„Không khó nhìn thấy các bộ phận lớn của nền kinh tế Việt Nam như năng lượng (xăng dầu, điện lực), viễn thông (điện thoại, Internet), giao thông vận tải (hàng không, đường sắt), vàng miếng… đều nằm trong tay các công ty nhà nước, đảng CSVN và chính phủ bổ nhiệm nhân sự điều hành các công ty này, ưu tiên phân bổ nguồn lực quốc gia (đất đai, vốn tín dụng) cho chúng, thậm chí ấn định cả giá bán lẻ và tăng giá một cách tuỳ tiện, không theo quy luật cung – cầu.“
Hiếu Chân
Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn nước rút phải xác định liệu có công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không. Và cũng như nhiều quyết định quan trọng khác trong quan hệ giữa hai nước, lần này có khả năng Hoa Kỳ lại bị mắc lỡm bởi những lời đường mật của Hà Nội.
Bị liệt vào “nền kinh tế phi thị trường,” nên doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thuế 25.76% đối với mặt hàng tôm nuôi đông lạnh xuất cảng vào Mỹ, trong khi Thái Lan chỉ chịu thuế 5.34%. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)
Chính phủ Việt Nam đang vận động ráo riết để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, từ đó hàng hóa Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để xuất cảng vào Mỹ và nhiều nước khác.
Cho đến nay, Việt Nam cùng một số nước “cựu” cộng sản như Nga, Trung cộng, Belarus… nằm trong danh sách “12 nền kinh tế phi thị trường” của Mỹ. Bị liệt vào “nền kinh tế phi thị trường,” hàng hóa các nước này khi xuất cảng vào Mỹ thường bị soi kỹ, bị các nhà sản xuất nội địa của Mỹ kiện và thường bị áp các mức thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá. Một ví dụ, mặt hàng tôm nuôi đông lạnh xuất cảng vào Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam (phi thị trường) hiện phải chịu thuế 25.76% trong khi mặt hàng tương tự của Thái Lan chỉ chịu thuế 5.34%.
Từ giữa năm ngoái đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc với phía Mỹ để khẩn khoản nài nỉ Washington công nhận nền kinh tế Việt Nam là “kinh tế thị trường.” Tháng Chín, 2023, chỉ một tháng sau khi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ được nâng lên mức “đối tác chiến lược toàn diện,” ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, trong chuyến công du Washington, đã chính thức đề nghị bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại Mỹ, chấm dứt việc đánh giá kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” và được phía Mỹ hứa hẹn sẽ xem xét. Trước đó, vào Tháng Bảy, 2023, ông Chính cũng đưa đề nghị tương tự với bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, nhân dịp bà Yellen đến Hà Nội trong chuyến công du Châu Á.
Sau ông Chính, các lãnh đạo khác của Việt Nam đều tích cực vận động phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Không chỉ vậy, Hà Nội còn bỏ tiền thuê một số công ty luật, công ty tư vấn của Mỹ “vận động hành lang” cho yêu cầu của họ.
Theo luật, Bộ Thương Mại Mỹ có 270 ngày để xem xét đề nghị của Hà Nội, và sẽ có quyết định cuối cùng vào ngày 26 Tháng Bảy tới. Trong thời gian này, công luận Mỹ có sự chia rẽ rõ rệt: Các nhà sản xuất và giới công nhân nghiệp đoàn ủng hộ việc duy trì nguyên trạng, giữ Việt Nam trong danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường, trong khi các nhà bán lẻ ủng hộ đề nghị của Hà Nội.
Hôm 8 Tháng Năm, Bộ Thương Mại đã tổ chức điều trần công khai để nghe lập luận của các bên thuận và chống trước khi đưa ra quyết định chính thức. Trước đó, hôm 29 Tháng Giêng, một nhóm tám thượng nghị sĩ và 31 dân biểu lưỡng đảng trong Quốc Hội đã gửi thư cho Bộ Trưởng Gina Raimondo phản đối việc cấp quy chế “kinh tế thị trường” cho Việt Nam. Bức thư có đoạn viết: “Rõ ràng Việt Nam không đáp ứng yêu cầu thủ tục để được xem xét thay đổi hiện trạng, cũng không đáp ứng những tiêu chuẩn căn bản và cần thiết để Bộ Thương Mại phải xem xét công nhận đó là một nền kinh tế thị trường.”
Thật ra, không khó chứng minh Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường. Bộ Thương Mại Mỹ có một bộ tiêu chuẩn gồm sáu điểm làm căn cứ để đánh giá một nền kinh tế là thị trường hay phi thị trường. Đó là, đồng tiền nước đó được tự do chuyển đổi hay bị nhà nước can thiệp; người lao động có được quyền đàm phán trực tiếp với chủ công ty xí nghiệp về lương bổng và điều kiện làm việc hay không; nhà đầu tư nước ngoài có được phép lập liên doanh hoặc công ty vốn nước ngoài hay không; chính phủ có nắm quyền sở hữu hay kiểm soát công cụ sản xuất- dịch vụ hay không; chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn tài nguyên hay không và chính phủ có quyết định về năng suất, sản lượng và giá cả hay không. Chung quy, bộ tiêu chuẩn nhấn mạnh vào bản chất “tự do” của một nền kinh tế, nền kinh tế đó được tự do vận hành theo nguyên tắc thị trường hay bị chính phủ can thiệp.
Xét sáu tiêu chuẩn này, có thể thấy Việt Nam chỉ đáp ứng được một tiêu chuẩn duy nhất về đầu tư nước ngoài, năm tiêu chuẩn còn lại đều không đạt, lý do là kinh tế Việt Nam vẫn đi theo cái gọi là “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” trong đó chính phủ nắm quyền sở hữu, điều hành thông qua cái gọi là “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo.” Các nhà lãnh đạo đảng CSVN vẫn tự hào “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một sự sáng tạo về lý luận cho học thuyết quản trị quốc gia của họ trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Không khó nhìn thấy các bộ phận lớn của nền kinh tế Việt Nam như năng lượng (xăng dầu, điện lực), viễn thông (điện thoại, Internet), giao thông vận tải (hàng không, đường sắt), vàng miếng… đều nằm trong tay các công ty nhà nước, đảng CSVN và chính phủ bổ nhiệm nhân sự điều hành các công ty này, ưu tiên phân bổ nguồn lực quốc gia (đất đai, vốn tín dụng) cho chúng, thậm chí ấn định cả giá bán lẻ và tăng giá một cách tuỳ tiện, không theo quy luật cung – cầu.
Đáng tiếc là một số nhân vật có tiếng tăm của Mỹ lại nhắm mặt trước thực trạng đó và bảo vệ lập luận sai trái rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ông Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và hiện là người đứng đầu Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-ASEAN, chẳng hạn, nói tại buổi điều trần ngày 8 Tháng Năm: “Nước này đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ,” đài VOA dẫn lại. Ông không biết hay cố tình không biết đồng tiền Việt Nam không có khả năng chuyển đổi tự do vì bị Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam kiểm soát chặt thông qua cái gọi là “biên độ tỷ giá.”
Ở Việt Nam, Ngân Hàng Nhà Nước ấn định tỷ giá chuyển đổi giữa đồng tiền Việt Nam và đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác. Mức tỷ giá này được gọi là “tỷ giá trung tâm,” các ngân hàng thương mại chỉ được phép mua bán đồng đô la ở mức +/- 5% so với tỷ giá trung tâm; ngân hàng nào mua bán ngoại tệ ngoài biên độ sẽ bị phạt nặng. Ví dụ, ngày 10 Tháng Năm, Ngân Hàng Nhà Nước ấn định tỷ giá trung tâm là 24,271 đồng Việt Nam ăn $1, các ngân hàng chỉ có thể giao dịch trong biên độ 23,057 đến 25,484 đồng Việt Nam đổi $1 trong khi trên thị trường giá đô la Mỹ đã là 25,750 đồng Việt Nam. Tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá chính là biện pháp quản lý thị trường ngoại hối, thể hiện vai trò kiểm soát tỷ giá của chính phủ, kìm giữ đồng bạc Việt Nam luôn ở giá thấp so với đô la Mỹ để hỗ trợ hoạt động xuất cảng. Một ví dụ như thế cho thấy nhận định của cựu Đại Sứ Osius là hời hợt và sai sự thật.
Một lập luận của phía Việt Nam được Luật Sư Eric Emerson, công ty luật Steptoe LLP, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, đưa ra là nếu từ chối quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ đẩy nước này đến gần Trung cộng! Ông luật sư này muốn khai thác cái ảo tưởng chính trị của chính phủ Mỹ là lôi kéo Việt Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung cộng. Ông không nhận ra thực tế là Việt Nam đã là đồng minh “cùng chia sẻ tương lai” với Trung cộng từ lâu và chừng nào đảng CSVN còn cai trị thì Việt Nam sẽ không bao giờ “theo Mỹ mất đảng.”
Trên bình diện kinh tế, Việt Nam khó trở thành một địa điểm tốt cho các nhà đầu tư quốc tế né tránh cuộc thương chiến ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung cộng, nhưng lại dễ dàng làm một cứ điểm để các công ty Trung cộng lợi dụng nhằm tránh các đòn trừng phạt về quan thuế của Mỹ và EU. Quan sát hoạt động ngoại thương của Việt Nam ai cũng thấy, nhiều năm qua, nước này luôn nhập siêu (deficit) từ Trung cộng và thặng dư (surplus) với Hoa Kỳ, và hai khoản deficit-surplus này gần như luôn bằng nhau. Hiện tượng đó có nghĩa là Việt Nam nhập cảng hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung cộng, thay đổi xuất xứ bao bì rồi xuất cảng sang Mỹ, nhờ đó hàng Trung cộng tránh được các mức thuế trừng phạt mà chính quyền Trump và Biden đặt ra.
Nếu Việt Nam được cấp quy chế “nền kinh tế thị trường,” hàng hóa “made in Vietnam” được ưu đãi thuế khi xuất cảng vào Mỹ thì điều đó sẽ kích thích Trung cộng đẩy mạnh việc chuyển sản xuất sang Việt Nam và thị trường Mỹ sẽ tràn ngập hàng Trung cộng núp bóng, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ đang bị chính quyền Biden “siết” lại như xe hơi điện, tấm năng lượng mặt trời (solar panel), sản phẩm điện tử và máy tính… Người lao động trong các nghiệp đoàn Mỹ có lý khi đồng loạt phản đối dự định công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tổng Thống Joe Biden đang đứng trước một lựa chọn khó. Nếu chấp nhận yêu cầu của Việt Nam, ông sẽ bị mất phiếu của các cử tri công đoàn cho đối thủ Donald Trump, còn ngược lại ông có thể làm mất lòng Hà Nội. Nhưng tính kỹ thì cho dù Biden cấp quy chế “kinh tế thị trường” cho Việt Nam thì cũng không làm cho Việt Nam thân thiện hơn với Mỹ, còn chuyện biến Việt Nam thành đồng minh trong cuộc cạnh tranh với Trung cộng chỉ là một ảo tưởng. Chỉ có mất phiếu là có thật. Mong sao lần này, Washington không bị mắc lỡm Hà Nội thêm một lần nữa sau nhiều lần bị CSVN gài bẫy.
Hiếu Chân
Người Việt (10.05.2024)