Nguyễn Chương – Mt
1
Đối với nước Việt chúng ta, trong thời kỳ độc lập tự chủ, trải qua nhiều triều đại luôn luôn có TÊN NƯỚC trùm lên tên gọi của từng vương triều.
Tên nước ĐẠI CỒ VIỆT 大瞿越 trùm lên triều đại nhà Đinh (Đinh triều 丁朝) và nhà Tiền Lê (前黎朝);
Tên nước ĐẠI VIỆT 大越 trải dài qua triều đại nhà Lý (李朝), nhà Trần (陳朝), nhà Hậu Lê (後黎朝)…
Tên nước VIỆT NAM 越 南 là “mẫu số chung”, bất luận khác biệt về thể chế chánh trị, trải qua nhà Nguyễn (阮 朝, thời vua Gia Long), rồi Đế quốc Việt Nam, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người Việt chúng ta không bao giờ dùng tên triều đại thay cho tên nước hoặc xóa bỏ tên nước: trong lịch sử chớ hề gọi “nước Đinh”, “nước Lý”, “nước Trần”, “nước Nguyễn”… mà chỉ là “nhà Đinh” (Đinh triều), “nhà Trần” (Trần triều) đi cùng với tên nước như Đại Cồ Việt, Đại Việt.
2
Quí bạn sẽ phải giựt mình nếu biết rằng bên Tàu, họ không có lối nghĩ đặt TÊN NƯỚC trùm lên tên vương triều như người Việt chúng ta!
Ở quốc gia phương Bắc kia, suốt hàng ngàn năm (cho tới trước năm 1911), họ KHÔNG đặt ra tên nước (quốc danh) riêng biệt mà lấy tên từng vương triều làm tên nước luôn!
Chẳng hạn, thời Chiến quốc có các vương triều Hàn 韓, Ngụy 魏, Sở 楚, Tần 秦, Tề 齊, Triệu 趙, Yên 燕. Họ đồng nhứt triều đại vua chúa với tên nước, gọi là: nước Ngụy (Ngụy quốc 魏 國), nước Sở (楚 國), nước Tề (齊 國), nước Triệu (趙 國)…
Nhà Tần thống nhứt thiên hạ, gọi luôn là nước Tần (秦 國), rồi Hán (漢), Tống (宋), Nguyên (元), Minh (明), Thanh (清)… Hoàn toàn KHÔNG có sự tôn vinh tên nước để bao trùm lên các triều đại, không hề xuất hiện tên nước là “Trung Hoa” 中華 hoặc “nước Trung” (Trung quốc 中国).
Ở đây, xin ghi chú để tránh nhầm lẫn: Trong thư tịch ngàn năm xưa, lẫn thời sau này, bên Tàu vẫn xuất hiện chữ “Trung Hoa”, “nước Trung” (Trung quốc)… trong phân định địa lý, lãnh thổ NHƯNG CHƯA BAO GIỜ NHỮNG DANH XƯNG NÀY CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH TÊN NƯỚC. Người Tàu chỉ biết có triều đại, triều đại và triều đại / vua chúa đồng nhứt với quốc gia.
Mãi cho tới năm 1911, với cuộc cách mạng Song thập (10/10/1911), Tôn Trung Sơn lập nên “Trung Hoa dân quốc” 中華民國. Rồi sau đó, cuối năm 1949, Mao Trạch Đông lập nên “Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc” 中华人民共和国.
Nói cách khác, vào thế kỷ 20 hai chữ “Trung Hoa” mới chính thức trở thành tên gọi quốc gia; sau đó, tên gọi “nước Trung” (Trung quốc) trở thành nhãn hiệu đặc trưng cho chế độ Mao Trạch Đông.
Nguyễn Chương – Mt
THAY LỜI KẾT
Nước Việt chúng ta ngày xưa, cả ngàn năm, chịu ảnh hưởng văn hóa Hán tự rất đậm. NHƯNG, ở đây trong ý thức đặt tên nước (quốc danh), tuyệt diệu thay, tiền nhân chúng ta hoàn toàn không đi theo “văn hóa Hán”! Nếu đúng kiểu văn hóa Hán, ắt phải gọi “nước Đinh”, “nước Lý”, “nước Trần”, “nước Lê”… Trái lại, từ ngàn năm trước, bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, nhà Đinh đã có ý thức đặt tên riêng cho lãnh thổ: TÊN NƯỚC trùm lên tên mỗi triều đại, bền vững hơn tên mỗi triều đại.
Điều đó tạo nên sức đề kháng mạnh mẽ, không chịu sáp nhập bởi lân bang phương Bắc.
Vì sao người Việt lại có ý thức về tôn vinh tên nước (khác với người Tàu phương bắc) sớm đến vậy? Tôi nghĩ, chủ đề này đáng được giới sử học, giới nghiên cứu tâm lý dân tộc học đổ công đổ sức để “giải mã”.