12-9-2019
Thủ tướng Trudeau của Canada vừa tuyên bố giải tán Quốc hội. Trên mạng, có những lời comments rất lạ. Thí dụ một vị viết: “Dân chủ cái đ*o gì mà Thủ tướng muốn bầu là bầu, muốn giải tán là giải tán. Những nhà tranh đấu cho dân chủ đâu, trả lời dùm.”
Lại phải viết vài chữ về chuyện giải tán (dissolution) Quốc hội.
Thứ nhất, không phải nước dân chủ nào cũng có chuyện giải tán Quốc hội. Thí dụ Hoa Kỳ không có thủ tục đó. Tại Anh, Đức.., quyền giải tán Quốc hội do chính Quốc hội quyết định, Thủ tướng chỉ đề nghị. Boris Johnson, lúng túng trong vụ Brexit, mất đa số, muốn giải tán Quốc hội, bầu cử lại, vừa bị Quốc hội từ chối.
Tại những nước khác, thí dụ nước Pháp, tổng thống có quyền giải tán quốc hội, nhưng Quốc hội cũng có quyền lật đổ chính phủ, nếu có đủ số phiếu bất tín nhiệm. Mục đích đầu tiên của việc giải tán quốc hội là để tìm giải pháp khi có khủng hoảng, hay khó khăn chính trị.
Khi phe cầm quyền không đủ đa số, hay đa số mỏng manh, phải liên kết với các nhóm khác để cai trị. Khi sự bất đồng trong các nhóm liên kết quá lớn, chính phủ giải tán quốc hội, với hy vọng sẽ được đa số, hay chiếm ghế dân biểu nhiều hơn, đủ mạnh để thực thi chính sách của mình.
Giải tán Quốc hội có phải là phi dân chủ hay không? Không. Trái lại, đó là một hình thức trưng cầu dân ý. Chính phủ nói với dân: Đây là chính sách của chúng tôi, nếu dân đồng ý, xin dồn phiếu để chúng tôi đủ mạnh, để có thể thi hành chính sách đó.
Nhiều khi Chính phủ giải tán Quốc hội vì tính toán, nghĩ đó là lúc thuận lợi nhất cho phe mình để tổ chức bầu cử, hơn là chờ hết nhiệm kỳ Quốc hội, tình hình sẽ khó khăn hơn.
Đó là trường hợp của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Năm 1997, phe hữu của Chirac đang chiếm đa số rộng rãi ở Quốc hội, nhưng Chirac nghĩ nếu bầu cử ngay lúc đó, chắc chắn sẽ được đa số, yên ổn cai trị trong 4 năm tới, thay vì chờ vài tháng, chưa biết khuynh hướng của dân sẽ như thế nào. Chirac giải tán Quốc hội. Kết quả: Thua nặng. Chirac mất đa số ở quốc hội, bắt buộc phải bổ nhiệm Thủ tướng thuộc phe tả (Lionel Jospin), bắt đầu một giại đoạn “sống chung’’ (cohabitation) với đối lập, Tổng thống chỉ ngồi chơi xơi nước, vì Quốc hội, đa số tả phái, chỉ phê chuẩn chính sách của Thủ tướng Jospin.
Tóm lại, giải tán Quốc hội ở một nước dân chủ là con dao hai lưỡi. Hành pháp có thể thắng, có thể thua. Có thể mạnh hơn để thực hiện chính sách của mình. Có thể yếu hơn, hay đánh văng khỏi chính quyền. Khác hẳn với các nước độc tài, nhất là độc tài Cộng sản, chơi trò gì Đảng cũng thắng.
Khổ quá, mỗi lần nghe cái câu ”ở đâu cũng vậy” của DLV, lại phải ngồi gõ vài chữ, mặc dù muốn dành thời giờ làm những chuyện thú vị hơn là chuyện chính trị khô khan, nhức đầu.
VNC
Đề tài này cũng hay, năm nay không hiểu sao lại đưa tới nhiều trường hợp giải tán, hoặc muốn giải tán quốc hội. Mình nhớ là Thủ tướng trẻ Sebastian Kurz đã đuổi bộ trưởng nội vụ Herbert Kickl khỏi nội các (lần đầu tiên ở Áo), đưa tới việc chính phủ của ông không được quốc hội (Nationalrat) tín nhiệm nữa. Sau đó quốc hội Áo tự giải tán (12.6) và sẽ bầu lại ngày 29.9. Ngoài trường hợp trên, tổng thống liên bang Áo chỉ có quyền giải tán quốc hội theo đề nghị của chính phủ. (1) https://diepresse.com/home/innenpolitik/bpwahl/4935621/Van-der-Bellen-koennte-Nationalrat-nicht-alleine-aufloesen-
Để nói rõ hơn những điều ghi trong bài:
Ở Đức, quốc hội (Bundestag) không có quyền tự giải tán. chỉ có 2 trường hợp tổng thống được quyền giải tán quốc hội: không thể thành lập được chính phủ do không đủ đa số phiếu, hay thủ tướng không được quốc hội tín nhiệm nữa. Nhiều đại biểu trong đảng SPD không muốn đảng này tiếp tục tham gia trong liên minh chính phủ hiện thời vì cho đó là lý do càng ngày càng được ít người bầu. Nhưng đảng này lại sợ nếu bầu lại quốc hội thì càng bị mất ghế.
Ở Anh cũng tương tự, Nhưng quốc hội được tự giải tán với sự đồng ý của 2/3 số phiếu. Đó là trường hợp thủ tướng Boris Johnson gần đây 2 lần đề nghị quốc hội tự giải tán để bầu lại nhưng không được chấp thuận.(2)
https://www.bundestag.de/resource/blob/423382/77698165f74474876ff274ffa6ed6d9c/wd-3-013-09-pdf-data.pdf
DLV chỉ làm tay sai cho một đảng bám lấy quyền lực một cách trơ trẽn để kiếm ăn, ở một nước chỉ có 1 đảng, làm sao hiểu nổi có đảng đang tham dự vào chính quyền lại muốn rút ra như ở Đức. Hoặc ở Anh, ở Canada thủ tướng lại muốn hoặc cho giải thể quốc hội để có được một quốc hội ủng hộ mình, nhưng cũng có một nguy cơ là mất ghế mình, mất nội các và cũng mất thêm ghế của đảng trong quốc hội.
Trường hợp nực cười nhất là ở Ý, đảng trưởng đảng dân túy Lega Matteo Salvini muốn giải tán chính phủ liên minh với đảng 5 sao với hy vọng là trong cuộc bầu cử mới đảng ông ta sẽ có thêm đủ ghế để không còn phải liên kết với đảng 5 sao. Kết quả là đảng này mất tất cả các ghế trong nội các, riêng Salvini mất ghế phó thủ tướng và bộ trưởng bộ nội vụ, vì quốc hội không bị giải tán, chính phủ mới có được đa số tín nhiệm, nên không đưa tới việc quốc hội bị giải tán.
Nói chung những bước cờ này được thực hiện với hy vọng được sự ủng hộ của người dân, thêm ghế là thêm quyền lực để có thể thực hiện những quyết định của nhóm, của đảng mình, chứ không chịu thỏa thuận, hoặc đóng vai trò bù nhìn không thể theo đuổi được những mục đích mong muốn. Đây là những chiến thuật hợp pháp không có
gì trái với thể chế tự do dân chủ vì quyết định ai lên nắm quyền cũng là do lá phiếu của người dân, chứ không phải là cái loại thể chế mà ngay trong hiến pháp đã quy định đảng nào được phép ngồi trên đầu trên cổ người dân, không có tứ quyền độc lập (tính cả báo chí) để mà kiểm soát lẫn nhau.