Nhà thơ Phùng Quán

Tháng 1 là sinh nhật của nhà thơ Phùng Quán và ngày 21 tháng 1 cũng là ngày giỗ của ông.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.01.22
sharethis sharing button
phung-quan-305.jpgVợ chồng nhà thơ Phùng Quán cùng nữ sĩ Ngân Giang (phải) chụp chung với dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu (ngồi giữa) tại Hà Nội, mồng 3 tháng 1, 1995. Hơn hai tuần sau, Phùng Quán từ trần. Photo Nguyễn Hữu Hiệu

Trong chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin ghi lại đôi điều về nhà thơ bất khuất và cứng cỏi này như một nén nhang tưởng niệm ông, một nhà thơ không hề biết cúi đầu cho dù đời sống đớn đau, bị trù dập liên tục trong nhiều chục năm trời sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt nam.

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Khi phong trào này bị đàn áp Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.

Cho tới trước thời gian đổi mới không một tác phẩm nào của Phùng Quán được xuất bản. Mãi tới năm 1988, cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của ông mới được xuất bản và nhận giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó.

Phùng Quán không nổi tiếng từ các tác phẩm văn xuôi mà các bài thơ ông sáng tác trước đó mới thật sự đưa ông lên đỉnh vinh quang của sự nghiệp cầm bút. Thơ ông khắc khoải một niềm đau của người trí thức trước những nhố nhăng của chế độ. Từ tham nhũng tiền bạc đến tham nhũng vị trí quyền lực. Từ ăn cắp, đến giết người nhằm củng cố chiếc ghế và quyền uy. Phùng Quán lên tiếng mạnh mẽ bằng những lời thơ đầy huyết lệ.

Thơ Phùng Quán không làm dáng. Ông viết trực diện, khoét sâu, đập mạnh, và vỗ mặt những vấn đề xã hội đang rên xiết. Ông tuyên chiến với hệ thống văn tự nhà nước khi người cầm cương văn hóa hèn nhát lại cố hết sức thúc ép người khác hèn theo. Sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm làm ông nổi tiếng và cũng làm ông kiệt sức. Có điều là, sức càng yếu ông làm thơ càng mạnh. Hình như thơ là liều thuốc duy nhất nuôi dưỡng ông trong cái không khí đậm đặc khủng hoảng niềm tin trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc. Phùng Quán viết những bài thơ hoen đẫm mồ hôi của cật lực và mặn chát nước mắt uất ức của kẻ sĩ Bắc Hà.

Tôi Khóc

 

phung-quan-200.jpg

 

Nhà thơ Phùng Quán năm 1954. Photo courtesy of ngominhblog.wordpress.com.

Thơ Phùng Quán nếu được đọc trong không khí yên ắng của một ban mai êm đềm sẽ bật ra nhiều điều mà khi ồn ào người đọc khó nhận ra. Những mượt mà thi ca ẩn dấu phía sau cái trần trụi khô khốc của ngôn ngữ. Đôi khi Phùng Quán tin tưởng một cách thực thà vào người nữ. Một cách nào đó, ông ôm ấp niềm tin cuối cùng vào người mà ông gọi là “em” người xứng đáng được ông cậy trông vẫn chỉ là “em”, tiếng em muôn thuở của thi ca:

 Tôi ngã nhào trước ngõ nhà em

Ngã chúi mặt…
Miệng môi tôi đầy cát!
Nhưng tôi không buồn rửa mặt
Tôi muốn đi thẳng vào nhà em
Như bao nhiêu lần khác
Ngồi xuống và tôi đọc câu thơ
Câu đầu tiên
Cũng là câu cuối cùng
Tôi đã bị dối lừa…

Ông tái tê thú nhận mình bị lừa trong cái đêm trăng xanh xao đầy thơ mà ông được nàng thủ thỉ như một bức tranh thời Phục Hưng. Đẹp mờ ảo trong bối cảnh hoàng cung mộng mị. Phùng Quán viết về một sự lừa mị điếng người đến khi quay lại với thực tế thì ông phát hiện ra rằng việc lừa dối này xảy ra hàng ngày trên cái hoàng cung mà ông trọng vọng thiết tha.

… Em dắt tôi đi
Trên con đường lát những phiến trăng xanh
Ôi những phiến trăng có mùi hoa sứ
Em nói với tôi
Đây là con đường Trung lộ
Xưa chỉ có vua đi
Và đêm nay anh đi…
Trong khoảnh khắc ấy
Tôi bỗng thèm tự sát
Để vĩnh viễn
Thành Thơ
Thành Đá
Thành Trăng
………
Ôi, còn có nỗi thống khổ nào hơn
Tình cờ tôi chợt hiểu
Một tháng có nhiều đêm trăng
Và thời buổi ngày nay
Vào Hoàng Cung là chuyện quá dễ dàng
Cả con bò con heo cũng đi trên Trung lộ…
Những gì em nói với tôi hôm đó
Em đã nói với nhiều người…
Ôi, những câu thơ này nó vượt quá sức tôi
Tôi không thể cất lên được thành lời
Nếu miệng môi tôi không đầy cát
Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
Tôi quay về
Tôi khóc
Tôi khóc niềm tin yêu nát tan
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc Trăng-Hoàng-Cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch Trăng…

Bài thơ có tên “Tôi Khóc” trong thi tập “Trăng Hoàng Cung” mà chúng ta vừa nghe không mang phong cách của Phùng Quán. Bài thơ này biệt lập hẳn những gì mà người đọc thơ ông nhiều năm biết đến. Những giọt nước mắt của Phùng Quán sao mà thơ ngây đến vậy, nó khiến người đọc thơ ông cảm hoài và xao xuyến với ông trong nỗi mất mát niềm tin, niềm tin của một thi nhân yêu đến đớn đau cái đẹp nay đã thành cổ tích.

Thế nhưng Phùng Quán không phải lúc nào cũng dễ khóc như thế! Ông chỉ khóc khi cái đẹp bị đánh cắp, còn những cái khác mà ông bị cướp thì ông phản ứng lại khác hơn nhiều.

Cuộc đời ông là một sâu chuỗi đau đớn từ thể xác tới tâm hồn. Ông bị trù dập, bị khinh bỉ, bị xua đuổi khỏi cuộc sống. Đối với nhà nước ông bị liệt vào thành phần phản động, khó thể dung tha. Đối với thơ văn ông bị tẩy chay không được in ấn. Thế mà ông vẫn kiên cường ưỡn ngực trước mọi thế lực. Một mình, một bài thơ, để rồi trở thành một biểu tượng. Bài thơ tiêu biểu của ông mang tựa “Lời mẹ dặn” nay đã trở thành bất hủ.

Lời mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
………
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

 Những câu này trực tiếp nhắm vào Hồ Chí Minh và nhắm vào giáo dục miền Bắc tức là không ai yêu Hồ Chí Minh cả nhưng mà từ nhỏ tới lớn mọi người được dạy là ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng?

Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu

Hình ảnh dùng dao viết văn lên đá mà Phùng Quán đưa ra thật bi tráng, đẹp và gân guốc đến rợn người.

Rất nhiều người cảm nhận bài thơ này qua cách nghĩ: Phùng Quán tha thiết đến sự thẳng thắn trong mọi tình huống giữa cuộc đời này. Thế nhưng đối với dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu thì bài thơ mang đậm tính phản kháng, trực tiếp chạm đến một nhân vật mà ai cũng biết, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhận xét:

“Bài Lời Mẹ Dặn nó có một ý nghĩa lớn. Đối với Phùng Quán, với tôi và rất nhiều người bởi vì bài thơ ấy ông viết năm 25 tuổi thôi nhưng anh đã nói những điều đại kỵ đối với miền Bắc trong ấy có bốn câu “Yêu ai cứ bảo là yêu ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói ghét thành yêu”.

Những câu này trực tiếp nhắm vào Hồ Chí Minh và nhắm vào giáo dục miền Bắc tức là không ai yêu Hồ Chí Minh cả nhưng mà từ nhỏ tới lớn mọi người được dạy là ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng? Cái câu của Phùng Quán bảo “Yêu ai cứ bảo là yêu ghét ai cứ bảo là ghét là câu chạm nọc họ kinh khủng lắm.

Cho nên đến năm 1995 thì họ muốn xoa dịu những người trong Nhân Văn Giai Phẩm, họ hứa in cho mỗi người một tập thơ và 5 triệu tiền nhuận bút thế nhưng họ bảo với Phùng Quán là phải bỏ bài thơ “Lời Mẹ Dặn” ra, Phùng Quán nhất định không chịu và sau khi ông chết họ mới chịu in cho ông tập thơ này.

Bài thơ mang tên “Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng” là một tuyệt tác khác của ông. Khái niệm ngay thẳng được ông áp dụng trên từng trang giấy. Thẳng và sạch trước khi nói đến chuyện viết từng con chữ xuống trang giấy trắng tinh. Giấy kẻ giòng là một cách nói nhưng ông thuyết phục được người đọc về thái độ nghiêm cẩn gìn giữ những điều mà ông cho là chân lý đối với một nhà văn, nhất là nhà văn trong thời đại đầy hàng giả, chỉ sống còn khi biết tâng bốc và cúi đầu.

Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng

Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ giòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ giòng
Như cái thưở vỡ lòng tập viết
Với nhiều người
Giấy không kẻ giòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng.
Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thủy chung
Của mỗi giòng chữ viết.
Nhưng là nhà văn và xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội

Phùng Quán cũng nổi tiếng với bài “Chống tham ô lãng phí” bài thơ được đọc lại vào đầu năm 2011 sao mà cứ tưởng tác giả vừa mới sáng tác hôm qua!

Chống tham ô lãng phí

Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bới đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa…
……..
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo

 

Phùng Quán lúc ấy rất lo âu nói với tôi rằng làm thế nào một nhà thơ lại có cùng tiếng nói với công an được?

Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu

Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu nguyên trưởng ban tu thư Đại học Vạn Hạnh đã có duyên với nhà thơ Phùng Quán từ trước năm 1975 khi những tác phẩm dịch từ tác giả Boris Pasternak của ông được in ra và Phùng Quán biết đến từ khi còn ở miền Bắc. Sau đó Phùng Quán vào Nam tìm ông nhưng ông đã sang Mỹ. Năm 1992 và 1995 hai người gặp nhau tại Hà Nội do thư từ liên lạc. Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu kể lần gặp mặt sau cùng này:

“Ngày mùng 9 tháng 1 năm 1995, cái ngày tôi đi hôm trước đó tức là ngày mùng 8 tháng 1 tôi có làm photo copy những bài thơ mới của Phùng Quán. Khi đi qua đường thì anh ấy dừng lại giữa đường và anh ấy nhìn xuống Hồ Tây thố lộ với tôi một điều mà tôi rất kinh hoàng, tuy nhiên ngược lại cũng rất là mừng khi anh ấy mất.

Điều anh nói như thế này: Anh ấy có một thằng con tên là Phùng Quân nó nghiện ngập và dính líu vào một vụ án mạng. Công an họ bắt và ngay trước Tết thì họ thả ra cho nó ăn Tết nhưng họ gọi Phùng Quán lên giao, Ông cục trưởng công an là tướng Phạm Chuyên gặp Phùng Quán và nói rằng sau khi con của Phùng Quán về nhà ăn Tết sẽ gặp lại nhà thơ sau Tết và mong rằng lúc đó nhà thơ và công an sẽ nói chung một tiếng nói! Phùng Quán lúc ấy rất lo âu nói với tôi rằng làm thế nào một nhà thơ lại có cùng tiếng nói với công an được?

Sau khi tôi đi có mấy ngày thì Phùng Quán mất, ngày 21 tháng 1 năm 1995 anh ấy mất. Mặc dù rất là buồn nhưng tôi cũng rất mừng vì anh ấy thoát nạn đối phó với công an.
……

lang-mo-phung-quan-250.jpg

 

Lăng mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán. Photo courtesy of ngominhblog.wordpress.com.

Ngày giỗ của Phùng Quán năm nay chắc ông và người vợ hiền mang tên Vũ Bội Trâm sẽ không còn lạnh lẽo như trước. Bạn hữu và những người yêu mến nhà thơ đã vận động gây quỹ xây một lăng mộ khang trang tại khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, phía Tây Thủy Dương cách Huế 6 km về phía nam ở vị trí rất thơ mộng.

 

Có gần 300 văn nghệ sĩ, trí thức và những người Việt ngưỡng mộ Phùng Quán ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ba Lan, Úc, Thụy Sĩ , Canada… đã nhiệt tình đóng góp cho việc xây dựng ngôi mộ này cho hai vợ chồng ông. Nhà thơ Ngô Minh là người đứng ra đảm trách việc xây mộ và cải tang. Trưa ngày 9-1-2011, di hài nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ Thị Bội Trâm trở về với đất làng Thanh Thủy Thượng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế như lời di chúc năm nào của ông: Tôi sẽ đào nấm huyệt/Cạnh mồ cha mẹ tôi.

Sau bao nhiêu thăng trầm, cuối cùng thì nhà thơ cũng đã yên nghỉ. Ông không còn cơ hội để “yêu ai cứ bảo là yêu” như khi còn trẻ, bây giờ có chăng ông sẽ cười móm mém với trên đầu là gió, bên cạnh là thơ và hơn hết ông có một ý trung nhân theo tận chốn suối vàng…