25/07/2024
Một dịp để nhìn lại Tả và Hữu
Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận
Hai khuynh hướng tả và hữu chia sẻ cùng những giá trị, chỉ khác nhau ở mức độ ưu tiên và trọng lượng tương đối của mỗi giá trị trong bối cảnh quốc gia và thế giới. Sự khác biệt có tính kỹ thuật chứ không còn là xung đột ý thức hệ. Tả và hữu đều không có bất cứ một cảm tình nào với chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản. Sự lẫn lộn cánh tả với thân cộng và cánh hữu với chống cộng chỉ tố giác một sự thiếu hụt về kiến thức chính trị cần được khắc phục.
Sự kiện nổi bật trong tháng 7/2024 này tại Châu Âu là thắng lợi của khuynh hướng chính trị được gọi là Cánh Tả. Tại Anh đảng Lao Động thắng lớn và lên cầm quyền, cùng một lúc tại Pháp liên minh cánh tả với tên gọi Măt Trận Bình Dân Mới bất ngờ giành được đa số tương đối trong quốc hội. Người Anh vui mừng vì có được một chính quyền mới, người Pháp thở phào nhẹ nhõm vì thoát được mối nguy cực hữu. Anh và Pháp là hai nước dân chủ truyền thống nhất tại Châu Âu. Đây là dịp để nhìn lại hai khái niệm Tả và Hữu trên đó nhiều người Việt chúng ta vẫn còn một ngộ nhận lớn.
Cách mạng Pháp : Tranh vẽ cuộc tấn công thành Bastille (14/07/1789) của Jean-Pierre Houël (c) Wikimedia Commons
Một thành kiến rất sai
Sự nhìn lại này rất cần thiết để giải tỏa một bế tắc trong suy tư chính trị. Đối với khá nhiều người Việt, kể cả một số đông trí thức, “hữu” đồng nghĩa với “chống cộng” còn “tả” đồng nghĩa với “thân cộng”, hay ít ra “không chống cộng”. Nhiều người chống cộng còn chửi cánh tả là “thổ tả” ! Phần lớn những người ủng hộ Donald J Trump viện lý do ông thuộc cánh hữu và vì thế dĩ nhiên là phải chống cộng sản, mặc dù ông tự coi là người tình của Kim Jong-un (we fell in love !) và cũng là tổng thống Mỹ duy nhất tươi cười vẫy lá cờ đỏ sao vàng.
Khi trở lại Pháp năm 1982, hơn một năm sau khi François Mitterrand đắc cử tổng thống Pháp, tôi đã chứng kiến sự xôn xao của nhiều người Việt tìm cách bỏ nước Pháp sang Mỹ hoặc Úc vì “Pháp sắp thành cộng sản rồi !”. Họ không biết trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, đảng Xã Hội của Mitterrand đã bênh vực Việt Nam Cộng Hòa trong khi đảng cách hữu cầm quyền của De Gaulle ca tụng phe cộng sản, cụ thể như bài diễn văn Phnom Penh của tướng De Gaulle năm 1966. Sau Hiệp Định Genève chia đôi Việt Nam năm 1954, cũng đảng Xã Hội Pháp (lúc đó còn mang tên là SFIO, hay Phân bộ Pháp của Quốc Tế Công Nhân) của Guy Mollet đang cầm quyền đã chọn nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam chứ không nhìn nhận chế độ cộng sản mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc. Cũng nên biết rằng sau này khi sang Việt Nam, năm 1993, tổng thống François Mitterrand cũng là vị nguyên thủ quốc gia Phương Tây duy nhất long trọng tuyên bố ngay trước Quốc hội Việt Nam rằng Việt Nam phải dân chủ hóa và đã gây bất bình cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cũng nên biết là trong thời gian chiến tranh Việt Nam tại Anh, Đảng Lao Động của thủ tướng Harold Wilson đã tận tình ủng hộ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.
Không gì sai bằng đồng hóa “cánh tả” với “thân cộng”. Sai lầm này còn mạnh hơn trong đầu óc nhiều người Việt vì một tình cờ ngôn ngữ : trong tiếng Việt “tả” cũng có nghĩa là “trái” hay “sai” trong khi “hữu” cũng có nghĩa là “phải” hay “đúng”.
Hiện nay tại tại Châu Âu, cái nôi và thành trì vững chắc nhất của dân chủ, trong ba nước lớn và mạnh nhất thì hai nước Đức và Anh đang do cánh tả cầm quyền còn tại Pháp phe tả cũng vừa giành được đa số tương đối trong Quốc hội. Vậy phải hiểu rằng “tả” không hề mâu thuẫn với lý tưởng dân chủ mà tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là toàn thể, người Việt Nam đang ấp ủ.
Cội nguồn và bản chất của hai phe Tả và Hữu
Nhưng tại sao người Việt Nam lại thường hay lẫn lộn tả với thân cộng ? Sự lẫn lộn này chủ yếu là di sản của cách tuyên truyền thô vụng của các chính quyền phe quốc gia trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng (1945 – 1975) cùng với sự thiếu hụt kiến thức chính trị của trí thức Việt, nhưng cũng có lý do lịch sử.
Trong cuộc bỏ phiếu xử vua Louis XVI ngày 26/12/1792 tại Tòa Công ước (Convention, Quốc hội), các đại biểu chủ trương tuyên án tử hình đứng về phía bên trái của Chủ tịch Quốc hội ; những người khác ở bên phải. Photo Roger Viollet
Phong trào cách mạng -hiểu theo nghĩa là đòi thay đổi hẳn tổ chức xã hội- được gọi là cánh tả vì các đại biểu trong cuộc cách mạng dân chủ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 ngồi phía tay trái chủ tọa trong khi phe ủng hộ chế độ quân chủ ngồi phía tay phải. Phong trào này đã ra đời với sự không phân biệt rõ rệt những từ ngữ công nhân, lao động, công lý, xã hội, cộng sản, v.v. Chữ “cộng sản” cũng là một cách dịch lệch lạc chữ communism của người Trung Quốc mà người Việt bắt chước rồi hiểu lầm. Communism có nghĩa là lấy cộng đồng (commune, common) làm đối tượng phục vụ, và cộng đồng ở đây có nghĩa là một đơn vị xã hội do người dân cầm quyền. Nó không có nghĩa là “tập trung tài sản” như chữ “cộng sản” khiến người ta hiểu. Tương tự như politics có nghĩa là “việc chung” hay “việc nước” được người Trung Quốc dịch sai là “chính trị” và người Việt Nam bắt chước theo. Chúng ta đã là nạn nhân của thói quen rập khuôn theo Trung Quốc.
Phong trào cách mạng này bùng lên rất mạnh từ nửa sau thế kỷ 18 do cuộc cách mạng kỹ nghệ làm thay đổi tổ chức xã hội và tạo ra một quyền lực mới, quyền lực của các chủ nhân những công ty với hàng ngàn công nhân nghèo khổ. Quyền lực mới này đã mở rộng và đâm sâu hơn một vết thương vốn đã có từ lâu. Ngay từ khi bước vào nền văn minh, nghĩa là từ khi biết tới tư tưởng và triết lý, nhân loại đã phải sống với một mâu thuẫn đau nhức giữa những tư tưởng quảng đại coi mọi người đều là anh em bình đẳng và một thực tại xã hội phân biệt giầu và nghèo, sang và hèn, chủ và tớ. Một số nhỏ sống xa hoa trong những cung điện và lâu đài trong khi đa số đói khổ. Giê Su Kitô đã từng nói linh hồn người giầu vào được thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã khiến vết thương này trở thành một sự phẫn nộ. Pierre – Joseph Proudhon, một nhà tư tưởng lớn bậc nhất của Pháp trong thế kỷ 19 đã hét lên “tư hữu chỉ là cướp bóc !” (la propriété, c’est le vol !). Nói chung dưới các danh xưng và ưu tiên có thể khác nhau các nhóm và tổ chức của phong trào cách mạng này, được gọi là cánh tả, đều theo đuổi một mục tiêu chung là giành chính quyền về tay nhân dân và giảm thiểu, nếu không thể xóa bỏ, chênh lệch giầu nghèo. Họ coi nhau là đồng chí trong cánh tả.
Sư khác biệt, dần dần biến thành chống đối nhau, giữa những phe nhóm tư xưng là “cộng sản” và phần còn lại của cánh tả bắt đầu xuất hiện với bản Tuyên Ngôn Cộng Sản do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo năm 1848 theo lời yêu cầu của một số các hội và nhóm cực đoan trong cánh tả. Bản tuyên ngôn này phủ nhận các giá trị đạo đức, kêu gọi giai cấp vô sản đoàn kết lại đấu tranh tiêu diệt giai cấp tư sản bằng bạo lực. Nó bị một số đông trong cánh tả phản bác và sự phản bác trở thành dứt khoát sau đại hội của Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức tại Gotha năm 1875. Khuynh hướng “cộng sản” bị cô lập yếu hẳn đi tại Châu Âu, trừ tại Pháp nó vẫn còn khá mạnh. Cho đến khi Lenin, một phần tử chống đối có truyền thống khủng bố gia đình tại Nga lưu vong sang Pháp khám phá ra tư tưởng của Marx và lấy làm lý tưởng đấu tranh. Lenin cũng bổ túc chủ trương của Marx bằng nhưng kỹ thuật và lý luận đấu tranh khủng bố. Chủ nghĩa cộng sản từ đó trở thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Ngay sau khi cướp được chính quyền, Lenin đã thành lập Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế, hay Quốc Tế 3) như là một liên minh quốc tế với mục tiêu dẹp bỏ Quốc Tế Xã Hội (hay Quốc Tế Công Nhân, hay Đệ Nhị Quốc Tế). Quan hệ giữa phe cộng sản và phần còn lại của phong trào Cánh Tả trở thành một quan hệ đối chọi, thậm chí thù địch.
Như vậy giữa cái gọi là “Cánh Tả” và chủ nghĩa cộng sản, hay chủ nghĩa Mác – Lênin, không còn một tình cảm nào cả. Vả lại vấn đề bây giờ đàng nào cũng không đặt ra nữa vì ngày nay chủ nghĩa Mác – Lênin đã hoàn toàn và vĩnh viễn bị vất bỏ. Nó đã chết hẳn. Các chế độ gọi là cộng sản còn lại như tại Trung Quốc và Việt Nam chỉ còn giữ lại của chủ nghĩa Mác – Lênin bản chất khủng bố ; chênh lệch giầu nghèo tại các nước này còn tệ hơn rất nhiều so với các nước tư bản. Đó là những chế độ độc tài hung bạo của một thiểu số giầu để thống trị và bóc lột đa số nghèo. Liên Hiệp Châu Âu, mà hầu hết các nước thành viên đã thực hiện phần lớn những đòi hỏi của cánh tả, đã ra Nghị Quyết 1481 năm 2006 lên án chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ như một sai lầm mà còn là một tội ác đối với nhân loại.
Cánh tả và cánh hữu khác nhau như thế nào ?
Từ sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, cuộc tranh luận giữa hai phe gọi là cánh tả và cánh hữu chỉ diễn ra trong các nước dân chủ và hoàn toàn không còn mang tính chất ý thức hệ nữa mà chỉ là những khác biệt quan điểm trên thứ tự ưu tiên và trọng lượng tương đối của các giá trị mà hai bên đều chia sẻ.
Một cách sơ sài ta có thể tóm lược như sau :
Về kinh tế và xã hội, cánh tả cho rằng giảm bớt chênh lệch giầu và giúp đỡ người nghèo phải được dành ưu tiên, nhất là về y tế và giáo dục, ngay cả nếu vì thế mà phải tăng thuế đối với các công ty và những người giầu v.v. Cánh hữu đáp lại rằng lòng quảng đại của quý vị rất cao quý nhưng muốn giúp đỡ thì trước hết phải có phương tiện, nghĩa là phải hoạt động kinh tế mạnh, phải giúp đỡ các công ty để họ có thể tuyển dụng và tăng lương cho các công nhân ; thuế nặng quá thì các công ty và những người giầu sẽ bỏ sang các nước khác làm đất nước nghèo đi.
Về chính sách đối ngoại, cánh hữu lập luận rằng tinh thần dân tộc là điều quy báu và cần thiết nhất để cả nước chung lòng xây dựng tương lai ; vì thế phải đặt quyền lợi dân tộc lên cao nhất, thận trọng giữ gìn lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và căn cước dân tộc kể cả tín ngưỡng truyền thống, giới hạn số lượng người nhập cư, ngăn chặn những văn hóa mâu thuẫn với văn hóa dân tộc, đừng phung phí tài nguyên và sinh lực quốc gia trong những vấn đề quốc tế không ảnh hưởng tới đất nước mình, v.v. Cánh tả không phủ nhận những ưu tư đó nhưng coi dân tộc trước hết là một thành phần của nhân loại, đất nước là một thành phần của thế giới, con người với những quyền căn bản phải được tôn trọng và bảo vệ như một con người trước khi là công dân một nước ; quốc gia càng giầu mạnh thì càng có trách nhiệm quốc tế ; hội nhập vào thế giới là điều kiện bắt buộc để bảo vệ hòa bình.
Về mặt luân lý và đạo đức, cánh hữu thường có khuynh hướng đề cao những giá trị truyền thống, gắn bó với những tín ngưỡng, phong tục và tập quán sẵn có trong khi cánh tả cho rằng tiếp thu những văn hóa khác là cần thiết và bắt buộc để liên tục thay đổi và tiến lên.
Nói chung, cánh hữu và cánh tả đều chia sẻ cùng những giá trị, chỉ khác nhau ở ưu tiên và trọng lượng tương đối giành cho mỗi giá trị trong bối cảnh quốc gia và thế giới. Càng tranh luận họ càng sáp lại gần nhau. Một thí dụ là tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông này trước đây là đảng viên Đảng Xã Hội, từng là bộ trưởng tài chính trong chính phủ cánh tả của tổng thống François Hollande nhưng khi đắc cử ông dùng phần lớn các bộ trưởng cánh hữu và hiện được coi như là thuộc khuynh hướng trung hữu.
Còn cực tả và cực hữu ? Nói chung đó là những lực lương dân túy khai thác những bất mãn và buôn bán ảo tưởng là có thể có những giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp.
Phe cực tả không có tương lai, nó chỉ là tàn dư của một cánh tả ngày càng trở nên ôn hòa và thực dụng. Tuy vậy nó cũng không có một cảm tình nào với chủ nghĩa Mác – Lênin và các chế độ cộng sản.
Phe cực hữu mạnh hơn nhiều, nó khai thác những trăn trở về căn cước dân tộc và sư sống còn của quốc gia cũng như chỗ đứng của người dân trong quốc gia vào lúc mà phong trào toàn cầu hóa đang chất vấn vai trò và sự sống còn của các quốc gia. Nó chủ trương co cụm lại để bảo vệ quyền lợi dân tộc và lôi kéo được một phần đáng kể dân chúng trong những quốc gia khá giầu mạnh để có cảm tưởng là mất nhiều hơn được trong phong trào toàn cầu hóa. Một thí dụ là tại Mỹ, Donald Trump có hy vọng đắc cử vì chủ trương America first (nước Mỹ trước hết) đòi Hàn Quốc và Đài Loan phải trả tiền nếu muốn được bảo vệ, xua đuổi những người di dân và coi giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến giữ nước như một gánh nặng. Tại Pháp Marine Le Pen, lãnh tụ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National), cũng có cùng một lập trường. Tuy vậy khuynh hướng cực hữu cũng sẽ không có tương lai, ngay cả nếu giành được một vài thắng lợi trong hiện tại và tương lai gần vì lập trường trái với đạo đức chính trị và vì phong trào toàn cầu hóa là tự nhiên và bắt buộc. Ý niệm quốc gia cần được xét lại để phù hợp với bối cảnh thế giới mới, nhưng cô lập là tự sát.
Tóm lại hai khuynh hướng tả và hữu chia sẻ cùng những giá trị, chỉ khác nhau ở mức độ ưu tiên và trọng lượng tương đối của mỗi giá trị trong bối cảnh quốc gia và thế giới. Sự khác biệt có tính kỹ thuật chứ không còn là xung đột ý thức hệ. Tả và hữu đều không có bất cứ một cảm tình nào với chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản. Sự lẫn lộn cánh tả với thân cộng và cánh hữu với chống cộng chỉ tố giác một sự thiếu hụt về kiến thức chính trị cần được khắc phục.
Cần nhìn nhau như những người anh em cùng chia sẻ một giấc mơ Việt Nam chung : một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên vươn lên mạnh mẽ.
Đất nước ta đang ở trong một khúc quanh lịch sử lớn. Chế độ cộng sản đã đến lúc phải cáo chung. Một kỷ nguyên dân chủ sắp mở ra. Chúng ta sẽ có nhiều vấn đề phải thảo luận và có thể có những ý kiến khác nhau tùy theo sự đánh giá về bản chất của từng vấn đề và hiện tình của đất nước. Điều quan trọng là không được để cho thành kiến sai lầm về tả và hữu biến những khác biệt kỹ thuật thành những mâu thuẫn ý thức hệ. Cần nhìn nhau như những người anh em cùng chia sẻ một giấc mơ Việt Nam chung : một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên vươn lên mạnh mẽ.
Nguyễn Gia Kiểng
(25/07/2024)