Nguyên Hạnh – HTD


 

Qui thương mến,

Dù biết cuộc đời là vô thường, nhưng chị vẫn bàng hoàng xúc động khi hay tin Qui đang bệnh nặng. Mấy hôm nay email của bạn bè và các em Sương Nguyệt Anh tới tấp gởi về, nhìn tấm hình Qui đang nằm mê man trên giường bịnh với ống dây chằng chịt mà xót xa cả lòng!

Chị đã cầu an cho Qui mỗi ngày qua những thời kinh tụng niệm, mong Qui qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo. Dậy đi Qui ơi! Con người năng nổ hay làm việc thiện như em thế nào cũng qua khỏi cơn hoạn nạn. Chị tin như vậy!

Những ngày chúng ta cùng dạy chung dưới mái trường Sương Nguyệt Anh như sống lại. Em còn nhớ cái thời mà chị em mình phải đi học chính trị mỗi lúc hè đến không? Thật là vui, vì mấy ông báo cáo viên hùng hổ nói phun cả bọt mép. Mặc kệ! Còn tụi mình ngồi ở dưới tha hồ nói chuyện tán gẫu đủ mọi thứ.

Chừ ngồi ngẫm lại thời đó, chị thấy tụi mình bị “bóc lột” quá sức, nhất là những người có chồng đi học tập cải tạo, cứ lăn vô mà làm việc như trâu, để mong được chứng nhận công tác tốt, hầu mong chồng được sớm thả về. Sau này chúng ta mới biết tất cả đều là chiêu trò gạt gẫm đàn bà con nít.

Với chiêu bài “Lao động là vinh quang”, thầy trò phải cầm chổi chà đi quét đường, hốt rác để làm sạch đường phố. Rồi ban lao động nhà trường lại “đẻ” thêm sáng kiến “nuôi heo” để tăng thu nhập cho trường, và bắt thầy cô phải luân phiên nhau để chăn nuôi heo. Đúng là những cảnh cười ra nước mắt. Buổi sáng đi dạy, buổi chiều vô trường tắm heo, cho heo ăn, trong khi đó con cái ở nhà nheo nhóc không có ai chăm sóc. Em còn nhớ không?

Vì không “chuyên nghiệp” nên có lần chị em mình xắn  quần lên quá đầu gối, đang múc nước tắm heo, bỗng nhiên con heo xổng chuồng chạy ra ngoài. Hai đứa vội vàng đuổi theo vì lỡ nó chạy mất thì tiền đâu mà đền. Hai đứa cầm theo hai cây chổi chà để lùa heo về. Lùa thế nào mà nó lại chạy tọt vào lớp học. Học sinh cười ầm lên.

Rồi thầy đang dạy lớp cùng đám học trò hè nhau lại phụ tụi mình mới lùa được con heo “mất trật tự” trở vô chuồng. Xong việc, thở phào nhẹ nhõm, mới kịp nhìn lại mình. Trời ơi. Sao mà thảm não quá chừng. Quần ống thấp ống cao, áo thì chỗ ướt chỗ khô, mặt thì phờ phạc vì đuổi heo mệt quá. Chợt nhớ đến hai câu Kiều mà thấm thía:

Xưa sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Ngày trước đến trường đi dạy, lúc nào các cô cũng tươm tất thanh lịch trong những chiếc áo dài tha thướt, các thầy cũng chemise, cravate chỉnh tề. Cách mạng vô, áo trắng quần đen là chủ yếu. Lâu lâu Thương nghiệp bán cho mỗi người vài mét vải thun trắng. Thế là sau đó ít lâu, đi dạy người nào cũng mặc áo giống nhau. Sao giống đồng phục của những đứa trẻ mồ côi trong viện Dục Anh quá.

Ảnh minh họa

 

Đúng như khẩu hiệu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, nên buổi sáng đi dạy, buổi chiều đi lao động, buổi tối dạy bổ túc văn hóa, khuya về phải đi trực đêm ở trường để giữ an ninh.

Thật là khôi hài. Đứa nào cũng sợ ma đâu dám ngủ, bật đèn sáng suốt đêm ngồi nói chuyện, không phải chỉ sợ ma mà còn sợ ăn trộm nữa. Chân yếu tay mềm như chúng mình mà thằng ăn trộm tóm lấy quăng mỗi đứa vào một góc thì chết giấc. Đã thế, cuối tuần lại “được” đi làm đường để làm đẹp thành phố nữa.

Tuy nhiên có một điều đáng quý là chúng mình vẫn biết đùm bọc thương yêu nhau, chia sẻ cho nhau từng chút bột ngọt, từng gói “nui” nouille, mỗi khi có đứa đi thăm nuôi chồng đang học tập cải tạo.

Dĩ nhiên bên cạnh đó cũng có “một số ít” muốn lập công với “Cách mạng”, nên đã tìm mọi cách “nâng bi” cấp lãnh đạo. Nhưng nói gì thì nói, đa số cái máu “Quốc gia” đã ngấm vào tận xương tủy mình rồi.

Em còn nhớ cái lần chào cờ, cả trường đứng im phăng phắc để nghe anh Hổ hùng dũng điều khiển Nghiêm! Chào cờ! Quốc ca: “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi”. Sau đó thấy học sinh im bặt không hát theo, lúc đó mọi người mới chợt nhận ra anh Hổ đã bắt nhịp lộn bài hát Quốc ca xưa. Muốn cười quá mà không dám cười. Vì hình như tình cảnh buồn cười mà trong lòng vẫn có một cái gì mất mát dâng trào!

Một thời gian khổ cực chúng mình đã cùng sống, cùng chia sớt nỗi niềm với nhau. Những cảnh “xếp hàng cả ngày”(XHCN) để mua từng ký lô gạo đầy sạn, ăn độn với bo bo. Từng miếng thịt hôi. Từng con cá ươn. Căn phòng giáo viên như một gian hàng tạp hóa. Góc này là thịt của tổ Văn, góc kia là thịt của tổ Toán… Thầy cô đi dạy về, trên xe đạp tòng teng xâu thịt, mớ rau… Trông thật thảm hại và tội nghiệp vô cùng!

Bây giờ chị em mình may mắn đã thoát được chốn bần cùng, đến miền đất Tự do, nhưng mỗi lần nhìn về cố quốc, lòng không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Đặc biệt là mấy năm nay thiên tai bão lụt từ Nam chí Bắc xảy ra liên miên, cơn bão này chưa qua, trận lụt kia đã tới. Đau lòng hơn nữa là khi được nghe, được biết về những lời phát biểu, tuyên bố của nhà cầm quyền cộng sản với cung cách hững hờ vô trách nhiệm theo kiểu “Sống chết mặc bay!”.

Qui ơi, hình như trong tim mỗi người Việt Nam tha phương điều ấp ủ một chút gì đó tình tự dân tộc như lời một bài hát:

“Đàn chim tha phương, lạc loài đôi cánh cánh nhỏ, mong ngày trở về cố hương”.

Chúng ta, bằng cách này hay bằng cách khác, vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn. Hy vọng một ngày nào đó không xa, khi quê hương thanh bình mở hội, mình sẽ cùng về và gặp gỡ bạn bè học trò, không phải ở một nơi nào trên xứ người mà ở ngay trường xưa, chốn cũ.

Giọng hát trầm ấm của Việt Dzũng trong một bài hát của Lê Tín Hương – cô học trò của chị – vẫn như một ám ảnh không nguôi, ray rứt tâm tư mỗi khi chợt nghe đến.

“Có ai biết ngày này ta nơi đây. Một nơi không định đến. Một chốn ta phải về!”.

Phải về! Chắc như thế phải không Qui? Ráng gượng chống lại cơn bịnh…