Mỹ từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Một người bán hàng rong ngồi trước khu vực xây dựng một toà cao ốc ở TPHCM. Mỹ vừa từ chối yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 công bố rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bị phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, sau khi trì hoãn đưa ra quyết định này trong thời gian Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Kết luận này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên,” bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Thương mại Mỹ ban đầu dự kiến đưa ra quyết định này vào ngày 26/7 nhưng thông báo lùi thời hạn này thêm 1 tuần với lý do mà họ đưa ra là gián đoạn về công nghệ thông tin. Ngày 26/7 cũng là ngày Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cùng Tổng thống Joe Biden nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái.
Việt Nam đã mong đợi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường do có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế theo định danh của Mỹ. Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trong năm qua đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này và cho rằng điều này sẽ có lợi hơn cho quan hệ hai nước.
Bộ Công Thương hôm 2/8 nói rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
“Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ,” Bộ Công thương được Tuổi Trẻ trích dẫn khi phản ứng về quyết định của Hoa Kỳ. “Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng ‘giá trị thay thế’ của một nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá.”
Bộ Thương mại Mỹ nói rằng “bất chấp những cải cách đáng kể của Việt Nam trong 20 năm qua, sự can thiệp sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam làm méo mó giá cả và chi phí của Việt Nam và cuối cùng khiến chúng không thể sử dụng cho mục đích tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ.”
Hàng chục nhà lập pháp Mỹ trong những lần khác nhau đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu bộ này không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam với lý do rằng Việt Nam vẫn vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng Cộng sản. Các thượng nghị sỹ và dân biểu Mỹ cũng đã nêu ra những quan ngại về quyền lao động hay mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên liệu sản xuất.
Bộ Công Thương cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt nam “một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 71 nền kinh tế khác đã công nhận,” trong đó bao gồm Anh, Canada, Australia và Nhật Bản, theo Tuổi Trẻ.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói với VOA vào tháng trước, khi trả lời yêu cầu bình luận về những phản đối và quan ngại của các nhà lập pháp Mỹ cũng như các nhà sản xuất thép ở Hoa Kỳ, rằng bộ sẽ đánh giá kỹ lưỡng tất cả những ý kiến đó để đưa ra quyết định.
Trong thông báo hôm 2/8, Bộ này nói rằng họ đã nhận được hơn 36.000 trang ý kiến từ các ngành công nghiệp trong nước của Hoa Kỳ cũng như Chính phủ Việt Nam.
Ngay sau khi Bộ Thương mại đưa ra kết luận bác bỏ yêu cầu cấp quy chế thị trường của Việt Nam, ông Kevin Dempsey, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ (AISI) hôm 2/8 cho biết AISI hoan nghênh quyết định này.
“Cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là không thích đáng dựa trên thực tế – xét đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc lách luật thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hoá Trung Quốc và các quốc gia khác, việc thao túng tiền tệ, các hạn chế xuất khẩu liên tục đối với nguyên vật liệu thô để sản xuất thép và các hoạt động hạn chế thương mại khác của Việt Nam,” ông Dempsey, người đã ra điều trần trước Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, nói trong một tuyên bố.
Giải thích lý do AISI hoan nghênh việc này, ông Dempsey nói rằng nếu Việt Nam, quốc gia mà ông cho là “tham gia vào nhiều hoạt động thương mại không công bằng”, được Mỹ nâng cấp lên kinh tế thị trường thì việc này sẽ “khuyến khích gian lận thương mại nhiều hơn nữa trong khi gây tổn hại cho ngành thép của Hoa Kỳ và nhiều ngành công nghiệp khác tại Mỹ.”
Trong khi các nhà sản xuất của Mỹ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam thì những nhà bán lẻ ở Mỹ lại ủng hộ việc này. Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói tại buổi điều trần của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng ông “không hoàn toàn ngạc nhiên và ủng hộ” quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
“Việc thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào thời điểm này là không thực tế, là một sai lầm địa chính trị chiến lược và gây bất lợi cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” LS Khanh, cũng là tổng thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam, nói.
Bộ Công Thương Việt Nam, khi đệ trình yêu cầu việc rà soát quy chế kinh tế phi thị trường lên Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 9/2023, nói rằng Việt Nam đã có những cải cách trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Mỹ xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, và cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ này nói hôm 2/8 rằng trong thời gian tới, họ sẽ “nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt nam của Bộ Thương mại Mỹ.” Mục tiêu, mà theo Bộ này cho biết, là để “bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 120 tỷ USD vào năm ngoái. Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống bán phá giá của một số mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, như tôm và thép, trong những năm qua.
Theo Tuổi Trẻ, Bộ Công Thương khẳng định rằng họ sẽ “đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.”
Dù bị Mỹ chối nâng cấp lên nền kinh tế thị trường, nhưng với việc Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được Hoa Kỳ chọn cho việc hợp tác ở các nước bằng hữu giữa bối cảnh Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và trên thế giới.
LS Khanh cho biết ông ủng hộ việc đưa Việt Nam trở thành “đối tác thân thiện, tích cực và đáng tin cậy trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ nếu Việt Nam “quyết tâm điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính trị, kinh tế hướng tới nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.”
VOA (02.08.2024)
Việt Nam phản ứng về việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Ảnh minh họa: Những người mua bán đồng nát đạp xe trên đường phố Hà Nội hôm 30/4/2024 AFP
Hai Bộ Ngoại giao và Công thương Việt Nam phản ứng đối với quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mà phía Hoa Kỳ công bố hôm 2/8.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà phạm Thu Hằng trong cuộc họp báo ngáy 3/8 tại Hà Nội trả lời báo giới là Việt Nam thất vọng trước quyết định của phía Hoa Kỳ.
Còn Bộ Công thương ngay sau khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường ra thông cáo cho rằng việc chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đồng nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Thông báo của Bộ Công thương Việt Nam nêu rõ :”Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…”.
Bộ Công Thương cho rằng trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…
Bộ Công Thương cũng gửi lời cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nói trên.
RFA (03.08.2024)
Giới lập pháp Mỹ hoan nghênh việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
Các nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 2/8 hoan nghênh quyết định của Bộ Thương mại nước này về việc không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Hà Nội lên tiếng rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định này.
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy ra tuyên bố có đoạn: “Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường và quyết định ngày hôm nay khẳng định thực tế đó”, ý nói đến tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 về việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.
“Đây là một chiến thắng cho những người nuôi tôm, cá da trơn ở bang Louisiana và việc làm cho người Mỹ”, vị thượng nghị sĩ đại diện cho bang Louisiana viết.
Ông Cassidy lập luận rằng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường vì đồng tiền nước này không được tự do chuyển đổi, thiếu quyền lao động và có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước.
“Việc xem xét này là một ý tưởng tồi mà lẽ ra không nên được xem xét ngay từ đầu”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas viết trên trang X. Ông bày tỏ rằng việc Việt Nam tiếp tục bị xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường “là một thắng lợi cho bang Arkansas – đặc biệt đối với công nhân ngành thép và người nuôi cá da trơn”.
Tương tự, Dân biểu Rick Crawford, đại diện bang Arkanzas trong Hạ viện Mỹ, viết trên trang X: “Điều này lẽ ra không bao giờ nên là một cuộc tranh luận ngay từ đầu. Việt Nam là một nước cộng sản, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế”.
“Trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam. Làm như vậy sẽ dẫn đến chuyện thuê mướn bên ngoài thay cho công ăn việc làm của người Mỹ và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”, ông Cassidy nhận định.
Dân biểu Crawford lập luận rằng nếu trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ khuyến khích “các hành vi độc hại” như bán phá giá thép, kiểm soát giá cả và mở đường cho Trung Quốc lợi dụng đất nước láng giềng làm bàn đạp để lách các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Trước đó trong cùng ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra tuyên bố rằng họ quyết định là Việt Nam sẽ tiếp tục bị xác định là một nước có nền kinh tế phi thị trường, phục vụ mục đích tính thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
“Kết luận này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không thay đổi”, vẫn tuyên bố của DOC.
Vào tháng 9/2023, vài ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Từ tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành quá trình xem xét yêu cầu của Hà Nội. Bộ này cho hay trong thời gian qua họ đã nhận được hơn 36.000 trang đóng góp ý kiến từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ cũng như từ chính phủ Việt Nam.
“Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao và trân trọng sự tham gia rộng rãi của các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng như của Chính phủ Việt Nam vào quá trình minh bạch và bán tư pháp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kỹ lưỡng tất cả ý kiến được gửi đến”, tuyên bố viết.
Ngay sau tuyên bố của DOC, Bộ Công thương Việt Nam hôm 2/8 bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định trên.
Bộ Công Thương nói thêm rằng họ sẽ “nghiên cứu, phân tích” các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ “để bổ sung, hoàn thiện lập luận” và sẽ gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Mối quan hệ này được nâng cấp trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi tháng 9/2023.
Trong năm qua, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng kêu cầu DOC không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, do nước này chưa hội đủ các tiêu chí theo luật định của Mỹ.
“Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hợp tác với Việt Nam trong tương lai để khuyến khích thương mại công bằng và cải cách kinh tế có hệ thống để một ngày nào đó Việt Nam có thể được chào đón vào cộng đồng các nền kinh tế thị trường”, Dân biểu Crawford nêu kỳ vọng.
VOA (03.08.2024)
Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục được phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam”… “Điều này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên”,
David Brunnstrom và Phuong Nguyen
Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố rằng họ sẽ tiếp tục phân loại Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, một quyết định gây thất vọng cho Hà Nội.
Việt Nam từ lâu đã tìm cách nâng cấp nền kinh tế phi thị trường thành kinh tế thị trường. Nếu được sẽ giúp cho Việt Nam được giảm thuế chống bán phá giá mang tính trừng phạt đối với các nền kinh tế phi thị trường. 12 quốc gia khác khác bị Washington dán nhãn là phi thị trường trong đó có Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan.
Việc thay đổi tình trạng nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhà sản xuất thép, ngư dân đánh bắt tôm và nông dân nuôi ong ở vịnh Mexico và các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đại diện cho họ phản đối, nhưng các nhà bán lẻ và một số nhóm doanh nghiệp khác lại ủng hộ việc này.
“Hôm nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục được phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam”, bộ này cho biết trong một tuyên bố sau một năm xem xét.
“Điều này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.
Bộ Công thương Việt Nam cho biết việc nâng hạng Việt Nam sẽ là một động thái khách quan và công bằng trong một tuyên bố: “Việt Nam lấy làm tiếc rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có một số cải thiện tích cực gần đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.”
Việt Nam từ lâu đã cho rằng Hoa Kỳ nên gỡ bỏ nhãn hiệu phi thị trường cho Việt Nam vì những cải cách kinh tế gần đây đồng thời Hà Nội cho biết việc không công nhận này là không tốt cho mối quan hệ hai chiều ngày càng chặt chẽ mà Washington coi là đối trọng với Trung Quốc.
Những người phản đối việc nâng hạng cho rằng các cam kết chính sách của Hà Nội không đi đôi với các hành động cụ thể và Hà Nội vẫn là một nền kinh tế có kế hoạch do Đảng Cộng sản cầm quyền quản lý. Họ nói rằng Việt Nam ngày càng được các công ty Trung Quốc sử dụng làm trung tâm sản xuất để lách lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Một bản ghi nhớ dài 284 trang của Bộ Thương mại giải thích về quyết định này cho biết quyết định được đưa ra bất chấp “những cải cách ấn tượng và tăng trưởng kinh tế” của Việt Nam.
Tổn hại mối quan hệ song phương
Washington đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng với Trung Quốc và vấn đề nâng cấp Việt Nam có trở nên khó xử khi cuộc bầu cử Hoa Kỳ tháng 11 đang đến gần và tuyên bố của mỗi bên rằng họ ủng hộ quyền của người lao động.
Một số nhà phân tích cho biết trước thông báo rằng việc không nâng cấp Việt Nam có thể gây bất lợi cho quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.
“Lãnh đạo Việt Nam coi quyết định này là một chuẩn mực quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và đạt được bình thường hóa giữa hai nước”, Edmund Malesky, giáo sư kinh tế chính trị và giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke cho biết.
Murray Hiebert, cộng sự cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, gọi quyết định này là “nực cười”.
“Thị trường Việt Nam tự do như nhiều thị trường khác không nằm trong danh sách phi thị trường”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định này có vẻ “không phù hợp” với chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào năm ngoái, khi hai bên nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng đã quảng bá Việt Nam là điểm đến “thân thiện” để chuyển chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc.
Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu tại Brussels, cho biết ngay cả khi chính quyền Biden thực hiện bước đi mạo hiểm về mặt chính trị là nâng cấp Việt Nam, thì đó cũng sẽ là một chiến thắng thảm bại vì bất kỳ chính quyền Trump nào trong tương lai chắc chắn sẽ đảo ngược quyết định này.
Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Bộ Thương mại trong chính quyền Trump hiện làm việc tại công ty luật Wiley Rein, cho biết quyết định này phản ánh “bằng chứng” “đầy đủ” từ các nhóm ngành “rằng nền kinh tế Việt Nam chưa chuyển đổi đến mức đảm bảo được coi là nền kinh tế thị trường”.
Bà cho biết: “Việc bỏ qua những biến dạng trong nền kinh tế của các đối tác thương mại là không công bằng và gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ”.
David Brunnstrom và Phuong Nguyen
VNTB (03.08.2024)
_____________
Nguồn: Reuters