thấy rằng con người bị cáo trước mặt là điều quan trọng nhất không?”.

Cũng tương tự như vậy, Bùi Tuấn Lâm công nhận các hành vi mình làm nhưng không coi là có tội hình sự. Anh đã rất trung thực mở ra một khoảng không gian rộng lớn cho các luật sư tranh biện, chống lại những cáo buộc của thân chủ mình và gợi mở một chiều kích tư duy khác cho các thẩm phán. “Liệu có thẩm phán nào dám coi con người trước mặt mình đã trung thực và đó là là một tình tiết giảm nhẹ không?”.

Hai câu hỏi nhức buốt này là câu hỏi dành cho con người, dựa trên nhân vị lớn lao của mỗi một hối nhân mà người thẩm phán phải tự trả lời.

Khi viết những dòng này, tôi luôn nghĩ về sự bình đẳng trước pháp luật và mong ước một cuộc chạy đua tìm kiếm công lý giữa hai các luật sư với sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông tự do.

Bài thể hiện quan điểm riêng của LS Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động hiện sống tại Hà Nội.

Phía sau vụ án ‘Thánh rắc hành’ – Bùi Tuấn Lâm và bức thư màu nhiệm

Peter Lam Bui

PETER LAM BUI Vợ Bùi Tuấn Lâm (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè kêu gọi thả tự do cho anh

BBC

Ngày 25/5, ông Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi), hay còn được biết đến là Thánh rắc hành, sẽ bị đem ra xét xử sơ thẩm tại toà án thành phố Đà Nẵng vì Điều 117.

Trước phiên tòa của chồng mình, bà Lê Thị Thanh Lâm nói với BBC rằng dù bản án tòa tuyên bao nhiêu năm đi chăng nữa thì vẫn là “oan sai” và “vô nhân đạo”, vì ông Bùi Tuấn Lâm không có tội.

Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cho rằng ông Bùi Tuấn Lâm đã có hành vi: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân”.

Ông Bùi Tuấn Lâm nổi tiếng với biệt danh “Thánh rắc hành” nhờ video đăng hồi 10/11/2021. Trong đó ông Lâm nhại lại động tác rắc muối của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ có biệt danh Salt Bae, người phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở London, một sự việc trước đó gây ồn ào cho báo chí quốc tế vào thời điểm đó.

Trong các 19 bài viết và 25 video đăng trên Facebook lẫn YouTube có nội dung mà Viện kiểm sát cho là vi phạm vào Điều 117 BLHS, không có cái nào liên quan đến video nhại lại Salt Bae.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi thả tự do cho ông Bùi Tuấn Lâm và bỏ hết mọi bản án nhắm vào ông Lâm.

Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng ‘vang danh’ thế giới

‘Ba hay mùa hè về trước’

Ông Bùi Tuấn Lâm cùng vợ là Lê Thị Thanh Lâm có ba người con gái: An Nhiên (7 tuổi), Bảo Nhiên (6 tuổi) và Tuệ Nhiên (3 tuổi). Quán bún bò của vợ chồng ông tên “Ba cô gái” là vì vậy.

Từ ngày ông Tuấn Lâm bị bắt vào 7/9/2022 tới nay đã hơn tám tháng, vợ cùng ba cô con gái chỉ được gặp ông Lâm duy nhất một lần vào ngày 13/5 vừa rồi. Cuộc đoàn tụ diễn ra vỏn vẹn 10 phút.

“Việc đầu tiên là anh Lâm thông báo cho tôi phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 25/5, nếu không tôi cũng không biết. Về tinh thần thì anh rất ổn, rất mạnh mẽ nhưng có ốm đi nhiều.

“Mấy đứa nhỏ quá bỡ ngỡ khi gặp ba nên cũng không nói được gì nhiều, chỉ hỏi có nhớ ba không, hỏi thăm sức khỏe nhau và anh dặn tôi phải đòi quyền vào phiên tòa. Lúc gần chia tay thì bốn cha con hát với nhau một bài,” bà Lâm kể lại.

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ là nhà hoạt động ở Việt Nam có khi hiểu chuyện đến mức làm người lớn cũng phải chạnh lòng. Cả ba cô con gái nhà ông Lâm đều biết ba bị công an bắt đi và ngay cả Tuệ Nhiên – thời điểm đó chỉ mới hơn 2 tuổi.

“Các con tôi đều biết ba đi tù, dù ba vô tội. Vì còn nhỏ nên bé không đo lường được thời gian nên hay hỏi ngây ngô là mùa hè tới trước hay ba sẽ về trước. Tôi trả lời các con: “Đương nhiên là ba về lâu hơn rồi”. Nhưng các bé đều rất ngoan và hiểu chuyện,” bà Lâm bộc bạch.

Báo chí tiếng Anh quan tâm vụ ông Bùi Tuấn Lâm và video nhại lại Salt Bae của ông

PETER LAM BUI Báo chí tiếng Anh quan tâm vụ ông Bùi Tuấn Lâm và video nhại lại Salt Bae của ông

Cuộc khám nhà ông Bùi Tuấn Lâm vào ngày 7/9/2022 được bà Lâm mô tả như một cuộc “khủng bố tinh thần” với khoảng 200 người thi hành công vụ được trang bị “súng đạn, dùi cui, đồ phòng hộ”.

Theo lời bà Lâm, lúc đó đại gia đình bà có khoảng 20 người, gồm 8 trẻ em, đều bị nhốt trong một phòng kín do một cô an ninh canh gác. Vì phải làm việc với công an khi họ tịch thu máy móc, thiết bị nên dù bà Lâm có xin thì phía cơ quan chức năng cũng không cho bà vào với con.

“Các con tôi bị ảnh hưởng nhiều sau cuộc khám nhà và bắt anh Lâm đi đó, nhất là con bé út. Một cô an ninh nữ chạy xộc lên phòng chúng tôi, dùng mền trùm kín mít bé út lúc đó chỉ hơn 2 tuổi, rồi đưa nó vào phòng nhốt chung với 7 đứa con nít còn lại. Đứa lớn nhất trong đám chỉ có 8 tuổi, bọn trẻ trong nhà hoảng loạn vô cùng trong suốt hai tiếng trời.

“Lúc họ đưa anh Lâm đi xong, cửa mở, tôi nhìn thấy con mình mà rớt nước mắt vì bé khóc như một con chuột ướt. Ba bị bắt đi đột ngột, bé bị sốc như mất đi một người bảo vệ, một người trụ cột nên rơi vào hoảng loạn. Kể từ khi anh Lâm đi, đêm bé ngủ thường lo lắng bất an, hay gào thét gọi ba rồi khóc xong rồi ngủ thiếp đi,” bà Lâm thuật lại.

Chồng vắng nhà, bà Lâm một mình chăm lo cho ba cô con gái và cáng đáng cả kinh tế gia đình. Quán bún bò của vợ chồng bà, nơi người dân đổ về ủng hộ như một cách “bỏ phiếu bằng chân” cho những việc ông Bùi Tuấn Lâm làm cũng phải đóng cửa sau đó vài tháng.

“Bán quán phải dậy sớm tầm 4 giờ sáng, con bé út vẫn còn hoảng loạn nên tôi dậy là nó cũng dậy theo. Tôi đẩy tủ ra bán thì bé vật vờ ngồi trong nhà nên tôi phải đổi hướng, làm công việc khác để có thể chăm lo cho tụi nhỏ.

“Có những lúc cũng quá sức với tôi vì hồi xưa việc gì cũng hai người cùng làm. Chăm bọn trẻ thôi cũng hết thời gian, huống chi giờ một mình chăm ba đứa, dạy tụi nhỏ học, đi làm nữa. Nhưng rồi cũng cố gắng vượt qua vì các con tôi và vì gia đình, bạn bè đều hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất,” bà Lâm nói qua điện thoại với BBC.

Vụ bị triệu tập sau video ‘rắc hành’: Chủ nhân khẳng định sẽ không gỡ video

Lá thư “màu nhiệm”

Chỉ vài ngày trước phiên tòa của chồng mình, bà Thanh Lâm nhận được cuộc gọi của một người lạ nói rằng nhặt được mẩu thư được ông Lâm viết từ trong trại giam.

Sau khi gặp và nhận lấy lá thư của chồng, thực chất chỉ là những mảnh giấy vụn được viết chi chít, to bằng nửa lòng bàn tay ghép lại, bà Lâm tâm sự đó lại là cả phép màu tưới tắm lên cuộc sống của bốn mẹ con:

“Tôi đọc thư chồng vào lúc 12 giờ đêm nên khóc quá trời, sáng hôm sau đọc cho các con rồi bốn mẹ con ôm nhau khóc. Cả gia đình ai đọc cũng thấy những mẩu thư đó là điều kỳ diệu. Trong thư anh viết sẽ không nhận tội và tặng cho bốn mẹ con hai bài thơ con cóc anh làm.”

Lê Thanh Lâm

LÊ THANH LÂM

 Những mẩu thư mà ông Bùi Tuấn Lâm viết tặng cho vợ con ngày 7/1/2023 và cầu nguyện sẽ có người nhặt được và gửi đến vợ ông

Chụp cho BBC những mảnh giấy của ông Lâm, bà Lâm nói để có thể đọc được, bà đã phải ép các mảnh giấy vào sách cho thẳng thớm. Nhưng bà vẫn nhận ra nét chữ và những tâm tình mà chồng gửi gắm:

“Trong này mọi thứ hiếm hoi và thiếu thốn quá, nên anh không viết nhiều cho em được. Anh gửi vợ đôi chút tâm tư tình cảm của mình cho bốn mẹ con qua 2 bài thơ con cóc này.

“Nếu nó đến được với em là một kỳ tích đối với anh đó…Anh không bao giờ nhận tội, vì có tội gì mà nhận đúng không em.”

Về việc bày tỏ chính kiến của chồng mình, bà Lâm nói chưa bao giờ phản đối vì từ lúc chưa lấy nhau, cả hai đều xác định có thể một ngày nào đó, ông Lâm sẽ phải đi tù vì lý tưởng của mình.

“Việc hoạt động xã hội là lý tưởng của chồng tôi nên nếu biểu anh ấy từ bỏ thì anh sẽ không lấy vợ. Tôi và anh Lâm có lý tưởng như nhau nên tôi sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả và chuyện anh Lâm đi tù, tôi cũng đã biết chỉ là một sớm một chiều,” bà Lâm diễn giải.

Vợ chồng keo sơn đã được 10 năm, khi chồng thực sự phải đi tù, bà Lâm liên tục cập nhật tình hình, thông tin về vụ án của chồng mình trên Facebook cá nhân cũng như kêu gọi sự chú ý của dư luận về phiên tòa ngày 25/5 của ông Lâm.

Bà nói với BBC, bất kỳ một người vợ nào có chồng là tù nhân chính trị đều sẽ đấu tranh, lên tiếng cho chồng mình bằng tất cả cách có thể và cũng phải dũng cảm nhất có thể:

“Tôi không thấy cô đơn vì có gia đình, anh em bạn bè đồng hành. Và quan trọng nhất, tôi còn ba đứa con nhỏ, một mình tôi không thể cáng đáng và cần người đồng hành nuôi dạy con và tôi sẽ đấu tranh tới cùng khi chồng mình chịu một bản án oan sai.”

Ông Bùi Tuấn Lâm bị cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 BLHS, mức án cao nhất ông có thể phải đối mặt là 12 năm tù.

HRW giục Việt Nam hủy bỏ cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ với Bùi Tuấn Lâm


Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm trước quán bún bò ở Đà Nẵng. Photo YouTube Thánh Rắc hành.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), có trụ sở chính ở Mỹ, ra thông cáo hôm 24/5 thúc giục chính quyền Việt Nam “hủy bỏ các cáo buộc” về tội “tuyên truyền chống nhà nước” đối với ông Bùi Tuấn Lâm, một nhà hoạt động nhân quyền.

Như VOA đã đưa tin, ông Lâm bị công an Đà Nẵng bắt hồi tháng 9/2022 sau nhiều năm phản biện, chỉ trích chính quyền trên mạng cũng như cổ súy cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vụ bắt giữ đặc biệt thu hút sự chú ý vì nó diễn ra sau khi ông Lâm bị công an triệu tập 2 lần về việc đăng video được đặt tên là “Thánh rắc hành” hồi tháng 11/2021.

Video của ông Lâm có nội dung nhại theo một sự việc đã được ghi hình và lan truyền trên mạng cho thấy đầu bếp “Thánh rắc muối” lừng danh của một nhà hàng cực kỳ đắt đỏ ở châu Âu phục vụ các quan chức cấp cao Việt Nam, trong đó có một người được cho là Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.

Các nguồn tin cho biết ông Lâm, 39 tuổi, dự kiến sẽ ra toà hôm 25/5 và đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù giam.

Theo HRW, Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng đưa ra bản cáo trạng nói rằng ông Lâm đã đăng tải tổng cộng gần 45 bài viết và video trên Facebook và YouTube từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022 “làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của nhà nước”.

Xét bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam bắt bớ, bỏ tù một loạt các nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của HRW đưa ra nhận xét trong thông cáo hôm 24/5 rằng: “Hình như bất kỳ điều gì cũng có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ để họ đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến”.

Qua thông cáo, ông Robertson đề nghị chính phủ Việt Nam “hủy bỏ điều 117 của Bộ luật Hình sự có tính vi phạm nhân quyền” cũng như hãy “chấm dứt việc truy tố Bùi Tuấn Lâm và những người khác vì đã phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Ngoài các hoạt động vì tiến bộ xã hội, ông Lâm cũng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và ủng hộ môi trường trong nhiều năm. Công an thường xuyên sách nhiễu, kìm hãm kế sinh nhai và đe dọa ông Lâm vì tinh thần hoạt động của ông, thông cáo của HRW nói.

Mỹ, các nước phương Tây và một số tổ chức nhân quyền nhiều lần lên án các động thái của chính quyền Việt Nam trấn áp giới hoạt động.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường đáp trả rằng đất nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo vẫn luôn nỗ lực đảm bảo, thúc đẩy các quyền tự do của người dân được quy định trong Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, và chỉ bắt bớ, bỏ tù những người “vi phạm pháp luật”.

“Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù, luật sư nói bản án không công bằng

 

RFA
2023.05.25

“Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù, luật sư nói bản án không công bằngÔng Bùi Tuấn Lâm trong một lần nấu ăn từ thiện trước khi bị bắt giam

 FB Peter Lam Bui

Ông Lâm, 39 tuổi, bị bắt ngày 07/9/2022, chín tháng sau khi ông đưa video clip rắc hành mà nhiều người cho rằng ám chỉ việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng ở London lên YouTube. Ông bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong phiên toà ngày 25/5, ông Lâm hai luật sư Lê Đình Việt và Ngô Anh Tuấn của Đoàn luật sư Hà Nội bào chữa. Phiên toà kết thúc vào lúc 12 giờ 15 trưa. 

Luật sư Việt nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau khi rời khỏi phòng xử án cho biết, an ninh cho phiên tòa được siết chặt, hai luật sư bị nhân viên an ninh kiểm tra rất kỹ trước khi bước vào phòng xử án trong khi không một người thân nào của ông Lâm được phép vào quan sát.

Ông cho biết thân chủ của mình rất bình tĩnh trong suốt quá trình xử án, hợp tác với toà:

“Quan điểm của ông Bùi Tuấn Lâm là thừa nhận một số hành vi nhưng không xác định đó là hành vi phạm tội, vì ông cho rằng đó là thực hành quyền tự do ngôn luận.”

Ông Việt cho biết đồng nghiệp của mình, ông Ngô Anh Tuấn bị chủ toạ phiên toà cho cảnh sát tư pháp đuổi ra khỏi phòng xử án khi đến phần tranh luận giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát thành phố. Ông nói:

“Khi sang phần tranh luận, giữa luật sư Ngô Anh Tuấn và đại diện Viện Kiểm sát có những bất đồng. Ông Ngô Anh Tuấn yêu cầu đại diện VKS phải tranh luận để làm rõ những quan điểm của mình và việc đó bị thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn ngăn cản.

Sau đó, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa luật sư Ngô Anh Tuấn có phản ứng lại việc mình bị đưa ra ngoài một cách vô lý như thế thì tiếp tục bị thẩm phán chủ toạ buộc ra ngoài.”

Ngoài ra, luật sư Việt còn chỉ ra việc thực thi pháp luật không được thực hiện đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án, ông cho rằng mình có căn cứ đầy đủ và nêu rất rõ ở toà rằng các kết luận giám định các bài viết, video dùng để buộc tội ông Lâm có rất nhiều vi phạm, trong đó là vi phạm về thẩm quyền giám định, vi phạm về tư cách của người giám định, thậm chí có những cái vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật giám định tư pháp.”

Luật sư Việt, người từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị trong nhiều năm qua, kết luận:

“Theo quan điểm của tôi thì với những tình tiết và diễn biến phiên toà hôm nay, việc ra bản án chưa đảm bảo cái sự khách quan cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo Bùi Tuấn Lâm.”

Ông cho biết thêm, ngay sau khi chủ toạ phiên toà công bố bản án, thân chủ của ông tuyên bố sẽ kháng cáo.

Theo cáo trạng ban hành bởi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Lâm bị cho là đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”

Cáo trạng không nhắc gì đến hành động rắc hành, nhại lại độc tác của “thánh rắc muối” Salt Bae trong video đút món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn tại nhà hàng sang trọng ở London, khi ông này tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP26.

danang-255.jpg
Một chốt an ninh gần tòa án Đà Nẵng ngăn người dân tiếp cận phiên tòa. Ảnh: người nhà ông Lâm cung cấp

 

Người thân bị sách nhiễu, đánh đập

Em trai của ông Bùi Tuấn Lâm, ông Bùi Quang Khiêm cho biết gia đình tám người của ông Lâm sáng 25/5 lên tòa án Đà Nẵng để yêu cầu được tham dự phiên tòa nhưng không được phép, với lý do phải có giấy triệu tập của tòa án.

Công an chặn tất cả các đường dẫn tới khu vực toà án, và bố trí nhân viên dày đặc, không cho người dân đi vào khu vực này.

Ông cho biết khi gia đình ngồi ở ngoài toà, an ninh cho người đến quấy rối. Khi phiên toà kết thúc, luật sư đi ra và nói chuyện với gia đình. Khi đó, công an kéo tới hành hung. Ông thuật lại:

“Một đám công an nữ 7-8 đứa quay vào chụp chị Lâm nói là vì chị Lâm chụp ảnh. Gia đình xông vào để cản ra. Mình và em Minh bị một đám an ninh mười mấy thằng đánh hai anh em bầm dập.

Nó đánh vô đầu, vô cổ, nó bóp cổ rồi bịt miệng rồi nó chà xuống đường. Nói chung là cổ rách, tay cũng rách, lưng bầm dập. Nó đánh nhiều lắm.”

Những người mặc thường phục lôi ông Bùi Quang Khiêm và Bùi Quang Minh lên xe 16 chỗ rồi đưa tới Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, sau đó bà Lê Thanh Lâm cũng bị dẫn giải về đây và họ bị đưa vào ba phòng khác nhau.

Hai em trai của ông Lâm được trả tự do lúc khoảng 2 giờ. Công an còn giữ bà Lâm lại, và cho người mang thiết bị tới để phá khoá điện thoại của bà vì muốn xoá hình ảnh bà chụp được xung quanh tòa án, ông Khiêm nói và cho biết thêm không rõ khi nào bà Lâm được về nhà.

Phóng viên gọi điện cho Công an phường và Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc để kiểm chứng thông tin ông Khiêm cung cấp nhưng hai người trực máy của hai cơ quan này nói họ không giữ ai cả, và đề nghị phóng viên đến tận nơi xác minh.

Bình luận về bản án đối với anh trai mình, ông Khiêm nói:

“Bản án này là một bản án bất nhân, đi ngược lại với tính dân chủ và quyền con người. Anh Lâm chỉ là một người dân bày tỏ quan điểm của mình.”

Một người khác trong gia đình cho biết nhiều an ninh mặc thường phục và đeo khẩu trang bịt mặt đã lảng vảng ở khu vực gần nhà ông Lâm từ ba hôm trước để theo dõi mọi hoạt động của gia đình.

Không chỉ đưa người canh gác gần nhà riêng của ông Lâm, công an còn cho người đến gần nhà riêng của một số người hoạt động và thân thân tù nhân lương tâm ở Hà Nội, trong đó có bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, một blogger của RFA, người đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Công an Hà Nội cũng triệu tập bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, lên trụ sở công an phường Dương Nội để làm việc vào sáng 25/5 về việc “đưa thông tin và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.” Trong buổi làm việc, công an cũng tra khảo về mối quan hệ giữa bà với gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có gia đình Bùi Tuấn Lâm.

Ông Lâm là nhà hoạt động thứ tư bị kết án theo Điều 117 kể từ đầu năm đến nay. Ba người còn lại là blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Trương Văn Dũng đều bị án sáu năm tù còn ông Trần Văn Bang bị án tám năm tù giam.

Luật sư kể chuyện bị công an áp giải ra khỏi phiên xử Bùi Tuấn Lâm

Như Hồ

Saigon Nhỏ

 

Trong phiên tòa xử Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng trong ngày 25 Tháng Năm, một sự kiện bất ngờ đã diễn ra: Luật sư Ngô Anh Tuấn, đại diện bào chữa cho bị cáo, đã bị thẩm phán của tòa gọi công an gác tòa áp giải đưa ra khỏi phiên xử. Sự việc khiến ai nấy đều bất ngờ.

Nguyên do là luật sư Ngô Anh Tuấn đến phần tranh luận của mình, đã yêu cầu được đối thoại và làm rõ những điểm kết tội mơ hồ trong cáo trạng. Phía được yêu cầu là đại diện Viện Kiểm sát. Thế nhưng phía thẩm phán đã can thiệp, không cho luật sư Ngô Anh Tuấn được tiếp tục. Khi bị chất vấn, vị thẩm phán này (Nguyễn Anh Tuấn) đã thị uy, gọi công an đưa luật sư ra khỏi tòa, không cho bào chữa nữa.

Luật sư bào chữa còn lại là ông Lê Đình Việt chứng kiến và xác nhận sự việc. Ông kể lại rằng: “Khi sang phần tranh luận, giữa luật sư Ngô Anh Tuấn và đại diện Viện Kiểm sát có những bất đồng. Ông Ngô Anh Tuấn yêu cầu đại diện VKS phải tranh luận để làm rõ những quan điểm của mình và việc đó bị thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn ngăn cản. Sau đó, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa luật sư Ngô Anh Tuấn có phản ứng lại việc mình bị đưa ra ngoài một cách vô lý như thế thì tiếp tục bị thẩm phán chủ toạ buộc ra ngoài”.

Áp lực cho phía bào chữa xuất hiện ngay lập tức, khiến luật sư Lê Đình Việt không còn yêu cầu đối chất được nữa, mà chỉ đọc văn bản bào chữa đã chuẩn bị trước. Tòa chỉ nghe chiếu lệ và sau đó công bố bản án như đã định sẵn.

Việc đuổi luật sư ra khỏi tòa, thường xảy ra khi những lời bào chữa kèm chất vấn làm rõ từ phía luật sư khiến thẩm phán cũng như Viện Kiểm sát đều không có khả năng trả lời. Nói sau khi ra khỏi phiên tòa, luật sư Lê Đình Việt kết luận: “Theo quan điểm của tôi thì với những tình tiết và diễn biến phiên toà hôm nay, việc ra bản án chưa đảm bảo cái sự khách quan cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo Bùi Tuấn Lâm.”

 

Gia đình ông Bùi Tuấn Lâm (ảnh Facebook)

Ngay sau khi trở về, luật sư Ngô Anh Tuấn đã viết trên trang nhà của ông, với những lời hết sức đau đớn, trước hiện trạng của tòa án ma quỷ hiện nay ở Việt Nam, như sau:

Lần đầu tiên hay lần cuối cùng?

Sau nhiều năm hành nghề luật với gần 10 năm gắn bó với nghề luật sư tranh tụng, tới ngày hôm nay, trong một vụ án chính trị ở Đà Nẵng, lần đầu tiên tôi bị buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình. Một dấu lặng trên một đoạn đường khá dài mà tôi đã trải qua.

Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là chủ tọa phiên tòa) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày.

Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên tòa.

Tôi nói rằng vị chủ tọa mới là người điều hành phiên tòa và nếu ông mời/đề nghị/yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị chủ tọa mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử.

Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị chủ tọa nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.

Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên toà và được dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi “chánh văn phòng” thuộc Tòa án thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình).

Tuy vậy, sau đó người ký lập văn bản lại là thư ký phiên tòa, một người từng nhiều lần làm việc với tôi và rất thân thiện nên tôi không muốn nhắc tên ở đây. Nếu hôm nay không có luật sư Lê Đình Việt, người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa cùng tôi chứng kiến, làm chứng nội dung sự việc thì mình tôi sẽ không còn cách nào để “minh oan” cho mình.

Tôi đã có đơn giải trình nội dung sự việc, kèm theo văn bản làm chứng của luật sư đồng nghiệp; đồng thời tôi cũng đề nghị trích xuất file ghi hình qua camera trong phòng xét xử nhưng không chắc rằng sự việc sẽ đi được tới tận cùng. Bên cạnh đó, tôi cũng đang làm đơn thư tường trình, phản ánh nội dung sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để hai tổ chức này tham gia xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành viên.

 

Ls Ngô Anh Tuấn (ảnh Facebook)

___________

Những vụ đuổi luật sư ra khỏi tòa đáng chú ý:

Năm 2018: Sự kiện hi hữu xảy ra trong phiên tòa xét xử vụ án gây chết 8 người chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình: Luật sư Trần Vũ Hải bị HĐXX yêu cầu ra khỏi phòng xử vì những chất vấn về tình tiết vụ án, tòa lấy lý do luật sư vì không tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa.

Năm 2019: Luật sư Nguyễn Duy Bình, người tham gia bào chữa trong vụ án vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải bị buộc tội “trốn thuế,” nói rằng Hội đồng Xét xử ra lệnh cho một tốp công an ập tới “kẹp nách, bẻ tay, lôi ra” khỏi phòng xử án và sau đó ông bị “kẹp cổ, lôi lên xe” đưa về đồn công an phường Phước Tân (Tp. Nha Trang) để “câu lưu hai tiếng đồng hồ” là hành động “vi phạm thủ tục tố tụng và lạm quyền”.

 

Năm luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai, nay đều bị công an đe dọa và sách nhiễu (ảnh Facebook)

Năm 2020: Vụ án người đánh bạc tên Lò Văn Toản và Phạm Văn Rỵ bị bắt. Bị cáo ra tòa tố cáo bị bức cung, và nói công an lấy cắp tiền ở sòng bạc. Luật sư Vũ Thị Nga yêu cầu làm rõ các tình tiết bị tố cáo, nhưng Hội đồng xét xử không đồng ý và gọi công an áp giải luật sư ra khỏi tòa.

Đã có những luật sư là nạn nhân của vấn đề pháp luật bị điều khiển từ nhà nước độc tài như Võ An Đôn, Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân… Nghề luật trở nên nguy hiểm khi nói sự thật và bảo vệ sự thật ở Việt Nam.

Trò chuyện với “Thánh rắc hành”, trước giờ nhận giấy triệu tập lần 3

 

Người chủ quán bún bò có tên Ba Cô Gái ở Đà Nẵng không bao giờ tin nổi mình có một đoạn đời kỳ lạ như hôm nay. Anh nói giờ thì không chỉ phải phục vụ số lượng khách đông bất ngờ so với hàng ngày, mà còn phải làm việc với công an về những giấy triệu tập mà anh hoàn toàn không biết mình có vai trò gì trong cuộc điều tra như thông báo.

Dân ở Đà Nẵng bàn tán, và nhắn cho nhau số 21/1 đường Ông Ích Khiêm, nơi có quán Bún Bò Huế lừng danh một cách bất đắc dĩ này để xem mặt ông chủ Bùi Tuấn Lâm, hay còn gọi là Peter Lâm Bùi – cách gọi của bạn bè anh. Nói với báo Saigon Nhỏ, anh Lâm nói sau một vài ngày khi câu chuyện của anh lan rộng trên mạng, khách đến ăn đột nhiên tăng bất ngờ.

“Ngày thường thì đến trưa mới hết hàng, rồi tôi cùng gia đình dọn dẹp, nhưng vài ngày sau sự kiện ‘rắc hành’ của tôi, khách đến rất đông. Mọi người rất thân thiện và chào tôi như quen từ trước, có những người lại vỗ vai tôi, nói cố lên. Có người nói sẽ luôn ủng hộ tôi với tình trạng hiện nay. Bối rối hơn, lại còn có những người đến xin chụp ảnh chung và nói rất vui được biết mình, làm mình bối rối lắm”, anh Lâm Bùi cười và nói.

Anh Lâm, được những người hài hước trên mạng Facebook, gọi là “Thánh rắc hành”, do anh có lối phục vụ thực khách vui nhộn, qua việc nhại lại động tác của tay đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe khi rắc muối lên món thịt bò đắt tiền mà cả thế giới đều biết. Anh Lâm rắc hành, như một động tác cuối cùng để mang tô bún đến thực khách và chúc ăn ngon. Anh Lâm không chỉ làm một lần, mà nhiều lần như vậy trong ngày, bao gồm cả khi anh gửi tặng những phần ăn miễn phí cho người nghèo đến tìm anh. Quán Bún Bò Huế Ba Cô Gái được biết mỗi ngày đều tặng cho những người nghèo, người già trong vùng quá bước, trong chương trình của gia đình anh tạo ra, gọi là “Chủ nhật yêu thương”.

“Có những ngày khó khăn, tôi gửi đến 50-70 phần nhưng vẫn không xuể”, anh Lâm kể. Quán của “Thánh rắc hành” bán buôn như vậy thì không thể làm giàu. Nhưng gia đình anh Lâm vui với điều đó. Vợ anh, chị Thanh Lâm và ba đứa con gái nhỏ đều tự hào và vui với những gì mà gia đình mình sống và cho đi như vậy. Họ giàu có theo một cách khác.

Trước năm 2021, anh Lâm mở quán gà rán để độ nhật, thế nhưng dịch bệnh bùng phát, sau một thời gian dài quay lại, anh Lâm khai trương món Bún Bò Huế, và câu chuyện của anh lại nổi trôi theo chuyện “Thánh rắc muối” Nusret Gökçe, biệt danh là Salt Bae. Ngày 5 Tháng Mười Một, một đoạn video được tung ra, mà theo đó, giới thạo tin cho biết đó là các vị lãnh đạo cao cấp của công an Việt Nam đến thưởng thức món bò đắt đỏ thuộc hàng nhất thế giới. Tờ Daily Mail giật tít “Vietnamese communist official is caught being ‘hand-fed £1,450 gold-covered steak at Salt Bae’s London restaurant” – tạm dịch “Quan chức cộng sản Việt Nam bị bắt quả tang được đút thịt bò dát vàng giá 1450 bảng ở quán của Salt Bae tại London”.

Gần như khắp thế giới đều đưa tin. Dư luận trên mạng của Việt Nam rộn ràng những phân tích từ một phía, nói rằng đó là video cắt ghép của thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam và với bản thân Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhân vật chính trong video. Thế nhưng, tiếc là khoảng 1000 tờ báo, truyền hình của nhà nước lại hoàn toàn im lặng, không nói gì, khiến dư luận lại ngày càng nhiều hơn, với đủ các kiểu bình luận.

Năm ngày sau khi anh Lâm giới thiệu video “rắc hành” của mình, với mục đích vui nhộn và giúp tăng thêm khách đến ăn, anh nhận được giấy triệu tập lên làm việc với công an.

Trên trang Facebook mình, anh Lâm cùng vợ có ghi lại cảnh trao đổi với hai người công an, mà về sau sự căng thẳng ngày càng tăng. Anh Lâm chỉ yêu cầu là giấy triệu tập cần có đủ nội dung rõ ràng, để anh biết anh là kẻ tình nghi phạm tội, hay là đến với tư cách nhân chứng giúp đỡ thêm cho một cuộc điều tra. Thế nhưng công an từ chối, nói là họ không thể tiết lộ bí mật của công việc. “Cơ quan công an cần phải nói rõ là tôi đang bị triệu tập cụ thể về chuyện gì, việc triệu tập một công dân mà chỉ nói chung chung là “phục vụ công tác điều tra” thì không được. Tôi không chống đối gì hết nhưng một cơ quan pháp luật cần thể hiện việc thượng tôn pháp luật”, anh Lâm nói, “tôi cũng tham khảo với nhiều luật sư bạn, tất cả mọi người đều nói rằng công an làm chưa đúng. Luật sư dặn việc đòi hỏi là đúng quyền của mình trong luật pháp quy định, còn phần họ có bất chấp hay không thì mình không thể đoán”.

Trên thực tế, anh Lâm biết bản video “rắc hành” của anh bùng lên, ngẫu nhiên trong lúc này, chỉ khiến công an khó chịu thêm về cái cách từ chối lệnh triệu tập của anh, chứ thật ra, chuyện còn nhiều nguyên nhân được đồn đoán khác.

Rất nhiều người biết đến cái tên Peter Lâm Bùi vào giai đoạn đầu những năm 2010-2015 trong các phong trào phản đối Trung Quốc xâm lược và giết hại ngư dân. Đặc biệt năm 2014, khi Bắc Kinh đặt giàn khoan lớn HD981 trên biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Peter Lâm Bùi là một cái tên xuất hiện trên nhiều tin tức về người yêu nước Việt Nam xuống đường, kêu gọi bảo vệ chủ quyền đất nước. Sau đó, anh Lâm lập gia đình và chuyển sang hoạt động từ thiện.

Tin cho hay, một trong những nhánh điều tra từ công an Hà Nội về chị Nguyễn Thúy Hạnh là muốn tìm hiểu về Peter Lâm Bùi, xem có phải anh từng nhận chuyển tiền giúp cho ai, từ quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh. Chị Hạnh, người sáng lập “Quỹ 50K”, và là người vận động phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, người bị sát hại ở làng Đồng Tâm về một vụ tranh chấp đất đai. Chị Hạnh vẫn bị giam giữ để điều tra ở Hà Nội từ đầu Tháng Tư 2021, mà theo ngôn luận nhà nước từng phát đi trên truyền hình là chị Nguyễn Thúy Hạnh “tài trợ cho khủng bố”.

“Với tôi, chị Nguyễn Thúy Hạnh là một người đáng kính trọng. Những việc làm của chị ấy không có gì sai cả. Và giả như lúc này tôi nhận được nguồn tiền từ quỹ của chị Hạnh để nhờ gửi, giúp đỡ cho những ai đang khó khăn thì tôi cũng sẽ không từ chối. Việc làm đó không có gì gọi là sai với pháp luật cả” – anh Peter Lâm Bùi nói.

“Theo luật pháp Việt Nam, khi nhận được giấy triệu tập lần thứ ba thì cơ quan an ninh đã có quyền cưỡng chế, tức bắt mình mang đi. Tôi cũng không rõ trong giấy triệu tập lần thứ ba này, công an có ghi rõ là muốn làm việc với tôi về việc gì hay không. Tuy nhiên một khi họ đã quyết cưỡng chế, bắt đi thì tôi không thể đòi hỏi gì được lúc đó”. Anh Lâm nói.

“Tôi thấy mình không có gì để lo ngại, và chờ đón sự việc sẽ đến, dẫu ra sao. Chỉ xin tất cả anh chị em đã biết tôi, xin hãy dành chút thời gian chia sẻ với vợ con tôi, nếu tôi không còn được tự do”, anh Lâm ngừng một chút, rồi nói nhanh như vậy.

Lúc này, số người quan tâm đến trường hợp của anh Peter Lâm Bùi có vẻ nhiều hơn mức bình thường. Quán bún của anh chỉ tạm nghỉ hai ngày 19 và 20 Tháng Mười Một nhưng dân mạng lập tức nhắn với nhau rằng không hiểu vì sao quán của anh lại đóng cửa. “Tôi cảm thấy mệt mỏi nên tạm nghỉ hai ngày, rồi sẽ bán lại, không có gì đâu”, anh Lâm giải thích khi có thực khách nhắn hỏi với vẻ lo lắng.

Ở Việt Nam, lâu nay, những người từng xuống đường chống Trung Quốc hoặc tham gia các hoạt động xã hội dân sự luôn kể về các kinh nghiệm, cho biết rằng cuộc đời của họ thường không bình yên sau khi đã hành động với lẽ phải và sự thật. Công an địa phương thường phục lẫn không thường phục thường xuyên quấy rầy những người như vậy. Có những người đã chọn cuộc sống im lặng, để chăm sóc gia đình nhưng họ vẫn không nhận được sự đối đãi đúng mức như đối với một công dân bình thường. Việc chứng nhận giấy tờ, xin cho con đi học, thuê nhà… luôn luôn gặp trở ngại với những ánh mắt xem họ như là một “thế lực thù địch”.

Câu chuyện của anh Peter Lâm Bùi có vẻ tiềm ẩn những rắc rối, nhiều hơn hình ảnh vui vẻ “Thánh rắc hành” mà mọi người đang nghĩ. Đôi khi chọn sống đúng với luật pháp và lương tâm, cũng chưa hẳn là cách tốt nhất để tồn tại ở Việt Nam, như anh Lâm cùng gia đình tin và hy vọng.