Các nhà hoạt động muốn luận tội Tổng Thống Donald Trump. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)
Ngày Thứ Ba, 24 Tháng Chín, bà Nancy Pelosi nói sẽ bắt đầu việc điều tra để đàn hặc Tổng Thống Donald Trump, sau vụ ông Trump điện thoại cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky, đề cập tới việc điều con trai cựu Phó Tổng Thống Joe Biden về một vụ tham nhũng ở xứ Ukraine nhiều năm trước đây.
Theo thiển ý, bà chủ tịch Hạ Viện không nên đàn hặc ông Trump! Cứ bắt dầu cuộc điều tra nhưng không đi đến chỗ cuối cùng!
Bởi vì đàn hặc là một hành động chính trị, mặc dù bên ngoài trông giống như một vụ điều tra hình sự, truy tố và buộc tội trước tòa án.
Hiến pháp Mỹ quy định Hạ Viện đóng vai trò đàn hặc, tức là viết bản cáo trạng. Thượng Viện đóng vai xử án xem đương sự đáng kết án và phải từ chức hay không.
Nhưng tự bản chất đàn hặc mang tính chất chính trị; không mang phải là pháp lý. Quốc Hội, vì quyền lợi quốc gia có quyền tố cáo tội trạng một tổng thống, hay một bộ trưởng, một đại biểu hay quan tòa; nhưng Quốc Hội không có bổn phận phải đàn hặc nếu họ không thấy cần.
Vì đàn hặc là một hành động chính trị, cho nên nên được xét đoán với tiêu chuẩn chính trị: Đàn hặc Tổng Thống Donald Trump trong thời gian này có ích lợi cho nước Mỹ hay không? Nói riêng với bà Nancy Pelosi thì câu hỏi là: Đàn hặc ông Trump có lợi hay chỉ tai hại cho đảng Dân Chủ?
Trong thời gian tới, hai phe, những người ủng hộ ông Trump và những người chống ông sẽ tranh cãi xem ông Trump có làm gì để đáng bị đàn hặc hay không. Nhưng chúng ta có thể không cần đề cập đến chuyện này mà bàn ngay về lợi, hại chính trị của việc đàn hặc!
Trước hết, đối với đảng Dân Chủ, đàn hặc là một con dao hai lưỡi, không chắc đã hạ được đối thủ mà sẽ chỉ tự làm chính mình bị thương.
Hiện có 235 dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ, 198 người là Cộng Hòa, bà Pelosi có thể huy động đủ đa số dân biểu đồng ý đàn hặc ông tổng thống. Nhưng sau đó vấn đề được đưa lên Thượng Viện quyết định thì chắc ông Trump sẽ nắm phần thắng.
Ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số ở Thượng Viện, người luôn luôn ủng hộ ông Trump, có thể bỏ qua, không đưa đề tài này vào chương trình nghị sự! Ông đã từng làm như vậy rồi, năm 2016, khi ông không đem bàn đề nghị đưa Thẩm Phán Merrick Garland vô Tối Cao Pháp Viện; rồi cho chìm xuồng luôn!
Nếu Nghị Sĩ McConnel chịu đem vấn đề đàn hặc ra bàn, thì, khi Chánh Án Tối Cao Pháp Viện John Roberts chủ tọa, phải có 67 nghị sĩ đồng ý mới đủ để kết tội. Đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số 53-45 trong Thượng Viện sẽ không bao giờ muốn cách chức ông tổng thống!
Trong lịch sử đã có hai tổng thống Mỹ bị Hạ Viện đàn hặc rồi được Thượng Viện tha bổng, là Bill Clinton năm 1999 và Andrew Johnson năm 1868. Năm 1974, Tổng Thống Richard Nixon chỉ từ chức trước khi bị đàn hặc vì biết chắc chắn các đại biểu Cộng Hòa cũng bỏ rơi mình. Hiện nay, các đại biểu Cộng Hòa cần ông Trump hơn là ông Trump cần họ.
Cho nên, đối với bà Nancy Pelosi và các ứng cử viên đảng Dân Chủ năm 2020, đàn hặc là một canh bạc rất tốn tiền mà biết chắc cuối cùng sẽ phải thua. Ông chủ sòng có thể ngồi yên không làm chi cả cũng thắng lớn!
Nhưng chắc chắn ông ta không ngồi yên. Trong suốt thời gian thủ đô Mỹ tràn ngập chuyện đàn hặc hay không đàn hặc, ông Donald Trump sẽ lên tiếng công kích Giới Thượng Lưu Washington đang tìm cách “lật đổ” ông, một người đại biểu cho các tầng lớp dân chúng bị bỏ quên – những điều này ông từng hô hào từ năm 2016 và sẽ còn lớn tiếng nói tiếp trong năm 2020.
Khi Thượng Viện không đủ túc số để lật đổ ông, ông Trump sẽ tuyên bố đại thắng “Vũng Lầy Washington” và thêm một khẩu hiệu cho cuộc tranh cử năm 2020.
Một năm sôi nổi chuyện đàn hặc sẽ tai hại cho các ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ!
Cho tới nay, đảng Dân Chủ có một lợi thế nếu họ chỉ tấn công vào cá tính của ông Trump. Họ làm sao cho các cử tri tới năm 2020 nghĩ rằng quyết định bỏ phiếu của họ là lựa chọn ông Trump hay một người tánh tình khác hẳn Trump.
Nếu dân Mỹ phải chứng kiến tấn tuồng đàn hặc diễn gần một năm trên ti vi, người ta sẽ thấy đây là một cuộc đấu giữa một bên là ông Donald Trump, bên kia là bà Chủ Tịch Nancy Pelosi và Dân Biểu Jerrold Nadler, trưởng Ban Tư Pháp Hạ Viện. Chưa chắc nhiều Mỹ người ưa bà Pelosi hơn ông Trump!
Nhưng việc đàn hặc tai hại cho đảng Dân Chủ hơn cả là nó sẽ làm biến chứng ngay cả cuộc tranh cử sơ bộ năm tới.
Trong đảng Cộng Hòa thì giản dị, sẽ không ai có thể đẩy được ông Trump ra ngoài, nhưng trong đảng Dân Chủ sẽ có cuộc tranh hùng giữa năm bảy người. Nếu vụ đàn hặc diễn ra, các ứng cử viên tổng thống Dân Chủ đi tới đâu cũng sẽ bị người ta khỏi ý kiến về việc cất chức ông tổng thống! Lúc tranh luận trong nội bộ đảng họ cũng được hỏi chuyện này. Những người quá khích nhất, công kích ông Trump tàn tệ nhất, sẽ thu hút được nhiều phiếu nhất! Cuối cùng, các ứng cử viên Dân Chủ sẽ tranh đua nhau xem ai quá khích hơn ai! Họ sẽ bị lôi cuốn vào một câu chuyện có thể làm cho dân Mỹ phát chán, trong khi người ta biết trước kết quả sau cùng là ông Trump sẽ vẫn ngồi đó!
Đàn hặc một ông tổng thống là một hành động trọng đại cho nên hiến pháp Mỹ mới đòi hỏi 2 phần 3 các nghị sĩ chấp thuận. Cất chức một vị tổng thống tức là xóa bỏ kết quả một cuộc bàu cử do tất cả các cử tri người Mỹ bỏ phiếu! Vì vậy, muốn kết tội một tổng thống người ta đòi phải đi qua một quá trình khó khăn, phải có những chứng cớ không những về hành động của dương sự mà còn phải kể đến hậu quả tai hại nghiêm trọng của các hành động đó. Một cuộc đàn hặc mang nặng tính chất đảng phái sẽ làm mất uy tín của đảng nào đưa ra vấn đề đó.
Đối với người dân Mỹ không ngả về phía nào, cả vụ đàn hặc kéo dài hàng năm sẽ chỉ là một trò chơi đấu đá vô ích. Riêng một câu hỏi “Ông Trump có dáng bị đàn hặc hay không?” cũng sẽ gây tranh cãi, chia rẽ tất cả nước Mỹ. Người ta sẽ hỏi thêm: Màn trình diễn đàn hặc này, so với chuyện ông Trump nói gì với ông Zelensky, vụ nào tai hại cho nền dân chủ nước Mỹ nặng nề hơn?
Trong lúc đó thì ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, có thể ngồi rung đùi coi tuồng đàn hặc ở Mỹ. Nhiều người đã lên án ông Putin cho gián điệp xâm nhập vào mạng lưới truyền thông Mỹ trong cuộc bàu cử 2016 để chia rẽ dân Mỹ, phao tin đồn nhảm khiến người Mỹ thù ghét lẫn nhau. Bây giờ ông Putin không cần làm gì hết mà dân Mỹ đã chia rẽ đến cùng rồi!
Tóm lại thì bà Pelosi không nên tiến hành thủ tục đàn hặc ông Trump.
Từ cả năm nay bà Pelosi vẫn lờ đi không nói đến chuyện đàn hặc dù có nhiều đại biểu Dân Chủ thúc đẩy. Cho tới nay, bà mới tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra xem vụ ông Trump điện thoại cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky có đáng đàn hặc hay không, nếu ông Trump lại tìm cách che đậy. Nhưng bà Pelosi chưa nói gì đến chuyện cho Hạ Viện biểu quyết vấn đề này.
Năm 1974, lãnh đạo Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ đã cho biểu quyết một dự luật cho phép Ủy Ban Tư Pháp điều tra các hành động đáng đàn hặc của Tổng Thống Nixon. Có 410 người đồng ý, bốn người chống, cho thấy các đại biểu Cộng Hòa cũng bỏ rơi ông Nixon. Năm 1998, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Mỹ, do Cộng Hòa kiểm soát, cũng bỏ phiếu (21-16) quyết định mở cuộc điều tra đàn hặc Tổng Thống Clinton; vở tuồng đàn hặc lúc đó mới bắt đầu.
Hiện giờ, bà Nancy Pelosi chưa yêu cầu biểu quyết cái gì cả. Có thể chính bà thấy đàn hặc không có lợi, chẳng đáng thúc đẩy làm gì. Nhiều người đã xúi bà Pelosi bỏ qua chuyện đàn hặc, chỉ làm một nghị quyết “khiển trách” ông tổng thống về cuộc điện đàm với Ukraine mà thôi.
Nhưng “phe đàn hặc” trong đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ càng ngày càng đông! Không ai tiên đoán được tình hình sẽ biến chuyển ra sao khi bà Pelosi chịu áp lực của hàng trăm dân biểu cùng đảng!
28.9.2019

Donald Trump, nếu bị luận tội thì diễn tiến sẽ ra sao?

  • 26 tháng 9 2019
Trong lịch sử Hoa Kỳ, đã có hai Tổng thống bị luận tội là Andrew Johnson và Bill Clinton. Liệu ông Trump có là người kế tiếp?

 

 

Trong lịch sử Hoa Kỳ, đã có hai Tổng thống bị luận tội là Andrew Johnson và Bill Clinton. Liệu ông Trump có là người kế tiếp?

Đảng Dân chủ vừa quyết định mở cuộc điều tra để xem Tổng thống Donald Trump có nên bị luận tội do liên hệ của ông với Ukraine về cựu phó tổng thống Joe Biden.

Trong suốt cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về sự dính líu của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nhiều người đã kêu gọi luận tội ông Trump, nhưng lần này, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đi xa hơn, và thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề này.

Giới học giả pháp lý cho rằng, các vị tổng thống không thể bị truy tố khi còn tại chức, vì vậy cách duy nhất để bãi nhiệm họ là luận tội.

Nhưng việc luận tội một tổng thống phải qua những tiến trình nào? Và chính xác ai đã bị luận tội trong quá khứ? Câu trả lời có thế làm bạn ngạc nhiên…

Luận tội là gì?

Trong bối cảnh này, “luận tội” có nghĩa là buộc tội tổng thống trước Quốc hội, điều này sẽ tạo cơ sở cho một phiên tòa.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định là một tổng thống “sẽ bị bãi nhiệm khi bị luận tội và kết án các tội phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội hay tội nhẹ khác”.

Tiến trình luận tội khởi đầu tại Hạ viện. Bất cứ thành viên nào của viện cũng có thể đưa ra đề nghị luận tội nếu họ nghi ngờ là tổng thống phạm tội phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội hay tội nhẹ khác.Hạ viện sẽ xét những cáo buộc được đưa ra. Sau đó sẽ có cuộc bỏ phiếu. Nếu đa số đơn giản (51%) ủng hộ việc luận tội, tiến trình luận tội sẽ được đưa lên Thượng viện.

Một phiên tòa luận tội sẽ diễn ra tại Thượng viện.

Thượng viện đòi hỏi phải có 2/3 số phiếu ủng hộ thì tổng thống mới bị bãi nhiệm. Và cột mốc này chưa bao giờ đạt được trong lịch sử nước Mỹ.

Ai đã thực sự bị luận tội?

Mặc dù nhiều tổng thống phải trải qua tiến trình này, nhưng chỉ có hai tổng thống thực sự đã bị luận tội.

Gần đây nhất, Bill Clinton – tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ – bị luận tội với lý do khai man trước một bồi thẩm đoàn và cản trở công lý, sau khi ông nói dối về bản chất mối quan hệ của mình với Monica Lewinsky, và sau đó bị cáo buộc là đã yêu cầu Lewinsky nói dối về quan hệ đó.

Members of the House Judiciary Committee discuss articles of impeachment against US President Bill Clinton 11 December 1998AFP Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998

Hạ viện bỏ phiếu 228 thuận 206 phiếu chống ủng hộ luận tội Tổng thống Clinton cho cáo buộc thứ nhất, và 221 phiếu thuận 212 phiếu chống cho cáo buộc thứ hai.

Cần lưu ý rằng, tại thời điểm tháng 12 năm 1998, tỷ lệ tán thành của ông Clinton với tư cách tổng thống là 72%.

Tuy nhiên, khi phiên tòa đến Thượng viện năm 1999, nó đã thất bại trong việc đạt được số phiếu hai phần ba cần thiết để bãi nhiệm tổng thống.

Một bài phân tích BBC đưa ra vào thời điểm đó ghi nhận “trong sự háo hức muốn hạ bệ tổng thống, họ không bao giờ dừng lại để nghĩ xem liệu những cáo buộc đó có thể được chứng minh vượt quá sự nghi ngờ hợp lý hay không”.

Vị tổng thống thứ hai bị luận tội là ai? (Không phải Richard Nixon).

US President Bill Clinton (L) and First Lady Hillary (C) listen as US House Minority Leader Dick Gephardt (R) addresses the nation 19 December at the White House after the US House of Representatives impeached Clinton on charges of perjury and obstruction of justiceAFP Không giống ông Trump, tỷ lệ tín nhiệm ông Clinton rất cao. Trong ảnh: Ông Clinton, vợ Hillary và lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ Viện, ông Leader Dick Gephardt phát biểu sau khi ông bị luận tội.

Trên thực tế, vị tổng thống thứ hai bị luận tội là Andrew Johnson, người đã phục vụ bốn năm kể từ năm 1865. Ông là tổng thống thứ 17 của Mỹ.

Ông bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội năm 1868. Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ 11 ngày sau khi ông sa thải Edwin Stanton, Bộ trưởng Quốc phòng – một người không đồng ý với chính sách của ông.

Sự tương đồng giữa việc ông Edwin Stanton bị sa thải và việc giám đốc FBI James Comey – một người không đồng ý với ông Trump bị sa thải – đã được báo chí Mỹ lưu ý.

Tuy nhiên, không giống như ông Clinton, tổng thống Andrew Johnson thoát bãi nhiệm trong gang tấc: con số 2/3 phiếu thuận thiếu một phiếu duy nhất, nhờ một số đảng viên Cộng hòa.

Sau đó, thượng nghị sĩ tiểu bang Iowa James Grimes giải thích: “Tôi không thể đồng ý với việc phá hủy chuyển động hài hòa của Hiến pháp với mục đích loại bỏ một tổng thống không thể chấp nhận được”.

Ông Trump có thể bị luận tội không?

Phân tích của Anthony Zurcher, BBC News, Washington

Trong nhiều tháng nay, các nhà lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện đã chơi một trò chơi ngữ nghĩa. Họ muốn cả giới ủng hộ và phản đối một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump cùng nghĩ rằng họ đang được những gì mình muốn.

Chiến lược này cho thấy quan ngại của Nancy Pelosi và một số người khác rằng việc chọn con đường luận tội sẽ khiến các thành viên đảng Dân chủ ôn hòa có nguy cơ phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử khó khăn năm 2020.

Tính toán đó dường như đã thay đổi, sau những hồi trống dồn dập của tiết lộ mới về liên hệ của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bây giờ ngay cả các chính trị gia trước đó đang lưỡng lự cũng lên tiếng ủng hộ thủ tục luận tội.

Con đập đã vỡ. Thần đèn đã thoát ra ngoài. Bạn chọn ẩn dụ nào cũng được. Thực tế đơn giản là bà Pelosi – một thẩm phán sắc sảo về tâm trạng chính trị trong tập thể của mình – đã chuyển quyết định từ chống lại việc luận tội sang – ít nhất là – cởi mở với việc này.

Con đường phía trước không biết sẽ ra sao.

Chính quyền Trump có thể không hỗ trợ và chỉ cung cấp cho Quốc hội một số thông tin mà họ yêu cầu. Các cuộc trưng cầu dân ý có thể cho thấy diễn biến chính trị mới nhất đang gây thiệt hại cho bên này hay bên kia, khiến những quyết tâm chính trị sụp đổ. Hoặc, cả hai bên có thể đào sâu vào một trận chiến dài, mệt mỏi có thể kéo vào những ngày đen tối nhất của mùa Đông.

An engraving showing the impeachment trial of President Andrew Johnson in the Senate March 13, 1868GETTY IMAGES Phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson

Giả sử bị luận tội, liệu Trump có bị cách chức?

Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, do đó, ông Trump sẽ không bị cách chức trừ khi các thành viên của chính đảng ông phản ông.

Đại đa số những người Cộng hòa vẫn trung thành với Trump.

Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, như Thượng nghị sĩ Mitt Romney, người có tiếng nói đơn độc trong số các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi sự minh bạch của Nhà Trắng liên quan đến các liên hệ của ông Trump với Ukraine.

Nhưng có vẻ như ông Trump sẽ ở lại Nhà Trắng, nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong đảng Cộng hòa.

Trong vòng công chúng rộng hơn, tổng thống vẫn không được ưa chuộng lắm nhưng tỷ số mong muốn luận tội là thấp.

Một cuộc thăm dò của Đại học Monmouth được thực hiện trong tháng này – trước khi câu chuyện Ukraine xảy ra – cho thấy, 35% người Mỹ cảm thấy ông Trump nên bị luận tội.

Cuối cùng – tổng thống Nixon đã làm gì để tránh bị luận tội?

Ông đã làm những gì mà mọi người hiểu biết làm khi họ biết ‘thủy triều’ đã chống lại họ. Ông từ chức.

BBC