Mỹ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong bối cảnh Mỹ – Trung cạnh tranh gay gắt

 

 Victoria Kelly-Clark 

 

Chính quyền ông Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy quan hệ với Papua New Guinea (PNG) và khu vực Thái Bình Dương bằng cách triển khai một tàu tuần duyên đến đảo quốc này vào tháng 8.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III bắt tay Ngoại trưởng Papua New Guinea Elias Wohengu (Trái) tại Port Moresby, Papua New Guinea, hôm 27/7/2023. (Ảnh: Chad J. McNeeley/Bộ Quốc phòng Mỹ)

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra thông báo trên trong chuyến thăm của ông tới PNG hôm 27/7, đánh dấu quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên tới thăm Papua New Guinea.

Ông nói: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của chúng tôi và các mối quan hệ đối tác của chúng tôi là chìa khóa để đảm bảo cho khu vực quan trọng này được tự do và cởi mở”.

Ông Austin đưa ra tuyên bố trên sau khi ông và Thủ tướng PNG James Marape ký một thỏa thuận thực thi pháp luật hàng hải cho phép PNG tham gia vào chương trình lái tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực của các đối tác Hoa Kỳ để giải quyết nhiều mối đe dọa chung trên biển .

Động thái này diễn ra sau lễ ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) mang tính bước ngoặt giữa hai nước vào tháng 5, một thỏa thuận mà Quốc hội PNG hiện đang xem xét.

Theo đó, trong thời hạn 15 năm, thỏa thuận sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ, bao gồm sân bay và cảng hải quân, đồng thời sẽ bao gồm “hoạt động cứu trợ”, nhiệm vụ ứng phó thảm họa thiên nhiên và cứu trợ nhân đạo.

The Epoch Times chưa xem nội dung bản sao của DCA.

Chính phủ PNG coi thỏa thuận này là một phương tiện để hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng Marape nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố then chốt của thỏa thuận là tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa năng lực quốc phòng của PNG.

“Nền kinh tế của PNG cần phát triển trong thỏa thuận DCA này, cũng như tất cả các thỏa thuận phụ khác sẽ diễn ra, như việc làm, tạo công ăn việc làm, cơ hội ký kết hợp đồng, cũng như các hoạt động kinh doanh khác của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc các nhà sản xuất sẽ đến nước ta”, ông nói.

“Chúng ta phải tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Không có đối tác nào tuyệt vời hơn cho sự hợp tác này ngoài nền dân chủ và quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Về mặt hợp tác quốc phòng, đó là quan hệ đối tác mà chúng tôi lựa chọn”.

Thỏa thuận không thiết lập cho chiến tranh

Cả hai nhà lãnh đạo đều phủ nhận về việc tăng cường sự hiện diện là một phần trong nỗ lực đẩy lùi lớn hơn đối với Trung Quốc, quốc gia đang nỗ lực tăng cường quan hệ song phương với khu vực.

“Chúng tôi có các thỏa thuận quốc phòng song phương cụ thể với một số quốc gia. Chúng tôi có liên kết kinh tế đặc biệt với Trung Quốc. Vấn đề mắc kẹt ở đó. Nhưng Trung Quốc không yêu cầu chúng tôi thiết lập quan hệ quân sự”, ông Marape nói.

“Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về Trung Quốc. Về việc chúng tôi đã ký DCA với Hoa Kỳ, Đại sứ quán Trung Quốc tại đây nói với chúng tôi rằng họ không có vấn đề gì với việc chúng tôi ký DCA với Hoa Kỳ. Họ biết rằng một số nguyên tắc mà chúng tôi chia sẻ với Hoa Kỳ không được các quốc gia khác chia sẻ”.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập rằng thỏa thuận này diễn ra sau khi Tàu tuần tra USCGC Oliver Henry của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ bị từ chối cập cảng Honiara của Quần đảo Solomon để tiếp nhiên liệu và tiếp tế. PNG sau đó đã can thiệp để cung cấp một cảng tiếp tế cho con tàu.

Chính quyền Quần đảo Solomon, vừa mới ký hiệp ước phòng thủ với Trung Quốc, cho biết đó là một sự hiểu lầm.

“Với tư cách là đối tác, chúng tôi đã mời một con tàu đến Port Moresby [thủ đô PNG] để tiếp nhiên liệu trước khi ra khơi. Đó là một sự sắp xếp đặc biệt. Giờ đây, nhờ có DCA, chúng tôi có mối quan hệ có tổ chức hơn”, ông Marape cho hay.

“Đây không phải là chuẩn bị cho chiến tranh; đúng hơn, đó là thiết lập sự hiện diện ở Papua New Guinea để xây dựng đất nước”.

Thủ tướng PNG cũng nhấn mạnh rằng PNG duy trì lập trường ngoại giao rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, như đã nêu trong chính sách “Một Trung Quốc, Hai Chế độ” mà Mỹ và các đồng minh khác như Canada, Úc và Vương quốc Anh, tuân thủ.

Ông Austin cho rằng thỏa thuận này chỉ nhằm mục đích tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có mối quan hệ lâu dài với Papua New Guinea và chúng tôi chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời cả hai bên đều thực sự tôn trọng và coi trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“DCA được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ phối hợp trong lĩnh vực quốc phòng, các mối quan hệ quốc phòng và hợp tác quốc phòng”.

Ông Austin hiện sẽ cùng Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm nước láng giềng thân thiết của PNG là Úc để đàm phán về lĩnh vực quốc phòng.

 

Victoria Kelly-Clark 

Theo The Epoch Times (NTDVN, 28.07.2023)

 

 

 

Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác trong khu vực tiếp tục bị tàu Trung cộng xâm nhập

Vị trí của các đội tàu cá Trung cộng ở vùng biển phía nam Việt Nam, tàu Shi Yan 6 khảo sát EEZ Việt Nam tuần trước và tàu Tan Suo Yi Hao ở phía đông Philippines Marine Traffic / RFA

 

Theo dữ liệu AIS mà RFA và một số nhà quan sát tình hình Biển Đông ghi nhận được, cuối tháng 7, 2023, Trung cộng tiếp tục các đợt xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương. 

Hôm 26/7 ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, thông báo trên Twitter: 

“Có 19 tàu của Trung cộng, thuộc các đội tàu Gui Bei Yu, Yue Lian Yu & Gui Fang Yu, tiến hành đánh bắt cá trái phép ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam hôm nay. Tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng có khả năng các con tàu này không xin phép Chính phủ Hà Nội vì khu vực này nằm trong yêu sách đường 9 đoạn khổng lồ của Trung cộng.”

Vị trí của 3 đội tàu cá Trung cộng đang hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Việt Nam, 27/7/2023 (Raymond Powell) 

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng sử dụng dữ liệu AIS để theo dõi hoạt động của lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam kiểm soát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung cộng ở thời điểm cuối tháng 7 này, ông Raymond Powell cho biết: 

“Tôi không thể phát hiện ra sự tương tác hiện tại giữa các tàu cá Trung cộng này và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Trước đây, tôi đã từng thấy lực lượng giám sát nghề cá hoạt động gần các tàu cá Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng họ không tỏ ra cản trở hoạt động của các tàu cá này.”

Một quan chức Việt Nam không muốn nêu tên nói tàu Kiểm ngư Việt Nam thường tắt tín hiệu định vị AIS để giữ bí mật, nhằm dễ dàng theo dõi tàu cá Trung cộng. Tuy vậy, trước diễn biến 3 đội tàu đánh cá Gui Bei Yu, Yue Lian Yu và Gui Fang Yu đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam hiện nay, sẽ khó hiểu vì sao tàu Kiểm ngư Việt Nam lại cần tắt tín hiệu để dễ dàng theo dõi tàu cá Trung cộng ở đó. Ông Raymond Powell nêu phán đoán của mình với RFA:

Tôi có cảm giác Việt Nam đã từ bỏ một phần ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá của Trung cộng. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta nhận được bình luận từ Chính phủ Việt Nam thì sẽ rất thú vị, bởi vì họ phải cho biết liệu họ có cho phép hoạt động đó hay không. Một lần nữa, tôi cho là Trung cộng không xin phép Hà Nội, vì Trung cộng tuyên bố vùng biển mà họ đang đánh bắt cá là của họ do nằm trong đường 9 đoạn, nên việc xin phép Việt Nam sẽ đi ngược lại yêu sách đó.”

Trong một diễn biến khác, đồng thời với hoạt động của 3 đội tàu đánh cá trong vùng EEZ của Việt Nam, tàu khảo sát của Trung cộng Shi Yan 6 đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philipines từ 7/7/2023. Con tàu này khảo sát ở đó và vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa liên tục 10 ngày, rồi xâm nhập và khảo sát trong vùng EEZ của Việt Nam trong hai ngày 17 và 18 tháng 7, rồi quay trở lại vùng EEZ của Philippines. Hôm nay 27/7, con tàu này quay trở lại căn cứ quân sự Trung cộng xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Song song với hoạt động của Shi Yan 6, tàu khảo sát Tan Suo Yi Hao cũng tiến hành khảo sát vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. 

Trả lời câu hỏi của RFA về khu vực tàu Shi Yan 6 khảo sát ở vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa, một khu vực hiếm khi Trung cộng khảo sát trước đây, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nói ông cần tham khảo thêm các chuyên gia khảo sát thủy văn để hiểu về hoạt động lường và mô tả các đặc điểm vật lý của các vùng nước và các vùng đất tiếp giáp với các vùng nước đó. Về hoạt động của tàu Tau Suo Yi Hao đang khảo sát phía đông Philippines, ở vùng biển các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, diễn ra đồng thời với hoạt động của Shi Yan 6 và các đội tàu đánh cá Trung cộng trong EEZ Việt Nam, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á ở Trung tâm CSIS, nhận xét: 

“Khó có thể nói điều gì nếu chỉ căn cứ trên những hoạt động này. Tuy vậy, các tàu khảo sát của Trung cộng đã dành nhiều thời gian để tiến hành các cuộc khảo sát đáy biển ở phía đông Philippines trong những năm gần đây. Có lẽ họ muốn hiểu rõ hơn về các điểm đi ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Đó là khu vực họ hi vọng sẽ cho lực lượng tàu ngầm hoạt động.” 

RFA từng đọc được một số bản tin trên truyền thông nhà nước về việc lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ tàu cá Trung cộng đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, năm 2016 có bản tin “trong chuyến tuần tra 17 ngày, biên phòng  Hải Phòng đã xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung cộng, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu cá vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam”, năm 2020, có tin Quảng Ninh bắt giữ tàu cá Trung cộng hoạt động trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không thấy có những bản tin như vậy. 

 

RFA (27.07.2023)

 

 

 

 

Trung cộng ngỏ ý mời Philippines tập trận chung

Ông Romeo Brawner, chỉ huy các lực lượng vũ trang Philippines (ảnh hồi ngày 15/2/2023)

 

Trung cộng đưa ra lời mời chào về tổ chức tập trận chung với Philippines, truyền thông tại Philippines đưa tin hôm thứ Năm 27/7, trích lời lãnh đạo quân đội của Manila.

Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines, Romeo Brawner, sẽ nghiên cứu lời mời mà đại sứ Trung cộng tại Manila đã chuyển đến ông, hãng CNN Philippines và đài PTV của nhà nước đưa tin.

“Họ nói rằng họ đã gửi sách trắng, chúng tôi phải nghiên cứu”, ông Brawner nói trong một video được CNN Philippines đăng trên nền tảng nhắn tin X, trước đây có tên là Twitter.

Không có ngay bình luận của ông Brawner, nhưng người phát ngôn quân đội Medel Aguilar cho biết ông đã xem đoạn video về cuộc phỏng vấn của ông Brawner và nhắc lại rằng cuộc đàm thoại giữa ông ấy với nhà ngoại giao Trung cộng có tính chất “không chính thức”.

Ông Aquilar nói với Reuters: “Tôi không biết liệu chúng tôi đã thực sự nhận được sách trắng hay chưa”. Ông Brawner đã nói chuyện với các phóng viên bên lề một sự kiện do đại sứ Trung cộng tại Manila tổ chức để kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân Nhân dân Trung cộng, ông Aquilar cho hay.

Đại sứ quán Trung cộng tại Manila không trả lời ngay khi có đề nghị đưa ra bình luận.

“Chúng tôi cố gắng thiết lập quan hệ với các quân đội, với các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới. Đây là một cách để chúng tôi ngăn chặn chiến tranh”, ông Brawner nói.

Lời mời của Bắc Kinh về tiến hành tập trận chung với Philippines xuất hiện vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa hai nước do các hoạt động “hung hăng” của Trung cộng ở Biển Đông, theo cách mô tả của Manila.

Trung cộng có tranh chấp lãnh thổ lâu nay ở Biển Đông với một số quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Philippines.

Không có chi tiết nào khác được đưa ra về việc tập trận chung được đề xuất, nhưng ông Brawner nói rằng hoạt động đó sẽ không được tiến hành ở Biển Đông.

Từng là cựu chỉ huy lục quân, ông Brawner trong tháng này đã đảm nhận chức vụ là người đứng đầu các lực lượng vũ trang, kế nhiệm ông Andres Centino, người được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr bổ nhiệm làm cố vấn của tổng thống về Biển Đông.

Ông Marcos, gần đây muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, đã nhắc lại trong bài phát biểu thường niên hôm 24/7 rằng ông sẽ bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình.

Trung cộng không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 xác định rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là không có giá trị.

 

VOA (27.07.2023)

 

 

 

 

 

Việt Nam xây dựng thêm nhiều cơ sở trên quần đảo Trường Sa

Lính hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa (minh hoạ) Reuters

 

Việt Nam đang tiến hành xây thêm trên những cơ sở tại hai đảo do nước này quản lý thuộc quần đảo Trường Sa.

Mạng báo Manila Times của Philippines loan tin ngày 27/7 dẫn tài liệu có được, đó là công văn “Kế hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Tiên Nữ ở Trường Sa” do Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm – Tư lệnh Hải quân Việt Nam ký ngày 27/7.

Nội dung công văn nêu rõ Việt Nam đang xây dựng thêm cơ sở quân sự và nhà ở dân sự trên hai đảo vừa nêu. Đảo Phan Vinh thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam vào năm 1978 và Tiên Nữ vào năm 1988.

Lý do xây dựng cũng được cho biết nhằm tăng cường năng lực quản lý  và bảo vệ đảo, tăng cường niềm tin cho chiến sĩ, viên chức và người dân trên đảo, bảo vệ vùng dầu khí phía nam, thềm lục địa của Việt Nam. Thông qua việc mở rộng tại đảo Phan Vinh và Tiên Nữ, việc xây dựng nhóm chiến đấu, Việt Nam có thể phát triển khả năng tấn công… Công tác này mang tầm quan trọng chiến lược lâu dài bởi lẽ giúp tăng cường việc kiểm soát được tuyến đường biển và gia tăng áp lực quân sự lên đối với những nước láng giềng.

Tổng kinh phí cho công tác xây dựng các dự án mở rộng tại hai đảo Phan Vinh và Tiên Nữ như vừa nêu là 6.425 tỷ đồng; trong đó Phan Vinh là 3.745 tỷ và Tiên Nữ là 2.680 tỷ đồng.

Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines, và là một trong sáu quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có tuyến đường biển quan trọng này.

 

RFA (27.07.2023)

 

 

 

 

Việt Nam cho tiến hành lễ tưởng niệm liệt sỹ Trường Sa

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa Tiền Phong

 

Một cuộc tưởng niệm lính hải quân bỏ mạng trong trận hải chiến với Trung cộng tại ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa hồi năm 1988 được Việt Nam cho tiến hành ngay tại Trường Sa vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua.

Ngày 27/7, mạng báo Tiền Phong mới loan tin về cuộc tưởng niệm. Theo đó, có 200 sinh viên được chọn cả trong và từ nước ngoài về để tham dự. Đoàn được tàu KN290 đưa đến vùng nước thuộc vùng quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát để tiến hành buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ, cán bộ bị phía Trung cộng bắn chết trong khi cố gắng bảo vệ đảo Gạc Ma.

Bản tin của mạng báo Tiền Phong không nêu đích danh Trung cộng mà chỉ nói “sự tấn công của kẻ thù khiến các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam hy sinh; và trước khi chết họ kết thành một vòng tròn, bám trụ giữ đảo đến hơi thở cuối cùng”.

Trước đây, nhiều nhà hoạt động trong nước đứng ra tổ chức các buổi tưởng niệm những người phải hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng bị ngăn chặn, giải tán, thậm chí bị hành hung, bắt bớ.

Vào tháng 7/2018, cuốn sách có tên “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” của Nhà Xuất bản Văn học do cựu tướng Lê Mã Lương chủ biên, nói về vụ thảm sát do phía Trung cộng tiến hành tại Gạc Ma năm 1988, sau khi phát hành chỉ vài ngày bị thu hồi với lý do có sai sót.

Cuốn Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử được thực hiện từ năm 2014 kể lại câu chuyện về 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát vào sáng ngày 14/3/1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa trong trận chiến giữ đảo của các chiến sĩ Việt Nam trước những cuộc tấn công chiếm đảo của quân đội Trung cộng.

Ngày 10/7/2018, sau năm ngày phát hành, 10.000 cuốn sách đã được bán hết. Một NXB tại Mỹ cũng đã tới Việt Nam để mua bản quyền xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh trên thế giới.

 

RFA (27.07.2023)

 

 

 

 

 

Mưu toan ‘đường lưỡi bò’ và thủ đoạn ‘lấn biển, lấn đất’ tinh vi bởi Trung cộng đối với Việt Nam

Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung cộng tự vẽ ra trên biển (minh họa) AFP

 

Trong một động thái trên truyền thông được cho là khá hy hữu, một cơ quan nghiên cứu, phân tích chính sách (think tank) được biết đến khá nhiều ở Ấn Độ là Quỹ nghiên cứu, quan sát Observer Research Foundation (ORF) ngay trong hạ tuần tháng bảy này đã lên tiếng vạch trần tham vọng và phương cách thúc đẩy yêu sách chủ quyền của Trung cộng rất đáng ‘lo ngại’ khi tiếp tục sử dụng ‘bản đồ đường chín đoạn’ làm công cụ, và cho rằng Việt Nam và các nước ở khu vực ‘có lý’ khi phản đối.

 

“Mặc dù bản đồ được hiển thị trong cảnh (phim) thực sự là ‘hoạt hình’ với các hình dạng méo mó hầu như không giống các quốc gia, nhưng việc mô tả đường chín đoạn ngay cả trên một bản đồ như vậy vừa vô nghĩa vừa đáng lo ngại. Ngay sau khi có thông báo về lệnh cấm của Việt Nam, mạng xã hội Trung cộng đã bùng nổ để ăn mừng điều được ‘công nhận’ là quyết định của hãng Warner Bros trong việc ‘đưa đường chín đoạn’ vào sản phẩm phim ảnh của hãng này”bài viết của nhà nghiên cứu Pratana Shree Basu của ORF hôm 21/07/2023 nêu quan điểm. 

 

‘Thông điệp chiến lược tinh vi’

Gọi phương cách ‘yêu sách chủ quyền’ này của Trung cộng như một một hình thức đưa ra ‘thông điệp chiến lược’ tinh vi, bài viết của nhà nghiên cứu trên trang mạng của think tank Ấn Độ tiếp tục nhận định:

Việc hợp pháp hóa một cách sai trái chủ quyền bị xuyên tạc thông qua hình ảnh giải trí cũng là một vấn đề địa chính trị giống như việc các tàu đánh cá của Trung cộng đi vào lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam hoặc Philippines ngay cả khi nó không có ý nghĩa an ninh truyền thống.”

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ấn Độ, Bắc Kinh đã ‘thực hiện các bước tiến lãnh thổ’ trên biển ‘một cách có hệ thống và hung hăng’, trực tiếp đi ngược lại các giới hạn lãnh thổ trên biển do UNCLOS đặt ra, và coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực với phán quyết khẳng định quyền chủ quyền của Philippines đối với phạm vi vùng biển của nước này ở Biển Đông và ‘xuất bản các bản đồ’ thể hiện toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của chính họ được phân định bởi ‘đường chín đoạn’.

Và bài viết trên tổ chức Think tank của Ấn Độ tỏ ra chia sẻ với việc Việt Nam, bên cạnh một số nước khác trong khu vực, đã ‘có lý’ khi lên tiếng phản đối phương cách được coi là ‘mập mờ’ nhưng rất ‘tinh vi’ về đưa ra yêu sách chủ quyền này của Trung cộng ở Biển Đông, thông qua truyền thông và các sản phẩm truyền thông, văn hóa quốc tế:

“Đường chín đoạn là đường phân định được Trung cộng sử dụng để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn đối với gần như toàn bộ Biển Đông… Sự phản đối là có cơ sở bởi vì mặc dù đây chỉ là những bộ phim và chương trình truyền hình có ít hoặc không có mối liên hệ rõ ràng nào với các trật tự địa chiến lược, nhưng việc sử dụng đường chín đoạn đã được coi là ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng trên Biển Đông, mâu thuẫn trực tiếp với các yêu sách của các quốc gia khác trong khu vực và quan trọng nhất là luật biển quốc tế.

Do đó, các trường hợp lặp đi lặp lại việc sử dụng một phiên bản bản đồ cụ thể (điều hoàn toàn kỳ lạ là phiên bản bản đồ của Trung cộng về Biển Đông dường như là phiên bản duy nhất mà nhiều nhà sản xuất sử dụng bất chấp gặp sự phản đối nhiều lần) có thể được coi là chứng thực hoặc hợp pháp hóa một lập trường địa chính trị cụ thể. Bản đồ là công cụ quan trọng để thiết lập các ranh giới lãnh thổ có chủ quyền. Và đây là lý do tại sao các phản đối của Việt Nam và khiếu nại do các quốc gia khác đưa ra không chỉ có giá trị mà còn phải được thực hiện nhiều lần như (phản đối chính thức) các trường hợp vi phạm,” bài của quỹ nghiên cứu ORF nhấn mạnh.

Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực, ông Đỗ Thông Minh đưa ra bình luận trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về ý kiến từ think tank của Ấn Độ:

“Cá nhân tôi cũng chia sẻ suy nghĩ của think tank của Ấn Độ đưa ra, và chúng ta theo dõi tình của Việt Nam trong thời gian qua, tôi ghi nhận ít nhất mười lần (Trung cộng) cố tình đưa ‘đường lưỡi bò’ hoặc cờ năm sao ‘ngũ tinh kỳ’ vào… Vấn đề ‘đường lưỡi bò’ đã được đưa ra từ lâu, từ thời Tưởng Giới Thạch, lúc đầu giao thông ít, và nội bộ, sách của họ có, thế giới bên ngoài không để ý. Sau này đến thời Tập Cận Bình, (Trung cộng) đưa nhiều tàu thăm dò khắp mọi nơi, cũng như lắp đặt, trang bị vũ khí ở những đảo v.v…, vấn đề mới trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên thủy bản đồ này là 11 đường, nhưng khi Việt Nam ký kết với Trung cộng về hiệp định trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ, đã chia Vịnh Bắc Bộ theo một hiệp định mới, nên Trung cộng mới bỏ hai đường mà ‘đâm’ vào Vịnh Bắc Bộ, thành ra bây giờ còn có 9 đường. Phương Tây đôi khi gọi đó là ‘chuỗi hạt trai’, còn Việt Nam gọi là ‘đường lưỡi bò’.”

 

‘Nhấn mạnh để lưu ý hơn’

Theo ông Đỗ Thông Minh, yêu sách ‘bản đồ đường chín đoạn’ do Trung cộng đơn phương đưa ra là một vấn đề tranh chấp lâu dài giữa Việt Nam và Trung cộng và bài báo trên think tank của Ấn Độ đã “nhấn mạnh những chuyện xảy ra trong quá khứ để mọi người lưu ý hơn”.

Về phần mình, trong dịp này, nhà quan sát thời sự này cũng đưa ra một số điểm để công luận cùng lưu ý liên quan những điều mà ông cho là những ‘chiêu thức’, ‘thủ đoạn’ mà Trung cộng đã sử dụng có hệ thống từ trước tới nay, gây ra nhiều thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, ông nói:

“Trong thời gian chiến tranh (Nam – Bắc Việt Nam), Nhà nước Việt Nam giấu hết, đến khi chiến tranh năm 1979, Nhà nước Việt Nam mới tung ra cuốn bạch thư nhỏ, trong đó (hé lộ) có những vụ Việt Nam nhờ Trung cộng in hộ bản đồ, do Bắc Việt Nam không in được bản đồ, bản đồ phải in nhiều lớp màu, nên phải vẽ theo một phương cách đặc biệt để in, chứ không phải in màu bình thường như bây giờ. Thành ra khi Trung cộng vẽ bản đồ, in cho Việt Nam, họ đã dời biên giới được vẽ trên bản đồ về phía đất Việt Nam, tức là họ lấn đất của Việt Nam, đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là đường xe hỏa, xe hỏa của Bắc Việt Nam lúc đó nhỏ, chỉ có tám tấc, một mét (chiều rộng đường ray), còn đường của Trung cộng thường là 1,2 mét – 1,4 mét, cho nên khi tới biên giới, đi qua Việt Nam không được nữa, cho nên nhất là trong thời chiến, muốn chuyển vũ khí đi sâu vô Việt Nam, do Bắc Việt Nam không có hệ thống đúc đường sắt, nên cũng nhờ công binh Trung cộng giúp, thành ra Trung cộng mới mở những con đường sắt đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, mà sau này Trung cộng tuyên bố ‘đường sắt đó đi đến đâu, thì đất của chúng tôi tới đó’. Đây là hai trong ba điều được nêu rõ trong cuốn bạch thư của Việt Nam, khi đó ‘chửi hăng lắm’, trước đó thì giấu, bây giờ thì lại giấu, cất giấu những cái đó đi.”

Một ‘thủ đoạn’ khác nữa của Trung cộng được ông Đỗ Thông Minh đề cập trong dịp này là vấn đề ‘di dời cột mốc’ và ‘lấn biên giới’ trên đường biên giới trên bộ Việt – Trung, nhà quan sát nói:

Cột mốc biên giới, cho đến nay vẫn còn là một sự mù mờ. Trong lúc thảo luận cả chục năm trước, nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ công khai bản đồ biên giới và những cột mốc, nhưng cho tới ngày hôm nay vẫn chưa có gì. Có một số cột mốc cũ, Trung cộng đào lên và đem về ‘làm kỷ niệm’, và bây giờ cột mốc mới, Trung cộng lấn qua đất Việt Nam. Thí dụ như Thác Bản Giốc, ngày xưa có con sông ở đó và Thác Bản Giốc kể như là thác hoàn toàn của Việt Nam, nhưng đến khi điều đình, Trung cộng không chịu. Khi nhìn vào Thác Bản Giốc, có nghĩa là nhìn vào chiều từ đông sang tây, lưng quay ra biển, chứ không phải là theo hướng bắc – nam khi ta nhìn vào Thác Bản Giốc đó.

Thác này ở bên tay trái cao, nên nước ít, còn thác ở bên tay phải thấp, do nước chảy lâu ngày làm mòn nên thấp, khiến nước càng chảy phía bên này nhiều, cho nên đẹp hơn. Khi hai bên điều đình với nhau, chia lại thác đó, thác thấp chia đôi, còn thác cao vẫn của Việt Nam; trước đây là của Việt Nam trọn vẹn, có cả tem của Thác Bản Giốc nữa, còn bây giờ Việt Nam đành chấp nhận chia đôi phần thác thấp, còn cái hồ ở phía dưới là chung. Vì là hồ, nước đi qua lại, nên không chia đôi hồ, là hồ chung, nhưng du khách có thể lên thuyền, ở phía Việt Nam thì lên thuyền phía Việt Nam, có thể đi qua giữa hồ, qua phía bên kia, nhưng không được lên bờ. Khách Trung cộng cũng vậy, đi lên thuyền ở phía bên Trung cộng, có thể đến gần phía Việt Nam, nhưng không được quyền bước chân lên bờ. Có luật về việc đó.”

Khách du lịch Trung cộng ở thác Bản Giốc trên biên giới giữa VN và Trung cộng ở tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009 (minh họa). AFP

 

‘Từ Ải Nam Quan tới Bãi Tục Lãm’

Ví dụ tiếp theo mà ông Đỗ Thông Minh đưa ra là trường hợp của Ải Nam Quan, mà Trung cộng gọi là Hữu Nghị Quan, nhà quan sát nói tiếp với RFA:

Ải Nam Quan, chúng ta may mắn có một số hình ảnh người Pháp chụp thời Pháp – Thanh, hai cổng như nhà ở hai ngõ có hai cửa, không bao giờ hai cửa sát tịt vào nhau hết, bao giờ cũng phải cách cái ngõ. Ở đây, ở Ải Nam Quan có hai sườn núi, cho nên đi lên hai sườn núi có xây tường, để tránh chuyện người ta đi lậu, khi người ta không đi cửa chính, người ta đi sườn núi. Nhưng những chuyện đó xưa lắm rồi, bây giờ không còn nữa, hình thì còn, nhưng trên thực tế thì không còn. Còn hai cổng là các cổng của phía Trung cộng ngày xưa, ở dưới là cổng vòm tròn, ở trên là hai tầng, cổng đó bây giờ cũng tan rồi, họ xây lại cổng mới, thì ở dưới là vòm tròn, ở trên là ba tầng.

Còn cổng ở phía Việt Nam, nhìn theo tỷ lệ ở trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy hai cổng cách nhau qua một đường trống ở giữa khoảng 6m, đường phân chia ở phía nam cổng của Trung cộng mà bây giờ còn là 3m. Còn cổng ở bên phía Việt Nam, không biết vì lí do gì, về sau biến mất, cho nên Việt Nam chỉ làm trạm bên đường thôi, chứ không phải là hai cổng đấu vào nhau; và ở phía Nam cổng của Trung cộng mà họ gọi là Hữu Nghị Quan, chỉ cách có 3m. Nhưng bây giờ, nó vào sâu đất của Việt Nam cả trăm mét, và cả khu rộng đó, bây giờ trở thành một quảng trường của phía Trung cộng mà họ quản lí, mà từ km số 0 của đầu Quốc lộ 1A thì mới là của Việt Nam. Thành ra, đứng ở cột cây số 0km ở đầu đường 1A, chúng ta không còn nhìn thấy cổng của Trung cộng ở đâu nữa hết, bởi vì nó cách cả trăm mét, tức là nó lấn về phía đất Việt Nam theo chiều sâu là cả trăm mét, còn chiều dài thì không biết, có thể là cả mấy cây số, hay mấy chục cây số. Đó là nguyên chuyện (Ải Nam Quan) đó.”

 

Ví dụ tiếp theo được nhà quan sát từ Tokyo đề cập là trường hợp của Bãi Tục Lãm, ông Đỗ Thông Minh nói:

Ở Bãi Tục Lãm có con sông Bắc Luân, con sông Bắc Luân này có một nhánh nhỏ ở dưới, ở giữa nó có một cái đảo Châu, ngày xưa, thời Pháp thuộc, Pháp điều đình với Trung cộng (Công ước Pháp – Thanh 1887), lấy con sông chính làm đường ngăn chia, cho nên đường ngăn chia (phân giới) thuộc con sông Bắc Luân nhánh chính ở trên, thì đảo Châu thuộc Việt Nam. Nhưng khi điều đình mới đây (ký kết 12/2000, phê chuẩn 6/2004), thì Trung cộng không chịu, Trung cộng nói là phân chia phải theo cả nhánh lớn và nhánh nhỏ, cho nên đảo Châu đó bị chia ra, một phần tư đảo Châu đó bây giờ là thuộc Trung cộng. Như thế không phải là như nhánh chính chia đôi, thì đảo Châu thuộc Việt Nam, mà như Trung cộng nói tính theo cả con sông nhánh nhỏ nữa, thì Trung cộng chiếm ¼ Bãi Tục Lãm đó. Người nào đã từng coi sơ bản đồ đó, nói ra là biết ngay sự kiện như vậy.”

Về vấn đề liệu Việt Nam có thiệt hại hay không trong phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, liên quan Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ký kết giữa Việt Nam và Trung cộng ngày 25/12/2000, phê chuẩn ngày 30/6/2004, ông Đỗ Thông Minh nói tiếp với Đài Á Châu Tự do vẫn trên quan điểm riêng:

Ngày xưa, thời Pháp – Thanh, từ mũi Móng Cái, là nơi con sông Bắc Luân đổ ra biển, thời Pháp vẽ một con đường thẳng từ Móng Cái vẽ thẳng xuống, gọi là một con đường đỏ (red line) cho dễ nhận ra, trong khi Vịnh Bắc Việt của Việt Nam trũng về phía Tây, ở ngoài khơi có đảo Hải Nam, thành ra khi vẽ thẳng con đường từ Móng Cái xuống, Việt Nam được 65% Vịnh Bắc Bộ. Nhưng đây không phải là Việt Nam ký, mà Pháp với nhà Thanh ký. Bây giờ họp bàn, Trung cộng không chịu, cho nên Trung cộng nói rằng con đường phân chia phải ở giữa Vịnh Bắc Bộ, đường ven bờ biển Việt Nam với đảo Hải Nam, khi làm một con đường (phân giới) cong về phía Tây, bây giờ Việt Nam chỉ còn 55% thôi, và Trung cộng được 45%, thay vì Việt Nam được 65%; như thế, Việt Nam bị mất ở chỗ đó từ 10.000 km2 cho tới 12.000 km2.

Việt Nam còn giữ được một chút là đảo Bạch Long Vĩ, nên còn một chút lợi, nếu không Trung cộng đòi chia đôi 50-50 ra, thì Việt Nam sẽ mất rất nhiều. Như vậy, trên đất liền, ví dụ như các khu vực Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Việt Nam mất tổng cộng từ 700 tới 720 cây số vuông. Ông Lê Công Phụng, từng một thời làm Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, có lần được ông Lý Kiến Trúc phỏng vấn trên báo Văn Hóa, khi ông Phụng làm Đại sứ ở Mỹ, nói rằng lúc chiến tranh, Trung cộng giữ khoảng 27 cứ điểm, nhưng khi họp bàn và điều đình, Trung cộng trả lại cho Việt Nam 21 cứ điểm, còn lại sáu cứ điểm Trung cộng giữ.”

 

Làm gì sau ‘thiệt thòi’?

Theo ông Đỗ Thông Minh, sáu cứ điểm này là những nơi Trung cộng làm nghĩa trang, hoặc đóng quân, và ông nói tiếp:

“Thí dụ như ở vùng Vị Xuyên, sau trận Vị Xuyên – Núi Đất năm 1984, trận mà Việt Nam chết trên 3.000 người, cộng với trước sau đó là 4.000 người, nhưng bây giờ nghĩa trang Vị Xuyên của Việt Nam chỉ có 1.700 liệt sĩ mà thôi, còn hơn 2.000 vẫn còn nằm ở bên đất bên kia.

Tôi không hiểu chuyện chết ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ rồi, mà hai bên ký kết ‘16 chữ vàng, 4 tốt’ v.v…, mà sao hơn hơn 2.000 tử sĩ Việt Nam, trong đó đa số là người trẻ, ở những đơn vị tân lập đưa lên để hỗ trợ cho mặt trận quân khu I, quân khu II, cho tới ngày hôm nay vẫn để nguyên như vậy, không có đem xác về.”

Khi được hỏi Việt Nam liệu có thể làm được gì trước những điều được cho là ‘thiệt thòi’ về lãnh thổ, lãnh hải trong phân định với Trung cộng như ông đã đề cập ở trên, ông Đỗ Thông Minh đáp:

Chuyện mà Việt Nam hy vọng một ngày nào đó lấy lại (đất đai, biển đảo), tôi thấy rất là khó, có viên chức lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rồi rằng ‘thời này mà không lấy lại được, thì thời sau con cháu sẽ lấy lại’, nói một cách thực ra là hơi vô trách nhiệm, tự nhiên đời anh, anh không cố gắng giữ, anh để mất, anh lại bảo để cho con cháu. Con cháu chưa ra đời, thì đã mang gánh nặng nợ nần về vay mượn (tài chính), bây giờ cái nợ nữa là nợ mất đất, mất biển, mà trong khi thế hệ hiện tại tự vỗ ngực mình là ‘anh hùng, đỉnh cao trí tuệ’ mà lại không làm gì.”

Cuối cùng, khi được hỏi Việt Nam nay cần làm gì để đảm bảo cho việc giữ gìn, bảo vệ được chủ quyền quốc gia và lãnh thổ, lãnh hải tốt hơn, trước các yêu sách chủ quyền đầy thách thức của nước láng giềng Trung cộng, nhà quan sát nhấn mạnh:

Tôi nghĩ rằng mời bạn bè vào tiếp tay cho mình, thí dụ như Ấn Độ, cho họ khai thác dầu hỏa, họ có quyền lợi thì đương nhiên họ phải gắn vô, và Ấn Độ vừa tặng cho Việt Nam một tàu chiến của Ấn Độ đóng, nó cũng hơi cũ, nhưng cho thấy Việt Nam với Ấn Độ rất thân thiết với nhau, rồi thân thiết với Nhật, thân thiết với Úc, thân thiết với Mỹ v.v… kéo thêm đồng minh để có thể đối đầu được với Trung cộng.

 

Quốc Phương

RFA (26.07.2023)