TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁI LON
Lê Học Lãnh Vân
Khi bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu về cái Lon, rằng “từ “Lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề vì “hãy giả sử người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó”, thiên hạ xôn xao bàn tán. Một số người tự hỏi: bà nói vậy, dù đúng dù sai, thì có gì khiến các trang mạng phải om sòm bàn tán? Tại sao cháy rừng không buồn, tại sao ký hiệp định Thương Mại Tự Do với châu Âu không mừng, lại lo nói về cái Lon? Đúng là cái Lon theo nghĩa thông thường không có gì phải để ý, nhưng cái Lon trong suy nghĩ của bà Cục trưởng lại mang trong mình nó không ít điều tệ hại ở cấp độ xã hội, đáng được quan tâm. Xin được thảo luận dưới đây về hai điều tệ hại.
Về Mặt Văn Hóa
Chữ Lon hồn nhiên trong trẻo của người Việt tự nhiên bị vẩn đục bởi cái ý nghĩ thêm dấu, thêm mũ của bà Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở. Có khác chi một người ăn mặc thanh lịch trên đường phố bị kẻ bại hoại xúi đám côn đồ lột trần truồng ra?
Tuy nhiên, nếu ý nghĩ thêm dấu, thêm mũ cho chữ Lon chỉ là việc bàn tán quanh bàn cà-phê hay tiệc rượu lúc ngà ngà say thì cũng có thể tạm thế tất. Chỉ là tiếu lâm để vui cười thôi, chỉ là “văn chương bình dân, mách qué” bên ngoài chiếu làng thôi mà… Nhưng vấn đề là bà đã nâng cái “tiếu lâm mách qué” lên thành quan trọng giữa chiếu trên của các bậc tiên chỉ, đem nó ra trang trọng đặt giữa đình!
Nền văn hóa nào, dù phương Đông hay phương Tây, cũng có hai khía cạnh bình dân và chính thống. Bình dân không phải là thấp hơn chính thống, nhưng là thông dụng hơn, mềm dẻo hơn, phủ rộng trong xã hội hơn, ít bị ràng buộc hơn bởi tập tục, lễ nghi. Thử sống trong lòng các nước Pháp, Canada, Đức hay Hungary… ta thấy điều đó khá rõ. Các Tổng thống Mitterand, Chirac, Macron… phát biểu câu nào minh bạch và nghiêm túc câu đó, còn dân chúng bên ngoài, kể cả sinh viên, công chức thì khi đùa giỡn cũng nói tiếu lâm đen không thua cái “mõm chó” của quê mình!
Câu phát ngôn của bà Ninh Thị Thu Hương cho người ta cảm nhận bà không phân biệt văn chương bình dân với văn chương bác học; không phân biệt giữa lời nói tếu táo vỉa hè với phát ngôn nghiêm túc, chính thống. Người làm văn hóa, lại là Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, nếu không phân biệt được hai điều “căn bản” đó, thì nền văn hóa của quốc gia như thế nào?
Về Mặt Quản Lý
Thế là yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo được Cục Văn hóa Cơ sở ban hành!
Không biết Cục có biết dòng chữ “Mở lon Việt Nam” được tạo ra từ công sức và tiền bạc như thế nào không? Tôi cũng không biết Coca-Cola Việt Nam tốn bao nhiêu, chỉ xin chia sẻ rằng từng có một nhãn hàng nông dược phải bỏ trên 60 ngàn đô la Mỹ tại Việt Nam để tìm ra 6 chữ “Sáng Hạt Lúa, Sáng Tương Lai” (xin đổi câu một chút vì tế nhị). Không phải ngồi văn phòng tưởng tượng ra câu đó, phải đi phỏng vấn hàng ngàn khách hàng trên toàn Việt Nam tìm coi mối quan tâm lớn nhất của họ là gì. Họp chuyên môn công ty ER (tạm hiểu là ngoại giao), Marketing tìm ra các khẩu hiệu khác nhau đáp ứng đúng mối quan tâm đó, hoặc thuê công ty chuyên nghiệp làm ra. Lại phỏng vấn, thăm dò xem khẩu hiệu nào được ưa chuộng… Đều là các hoạt động tiêu tiền!
Sau khi được quyết định chọn, khẩu hiệu được in trên bảng quảng cáo, tờ bướm, tờ rơi, làm chương trình quảng cáo truyền hình, làm clip… Thêm bao nhiêu là công của đổ ra nữa!
Yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”, yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo
có thể gây thiệt hại không ít cho nhà kinh doanh.
Cụm từ trên hẳn phải được duyệt rồi. Người quản lý khi duyệt chương trình cho một công ty phải chịu trách nhiệm quyết định duyệt. Phải nghiên cứu, suy nghĩ kín kẽ trước khi duyệt. Nếu thay đổi quyết định phải đền bù tất các tổn hại do thay đổi gây ra. Tiền, công sức, thời gian, cơ hội… tất cả phải qui ra tiền! Không biết Cục có đền bù không?
Thay đổi quyết định còn gây thiệt hại cho chính cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty trong nước nhìn vào còn mấy phần tin tưởng vào các quyết định của công quyền? Công ty nước ngoài khi muốn dời cơ sở kinh doanh tới Đông Nam Á có ngần ngại khi thấy công quyền quốc gia hành xử như vậy không?
Mà sự thay đổi lại dựa trên lập luận “giả sử có người…”! Quản lý đúng đắn thì không thể dựa trên một lập luận hàm hồ, đầy cảm tính và tưởng tượng! Quản lý như vậy có sẽ góp phần làm loạn xã hội không? Nếu cách quản lý như vậy tràn lan trong hệ thống công quyền thì EVFTA có giúp Việt Nam phát triển được không?
Ngày 30 tháng 6 năm 2019
Văn Việt
CÁI LU CÓ PHẢI LÀ CHUYỆN NHỎ?
Lê Học Lãnh Vân
Không! Với tôi, cái LU của nhà dân tộc học Hồng Xuân lớn lắm. Càng lớn hơn nữa khi nó tiếp theo cái LON của bà Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch!
1) “Đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập” đã nhận rất nhiều tiếng cười chế nhạo từ xã hội. Chắc không cần thiết phân tích tính bất khả thi, ngây ngô tới mức khôi hài của đề xuất này!
2) Người đề xuất là bà “Phan Thị Hồng Xuân, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học – nhân học TP.HCM”. Vị trí đó, cất lên câu nói đó giữa nghị trường Tp HCM, không thể là chuyện nhỏ.
3) Sau khi nghe phản hồi của dân chúng, bà Hồng Xuân giải thích tại sao bà dùng từ LU. Bà nói “Tôi dùng từ ‘cái lu’ vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian”, đó là “cách nói dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu”. Rồi bà dẫn chứng rằng ý bà muốn nói tới biện pháp mà Nhật Bản dùng để chống ngập!
Ai đã từng đọc về, nghiên cứu về phương pháp chống ngập của Nhật Bản đều biết đó là một hệ thống các bể chứa không lồ liên hoàn nhau nhằm chứa và đưa lượng nước ngập ra sông. Không có cái LU nào theo nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa gần, nghĩa xa của người Việt nằm trong hệ thống chống ngập này!
4) Bà Hồng Xuân, người có bằng cấp và vị trí cao trong ngành khoa học xã hội cũng như trong giao thiệp quốc tế của Việt Nam, đã nói về cái LU một cách khiên cưỡng như vậy. Trước khi bà lên tiếng, cái LU có nghĩa là vật dụng bằng gốm dùng để chứa nước. Kích thước khoảng 80 lít tới 200 lít. Sau khi bà “Đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập”, rồi được phản biện rầm rộ, thì bà biện bạch với dẫn chứng biện pháp Nhật Bản như nói trên. Từ đó, nếu theo bà, cái LU có nghĩa khác với cách hiểu thông thường của dân chúng. Tôi không hề thấy “khía cạnh tri thức bản địa” nào nơi đây! Tôi chỉ thấy một tầm kiến thức đáng tội nghiệp trong việc liên kết giữa đề xuất chống ngập này với “khía cạnh tri thức bản địa”!
Nhưng điều khiến cái LU của bà Hồng Xuân quan trọng là bà đã tự tiện đổi nghĩa một từ mà cách hiểu đã được xác định và đồng thuận bởi người Việt từ xa xưa tới bây giờ.
Không biết bà Hồng Xuân có đồng ý rằng ngôn ngữ để liên kết các thành viên trong xã hội với nhau. Cách dùng và cách hiểu nghĩa của một từ phải thống nhất thì xã hội mới còn là xã hội có liên kết, có tổ chức, có trao đổi, có hợp tác. Nếu trong xã hội có người hiểu cái LU thành cái CHÉN, hiểu CƠM thành PHỞ, hiểu CHIM thành BƯỚM… thì sao còn nói chuyện với nhau được nữa?
Ấy là ngôn ngữ hạ tầng, đề cập các đối tượng cụ thể. Còn ngôn ngữ thượng tầng, đề cập các vấn đề trừu tượng, như HỐI LỘ hiểu thành BỒI DƯỠNG, THAM NHŨNG hiểu thành TIÊU CỰC, THÔNG TIN hiểu thành TUYÊN TRUYỀN… thì cái họa suy thoái đạo đức xã hội là đương nhiên và trước mắt!
Cho nên tôi không coi chuyện cái LU là chuyện nhỏ. Tôi sợ cái LU lớn tới nỗi nó giam xã hội này dưới đáy để chỉ còn nhìn trời qua con mắt các vị đại biểu như bà Hồng Xuân, nhìn trời qua miệng LU!
Ngày 16 tháng 7 năm 2019
Văn Việt