Thúc Đẩy Tăng Trưởng Kinh Tế Bền Vững Cho Mọi Giới, Việc Làm Đầy Đủ,  Hiệu Quả Và Công Việc Thích Hợp Cho Mọi Người

Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của Giáo Sư Nguyễn Văn Chữ, Tiến Sĩ Kinh Tế, tại cuộc hội thảo Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai của Liên Hiệp Quốc. Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) là bản đồ dẫn đường cho Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới. Chương Trình Nghị Sự 2030 về Phát Triển Bền Vững, được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015, đưa ra một bản thiết kế chung cho hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và hành tinh, trong hiện tại và tương lai. Trọng tâm của chương trình là 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDG), trong đó có SDG 8, đề tài của bài phát biểu cúa GS. Chữ về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay.

 

 

SDG 8: NỀN KINH TẾ VIỆT NAM HIỆN NAY

 Thúc Đẩy Tăng Trưởng Kinh Tế Bền Vững Cho Mọi Giới, Việc Làm Đầy Đủ,  Hiệu Quả Và Công Việc Thích Hợp Cho Mọi Người

 

 

Liên Hiệp Quốc (UN) là một tổ chức quốc tế với nhiều mục tiêu và khát vọng lý tưởng; do đó, tổ chức này luôn đề xuất nhiều dự án vĩ đại, mà lắm khi quốc gia hội viên trực diện với rất nhiều khó khăn khi theo đuổi. “Mục tiêu phát triển bền vững số 8 của UN: Thúc Đẩy Tăng Trưởng kinh Tế Bền Vững Cho Mọi Giới, Việc Làm Đầy Đủ, Hiệu Quả Và Công Việc Thích Hợp Cho Mọi Người (UN’s Sustainable Development Goal 8: Promote Sustained, Inclusive and Sustainable Economic Growth, Full and Productive Employment and Decent Work for All)” là một trong các dự án vĩ đại và lý tưởng tiêu biểu của UN 

Yếu tố cơ bản hay cần nhưng chưa đủ để đoạt mục tiêu số 8 của UN là sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Để phát triển bền vững, nền kinh tế của một quốc phải luôn phát triển; nhất là nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, không bị rơi vào tình trạng mà Gill and Kharas (2008) gọi là “bị sập bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap)”; nghĩa là tình trạng tăng trưởng mà các quốc gia này trải qua trong nhiều thập niên trước bị chậm lại vì sự gia tăng năng suất sản xuất không đồng nhất với chi phí sản xuất, hoặc nói cách khác, sự gia tăng năng suất sản xuất bị chậm lại/bị lùi lại so với gia tăng chi phí sản xuất.

 

Chỉ bàn về khó khăn của điều kiện cần để thỏa mãn mục tiêu số 8 vừa nêu cho một nền kinh tế đang phát triển, Doner và Schneider (2016) chỉ ra rằng: “Trong số 101 nền kinh tế có thu nhập trung bình, những nền kinh tế đang phát triển, vào năm 1960, chỉ có 13 nền kinh tế đã thành tựu thu nhập cao vào năm 2008. Các nước thu nhập trung bình ngày nay bị kẹt trong tình huống phát triển hạt dẻ (a developmental nutcracker): ‘không thể cạnh tranh với các nền kinh tế có thu nhập thấp, lương thấp trong xuất khẩu sản xuất và không thể cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến trong đổi mới kỹ năng cao’.”

 

Trong khi các tiêu chí tăng trưởng “cho mọi giới, việc làm đầy đủ, hiệu quả và công việc thích hợp cho mọi người”  đòi hỏi một chính sách phát triển kinh tế vô cùng phức tạp và khó khăn vì các chỉ tiêu trong mục tiêu số 8 của UN không đồng bộ mà phải trao đổi lẫn nhau, chẳng hạn “mức độ phát triển của nền kinh tế và phát triển cho mọi giới” thường trao đổi lẫn nhau. Hơn nữa, khả năng thành tựu  mục tiêu số 8 của UN của một quốc gia còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như, thể chế và mục tiêu của thể chế, dân số, tài nguyên, yếu tố địa chính trị và xã hội trong nước và trên thế giới.

 

Người viết cho rằng những thay đổi nhanh chóng trong hơn ba thập niên qua trên thương trường, đặc biệt là mức độ trỗi dậy của Trung Quốc, làm cho vai trò và trách nhiệm của chính phủ khi triển khai và thực thi chính sách một cách đúng đắn trở nên khó khăn và nhiều thử thách bội phần. Do đó, chỉ tập trung hoàn toàn vào các yếu tố quốc nội không cung cấp một khuôn khổ hữu ích để hiểu/thoát bẫy thu-nhập-trung-bình. Cách tiếp cận như vậy bỏ lỡ hai thách thức quan trọng mà các quốc gia có thu nhập trung-bình phải đối mặt:

 

(i)            những thách thức nội bộ phức tạp trong việc nâng cấp và xây dựng khả năng đổi mới trong nước, với sự hỗ tương hay giao thoa cần thiết giữa các yếu tố tương quan, và

 

(ii)          tác động của ngoại lực, có thể thay đổi theo thời gian, và – tương tác với các yếu tố nội tại – tạo ra nhiều thách thức cho công tác nâng cấp và đẩy mạnh các hoạt động chuyên sâu về đổi mới và sáng tạo.

 

Tất yếu, chính sách phát triển kinh tế thời thượng phải có một cách tiếp cận có hệ thống và lâu dài hầu xây dựng khả năng sản xuất cũng như sự cần thiết phải hành động mạnh mẽ của nhà nước để:

 

(i)            thúc đẩy sự phát triển của khả năng sản xuất (productive capacities) trong nước để nâng cấp và tăng mức tăng trưởng phát triển năng suất sản xuất của các yếu tố sản xuất (tư bản và lực lượng lao động) cao hơn;

 

(ii)           kịp thời đối phó hay lợi dụng sự tương tác của quốc tế với các yếu tố trong nước, vì sự tương tác này sẽ thay đổi theo thời gian và có thể đưa đến những thách thức cho đổi mới trong nước hay mang đến cơ hội cho kế hoạch gia tăng mức tăng trưởng năng suất sản xuất; và

 

(iii)          thấu hiểu bản chất của các hoạt động liên kết giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời tận dụng sự liên kết này để tối đa hóa mức tăng trưởng của năng suất sản xuất.

 

Hơn nữa, chính quyền phải sẵn có nền giáo dục đại học chất lượng cao, bao gồm các ngành khoa học (bao gồm những ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội); đầu tư của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển; và thực hiện những thay đổi cấu trúc khó khăn để loại bỏ các công ty cũ và công nghệ cũ không còn thích hợp với thời đại hiện nay. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ sở kinh doanh lớn quốc nội để cải thiện giáo dục hầu đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động với kỹ năng cao và thích nghi.

 

Trên đây là những điều kiện tối thiểu để phát triển nền kinh tế quốc gia như Việt Nam. Trong khi đó, nền giáo dục của Việt Nam yếu kém, không đi sát với bước phát triển kinh tế quốc gia.  Cho nên, mặc dầu công nhân rẻ, rất siêng năng, và hiếu học; nhưng có thể không đủ kỹ năng do giáo trình của hệ thống giáo dục quốc gia không thích nghi với nhu cầu cho thị trường nhân dụng. Chính thể độc đảng giao quyền kiểm soát kinh tế cho một nhóm thân tín nhỏ, đưa đến hệ lụy là Việt Nam đã triển khai một nền kinh tế “dự án”.

 

Đảng đứng trên luật pháp quốc gia, theo tôn chỉ “đảng cử, dân bầu” hay đúng hơn chỉ là “đảng chỉ định”, còn “đốt lò” do cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và đang được nung nóng hơn bởi tân Tổng Bí thư Tô Lâm với chủ đích vẫn là để hạ đối thủ.  Bộ máy hành chính công quyền rất tệ hại. Luật lệ rắc rối, thường mâu thuẫn giữa luật đảng và luật chính quyền, một số không theo tiêu chuẩn quốc tế. Bộ máy có hai hệ thống rất to lớn và rất tốn kém: nhà nước và đảng. Nhân sự của đảng và nhà nước thì kém khả năng chuyên môn, kém đạo đức hành chính, và không minh bạch.

 

Tham nhũng xảy ra mọi nơi, tuy nhiên tham nhũng “khủng” tại VN là do chế độ độc đảng tạo ra, là DNA của chế độ cộng sản cùng thể chế và cơ cấu công quyền. Vì do chính đảng tạo ra và dung túng nên tham nhũng “khủng” hiện hữu và bám trụ mọi nơi, từ trên xuống dưới, là thứ siêu vi khuẩn (virus) lây lan khắp các lĩnh vực ở Việt Nam, đến mức độ mà ngay cả chính lãnh đạo và báo chí lề đảng đều cho là tồi tệ quá độ. Các cuộc điều tra của chiến dịch “đốt lò” đã tiết lộ nhiều cuộc tham nhũng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ Mỹ kim cho đất nước bởi nhiều đảng viên cao cấp được đảng bổ nhiệm, thông qua các quy trình phối trí nhân sự của đảng, vào các vị trí quyền lực và loại trừ họ, một số với hình phạt tử hình.

 

Tuy nhiên, những người thay thế họ sẽ tiếp tục hoạt động trong cùng một quy trình khen thưởng, hình phạt, khích lệ; do đó, sẽ theo bước chân của họ, tức là sẽ tham nhũng; được hiểu là chống tham nhũng kiểu các nước xã hội chủ nghĩa chẳng bao giờ đi đến đâu, bởi vì các cơ cấu chính trị vốn khuyến khích tham nhũng vẫn tồn tại. Do đó, nếu không thay đổi thể chế thì hành vi của những người trong đó sẽ không thể thay đổi: biện pháp “bình cũ, rượu mới” sẽ không thể giải quyết vấn nạn tham nhũng của các nước cộng sản như VN.

 

Trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, Klingler-Vidra và Wade (2020) là hai học giả về phát triển kinh tế thế giới, đầy uy tín và am tường về VN cho rằng chính sách công nghệ hóa tuyên bố và sự thực thi tại quốc gia này sẽ không có triển vọng cho sự tăng trưởng bền vững bởi vì: “Thay vì đầu tư vào công nghệ và kiến thức, các doanh nghiệp VN vẫn còn chủ yếu dựa vào những lợi thế của lao động giá rẻ và khai thác nguyên liệu’.  Cái gọi là các công ty công nghệ cao vẫn còn nhỏ và cạnh tranh quốc tế gần như hoàn toàn về chi phí, không phải đổi mới hoặc chất lượng.”

 

Nông sản có tỷ trọng quan trọng trong tài khoản xuất khẩu của VN, nhất là gạo và thuỷ sản nuôi; nhưng vấn đề nhiễm mặn, và do kinh đào Phù Nam Techo, sự nhiễm mặn sẽ nghiêm trọng hơn, đang và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng trong quá trình canh tác và nuôi thủy sản của VN.

 

Một điều rất khó phản biện là sai lạc trong chính sách phát triển khoa học và kỹ thuật cùng với vấn đề trong quá trình canh tác và nuôi thủy sản sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực trong phát triển kinh tế và ngoại thương của VN trong tương lai.

 

Về mặt địa lý chiến lược, Phi Luật Tân đã thỏa thuận cho cho phép Mỹ tiếp cận tất cả 9 căn cứ cứ quân sự (The Economist, 21 tháng 2, 2023) quanh khu vực quần đảo Luzon, cũng là vùng tranh chấp giữa Phi và TC, Nhật gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, sự chào đời của AUKUS và the QUAD Alliance, và nhiều biến chuyển khác đang trong quá trình triển khai trong vùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ quan trọng của VN trong chiến lược Á Châu của Mỹ và đồng minh trong tương lai.

 

Trong tình cảnh thế giới đảo điên mà Biển Đông là một phần của vấn đề điên đảo, cấm vận TC gây rối loạn chuỗi cung ứng sản phẩm nên Mỹ phải tìm nguồn cung cấp thay thế để giải quyết vấn đề lạm phát do cầu kéo và chi phí đẩy. Do đó,

 

Trong ngắn hạn, vì cuộc tranh giành với TC, về chiến thuật, chiến lược, và kinh tế, Mỹ cố gắng kéo VN về phía mình hay ít nhất ngăn cản VN tiến gần hơn với TC. Về mặt chuỗi cung ứng, mặc dù Trung tâm Nghiên cứu Stratfor đã nhận diện 16 quốc gia có nền kinh tế mới khởi sắc, kể cả VN, với nhân công rẻ và tổng dân số hơn một tỷ người để thay thế vai trò của TC trong chuỗi cung ứng toàn cầu và gọi chúng là P-16, (16 quốc gia hậu TC); tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cần thời gian. Trong số P-16, mức độ “xuất cảng” của VN tăng nhanh và lấp một khoảng trống quan trọng trong nhu cầu nhập cảng của Mỹ, bằng chứng là số lượng xuất cảng sang và xuất siêu của VN với Mỹ gia tăng lũy tiến.

 

Tuy nhiên, trong dài hạn, vấn đề liên minh khu vực, hiệu quả của vấn đề Mỹ tiếp cận tất cả 9 căn cứ quân sự vùng bắc Phi Luật Tân, vấn đề Biển Đông, và chiều hướng của sự tranh giành Mỹ-Trung sẽ rõ nét hơn, ảnh hưởng tiêu cực từ những khó khăn kinh tế nêu trên sẽ được phơi bày, quá trình chuyển đổi từ TC sang P-16 sẽ hoàn chỉnh hơn.  Hơn nữa, mặc dù chính sách ngoại giao dường như mang bản chất trao đổi để thỏa mãn những mục tiêu của từng giai đoạn, chấp nhận giải pháp thứ cấp (second best); tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thành lập và liên tục duy trì nền hoà bình Mỹ, với mục tiêu của chính sách đối ngoại là tối đa hóa phúc lợi của công dân Hoa Kỳ, đảm bảo hòa bình thế giới, thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Do đó, trừ khi Mỹ thay đổi truyền thống lịch sử này, khi lợi điểm kinh tế và chiến lược của VN với phương Tây bị giảm, các vi phạm vừa trình bày sẽ bị bới ra và kết quả tất yếu là vị thế của VN giảm thiểu nghiêm trọng.

 

Lý thuyết kinh tế đã chỉ ra rằng phát triển kinh tế là một “quá trình dẻo-cứng (putty-clay process; Singer, 1998)”. Dù đúng hay sai, các động tác trên đây của nền kinh tế đều nằm trong quá trình phát triển kinh tế  dẻo-cứng. Do đó,  sau gần 40 năm, nền kinh tế Việt Nam đã sang trạng thái cứng (của quá trình dẻo-cứng), nên sẽ rất khó khăn và tốn kém để hiệu chỉnh.

 

Tất yếu là trừ khi Đảng Cộng Sản và quan chức chính quyền cải cách sâu rộng chính thể, viễn tượng cho Việt Nam theo đuổi thành công mục tiêu phát triển bền vững số 8 của UN không những hãy còn lắm xa vời mà mỗi lúc một xa vời hơn.

 

GS Nguyễn Văn Chữ

 

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Busch, M. The missing middle: A political economy of economic restructuring in Vietnam. Lowy Institue, Victoria State Government (December, 2017). Busch_A political economy of economic restrucuring in Vietnam_WEB (1).pdf.

 

  1. Doner, R. F., and Schneider, B. R. 2016. The Middle-Income Trap: More Politics than Economics.World Politics, Vol. 68(4) (October 2016), pp. 608-644.

 

  1. Gill, I., and Kharas, H. 2008. An East Asia renaissance: Ideas for economic growth. Washington, DC: World Bank.

 

  1. Klingler-Vidra, R. and Wade, R. 2020. Science and Technology Policies and the Middle-Income Trap: Lessons from Vietnam. The Journal of Development Studies, Vol. 56(4), pp. 717-731, DOI: 10.1080/00220388.2019.1595598.

 

  1. Singer, H. W. 1998. Growth, Development and Trade. Edward Elgar Pub lishing Company, UK.

 

 

Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ – Kinh Tế Hiện Nay: 

Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ – Toàn Bộ: