Gellert Nguyễn

12-11-2019

Thượng toạ Thích Trí Quang đã ra đi nhưng để lại cho hậu thế những suy ngẫm đáng nói. Di huấn để là “không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu, không vòng hoa, không đưa đám“.

Đây là một thái độ khôn ngoan, vì Thượng toạ không muốn gây thêm các lời bình luận ồn ào. Thật ra, có mấy ai còn nhớ đến Thượng toạ khi lịch sử đất nước sang trang từ lâu, chì còn chăng là nhưng người quan tâm đến vai trò của Phật giáo trong lịch sử cận đại.

Vai trò của Thượng toạ trong phong trào Phật giáo đấu tranh, nhiều sách vở đã bàn đến: Lật đổ chế độ để bảo vệ đạo pháp? Là Cộng Sản hay CIA? Tại sao thành công trong năm 1963 mà thất bại trong năm 1966 và thất sủng sau năm 1975? Là người trong cuộc, đáng lý ra Thượng toạ phải lên tiếng biện minh cho hành động của mình. Thượng toạ cũng đã viết sách về cuộc đời mình và kết luận né tránh gây thất vọng cho độc giả. Trong sách Trí Quang tự truyện (2011), Thượng toạ không soi sáng các vấn đề mà độc giả quan tâm. “Tôi không biết gì, không có ý gì nên cuộc đời tôi không vẫn hoàn không“.

Vấn đề không phải Thượng toạ có công hay tội, quyết định sáng suốt hay sai lầm, nhưng tại sao khi có can đảm gây vang động trong lịch sử, mà lại thiếu can đảm trình bày động cơ hành động của mình cho hậu thế, đó là một ý thức trách nhiệm. Nay Thượng toạ đã ra đi, không ai có thể thay thế để lý giải vấn đề, một bí ẩn còn lại cho những người thiết tha với sự thật của lịch sử.

Còn học trò của Thượng tọa cũng lên tiếng ca ngợi thầy để gọi là đốt nén hương lòng toạ, không thể khá hơn: “Còn tất cả chỉ là một nhầm lẫn to tướng không cần cải chính, bình luận: người ta tưởng nhầm Thầy muốn làm Richelieu, hồng y, thủ tướng của vua Louis XIII nước Pháp. Sự thực, Thầy tôi muốn cao hơn thế: Thầy muốn làm ông thầy tu”.

Đúng, một thầy tu quay lưng với những hành động của mình trước lương tâm và lịch sử. Thầy còn sợ ai mà không dám lên tiếng khi Giáo hội Ấn Quang bị xoá sổ và Phật giáo quốc doanh suy tàn như hiện nay? Một điều mà đệ tử của thầy không nhận ra và ca ngợi thầy cũng vô trách nhiệm không kém.

Người Pháp có câu: “Dối gian như những điếu văn”. Câu này vẫn còn đúng. Thật là đáng tiếc cho lập trường chính trị và tinh thần vô uý của cả hai. Cho dù bia đá của lịch sử mòn đi, nhưng may mắn thay cho hậu thế là bia miệng vẫn còn trơ trơ. Dĩ nhiên mọi xét đoán tùy theo từng cá nhân.

Tiếng Dân

THẦY TRÍ QUANG

Một trang lịch sử

 

Cao Huy Thuần

 

(Thầy tôi, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, vừa thị tịch hôm qua, 8-11-2019. Di huấn để lại: không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu, không vòng hoa, không đưa đám. Tôi chỉ xin phép Thầy thắp một nén nhang tưởng niệm)

Tôi có hai lần khai sinh. Lần thứ nhất khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi cho tôi hình hài, máu huyết. Nhưng tôi chưa biết tôi là ai, sống như thế nào, trên đường nào tôi sẽ đi. Sinh ra, tôi có hai mắt. Nhưng chưa thấy đường đời. Phải đợi đến khi lên chùa Từ Đàm, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, tôi mới thấy con đường sẽ đi. Thảo nào chữ nghĩa bác học gọi con đường là đạo. Thấy đạo, tôi khai sinh cho tôi.

Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức đại học Huế họp nhau tại trường Đại học sư phạm để quyết định về việc ra một tờ báo tranh đấu tiếp nối khí thế của “cách mạng” 1963, chống lại khuynh hướng lập một “chế độ Diệm không có Diệm” được người Mỹ ủng hộ. Trong dự định ban đầu, tờ báo là tiếng nói của lực lượng giáo chức và sinh viên Huế đã tham gia vào việc lật đổ Diệm. Chuếnh choáng hơi men chiến thắng của một cuộc nổi dậy thành công, tham vọng của chúng tôi là biến đại học thành một thành trì chống độc tài. Tuổi trẻ thường có những giấc mơ phạm thượng. Buổi họp giao cho ba chúng tôi, anh Tôn Thất Hanh, anh Lê Tuyên và tôi, trách nhiệm suy nghĩ và điều khiển tờ báo. Tên của tờ báo, Lập Trường, là do chúng tôi đặt ra.

Lúc đó tôi 27 tuổi. Ít lâu sau buổi họp, tôi được mời ăn cơm với ông tướng chỉ huy Vùng I chiến thuật. Khi đó tôi mới thấy mình đang chơi một trò chơi quá so le trước gươm giáo, với một tuổi đời còn quá non và một tầm nhìn không xa hơn quyển sách. Quần chúng, tờ báo có. Nhưng dăm ba anh nhà giáo thì an ninh quân đội muốn tóm lúc nào chẳng được? Nương thế “cách mạng”, chúng tôi ra báo không cần xin phép, nhưng anh sĩ quan tâm lý chiến đang ngồi ăn cơm chình ình trước mắt tôi, tôi qua mặt anh ta được chăng? Viết bài thì phải có lập trường chống Cộng hẳn hoi, anh ta khuyên nhủ thế, không chống Cộng tức là thân Cộng. Tôi viết thế nào đây? Viết thế nào khi có một bức màn sắt chia hai giữa quân đội và quần chúng, một bên biện minh rằng đảo chánh Diệm là để chống Cộng tốt hơn, một bên đòi thanh trừng vây cánh của chế độ cũ để khỏi bị độc tài đàn áp nữa? Trong tình thế đó, Lập Trường là con chuột nhắt khốn đốn dưới nanh vuốt của ba con mèo: tướng tá, người Mỹ, và dư đảng Cần Lao của ông Diệm.

Về chiến thuật, chúng tôi có thể tạm thời tìm đường sống bằng cách khai thác mâu thuẫn quyền lực giữa các tướng tá cát cứ mỗi vùng để giữ một thế đứng độc lập ở miền Trung, làm đối trọng với thủ đô Sài Gòn. Nhưng đó không phải là một cái thế trường kỳ. Cũng về chiến thuật, chúng tôi có thể nói với người Mỹ: ông chống Cộng mà không có dân thì ông chống với ai? Ông hô hào tự do mà ông không để cho dân tự định đoạt vận mệnh của mình bằng lá phiếu thì ông tự do chỗ nào? Nhưng đó là lấy lý nói với lý; trên thực tế người Mỹ đâu có làm chiến tranh vì lợi ích của dân Việt Nam? Chỉ với hai con mèo ấy thôi, chuột nhắt chúng tôi đã chưa biết tờ báo sẽ sống chết lúc nào. Nói gì con mèo thứ ba, các lực lượng tôn giáo quá khích, sinh ra và lớn lên nhờ chiến tranh. Chỉ với một lý luận này thôi, họ đã dồn chúng tôi vào chỗ bí: quốc sách đã là chống Cộng, vậy thì chỉ có chống Cộng với những lực lượng chống Cộng, không thể chống Cộng với những kẻ lừng khừng.

Chỗ dựa duy nhất của chúng tôi là quần chúng đang căm giận dư đảng của chế độ cũ. Nhưng quần chúng mà không có tổ chức thì khác nào gạch đá không có xi măng? Sự thế hiển nhiên thúc đẩy chúng tôi đi tìm xi măng. Nghĩa là lên chùa Từ Đàm! Chứ đâu nữa? Từ Đàm chẳng phải là nơi đã khởi đầu và tạo nội dung, hình hài, ngọn lửa cho cuộc tranh đấu hay sao? Tôi phải kể rõ ngọn ngành như vậy để giải thích tại sao một tờ báo bắt nguồn từ đại học lại trở thành một tờ báo được xem như tiếng nói bán chính thức của Từ Đàm, nghĩa là của Phật giáo.

Chùa không làm chính trị: thái độ đó của Phật giáo chắc như đinh đóng cột. Lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi cũng vậy, trùng hợp với chùa như bản chính với bản sao, có ông trời đóng dấu. Hồi đó, Sartre là ông thần triết lý của thời đại chúng tôi, và vở kịch “Les mains sales” của ông làm chúng tôi mê tít: chính trị là lĩnh vực của “những bàn tay bẩn” mà chúng tôi ghê tởm. Chúng tôi đang say men tranh đấu, chưa thừa hưởng được bả rượu chính trị của các bậc trưởng thượng. Lên chùa Từ Đàm với tâm hồn phơi phới giống như đi tìm lại thời gian chưa mất, nói phỏng theo văn chương của Proust. Một lần nữa, tôi kể rõ ngọn ngành như vậy để trả lại cho César cái gì của César: tờ Lập Trường không phải là do chùa Từ Đàm lập ra, không phải là công cụ chính trị của Thầy tôi.

Thầy tôi, Trí Quang, ngồi trong phòng khách, nhìn ra sân khi chúng tôi đến. Thầy chào bằng một nụ cười, trên miệng và trên mắt. Hai mắt là cái hồn trên mặt Thầy. Mắt Thầy sáng quắc, dữ. Sau 1963, quần chúng thần tượng hóa lãnh tụ, kháo nhau “mắt Thầy có điện”. Cặp mắt ấy quyến rũ tôi ngay từ phút đầu, không phải vì “có điện” mà vì nó trở nên hiền hòa ngay khi Thầy cười. Hai con mắt Thầy cùng cười với miệng, cái dữ biến đi đâu mất. Với cái hồn hiền hòa ấy trên mắt Thầy, tôi quên tuốt đã nói chuyện gì buổi chiều hôm đó, hình như chẳng có chuyện gì quan trọng, hình như cũng chẳng đề cập đến cả tờ báo, hình như giữa bản sao với bản chính có chuyện gì nữa đâu mà nói với ông trời. Thế mà, khi từ giã Thầy, chúng tôi có cảm tưởng như mình đã là chiếc đũa trong một bó, muốn bẻ gãy cũng không dễ. Tờ báo ra đời sau đó. In ở nhà in đại học và trong sự chờ đợi nóng hổi của quần chúng, in bao nhiêu cũng không đủ bán, bán cũng không nghĩ đến chuyện thu tiền. Đó là giấy khai sinh thứ hai của tôi.

Tờ báo ra đời trong bối cảnh “cách mạng” 1963 bị phản bội. Lý lẽ của chiến tranh buộc người Mỹ ủng hộ tích cực những lực lượng chủ trương chiến tranh; những lực lượng này, được thể, quay lại trả thù những người đã tham gia lật đổ chế độ cũ. Diệm đổ, nhưng chính quyền Diệm vẫn còn y nguyên từ trung ương đến xã thôn, với bộ máy đàn áp không suy suyển. Chiến tranh cho phép họ trả thù với một lý lẽ sơ đẳng và đui mù như bom đạn: chúng nó là cộng sản, chúng nó tiếp tay cho cộng sản, cộng sản mạnh lên là vì chúng nó. Chiến tranh còn cho phép họ trả thù những người cầm đầu phong trào một cách “hợp pháp” trâng tráo: tóm chúng nó đi lính là xong! Ai muốn hiểu những diễn biến chính trị trong những năm 1964-66 chỉ cần suy nghĩ trên sự đối đầu giữa hai tranh chấp về thừa kế: thừa kế Diệm hay thừa kế phong trào lật đổ Diệm. Thừa kế Diệm tức là tiếp tục chiến tranh và dựa trên chiến tranh để nắm quyền. Thừa kế 1963 là đòi tuyển cử để lập một chế độ mới. Khí giới của phe kia là bom đạn. Khí giới của phe này là lá phiếu. Có một lúc, người Mỹ cũng bị phanh thây: họ thừa biết bom đạn không giải quyết được tất cả, làm chiến tranh mà không có dân thì khác nào lùa dân qua phía cộng sản. Nhưng, như một ngạn ngữ của họ đã nói, rốt cuộc “chim cùng lông thì cùng bay với nhau” (birds of a feather flock together).

Thế nhưng, oái oăm của thời cuộc, dân chúng cũng không phải là con số không, dù là trước mắt tướng tá. Lồng trong chiến tranh còn có một bối cảnh khác cũng lao xao binh khí: tranh giành quyền lực giữa các ông tướng chỉ huy các vùng chiến thuật. Giữa họ với nhau, đảo chánh lật nhau không khó; giữ thế đứng của mình trong vùng cát cứ khó hơn, mà muốn thế phải dựa vào dân, trước hết là mấy ông “nhân sĩ” được dân nghe. Chúng tôi, ở miền Trung, có cái thế đó để đối đầu với các ông tướng ở Sài Gòn và đòi họ “cách mạng”. Trong bối cảnh ấy, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ra đời tại Huế năm 1964. Do tờ Lập Trường chủ xướng, hành động này là để bảo vệ thành quả của 1963, chống lại một cuộc đảo chánh ở trung ương của phe tướng tá thân chế độ cũ. Tổ chức này cũng vậy, không do Thầy tôi đẻ ra; lúc ấy Thầy đang ở Sài Gòn. Ai học lịch sử cách mạng Pháp đều biết Comité de Salut public. Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc là dịch nguyên văn tổ chức của Robespierre. Trong đầu bọn trẻ trí thức nửa mùa chúng tôi hồi đó, 1963 như được ủ hơi men của cách mạng 1789 thần thoại.

Ra đời chưa kịp khóc ba tiếng, các tỉnh ở miền Trung đã tức tốc đẻ theo, cùng một khuôn, một mặt, các HĐNDCQ địa phương. Tự động đẻ. Chẳng do chỉ thị một ai. Rồi cũng tự động, các HĐNDCQ khắp miền Trung kéo nhau về Huế để thống nhất đường lối. Tranh đấu trở thành chính trị. Mà toàn là tự động! Ký giả ngoại quốc bắt đầu kéo nhau đến Huế, tưởng như sắp chứng kiến một màn thay bậc đổi ngôi. Người Mỹ lân la dọ ý chúng tôi về tướng Thi, tư lệnh Vùng I, tưởng như HĐNDCQ sắp sửa làm bàn đạp cho một người hùng mới. Miền Trung bỗng nhiên trở thành trung tâm chính trị mà Huế là đầu não một cách tự phát, tự phất. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, chẳng cần biết lãnh tụ của HĐNDCQ là Bác sĩ Quyến hay là ai. Mơ hồ, họ chỉ thấy ai đó “đằng sau” tờ Lập Trường, nghĩa là Thầy tôi.

Họ thấy như vậy cũng không phải là vô căn cứ. Không có Thầy, sao lại có một “Thư về Huế” của Thầy đăng trong Lập Trường, ngày 23-5-1964? Thầy viết: “Tiếng “thầy” được kêu lên trong khi chết chóc, trong cơn điên loạn, trong những ngày Từ Đàm bị bao vây và tấn công như một chiến khu, tiếng “thầy” được gọi lên trong nước mắt và máu, tiếng “thầy” đó, tôi biết Phật tử Huế đã dành cho tôi”. Giữa lãnh tụ và quần chúng, mấy ai có được sự gắn bó thiết tha như vậy. Chừng đó thôi, mấy lời tình cảm huyết lệ ấy đủ để quần chúng biết Thầy ở đâu mà đứng theo Thầy. Từ tờ Lập Trường cho đến HĐNDCQ, tôi lặp lại, trí thức ở Huế không phải là công cụ của Thầy, Thầy không nhúng tay vào bất cứ hành động nào của họ, nhưng không có Thầy thì họ không phải là họ, được dân thương đến thế. Ai muốn hiểu Thầy tôi thì hãy hiểu Thầy qua ngọn lửa Quảng Đức, đừng lầm Thầy như một chính trị gia, vị thế đó thấp kém lắm, không xứng đáng với Thầy. Tự gánh trên vai trách nhiệm về ngọn lửa Quảng Đức, Thầy không thể cho phép thời cuộc phản bội lại ngọn lửa đó, chỉ thế thôi.

*

Nhưng thời cuộc không phải lúc nào cũng chiều Thầy. Miền Trung, trở thành một trung tâm chính trị, sẽ đưa Thầy vào một thế khó xử, khi tranh chấp giữa địa phương với trung ương leo thang đến mức ly khai. Ly khai? Sao nghe được! Nhưng bỏ quần chúng nửa đường, sao đành! Thầy như một sĩ quan chỉ huy một chiến hạm bị địch bắn đắm, danh dự phải giữ là chịu đắm theo tàu. Đây là nguồn cơn của biến động miền Trung năm 1966. Một biến động đè nặng trong lòng Thầy, khó nguôi.

Bối cảnh của 1966 là chiến tranh lan rộng, tiến gần thành phố, ban đêm đại bác đã dội về tận Sài Gòn, làm rung cửa sổ. Từ chống chiến tranh, Phật giáo đứng lên đòi hòa bình, theo đề nghị của Thầy. Tiếng nói đó làm phiền cả hai bên, nhưng trực tiếp và sát cạnh là người Mỹ. Đòi cách mạng, họ còn nhịn. Đòi hòa bình, họ nổi khùng. Làm sao vượt qua chống đối của họ bằng chính triết lý căn bản của họ? Thầy đòi bầu cử Quốc hội lập hiến. Trong khí thế sôi động ở miền Trung, Thầy nghĩ ảnh hưởng sẽ lan vào Sài Gòn và bầu cử sẽ bất lợi cho những ai chủ trương chiến tranh. Mà thật vậy! Không riêng gì miền Trung, toàn thể các tỉnh đến tận Sài Gòn, mọi tầng lớp dân chúng, chỉ trừ những lực lượng tôn giáo sống chết với chiến tranh, nhiệt liệt ủng hộ chủ trương bầu cử để thay thế chế độ tướng tá bằng một chính phủ dân sự. Dân chúng biểu tình ở Sài Gòn, chiếm cả sân bay Tân Sơn Nhất, kêu gọi đình công, trương cả biểu ngữ “Yankee Go Home”. Miền Trung thì khỏi nói: ngay cả quân nhân, ngay cả tướng tư lệnh, cũng sát cánh với dân thường, cảnh sát, công an sát cánh với công chức, trí thức, sinh viên, thương gia, tạo nên một phong trào đòi hỏi bầu cử. Đố một ông tướng nào tại vị ở miền Trung mà dám đi ngược lại phong trào. Đố Thiệu-Kỳ đưa được một tướng khác thay thế. Đố ông Kỳ lột chức được thị trưởng Đà Nẵng bằng cách nào khác hơn là dọa bắn vào đầu ông Mẫn. Phe quân đội chia hai: một bên là đồng minh của Thiệu-Kỳ, dựa trên những đảng phái và tôn giáo thánh chiến, sợ bầu cử sẽ có lợi cho Phật giáo; một bên là đồng minh của miền Trung, quân và dân hiếm khi một dạ một lòng như vậy. Một lòng đến nỗi tư lệnh sư đoàn I huấn luyện quân sự cho sinh viên, thanh niên, phát vũ khí cho họ để bảo vệ Huế, tiếp ứng Đà Nẵng, dọa sẽ chống lại Kỳ nếu Kỳ dùng bạo lực.

Quân và dân sát cánh tại miền Trung thì người Mỹ sát cánh với Thiệu-Kỳ trong chiến dịch đàn áp và phân hóa Phật giáo. Họ sẽ phân hóa được bằng cách lập một cánh Phật giáo đối nghịch với Thầy tôi. Nhưng trước khi đó, họ thẳng tay đàn áp phong trào cái đã, tại Sài Gòn trước, tại miền Trung sau. Phân hóa hay đàn áp, mục tiêu họ nhắm là Thầy tôi. Triệt hạ Thầy thì triệt hạ được phong trào hòa bình, đập nát được thanh thế miền Trung mà Westmoreland, mà Taylor, mà Lodge, mà Rostow xem như thành trì Phật giáo. Hơn thế nữa, triệt hạ Thầy tôi thì họ sẽ tương kế tựu kế tổ chức được một Quốc hội theo ý họ, gạt Phật giáo vĩnh viễn ra khỏi các cơ quan dân cử, leo thang chiến tranh. Súng đạn đi đầu lá phiếu.

Lấy cớ trừng phạt ly khai, ông Kỳ dồn đại quân ra Đà Nẵng, nhắm Huế. Dân chúng tự động đem bàn thờ ra ngoài đường để cản chiến xa từ Quảng Trị vào An Hòa. Trong vòng nửa giờ, các đường chính của thành phố Huế đã đầy bàn thờ Phật. Thầy nói: Thầy bị động. Trước sự đã rồi, Thầy ra lệnh chính thức. Quần chúng thỉnh Phật ra đường, hương án trang nghiêm, tụng niệm như ở trong nhà, như ở trong chùa. Kỳ điều đình với Thầy. Thầy không trả lời. Kỳ giới nghiêm, tung tiểu đoàn “Trâu Điên” xung kích, bắn, bắt, đánh, đập, uống bia cho say rồi vung chai đập đánh, đánh cả sinh viên, học sinh.

Trước đó, binh sĩ Vùng I và sinh viên “quyết tử” đã quyết ăn thua đủ với Kỳ, dàn trận bên này đèo Hải Vân, chực nổ súng. Công binh đã đặt mìn, sẵn sàng phá hủy các cầu từ Đà Nẵng ra, từ Quảng Trị vào, cắt đứt tiếp vận từ Quảng Trị. Tại Huế, đại pháo và đại liên đã được bố trí dọc theo kỳ đài, chỉa xuống bộ tư lệnh giới nghiêm đóng tại Phu Văn Lâu. Quân nhân hỏi ý Thầy. Đau xót: ông thầy tu trong Thầy không cho phép Thầy dùng bạo lực. Đưa bàn thờ ra đường là tranh đấu bất bạo động. Nổ súng là bạo động, Thầy đành bảo họ hủy mìn, dẹp súng. Nội chiến là chuyện Thầy không làm, dù hậu quả là cả quân lẫn dân Phật tử bị bắt, bị đàn áp sau đó. Thất bại, Thầy đành chịu. Nhưng bất bạo động là kim chỉ nam của Thầy. Khí giới duy nhất của Thầy là tuyệt thực. Bị bắt và giải về Sài Sòn, Thầy tuyệt thực đúng 100 ngày.

Trong biến cố 1966, một tờ báo lớn Mỹ đặt câu hỏi to tướng: Ông Trí Quang muốn gì? Muốn gì mà ông chống hết chính quyền này đến chính quyền khác? Muốn gì mà ông không biết nhân nhượng? Muốn gì mà ông đòi Quốc hội? Rồi muốn gì mà ông hết đòi Quốc hội lại chống Quốc hội? Trong bấn loạn hỏa mù của đảo chánh và chiến tranh, của ngoại thuộc và nội chiến, nếu chịu khó nhìn và hiểu thì những gì mà Thầy tôi muốn cực kỳ đơn giản, có thể tóm gọn vào trong một bức thư, “Thư về Huế” mà tôi đã nói ở trên.

Thầy tôi muốn gì năm 1964? Dân đã lật ông Diệm thì cứ tưởng là rạng đông sẽ sáng sau đêm tối âm u. Nhưng ai ngờ! “Ai ngờ sự vận động để cải thiện chính sách thực đã không đơn giản như chúng ta tưởng. Đảo chính quá dễ nhưng cách mạng quá khó. Hóa cho nên đời sống hiện tại của chúng ta và của tín ngưỡng chúng ta gần như vẫn ác mộng giống quá khứ và chưa chừng mà tiếp tục cả đến tương lai”. Thầy muốn gì? Muốn cái đuôi của ông Diệm không làm khổ dân và khổ Phật giáo.

Bằng cách nào? “Nỗ lực và nỗ lực một cách liên tục để chấm cho dứt những chính sách không phù hợp với sự sinh tồn của Dân tộc và Phật giáo, phát triển Phật giáo bằng sự thực hiện của bản thân mà không bằng cách làm thương tổn các tôn giáo khác, càng nêu cao đức tính Từ bi bao nhiêu lại càng thực hiện đức tính Vô úy bấy nhiêu: đó là “ý thức Phật tử” đơn giản vô cùng nhưng khó khăn vô tận”.

Đúng là khó khăn vô tận, vì Thầy thất bại năm 1966. Nhưng thế nào là “ý thức Phật tử” vào thời cuộc 1966? Là đại bác dội đêm, là chiến tranh, là phải hòa bình. Có người tưởng Thầy tôi đòi hỏi Quốc hội để chiếm đa số, để khuynh loát, để thủ diễn vai tuồng mới trên chính trường miền Nam. Họ chịu khó nhìn chính trị ở miền Nam một cách lô gích thì biết Thầy tôi muốn gì: chừng nào còn chiến tranh, chừng đó còn người Mỹ; chừng nào còn người Mỹ, chừng đó còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh; chừng nào còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh, chừng đó còn những thế lực ăn theo chiến tranh; chừng nào còn những thế lực ăn theo chiến tranh, chừng đó Phật giáo còn bị đè xuống, chận họng. Cách giải quyết vấn đề, đứng trên cương vị của một ông thầy tu, là tháo vất cái mắc xich đầu tiên, là chấm dứt chiến tranh! Thế là làm chính trị hay sao?

Thầy tôi mang đủ thứ tiếng. Có người nói Thầy thân Cộng. Có người nói Thầy thân Mỹ. Có lúc Thầy được đội cả hai cái mũ một lần. Lẳng lặng, Thầy nói với người thân: “Càng nhiều mũ càng tỏ ra thật không có mũ nào. Trái lại, càng nhiều mũ càng tốt: càng làm cao lên, và rõ ra, cái tư thế đặc biệt của Phật giáo. Nên Phật giáo không cần tránh mà còn cần đến cái tác dụng nghịch lý ấy”.

Chính cái nghịch lý ấy làm nên Thầy. Thầy là một nghịch lý to tướng. Một ông thầy tu có tầm cỡ và sức thu hút đặc biệt của một nhà chính trị lớn, lớn nhất miền Nam lúc đó, nhưng lại từ khước cái khả năng hiếm có ấy để làm ông thầy tu. Câu hỏi mà các ký giả Mỹ đặt ra về Thầy không phải là không có căn cơ: họ bị Thầy thu hút như một tài năng chính trị, nên họ không thể tưởng tượng Thầy thật không muốn làm chính trị. Họ lầm.

Bây giờ thì chắc người ta hiểu Thầy hơn. Thời thế bắt buộc Thầy phải xông trận, như một người lãnh đạo. Nhưng đó là cái thế bất đắc dĩ của một ông thầy tu cỡ lớn, quá lớn để từ khước một trách nhiệm đặc biệt mà lịch sử bất thần đặt lên vai. Nhưng Thầy không bị lịch sử lừa phỉnh để đi vào con đường khác với con đường của ông thầy tu. Cái vui thú của Thầy là lúc Thầy được xa cái chợ chính trị để làm cái việc của ông thầy tu là dịch kinh, giảng kinh. Trăm ngày tuyệt thực, đó là lúc Thầy vui. Vì Thầy làm được cái việc Thầy muốn: viết được hai bản thảo “Nghiên cứu Khởi tín luận” và “Khảo luận Tây du bằng Duy thức học”. Ông thầy tu tuyệt thực như thế nào, với tâm trạng gì? Thầy nói: “Có hai việc mà tuyệt thực tuyệt đối phải có. Một là phải có một tâm thức thanh thản, không buồn, không giận, không cầu hồ gì. Không cầu chết cũng không sợ chết, tiếp cận hoàn toàn với đức hỷ xả của Phật. Hai là tuyệt đối không ăn, dĩ nhiên, cũng không uống, không chích bất cứ thứ gì”. Thân thì không ăn uống, tâm thì hỷ xả. Ấy là ông chính trị gia hay ông thầy tu?

Thầy tôi có thắng có bại trong hành động, như bất cứ ai hành động. Nhưng thắng, Thầy dành cho người khác hưởng; bại, Thầy nhận một mình. Thắng hay bại, Thầy đều cô đơn. Suốt đời, Thầy cô đơn. Sau mỗi tranh đấu thắng lợi, bao giờ cũng có lắm anh chính khách xun xoe sau lưng các lãnh tụ. Ai tranh đấu bên cạnh Thầy chỉ hưởng cơm hẩm nước rau. Suốt đời, Thầy không nhân nhượng với cái gian, cái ác, cái xảo quyệt, cái ma lanh ma lẹ của bán buôn chính trị. Về riêng Thầy, có lần tôi nghe Thầy nói một câu bâng quơ: nước trong quá thì không có cá. Có gì để nhậu nhẹt trong cái am của Thầy đâu! Ai chơi hoa, cắm hoa đều biết: dù hoa thanh khiết đến bao nhiêu đi nữa, sau ba ngày thì nước trong bình bắt đầu hôi. Có kẻ chỉ thấy hoa đẹp, không thấy nước hôi. Thầy thấy nước hôi, không dùng hoa đó để cúng Phật. Tôi học được ở Thầy cái nhìn đó để không sợ cô đơn trong cuộc đời. Và trong sự thật.

*

Thầy sống cô đơn như vậy từ sau 1975 đến nay, không màng thế sự, khen chê, không thanh minh, không tiếp khách. Thầy sống như Thầy đã tuyệt thực, thanh thản dịch kinh. Thầy sống như để trả lời câu hỏi về Thầy ngày trước: Thầy chỉ là một ông thầy tu không hơn không kém, bây giờ cũng như bao giờ. Có điều là ông thầy tu này có cặp mắt sáng quắc, dữ thì thật dữ mà hiền thì thật hiền, khi dữ thì Vô úy, khi hiền thì Từ bi, hai chữ đỏ như son trong Lập Trường ngày trước. Tôi không biết nên nói gì với tuổi trẻ ngày nay ngoài hai chữ mà tôi đã học được ngày xưa.

Vô úy, ai cũng đã thấy nơi Thầy. Không sợ! Còn Từ bi? Từ bi không phải chỉ là lòng thương. Phải là lòng thương nào có thể vừa cho vui vừa cứu khổ. Điều này, Phật tử ai cũng rõ. Nhưng ít ai biết tại sao phải từ bi như là một định luật. Thầy giảng: tại vì sống là tương quan, không ai có thể sống một mình, cho nên sống là phải giúp nhau, cho vui và cứu khổ lẫn nhau. Lòng từ bi đó tạo cho mình cái nhìn bình đẳng: thấy tất cả đều khổ, do đó mình phải cho vui và cứu khổ hết thảy.

Thầy giảng, tôi hiểu suốt. Và tôi biết đó là lý tưởng của Thầy, Thầy sống như vậy. Nhưng thắc mắc của tôi là ông thầy tu của tôi từ bi như thế nào trong những hành động mà dù muốn dù không cũng mang tính chính trị? Tôi đọc Thầy: “Cứu cánh của từ bi là thấy người với mình là một, thân người tức thân ta… Do từ bi, mình tự đưa mình ra chịu khổ cho người. Xem tất cả như con một, thấy thân người như thân mình, thì còn có gì mà không làm nổi?”

Thầy tôi rất Thầy tôi ở mấy chữ “còn có gì mà không làm nổi”. Người ta nể Thầy, sợ Thầy, phe nào cũng sợ Thầy là vì ở Thầy toát ra mấy chữ ấy. Nhưng cái gì nơi người ta sợ Thầy? Cái gì sợ từ bi? Cái ác! “Nhất là vào thời đại này – Thầy viết – thời đại mà về mặt tâm lý ta có thể thấy rõ rệt khắp đây đó hiện thân của lòng tàn ác. Tàn ác, như một ngọn lửa tỏa khói đen nghịt và cao ngất, phủ bọc lấy loài người đau khổ. Mà chống lại lòng tàn ác thì chỉ có lòng từ bi”.

Phải đọc thêm một câu nữa để thấy văn tức là người, giọng văn của Thầy thế nào thì Thầy sắc như thế ấy, hiện thân ra như thế ấy trước mắt đối phương, nghĩa là cái ác: “Bởi vậy, kẻ nào mỉa mai rằng thời đại này mà còn nói đến chuyện từ bi, thì kẻ ấy chính là kẻ đang tàn ác. Kẻ nào trực tiếp hay gián tiếp làm tổn thương đến uy lực của từ bi là kẻ tội ác của nhân loại, kẻ gieo thảm họa cho loài người. Nếu phải thí dụ kẻ đó là kẻ ma quân thì ma quân ấy chỉ khiếp sợ mỗi một tâm lý độc nhất, tâm lý từ bi mà thôi”.

Tôi gặp Thầy tôi khi lịch sử Phật giáo và lịch sử chính trị miền Nam mở đầu một giai đoạn mới với ngọn lửa Quảng Đức. Lịch sử đã chọn Thầy tôi làm kẻ đứng mũi chịu sào trong giai đoạn đó vì lịch sử biết Thầy chống cái ác như thế nào với một tâm lý gì. Bốn phương tám hướng đều thấy: ngọn lửa Quảng Đức là ngọn lửa từ bi. Riêng tôi, ở trong tầm mức thấp bé của một người thường, tôi thấy ngọn lửa đó tiếp tục cháy trong mấy câu hoài niệm Thầy viết cho Lập Trường nhân ngày giỗ đầu của 7 em bé bị đạn của lính ông Diệm bắn chết trước đài phát thanh Huế đêm Phật Đản 1963: “Tôi, cho đến bây giờ, vẫn không sao nguôi ngoai được tâm trạng của một người nhìn thấy đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút! Biết bao giờ, hay sẽ không bao giờ, con người bớt tàn bạo, biết xấu hổ vì tội ác của mình, để con người đừng kinh hãi vì con người”.

Thầy tôi đi vào lịch sử chỉ vì thế: chỉ vì Thầy tự đưa thân ra gánh lấy cái khổ của quần chúng Phật tử, chỉ vì trong xương máu của Thầy có xương máu của 7 em bé trắng trong chết vì cái ác, chỉ vì Thầy lấy cái ác làm kẻ đồng hành khiêu khích không ngừng.

Về Thầy, tôi nghĩ chỉ có chuyện ấy là đáng nói. Còn tất cả chỉ là một nhầm lẫn to tướng không cần cải chính, bình luận: người ta tưởng nhầm Thầy muốn làm Richelieu, hồng y, thủ tướng của vua Louis XIII nước Pháp. Sự thực, Thầy tôi muốn cao hơn thế: Thầy muốn làm ông thầy tu.

Cao Huy Thuần

Diễn Đàn

Phỏng vấn 96 phút với Thượng Tọa Thích Trí Quang [05.05.1966]

Ngô Thế Vinh

11.11.2019

LỜI DẪN NHẬP: Đã 44 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi.(1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.

Và trong phần trả lời phỏng vấn của báo Sinh viên Tình Thương 1966, cách đây 53 năm, khi “đề cập tới sự nguy hiểm của Cộng sản, TT Trí Quang đã so sánh họ với những chiếc lá vàng có đóng đinh, phải cần tới một cơn gió lốc cách mạng thổi đúng hướng, không phải làm bay những niềm tin mà là bốc sạch đám lá vàng có đóng đinh là Cộng sản.”

Vậy thì đâu là sự thật? Đâu là con người thật của Thích Trí Quang? Như câu hỏi trong phim Rashomon, một kiệt tác điện ảnh của Nhật Bản. Người viết sẽ không đưa ra một kết luận nào về chân dung TT Thích Trí Quang, nhưng muốn trở lại bối cảnh chính trị xã hội của thập niên 1960s, khi mà tên tuổi Trí Quang hầu như gắn liền với những biến động thời bấy giờ.

Từ sau 1975 TT Trí Quang sống lặng lẽ những năm tháng cuối đời trong ngôi chùa Già Lam ở Gò Vấp Sài Gòn, rồi sau đó trở về chùa Từ Đàm Huế. Và mới đây, khi tin Thích Trí Quang vừa viên tịch ngày 8.11.2019 ở tuổi 96(ông sinh năm 1923) cũng tại chùa Từ Đàm Huế (6) – nơi chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng 5, 1966 cách đây cũng đã hơn nửa thế kỷ. Trên báo chí truyền thông và dư luận trong và ngoài nước lại dấy lên những ý kiến rất khác nhau về ông, nhưng các thông tin về ông thì lại rất ít.

Nhìn lại thập niên 1960s, trong khi tin tức về các phong trào Phật giáo tranh đấu ngoài miền Trung rất nhiễu loạn, thì tại Sài Gòn, ngoài một cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho tuần báo TIME ngày 22.04.1966 với hai ký giả McCulloch và James Wilde (2); TT Trí Quang sau đó trở ra Huế và rất ít khi dành cho báo giới Tây phương những cuộc tiếp xúc nào khác. Riêng với TÌNH THƯƠNG tuy chỉ là tờ báo của Sinh viên Y khoa nhưng lại rất quan tâm theo dõi thời cuộc, nên hai phóng viên Phạm Đình Vy (5) và Ngô Thế Vinh được sự chỉ định của Toà soạn, đã bay ra Huế, được gặp và thực hiện cuộc phỏng vấn Chín mươi sáu phút với Thượng Toạ Thích Trí Quang buổi chiều ngày 5-5-1966 tại Chùa Từ Đàm Huế. Và bài phỏng vấn này đã được đăng ngay trên báo Tình Thương số 29, 1966, và đã được phóng viên của US News & World Report xin dịch sang tiếng Anh nhưng rồi không rõ lý do, bài báo đã không được phổ biến sau đó.

Và nay qua bộ báo Tình Thương mà Thư quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hoài Thư (4) mới tìm lại được từ Thư viện Đại Học Cornell, trong đó có số báo TT 29, với 4 trang 2-3-4-5 đăng trọn vẹn cuộc phỏng vấn đã thực hiện từ hơn nửa thế kỷ trước. Chúng tôi cho phổ biến bài báo này – với không bình luận, không ngoài mục đích chỉ muốn cung cấp tới các bạn trẻ và các sử gia tương lai có thêm một sử liệu hiếm quý về TT Trí Quang tưởng như đã thất lạc. Ngô Thế Vinh

***

CHÍN MƯƠI SÁU PHÚT VỚI THƯỢNG TOẠ THÍCH TRÍ QUANG [05.05.1966]

NGÔ THẾ VINH & PHẠM ĐÌNH VY

ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY

Với những rối loạn chính trị trong tuần lễ vừa qua, có một hiện tượng TRÍ QUANG trên khắp các báo chương ngoại quốc. Tuần báo Time coi ông như xuất hiện một Machiavel mới, trong khi báo L’Express gán cho ông là mẫu người đang làm rung động cả Mỹ quốc, đó là chưa kể tới những bài báo nói về ông đăng trên US News and World Report và Newsweek… Hiện tượng trên cũng được các báo Việt ngữ toa rập theo, thích thú đem ra phiên dịch và đăng tải; nhiều người coi đó như một khám phá mới lạ về một nhà tu hành tài ba, nhiều quyền lực nhưng cũng rất bí ẩn và khó hiểu.

Đã từ lâu chúng tôi vẫn có thành kiến với các nhà báo ngoại quốc khi họ nhận định về các vấn đề Việt Nam và chúng tôi thành thật tin tưởng rằng không một người ngoại quốc nào am hiểu vấn đề Việt Nam bằng chính những người Việt. Cái thái độ dễ dàng tin cậy vào mấy ông nhà báo ngoại quốc trong công việc tìm hiểu đất nước mình nếu không bắt nguồn từ một thái độ ỷ lại của báo chí Việt thì cũng đang coi là một hiện tượng quái gở.

Trở lại trường hợp Thích Trí Quang, từ nhận định bảo ông là cộng sản đến ý nghĩ một tay quốc gia cực đoan, hình như chỉ cần một chút ngộ nhận. Nghĩ rằng tôn giáo sẽ còn đóng một vai trò quan trọng trong tương lai chính trị miền Nam, việc tìm hiểu mẫu một nhà tu-hành-dấn-thân đang có nhiều ảnh hưởng là điều cần thiết, đó là lý do cuộc gặp gỡ Chín mươi sáu phút với Thượng Toạ Thích Trí Quang buổi chiều ngày 5-5-1966 tại Chùa Từ Đàm Huế.

NHỮNG SAI LẦM CỦA TIME

Hình như có một sự khác biệt rất xa giữa thực trạng miền Trung và các tin tức thổi phồng trên báo chí. Sau hơn bốn tuần lễ tranh đấu, Huế đã có một khuôn mặt sinh hoạt bình thường ngoại trừ những biểu ngữ khẩu hiệu còn treo dán rải rác, các chữ Bãi Khoá Bãi Thị kẻ sơn còn lưu vết trên nền tường; các cô nữ sinh Quyết tử đã lại tóc thề áo dài trắng tới trường đi học, súng ống cũng được trả lại cho quân đội, đài phát thanh cho đọc thông cáo kêu gọi tất cả sinh viên họp đại hội để bàn về bình thường hoá sinh hoạt Đại học.

Nơi bến Toà Khâm, ngay trước khu Đại học, các tàu Há Mồm của Mỹ đang đổ lên bến chồng chất những thực phẩm và đạn dược, đám trẻ con xúm quanh đùa rỡn với những anh lính Thuỷ quân Lục chiến Mỹ. Trước trụ sở Thông tin ngoài các khẩu hiệu đòi bầu cử Quốc hội, chống chánh phủ Trung ương, còn có khẩu hiệu lên án Việt cộng pháo kích vào Thành nội sát hại dân chúng…

Dấu vết những ngày máu lửa chỉ có vậy.

Trên dốc tới Nam Giao, chùa Từ Đàm vẫn yên tĩnh nằm đó. Ngoài một số đệ tử đi lễ chùa, trong sân không có chút náo nhiệt của những phút tranh đấu. Nơi nhà Trai, trong bộ đồ rộng trắng, Thượng toạ Trí Quang đang ngồi bình thản đánh cờ với một cụ già, ngồi cạnh đó là một nhà sư trẻ Thích Mẫn Giác.

Khi chúng tôi tới ván cờ đã mãn với phần thắng về phía Thượng Toạ, dĩ nhiên. Tuy chưa giáp mặt ông lần nào, chúng tôi đã biết mặt Thượng toạ qua hình ảnh báo chí, và đặc điểm đầu tiên để nhận ra ông là đôi mắt vô cùng sắc sảo. Không với một cử chỉ xa cách nghiêm trọng, không với cả tia nhìn mãnh liệt như thôi miên, Thượng toạ vui vẻ tiếp chúng tôi qua những nụ cười dễ gây thiện cảm và những cử chỉ tự nhiên thoải mái.

Vào đề ngay, chúng tôi nhắc tới những lời tuyên bố của Thượng toạ trên các báo chí ngoại quốc, đặc biệt là bài của tuần báo TIME (2). Thượng Toạ cho biết:

— Họ có tới gặp tôi hỏi ý kiến, tôi cũng có trả lời họ một số những câu hỏi, nhưng khi bài đăng có cả những ý kiến mà tôi không hề nói, tính tôi không bao giờ muốn đính chính, bởi vậy trong các bài báo đó có những điều sai lạc.

Chẳng hạn tuần báo TIME gán cho tôi óc bài ngoại gay gắt và nhất là muốn quay lại thời Hoàng kim của đời nhà Lý là một điều hoàn toàn bịa đặt.

Không bao giờ tôi chủ trương như vậy; hơn nữa công thức đời nhà Lý với những thày chùa hăng hái nắm quyền chính hoàn toàn không còn thích hợp với thời đại bây giờ, mơ ước điều đó là vô lý. Cũng như khi hỏi tôi về Quốc hội, tôi chỉ nhấn mạnh với họ ở mấy điểm: số người đi bầu, sự xâm nhập của Việt cộng và cách bầu gián tiếp người lãnh đạo hành pháp qua một Quốc hội trung gian.

Còn về tiểu sử Thượng Toạ, ông cho rằng đó chỉ là tài liệu không xác thực của Công an.

Xem ra bài báo TIME đã mô tả nhiều điều không đúng ý Thượng toạ nhưng chúng tôi không muốn đi sâu vào thêm.

CHIẾN TRANH HAY HOÀ BÌNH

Từ những nhận định cho ông có óc bài Mỹ, nhiều người e sợ rằng Quốc hội đầu tiên được thiết lập với ảnh hưởng của Phật giáo sẽ biểu quyết yêu cầu Mỹ rút lui khỏi Việt Nam để đi tới thương thuyết và chấm dứt chiến tranh. Thượng Toạ cho rằng:

 Bây giờ còn quá sớm để nói tới nên thương thuyết hoặc tiếp tục chiến tranh. Chỉ biết rằng chính quyền hiện tại chẳng đại diện cho một ai và hậu quả là tình trạng vô cùng bi thảm về chính trị cũng như quân sự. Nói chiến tranh thì chẳng ra chiến tranh, nói thương thuyết thì lại càng nhục nhã, chỉ có Mỹ với Hà Nội mà không ai đếm xỉa tới chính phủ Sài Gòn. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải có một Quốc hội, một chính quyền dân cử, tạo một khuôn mặt quốc gia cho đúng nghĩa một Quốc Gia, việc chiến hay hoà là do nơi Quốc hội. Nếu tiếp tục chiến tranh thì lúc đó mới đúng nghĩa là một cuộc chiến tranh và nếu thương thuyết thì đó đúng là một cuộc thương thuyết nghĩa là chúng ta đã có một ưu thế.

Phải ngồi trên chiếc xe lúc đó mới nói tới chuyện lái tới hoặc lui. Đó là phải cho có một Quốc hội. Và tôi cũng không dại gì đính chính là không muốn thương thuyết để mang lấy tiếng hiếu chiến.

Khi nhắc đến giải pháp Trung Lập mà có người nghĩ rằng đó là chủ trương tương lai của Phật giáo, Thượng toạ Trí Quang nói:

— Nếu có thương thuyết để tiến tới giải pháp trung lập thì nền trung lập đó phải như thế nào. Người liều lĩnh nhất cũng không thể chấp nhận một hoàn cảnh như Lào. Pathet Lào trước đó là một phe nổi loạn, hiệp ước đình chiến 62 ở Lào là một công khai chấp nhận cuộc chiến tranh đó, Pathet Lào đương nhiên được hợp thức hoá và lại tiếp tục chiến đấu và thực sự không có một nền trung lập ở Lào.

Như Việt Nam với tình trạng hiện giờ, một ký kết như thế là đương nhiên chấp nhận Việt Cộng và chỉ trong sáu tháng là miền Nam rơi vào tay họ. Bởi vậy tôi vẫn nghĩ phải có chiếc xe cái đã, một Quốc hội được đa số dân chúng đi bầu, đến lúc đó hãy tính xa hơn. Mọi dự đoán trước theo tôi là quá sớm.

MỘT QUỐC HỘI KHÓ KHĂN

Khi đề cập tới những khó khăn của một Quốc hội sắp tới: Cộng sản, Chính quyền hiện tại và người Mỹ; Thượng toạ cho rằng:

— Hơn ai hết, người dân quê Việt Nam đã có kinh nghiệm Cộng sản là thế nào rồi và họ biết rõ ai là Cộng sản ai không. Bởi vậy không đáng lo ngại sự xâm nhập của Việt cộng vào Quốc hội.

Còn về phía chính quyền, Phật giáo đã giữ đúng lời hứa và để cho chính quyền có cơ hội thực hiện lời cam kết của mình với dân chúng về vấn đề Quốc hội. Nếu là một chính quyền thiện chí họ hãy tỏ thiện chí đó trong việc đi tới một Quốc hội. Nếu chính quyền phản bội thì không những lịch sử sẽ phán xét họ mà chính dân chúng sẽ có ngay phản ứng. Việc duy trì chính phủ hiện thời cho tới ngày bầu Quốc hội cũng là một cách để những tướng lãnh phản bội âm mưu phá hoại không có cơ hội lẩn tránh hèn nhát những trách nhiệm mà họ gây ra trước lịch sử.

Còn người Mỹ thực tâm muốn miền Nam có một Quốc hội hay họ muốn ngăn cản, điều đó chưa thể đo lường được, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tin ở mình và không nên có những hành động làm cho người Mỹ khiếp sợ.

CÁC TƯỚNG LÃNH SAU QUỐC HỘI

Khi đề cập đến vai trò các tướng lãnh hiện thời và sau ngày có Quốc hội, Thượng toạ Trí Quang nhận định:

 Nào là tình trạng chiến tranh, nguy cơ của Cộng sản, các tướng lãnh kêu gọi dân chúng, tôn giáo, đảng phái phải đoàn kết thì chính họ lại chia rẽ hơn ai hết. Họ tranh giành quyền hành, thanh toán nhau vì quyền lợi và loại dần những tướng lãnh có công khác. Nhưng trước sự chống đối của dân chúng, trước hiểm hoạ đe doạ họ liên kết chặt chẽ hơn ai hết để bảo thủ quyền lợi và lũng đoạn dân chủ. Bởi vậy mối băn khoăn chính của nhiều người là làm sao trả họ về vị trí thuần tuý quân sự, gây lại sức mạnh uy tín và kỷ luật quân đội cùng phục hồi danh dự cho những tướng lãnh có công khác.

Hiện thời người ta phải chứng kiến một trung ương các tướng lãnh chỉ âm mưu thanh toán nhau để tự đi đến chỗ đào thải. Tại các địa phương dân chúng vẫn dành nhiều cảm tình cho các tướng lãnh trong sạch có công với cách mạng tháng 11. Như trung tướng Đính được dân chúng miền Trung chấp nhận cũng ở trong trường hợp đó.

VỚI NGƯỜI MỸ

Cuộc tranh đấu cho Quốc hội vừa qua có pha mùi Bài Mỹ khiến cho nhiều e ngại và tự đặt ra nhiều giả thuyết về sự lợi dụng của Cộng sản. Với vai trò của người Mỹ ở Việt Nam, Thượng toạ Trí Quang cho rằng:

 Sau cuộc cách mạng 63, người Mỹ được hưởng ở Việt Nam vô số lợi lộc: gia tăng gấp bội quân số, chiếm được những căn cứ tốt như Đà Nẵng, Cam Ranh; được thêm cả nước Thái Lan. Không chắc người Mỹ thực tâm muốn chống cộng tại Việt Nam, họ muốn duy trì Cộng sản, duy trì cuộc chiến tranh này để thủ lợi. Vì nếu thực tâm người Mỹ muốn, họ có thể làm khá hơn nhiều cục diện bây giờ bằng cách trợ giúp Việt Nam vừa chống cộng vừa xây dựng những căn bản dân chủ hơn là nâng đỡ những chính phủ tay sai. Điển hình là vụ Đà Nẵng vừa qua.

MỘT TRƯỜNG HỢP ĐÀ NẴNG

Theo Thượng toạ thì nhờ phước ông bà mới không xảy ra vụ đổ máu tại Đà Nẵng. Ngoài trách nhiệm lỗi lầm của ông Kỳ trước lịch sử còn những trách nhiệm lớn lao của Mỹ. Việc người Mỹ xử dụng những chiếc C130 để chở những tiểu đoàn Thuỷ quân Lục chiến và xe tăng ra đàn áp phong trào dân chúng đấu tranh tại miền Trung là một lỗi lầm không thể tha thứ, Thượng toạ nói:

 Chỉ cần một chút nữa là xẩy ra đổ máu lớn lao với trách nhiệm nặng nề về phía người Mỹ. Lịch sử Mỹ Thế kỷ Hai Mươi sẽ có ba vết nhơ: ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, đàn áp nền cộng hoà San Domingo và vết nhơ thứ ba là vụ Đà Nẵng.

MỘT CHÍNH PHỦ PHẬT GIÁO

Khi nhắc tới nhận định của Tuần báo Newsweek cho rằng sở dĩ Thượng toạ Trí Quang đòi bầu cử gấp rút một Quốc hội vì ông tin rằng tổ chức Phật giáo sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử đó và chính phủ tương lai sẽ là một chính phù Phật giáo với bàn tay chi phối trực tiếp của Chùa chiền, Thích Trí Quang đã phủ nhận mạnh mẽ ý kiến đó và bày tỏ rằng:

 Quan niệm đó không những không có lợi gì mà còn làm mất Danh Dự của Phật giáo. Tôi hoàn toàn không mong muốn như vậy. Kinh nghiệm cho thấy với những chính phủ tạm thời dù được hậu thuẫn của tôn giáo này hay tôn giáo khác chỉ cần những cuộc biểu tình vài trăm người cũng đủ sụp đổ. Như một chính phủ thành lập do hậu thuẫn của Phật giáo sẽ gặp ngay những khó khăn với các tôn giáo bạn, không làm được việc gì mà chính Phật giáo lại mang tiếng. Bởi vậy Phật giáo không bao giờ muốn tái diễn nhưng lỗi lầm của thời ông Diệm.

Tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo chỉ muốn xây dựng một cái gì thực sự cho quốc gia dân tộc trong đó không phải chỉ có những Phật tử mà là cả những thành phân Tôn giáo bạn và các tầng lớp dân chúng.

Quốc hội, Chính phủ sẽ không đại diện cho một ưu thế riêng nào mà là đại diện xứng đáng của dân chúng.

CHIẾN TRANH TÔN GIÁO

Rối loạn tháng Tám năm 1964 với những vụ thảm sát trong thành phố vẫn lá ám ảnh đen tối trong đầu óc nhiều người. Sự cọ sát giữa hai tôn giáo trong những ngày gần đây làm thức dậy nỗi ám ảnh đó. Viễn tượng một cuộc chiến tranh tôn giáo đã được một số báo chí e ngại nhắc tới. Theo ý Thượng toạ sự thật sự đe doạ đó như thế nào. Thích Trí Quang cho rằng:

 Sự e ngại đó quá đáng và không thể nào có. Những đáng tiếc hồi tháng Tám là do âm mưu của Nguyễn Khánh, hoàn toàn ngoài ý muốn của các vị lãnh tụ Tôn giáo. Khi phải tiếp xúc cới những vị lãnh đạo tôn giáo bạn, tôi có nói rằng chẳng thà thực sự có một cuộc chiến tranh tôn giáo vì quyền lợi hai phía; nhưng mâu thuẫn quyền lợi đó hoàn toàn không có. Bởi vậy không vì lý do gì để xảy ra những điều đáng tiếc mà nguyên nhân chỉ tại một anh tướng Kaki đứng ở giữa.

TÍN ĐỒ HAY CÔNG DÂN

Việc tiến tới Quốc hội Lập hiến một cách nhanh chóng là công của Phật giáo, nhiều người nghĩ như vậy. Đó là điều mà Thượng toạ Trí Quang không muốn. Ông nói:

 Một phong trào đấu tranh có màu tôn giáo sẽ gặp nhiều khó khăn, tự nó gây ra những mặc cảm thắng bại nơi các tôn giáo bạn. Bởi vậy tôi vẫn muốn các phong trào tranh đấu dân chủ phát xuất tự quần chúng không mang màu sắc tôn giáo, nếu có lợi cho tổ quốc, Phật giáo sẽ đứng sau hậu thuẫn. Trong cuộc xáo trộn vừa qua, khi gặp các Đại diện Hội đồng Đô Thành, tôi có nói: quý vị là đại diện cho các tầng lớp dân chúng, nếu chính quý vị đứng ra tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo sẽ đứng sau ủng hộ quý vị. Và trong thâm tâm tôi mong muốn như vậy.

Sau khi tỏ ý không tin tưởng vào thực lực các đảng phái quốc gia, Thượng toạ cho rằng vai trò tranh đấu cho tự do dân chủ chính là bổn phận của thanh niên sinh viên chứ không phải của Phật giáo hay một tôn giáo nào. Thượng toạ nói:

 Tôi hiểu rằng khi các anh em sinh viên tham dự cuộc tranh đấu chống ông Diệm năm 1963, anh em nhìn các vị Thượng tọa hồi đó khác bây giờ. Tôi muốn được giữ nguyên cái nhìn lúc trước, bởi vậy tôi muốn Phật giáo cũng như các tôn giáo bạn được trở về vị trí của mình. Phật giáo bất đắc dĩ phải đứng ra lãnh đạo các cuộc đấu tranh là một điều tôi thấy rất chướng

***

NIỀM TIN TẤT THẮNG

Trái hẳn với triết lý nhà Phật hiểu theo nghĩa thông thường là xuất thế và yếm thế, Thượng toạ Thích Trí Quang mang khuôn mặt của một nhà tu hành mới: một Nhà-Sư-Dấn-Thân, dấn thân vào tất cả những biến động xã hội, dùng tất cả những uy tín và quyền năng sẵn có để lèo lái tới một cảnh đời thích hợp với sự phát triển của đạo giáo.

Với con mắt nhận xét tinh tế về thời cơ đúng lúc, với niềm kiêu hãnh cao độ về nhân cách Á Đông của mình cộng thêm với tinh thần quốc gia cực đoan cố hữu, triết lý hành động kỳ lạ của Thích Trí Quang ở nơi niềm tin sắt đá về sự tất thắng trong mọi mưu lược tranh đấu. Tên ông đồng nghĩa với những âm mưu nhưng chính ông muốn đối thủ phải kính trọng cái nhân cách Á Đông của mình nên mọi hành động của ông đều được báo trước. Thượng toạ nói:

 Nhiều người gán cho tôi mối liên hệ mật thiết với ông Lodge, sự thật không có. Với ông Lodge hay Taylor (3) cũng vậy, mỗi lần tranh đấu tôi đều gặp, nói cho họ biết lập trường của Phật giáo thế nào, còn người Mỹ muốn sao tuỳ họ. Tôi hành động đều có báo trước ít nhất là 24 tiếng. Như vụ tranh đâu gần đây tôi chỉ gặp ông Lodge có một lần, nói rõ lập trường của Phật giáo về Quốc hội. Ông ta nói Thượng toạ nên nghĩ lại. Tôi chỉ cười và trả lời đã nghĩ rồi. Có vậy thôi. Còn dư luận cho rằng ông Kỳ đã gặp tôi trước vụ hạ Trung tướng Thi là hoàn toàn bịa đặt. Tôi chưa hề gặp ông Nguyễn Cao Kỳ một lần nào.

LÁ VÀNG VÀ GIÓ LỐC

Có lá vàng thì phải có gió lốc. Đó là câu so sánh của Thượng toạ Trí Quang với hiện tình người Mỹ và Cộng sản:

 Lá vàng đó là Cộng sản, và gió lốc chính là người Mỹ. Muốn chống Cộng thì phải cần tới người Mỹ, thế thôi. Đối với tôi, những ảnh hưởng ngoại lai chỉ nên dùng như những phương tiện chứ bảo chấp nhận thì không.

Đề cập tới sự nguy hiểm của Cộng sản, ông nói họ không phải chỉ là những chiếc lá vàng làm nhớp nhà mà là những chiếc lá vàng có đóng đinh.

Vì khía cạnh chống Mỹ trong các phong trào tranh đấu vừa qua của Phật giáo, có báo ngoại quốc cho rằng Thượng toạ Trí Quang muốn đuổi Mỹ. Thượng toạ nói:

 Người Mỹ rất ngờ nghệch, họ không phân biệt được giữa Bài Mỹ và Chống Mỹ. Bài Mỹ là một thái độ thù ghét đương nhiên, dù người Mỹ có làm hay đến đâu cũng vẫn bị ghét bỏ, có khi lại còn thù ghét hơn. Trong khi Chống Mỹ là một thái độ phản kháng xây dựng. Bởi quan niệm hai người cùng ngồi trên một chiếc xe, thấy người kia lái bậy thì người nọ phải giành lấy mà lái nếu không muốn rớt xuống hố. Các phong trào vừa qua không mang tính chất bài Mỹ mà là chống Mỹ; chống Mỹ đã ngăn cản việc đi tới Quốc hội, chống Mỹ đã hậu thuẫn những chính phủ tay sai thối nát, chống Mỹ đã giúp phương tiện đàn áp Đà Nẵng.

Thì ra thái độ của Thượng toạ là muốn cảnh giác người Mỹ. Cơn gió lốc phải được thổi đúng hướng, không phải làm bay những niềm tin mà là bốc sạch đám lá vàng có đóng đinh là Cộng sản.

NGÔ THẾ VINH

PHẠM ĐÌNH VY

Chùa Từ Đàm, Huế 05.05.1966

[Trích Nguyệt san Tình Thương, số 29, 1966]

Ghi chú:

1/ Only Religions Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War. James McAllister; Department of Political Science, Williams College, Williamstown, MA 01267

2/ A Talk with Thich Trí Quang. McCulloch, James Wilde. Time Magazine,April 22, 1966 | Vol. 87 No.

3/ Henry Cabot Lodge, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam 1963-1964. Maxwell D. Taylor, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam 1964-1965

4/ Hành Trình Tình Thương. Trần Hoài Thư, Thư Quán Bản Thảo, số 74, Tháng 4, 2017

5/ Phạm Đình Vy, nguyên chủ nhiệm Tình Thương 1964-1967, bác sĩ Thuỷ Quân Lục chiến VNCH, sau tù cải tạo 3 năm vượt biển, sang định cư và hành nghề y khoa tại Pháp.

6/ Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch, thọ 96 tuổi – VOA 9.11.2019

https://www.voatiengviet.com › tu-dam-hoa-thuong-thic…

VOA

Sự Thật về bậc Long Trượng Thích Trí Quang

LỄ CUNG THỈNH NHỤC THÂN HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG ĐẾN NƠI TRÀ TỲ
https://www.youtube.com/watch?time_continue=17&v=INw-wcmQ_dQ&feature=emb_title

NGỨA MỒM QUÁ !

Ba ngày nay, kể từ lúc ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG – thu thần thị tịch – về cõi NIẾT BÀN, tôi tự hứa với lòng mình là hạ quyết tâm giả câm để không nói chi hết, giả điếc để không nghe, giả mù để không thấy; nhưng ‘’ ngứa mồm quá ‘’ không nín nhịn được nên đành phải viết …

Những kẻ tự nhận mình là trí thức, trong nước cũng như hải ngoại, kể cả người ngoại quốc tự đặt câu hỏi ‘’ THÍCH TRÍ QUANG LÀ AI ? ‘’. Tự trả lời rằng :

Thích Trí Quang là C.I.A của Mỹ ?

Là cộng Sản nằm vùng ?

Là Ma Tăng ?

Thích Trí Quang làm lung lay chính trường Mỹ ?

Thích Trí Quang phá nát chính quyền Miền Nam Việt Nam để Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng và chiến thắng ngày 30/4/1975 ?

Có đúng như thế không ?

Tôi và các bạn cùng chung sống, học lúc nhỏ trước kia, có người đã chết, có người đang giữ chức to trong Giáo Hội Phật Giáo…tất cả đều im lặng ; không nói chi hết, không biện hộ, không minh oan … Gần nhất là Thầy Tuệ Sỹ ( thế danh là Phạm văn Thương, cháu ruột của Hòa Thượng Trí Quang, Ôn Trí Quang tên thật là Phạm Bồng, những tên sau này là không thật ). Đặc biệt Tâm Quang tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Hảo ( đang ở Mỹ ), con của cụ Bửu Đáo; chánh Văn Phòng của Vua Bảo Đại trước năm 1945, em ruột của chị Công Tằng Tôn nữ Thị Nha Trang, làm việc ở Liên Hiệp Quốc trước kia, các anh em Vĩnh Hiền, Vĩnh Chu, Vĩnh…các chị Hạnh Thuần, Hạnh …đều là bạn thân, lâu quá quên tên hết rồi. Cả nhà đều là học trò của Ôn Trí Quang. Tôi và Tâm Quang gần Ôn Trí Quang như tình cha con, tình thầy trò lúc Ôn còn ở tại Chùa Ấn Quang. Những lúc thầy trò ngồi tâm sự, biết bao nhiêu vấn đề để nói. Tôi là người ham học, muốn biết chuyện quá khứ, chuyện Giáo Hội, chuyện thời sự chính trị, vận nước tương lai, tình hình chính trị thế giới…

Tôi ghi lại đây như kể chuyện, nhớ đâu kể lại đó, những người trong cuộc sẽ còn nhớ; vì thời gian quá lâu hơn nữa thời gian đi tù Cộng Sản trên 12 năm , khai báo nhiều lần nên có cái quên, có cái nhớ, bên Công An chắc họ còn giữ đầy đủ các lời khai .

Những điều còn nhớ :
Tôi và Tâm Quang hỏi Ôn: tụi con nên đi vượt biên qua Mỹ hay ở lại Việt Nam ? Ôn làm thinh không trả lời – tụi con như con trong nhà, hỏi cha, như học trò hỏi thầy sao Ôn giữ kẽ ? Ôn nói : tau biểu tụi bay đi, lỡ có bị bắt thì khai ra Trí Quang tau xúi, ở lại bị cộng sản trù dập, khổ sở thì đổ thừa tại tau biểu ở lại với cộng sản, tự mình quyết định, tự thắp đuốc lên mà đi !

Hỏi về vận nước : Ôn nói nếu Mỹ ở đây thì rau muốn, rau lang, cá nục, mắm ruốc nó không thèm ăn, thằng Tàu ở đây thì tụi bay không có rau lang chấm mắm ruốc nữa đâu vì nó cũng ăn những thứ đó nên chúng nó ăn hết sạch. Trong vòng 30 năm nữa chính trị Việt Nam không do người Việt quyết định, mà do các thế lực, các trung tâm quyền lực thế giới quyết định. ‘’ lo toàn sinh thiên hạ mà không lo toàn thân là người bất trí “ – Cái chết của Ôn Thiện Minh trong tù là một tấm gương ( Ôn Thiện Minh là phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lớp bạn cùng làm việc với Ôn Trí Quang ). Ôn Trí Quang bảo tôi qua chùa Giác Minh đường Điện Biên Phủ Sài Gòn nói với Ôn Đức Nhuận đừng có manh động. Sau này Ôn Đức Nhuận bị tù chung với tụi tui và anh Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ. Ôn Trí Quang đưa tiền cho tôi đem về cúng dường cho Ôn Huyền Quang đang bị quản thúc ở Quảng Ngải và nhắn tin nói rằng ‘’ làm Phật không làm mà ưng làm Thần ‘’; bảo tôi nói lại nguyên văn như vậy.

Khi chúng tôi tổ chức Hội Thề tại chùa Tập Thành, Bà Chiểu, Sài Gòn chống Cộng Sản, có cả thầy Từ Mẫn, Giám Đốc Nhà Xuất Bản Lá Bối, anh Lê Mạnh Thát, Lê Đăng Pha, thầy Tuệ Sỹ, thầy Nguyên Như… cô Thích Nữ Trí Hải đem mấy sợi dây chuyền vàng, có bùa và nói rằng Ôn Trí Quang cho để đeo làm hộ mạng bình yên. Có tiền thầy Nhất Hạnh bên Pháp gởi về cho để hoạt động. Lúc đó cô Cao Ngọc Phượng chưa đi tu ( Thích Nữ Chân Không ) gởi cho tôi và anh em mỗi tháng một họp thuốc tây, bán ra được 100 đô ( trị giá lúc đó là 2 chỉ rưởi vàng ). Kế tiếp Anh Thát, Anh Tuệ Sỹ, Anh Lê Đăng Pha, …bị bắt, Ôn Trí Thủ bị chết , tôi và Tâm Quang chạy về Long Thành Bà Rịa tổ chức Hội Thề Lạc Long, tiếp tục hoạt động cho đến lúc Cộng Sản phá nát căn cứ Bà Rịa , tôi và Tâm Quang tiếp tục chạy, tôi gặp Linh Mục Trần Đình Thủ và gởi Tâm Quang cho Linh Mục , sau này Tâm Quang vượt biên qua Mỹ , tôi bị bắt . Ra, tòa anh Thát, anh Sỹ lãnh án tử hình – giảm xuống chung thân. Năm 1993 tôi và Ôn Đức Nhuận ở Giác Minh được tha, anh Thát và anh Sỹ đến năm 2000 mới tha. Lúc tôi đi tù, có ở chung với anh Lý Đại Nguyên; chủ bút tờ báo Sóng Thần trước năm 1975 , vợ anh Nguyên là chị Mai Tuyết An, chị An cùng thời với chị Quách Thị Trang, chị Trang bị bắn chết còn chị An chặt tay chống gia đình trị Ngô Đình Diệm năm 1963. Mỗi lần thăm nuôi, anh Nguyên cho tôi ăn, thấy có đồ chay, tôi hỏi thì anh Nguyên nói là của Ôn Trí Quang gởi thăm, chị An là học trò của Ôn , anh Nguyên cũng là bạn thân với Ôn lúc đó. Lý Đại Nguyên có ra tranh cử Tổng Thống năm 1967 của Việt Nam Cộng Hòa.

Ôn kể chuyện năm 1963, vì lúc này chúng tôi còn nhỏ. Mỹ muốn thay chế độ của ông Ngô Đình Diệm nên tạo cớ đấu tranh Phật Giáo ( ở đây không đủ thời gian kể chi tiết về âm mưu của đức cha Ngô Đình Thục muốn làm Hồng Y và chuyện triệt hạ cờ Phật Giáo trong ngày lễ Phật Đản tại Huế ), Ông Nhu bị sập bẫy của Mỹ và Phật Giáo bị tai nạn là Kỳ Thị Tôn Giáo. Phật Giáo đấu tranh để tự vệ với 5 nguyện vọng. Đêm 20 tháng 8 năm 1963 là đêm đẫm máu của các chùa từ Huế đến Sài Gòn, chùa Từ Đàm ở Huế, chùa Xá Lợi ở Sài Gòn là bị nặng nhất. Công An, Cảnh Sát , Mật Vụ tấn công vô chùa , sát hại. Hàng năm các chùa còn tổ chức lễ cầu siêu vào ngày 20 tháng 8 , gọi là ngày Pháp Nạn. Ôn Trí Quang trốn thoát được đêm đó tại chùa Xá Lợi và tỵ nạn chính trị tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Ôn nói kể từ đêm đó cho đến ngày 1/11/1963 cuộc đấu tranh tiếp tục chống ông Diệm là do thanh niên, sinh viên, học sinh và các đảng phái, Phật Giáo không còn lãnh đạo nữa. Mỹ đảo chính Ngô Đình Diệm và sát hại anh em ông Diệm, ông Nhu chứ không phải Phật Giáo. ( trong phim ván bài lật ngữa có nói sơ qua đêm 20/8/1963 ).

Mỹ bán đứng Miền Nam Việt Nam cho Tàu Cộng kể từ ngày ký Hiệp Định Pa Ri, Mỹ bắt tay với Tàu Cộng năm 1972, hy sinh cả Đài Loan, cho Tàu Cộng vô 5 nước thường trực Liên Hiệp quốc và hất Đài Loan ra ngoài. Cái tội này là do đảng Con Lừa Dân Chủ của Mỹ , hôm nay Lão Trum vạch mặt các đời tổng thống Mỹ làm tay sai cho Tàu Cộng. Mỹ làm ngơ cho Tàu Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974 của Việt Nam Cộng Hòa, hy sinh bao ngàn sỹ quan của Miền Nam đi tù, OBAMA làm ngơ cho Tàu Cộng xây đảo trái phép ở Trường Sa ?

Chúng ta có oán trách là oán trách cái lão Kit Sin Gơ, đi đêm với Tàu cộng ! Oán trách mấy đời tống thống Mỹ trước kia của đảng Dân Chủ Mỹ bán đứng Miền Nam Việt Nam.

ÔN TRÍ QUANG có phải Cộng Sản nằm vùng không ? Cộng Sản mà lén ủng hộ tụi tui chống cộng ?

Có phải C.I.A không ? nếu là C.I.A thì bị Cộng Sản nhốt lâu rồi ! ( tôi còn nhớ sau ngày giải phóng 30/4/75, ông Nguyền Hộ có ghé chùa Ấn Quang và thăm Ôn Trí Quang, nói chuyện đủ thứ … tôi chỉ còn nhớ một câu Ôn nói với ông Nguyễn Hộ là đối với sự thành công của Mặt Trận Giải Phóng ( Ngài gọi họ là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, không gọi là cách mạng hay cộng sản ): ‘’ Phật Giáo Chúng Tôi không có công mà cũng chẵng có tội ‘’. Nhiều người hỏi Ngài là Ngài chống Mỹ ? Thầy gật đầu – Cộng Sản chống Mỹ, vậy thầy là cộng sản ? – ‘’ con bò có bốn cẵng , những con bốn cẵng đâu phải là con bò !

Phá nát Miền Nam là Ôn Trí Quang hay là do Mỹ bán đứng Miền Nam cho Tàu Cộng ?

Câu nói của Ôn Trí Quang nổi tiếng nhất là ‘’ Tôi nguyện đem xương máu trang trải cho đất nước, dân tộc và đạo pháp. Nếu Tôi có chết là chết vì CHÂN LÝ trước BẠO LỰC chứ không phải chết vì bạo lực này thua bao lực khác ‘’

Ngài là người suốt đời vì Dân Tộc và Đạo Pháp ! Không theo Mỹ, không theo Cộng Sàn ! Là một bậc CAO TĂNG THẠC ĐỨC – BẬC LONG TRƯỢNG – không có chùa riêng, không có tài sản, đúng là Vô Sản – TĂNG VÔ NHẤT VẬT . Khi thời cơ không có , không đủ Duyên, Ngài ẩn cư lo dịch kinh sách, dạy dỗ đàn hậu bối . Ngài không theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Những vị lãnh đạo Phật Giáo hiện giờ đều là học trò của Ngài ngày xưa – Học ở An Dưỡng Địa Huệ Nghiêm Sại Gòn , học cùng trường với tôi lúc nhỏ . Bao nhiêu kinh luật luận mà ngày hôm nay tín đồ Phật Giáo Việt Nam tụng đọc bằng chữ quốc ngữ là do công của QUÝ NGÀI dịch từ năm 1975 trở về trước !

NGÀI KHÔNG TOÀN SINH ĐƯỢC THIÊN HẠ
NGÀI ĐÃ TOÀN THÂN ĐẾN HÔM NAY

Nam Mô Thường Bất Khinh Bồ Tát ! ./.

Lê Hảo

Từ CHÙA GIÁC HOÀNG Victoria 3174 AUSTRALIA

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN

Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

Tôi người Quảng bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàngTổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận lý là con trưởng, kế đó, Phương xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư. Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay. Trước đó, cả làng định cư bao giờ không rõ, chỉ biết vì chậm chân nên ngoài số ruộng đất không đáng kể, làng tôi phải làm muối, vì con sông của làng là nhánh sông lớn Nhật lệ, nước mặn. Do đó mà có tên Diêm điền, cấp phường chứ không phải xã, thuộc tổng Long đại, phủ Quảng ninh, 1 trong 5 phủ huyện của Quảng bình. Vị trí gần tỉnh lỵ, nhưng làng không có truyền thống học chữ Tây. Vẫn học Nho, nhưng không có tiếng là làng Nho học hay khoa bảng gì.

Một bí mật mà nay nên nói ra. Làng tôi có liên hệ khá chặt chẽ với phong trào Văn thân của chí sĩ Phan đình Phùng. vùng núi phía tây của làng có 2 quân thứ của phong trào. Bác họ tôi là một chỉ huy cấp trung, ông ngoại tôi là một đội viên, của một trong 2 quân thứ. Cha tôi là “người của vua Minh”, tiếng gọi kín vua Hàm nghi. Năm tôi 14 tuổi, cha tôi bảo đi theo ra thăm đám ruộng cạnh giếng Nĩ, vùng Ải dài, nghiêm trọng kể cho tôi, và bảo, “phải biết và nhớ lấy”. Tôi hỏi, làng mình có ai là “người của vua Minh” nữa không, cha tôi đắn đo rồi bảo, có, làng mình và các làng chung quanh, nhất là dưới tỉnh, có cả. Nhưng, này, “quốc tặc” là gì, con biết không, tôi thưa, dạ biết. Cha tôi bảo, biết, biết nó là gì thì không được sợ, cũng không được khinh suất…

Xem thêm: bản PDF lấy xuống từ Thư Viện Hoa Sen.

Đi tìm chìa khóa giải mã ‘sự im lặng’ của Hòa thượng Trí Quang

 

Thượng tọa Thích Trí QuangGETTY IMAGES Thượng tọa Thích Trí Quang (ngồi giữa, nhìn thẳng), một lãnh tụ của phong trào Phật giáo ở miền Trung và miền Nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước

Sự ‘im lặng’ của Hòa thượng Thích Trí Quang, một lãnh tụ của các phong trào đấu tranh sôi động của Phật giáo Việt Nam thời chiến, người được cho là đã từng làm ‘rúng động’ nước Mỹ, từ sau ngày 30/4/1975 có thể được nhìn nhận như thế nào là một chủ đề được các khách mời Bàn tròn thứ Năm tranh luận tuần này.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng gợi ý những cách tiếp cận đối với sự thật lịch sử khi cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi thực chất nhân vật lịch sử và giai đoạn lịch sử đầy biến động, có liên quan tới các phong trào Phật giáo Việt Nam và vai trò lịch sử của Hòa thượng Trí Quang, người vừa qua đời ở Việt Nam, hưởng thọ 96 tuổi, ra sao.

Trước hết, từ California, Hoa Kỳ, ông Mặc Lâm, nhà báo từng nhiều năm làm việc tại RFA Tiếng Việt, nêu quan điểm với cuộc hội luận hôm 14/11/2019:

“Về sự im lặng của Hòa thượng Thích Trí Quang từ sau tháng Tư 1975 đến bây giờ, chúng ta ai cũng ngạc nhiên và có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh thái độ này của Hòa thượng.

“Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chung quy đó là quyền tự do biểu đạt của từng người một trong thế giới này và khi Hòa thượng đã xuống đường, đã đem bàn thờ Phật xuống đường hay là là đã biểu tình (tuyệt thực) trong vòng 100 ngày, cũng như những hoạt động khác, để chống lại một chế độ mà Hòa thượng cho rằng đã không phù hợp với Việt Nam, thì đó cũng là một quyền tự do của người tu hành, kể cả người tu hành đó là Phật giáo, Công giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác.

“Chúng tôi rất trân trọng những chuyện đó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam bao nhiêu năm nay, mà Hòa thượng không lên tiếng một chút nào, thì người dân cũng có quyền của họ về suy nghĩ về thái độ sống và thái độ tranh đấu của Hòa thượng, trước đây, nó đã rất mạnh mẽ và rất là dấn thân, nhưng bây giờ lại im lặng hoàn toàn như vậy, thì người dân cũng có thể đánh giá rằng đây là một thái độ có vẻ là nó bị khuất phục trước cường quyền, hay là một thái độ mà ngài có thể là ăn năn.

“Hay là có thể cảm thấy rằng bây giờ nếu có chống lại chế độ hiện thời đi nữa, thì cũng không đi tới đâu. Cho nên đó là suy nghĩ riêng của ngài mà chúng ta không ai có thể đoán được, hay xét đoán được qua hành động của ngài.”

Vắng mặt hậu 75 và mục tiêu đã đạt?

Hòa thượng Thích Trí QuangGETTY IMAGES Có nhiều giả thuyết với quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về vai trò, di sản của Hòa thượng Thích Trí Quang, người vừa viên tịch ở Huế, hưởng thọ 96 tuổi

Từ Marseille, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn nói với Bàn tròn:

“Hòa thượng Thích Trí Quang cho đến năm 1975 chỉ tóm lược trong ba thứ thôi, đó là: tranh đấu, tranh đấu và tranh đấu. Thứ nhất là tranh đấu cho công lý, giành lại công lý cho Đạo Phật trước sự đàn áp; và thiên vị Thiên Chúa Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

“Thứ hai là tranh đấu cho đạo pháp và dân tộc; thứ ba là tranh đấu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm để thực hiện hai mục tiêu vừa nói. Thì bây giờ, đến nay, mục tiêu thứ ba đã hoàn tất từ 56 năm, gần một đời người.

“Vậy hai mục tiêu giành lại công lý cho đạo Phật, thì Hòa thượng Trí Quang đã làm gì được cho đạo Pháp và dân tộc? Đã thực hiện được gì hay chưa?

“Thứ nhất là vấn đề tranh đấu cho công công lý, nội dung giành lại công lý cho đạo Phật trước sự đàn áp và thiên vị Thiên Chúa Giáo của chính quyền ông Diệm, câu hỏi đặt ra cho quý vị Phật tử… là công lý đã thiết lập hay chưa? Đạo Phật hiện nay có được quyền tự do tín ngưỡng hay không? Hai vấn đề này tôi không lạm bàn, nhưng theo tôi công lý ở Việt Nam bây giờ chỉ là một diễn viên hài mà thôi.

“Cái thứ hai là tranh đấu cho dân tộc, thì câu hỏi thứ hai tôi đặt ra là Phật Giáo ở đâu trong lòng dân tộc? Đặc biệt đặt ra cho hậu duệ của Hòa thượng Thích Trí Quang…

“Câu hỏi đó đến nay chưa ai trả lời hết. Phật giáo của Hòa thượng Trí Quang vắng mặt ở hầu hết những biến cố, những tai ương đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam từ năm 1975 đến nay.

“Cá nhân tôi cho rằng phong trào tranh đấu của Hòa thượng Thích Trí Quang đã mở cửa đưa cho dân tộc Việt Nam vào một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nội chiến chấm dứt thì hai mục tiêu đạo pháp và dân tộc và công lý vẫn chưa đạt được.

“Đến ngày hôm nay người dân biết chết, vẫn phải đi, báo chí Anh quốc bây giờ cũng nhắc lại câu là “nếu cột đèn có chân, thì cây cột đèn cũng vượt biên”, thì rõ ràng mục tiêu dân tộc của thầy Trí Quang còn xa lắm, rất là xa, chưa đạt tới đâu.

“Cái thứ ba là tranh đấu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, mục tiêu này, thầy Trí Quang đã thành công hoàn toàn, nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện hai mục tiêu đó để làm gì, khi hai mục tiêu chúng ta vừa nói là tranh đấu cho đạo pháp và dân tộc không thực hiện được?

“Vấn đề là cho rằng chế độ của ông Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị, thì bây giờ mình cũng nên nhìn lại, nếu chúng ta so sánh bây giờ giữa ông Diệm và ông Hồ, hay là ông Diệm với những lãnh đạo châu Á cùng thời là Ferdinand Marcos, Tưởng Giới Thạch hay là Sukarno, hay là Mao Trạch Đông, thì rõ ràng ông Diệm là một người hiền hòa, bao dung, có đạo đức, thanh bạch hơn hẳn những ông kia…

Phong trào Phật giáo Việt NamGETTY IMAGES Phong trào Phật giáo Việt Nam ở miền Trung và miền Nam đã có những giai đoạn rất sôi động trong thập niên 1960 và trước 30/4/1975

“Ông Diệm, tôi thấy không có độc tài, ở một đất nước mà trong tình trạng chiến tranh, tự vệ ý thức hệ nữa, mà ý kiến chính trị gia, tôn giáo, được hưởng đầy đủ các thứ quyền tự do hết, còn hơn cả Malaysia hay là Indonesia bây giờ nữa, theo tôi mình so sánh những gì mình có thể so sánh được, nếu ông Diệm là độc tài, thì bây giờ mình đã nhìn thấy sự thật đó là như thế nào rồi,” ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm từ góc độ cá nhân.

Không thể đổ tội cho một người

Tiến sỹ triết học, nhà nghiên cứu Phật giáo Thái Kim Lan trước hết phản biện một số quan điểm liên quan Hòa thượng Thích Trí Quang và nêu quan điểm về bản chất tình hình chính trị của giai đoạn lịch sử hơn một nửa thế kỷ trước, có liên quan tới các phong trào Phật giáo ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, bà nói:

“Trước hết, tôi muốn nói như thế này là nhận định lịch sử phải khách quan và rất kỹ lưỡng, bình tĩnh nữa. Bởi vì nếu chúng ta dùng chữ sai, thì sai một li là đi một dặm. Dùng chữ “tiếp tay”, là tôi không đồng ý.

“Ví dụ như dùng chữ tiếp tay là cuộc vận động Phật giáo, hoặc là Hòa thượng Thích Trí Quang đã tiếp tay cho Cộng sản, tôi không đồng ý. Tôi không đồng ý ở cái chỗ trong lúc cuộc vận động Phật giáo xảy ra, thì mục tiêu của Phật giáo lúc ấy rất là hòa hoãn, chỉ muốn chính quyền ông Diệm chấp nhận sự bình đẳng tôn giáo.

“Và chấp nhận thứ hai là những nạn nhân của cái đêm Phật đản phải được bồi thường, chính tôi là một trong những người đi tuyệt thực để đòi sự thực thi công bằng như vậy.

“Thì trong mục tiêu này, không bao giờ có vấn đề tiếp tay cho Cộng sản một chút nào cả, nếu có sự tiếp tay, thì có thể những chuyện xảy ra là sau này, mà đó là xảy ra bên ngoài, chứ không phải là tự thân của cuộc vận động 1963. Thành thử chữ “tiếp tay”, chúng ta nên cẩn thận để sử dụng.

“Điểm thứ hai là vấn đề lật đổ ông Ngô Đình Diệm không có ở trong chương trình của cuộc vận động 1963, mà chúng tôi khẳng định là mặc dù có nhiều cái giải thích khác nhau, nhưng mục tiêu và cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức chỉ muốn đánh động sự công bằng, tinh thần công bằng mà ông Ngô Đình Diệm và chính quyền Ngô Đình Diệm nên chú trọng.

“Chứ không phải là có tính cách lật đổ chính trị. Chính trị là người Mỹ làm và chính trị là các tướng lãnh, nhưng mà thực ra chính quyển đã đẩy. Nếu chúng ta đọc lịch sử một cách đúng đắn và có tư liệu hẳn hoi, thì chúng tay thấy rõ ràng là chính quyền càng ngày càng đẩy người Phật tử cũng như quần chúng không đứng về phe của chính quyền nữa.

Tổng thống Ngô Đình DiệmGETTY IMAGES Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc cho rằng đã thiên vị Công giáo và ngược đãi, đàn áp Phật giáo

“Bởi vì chính quyền đã buộc tội, cáo buộc tất cả đều là Cộng sản, mà chúng tôi thực sự lúc đó là sinh viên, rất là trong sáng, ngây thơ, không có một chút gì là chúng tôi nghĩ chúng tôi theo Cộng sản cả. Chúng tôi chỉ thấy nhà Chùa và người dân bị đánh đập và tuyệt thực, chúng tôi can thiệp, chúng tôi muốn đứng ra.

“Và đó là một tinh thần tự do ngôn luận, và phải nói đó là một điểm son ở trong chế độ đó, chúng tôi có quyền, chúng tôi đã được nói và chúng tôi được phản đối. Còn về lịch sử, tại sao Việt Nam sau này rơi vào tay như các ngài nói là “tiếp tay để rơi vào tay Cộng sản”, thì chúng ta phải hỏi tất cả những nhà cầm quyền kế tiếp – trách nhiệm của họ thế nào? Tất cả những hành động của người Mỹ như thế nào?

“Chúng ta không thể nào nói một cách võ đoán được để mà buộc tội một người được!,” Tiến sỹ Thái Kim Lan nói.

‘Chánh pháp và hành động

Từ Paris, Pháp, ông Võ Văn Ái, một nhà biên khảo và hoạt động Phật giáo chia sẻ quan điểm của mình, đặc biệt về những câu hỏi đặt ra về “sự im lặng” sau 30/4/1975 của Hòa thượng Thích Trí Quang, ông nói:

“Chúng ta có thể biết rất rõ phê bình đó, khi nhìn rằng tất cả những người khác, hay những đảng phái, hay những nhóm bè đứng lên tranh đấu, tố cáo này kia đã đưa lại cái gì cho đất nước Việt Nam? Chúng ta vẫn nằm dưới một chế độ độc tài cộng sản.

“Thì dù có nói lớn hay không nói lớn, vẫn chưa ai làm được gì cả. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, thì trong thuật ngữ Phật giáo có một câu nói rằng: nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp.

“Nghĩa là ngài có nói năng, có phê bình, có xuống đường, có biểu tình, hay là không có tất cả những việc đó, tất cả những điều đó đều là Chánh pháp, chân lý của Đạo Phật.”

Nói về chuyển động của các phong trào Phật giáo trước đây ở miền Nam Việt Nam từ sau mốc 30/4/1975, ông Võ Văn Ái bình luận thêm:

Việt NamGETTY IMAGES Một cuộc biểu tình của các tu sỹ Phật giáo yêu cầu lãnh đạo chính quyền từ chức (Thượng tọa Thích Trí Quang ngồi chắp tay ở bìa trái)

“Sau năm 1975, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ở Bình Định và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục con đường đòi hỏi công lý và hòa bình cho dân tộc.

“Tất nhiên, không có một sự im lặng, không có một sự thối lui, không có một sự khuất phục nào cả.”

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Triết học và Phật giáo Thái Kim Lan nói thêm:

“Câu cuối cùng của tôi là như thế này, sự im lặng của ngài Thích Trí Quang không phải là sự im lặng. Ông làm việc. Và ông làm việc theo một cách khác. Ông dịch sách và ông đã để lại một gia sản đồ sộ về kinh sách Phật giáo cho người Phật tử.

“Và ông giữ vững quan điểm của mình là sự im lặng này vượt lên trên hết tất cả các tranh cãi mà toàn là giả thuyết và ông không bao giờ trả lời,” bà nói với Bàn tròn của BBC News Tiếng Việt.

 

Tranh đấu của sinh viên Huế là trong sáng? Im lặng của Thầy Trí Quang là theo Chánh pháp? Các vấn đề còn lại của người trong cuộc

Gellert Nguyễn

18-11-2019

Trong cuộc thảo luận do Ban Việt Ngữ của đài BBC tổ chức về sự im lặng của Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch, Tiến sĩ Thái Kim Lan và Giáo sư Võ Văn Ái, hai nhân vật quan trọng am tường về phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 đã lên tiếng.

Ngoài việc tán dương công đức của người quá cố trong việc đóng góp cho Phật giáo, cả hai đã giải thích về tinh thần tranh đấu sinh viên Huế và thầy Trí Quang, đặc biệt nhất là biện minh cho sự im lặng sau năm 1975 của thầy Trí Quang. Qua sự trình bày này, thay vì làm sáng tỏ nội dung, nguợc lại, cả hai tạo thêm nhiều vấn đề mới cho người trong cuộc và các thế hệ hậu sinh đang muốn tìm hiểu sự thật lịch sừ.

Tranh đấu của sinh viên Huế là trong sáng?

Tiến sĩ Thái Kim Lan nói: „Chúng tôi thực sự lúc đó là sinh viên, rất là trong sáng, ngây thơ, không có một chút gì là chúng tôi nghĩ chúng tôi theo Cộng sản cả. Chúng tôi chỉ thấy nhà Chùa và người dân bị đánh đập và tuyệt thực, chúng tôi can thiệp, chúng tôi muốn đứng ra…“

Ngược lại, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học Sư phạm, Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên Liên khoa Đại học Huế, trong bài viết “Lãnh tụ tối cao“ trình bày khác với tinh thần trong sáng của bà Lan nêu.

“Huế hình thành nhiều tổ chức, bao trùm là Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng, bên dưới có nhiều tổ chức tập hợp quần chúng theo ngành nghề như Lực lượng Giáo chức, Lực lượng Tiểu thương, Lực lượng Xích lô…, tất cả đều chịu sư chi phối của Phật giáo… Hội đồng Sinh viên ra một tuyên cáo đọc trên Đài phát thanh, yêu cầu các lính Mỹ này trong vòng 24 giờ phải đến công khai xin lỗi, nếu không Hội đồng Sinh viên sẽ không bảo đảm tính mạng cho người Mỹ…“

Tiến sĩ Thái Kim Lan nói: „Mục tiêu của Phật giáo lúc ấy rất là hòa hoãn, chỉ muốn chính quyền ông Diệm chấp nhận sự bình đẳng tôn giáo. Vấn đề lật đổ ông Ngô Đình Diệm không có ở trong chương trình của cuộc vận động 1963“ …

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự kể lại, khi gặp Thích Trí Quang: “Tôi (TTQ) nói để các anh hiểu rõ hơn. Ngay từ khi phát khởi cuộc tranh đấu, tôi đã liên kết với Tướng X để sửa soạn một cuộc đảo chánh bằng quân sự. Gần đây, tôi nhận thấy rằng uy tín và thế lực của Tướng X chưa đủ để đảo chánh. Ông ta chỉ có một số sĩ quan thân cận ủng hộ nhưng không có sự ủng hộ rộng lớn của toàn thể binh sĩ và nhất là không lôi kéo được các tướng lãnh khác. Đó là điều khá nguy hiểm nếu không sớm nhận ra. Do đó tôi định biến cuộc đảo chánh bằng quân sự thành một áp lực chính trị rộng lớn và lâu dài để làm cho Chính quyền Trung ương nao núng. Lúc đó, ta có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hòa hơn. . .“

Cả hai người là sinh viên cùng thời tranh đấu chung với nhau mà nhận định khác nhau, làm sao hậu thế hiểu được vấn đề? Xin đề nghị cả hai tranh luận công khai.

Im lặng của Thầy Trí Quang là đúng theo chính pháp?

Giáo sư Võ Văn Ái bình luận: “Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, thì trong thuật ngữ Phật giáo có một câu nói rằng: Nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp. Nghĩa là ngài có nói năng, có phê bình, có xuống đường, có biểu tình, hay là không có tất cả những việc đó, tất cả những điều đó đều là Chánh pháp, chân lý của Đạo Phật“.

Ông Ái đã trích dẫn câu nói này đúng về nội dung nhưng áp dụng với mục đích là để bào chữa cho sự im lặng của Thượng Toạ Thích Trí Quang. Hai trường hợp nói năng trước và im lặng sau năm 1975 khác biệt nhau, không thể so sánh với trường  hợp của Đức Phật.

Giáo lý Phật giáo kể đến trường hợp Đức Phật im lặng trước các câu hỏi siêu hình như vũ trụ, không gian và thời gian. Đức Phật  không muốn gây rắc rối, hoang mang cho Phật tử mà Phật tử phải nên lo tìm cách tu tập trong thực tế. Đức Phật chỉ có giảng thuyết các chuyện siêu hình và phô diễn phép thuật thần thông trước một số đệ tử tin cẩn.

Trường hợp Hòa thượng Thích Trí Quang là dấn thân vào trong chính trị, nếu nói theo ngôn ngữ Phật giáo, tức tạo nghiệp trong thế gian, không phải là chuyện siêu hình. Vấn đề im lặng lả khác hẳn theo mục tiêu của Đức Phật. Im lặng của Hòa thượng Thích Trí Quang là né tránh trách nhiệm trước lương tâm và lịch sử trước các biến động do mình gây ra. Những thế hệ hậu sinh cần tìm hiểu diễn biến mà không kết án hay ca ngợi bất cứ ai. Lập luận của ông Ái không thể thuyết phục.

Ông Ái nói: “Sau năm 1975, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ở Bình Định và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục con đường đòi hỏi công lý và hòa bình cho dân tộc… Tất nhiên, không có một sự im lặng, không có một sự thối lui, không có một sự khuất phục nào cả“.

Việc tranh đấu của hai Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ không liên hệ gì đến việc im lặng sau này của Hòa thượng Thích Trí Quang. Phật tử cũng có thể suy đoán là không có sự ủy nhiệm tranh đấu nào của Hòa thượng Thích Trí Quang cho Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ cho sự phục hoạt của Viện Hoá Đạo Ấn Quang. Nếu có, xin ông Ái hãy chứng minh.

Hơn bất kỳ ai hết, ông Ái phải tự hỏi là tại sao Hoà thượng Thích Trí Quang không lên tiếng sau khi chân bị bại liệt và phải ngồi xe lăn, đã được Cộng Sản phóng thích ra khỏi tù năm 1977. Các pháp nạn sau năm 1975 còn trầm trọng hơn trong năm 1963 và 1966. 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2/11/1975 tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ là một trong muôn ngàn thí dụ cần làm sáng tỏ.

Tinh thần vô uý của Hoà thương Thích Trí Quang trong năm 1963 và 1966 và vô ưu sau 1975 có những lý do chiến lược mang tính thời cơ. Đó chính là khôn ngoan trong gọng kìm lịch sử, không phải là nói năng và im lặng theo chánh pháp, một vấn đề còn lại cho ông Ái cần phân biệt.

***

Giáo sư Võ văn Ái và Tiến sĩ Thái Kim Lan là hai bậc tôn giả có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho Phật giáo ở trong nước và hải ngoại, cả hai tán thán công đức cho người quá cố là một chuyện phải đạo. Nhưng vấn đề là cả hai làm sao thuyết phục hơn cho những người ngoại cuộc và hậu thế là chuyện quan trọng cần được thảo luận sâu rộng. Trong tinh thần khách quan và tương kính, dư luận sẽ phán xét các nỗ lực này.

Trân trọng.

 

 

Thượng toạ Trí Quang trong bão tố chính trị và đạo pháp

Phật giáo Việt NamGETTY IMAGES Ngày 31/3/1975: Nhà lãnh đạo Phật giáo quyền lực nhất Nam Việt Nam, Thích Trí Quang (bìa trái) biểu tình đòi Tổng thống Thiệu từ chức. Trí Quang dẫn đầu một cuộc biểu tình của các nhà sư, giáo sĩ và cư sĩ. Thích Trí Quang được cho là đã góp phần cho việc lật đổ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963

Hoà thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch hôm 8/11/2019 tại chùa Từ Đàm, Huế, sau 96 năm ở cõi trần.

Ông sinh ngày 21/12/1923 tại làng Diêm Điền thuộc tỉnh Quảng Bình, với tên khai sinh là Phạm Quang.

Sự kiện ông qua đời đã làm xôn xao lên những tiếc thương cũng như bình phẩm về con người và vai trò của ông trong dòng lịch sử cận đại Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.

Chùa Từ Đàm, nơi ông trút hơi thở cuối đời cũng là chiếc nôi của Phong trào Phật giáo miền Trung với cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo vào năm 1963.

Khởi đi từ Huế vào tháng 5/1963 bằng nhiều cuộc biểu tình với chư tăng đem bàn thờ Phật xuống đường phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đề cao Công giáo và phân biệt đối xử với đạo Phật trong sự kiện treo cờ tôn giáo.

Khi một người anh của ông Diệm là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục tổ chức mừng 25 năm ngày nhận chức linh mục thì cờ Công giáo được treo ở nhiều nơi trong cố đô Huế. Sau đó đến lễ Phật Đản thì lại có lệnh không cho treo cờ phật giáo tại những nơi không phải cơ sở tôn giáo.

Trong một cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế với nhiều nghìn người tham dự và đã có hai tiếng nổ lớn khiến tám người thiệt mạng. Ai đã gây tử vong thì có những thông tin khác nhau. Phía tranh đấu cho rằng lính của Thiếu tá An ninh Đặng Sĩ gây ra. Phía chính quyền phủ nhận và cho Việt Cộng là thủ phạm.

Marguerite Higgins trong tác phẩm “Our Vietnam Nightmare” [Harper & Row 1965] có ghi nhận tại phiên xử Thiếu tá Đặng Sĩ liên quan đến tử vong tại đài phát thanh Huế ngày 8/5/1963, bác sĩ Lê Khắc Quyến, một phật tử, khám nghiệm nạn nhân thì người bị mất tay chân, người mất đầu, vết thương chỉ từ ngực trở lên. Theo tác giả, tử vong do một loại bom có sức công phá cực mạnh, hơn là lựu đạn MK III mà lính đã bắn để giải tán biểu tình, vì các chuyên gia biết rằng vũ khí đó khó gây chết người. Đó có lẽ là chất nổ plastic mà du kích Việt Cộng thường dùng trong những vụ đặt bom nơi đông người thời đó, theo nhận định của bà Higgins trong sách.

Những biến động tại Huế xảy ra trong lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm đang phải đối đầu với khủng hoảng nội bộ, với áp lực từ đồng minh Hoa Kỳ và đe doạ an ninh lãnh thổ từ cộng sản.

Phong trào Phật giáo Tranh đấu không chỉ đem bàn thờ Phật xuống đường mà còn có những nhà sư, tăng ni tự thiêu để phản đối. Dư luận trong và ngoài nước chú ý nhất là vụ tự thiêu của Thượng toạ Thích Quảng Đức vào ngày 11/6/1963 ngay giữa thủ đô Sài Gòn.

Một cái chết mà theo Tướng Nguyễn Chánh Thi, là một phật tử, lúc đó đang sống lưu vong bên Cambodia và ghi nhận được: “Bọn Cộng sản cũng gia tăng tuyên truyền thật mạnh tại Campuchia, như tổ chức đưa đám đức Tăng thống Thích Quảng Đức vừa tự thiêu tại Saigon, thả truyền đơn kêu gọi quần chúng tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam…”, theo hồi ký “Việt Nam : Một Trời Tâm Sự” [Xuân Thu 1987] của ông.

Đêm 21/8/1963 lực lượng an ninh của chính phủ tấn công vào các chùa Xá Lợi ở Sài Gòn và Từ Đàm ở Huế, bắt giam nhiều nhà sư và tăng ni với cáo buộc hoạt động cho cộng sản. Thượng toạ Thích Trí Quang trốn khỏi chùa và vào sống trong một cơ quan của chính phủ Mỹ ở Sài Gòn cho đến tháng 11/1963.

Còn nhiều tranh cãi

Nhà sư Thích Trí QuangGETTY IMAGES Nhà sư Thích Trí Quang bên ngoài Dinh Độc lập ở Sài Gòn, nơi ông dàn dựng một buổi biểu tình ngồi cùng với các nhà sư Phật giáo khác Ông yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rút lại một sắc lệnh công nhận phe phái ôn hòa, do lãnh đạo thân chính phủ là Thích Tam Châu, làm Giáo hội Phật giáo chính thức vào năm 1967.

Đến nay những nhận định về vai trò của Thượng toạ Trí Quang trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và các hoạt động liên quan đến chính trị miền Nam của ông vẫn còn nhiều tranh cãi. Ông có phải là người do CIA dựng nên để người Mỹ có cớ lật đổ ông Diệm, hay thượng toạ là người của cộng sản gài vào hàng ngũ Phật giáo?

Người bênh vực thì cho rằng thượng toạ không phải là người của CIA hay của Hà Nội mà chỉ là một nhà tu hành tranh đấu cho Phật pháp được bảo tồn và phát triển trên đất nước Việt Nam, một đất nước bị Pháp đô hộ và mới được trao trả độc lập trong lúc ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo ngày càng lan rộng trong chính trường miền Nam.

Các tài liệu đã được phía Mỹ giải mật cho thấy Thượng toạ Trí Quang không phải là người do Hoa Kỳ dựng nên. Ông đã từng biểu lộ quan điểm chống Mỹ, nghi ngờ thực tâm chống cộng sản của người Mỹ khi muốn can dự vào Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của nguyệt báo Tình Thương, tiếng nói của sinh viên đại học y khoa, vào tháng 5/1966, Thượng toạ Trí Quang nhận định:

“Sau cuộc cách mạng 63, người Mỹ được hưởng ở Việt Nam vô số lợi lộc: gia tăng gấp bội quân số, chiếm được những căn cứ tốt như Đà Nẵng, Cam Ranh; được thêm cả nước Thái Lan. Không chắc người Mỹ thực tâm muốn chống cộng tại Việt Nam, họ muốn duy trì Cộng sản, duy trì cuộc chiến tranh này để thủ lợi. Vì nếu thực tâm người Mỹ muốn, họ có thể làm khá hơn nhiều cục diện bây giờ bằng cách trợ giúp Việt Nam vừa chống cộng vừa xây dựng những căn bản dân chủ hơn là nâng đỡ những chính phủ tay sai. Điển hình là vụ Đà Nẵng vừa qua.”

Còn cho rằng thượng toạ muốn đưa Phật giáo lên hàng quốc giáo như thời Lý – Trần, khi ông thúc đẩy có bầu cử quốc hội để toàn dân tham gia bầu chọn một chế độ đại nghị mà phần thắng sẽ là đa số đại biểu đạo Phật, Thượng toạ Trí Quang trả lời:

“Quan niệm đó không những không có lợi gì mà còn làm mất Danh Dự của Phật giáo. Tôi hoàn toàn không mong muốn như vậy. Kinh nghiệm cho thấy với những chính phủ tạm thời dù được hậu thuẫn của tôn giáo này hay tôn giáo khác chỉ cần những cuộc biểu tình vài trăm người cũng đủ sụp đổ. Như một chính phủ thành lập do hậu thuẫn của Phật giáo sẽ gặp ngay những khó khăn với các tôn giáo bạn, không làm được việc gì mà chính Phật giáo lại mang tiếng. Bởi vậy Phật giáo không bao giờ muốn tái diễn nhưng lỗi lầm của thời ông Diệm.

Tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo chỉ muốn xây dựng một cái gì thực sự cho quốc gia dân tộc trong đó không phải chỉ có những Phật tử mà là cả những thành phần Tôn giáo bạn và các tầng lớp dân chúng. Quốc hội, Chính phủ sẽ không đại diện cho một ưu thế riêng nào mà là đại diện xứng đáng của dân chúng.”

Về đảo chính 01/11/1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, có phải vì những cuộc biểu tình của Phật giáo mà Hoa Kỳ đã tiến hành việc loại bỏ lãnh đạo nhà Ngô?

Với sự kiện cấm cờ tôn giáo, phe chống chính phủ cho rằng ông Diệm kỳ thị tôn giáo. Tác giả Geoffrey D.T. Shaw ghi nhận trong tác phẩm “The Lost Mandate of Heaven” [Ignatius Press 2015] cho là không có chuyện kì thị tôn giáo vì ông Diệm có các cố vấn và nhiều tướng quân đội theo đạo Phật. Trong chính quyền có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu là Phật tử. Nội các năm 1963 có 18 bộ trưởng, trong đó 5 người theo Công giáo, 8 theo Phật giáo và 5 theo đạo Cao Đài.

Sự bất mãn với các chính sách của nhà Ngô đã có từ lâu, khi chính quyền bắt giam và đàn áp các thành viên của nhóm Caravelle sau khi ra nhóm ra tuyên cáo phản đối chính quyền vào ngày 26/4/1960.

Một nhân vận đối lập là bác sĩ Phan Quang Đán của Quốc Dân Đảng, tốt nghiệp Đại học Harvard, dù thắng cử vào quốc hội nhưng không được cho nhận chức vì cáo buộc gian lận bầu cử. Nhiều thành viên Quốc Dân Đảng bị theo dõi, trù dập phải trốn sang Campuchia như bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn.

Ngày 11/11/1960 đã có đảo chánh, nhưng thất bại và người cầm đầu là Đại tá Nhảy dù Nguyễn Chánh Thi đã phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Phát ngôn viên của phe đảo chánh là bác sĩ Phan Quang Đán bị bắt, kết án tù và đày ra Côn Đảo.

Ngày 27/2/1962 hai sĩ quan Không quân Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom xuống Dinh Độc Lập nhắm giết ông Diệm nhưng không thành và cũng chạy sang Campuchia.

Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, cũng là người Quốc Dân Đảng, bị bắt giam khiến ông tự tử trong tù vào đúng ngày kỷ niệm chấp chánh của ông Diệm, 7/7/1963.

‘Bối cảnh và căn nguyên lịch sử’

Tổng thống Ngô Đình DiệmGETTY IMAGES Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc cho rằng đã thiên vị Công  giáo và ngược đãi, đàn áp Phật giáo

Từ đầu năm 1961 một số nhà làm chính sách của Hoa Kỳ nhận định các chính sách chống cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm không hữu hiệu nên du kích cộng sản gia tăng hoạt động, phá hoại ở nhiều nơi. Trong khi đó còn có tin chính quyền của ông Diệm, qua ông Ngô Đình Nhu, đã liên lạc với Hà Nội để tìm cách giải quyết vấn đề thống nhất đất nước.

Để ngăn chặn cộng sản lan tràn ở Đông Á, Hoa Kỳ muốn đem quân chiến đấu vào Việt Nam mà Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đề nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm khi hai lãnh đạo gặp nhau trong Dinh Độc Lập vào tháng 5/1961.

Vấn đề chống cộng sản nhìn qua lăng kính của cuộc Chiến tranh Lạnh thì Hoa Kỳ là đối nghịch với khối cộng sản do Liên bang Xô-Viết và Trung Cộng đứng đầu. Tây Âu bị Liên Xô đe doạ, Đông Á thì bị Trung Cộng.

Ở châu Á cộng sản mở rộng hoạt động ở Malaysia, Hàn Quốc, Thailand, Philippines, Indonesia. Châu Mỹ có Cuba và Cộng hoà Dominican ngay gần Mỹ làm quan ngại cho Hoa Kỳ nên đã có vụ tấn công Vịnh Con Heo ở Cuba năm 1961.

Tháng 4/1965 lính Mỹ đổ bộ vào Cộng hoà Dominican vì lo ngại cộng sản sẽ chiếm chính quyền tại đây.

Trước đó ít hôm, ngày 8/3/1965 Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, cũng với mục đích ngăn chặn cộng sản bành trướng, mà giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà đâu đã yêu cầu, theo ghi nhận của ông Bùi Diễm trong tác phẩm “In the Jaws of History” (Gọng kìm Lịch sử) [Indiana Uni. Press 1987]. Ông Diễm lúc đó là Đổng lý Văn phòng của Thủ tướng Phan Huy Quát.

Ngăn chặn cộng sản bành trướng là chính sách của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đầu được ca ngợi như một lãnh đạo sáng chói để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Nhưng ông không muốn lệ thuộc nhiều vào Mỹ, không đồng ý cho Hoa Kỳ đưa lính chiến đấu vào Việt Nam.

Ba lực lượng muốn loại bỏ ông Diệm lúc đó là Hà Nội, Washington và Phong trào Phật giáo miền Trung.

Người Mỹ chỉ muốn loại ông Nhu ra khỏi chính trường, để ông Diệm tiếp tục lãnh đạo. Tướng Edward Lansdale, một người thân và hết lòng ủng hộ ông Diệm, cuối tháng 8/1963 đã có đề nghị đưa ông Nhu đến Đại học Harvard, cho ông một chức vụ làm cảnh nào đó để giữ ông ở hải ngoại. Ý kiến đó được sự tán đồng của Averell Harriman là phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề chính trị, nhưng Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ là John Kenneth Galbraith, một kinh tế gia từ đại học này và là bạn của gia đình Kennedy thì không mặn mà với đề nghị. Theo tác giả Max Boot trong “The Road Not Taken” [W. W. Norton 2018]

Ông Diệm bị lật đổ vì không muốn người Mỹ can dự quá sâu vào nội tình chính trị miền Nam. Người em là cố vấn Ngô Đình Nhu lại tỏ ra có nhiều quyền hành, mưu lược và không thích người Mỹ, cùng với ý định muốn hai miền Nam, Bắc giải quyết vấn đề với nhau. Bà Ngô Đình Nhu đã nói rằng hai ông Diệm và Nhu đang định thương thuyết với cộng sản thì bị đảo chính.

Ông Diệm có độc tài, nhưng cũng chỉ như lãnh đạo các quốc gia khác trong vùng Đông Á thời đó. Malaysia, Indonesia, Nam Hàn, Đài Loan vào thập niên 1960 đều có những chính quyền độc tài.

nh hưởng và cái kết

Phong trào Phật giáo Việt NamGETTY IMAGES Phong trào Phật giáo Việt Nam ở miền Trung và miền Nam đã có những giai đoạn rất sôi động trong thập niên 1960 và trước 30/4/1975

Nếu mục đích của Thượng toạ Trí Quang là đòi lật đổ chính quyền độc tài để có được bình đẳng cho phật giáo, thì sau khi ông Diệm bị giết và các chính phủ kế tiếp không còn có chính sách phân biệt tôn giáo, nhưng Phong trào Phật giáo Miền Trung vẫn tiếp tục xuống đường chống lại các chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh, của ông Trần Văn Hương, của Tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Năm 1966 khi Tướng Nguyễn Chánh Thi bị cắt chức Tư lệnh Quân đoàn I, miền Trung, với sự hậu thuẫn của Phật giáo miền Trung, các nhóm chống đối chính quyền đã chiếm đóng nhiều nơi trong ba tháng và sắp trở thành một vùng li khai tự trị. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ phải ra tay dẹp.

Trong hồi ký “Twenty Years and Twenty Days” (Hai chục năm và hai chục ngày) [Stein and Day 1976] ông Kỳ nhận xét:

“Trí Quang là một người cứng rắn, đưa ra những tuyên bố sẵn sàng chiến đấu.”

Về phong trào tranh đấu của Phật giáo ở miền Trung, ông viết:

“Nhiều Phật tử đang muốn cắt miền Nam ra làm hai – và họ sắp đạt được mục đích, điều mà Việt Cộng đã thất bại. Vì những nhà sư không thể nắm quyền, nên các lãnh đạo Phật giáo chỉ mong là chắc chắn những con rối của họ sẽ làm những gì họ muốn.”

Dẹp xong vụ nổi loạn miền Trung, tướng Kỳ bắt Thượng toạ Trí Quang đem về Sài Gòn và giao cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài săn sóc tại một trung tâm y tế ngay giữa thủ đô, không cần cho cảnh sát hay an ninh canh gác. Nhưng ông Kỳ cảnh cáo sẽ “bắn bỏ (bác sĩ Tài) cùng vợ con và gia đình” nếu thượng toạ trốn thoát hay bác sĩ để ông bị bệnh nặng.

Suốt một thập niên sau đó, Thượng toạ Trí Quang là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trường miền Nam. Nhiều chính trị gia tham vấn ông khi ra tranh cử hay đề xuất chính sách.

Cho đến những ngày sau cùng của Việt Nam Cộng hoà ông còn xuống đường đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.

Tổng thống Dương Văn Minh, vị lãnh đạo hai ngày của Việt Nam Cộng hoà, trước khi có quyết định đầu hàng cộng sản miền Bắc cũng đã xin thỉnh ý của thầy.

Chuyện gì xảy đến với Thượng toạ Trí Quang sau ngày 30/4/1975? Theo Tướng Nguyễn Cao Kỳ viết trong tác phẩm “Buddha’s Child” [St. Martin’s Press 2002] thì thượng toạ bị cộng sản giam tù nhiều năm và khi ông Kỳ ngồi viết tác phẩm này thì nhà sư một thời tranh đấu đã được tự do và có sức khoẻ tốt.

Trong sách “The Third Force in the Vietnam War” [IB Tauris 2017], Sophie Quinn-Judge ghi lại lời kể của Nguyễn Hữu Thái, một lãnh đạo của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn với quan điểm ủng hộ phật giáo tranh đấu và cũng là người có mặt tại đài phát thanh Sài Gòn trong khoảnh khắc Tướng Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Ông Thái nói với tác giả rằng sau 30/4/1975 ông có nhận được lời nhắn của Thượng toạ Trí Quang khuyên ông “bây giờ Cách mạng cần người mới và chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không còn cần thiết nữa. Đừng liều lĩnh quá xa.”

Thượng toạ Trí Quang sau ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn im tiếng cho đến khi qua đời, cho dù Phật giáo bị cộng sản Hà Nội thẳng tay đàn áp, nhiều lãnh đạo của Giáo hội bị giam.

Điều đó tiếp tục gây tranh cãi về vai trò của ông trong những biến động chính trị tại Việt Nam.