Họp báo quốc tế kêu gọi ngăn cản việc dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam

Nhà hoạt động Y Quynh Bdap Fb Y Quynh Buondap

 

Nguy cơ Việt Nam dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền người Thượng Y Quynh Bdap về nước ngày càng lớn cho dù Thái Lan vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ tới (2025-2027).

Một số tổ chức nhân quyền tổ chức họp báo quốc tế kêu gọi cộng đồng thế giới gây sức ép buộc Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho phép Y Quynh được định cư ở một nước thứ ba thay vì bị trục xuất và đối diện với bản án tù 10 năm trong một phiên tòa không minh bạch.

Năm 2018, ông Y Quynh Bdap cùng gia đình tìm đến Thái Lan để xin tị nạn sau khi bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, quyết định của tòa án Thái Lan hồi cuối tháng 9 đã mở ra một viễn cảnh đầy rủi ro cho ông.

Trong thời gian tạm trú ở gần thủ đô Bangkok, ông và một số người tị nạn lập ra tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) chuyên theo dõi tình hình vi phạm nhân quyền ở Tây Nguyên và viết hàng trăm báo cáo gửi các tổ chức nhân quyền, bao gồm cả Cao uỷ Nhân quyền LHQ.

Ông bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6/2024 vì “cư trú quá hạn” theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền độc đảng ở Việt Nam, một ngày sau khi có cuộc phỏng vấn về định cư với Đại Sứ quán Canada tại Bangkok.

Phía Việt Nam cáo buộc ông tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào trụ sở công quyền của hai xã ở huyện Cư Kuin khiến 9 người chết và hai người bị thương.

 

Thành viên của HĐNQ phải bảo vệ nhân quyền

Ngày 09/10, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với ông Y Quynh của Toà án Hình sự Bangkok và các lo ngại về nhân quyền xung quanh.

Ông Phil Robertson, giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), khẳng định trong mọi trường hợp, Thái Lan không được cho phép Việt Nam dẫn độ ông Y Quynh BDap.

Phát biểu được ông Robertson đưa ra trước các phóng viên quốc tế chỉ vài giờ trước khi các nước bỏ phiếu quyết định Thái Lan có trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới hay không. Ông bày tỏ:

Người ta kỳ vọng rằng các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ phải bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền chứ không phải vi phạm chúng và vì lý do này, Thái Lan phải là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề.

Những gì xảy ra với Y Quynh Bdap sẽ là một cách rất quan trọng để cộng đồng quốc tế xác định Chính phủ mới ở Thái Lan sẽ đứng về phía nào trong lĩnh vực nhân quyền.”

 

Thiếu chứng cứ kết tội

Tại buổi họp báo ở FCCT hôm thứ Tư, bà Nadthasiri Bergman- luật sư của ông Y Quynh Bdap cho biết trong các phiên toà xét xử dẫn độ ông, phía Việt Nam chỉ cung cấp cho Toà Hình sự Bangkok lời khai của ba bị can trong quá trình điều tra vụ án bạo động ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023.

Trong các bản cung khai được thực hiện không có sự hiện diện của luật sư, họ cáo buộc rằng ông Y Quynh “tham gia chỉ đạo” từ xa cuộc khủng bố, điều mà ông luôn phủ nhận.

Luật sư người Thái cho hay, trong phiên tòa các luật sư đã lập luận rằng ông Y Quynh không thể bị dẫn độ vì ông là người tị nạn được công nhận và ông đang trong quá trình tái định cư.

Bà Bergman phát biểu chỉ vài giờ trước khi Thái Lan giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu giành một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ:

Một ngày trước khi bị bắt, UNHCR đã yêu cầu ông đến và trả lời phỏng vấn (để xem) liệu ông có liên quan gì đến vụ việc ở Đắk Lắk hay không.

Họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông có liên quan và tình trạng của ông chưa bao giờ bị thu hồi nên ông vẫn được xác nhận là người tị nạn.

Bà Bergman cho biết hầu hết những người xin tị nạn không muốn sống ở Thái Lan mà đến đây vì cần thiết trong khi chờ tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

 

Việc trục xuất Y Quynh Bdap vi phạm luật của chính Thái Lan

Hai tổ chức nhân quyền của Thái Lan là Quỹ Quyền Hoà bình (PRF) và Quỹ Giao thoa Văn hóa (CrCF) cũng cử đại diện tham gia cuộc họp báo ngày thứ Tư.

Bà Krittaporn Semsantad, giám đốc chương trình của PRF, cho rằng nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo đối với Y Quynh Bdap khi bị đưa về Việt Nam là hiện hữu. Do vậy, việc trục xuất Y Quynh Bdap sẽ vi phạm Điều 13 của Luật Phòng ngừa, chống tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan cũng như Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước Chống Tra tấn (CAT) mà Thái Lan là quốc gia thành viên.

Theo bà, cho dù Thái Lan chưa là thành viên của Công ước quốc tế về người tị nạn (1951) thì quốc gia này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc “không đẩy trả” vì ông Y Quynh Bdap đã từng bị đàn áp trước khi chạy sang Thái Lan và sẽ phải đối mặt nếu bị dẫn độ về Việt Nam.

Các chuyên gia nhân quyền cho rằng việc cho phép dẫn độ Y Quynh Bdap là cách Thái Lan “cảm ơn” Việt Nam trong việc đối phó với giới bất đồng chính kiến. Bà Prakaidao Phruksakasemsuk, Phó giám đốc của CrCF nhắc lại việc ba người Thái bị cáo buộc phỉ báng Hoàng gia đã mất tích ở Việt Nam năm 2019.

Tuy nhiên, đại diện CrCF cho rằng sắp tới Thái Lan sẽ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước chống tra tấn (CAT) và bà bày tỏ hy vọng việc này sẽ có tác động tích cực lên quyết định cuối cùng của Chính phủ Hoàng gia trong trường hợp Y Quynh Bdap.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Thái Lan và Việt Nam với đề nghị bình luận về các phát biểu trên của các chuyên gia nhân quyền, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đội ngũ bào chữa của Y Quynh Bdap vẫn đang chờ bản sao phán quyết cuối cùng của tòa án trước khi nộp đơn kháng cáo.

Nếu phán quyết dẫn độ vẫn giữ nguyên trong phiên tòa phúc thẩm, Chính phủ Thái Lan vẫn có quyền bác bỏ lệnh dẫn độ ông.

Các nhóm nhân quyền quan tâm đến vụ án của ông có kế hoạch gửi một lá thư tới chính phủ vào tuần tới để ủng hộ tuyên bố của Y Quynh rằng ông sẽ phải đối mặt với sự tra tấn hoặc thậm chí là tử hình nếu bị đưa đến Việt Nam.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 10/10, ông Phil Robertson – chuyên gia về nhân quyền Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động:

Các nhà ngoại giao của các Đại sứ quán tại Bangkok cần gây sức ép mạnh mẽ với Chính phủ Thái Lan, cả công khai và riêng tư, để yêu cầu Y Quynh Bdap không bị trục xuất về Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào.

Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Thái Lan phải duy trì nguyên tắc bảo vệ người tị nạn và công nhận rằng họ phải cho phép ông ta được bảo vệ bằng cách tái định cư ở một quốc gia thứ ba.”

 

RFA (10.10.2024)

 

 

 

 

Ra tù, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phải đi chữa ung thư và trầm cảm

Hai ngày sau khi được phóng thích, bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K giúp tù nhân lương tâm, cho biết bà bắt đầu những ngày “chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện K [Ung Thư] Tân Triều và Tâm Thần Hà Nội.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh được trả tự do hôm 7 Tháng Mười sau ba năm rưỡi tù vì “tội” nhận tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh làng Đồng Tâm, người thiệt mạng trong vụ bố ráp làng này xảy ra ngày 9 Tháng Giêng, 2020.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (giữa), được bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, đến mừng ngày ra tù. (Hình: Facebook Huynh Ngoc Chenh)

 

Trong thư ngỏ đăng trên trang cá nhân hôm 9 Tháng Mười, bà Hạnh cho biết: “Căn bệnh ung thư của tôi vẫn chưa chữa chạy được dứt điểm, và tù đày khiến căn bệnh trầm cảm của tôi càng trầm trọng thêm. Ngay từ ngày mai tôi phải đến viện K Tân Triều tiếp tục chữa bệnh, và chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện, K và Tâm Thần Hà Nội cách xa nhau.”

Bà cho biết đây là lý do khiến bà “chưa thể gặp gỡ bạn bè để hàn huyên” và nhắn nhủ “mọi người thông cảm.”

“Mong mọi người tiếp tục đồng hành và giúp đỡ các tù nhân lương tâm cùng gia đình của họ để vượt qua chặng đường khắc nghiệt chông gai. Xin đừng bỏ rơi họ, đừng bỏ rơi một người nào,” bà Hạnh viết thêm.

Trước đó, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, chồng bà Hạnh, tố cáo trên trang cá nhân rằng nhà cầm quyền Việt Nam “bất nhân” khi trại giam số 2 ở huyện Thường Tín, Hà Nội, đưa vợ ông ra nhà tù Thanh Hóa hai ngày trước khi trả tự do cho bà ở đó.

Ông Chênh nêu suy đoán rằng sự việc này là để tránh cảnh người thân, vợ tù nhân lương tâm “đến chào đón đông đúc” tại cổng trại giam Thường Tín.

“‘Tội’ của Hạnh là yêu thương những hoàn cảnh cơ cực, nhất là những gia đình tù nhân lương tâm nên lập Quỹ 50K quyên tiền cứu giúp những hoàn cảnh ấy,” ông Chênh nhận định về việc vợ mình bị bắt tù.

 

Ngoài ra, ông Chênh cho biết, kế hoạch trước mắt của vợ mình sau khi ra tù là tiếp tục chữa trị bệnh ung thư.

Theo lời ông Chênh, việc vợ ông bị ung thư là vì “chế độ ăn uống vô cùng mất vệ sinh trong trại tạm giam,” và chế độ khắc nghiệt của nhà tù cũng khiến bệnh trầm cảm của vợ ông “trở nên nặng hơn.”

Ông cũng nhắc lại chuyện bệnh tật đã khiến bà Nguyễn Thúy Hạnh “mấy lần toan tự sát nhưng bất thành.” 

 

Nguoi Viet (09.10.2024)

 

 

 

 

 

FredHub: Công ty giáo dục khai phóng phải giải thể, khoảng 50 thành viên bị mời làm việc

Hai nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành (trái) và Tiến sĩ Nguyễn Quang A Fb Thành Nguyễn

 

Một doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam cung cấp các khóa học “tự do và khai phóng” phải giải thể sau một năm hoạt động, cơ quan an ninh nhiều tỉnh thành liên tục triệu tập làm việc với hơn 50 học viên và cộng tác viên.

Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành thành lập Công ty TNHH Giải pháp Giáo dục FredHub (viết tắt của Free Education Hub – Trung tâm Giáo dục Tự do) trong tháng 3/2022 theo hình thức công ty giáo dục để cung cấp các khoá học tại chỗ hoặc trực tuyến, giúp nâng cao năng lực tư duy độc lập, mở rộng tầm nhìn toàn diện và khai phóng tiềm năng cá nhân.

Theo giới thiệu trên trang chủ, công ty hoạt động theo hình thức một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận với sứ mệnh nâng cao năng lực cho cá nhân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, ông Thành phải giải thể công ty và tạm dừng các khóa học vì cộng tác viên và giảng viên của chương trình bị công an ở nhiều địa phương sách nhiễu.

Dù đã không còn hoạt động, trong mười tháng qua, cơ quan an ninh ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục mời làm việc khoảng 50 học viên và cộng tác viên để điều tra về FredHub. 

Ông Thành cho biết, trong giấy mời làm việc những người này chỉ ghi lý do liên quan đến tạm trú, nhưng khi lên đồn công an lại bị tra khảo về các khóa học trong một đến hai ngày.

Cơ quan an ninh ép họ phải giao điện thoại, máy tính và cung cấp mật khẩu để kiểm tra nội dung trong đó. Ông Thành nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 7/10:

Học viên bị an ninh bắt viết bản kiểm điểm viết bản tường trình hoặc là tới nhà hỏi và de dọa là đang tham gia một chương trình của một tổ chức phản động.

Giáo viên cũng bị mời lên, phía an ninh nói đây là chương trình của một tổ chức phản động rồi xuyên tạc đủ thứ, sau đó đe dọa họ không được tham gia nữa.”

Một cộng tác viên của FredHub nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh cho RFA hay nhiều lần bị an ninh địa phương mời lên làm việc về chương trình giáo dục này, nhưng từ chối với lý do bận việc gia đình, sau đó không thấy bị mời tiếp nữa.

Một học viên khác, người cũng không muốn công khai danh tính, tiết lộ rằng ông liên tục bị công an địa phương mời lên làm việc hồi đầu năm 2024 về các lớp học xã hội dân sự của FredHub mà ông tham gia. Gần đây, một học viên trẻ khác cũng bị tra khảo tương tự.

Phóng viên gọi điện cho Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an với đề nghị bình luận về tố cáo của ông Thành nhưng sỹ quan trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan để làm việc trực tiếp hoặc gửi yêu cầu bằng văn bản.

 

Khóa học đa chiều nhưng bị xem là “nguy hiểm với chế độ”

Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành, hay còn gọi là Paulo Thành Nguyễn, sinh năm 1986, từng tổ chức các chương trình như Cà phê Nhân quyền- là dịp để giới hoạt động có thể gặp gỡ sau khi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bị cấm đoán, hội thảo “Cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ” hay Chương trình đào tạo người hoạt động trẻ ở nhiều tỉnh thành.

Trong trang chủ của mình, FredHub giới thiệu cung cấp các khoá học với chủ đề chính như triết học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật… với mục tiêu trang bị cho người học một nền tảng tri thức liên ngành, là chất liệu căn bản kích hoạt khả năng tư duy đa chiều và đưa ra các quyết định phù hợp trong mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và xã hội.

Tuy nhiên, cho dù nội dung đào tạo rất nhẹ nhàng và không liên quan đến chính trị nhưng vẫn bị chế độ coi là không thân thiện. Ông Thành giải thích:

FredHub là một khóa học mang tính xã hội nhưng đa chiều. Nó làm cho bên phía an ninh e ngại và quy chụp là có âm mưu lật đổ.

Chế độ hiện nay là một cái chế độ độc tài tư tưởng, do vậy những luồng tư tưởng khác biệt đó đối với họ là nguy hiểm.”

Ông Thành cho biết để giảm sự sách nhiễu của an ninh đối với những người tham gia chương trình, ông đã lặng lẽ đóng cửa công ty. Tuy nhiên, an ninh vẫn tiếp tục sách nhiễu những người khác và có vẻ như chương trình này theo ông “đã trở thành mục tiêu mới của lực lượng an ninh để giải ngân tiền thuế nhà nước dành cho an ninh quốc gia.”

Ông cho rằng Bộ Công an dường như đang muốn biến FredHub thành một chuyên án lớn có tính tổ chức bằng việc gán ghép chương trình với các tổ chức bên ngoài vốn bị công an Việt Nam dán nhãn “thế lực thù địch.”

Một trong những nạn nhân bị thẩm vấn đã vô tình thấy hai tập hồ sơ với nội dung “Khóa học về phát triển của FredHub” và “Chuyên án V22.”

Đặc biệt, công an chỉ làm việc với các thành viên của FredHub mà chưa đụng chạm gì tới người đứng đầu. Ông Thành cho rằng cơ quan an ninh đã quá hiểu các hoạt động của ông trong hơn 10 năm qua, và giai đoạn này họ chỉ thu thập hồ sơ cùng chứng cứ để xây dựng hồ sơ để bắt giam, chứ không còn kiểu mời hỏi như những người mới nữa.

Trong thông báo đóng cửa FredHub đăng trên trang Facebook cá nhân cuối năm ngoái, ông Thành cho hay chương trình gặp nhiều trở ngại dồn dập sau khi tổ chức khóa học về Phát triển cộng đồng. Cùng với việc học viên bị an ninh mời làm việc, trang Facebook của FredHub bị đánh sập còn website bị nhà mạng Viettel chặn không truy cập được.

Trong hơn 10 năm qua, FredHub cung cấp hàng chục khoá học “Nhập môn Triết học phương Tây” với giảng viên là tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng, “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” với giảng viên là chuyên gia tham vấn tâm lý Lê Hoàng Long, “Kỹ năng tự vệ trong thời đại số” cung cấp những kiến thức và kỹ năng bảo mật quan trọng từ căn bản đến nâng cao giúp người học an toàn hơn trong thời đại kỹ thuật số, và “Nghiên cứu xã hội” nhằm hỗ trợ người học phát triển tư duy nghiên cứu và năng lực giải quyết vấn đề, đưa ý tưởng phục vụ cộng đồng ra thực tế…

 

RFA (09.10.2024)

 

 

 

 

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh mãn hạn tù sau phiên tòa ‘xử kín’

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh sáng ngày 7/10/2024. Facebook Huynh Ngoc Chenh.

 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập quỹ từ thiện 50K, vừa mãn hạn tù sáng ngày 7/10 sau một phiên tòa mà gia đình gọi là “xử kín” và một phần dường như nhờ áp lực mạnh mẽ của quốc tế.

“Vì bị xử kín và Hạnh đã từ chối luật sư, nên không có luật sư bào chữa. Tôi không hiểu vì sao phải xử kín như vậy”, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, trao đổi với VOA hôm 7/10.

Ông Chênh cho hay vợ ông đã bị xét xử kín vào ngày 31/7/2024 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Bà bị kết án 3 năm 6 tháng tù, gần bằng thời gian bị tạm giam, vì vậy chỉ hơn 2 tháng sau bản án, bà được ra tù.

“Mức án 3 năm rưỡi này so với các mức án của bạn bè khác của Hạnh từ 5-7-10 năm thì mức án này tương đối nhẹ hơn”, ông Chênh nhận xét.

“Còn xét về bình diện chung thì tất cả mọi người cũng chẳng ai có tội gì hết ngoài tội yêu nước, và tội lo hoạt động xã hội dân sự, chứ họ chả có tội gì hết”, vẫn lời ông Chênh.

VOA đã liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết thông tin về phiên tòa xử bà Hạnh, cũng như về lý do xử kín bà, nhưng chưa được trả lời.

“Tôi đã về nhà trong vòng tay thân ái của bè bạn, người thân. Thật cảm động không lời nào tả xiết”, bà Hạnh viết trên Facebook cá nhân hôm 7/10.

“Thời gian qua, những lúc tăm tối nhất ở trại giam hoặc trong bệnh viện khi đối mặt với căn bệnh tinh thần quái ác, tôi lại nghĩ đến anh chị em, bè bạn, cô bác ở ngoài đang dành hết tình cảm cho tôi, tin tưởng tôi”, nhà hoạt động ở Hà Nội bày tỏ. Bà được chẩn đoán là mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn hai từ tháng 1/2024.

Bà Hạnh, 61 tuổi, là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và gây quỹ từ thiện bị chính quyền Việt Nam bắt giam hồi tháng 4/2021. Qũy từ thiện 50K của bà có mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội, về sau còn giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Bà cũng từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam năm 2016.

 

Áp lực quốc tế

Trong thời gian 3 năm rưỡi qua, khi nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phải chuyển qua chuyển lại giữa trại gian và viện Tâm thần Trung ương, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền, Uỷ ban Thụy sĩ-Việt Nam (Cosunam), The 88 Project, Tổ chức Quốc tế Chống Tra tấn, và giới lập pháp một số nước liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Ngay sau khi bà Hạnh được về nhà ở Hà Nội hôm 7/10, nữ Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel viết trên trang X: “Sau áp lực toàn cầu, nhà hoạt động và bệnh nhân ung thư Nguyễn Thúy Hạnh đã được trả tự do tại Việt Nam. Bây giờ bà ấy có thể được điều trị với sự bao bọc của những người thân yêu”.

“Khi chúng ta đón mừng tin này, chúng ta cũng phải đấu tranh cho những tù nhân lương tâm khác vẫn đang bị giam giữ oan trái ở Việt Nam”, nữ dân biểu đại diên cho khu vực bầu cử 45 ở bang California kêu gọi.

Trước đó, ngoài bà Steel, Thượng Nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải cũng đã kêu gọi giới lãnh đạo Hà Nội phóng thích bà Hạnh.

“Do sự quan tâm của quốc tế đến trường hợp của Hạnh, các vị dân biểu, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức cũng như bạn bè liên tục lên tiếng cũng như viết các kiến nghị… tôi nghĩ cũng có tác động đến nhà cầm quyền”, ông Chênh đánh giá. “Nhưng chắc phần lớn là do Hạnh bị bệnh nặng, mà theo luật pháp đáng lẽ do bị bệnh như vậy thì phải được tại ngoại để chữa bệnh”.

Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu ý kiến với VOA rằng việc chính quyền Việt Nam giam giữ một tù nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo như trường hợp của bà Hạnh là vi phạm luật pháp của chính nước này.

“Chị Nguyễn Thúy Hạnh bị ung thư và phải chữa bệnh trong tù. Ngay theo luật pháp của Việt Nam, chuyện giam cầm một người trọng bệnh như ung thư thì đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam”.

Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định rằng trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, khi người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Trước khi xét xử bà Hạnh, nhà chức trách Việt Nam đã đưa bà đi giám định tâm thần và điều trị tâm thần trong khoảng thời gian khá dài.

Ngay sau khi bà Hạnh bị bắt vào tháng 4/2021, Cộng hoà Czech lên tiếng bày tỏ “quan ngại” và kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do “ngay lập tức” cho bà.

Vào tháng 11/2021, các báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình về việc bắt giam bà Hạnh.

Đến tháng 6/2023, chính quyền Việt Nam phản hồi, cho rằng từ năm 2011, bà Hạnh đã tham gia nhiều “hoạt động phức tạp như: tụ tập đông người trái phép; đòi hỏi trả tự do cho người vi phạm pháp luật; có hành vi mất trật tự tại cơ quan nhà nước; viết bài đăng trên Facebook cung cấp thông tin không chính xác về các sự kiện tiêu cực nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống cá nhân, tổ chức”.

Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn quy trách nhiệm rằng việc thành lập quỹ 50K của bà là để “tài trợ và cổ vũ cho những người vi phạm luật an ninh quốc gia”, bao gồm cả việc nhận tài trợ từ các “tổ chức, cá nhân có ý đồ, âm mưu lật đổ nhà nước”.

 

VOA (08.10.2024)

 

 

 

 

 

Ba tù nhân lương tâm ở Trại giam số 6 tuyệt thực đến ngày thứ 10

Ba nhà hoạt động (từ trái qua): Bùi Văn Thuận, Trịnh Bá Tư, và Đặng Đình Bách  RFA editted

 

Ba ông Đặng Đình Bách, Trịnh Bá Tư và Bùi Văn Thuận tiếp tục cuộc tuyệt thực tập thể mà họ bắt đầu từ ngày 28/9 để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Đến ngày 7/10 là tròn 10 ngày các ông bắt đầu cuộc tranh đấu của mình trong Phân trại 1 (K1) của Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Bà Trịnh Thị Nhung, người có cuộc thăm gặp ông Bùi Văn Thuận vào ngày 05/10 vừa qua cho biết sức khoẻ của chồng suy giảm sau một tuần tuyệt thực.

Ông gầy đi hơn 5 kg, có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn nói chuyện vui vẻ và tinh thần vẫn kiên cường.

Bà được chồng cho biết không ai trong số ba TNLT có ý định bỏ cuộc, và mục tiêu đấu tranh vẫn không thay đổi. Họ sẽ tiếp tục cuộc tuyệt thực mà chưa xác định thời gian kết thúc.

Ông Thuận khẳng định, trong các biên bản từ chối bữa ăn hai lần/ngày, cả ba đều ghi rõ lý do “tuyệt thực tập thể” vào văn bản.

Cuối tháng trước, ba ông tuyên bố tuyệt thực nhằm yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời phản đối chế độ giam giữ hà khắc vô nhân đạo của những người đứng đầu Phân trại 1 và Trại giam số 6 là Thái Văn Thuỷ và Nguyễn Văn Du.

Họ yêu cầu chấm dứt ngay chế độ giam nhốt “chuồng cọp” vì nó huỷ hoại sức khỏe và tinh thần của các tù chính trị.

Ông Trịnh Bá Tư, 35 tuổi, là một nhà hoạt động vì quyền đất đai, bị tuyên án tám năm tù giam hồi năm 2020 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” cùng với mẹ và anh trai. Vào tháng 6/2022, ông đã bị cán bộ trại giam đánh đập và tước đoạt quyền lợi cơ bản của tù nhân. Khi đó, ông đã tuyệt thực trong 14 ngày cho đến ngày thăm gặp người thân.

Luật gia Đặng Đình Bách, 46 tuổi, người đang thụ án tù năm năm tù giam về tội trốn thuế, từng tuyệt thực nhiều ngày trong tháng 2 năm nay để tiếp sức bạn tù cùng phòng khi đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đòi quyền lợi của tù nhân, cũng như phản đối việc bị đối xử hà khắc bởi cán bộ Trại giam số 6. 

Ông Bùi Văn Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông đã tuyệt thực trong năm ngày hồi tháng 5 vừa qua nhằm phản đối chế độ giam giữ quá hà khắc đối với tù nhân chính trị ở trại giam này.

 

RFA (08.10.2024)

 

 

 

 

 

Tài liệu về các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam –

Tự Do Tôn Giáo & Nhân Quyền

 

 

LTS: Cuối tháng 9, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố tài liệu nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo phục vụ chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo bị vô hiệu hoá, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng.

 

UỶ HỘI HOA KỲ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ 

TÔN GIÁO DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC VÀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 

Tóm Lược                                                                                                                   1

Bối Cảnh Và Phương Pháp                                                                                         4

Các Cơ Quan Chính Kiểm Soát Tôn Giáo của Đảng và Chính Phủ                            4

Các Luật Chủ Chốt Để Kiểm Soát Tôn Giáo                                                                7

Các Chiến Lược Chính Để Kiểm Soát Tôn Giáo Của Chính Phủ                                9

Các Tổ Chức Tôn Giáo Bị Đặt Dưới Sự Kiểm Soát Của Nhà Nước                           10

5.1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam                                                                                 10

5.2. Chi phái Cao Đài 1997                                                                                          16

5.3. Ban Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo                                           20

5.4. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc)                                                            24

5.5. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam)                                                           30

5.6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam                                                                  33

Kết luận                                                                                                                        38

 

 

TÓM LƯỢC

 

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sử dụng các tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát để kiểm soát đời sống tôn giáo và đe dọa, gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo độc lập phải phục tùng. Tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát là một nhóm hoặc tổ chức tôn giáo hoạt động dưới sự ảnh hưởng trực tiếp, chỉ huy, hoặc kiểm soát của chính phủ. Chính phủ có thẩm quyền rộng lớn đối với các tổ chức này, bao gồm việc bổ nhiệm các lãnh đạo, quản lý tài sản, thực hành tôn giáo, và thậm chí luôn cả việc diễn giải giáo lý. Tài liệu nghiên cứu này xem xét và đề cập đến sáu tổ chức tôn giáo do Nhà nước chỉ đạo và kiểm soát:

 

  1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

 

  1. Chi phái Cao Đài 1997;

 

  1. Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (GHPGHH) được công nhận;

 

  1. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc);

 

  1. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam);

 

  1. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

 

Phúc trình này mô tả phương cách Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Chính phủ Việt Nam sử dụng ba cơ quan chủ chốt của chính phủ, cùng với một số luật lệ và ba chiến lược chính để kiểm soát đời sống tôn giáo của người dân thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát. 

 

Các cơ quan chính phủ chủ chốt gồm có:

 

  1. Ban Tôn giáo Chính phủ;

 

  1. Bộ Công an;

 

  1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Các luật, bộ luật chủ chốt bao gồm: 

 

  1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

 

  1. Luật Đất đai năm 2013.

 

  1. Bộ luật hình sự năm 2015.

 

  1. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.

 

Ba chiến lược kiểm soát gồm có: 

 

Thay thế: Chính phủ cấm các nhóm tôn giáo độc lập có từ lâu đời và tạo ra các tổ chức tôn giáo mới thay thế do nhà nước kiểm soát. Các tổ chức này bắt chước tên, cơ cấu và chức năng của các tổ chức tôn giáo gốc, nhưng được ĐCSVN và chính phủ chỉ đạo nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà nước, không nhất thiết là phục vụ tôn giáo và các tín đồ. Các ví dụ bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương GHPGHH được chính phủ công nhận.

 

Thoả hiệp/khuynh loát: Chính phủ khuyến khích tôn giáo tuân thủ các chính sách của nhà nước bằng cách trao cho các tổ chức tôn giáo hiện hữu sự công nhận pháp lý, nới lỏng các hạn chế về hoạt động tôn giáo, cấp phép xây dựng cơ sở thờ tự và gia tăng các lợi ích khác. Các thành viên và lãnh đạo của tôn giáo có thể cho rằng hoạt động trong hệ thống chính phủ kiểm soát chặt chẽ là cách duy nhất và tốt nhất để thực hành đức tin của họ. Ví dụ gồm có: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam).

 

Xâm nhập: Chiến lược này được sử dụng khi chính phủ không thể kiểm soát hoàn toàn một nhóm tôn giáo do nhóm này có liên kết với tổ chức ở ngoài biên giới Việt Nam. Vì vậy Chính phủ thành lập và sử dụng một tổ chức tôn giáo giả mạo mà các thành viên cũng đồng thời là thành viên của tổ chức tôn giáo thực sự. Các thành viên này có thể được sử dụng để diễn giải giáo lý và thực hành tôn giáo phù hợp với chương trình chính trị và chính sách của ĐCSVN. Một ví dụ của chiến lược này là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. 

 

Thông qua các luật và chiến lược kiểm soát này, cùng với các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát và các nghi lễ, lễ hội, và cách thờ tự đã được nhà nước phê duyệt, chính phủ Việt Nam cố gắng cho quốc tế thấy họ tôn trọng và bảo vệ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo. Đồng thời, chính phủ cũng đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế về các vi phạm tự do tôn giáo hoặc niềm tin mà họ gây ra như: quấy rầy, đe dọa, giam giữ, bỏ tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và các hành vi bức hại khác để đàn áp các tổ chức và hoạt động tôn giáo độc lập.

 

KẾT LUẬN

 

Chính phủ Việt Nam sử dụng sáu tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát được đề cập trong phúc trình này làm công cụ để thể hiện sự tuân thủ của họ với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức này vi phạm quyền tự do hoạt động tôn giáo độc lập và cản trở những hoạt động khác của các cộng đồng tôn giáo mà họ tự tuyên bố đại diện.

Thông qua các tổ chức thuộc chính quyền như Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các luật lệ và ba chiến lược thay thế, thỏa hiệp/khuynh loát và xâm nhập, chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát được trình bày và thảo luận trong phúc trình này, tuân theo mục tiêu và ý chí của họ. Điều này tác động tiêu cực đến tự do tôn giáo trên toàn quốc Việt Nam và làm suy yếu các tổ chức tôn giáo độc lập và sự diễn đạt của họ.

 

 

BPSOS, ngày 8 tháng 10, 2024

http://machsongmedia.org

 

Bản gốc tiếng Anh: https://www.uscirf.gov/publications/state-controlled-religion-and-religious-freedom-vietnam