26.5.2023
.
Ông già đóng cửa tiệm nước, kêu buồn, đi rủ bạn tổ hưu uống vài ly bia. Con gái hỏi sao buồn, ông gắt, biết rồi còn hỏi. Cái đài tưởng niệm ấy, rốt cuộc người ta vẫn xây. “Mình nói mà họ có thèm nghe đâu”, ông già cắm cẳn, khi dắt xe ra cửa. Chắc rồi, sao họ chịu nghe ông chủ quán cóc góc đường, một thường dân không tên tuổi, con gái nghĩ vậy, nhưng biết lời nào không nên nói, chỉ dặn vói theo “nhớ uống một chai thôi đó, yếu rồi”.
Trên đường dẫn bài báo mạng phản ứng mạnh nhất về vụ xây đền đài đắt đỏ, mẫu bình luận thứ 437 theo thứ tự từ trên xuống, là của ông già với đầy đủ họ tên, địa chỉ. Ông viết rằng dân mình nghèo quá, nước mình nợ nần chồng chất mà lãng phí chi. Xài xối xả không tiếc kiểu này chắc vì chẳng phải tiền họ làm ra, chớ của riêng thì vài ba ngàn cũng cân nhắc.
Từ khi con gái bày cho mấy đường lên mạng, ông già hay bày tỏ ý kiến ý cò của mình vào phần bình luận bên dưới vài bài báo chính luận mà ông quan tâm. Con gái cười, trẻ quan tâm đàn bà, già quan tâm đất nước. Chớ sao, ông già tằn mằn cọng râu, thiếu hai thứ đó sao được thành người?
Có dạo ông già đi làm vài chai suốt, đó là lúc họ dừng dự án chặt cây vỉa hè, hoãn vụ dẹp gọn trại trẻ mồ côi, ngưng đập bỏ ngôi chợ hai trăm năm tuổi, xử đẹp những quan chức địa phương lùa nhầm trâu bò của người nghèo về nhà mình. Vui, rủ bạn bè ra quán, bàn luận nổ trời. Nghĩ, nguyện vọng tâm tư mình rốt cuộc cũng được lắng nghe. Ông già hể hả bảo, hồi xưa gõ cửa quan khó, nhứt là từ hồi tụ họp chừng chục người đã bị coi là bất hợp pháp, giờ chỉ cần ghi vài dòng trên trang mạng của một tòa báo lớn, ý kiến mình cũng tới chỗ cần tới. Coi bộ có chút tín hiệu tiến bộ, họ bắt đầu coi trọng tiếng nói của dân.
Chỉ con gái trề môi dài thượt, bảo chưa chắc đâu, họ chỉ nhường mình mấy chuyện cỏn con, xử phạt những viên chức cấp thấp. Họ chỉ xức dầu gió những vết xước tầm thường, vẫn còn bao nhiêu vết thương sâu, còn bao nhiêu chỗ hoại tử hết đường cứu chữa, họ vẫn để đó. Như thể từ nhỏ con gái đã ăn suốt khổ qua hầm ớt hiểm, rau đắng nấu sa tế, sầu đâu nhồi tiêu sọ, nên ba mươi tuổi đầu lúc nào cũng nhìn vấn đề một cách đắng cay. Hay vì không thân thế, con nhỏ phải cất mảnh bằng thạc sỹ lên đầu tủ đi làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, nên bất mãn cuộc đời.
Nên ông già sửng cồ khi con gái tiên đoán, vụ xây đền đài ngàn tỉ chẳng thể nào dừng lại. Sao không, dư luận vào cuộc rồi, bao nhiêu tờ báo rút tít “lãng phí” ngay trang bìa, bài báo nào cũng dùng những câu chữ mạnh mẽ để phản đối, những người có tiếng nói đầy sức nặng cũng lên tiếng can ngăn cuộc xài tiền vô độ này. Và còn có hàng ngàn bạn đọc như ông già góp ý can ngăn, người nghèo không cạp tượng đài mà no bụng, họ cần cơm gạo, họ cần con trâu để cày nương rẫy, đàn gà để đẻ trứng. Cái khí thế phản ứng bừng bừng vậy, giới chức trách đâu thể không nghe.
Nhưng rồi ông phát hiện ra cái cách nhìn đời đen thui của con gái, rủi thay luôn đúng. Họ chỉ thả con săn sắt cho đám dân ngây thơ như ông tưởng rằng thể chế đã cúi xuống từng phận người. Đài tưởng niệm vẫn xây, và còn những cổng chào, những quảng trường cẩn đá hoa cương, những trung tâm hành chính bóng lộn, những cái chợ quê hoành tráng. Ông già có thay tên đổi họ, hoặc xui cả xóm biên hàng ngàn mẫu bình luận trên mạng, cũng không ngăn nổi tiền thuế của mình đổ vào công cuộc viển vông. Và còn nhiều cuộc viển vông bốc hơi mà chẳng để lại cái xác nào, dù tệ như cổng chào vào thành phố mà ai cũng bảo y chang lò gạch.
Càng nhớ càng rầu, mấy ông già kêu thêm chai nữa.
Con gái đón cha ở cửa, đỡ lấy những bước chân xương xẩu liêu xiêu, thương nhiều hơn giận, “đã nói uống một chai thôi mà, có chịu nghe đâu”. Phải giữ sức, mai kia sẽ còn uống hoài, chuyện buồn còn xảy ra dài dài để ông già dắt xe đạp đi làm vài ly. Con gái biết vậy, nhưng nó còn làm được gì ngoài việc lên mạng tìm coi có lá thuốc, bài thuốc nào nào phòng chống cao huyết áp cho người cao tuổi không thể nào kiêng cữ được rượu bia.